Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

GoFushi | sáng mai tỉnh dậy, tôi lạc vào hư không.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Người ta bảo cậu Năm khờ.

Khờ là khờ thế nào? Gia cảnh cậu khá, nhà giàu nhất nhì tỉnh, được ăn học đàng hoàng, lại đẹp lắm, thiếu nữ trong tỉnh nhiều người mê cậu. Cả đời cậu sống sung túc, dư dả, nhưng mà cậu ghét cái ngữ công tử nhà giàu người ta gán cho mình. Cậu Năm đòi đi kháng chiến, mẹ cậu không cho, lần nào cậu ăn vạ bà cũng khóc hết nước mắt, còn cha cậu dẫu biết yêu nước là tốt, nhưng nhà chỉ có mỗi mụn con, nên cũng lắc đầu.

Một đêm nọ, người ta thấy nhà cậu bật đèn sáng trưng, rồi cả nhà lục tục, mẹ cậu chưa kịp mang cả dép, hốt hoảng chạy vụt ra đường. Gia đình không cho đi kháng chiến, thì cậu trốn mà đi. Cũng may sao cậu mới đi chưa được bao xa lại gặp người quen, rõ ngay là cậu bỏ nhà, nên giữ rịt cậu lại, đánh điện về nhà cậu. Mẹ cậu được một phen tá hỏa, thất kinh hồn vía. Cậu Năm phải về, nhưng cậu ấm ức trong lòng. Cậu bỏ ăn, bỏ ngủ cả tuần, mẹ cậu xót con, miễn cưỡng gật đầu. Thấy thế, cậu khoái chí lắm, xách ba lô đã soạn sẵn trong góc tủ đi ngay tắp lự.

Mẹ cho đi, nhưng bà không cho cậu tham chiến, chỉ gửi cậu cho Sở chỉ huy, cũng là chỗ quen biết, nhờ họ quản cậu. Lúc đầu cậu Năm khó chịu ra mặt, nhưng sau khi gặp một người lính thương tích đầy mình mẩy nằm ở Trạm quân y, anh bảo, cậu đừng đi, cậu biết chữ, cậu đừng phí tài trên tiền tuyến, chúng tôi hiến thân mình cho Tổ quốc, còn cậu hiến trí lực cho nhân dân, cậu về dạy lấy con chữ, xóa mù cho dân, chữ nước mình thì phải giữ, đừng để bọn thực dân tẩy não. Từ đó trở đi cậu ngoan ngoãn hẳn, song cũng không chịu ở yên trong Sở, mà hôm nào cũng đóng cọc ở Trạm quân y. Cậu ở đó học lỏm mấy ngón nghề băng bó, thoa mỡ cho thương binh.

Lại nói, cha mẹ cậu ở nhà sốt ruột chịu không được. Hôm nào mẹ cậu cũng viết đến dăm lá thư gửi bưu điện đường dài, rồi truyền qua tay giao liên nữa mới đến được tay cậu. Thành ra lúc đến được tay cậu về ngược tay bà, bà cũng chẳng nhớ mình hỏi con cái gì. Mà chuyện ấy cũng chẳng quan trọng mấy, bà nghe giọng thư cậu hí hửng cũng an tâm.

Trong những ngày cậu ở Trạm, cậu gặp Huệ, liên lạc của bộ đội. Hôm ấy trời bốc hỏa, Huệ vác thân gầy rộc đi vào, cánh tay bị đạn sượt qua máu chảy ướt cả áo, mà Tần - vốn là người băng bó, chăm sóc cho các chiến sĩ - lại chẳng thấy đâu. Nên cậu đành dìu em vào, rửa vết thương, thấy cậu lúng túng, em bảo.

"Anh làm được không? Nếu không được thì cứ để em tự băng, vội quá, không chờ chị Tần được nữa", nói rồi em trỏ vào cái cặp phồng lên vì thư từ, "có một bà nào ngoài bắc gửi cho con ở Sở, nhiều lắm, em phải đưa cho được."

"Gửi cho ai thế?"

Năm xắn tay áo, ngẩng lên, đoạn bắt đầu quấn băng mấy vòng quanh vết thương. Cậu nắm tay em trong lòng bàn tay mình, thấy nhỏ hơn tay cậu đến quá nửa. Trông thế này, áng chừng em cũng mới mười một, mười hai thôi. Trẻ con ở chỗ cậu có đứa nào gầy thế đâu, Năm thở dài.

