Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

BỐN

Con đường không còn làn cây tiêu huyền che chắn nửa. Dễ bị tấn công và không có bóng râm, nó duỗi mình ra qua một vùng đất mấp mô thành những hình chữ S dài hẹp. Anh đã hao tổn năng lượng quý giá vào những cuộc nói chuyện và gặp gỡ không cần thiết. Mệt mỏi đã khiến anh có vẻ hoan hỉ và hào hiệp một cách giả tạo. Bây giờ anh giảm tốc độ xuống theo nhịp của đôi bốt - anh đi/ hết qua/ vùng đất/ đến khi/ anh ra/ được đến biển. Toàn bộ những gì thôi thúc anh bước tiếp nhất định phải nặng hơn mọi thứ cản bước anh, dù chỉ nặng hơn một chút thôi. Trên một đĩa cân là vết thương, cơn khát, vết rộp da, mệt mỏi, nóng bức, bàn chân và cẳng chân đau nhói, đám Stuka, khoảng cách, Biển Manche; đĩa bên kia, Em sẽ đợi anh, và ký ức về lúc nàng nói câu đó, vùng ký ức mà anh đã bắt đầu coi như thánh địa. Cả nỗi sợ bị bắt nữa. Những ký ức nhục cảm nhất của anh - vài phút của họ trong thư viện, nụ hôn ở Whitehall - đã bạc phếch cả màu vì được dùng nhiều quá. Anh thuộc nằm lòng từng đoạn một trong những lá thư của nàng, anh đã ghé thăm lại cuộc tranh giành cái bình ở đài phun, anh nhớ hơi ấm của cánh tay nàng trong bữa tối khi hai đứa sinh đôi mất tích. Những ký ức đó nuôi sống anh, nhưng không quá dễ dàng. Chúng luôn nhắc anh nhớ mình đang ở đâu vào lúc anh triệu chúng đến lần gần đây nhất. Chúng nằm ở rìa xa của sự phân chia rạch ròi về mặt thời gian, có ý nghĩa như sự phân chia giữa trước Công nguyên và Công nguyên. Trước khi vào tù, trước chiến tranh, trước khi việc nhìn thấy một xác chết trở thành chuyện quá tầm thường.

Nhưng những thứ dị giáo này tàn lụi hết khi anh đọc lá thư cuối cùng của nàng. Anh chạm vào túi áo ngực. Nó như một dạng quỳ gối. vẫn ở đó. Đây là thứ mới trên đĩa cân. Việc anh có thể được thanh minh mang trong nó tất cả sự giản dị của tình yêu. Chỉ nếm náp khả năng đó thôi cũng khiến anh nhớ đến biết bao điều đã bị thui chột dần và chết. Lòng yêu cuộc đời, chính thế, tất cả những tham vọng và khoái lạc xa xưa. Viễn cảnh trước mắt anh giờ là một sự tái sinh, một cuộc khải hoàn vinh quang. Một lần nữa anh có thể trở thành người đàn ông từng băng qua công viên Surrey lúc hoàng hôn trong bộ vest bảnh nhất, kiêu hãnh bước đi trước cuộc đời đầy hứa hẹn, người đã bước vào nhà chính và với niềm đam mê sáng rõ đã làm tình với Cecilia - không, hãy để anh dùng từ của hai tay hạ sĩ: họ đã đụ trong khi những người khác uống cocktail ngoài hiên. Chuyện có thể tái hồi, điều mà anh đã dự định trong khi bước đi vào buổi tối hôm đó. Anh và Cecilia sẽ không còn bị chia cắt. Tình yêu của họ sẽ có không gian và một xã hội để phát triển. Anh sẽ không đi đây đi đó mũ trên tay nhận lời xin lỗi của bạn bè, những kẻ đã lảng tránh anh. Anh cũng sẽ không ngồi yên, kênh kiệu và dữ tợn, tránh mặt họ để trả đũa. Anh biết chính xác mình sẽ hành xử thế nào. Đơn giản là anh chỉ tái hồi. Với lý lịch phạm tội được xóa bỏ, anh có thể nộp đơn vào trường y khi chiến tranh kết thúc, hay thậm chí có thể tham gia luôn Lực lượng Quân y. Nếu Cecilia làm lành với gia đình, anh sẽ giữ khoảng cách mà không có vẻ là khó chịu. Anh không bao giờ có thể thân thiết với Emily hay Jack. Bà ấy đã đeo đuổi việc khởi tố anh với một sự tàn bạo lạ lùng, trong khi Jack quay lưng đi, mất hút vào cái Bộ của ông đúng lúc cần.

