Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 23

Trong bữa sáng ngày hôm sau, Darla đề nghị đi đào thêm ngô nhưng cô Edmunds đã thẳng thừng từ chối: "Hai đứa có nhìn thấy đống quần áo bẩn trên sàn nhà tắm không? Chỉ cần thêm một bộ nữa thôi chắc cái sập luôn cái sàn và chúng ta sẽ phải dọn ra nhà kho ở."

Sau khi chăm sóc xong bầy thỏ, mồi thêm lửa cho cả phòng khách và nhà xông khói. Darla và tôi đi gánh nước đổ vào bồn tắm để giặt quần áo. Quần áo của chúng tôi bẩn đến nỗi vừa ném vào nước đã làm nước đục ngầu, Darla còn sợ bùn cát bám trên đó sẽ làm tắc cống.

Chúng tôi phải liên tục giũ quần áo, rửa sạch bồn rồi thay nước, hết lần này đến lần khác. Mỗi lần thay nước, chúng tôi lại phải khệ nệ xách sáu thùng nước nặng trịch từ giếng đi qua sân, qua phòng bếp, vào phòng tắm và đổ vào bồn. Cuối cùng, sau năm lần thay nước, cô Edmunds mới tạm chấp nhận là quần áo đã "đủ sạch" để đem đi phơi. Một sợi dây phơi được căng dọc phòng khách, ngay trước lò sưởi nơi tôi vẫn ngủ hàng đêm. Nước từ quần áo rỏ tong tỏng xuống đi-văng, chiếc giường của tôi.

Sau bữa trưa, cô Edmunds tuyên bố dành nguyên cả buổi chiều để nghỉ ngơi. Cô ấy dự định sẽ đọc sách và ngủ một giấc thật ngon. Darla cau mày nhưng không nói gì. Còn tôi thì đang rất thèm một giấc ngủ trưa.

Nhưng ước mơ ấy của tôi nhanh chóng bị dập tắt. Ngay khi cô vừa cầm quyển sách ngồi xuống ghế, Darla khoát tay gọi tôi, "Giúp tôi một tay nào. Tôi vừa nghĩ ra một việc rất hợp cho buổi chiều nay." Tôi thở dài, đi theo cô ấy ra ngoài sân.

Như mọi lần, giúp Darla có nghĩa là đưa dụng cụ cho cô ấy. Và cũng giống như hôm trước, tôi bị mắng xối xả mỗi khi không hiểu cô ấy cần gì hoặc không đưa được đúng món đồ cô ấy cần. Darla đang nuôi ý định sửa lại con xe chở hàng F250 cũ đang bị vùi quá nửa dưới lớp tro bụi bên cạnh nhà kho.

"Cậu nghĩ sửa được không?" Tôi hỏi.

Giọng cô ấy nghẹt lại đằng sau cái nắp ca-pô. "Khó lắm, chắc không. Tôi đã cố lái vài lần trước khi tro bụi phủ quá dày. Bộ lọc khí bị bịt kín hết rồi, mà tôi chẳng có cái sơ-cua nào. Chưa kể giờ bụi tro chắc đã làm tan nát cái động cơ xe rồi."

"Thế thì chúng ta đang làm gì ở đây?"

"Tôi cần cái máy phát điện. Đưa cho tôi cái cờ lê cỡ trung, đầu khẩu ½ inch 6 cạnh."

Tôi tìm thấy cái cờ lê nhưng dưới ánh sáng tù mù thế này không thể nhìn ra được các kích cỡ của bộ đầu khẩu. Tôi nhét đại một cái trông có vẻ vừa với cái cờ lê và đưa cho Darla.

Cô ấy liếc một cái rồi thở dài. "Đó là khẩu 15/32. Chúa ơi. Phải to hơn một cỡ nữa."

Tôi thay cái khác và đưa cho cô ấy. "Tối thế này mà cậu vẫn đọc được số à?"

"Cái đấy thì cần gì đọc. Nói thật, đến một đứa ngu nhất cũng nhìn ra được đó không phải là khẩu ½."

"Nhưng tôi không thể." Tôi hơi cao giọng. "Và tôi không phải thằng ngu. Mà sao cậu lúc nào cũng cắm cảu như cho cắn ma thế?"

Darla ngẩng đầu lên khỏi nắp ca-pô. "Hả? Cậu vừa nói gì..."

"Sao cậu lúc nào cũng tỏ ra khó chịu với tôi thế?"

"Ờ, tôi thế đấy, thì sao nào? Cậu bảo ai là chó cắn ma?"

"Ừm, xin lỗi. Tôi không có ý đó." Tôi vội thanh minh. "Nhưng tôi cũng có muốn bị thương thế này đâu. Hơn nữa tôi cũng sắp rời khỏi đây rồi. Vết thương của tôi đã khá hơn rất nhiều."