"Gửi cho anh nào đấy tên Năm."

Huệ lật phong bì, đáp, cậu gật gù. Dẫu biết thừa là tên mình, nhưng cũng cứ nhắm mắt làm ngơ. Giờ mà cậu thật thà thú nhận thì không hiểu sao thấy tiếc, bởi nếu em biết thì em chỉ đưa mỗi thư cho cậu xong lại quày quả đi theo tiếng gọi Cách mạng. Cậu muốn giữ em lại chút, chẳng hiểu vì sao, mà thật ra, cậu cũng không cần biết đến lý do nữa. Năm lề mà lề mề làm Huệ hơi sốt ruột, em giục Năm băng cho nhanh lên, thì cậu cười giả lả, bảo anh là lính mới, em thông cảm, rồi hỏi, em năm nay bao nhiêu.

"Em mười lăm."

Gì? Mười lăm mà đứng chưa đến vai anh à? Cậu lắc đầu, nói em về ăn nhiều vào, cho béo lên, em gầy thế này... Rồi anh lại hỏi tiếp, dù ruột gan em đang sôi sùng sục vì sao mà cái anh người mới này nói nhiều quá không để em đi, hỏi em tên gì, nhà ở đâu.

"Em tên Huệ. Em không có nhà. Nhà em mất rồi."

Ra vậy, em là con của Tổ quốc. Cậu nhìn vào cẳng chân những xương là xương của em, nắn nắn mấy hồi, lại lắc đầu lần nữa. Huệ gỡ tay anh ra, bảo thôi em đi, quá trưa rồi, em còn phải về báo cáo. Năm vào lấy cho em tông nước, quay ra nói cho anh xin mấy bức thư "gửi cho anh nào đấy tên Năm".

"Anh xin nhé, thư của anh. Anh là Năm."

Lúc em đi tới cửa, anh gọi với theo, cười toe toét.

"Lần sau em đến nữa nhá, anh muốn nghe em kể chuyện. Em ghé qua mỗi ngày anh càng thích."

Huệ cũng đáp.

"Không, không được. Độ rày bận lắm, bọn em chạy đi chạy lại nhiều, nhưng nếu rảnh thì em sẽ sang chơi với anh."

-

Năm chờ em rệu cả người. Cậu cũng nghe Tần bảo dạo này mấy đứa giao liên nhọc lắm, nhưng mà cậu buồn, ai trách được? Nói chuyện với mấy anh chiến sĩ nhiều, cậu càng hiểu chiến tranh khổ lắm, mà vô nghĩa quá. Tội tình gì người nông dân phải chết mà bỏ hoang đồng ruộng, tội tình gì mà dân mình phải đói, phải nhẫn nhịn dưới gót giày của bọn Tây. Nghe xong, cậu ngẫm nghĩ, giá mà cậu không lên đây, cậu nhiều khi cũng không hiểu hết được cơ cực. Rồi lại thở dài não lòng. Cậu cứ mong Huệ đến, cái chết lúc nào cũng treo tòng teng trên đầu mấy đứa nhỏ làm liên lạc. Cậu nóng ruột, cậu đứng, cậu ngồi, cậu ngủ, không lúc nào là không nghĩ tới Huệ.

Thế rồi vào hôm thứ bảy, em đến thật, lành lặn, khỏe khoắn, vai vẫn mang chiếc cặp da đựng đầy thông tin trong đó. Cậu mừng phát khóc.

Đấy là cái hôm Năm nghe được nhiều hơn về em.

Trước thì em cũng có nhà chứ không lang thang đầu đường xó chợ, sau cha mẹ em bị Tây giết, em về ở với cậu ở dưới xuôi. Nhưng cậu em không làm Cách mạng, phỉ báng người Việt Nam, Huệ tức mình, bỏ đi không nói lấy một lời, làm trẻ con của đường phố. Độ ấy em quen thêm nhiều đứa khác cũng rong ruổi khắp phố phường. Cũng lắm bận đói, nhưng Huệ chỉ cướp của bọn bán nước theo Tây, còn người Việt mình buôn bán sáng trưa, đói mấy em cũng nhịn.

