Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

NĂM

Những ngày tiếp theo, việc trở lại chế độ trực ca nghiêm ngặt đã xua tan cảm giác phi thời bồng bềnh của hai mươi tư giờ đầu tiên kia. Cô tự cho mình may mắn được phân công ca ngày, từ bảy giờ sáng đến tám giờ tối với những bữa ăn trong nửa tiếng đồng hồ. Khi đồng hồ báo thức kêu lúc năm giờ bốn mươi lăm, cô lơ mơ trồi dậy từ vực sâu êm ả của sự mệt mỏi, và trong vài giây ở vùng giao thoa giữa giấc ngủ và tỉnh táo hoàn toàn, cô dần ý thức được một sự phấn khích đang chờ đợi, một món quà, hay một thay đổi lớn lao. Ngủ dậy khi còn nhỏ vào ngày Giáng sinh cũng như thế này - cảm giác phấn chấn trong khi vẫn mơ màng buồn ngủ, khi chưa nhớ ra tại sao. Mắt vẫn nhắm tịt lại dưới ánh sáng buổi sáng hè trong phòng, cô sờ soạng tìm nút tắt đồng hồ và nằm ềnh ra lại trên gối, rồi nó quay lại với cô. Cái thực tế rất trái ngược với Giáng sinh. Trái ngược với tất cả mọi thứ. Quân Đức sắp sửa xâm lược. Ai ai cũng nói thế, từ những người đẩy xe đang thành lập đơn vị Tự vệ Tình nguyện địa phương của bệnh viện, đến cả Churchill, ông ta tưởng tượng ra hình ảnh đất nước bị chiếm đóng và chết đói chỉ mỗi Hải quân Hoàng gia là vẫn còn tự do. Briony biết mọi sự rồi sẽ kinh hoàng, biết sẽ có giáp lá cà trên đường phố và treo cổ giữa công chúng, một sự xuống dốc trở về chế độ nô lệ và sự hủy hoại tất cả mọi thứ tốt đẹp. Nhưng khi ngồi trên cạnh giường nhàu nhĩ, vẫn còn ấm, đi tất vào, cô không thể kìm nén hay khước từ sự hồ hởi khủng khiếp của mình. Như mọi người cứ luôn miệng bảo, đất nước giờ đứng một mình, và như thế là tốt hơn.

Trông mọi thứ đều đã khác đi rồi - hoa văn bách hợp trên túi đựng đồ tắm của cô, khung kính bằng thạch cao sứt miệng, mặt cô trong gương khi chải tóc, tất cả trông đều sáng hơn, sắc nét hơn. Nắm đấm cửa trong tay khi cô xoay gây cảm giác cứng và lạnh một cách khó chịu. Khi đặt chân vào hành lang và nghe văng văng tiếng bước chân nặng nề trên cầu thang, cô nghĩ đến những đôi ủng Đức, và dạ dày cô quặn lên. Trước bữa sáng cô có một hai phút cho riêng mình thả bộ trên đường cạnh dòng sông. Ngay cả vào giờ này, khi trời đã sáng rõ, trong dòng chảy tinh khôi lướt qua bệnh viện cũng lấp lánh tia hoang bạo. Thực sự có khả năng là người Đức sẽ chiếm cả sông Thames ư?

Sự rõ ràng của mọi thứ cô nhìn, chạm, hay nghe thấy chắc chắn không được khơi ra từ những khởi đầu thanh tân hay vẻ sum suê củachớm hè, nó là một sự ý thức đầy căm phẫn về kết cục đang dần đến, những sự kiện đồng quy về một điểm cuối cùng. Đây là những ngày cuối cùng, cô cảm thấy, và chúng sẽ sáng rực lên trong ký ức một cách đặc biệt. Sự rỡ ràng này, cái chuỗi ngày đầy nắng dài dặc này, là cú chơi xả dàn cuối cùng của lịch sử trước khi một quãng thời gian mới bắt đầu. Những nhiệm vụ đầu ngày, phòng giặt rửa, lượt cho uống trà, thay băng, và sự gặp gỡ được làm mới lại với tất cả những thương tổn không chữa lành được không làm mờ nhạt đi cảm nhận mạnh mẽ này. Nó tác động lên mọi thứ cô làm và là một hậu cảnh bất biến. Và nó khiến các kế hoạch của cô trở nên khẩn bách. Cô cảm thấy mình không còn nhiều thời gian. Nếu chậm trễ, cô nghĩ, quân Đức có thể tới và cô không bao giờ còn có cơ hội nữa.