"Tốt. Tôi thừa nhận tính tôi nhiều lúc hơi khó chịu thật nhưng cậu phải hiểu là việc cậu ở đây cũng không hề dễ dàng gì với tôi. Mẹ tôi sẵn sàng đón nhận tất cả những ai lạc lối tới nhà tôi, nhưng có Chúa mới biết được tình trạng này sẽ còn kéo dài bao lâu. Chúng tôi có thể sẽ vẫn phải ăn bột ngô trong một năm, thậm chí là ba năm tới."

"Tôi hiểu. Tôi sẽ không ở lại đây đâu. Tôi cũng phải đi tìm gia đình."

"Và khi cậu đi, nhớ đừng mang theo đồ ăn của nhà tôi. Tôi hiểu mẹ tôi, bà sẽ tìm mọi cách thuyết phục cậu ở lại, và nếu không được bà sẽ ép cậu mang đi rất nhiều đồ ăn để ăn dần."

"Yên tâm, tôi sẽ không mang gì đâu."

"Thực ra cậu cũng có quyền hưởng một ít... Cậu đã làm việc khá chăm chỉ, mặc dù bị thương như thế." Darla lại cúi xuống bên dưới nắp ca- pô. "Đưa cho tôi cái tuốc-nơ-vít đầu dẹt."

Tôi quay sang lấy cái tuốc-nơ-vít và đặt vào bàn tay đang chìa ra của cô ấy. Có thể chỉ là tưởng tượng của tôi, nhưng dường như các ngón tay của cô ấy nán lại trên tay tôi lâu hơn mức cần thiết để lấy một cái tuốc-nơ-vít. Phải chăng bức tường băng cô ấy đang cố tạo ra giữa chúng tôi đã bắt đầu tan chảy?

Chúng tôi kéo cái máy phát điện ra khỏi xe và bê nó vào trong kho. Darla buộc nó vào bàn rồi gắn một cái bánh răng xe đạp ổ đĩa bên cạnh máy phát điện, cùng với hai bình khí kim loại, hình dạng giống như mấy cái bình người ta vẫn thường dùng để đựng khí heli. Xong xuôi, cô ấy tháo kết nối của xe đạp với cái cối xay bột ra và nối với máy phát điện bằng một sợi dây xích dài. Còn dây điện của máy phát điện được nối với một cái sạc pin, có thể sạc một lúc 8 cục pin.

Trong khi Darla bận rộn luôn tay như vậy thì tôi chẳng làm được điều gì nhiều. Ngoài việc thỉnh thoảng đưa dụng cụ cho cô ấy, còn lại phần lớn thời gian tôi đứng nhìn cô ấy làm việc. Darla kiểm tra độ căng của dây xích, điều chỉnh lại một chút, rồi nói: "Đến lượt cậu. Ngồi lên xe và đạp đi." Cô ấy bất giác mỉm cười. "Hình như tôi vừa trích lời một bài hát yêu thích của mẹ."

Tôi trèo lên xe và bắt đầu đạp. Đạp thế này dễ hơn nhiều so với khi đạp để vận hành cối xay ngô bởi lực cản của nó ít hơn hẳn. Tôi tăng tốc và đèn đỏ ở cái máy sạc pin hiện lên.

"Khi nào cái đèn kia chuyển sang màu xanh là xong." Darla nói.

Tôi im lặng đạp, vừa lắng nghe hơi thở của mình càng lúc càng to và khó nhọc. Cứ mỗi lần tôi đạp chậm lại một chút là Darla lại giục "Nhanh nữa lên!" hoặc "Đạp mạnh nữa lên!" Tôi đạp liên tục như vậy rất lâu, phải hơn một tiếng là ít, trước khi Darla chịu tha cho tôi. Mặc dù khá khó chịu với sự hách dịch của cô ấy nhưng tôi đã quá mệt để quan tâm đến điều đó.

Tôi đổ sụp xuống cái sàn nhà kho bẩn thỉu, hoàn toàn kiệt sức, trong khi Darla trèo lên xe và nhấn pê-đan. Chúng tôi đổi phiên thêm hai lần nữa, đạp thêm khoảng ba tiếng, thì cái đèn ngu ngốc kia cuối cùng mới chịu nháy sang màu xanh.

Đến lúc đó, tôi đã quá mệt và đói, còn Darla trông cũng không quá ngạo mạn như lúc ban đầu. Cô ấy tháo pin ra khỏi sạc và cất vào tủi áo. Chúng tôi mệt nhọc lê bước về nhà, tắm rửa và chuẩn bị ăn tối. Không ngờ tôi vẫn đổ mồ hôi nhiều như vậy trong thời tiết giá lạnh này.