Chẳng có chuyện gì trong số đó là quan trọng. Từ đây mọi thứ trông thật đơn giản. Họ đang đi qua nhiều thi thể trên đường, trong rãnh nước hay vỉa hè, hàng chục người, quân nhân và dân thường. Mùi hôi thối nồng nặc, len lỏi vào trong kẽ quần áo anh. Đoàn xe đã đi vào một làng bị đánh bom, hay có lẽ khu ngoại ô của một thành phố nhỏ - nơi này giờ đây là gạch nát rồi, khó mà biết được. Mà ai quan tâm? Ai có thể miêu tả nổi sự hỗn loạn này, rồi tìm ra tên làng và ngày tháng cho sách sử chứ? Và đứng ở một điểm nhìn hợp lý mà bắt đầu đổ tội? Không ai có thể biết được nếu ở ngay nơi đây thì sẽ thấy thế nào. Không có chi tiết thì không thể có bức tranh lớn hơn. Những cửa hàng, đồ dùng và xe cộ bị vứt bỏ tạo thành cả một đại lộ phế liệu tràn ngập đường họ đi. Những thứ này, và các thi thể, buộc họ phải đi vào giữa đường. Chuyện đó chả quan trọng vì đoàn xe giờ không dịch chuyển nữa. Binh lính đang leo ra khỏi các xe chuyển quân và đi bộ, lúi chúi vì vấp phải gạch ngói. Những người bị thương bị bỏ lại nằm đợi trong xe tải. Nhiều thi thể hơn bị dồn vào một khoảng hẹp hơn, nên khó chịu hơn. Turner cứ giữ đầu cúi như thế mà theo người đi trước, đắm vào suy nghĩ của mình để tự vệ.

Anh sẽ được thanh minh. Từ cảnh tượng ở đây, nơi ta cơ hồ không buồn nhấc chân bước qua cánh tay một phụ nữ đã chết, anh không nghĩ mình sẽ cần lời xin lỗi hay tưởng mộ. Được thanh minh là một trạng thái tinh khiết. Anh mơ đến nó như một tình nhân, với nỗi khát khao giản dị. Anh mơ đến nó theo kiểu những quân nhân khác mơ đến tổ ấm hay mảnh đất trồng rau hay nghề dân sự trước kia của họ. Nếu sự vô tội quan trọng đến thế, thì không có lý do gì mà không nên mau trở về lại Anh. Hãy để tên anh được thanh minh, rồi để mọi người khác điều chỉnh suy nghĩ của họ. Anh đã đầu tư thời gian, giờ đến lượt họ phải làm nốt phần còn lại. Nhiệm vụ của anh rất giản dị. Tìm Cecilia, yêu nàng, lấy nàng, và sống không hổ thẹn.