Mỗi ngày đều có các ca mới đến, nhưng không còn dồn dập nữa. Hệ thống đang cân bằng, và ai cũng có giường nằm. Các ca cần phẫu thuật được chuẩn bị đưa về phòng phẫu thuật dưới hầm. Sau đó, hầu hết bệnh nhân được chuyển sang các bệnh viện xa trung tâm để hồi phục. Tỷ lệ tử vong cao, và với các y tá thực tập giờ thì chẳng có bi kịch gì nữa, chỉ có thủ tục: màn kéo lại quanh tiếng mục sư lẩm nhẩm cạnh giường, ga kéo lên, người kéo xe triệu đến, giường lột nệm và sắp xếp lại. Người chết nhạt nhòa vào nhau mới nhanh làm sao, nhanh đến nỗi mặt của Hạ sĩ Mooney trở thành Binh nhì Lowell, và hai người tráo đổi những vết tử thương với những người khác họ không còn nhớ nổi tên.

Giờ Pháp đã sụp đổ thì việc Đức đánh bom London, hòng làm suy yếu nước Anh, chóng chầy phải bắt đầu. Sẽ không ai ở lại trong thành phố nếu không cần thiết. Bao cát ở các cửa sổ tầng trệt được gia cố, và thợ xây leo lên mái nhà kiểm tra xem ống khói và cửa sổ đúc xi măng có chắc chắn không. Có nhiều buổi diễn tập di tản các khu, với rất nhiều tiếng hét và tràng còi nghiêm nghị. Cũng có cả những buổi tập chữa cháy, và nghi thức tập trung, và đeo mặt nạ khí cho các bệnh nhân bất tỉnh hay không tự đeo được. Các y tá được nhắc là phải đeo mặt nạ của mình trước. Họ không còn sợ Y tá trưởng Drummond. Giờ họ đã dạn dày, bà không còn nói với họ như với đám nữ sinh nữa. Giọng bà khi hướng dẫn lạnh lùng, trung tính một cách chuyên nghiệp, và họ rất hãnh diện. Trong môi trường mới này, Briony tương đối dễ dàng sắp xếp đổi một ngày nghỉ với Fiona, cô này thì hào hiệp từ bỏ ngày thứ Bảy của mình đổi lấy thứ Hai.

Vì một lộn xộn về mặt hành chính, vài người lính đã bị để lại hồi phục ở bệnh viện. Một khi đã ngủ đến hết cả mệt mỏi, và quen trở lại với các bữa ăn thường lệ và bắt đầu tăng cân, tâm trạng họ trở nên cấm cảu hay dằn dỗi, thậm chí ở cả những người không bị thương tật gì vĩnh viễn. Họ phần lớn là lính bộ binh. Họ nằm trên giường hút thuốc, trầm ngâm nhìn lên trần nhà, nghiền ngẫm những ký ức vừa qua. Hay họ tụ tập thành những nhóm nhỏ kích động mà nói chuyện. Họ tự ghê tởm chính mình. Vài người bảo Briony họ chưa bao giờ bắn một phát súng. Nhưng hầu hết họ tức giận với "đám đeo lon", và với những sĩ quan của chính đơn vị mình đã bỏ mặc họ mà rút lui, và với nước Pháp chưa đánh trận nào đã quy. Họ còn chua chát hơn với những ngợi ca trên báo chí dành cho cuộc rút quân thần kỳ và kỳ tích anh hùng của các con tàu bé xíu.

"Chẳng qua là đám lộn xộn mắc dịch," cô nghe họ lầm bầm. "Bọn RAF mắc dịch."

Một vài người còn tỏ ra thù hằn, và bất hợp tác không chịu uống thuốc, đánh đồng đám tướng lĩnh với đội ngũ y tá. Một bầy quan liêu không đầu óc, họ nghĩ vậy. Y tá trưởng Drummond phải đích thân đến chỉnh cho họ một trận.