Sau bữa tối, cả ba người chúng tôi ngồi quanh đống lửa trong phòng khách, trong khi Darla đánh vật với cái radio cũ. Âm thanh duy nhất chúng tôi nghe thấy là những tiếng dò kênh rè rè, kéo dài tưởng như bất tận. Để có được âm thanh đó, hai chân tôi đã phải trả một cái giá không nhỏ: chúng đau như sắp gãy. Tôi cúi xuống bóp hai bắp chân đang căng cứng của mình, cảm giác hệt như đang bóp vào hai cái lốp xe.

Mãi một lúc lâu sau, Darla mới dò được cái gì đó trên sóng AM. Một vài đài phát sóng trôi đến rồi lại trôi đi, khoảng cách thay đổi giữa các tần số là rất nhỏ, như thể chúng đang bị bầu không khí nhuốm đầy tro bụi ngoài kia làm cho biến dạng. Một kênh nào đó đang phát ca nhạc, loại âm nhạc cũ rích mà chắc chỉ có các cụ tổ nhà tôi ngày xưa mới nghe. Chẳng hiểu giờ là lúc nào mà họ đi phát thứ âm nhạc đó cho mọi người nghe.

Một kênh khác có vẻ hữu ích hơn. Họ đưa tin không ngừng về vụ phun trào núi lửa. Có điều chúng tôi chỉ nghe câu được câu chăng trong khi Darla liên tục xoay nút dò kênh để đuổi theo đài phát sóng đó. Nó xuất hiện lần đầu có tần số 590 AM, nhưng chỉ một lát sau đã nhảy lên 640, rồi lại sụt xuống 570.

Tất cả những gì chúng tôi nghe được là "... Ngoài ra, Đô đốc thông báo rằng một đoàn xe cứu trợ của Hải quân Mỹ sẽ cập cảng Hueneme ở Oxnard, bang California vào ngày mai. Mặc dù phần lớn đồ cứu trợ là để dành cho các trại tị nạn của chính phủ ở phía Đông Bắc California, nhưng họ sẽ vẫn dành cho một số thực phẩm, thiết bị y tế, và lều bạt cho người dân thông qua chính quyền địa phương tạm thời..."

"Đô đốc McThune còn cho biết một phi cơ cứu trợ nhân đạo thứ ba của Trung Quốc đã được cho phép hạ cánh tại vịnh Coos, bang Oregon, ngoài hai phi cơ cứu trợ nhân đạo trước đó ở Newport và..."

"Chết tiệt. Lại mất rồi." Darla thốt lên.

"Ăn nói cho cẩn thận, Darla." Cô Edmunds nghiêm giọng cảnh cáo.

Darla lại cặm cụi xoay nút dò kênh.

"Nếu bang Oregon và California đều bị tàn phá như Iowa... phải mất bao lâu nữa cứu trợ mới tới được đây?" Tôi hỏi.

"Để xem nào." Cô Edmunds lấy một tấm bản đồ cũ từ trên giá xuống và mở ra. Theo như bản đồ thì cả hai bang Oregon và Bắc California đều gần với núi lửa Yellowstone hơn chúng tôi.

Cả căn phòng im phăng phắc, ngoại trừ tiếng rẹt rẹt của radio và tiếng nổ lép bép của củi trong lò sưởi. Tôi lặng người nghĩ tới hàng triệu người ở giữa tôi và bờ biển Oregon đang phải đối mặt với thảm họa này. Chắc chắn không có nhiều người sống sót. Tôi cảm thấy mình cực kỳ may mắn khi vẫn còn sống được đến bây giờ. Darla và mẹ cô ấy vẫn ổn, bởi họ có thể đào ngô và xay ngô làm thức ăn, nhưng đâu phải ai cũng ở gần những cánh đồng ngô hoặc biết tự chế ra cái máy nghiền ngô. Hàng triệu người nữa sẽ chết nếu không được giúp đỡ kịp thời.

Darla lại bắt được sóng trở lại. "Trả lời câu hỏi của các phóng viên, ông cho biết, việc tạm ngừng các quyền tự do dân sự có trong Đạo luật liên bang về cứu trợ khẩn cấp nạn nhân thiên tai chỉ là tạm thời, và sẽ được dỡ bỏ ngay khi cuộc khủng hoảng qua đi, có thể sớm nhất là cuối năm sau."

"Phó Tổng thống kết thúc bài phát biểu của mình bằng những lời lẽ đanh thép dành cho "những quốc gia đang tích cực và trục lợi từ thảm họa, gây ra sự sụp đổ của thị trường ngũ cốc thế giới." Ông cam kết sẽ sử dụng toàn bộ lực lượng của Hoa Kỳ để đảm bảo một cách công bằng..."