Nhưng còn một phần trong tất cả những chuyện này mà anh không thể nghĩ cho thông, một hình hài mờ ảo mà cảnh giết chóc hỗn loạn mười hai dặm bên ngoài Dunkirk không thể thu lại còn một nét phác đơn giản được. Briony. Ở đây anh va phải rìa ngoài của cái mà Cecilia gọi là tinh thần độ lượng của anh. Và lý tính của anh. Nếu Cecilia tái hợp với gia đình nàng, nếu hai chị em lại thân thiết, sẽ không cách nào tránh mặt con bé. Nhưng anh có chấp nhận nó không? Anh có thể ngồi cùng phòng với nó không? Giờ nó xuất hiện, đưa ra một khả năng xá tội. Nhưng không phải là cho anh. Anh chẳng làm gì sai. Đó là cho chính nó, cho tội ác của nó mà giờ lương tri nó không tài nào chịu đựng nổi nữa. Chẳng lẽ anh phải cảm thấy biết ơn ư? Và phải, dĩ nhiên, năm 1935 nó là một đứa trẻ. Anh đã phải tự bảo lòng, anh và Cecilia đã bảo nhau, suốt như thế. Phải, nó chỉ là một đứa trẻ. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng tống một người vào tù chỉ bằng một lời nói dối. Không phải đứa trẻ nào cũng đầy chủ tâm và ma lanh như thế, cũng nhất quán suốt như thế, chưa bao giờ dao động, chưa bao giờ nghi ngờ. Một đứa trẻ, nhưng điều đó không ngăn anh mơ mộng trong xà lim về việc sẽ hạ nhục nó, về hàng chục cách trả thù anh có thể nghĩ ra. Có một lần ở Pháp, trong cái tuần đông giá lạnh nghiệt ngã nhất, say cognac bí tỉ, thậm chí anh còn tưởng tượng ra nó trên đầu lưỡi lê của mình. Briony và Danny Hardman. Thật không hợp lý hay công bằng nếu anh ghét Briony, nhưng điều đó có ích.

Làm thế nào để bắt đầu hiểu tâm trí của đứa trẻ này đây? Chỉ một lý thuyết là trụ lại được. Từng có một ngày tháng Sáu năm 1932, một ngày bội phần đẹp đẽ do nó đến bất ngờ, sau một đợt mưa gió dài dặc. Đó là một trong những buổi sáng hiếm hoi tự phô diễn chính mình, bằng một sự phung phí đến hợm hĩnh sức ấm và ánh sáng và những chiếc lá non, như sự khởi đầu đích thực, cánh cổng lớn mở vào hè, và anh bước qua nó với Briony, qua đài phun Triton, xuống qua hàng rào và đám đỗ quyên, qua cánh cổng sắt rồi ra con đường rừng hẹp ngoằn ngoèo. Nó rất hưng phấn và nói luôn miệng. Khi đó chắc nó mười tuổi, chỉ mới bắt đầu viết vài truyện nhỏ. Cũng như mọi người khác, anh đã được nhận những câu chuyện viết về chính anh được minh họa và đóng thành tập, chuyện tình ái, vượt qua nghịch cảnh, đoàn viên và đám cưới. Họ đang trên đường ra sông tập bơi như anh đã hứa với nó. Khi họ đi khỏi nhà một đoạn, có lẽ nó đang kể anh nghe một truyện vừa viết xong hay cuốn sách nó vừa đọc. Có lẽ nó đang nắm tay anh. Nó là một cô bé nội tâm, ít nói, hơi nghiêm nghị theo kiểu của nó, và sự dạt dào thổ lộ thế này thật là bất thường. Anh sung sướng lắng nghe. Dạo ấy anh cũng tinh thần phấn chấn. Anh mười chín, thi cử đã gần xong xuôi, và anh nghĩ mình làm bài tốt. Chẳng chóng thì chầy anh sẽ không còn là học sinh. Anh đã phỏng vấn rất cừ ở Cambridge và hai tuần nữa anh sẽ đi Pháp, tại đây anh dạy tiếng Anh ở một trường dòng. Ngày hôm đó có vẻ gì đó huy hoàng, những cây sồi vạm vỡ hầu như không xao động lá, và ánh sáng rỏ xuống như ngọc xuyên qua những tán lá non mởn, tạo thành những vũng sáng giữa lớp lá khô năm ngoái, vẻ lộng lẫy này, anh cảm nhận trong lòng tự cao tuổi trẻ của mình, phản ánh xung lượng huy hoàng của đời anh.