Một sáng thứ Bảy, Briony bỏ ăn sáng rời khỏi bệnh viện lúc tám giờ và đi bộ với con sông chảy phía bên phải cô, ngược lên trên. Khi cô qua cổng Cung điện Lambeth, ba chiếc xe buýt chạy qua. Tất cả biển ghi điểm đến giờ đều bỏ trong. Làm cho kẻ xâm lược bối rối. Cũng không quan trọng vì cô đã quyết định sẽ đi bộ. Việc cô đã nhớ được vài tên đường cũng không ích lợi gì. Tất cả các biển hiệu đã bị gỡ xuống hoặc sơn đen. Cô mù mờ biết mình phải đi dọc sông vài dặm rồi rẽ trái, là đi về phía Nam. Hầu hết các bản đồ và chỉ dẫn thành phố đều bị tịch thu theo lệnh. Cuối cùng cô xoay xở tìm được một bản đồ tuyến xe buýt nhàu nhĩ từ hồi 1926. Những chỗ gập lại giờ đã rách, ngay đúng tuyến đường cô muốn đi. Mở ra là có nguy cơ làm nó rời thành từng mảnh. Và cô căng thẳng sợ cái loại ấn tượng mình có thể tạo ra. Có những bài báo kể chuyện lính nhảy dù Đức trá hình làm y tá và nữ tu, tản khắp thành phố trà trộn vào dân thường. Chúng có thể bị phát hiện vì thỉnh thoảng lại xem bản đồ, và nếu bị hạch hỏi, vì chúng nói tiếng Anh quá chuẩn và không hề biết những bài ru trẻ thông thường. Một khi ý tưởng đó lọt vào đầu, cô không tài nào thôi nghĩ xem mình trông đáng nghi thế nào. Cô cứ nghĩ bộ đồng phục y tá sẽ bảo vệ mình khi đi qua các khu vực lạ. Thay vào đó, trông cô như một gián điệp.

Khi bước ngược dòng xe cộ buổi sáng, cô lẩm nhẩm những bài hát ru còn nhớ. Có rất ít bài cô có thể hát trọn từ đầu đến cuối. Phía trước cô, một người giao sữa vừa nhảy từ trên xe ngựa xuống để cột chặt lại đai yên cho con ngựa. Ông đang lẩm bẩm với con vật khi cô bước tới. Thoáng quay lại với cô, khi cô đứng sau ông và lịch sự hắng giọng, ký ức về già Hardman và dây cương của lão. Bất cứ ai, chẳng hạn, bây giờ bảy mươi tuổi, sẽ trạc cỡ tuổi cô hồi năm 1888. Vẫn là kỷ nguyên của ngựa, ít nhất là trên đường phố, và các ông già ghét phải rời xa nó.

Khi cô hỏi đường, lão giao sữa trả lời thân thiện vừa phải và chỉ đường một cách mù mờ dài dòng. Lão là một tay to lớn, râu trắng ố màu thuốc lá. Lão bị nấm V.A khiến lời này chảy máu vào lời kia qua một tiếng ầm ừ trong lỗ mũi. Lão vẫy tay chỉ cô tới một con đường chia nhánh sang phía trái, dưới một cái cầu có đường ray xe lửa. Cô nghĩ rẽ khỏi con sông ở đây thì sớm quá, nhưng khi bước tiếp, cô có cảm giác ông ta nhìn theo mình và nghi sẽ là bất lịch sự nếu không đi theo lời chỉ. Có lẽ nhánh bên trái là đường tắt.

Cô ngạc nhiên khi thấy mình vụng về và bồn chồn đến thế, sau tất cả những gì đã học và chứng kiến. Cô thấy lạc lõng, yếu đuối khi ra ngoài một mình, và không còn là một phần của nhóm. Bao tháng qua cô đã sống một cuộc sống khép kín từng giờ một đều được vạch sẵn trên thời khóa biểu. Cô biết vị trí khiêm tốn của mình trong khu. Càng trở nên thành thạo hơn trong công việc, cô nhận lệnh và làm theo các thủ tục càng tốt hơn và thôi nghĩ cho bản thân mình. Đã lâu lắm rồi kể từ lúc cô làm thứ gì đó tự mình. Mãi từ hồi cái tuần cô ở Primrose Hill, gõ cuốn truyện dài, và giờ cái cảm giác phấn khích đó mới có vẻ ngu ngốc làm sao.

Cô đang đi dưới cầu thì một đoàn tàu chạy ngang trên đầu. Tiếng sầm sập đều đều như sấm ấy vang vào tận xương cô. Thép trượt và nện ầm ầm trên thép, những thanh nối bánh xe lớn cao tít trên đầu cô trong bóng ảm đạm, một cánh cửa chả hiểu để làm gì ăn sâu trong tường gạch, ống dẫn ga to sụ bằng gang kẹt chặt giữa những thanh dầm gỉ sét và mang theo không ai biết được thứ gì - một phát minh dữ tợn đến thế thuộc về giống siêu nhân. Cô thì đi lau sàn nhà và buộc băng. Cô thực sự có sức mạnh cho chuyến đi này không?