Rồi Huệ cười phá lên, em bảo em nhớ hồi trước quá. Lúc em còn cù bơ cù bấc ở chợ, em gặp cái thằng công tử nhà giàu, hết chê bai Tổ quốc, rồi bảo dân mình dại, theo Tây thì bớt khổ, mà cứ kháng chiến trường kì làm chi. Máu nóng dồn lên não, cái thân gầy ọp ẹp của em lao thẳng vào nó, em đấm, em đá, rồi chúng bạn của em cũng hưởng ứng. Một chốc sau bọn Tây cầm gậy gộc kéo tới, rủa bọn em bằng thứ ngôn ngữ khốn kiếp mà chúng dùng để tẩy não nhân dân, thì bọn em chạy, chạy mãi, vừa chạy vừa trêu tức cái lũ mọi rợ đằng sau. Đường nước mình, phố nhà mình, chúng có chạy mấy cũng không đuổi kịp. Năm phì cười, bảo em dại, nhưng cái thằng đó, bị đánh là đáng lắm. Nên anh dúi vào tay em gói kẹo, nói về đơn vị thì chia cho bạn với.

-

Dịp khác, Huệ lại đến. Độ này em không thương tích mấy, chỉ xây xát ngoài da do bị ngã. Nhưng trận rồi quân mình thiệt nhiều, lại thêm cái bệnh sốt rét rừng cứ ẩm ương mãi, em đâm ra sầu não. Năm cầm tay em an ủi, cậu cũng vừa nhận được thư mẹ, bà nói Tây bắn rát, muốn cậu về. Cậu khăng khăng bảo không, bởi cậu đã ngoan ngoãn làm cứu tế rồi, bà không được bắt cậu về nữa.

"Huệ, Huệ, Huệ, nếu anh theo Tây thì sao?"

Huệ trợn tròn mắt, giọng đanh lại.

"Theo Tây, có là anh em cũng giết."

Cậu bật cười khanh khách, đùa thế thôi, Năm mà theo Tây thì người đầu tiên chặt chân cậu phải là cha cậu kia. Cha cậu ủng hộ cụ Hồ, ủng hộ cách mạng, ủng hộ bộ đội, nhà cậu đã góp hơn cả tạ gạo cho quân lĩnh, mà ông thì tặc lưỡi, lắc đầu, thế còn ít quá. Năm bẹo má em, đừng giận anh, tay em còn đau kìa.

"Huệ dữ quá."

-

Sáng, Tần lay cậu dậy.

"Biết ông thân với em Huệ lắm nhé. Hôm nay em nó được Sở triệu lên khen. Sao? Ông lên đấy không, khéo bị bắt ở trên đấy luôn thì khổ."

Năm bĩu môi, "Khiếp, ai mà bắt được tôi ở yên một chỗ? Tôi có chân tôi chạy, tôi thích ở đâu thì tôi ở đó, tôi thích gần dân chứ không cần phải ở chỗ bình yên làm gì."

"Rồi, thế húp tạm chén cháo rồi đi. Không trên chỉ huy lại quở bọn tôi không biết lo cho ông."

Cậu xốc lại áo quần, lấy cái nón tai bèo lên đội, Tần chê, "Xấu quá, chẳng hợp. Định đội nón đôi với Huệ à?"

Năm quay phắt lại, tía tai, "Kệ tôi."

Tần thở dài, kìa thứ khó hiểu nhất không phải tâm tình phụ nữ, mà là sóng não của mấy kẻ yêu nhau. Cậu sau khi sửa soạn xong thì phóc đi luôn, đến cả chào Tần cũng quên.

"Chào cậu, nay cậu chịu lên Sở sống rồi à?"

Chú Đồng vẫy tay, trêu Năm, cậu lắc đầu nguầy nguậy, lè lưỡi thay cho câu trả lời.

"Thế Huệ đâu?"

Chú cười lớn, sao, thế hóa ra quý ngài đây đến chỉ tìm một chú nhóc à.

"Thằng oắt được khen trong phòng ấy. Giỏi gớm. Mấy năm nữa có lẽ nó theo chân bộ đội ra chiến trường, cậu ạ."

"Tôi thì ước chiến tranh kết thúc trước khi Huệ đủ tuổi."

"Chiến tranh mà cậu, đâu phải ngày một ngày hai là xong chuyện. Mà không tham gia vào chính trận, có khi cũng chết bất đắc kỳ tử. Chẳng ai ngờ được đâu."

Năm láu táu lại gần chú, nói thầm,

"Tôi muốn vài hôm nữa đưa em ấy về nhà chung. Chú xem được không, vài hôm rồi lại lên?"

"Ái chà, để tôi hỏi cấp trên đã, có tin thì tôi báo."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top