Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

#1. "Đàn ông ai cũng khốn nạn" có phải là một khuôn mẫu tiêu cực (stereotype)?


Bạn đã bao giờ nghe một người phụ nữ tâm sự với bạn về một lần bị một người đàn ông xâm hại tình dục và kết luận rằng: "Đàn ông ai cũng khốn nạn." chưa? Và nếu vậy, bất kể bạn thuộc giới nào, bạn đã có bao giờ nói: "Không phải tất cả đàn ông đều vậy."? Hay bạn chẹp miệng một câu: "Công nhận."?

Trong trải nghiệm của mình, việc một ai đó vội vàng nói "Không phải tất cả đàn ông đều vậy." vốn luôn là một điều mình cho là phản cảm. Lập luận trong đầu mình là: "Ai cần bạn phải vội vàng bào chữa cho đàn ông thế? Tôi đang nói về trải nghiệm của tôi cơ mà?". Vậy nhưng sau khi học (rất căn bản) về chủ đề "khuôn mẫu tiêu cực" trong lớp Identity, mình lại muốn nhìn nhận lại cách phản ứng này. Liệu cách suy nghĩ "Đàn ông đều khốn nạn" có phải là đang đổ lên phái nam một khuôn mẫu tiêu cực không? Một câu nói nhận định mang tính khái quát và rút gọn một bản dạng thành một nhóm người với một đặc điểm tiêu cực - đúng công thức một khuôn mẫu tiêu cực, phải không? Nếu giả sử người tấn công là phụ nữ chẳng hạn, liệu nạn nhân vẫn có câu đúc kết về câu chuyện như vậy không? Và giả sử nếu có, thì việc người nghe vội vàng nói rằng "Không phải phụ nữ nào cũng vậy đâu.", liệu có bị tiếp nhận với sự ác cảm như với "Không phải tất cả đàn ông đều vậy."? Tại sao trong những câu chuyện này, vấn đề "đàn ông" lại được xem nặng ngang ngửa vấn đề "tấn công"? Liệu đây có phải là một cách nói sai lầm của các nạn nhân tấn công tình dục, và không giúp ích gì trong cuộc chiến chống lại tấn công tình dục?

Về mặt lí thuyết và kĩ thuật mà nói, thì đúng, kết luận rằng "Đàn ông ai cũng khốn nạn" là một câu nói thể hiện niềm tin vào một khuôn mẫu tiêu cực. Về mặt lí thuyết và kĩ thuật mà nói, việc lặp lại một khuôn mẫu tiêu cực là một điều tiêu cực. Thế nhưng, mình muốn đưa ra vài khía cạnh khác, không phải để phủ nhận tính khuôn mẫu tiêu cực của câu nói này, mà là về cuộc đối thoại mang câu nói này.

1. Câu nói này được nói ra bởi một người là một nạn nhân trong một cuộc tấn công. Cảm giác mà kẻ tấn công đem lại, là một đặc điểm nhận dạng của một nhóm người được phóng đại trong bối cảnh một cuộc tấn công. Trong một bài báo đăng tải trên tờ New Yorker về vụ bê bối của Harvey Weinstein(*), một nạn nhân miêu tả rằng "Ông ta chế ngự tôi"/ "He overpowered me." Có thể cách mình dịch "overpower" ở đây chưa thoát ý bằng từ gốc, nhưng mình muốn chia sẻ rằng, mình nhận định "overpower" là một phóng đại của "power" - "quyền lực", một từ gắn với đàn ông. Nếu vậy thì, sau một cuộc tấn công thực hiện bởi một người đàn ông, nạn nhân vẫn đang mang ấn tượng tiêu cực về một đặc điểm gắn với một người đàn ông đã bị phóng đại, mình cho là có thể giải thích được.

2. Yếu tố nào mới là yếu tố chủ chốt trong cuộc chiến chống lại tấn công tình dục? Mình nghĩ rằng dù câu nói "Đàn ông ai cũng khốn nạn" quả thật không mang tính xây dựng, nhưng nhận định về tính chất của nó không phải là cơ sở để kết thúc hay chặn đứng các đối thoại về xâm hại tình dục. Điều gì thực sự kết thúc hay chặn đứng các cuộc đối thoại? Mình cho đó là câu nói "Không phải đàn ông ai cũng vậy.". Bởi khi câu nói đó được nói ra, cảm xúc của người tiếp nhận câu nói sẽ dừng lại ở bối rối. Nếu không phải đàn ông ai cũng vậy, thì liệu mình có nên tiếp tục nói về cuộc tấn công mình đã trải qua, tổn thương thể chất và sang chấn tâm lí mình đã trải qua? Nhận định của mình vừa bị nói là sai lệch, liệu mình có nên tiếp tục lên tiếng về tai nạn của mình? Liệu người mình đang đối thoại, có vì cảm giác hiện tại của mình, mà không muốn lắng nghe và giúp đỡ mình nữa? Có lẽ nào...nên thôi?

Và chẳng phải đó là một lần bị chặn lại, trong cuộc chiến của một người sao?

Mình quyết định viết bài viết này, bởi ngày hôm nay mình đã được đọc một bài xã luận(**), và rất ấn tượng bởi một câu văn trong đây: "Nên vâng, không phải tất cả đàn ông, nhưng có phải với mỗi phụ nữ."/"So yes, not all men but every woman. " .Không phải tất cả mọi người đàn ông một người phụ nữ quen biết đều khốn nạn, nhưng tất cả mọi người phụ nữ một người phụ nữ quen biết, đều đã là nạn nhân của xâm hại tình dục. Sẽ có một lúc phù hợp, để chúng ta thảo luận về "Đàn ông ai cũng khốn nạn.". Nhưng không phải là khi người nói đang nói với tư cách là nạn nhân của một vụ xâm hại. Và nếu bạn biết vậy, câu trả lời của bạn, đối với câu nói mang khuôn mẫu tiêu cực "Đàn ông ai cũng khốn nạn.", sẽ là gì vậy?


---
Chú thích và trích dẫn:
(*): Ronan Farrow. From Aggressive Overtures to Sexual Assault: Harvey Weinstein's Accusers Tell Their Stories. 2017. The New Yorkers.

(**): Fawul Himahayaa Hareed. Not All Men, But Every Woman -Here's Why #NotAllMen Doesn't Matter. 2020.  Medium.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top