Khi bước ra từ dưới cầu, qua một mảnh ánh mặt trời buổi sáng hình tam giác đầy bụi, con tàu đang phát ra tiếng lách cách ngoại ô vô hại khi chạy xa dần. Cái cô cần, Briony lại tự nhủ, là xương sống. Cô đi qua một công viên thành phố nhỏ xíu có sân tennis, hai người đàn ông mặc đồ flanen đang đập qua lại một quả bóng, khởi động trước trận đấu với sự tự tin lười nhác. Có hai cô gái vận quần soóc kaki ngồi trên ghế băng dài gần đó đọc thư. Cô nghĩ đến lá thư của mình, lời từ chối bọc đường. Cô đã mang nó trong túi trong suốt ca của mình và trang thứ hai đã bị ố một vết phenol ngoằn ngoèo. Cuối cùng cô đã thấy rằng, dẫu không hề cố tình, nó đưa ra một bản cáo trạng cá nhân quan trọng. Cô có thể xen vào giữa họ bằng một cách thảm khốc nào không? Có, thực sự. Và khi đã làm như thế, liệu cô có che giấu được sự thật đó bằng cách chế ra một câu chuyện hời hợt, có vẻ tài tình và thỏa mãn sự phù phiếm của mình bằng cách gửi nó cho một tạp chí? Những trang tràng giang đại hải về ánh sáng, đá và nước, một truyện kể bị chia làm ba điểm nhìn khác nhau, sự tĩnh lặng lơ lửng trong đó dường như không có gì sắp xảy ra - không điều nào trong số này có thể che giấu được sự hèn nhát của cô. Cô thực sự nghĩ mình có thể giấu mình đằng sau những ý niệm vay mượn về kiểu viết hiện đại, và nhấn chết tội lỗi của mình trong một dòng - ba dòng! - ý thức? Những lảng tránh trong cuốn tiểu thuyết nhỏ của cô chính xác là những lảng tránh trong đời cô. Tất cả những thứ cô không mong phải đối đầu cũng biến mất khỏi tiểu thuyết của mình - nhưng lại thiết yếu với nó. Giờ cô phải làm gì? Cái cô thiếu không phải là xương sống của truyện. Mà là xương sống.

Cô bỏ lại công viên nhỏ phía sau, băng qua một nhà máy be bé máy móc nện ầm ầm làm cho cả vỉa hè rung lên. Không thể nào biết được đằng sau những cửa sổ cao bẩn thỉu kia người ta đang sản xuất cái gì, hay tại sao khói vàng và đen lại ngùn ngụt bốc lên từ một ống nhôm thanh mảnh duy nhất. Phía đối diện, trên một đường chéo cắt qua góc phố, là cánh cửa đôi mở toang của một quán rượu trông cứ như một sân khấu. Bên trong, nơi một thằng bé có vẻ mặt quyến rũ, trầm ngâm đang đổ các gạt tàn vào xô, không khí buổi tối qua vẫn còn có vẻ xanh mờ mờ. Hai người đàn ông đeo tạp dề da đang khiêng thùng bia từ bậc thang xe ngựa xuống. Cô chưa bao giờ thấy nhiều ngựa đến thế trên đường phố. Quân đội hẳn đã trưng thu hết các xe tải. Có ai đang đẩy cửa lật đậy hầm từ bên trong. Chúng đập mạnh lên vỉa hè, làm tung bụi lên, và một người đàn ông đầu trọc, chân vẫn còn ở bên dưới mặt đường, dừng lại quay đầu nhìn cô đi ngang qua. Với cô ông ta như một quân cờ khổng lồ. Đám đánh xe cũng đang nhìn cô, và một trong đó huýt sáo.

"Ổn chứ, cưng?"

Cô không khó chịu, nhưng chả bao giờ biết đáp lại thế nào. Vâng, cám ơn anh? Cô mỉm cười với tất thảy bọn họ, cảm thấy biết ơn những nếp gấp áo choàng. Mọi người, cô cho là thế, đều đang nghĩ đến cuộc xâm lược, nhưng không có gì khác để làm ngoài việc cứ tiếp tục sống. Ngay cả khi quân Đức đến, người ta sẽ vẫn chơi tennis, hay chuyện phiếm, hay uống bia. Có lẽ trò huýt sáo sẽ kết thúc. Khi đường uốn vòng và hẹp lại, dòng xe cộ đều đều trên đường nghe to hơn và khói nóng thốc vào mặt cô. Một hàng hiên gạch đỏ tươi kiểu Victoria trông ra ngay vỉa hè. Một phụ nữ đeo tạp dề có họa tiết cánh hoa đang quét thật lực phía trước nhà, qua cánh cửa mở toang thoang thoảng bay đến mùi đồ rán cho bữa sáng. Bà đứng lùi lại cho Briony đi qua, vì đường ở đây hẹp, nhưng khi Briony chào buổi sáng bà đánh mắt sắc lẹm nhìn đi chỗ khác. 