Nó huyên thuyên nói, còn anh thì nửa nghe nửa không một cách hài lòng. Con đường xuyên qua rừng dẫn ra bờ sông rộng lớn xanh rì cỏ. Họ đi ngược lên nửa dặm và lại vào rừng. Ở đây, nơi khúc quanh dòng sông, dưới những tán cây lơ lửng bên trên, là bể bơi, được đào vào thời ông của Briony. Một đập nước bằng đá làm chậm dòng chảy và là nơi lặn và nhảy cầu được nhiều người ưa thích. Nhưng ngược lại, nó không phải là chỗ lý tưởng cho người mới bắt đầu. Dù từ trên đập nước hay trên bờ nhảy xuống, nước đều sâu gần ba mét. Anh lao xuống và đạp nước, đợi nó. Họ đã bắt đầu học một năm trước, khi sông cạn và dòng chảy chậm vào cuối hè. Bây giờ, ngay cả trong bể bơi nước cũng xoáy liên tục. Nó chỉ dừng lại một giây, hét lên một tiếng rồi từ trên bờ nhảy xuống vòng tay anh. Nó tập đạp nước cho đến khi dòng chảy mang nó ngược lại cái đập, rồi anh kéo nó qua bể bơi để nó bắt đầu lại. Khi nó thử bơi ếch sau một mùa đông sao nhãng chả tập tành gì, anh đã phải đỡ nó, không dễ gì khi chính anh cũng đang đạp nước. Nếu anh rút tay khỏi dưới người nó, nó chỉ bơi được ba bốn nhịp là chìm nghỉm. Nó thích thú với việc nếu ngược dòng thì có bơi mấy nó cũng ở nguyên một chỗ. Nhưng nó không ở nguyên một chỗ. Thay vì thế, mỗi lần nó lại bị đẩy lại chỗ cái đập, nó bám vào cái vòng sắt gỉ, đợi anh, khuôn mặt trắng trẻo của nó rạng rỡ trên nền những bức tường đầy rêu bám xanh rì và xi măng xanh lục. Bơi lên dốc đi, nó gọi thế. Nó muốn được bơi thêm lần nữa, nhưng nước lạnh nên sau mười lăm phút thì anh chịu hết nổi. Anh kéo nó lại bờ và, mặc kệ nó phản đối, anh kéo nó ra khỏi nước.

Anh lấy quần áo trong giỏ rồi vào trong rừng một quãng để thay. Khi anh quay lại nó vẫn đứng ngay chỗ anh để nó lại, trên bờ, nhìn xuống nước, khăn tắm quàng qua vai.

Nó nói, "Nếu em rơi xuống sông, anh có cứu em không?" "Đương nhiên rồi."

Anh vừa cúi xuống giỏ vừa nói thế, và anh nghe, chứ không thấy, tiếng nó nhảy xuống. Khăn tắm của nó nằm trên bờ. Ngoài những gọn sóng lăn tăn đồng tâm đang tỏa ra trên mặt nước bể bơi, không thấy nó đâu cả. Rồi nó ngoi lên, đớp hơi một cái rồi chìm xuống lại. Cuống cuồng, anh nghĩ mình sẽ chạy đến cái đập để lôi nó lên từ đó, nhưng nước xanh đục ngầu bùn. Anh chỉ có thể tìm thấy được nó dưới nước bằng cách quờ quạng. Không còn lựa chọn nào khác - anh bước xuống nước, để nguyên giày, áo khoác và các thứ trên người. Gần như ngay lập tức anh thấy tay nó, bèn luồn tay vào dưới vai nó và nâng nó lên. Anh ngạc nhiên thấy nó đang nín thở. Và rồi nó cười như nắc nẻ mà bám chặt lấy cổ anh. Anh đẩy nó lên bờ và, vô cùng khó khăn do quần áo sũng nước, tự mình bò lên.