Tôi không chắc nên hiểu lời tuyên bố đó của ngài phó tổng thống như thế nào. Chỉ biết rằng tình hình đất nước đang không mấy khả quan, nhưng nó dường như chưa ảnh hưởng gì lắm tới cuộc sống của chúng tôi ở đây. Chính quyền hoạt động duy nhất mà tôi biết kể từ sau thảm họa là chính quyền của thầy Kloptsky ở trường trung học Cedar Falls. Và thị trường ngũ cốc duy nhất mà tôi biết là chỗ ngô chúng tôi đào được trong một ngày.

Chúng tôi tiếp tục nghe đài cho tới khuya, khi toàn bộ chỗ pin đã cạn kiệt, nhưng cũng chỉ bắt được thêm một mẩu tin: "... công bố sáng sớm ngày hôm nay, Bộ An ninh Quốc gia Hoa Kỳ sẽ dành một vùng đất lớn gần thị trấn Barlow, thuộc tiểu bang Kentucky để kiểm soát dòng người tị nạn đang đổ về từ miền Nam Missouri. Công tác xây dựng sẽ bắt đầu..."

Tin này nghe có vẻ hữu dụng hơn với chúng tôi. Sau một hồi tìm kiếm trên bản đồ, chúng tôi đã tìm ra thị trấn Barlow, đó là một cái chấm đen nhỏ xíu ở gần sông Mississipi. Không gần chỗ chúng tôi, nhưng ít ra cũng cùng phía.

"Xem ra sẽ có cứu trợ ở vùng phía Đông rồi." Tôi nói.

"Ừ, có vẻ như thế." Cô Edmunds gật đầu đồng tình.

"Cũng đã đến lúc cháu rời khỏi đây rồi." Tôi nói đầy tiếc nuối. Tôi sẽ nhớ cô Edmunds. Và tôi sẽ nhớ Darla.

"Cháu có thể ở đây đến bao giờ cũng được. Cháu đã làm việc vất vả như thế mà cô chẳng giúp được gì mấy cho cháu."

"Cảm ơn cô. Cháu..." Tôi cố kiềm chế để không khóc. Nếu không có mẹ con họ chắc chắn tôi đã chết khô ở ngoài đường từ lâu. "Cháu không biết phải trả ơn..."

"Ngốc ạ." Cô Edmunds mỉm cười nói. "Ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ làm như cô thôi. Làm sao có thể thấy chết mà không cứu được."

Thực ra không phải ai trong hoàn cảnh đó cũng làm như cô Edmunds. Tôi đã gặp nhiều người như thế. Ví dụ như cái người núp trong nhà chĩa súng về phía tôi qua cửa sổ, hay Mắt Bò... Tôi rùng mình khi nhớ lại những kí ức ấy. "Giá mà chúng ta biết được thêm tin gì về tình hình ở bang Illinois."

"Gia đình cháu đang ở đó đúng không?" Cô Edmunds hỏi.

"Vâng ạ... Theo như cháu được biết thì cả nhà cháu đang trên đường tới đó."

"Có khi ai đó trong thị trấn sẽ biết được nhiều hơn."

"Con cũng đang nghĩ tới chuyện đi vào thị trấn." Darla nói. "Con cần hỏi bác sỹ Smith về mấy con thỏ. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta giữ được vài con để phối giống."

"Thị trấn nào? Cách đây xa không?" Tôi hỏi.

"Worthington." Darla trả lời. "Cách đây khoảng 5 dặm. Đường đi rất dễ. Tôi từng đi rồi."

"Trong thời tiết này á? Cả đi cả về cũng mất 10 dặm. Chúng ta khó có thể đi về trong ngày."

"Ai nói là "chúng ta" sẽ đi cùng nhau? Tôi sẽ tự đi một mình, để hỏi về bệnh tình của bầy thỏ, và xem có tin tức gì về bang Illinois không, xong rồi quay về thôi."

"Cả hai đứa nên đi cùng nhau." Cô Edmunds nói. "Như thế sẽ an toàn hơn. Mẹ sẽ ở đây chăm sóc đàn thỏ và dọn dẹp nhà cửa. Nếu muộn quá thì cứ nghỉ lại một đêm ở nhà Loretta Smith hoặc Pam Jacobs. Họ sẽ không phiền đâu. Nhưng đừng ở lại quá một đêm. Con đi thế này đã đủ làm mẹ lo lắng rồi."

"Con sẽ không sao đâu mẹ."

"Mẹ biết con sẽ không sao, con yêu. Nhưng mẹ sẽ vẫn lo lắng."

Các bà mẹ. Họ đều giống nhau ở điểm này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top