Một phụ nữ và bốn thằng bé tai nhọn đeo ba lô và kéo va li đi về phía cô. Bọn trẻ đang xô đẩy, gào thét, và vừa đi vừa đá một cái giày cũ. Chúng lờ đi tiếng hét khản đặc của bà mẹ khi Briony bị buộc phải đứng sang một bên cho chúng qua.

"Thôi đi, các con! Cho cô y tá qua."

Khi cô đi qua, bà kia nở một nụ cười méo xệch xin lỗi buồn rầu. Hai răng cửa của bà bị mất. Bà bôi nước hoa loại mạnh và giữa hai ngón tay có kẹp một điếu thuốc lá chưa châm.

"Bọn chúng rất phấn khích khi được về quê. Chưa bao giờ cả, cô tin được không."

Briony nói, "Chúc may mắn. Tôi hy vọng chị có một gia đình tốt."

Bà kia, tai cũng nhọn lòi ra, nhưng bị món tóc bum bê che đi mất một phần, cười mà như rú lên. "Bọn nó không biết sẽ gặp những gì trong hoàn cảnh thế này!"

Cuối cùng cô đến một ngã tư đường tồi tàn mà dựa theo góc tư bị rời ra của tấm bản đồ cô cho là Stockwell. Chặn ngang tuyến đường hướng Nam là một công sự bê tông ngầm, và đứng cạnh nó, với chỉ một khẩu súng trường duy nhất, là một nhóm Dân quân Tự vệ buồn chán. Một ông già đội mũ nỉ mềm, vận áo khoác ngoài và đeo băng tay, xương hàm bạnh xuống như con chó bull, tách khỏi nhóm và đòi xem chứng minh thư của cô. Vẻ ta đây, ông ta vẫy cho cô qua. Cô nghĩ tốt hơn là không hỏi đường ông ta. Theo như cô hiểu, phải đi khoảng hai dặm thẳng theo đường Clapham. Ở đây ít người và xe cộ hơn, đường cũng rộng hơn đường cô vừa qua. Tiếng ồn duy nhất là tiếng ầm ầm của một xe điện đang khởi hành. Trước một dãy căn hộ kiểu Edward tao nhã nằm cách xa mặt đường, cô cho phép mình ngồi xuống nửa phút trên một bức tường chắn thấp, dưới bóng cây tiêu huyền, và bỏ giày ra xem vết rộp ở gót. Một đoàn xe tải ba tấn chạy qua, hướng về phía Nam, ra khỏi thành phố. Tự động, cô liếc nhìn theo lưng họ nửa mong chờ sẽ nhìn thấy người bị thương. Nhưng chỉ có các thùng gỗ.

Bốn mươi phút sau cô đến ga tàu Clapham Common. Nhà thờ thấp lè tè xây bằng đá nhăn hóa ra lại khóa cửa. Cô lấy lá thư của cha ra đọc lại lần nữa. Một phụ nữ ở tiệm giày chỉ cho cô đi về bãi Clapham. Ngay cả khi Briony đã băng qua đường và bước trên cỏ thoạt tiên cô cũng không thấy cái nhà thờ đó. Nó bị lá cây che khuất mất nửa, và không hề giống như cô nghĩ. Cô đã hình dung hiện trường một tội ác, một thánh đường kiểu Gothic, mái vòm khoa trương ngập tràn ánh đỏ và chàm hắt lên từ cái nền kính màu mô tả những thống khổ ghê rợn. Cái hiện ra giữa tán cây mát mẻ khi cô bước lại gần là một ngôi nhà thô sơ bằng gạch nhỏ nhắn thanh nhã, như một đền thờ Hy Lạp, có mái lợp ngói đen, cửa sổ kính thường, và mái cổng thấp với những cây cột trắng bên dưới một tháp đồng hồ xây rất cân đối hài hòa. Đậu bên ngoài, gần mái cổng, là một chiếc Rolls-Royce màu đen bóng loáng. Cửa tài xế khép hờ, nhưng không thấy lái xe đâu cả. Khi đi qua xe, cô cảm thấy hơi nóng của bộ tản nhiệt, ấm áp như nhiệt độ cơ thể, và nghe tiếng lách cách của kim loại đang co rút. Cô lên cầu thang và đẩy cánh cửa đóng đầy đinh nặng nề.