"Cám ơn anh," nó luôn miệng. "Cám ơn anh, cám ơn anh."

"Sao em lại làm một việc dại dột ngu xuẩn thế!" "Em muốn anh cứu em."

"Em có biết là em suýt nữa thì chết đuối đến nơi không?" "Anh đã cứu em."

Lo lắng và nhẹ nhõm làm cơn giận anh thêm sôi sục. Anh suýt hét lên. "Cái đồ ngu ngốc. Em đã suýt giết chết cả hai."

Con bé im bặt. Anh ngồi trên cỏ, dốc nước trong giày ra. "Em mà chìm xuống nước là anh không thấy em đâu. Quần áo kéo anh xuống. Chúng ta lẽ ra đã chết đuối, cả hai. Em nghĩ đó là chuyện đùa à? Hả, phải không?"

Không còn gì nói nữa. Nó mặc quần áo và họ quay lại con đường, Briony đi trước, còn anh theo sau, tiếng bước chân lép nhép. Anh muốn đi dưới ánh nắng trong công viên. Rồi anh còn phải đi một đoạn dài về bungalow thay quần áo. Con giận vẫn chưa tan. Nó chả bé bỏng gì nữa, anh nghĩ, để mà không nghĩ ra nổi một lời xin lỗi. Nó im lặng bước, mặt cúi gằm, có lẽ đang dằn dỗi, anh không thấy được. Khi họ ra khỏi rừng và lại đi qua cổng, nó dừng chân quay lại. Giọng nó thẳng thừng, thậm chí thách thức. Chẳng phải sưng sỉa giận dỗi gì, nó đang tỏ ra bằng vai phải lứa với anh.

"Anh có biết vì sao em muốn anh cứu em không?"

"Không."

"Chả rõ như ban ngày ư?" "Không, chả rõ."

"Vì em yêu anh."

Em nói câu đó một cách dũng cảm, cằm hếch lên, và mắt chớp rất nhanh khi nói, hoa mắt vì sự thật tối thượng mình vừa tiết lộ.

Anh nén lại tiếng cười muốn bật ra. Anh là đối tượng cho cơn say nắng của một nữ sinh. "Em nói thế nghĩa là thế quái gì?"

"Ý em cũng hệt như ý mọi người khi họ nói thế. Em yêu anh."

Lần này những lời kia vút lên thống thiết. Anh hiểu ra mình nên cưỡng lại ham muốn được mỉa mai nó. Nhưng thật khó. Anh nói, "Em yêu anh, vì thế em nhảy xuống sông."

"Em muốn biết anh có cứu em không."

"Giờ thì em biết rồi đấy. Anh liều cả mạng sống vì em. Nhưng thế không có nghĩa là anh yêu em."

Nó hơi nhớn thẳng người lên. "Em muốn cám ơn anh vì đã cứu mạng em. Em sẽ đời đời biết ơn anh."

Những câu này chắc chắn là ở trong cuốn sách nào đó của nó, cuốn nó vừa đọc gần đây, hay cuốn nó đã viết.

Anh nói, "Được rồi. Nhưng đừng có làm thế nữa, vì anh hay bất cứ ai. Hứa nhé?"

Nó gật đầu, và nói lúc chia tay, "Em yêu anh. Giờ anh biết rồi."

Nó bỏ đi về phía nhà chính. Run rẩy trong nắng trời, anh nhìn nó cho đến khi khuất dạng, rồi anh bước về nhà. Anh không gặp riêng nó trước khi đi Pháp, và lúc anh quay về đợt tháng Chín, nó đã vào trường nội trú rồi. Không lâu sau đó anh đến Cambridge, và tháng Chạp thì đón Giáng sinh với bạn bè. Anh không gặp Briony cho mãi đến tháng Tư năm sau, và đến lúc đó, chuyện kia đã chìm vào quên lãng.