Mùi gỗ ngòn ngọt như sáp, mùi đá thoang thoảng ươn ướt, cũng như trong nhà thờ ở mọi nơi. Ngay cả khi thận trọng quay lưng lại đóng cửa, cô cũng ý thức được nhà thờ gần như trống không. Những lời của cha sở đối âm với tiếng vọng của chính chúng. Cô đứng cạnh cửa, nửa người bị chậu nước thánh che khuất, đợi cho mắt và tai quen dần. Rồi cô tiến tới hàng ghế phía sau và luồn mình đi tới ghế ngoài cùng nơi vẫn nhìn được bàn thờ. Cô đã đến dự rất nhiều lễ cưới gia đình, mặc dù hồi đó cô còn quá nhỏ nên chưa thể có mặt tại lễ cưới tưng bừng của chú Cecil và dì Hermione ở Thánh đường Liverpool, cho đến giờ cô có thể nhận ra hình dáng và cái mũ lòe loẹt của dì ở hàng trước. Cạnh dì là Pierrot và Jackson, cao hơn chừng chục phân, kẹp giữa hai dáng hình của đôi bố mẹ đã xa lìa. Phía bên kia lối đi là ba thành viên gia đình Marshall. Tất cả bầu đoàn chỉ có thế. Một buổi lễ riêng tư. Không báo giới. Briony lẽ ra không được có mặt ở đó. Cô đã khá quen thuộc với lời the để biết mình chưa để lỡ khoảnh khắc chính.

"Thứ hai, Chúa trời đã phán định, như một phương cách chống lại tội lỗi và ngăn ngừa sự thông dâm, rằng những ai không có khả năng tiết chế sẽ phải kết hôn và giữ bản thân là một phần không bị ô uế của mình thánh Chúa."

Đối diện với bàn thờ, lọt giữa hình dáng cha sở mặc đồ trắng cao vượt lên, là đôi trẻ. Cô dâu mặc đủ bộ trang phục truyền thống, màu trắng, và theo như Briony có thể thấy được từ đằng sau, cô đội mạng che kín. Tóc buộc túm thành một đuôi sam như trẻ con từ dưới lớp vải tuyn và organdy thả xuống chạy dài theo xương sống. Marshall đứng nghiêm, đường vai áo đuôi tôm có lót đệm nổi bật trên màu áo thụng của cha sở.

"Thứ ba, Chúa trời phán định rằng, để đảm bảo tình thân, sự giúp đỡ và an ủy lẫn nhau, thì người này phải cùng chung với người kia..."

Cô cảm thấy ký ức, từng chi tiết nhọn hoắt, như nốt phát ban, như đất trên da mình: Lola đến phòng cô nước mắt giàn giụa, cổ tay thâm tím phồng rộp, những vết xước trên vai Lola và mặt Marshall; sự im lặng của Lola trong bóng tối bên hồ khi để cô em họ sốt sắng, lố bịch, chao ôi đức hạnh tuyệt trần, người không thể phân biệt đời thực với những câu chuyện trong đầu cô ta, đưa kẻ tấn công vào chỗ an toàn. Lola phù phiếm và mỏng manh tội nghiệp với băng đeo cổ đính ngọc trai và mùi nước hoa hồng, người khao khát vứt bỏ những kiềm tỏa cuối cùng của tuổi nhỏ, người đã cứu chính mình khỏi bị nhục nhã khi bắt đầu yêu, hay tự thuyết phục mình đã yêu, và người không tin nổi mình may mắn thế nào khi Briony khăng khăng mình sẽ là người đi vạch trần và buộc tội. Và với Lola, may mắn ấy làm sao gọi là may mắn được - chỉ là một đứa trẻ, bị bóc tem và chiếm đoạt - khi lấy chính kẻ đã hiếp mình.

"... Vì thế nếu bất cứ ai có thể chỉ ra bất cứ nguyên nhân nào, tại sao họ có thể không được phép kết hợp với nhau một cách hợp pháp, giờ xin hãy lên tiếng, nếu không sẽ phải vĩnh viễn im lặng."

Điều này đang thực sự xảy ra ư? Có phải cô đang thực sự đứng lên, trên đôi chân yếu ớt với cái bụng trống rỗng co thắt và trái tim phập phồng, đi dọc hàng ghế đến chiếm lĩnh vị trí ngay giữa lối đi, và vạch ra các lý do, các nguyên nhân chính đáng của mình, bằng một giọng thách thức không hề lắp bắp khi tiến đến trong chiếc áo choàng và khăn trùm đầu, như một cô dâu của đức Kitô, về phía bàn thờ, về phía vị cha sở miệng há hốc vốn trong sự nghiệp dài lâu từ trước đến nay chưa bao giờ bị ngắt lời, về phía nhóm người với những chiếc cổ cong ngoéo, và đôi trẻ mặt trắng bệch đang quay nửa người lại? Cô vốn không chủ định điều này, nhưng câu hỏi, mà cô đã quên rồi, từ Sách Cầu nguyện Chung, đã trở thành khiêu khích. Và chính xác thì những điều gì ngăn trở chứ? Giờ là cơ hội của cô để tuyên bố một cách công khai toàn bộ nỗi thống khổ thầm kín và giải tội cho chính mình khỏi tất cả những gì sai trái cô đã làm. Trước bàn thờ của giáo hội giàu lý tính nhất trong các giáo hội.

Nhưng những vết xước và thâm tím đã lành từ lâu, và tất cả những lời chứng của cô vào lúc đó lại ngược lại hoàn toàn. Cô dâu cũng không có vẻ gì là nạn nhân, mà cô lại được cha mẹ ủng hộ. Hơn cả ủng hộ, rõ ràng; tay tài phiệt sôcôla, cha đẻ của Amo. Dì Hermione hẳn đang xoa tay. Nói rằng Paul Marshall, Lola Quincey, và cô, Briony Tallis, đã âm mưu dùng im lặng và lừa dối để đẩy một người vô tội vào tù ư? Nhưng những lời kết tội anh ta lại là của chính cô, đọc to lên thay mặt cô ở tòa đại hình. Án đã được thi hành. Nợ đã trả. Phán quyết của tòa dưới được giữ nguyên.

Cô ngồi yên trong ghế tim nện thình thịch và tay ướt đầm mồ hôi, khúm núm cúi đầu.

"Ta yêu cầu và buộc cả hai con, như các con sẽ trả lời vào ngày phán xét khủng khiếp khi những bí mật của mọi con tim buộc phải bị phơi bày, nếu ai trong hai con biết bất cứ trở ngại nào mà tại vì thế hai con không thể kết hợp với nhau thành vợ chồng một cách họp pháp, thì bây giờ hai con hãy thú nhận."

Dù ước lượng kiểu gì, còn một khoảng thời gian rắt dài nữa mới đến ngày phán xét, và cho đến khi đó sự thật mà duy Marshall và cô dâu của hắn biết trực tiếp vĩnh viễn được vùi sâu chôn chặt trong cuộc hôn nhân của họ. Ở đó nó sẽ nằm an toàn trong bóng tối, rất lâu sau khi bất cứ ai có để tâm cũng đã chết rồi. Mỗi từ trong buổi lễ này là thêm một viên gạch đặt vào nơi đó.

"Ai dẫn người phụ nữ này đến làm lễ với người đàn ông này?"

Chú Cecil trông như một con chim nhanh nhẹn bước lên, rõ là rất háo hức muốn làm cho xong nghĩa vụ để còn vội vàng quay về lại chỗ ẩn náu ở All Souls College, Oxford. Căng tai ra bắt lấy bất cứ sự ngờ vực hoặc lưỡng lự nào trong giọng nói của họ, Briony nghe Marshall, rồi Lola, lặp lại lời cha xứ. Cô dâu ngọt ngào và chắc chắn, trong khi Marshall oang oang, như thể phản kháng. Thật trắng trợn, dâm dục làm sao, cái giọng vang vọng trước bệ thờ khi cô ta nói, "Em tôn thờ anh bằng cơ thể mình."

"Chúng ta hãy cầu nguyện."

Rồi bảy hình dáng cái đầu ở hàng ghế trước cúi xuống và cha sở tháo kính đồi mồi ra, cằm hếch lên, mắt nhắm lại, cất tiếng nói với quyền năng thần thánh bằng lời ê a buồn rầu mệt mỏi của ông.

"Ôi Thượng đế Vĩnh hằng, Đấng Tạo tác và Bảo vệ cả nhân loại, Người trao mọi ơn thiêng, Đấng Sáng tạo sự sống trường cửu: Hãy ban phước cho những kẻ nô bộc của Ngài, người đàn ông và người phụ nữ này..."

Viên gạch cuối cùng đã được đặt vào chỗ khi cha sở đeo kính lên lại, phát ra lời tuyên bố đáng mong đợi - người đàn ông và vợ của mình - và cầu khẩn Chúa Ba ngôi mà nhà thờ của ông được đặt tên theo. Sau đó lại thêm kinh cầu nguyện, một bài thánh ca, kinh Lạy Cha và một bài dài nữa trong đó những nốt của lời từ biệt nhỏ dần đi hợp thành một kết cục sầu muộn.