Mà có phải thế không? Anh đã có rất nhiều thời gian một mình, quá nhiều thời gian, để suy ngẫm. Anh có thể nhớ mình không hề nói chuyện gì bất thường với nó, không có một hành vi kỳ lạ nào, không một ánh mắt đầy ý nghĩa hay sự hờn dỗi nào cho thấy tình cảm nữ sinh của con bé có thể tồn tại quá cái ngày tháng Sáu đó. Hầu như kỳ nghỉ nào anh cũng về Surrey và nó đã có rất nhiều cơ hội tìm anh ở bungalow, hay gửi cho anh một lá thư. Khi đó anh bận rộn với cuộc đời mới của mình, chìm đắm trong những thứ mới mẻ của cuộc sống sinh viên, và đúng lúc đó cũng định giữ khoảng cách ít nhiều với gia đình Tallis. Nhưng hẳn phải có những dấu hiệu mà anh không nhận thấy. Trong ba năm nó hẳn đã nuôi dưỡng tình cảm dành cho anh, giấu kín, ấp ủ nó bằng ảo tưởng hoặc thêm thắt vào những câu chuyện của mình. Nó là loại con gái sống trong suy nghĩ riêng. Màn kịch cạnh con sông là đủ để nuôi dưỡng nó trong suốt thời gian đó.

Lý thuyết này, hay sự kết án này, nằm ở ký ức trong lần đụng mặt duy nhất - cuộc gặp gỡ dưới hoàng hôn chỗ cây cầu. Bao năm qua anh đã day đi day lại cái cuộc đi bộ qua công viên ấy. Nó hẳn đã biết anh được mòi đến ăn tối. Nó ở đó, chân không, vận váy trắng ố bẩn. Thế là đủ kỳ lạ rồi. Chắc nó đã đợi anh, có khi còn chuẩn bị sẵn một bài nói nho nhỏ, thậm chí còn tập dượt thành tiếng khi ngồi trên cái tường chắn bằng đá. Cuối cùng khi anh đến, nó cứng lưỡi. Đó có thể coi là một loại bằng chứng. Ngay cả vào lúc ấy, anh nghĩ nó không nói chuyện với anh thì thật kỳ quặc. Anh đưa thư cho nó và nó chạy biến đi. Vài phút sau, nó mở thư. Nó kinh hoảng, và không chỉ bởi một từ. Trong tâm trí nó, anh đã phản bội tình yêu của nó khi thích chị gái nó hơn. Rồi, trong thư viện, sự chứng thực điều tồi tệ nhất, chính khi đó toàn bộ ảo tưởng của nó tan tành. Đầu tiên, thất vọng và tuyệt vọng, rồi đến cay đắng dâng trào. Cuối cùng, một cơ hội tuyệt đỉnh trong bóng đêm, khi đi tìm hai đứa sinh đôi, báo thù cho mình. Nó chỉ đích danh anh - mà không ai ngoại trừ chị gái nó và mẹ anh nghi ngờ nó. Sự bốc đồng, giây phút ác tâm, cảm giác muốn hủy hoại đầy ấu trĩ mà anh có thể hiểu được. Cái khiến anh băn khoăn là độ sâu của cơn giận nơi đứa bé gái đó, sự cương quyết của nó khi cứ khăng khăng kể đã nhìn thấy anh trên suốt con đường đến nhà tù Wandsworth. Giờ anh có thể được thanh minh, và việc đó đem lại niềm vui cho anh. Anh công nhận sự dũng cảm nó cần phải có để quay lại tòa án đặng phủ nhận bằng chứng mà chính nó đã thề rồi mới đưa ra. Nhưng anh không nghĩ một ngày nào do sự oán giận anh dành cho nó có thể xóa bỏ được. Phải, khi đó nó con là một đứa trẻ, nhưng anh không tha thứ cho nó. Anh sẽ không bao giờ tha thứ cho nó. Đó là tổn thương vĩnh viễn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top