"... Hãy ban cho các con ơn huệ dạt dào của Người, thánh hóa và ban phúc cho các con, để các con có thể làm hài lòng Người cả trong thể xác lẫn linh hồn, và sóng với nhau trong tình yêu thiêng liêng cho đến cuối đời."

Ngay lập tức, từ đàn organ thánh thót phun trào một liên ba confetti bay lả tả khi cha sở quay gót dẫn đôi tân hôn xuống lối đi và sáu thành viên gia đình nối bước phía sau. Briony, vẫn quỳ gối giả vờ cầu nguyện, giờ đứng dậy và xoay người đối diện với đám rước khi nó tiến tới. Cha sở có vẻ hơi vội vã, đi trước cả đám một đoạn dài. Khi ông liếc sang bên trái nhìn thấy cô y tá trẻ, ánh mắt nhân hậu và cái nghiêng đầu của ông biểu lộ cả sự chào đón lẫn tò mò. Rồi ông sải bước tới kéo cửa lớn mở toang ra. Một vạt nắng xiên tạt vào đến tận chỗ cô đứng và soi rõ mặt cô cũng như khăn trùm đầu. Cô muốn họ thấy mình, nhưng không phải rõ ràng đến thế. Giờ thì cô không còn lẫn vào đâu được nữa. Lola, đi bên phía Briony, tiến tới và mắt họ gặp nhau. Mạng của cô ta đã kéo lên rồi. Những vết tàn nhang đã biến mất, nhưng trừ cái đó ra cô ta không thay đổi nhiều lắm. Có lẽ chỉ cao hơn chút đỉnh, và xinh hơn, mặt tròn và mịn hơn, và lông mày tỉa không thương tiếc. Briony chỉ đứng đó nhìn. Tất cả những gì cô muốn là cho Lola biết cô có mặt ở đó và tự hỏi tại sao. Ánh nắng làm mắt Briony bị chói khó nhìn, nhưng trong một phần giây, một sự cau có khó chịu tí ti có lẽ đã lộ ra trên mặt cô dâu. Rồi cô ta bặm môi và nhìn tới trước, rồi đi mất. Paul Marshall cũng nhìn thấy cô, nhưng không nhận ra, và dì Hermione hay chú Cecil không gặp cô từ hàng bao năm nay cũng không nốt. Nhưng hai thằng sinh đôi, đi sau cùng mặc quần đồng phục nhà trường ngắn cũn, rất khoái chí khi nhìn thấy cô, làm điệu bộ giả vờ kinh ngạc trước trang phục của cô, và há miệng trợn tròn mắt như hề, hai tay ầm ĩ đưa lên bưng miệng.

Rồi cô còn lại một mình trong nhà thờ với tay chơi organ không thấy đâu vẫn tiếp tục chơi cho chính bản thân. Kết thúc chóng vánh quá, và không có gì chắc chắn đạt được. Cô vẫn đứng yên tại chỗ, bắt đầu cảm thấy mình hơi ngu ngốc, ngại ngần không muốn ra ngoài. Anh ngày, và cuộc trò chuyện gia đình tầm phào, sẽ làm tiêu tán mất bất cứ hiệu ứng nào cô đã gây ra được bằng sự xuất hiện sáng chói đầy ma mị. Cô cũng không đủ can đảm mà đối đầu trực diện. Và cô sẽ giải thích về mình thế nào đây, một vị khách không mời, cho dì và chú? Họ có thể khó chịu, hay tệ hơn, không khó chịu, và muốn đưa cô tới một bữa sáng đau khổ nào đó ở một khách sạn, cùng với ông bà Paul Marshall lồ lộ căm thù, và Hermione vốn không che giấu nổi sự khinh miệt với Cecil. Briony nấn ná thêm một hai phút nữa, như thể bị âm nhạc níu chân, rồi, khó chịu vì sự hèn nhát của chính mình, vội vàng ra mái cổng. Cha sở đã ở cách đó ít nhất một trăm thước, rảo chân qua bãi cỏ tay đánh vung vẩy. Đôi tân hôn ngồi trong chiếc Rolls, Marshall cầm lái, cài số lùi để quay vòng. Cô chắc chắn họ đã nhìn thấy mình. Có tiếng rít đầy thanh kim khi hắn sang số - có lẽ là một dấu hiệu tốt lành. Chiếc xe lăn bánh đi, và qua cửa bên cô thấy thân người hắng muốt của Lola rúc vào cánh tay người lái. Còn đoàn rước kia, nó đã biến mất hoàn toàn trong đám cây.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top