Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

BỘ DA HỔ- MỘ


Nước ta từ bắc chí nam tới hàng ngàn dặm, trải dài đất nước vô số rừng rậm, làng mạc, phố thị đan xen, người thú ở xen kẽ, lại có con đường Cái quan là chạy dọc dài theo đất nước. Bình thường, đường Cái quan cũng không có nhiều người qua lại, chủ yếu là quan quân chạy công vụ hoặc dân buôn.

Cũng không nhớ ở huyện nào, tỉnh Quảng Bình, có đường Cái quan đi qua.

Những năm ấy là thời Tự Đức, năm 1881 tây lịch, nước Nam ta còn đánh nhau với pháp nên thành ra đường Cái quan chỗ qua huyện ấy thì tấp nập, người tị nạn, quan quân qua lại.

Hiềm một nỗi người qua đây hay có nạn, thường mất tích, có tìm thấy xác thì cũng không nguyên vẹn, cái mất đầu, cái mất chân, lại cũng hay bị mổ bụng, lòi hết ruột gan, máu me nhoe ra, đỏ hết cả khoanh đất, rồi mùi tanh hôi, máu me xộc lên, hết sức kinh dị. Cũng có cái bị thú ăn còn trơ xương trắng hoặc rồi xác nát bất nhầy.

Chỉ biết quanh vùng thường có dấu chân hổ, thì người làng xung quanh biết là có con hổ thường bắt người.

Cũng chẳng phải mình dân tứ xứ đi qua đến cả quan quân làm việc công cụ cũng bị hại.

Nên quan tri huyện lo lắm. Cử quan quân đi lùng bắt, súng đạn, gươm đao sáng rực trời mà vẫn không bắt được.

Người ta chỉ thấy dấu chân mà biết là con hổ to lắm, tầm bằng con trâu đực ba bốn tuổi, mà không thấy hình dạng bao giờ, cũng chẳng mấy khi nghe nó gầm. Thành ra có tin đồn, nó ăn thịt người thành tinh, nên có nhiều thuật ma mị hại người.

Cư dân trong vùng vô cùng sợ hãi. Quan quân đi qua cũng phải đi từng đoàn lớn, quan trên cũng bất lực, thuê cả thợ săn về mà vẫn chưa bắt được. Cứ thế mấy năm liền, cả trăm người mất mạng.

Làng mạc xung quanh kinh sợ, cứ chập tối, mặt trời lặn là phải đóng cửa, cài then, tường rào cao gấp đôi, gấp ba đầu người thường. Tối đến tuyệt nhiên hàng xóm không sang nhà nhau, khách qua đường không cho vào ở trọ, người gọi cửa không dám mở. Làng xóm tối đến là tối om, im bặt, tuyệt nhiên không dám đèn đuốc, nói cười, chỉ sợ hổ tìm người.

Ấy thế mà thỉnh thoảng có người qua đây, không biết thành ra là vật thế thân, chịu bỏ mạng cho hổ.

Tổng xã thì sợ lắm, tháng nào cũng phải cúng tế trâu bò, sinh ra dân chúng cung phụng hết sức khổ sở, mà nạn hổ ăn thịt người vẫn không dứt.

Có ông cai đội tên Tùng, người xứ Thanh Hóa, trên đường vào Kinh thành Huế nhận công vụ, đi qua vùng này, có nghe kể chuyện.

Trên đường đi ngồi nghỉ chân, ghé quán nước bên đường, có bà cụ già dặn: "Ông đội đi qua đây, chớ ngồi lâu, nên đi đi, phía trước không ở qua đêm được đâu."

Tùng hỏi: "Sao vậy cụ, phía trước có làng xóm kia, đâu phải rừng rậm, mệt thì tôi xin vào nhà dân mà nghỉ thôi."

Bà cụ tiếp: "Trong vùng này, có hổ, có ma quỷ, tối đến không ai tiếp ông đội đâu, nhiều người bỏ mạng rồi, đừng ở lâu, không tốt đâu."

Tùng cười: "Tôi là quan quân, làm việc nước, lại sợ giống ma quỷ."

Bà cụ: "Nó hại người có phân biệt đâu, tôi nói thế là lo cho ông đội thôi."

Tùng lại cười, rồi trả tiền, quẩy tay nải, dắt dao vào thắt lưng, xách súng lên mà thủng thẳng đi.

Chập tối, thì đến một làng dọc đường Cái quan. Quả nhiên, cả làng tối mịt, lặng như tờ đến con chó, con mèo cũng chẳng có tiếng kêu. Tùng vào nhà dân gõ cửa xin ở nhờ mà chẳng ai mở, cứ đuổi đi bằng được.

Tùng bực quá, tối rồi chẳng có chỗ ở mà xung quanh tối mù tịt như đêm ba mươi, không biết đường nào mà đi. Loanh quanh một hồi thì thấy ánh đèn heo hắt từ một cái nhà tranh bên đường. Tùng bèn tiến đến mà hắng giọng hỏi: "Có ai ở nhà không nhỉ? Tôi xin nghỉ nhờ?"

Thoáng thấy có bóng người, là một người phụ nữ tưởng chừng hai mươi,

Người phụ nữ đon đả tiếp lời: "Ông đội đi đâu khuya thế, không sợ ma à? Ông đội vào quán em nghỉ, em có rượu thịt đây, mời ông đội!"

Tùng vào quán, nhìn quanh bốn góc, chẳng có gì đáng kể, có mấy cái ghế, bàn bán nước, mấy bộ hàng xén, hàng ăn.

Độc. Cái phản góc nhà là có trải tấm da hổ ngay ngắn.

Tùng nhảy tót lên phản ngồi.

Người phụ nữ bê mâm ra, thấy thế thảng thốt: "Ấy, quan anh sao ngồi thế, hỏng hết cả của hồi môn của tôi."

Tùng cười nói: "Đêm khuya lạnh lẽo, cho tôi mượn tí đắp cho ấm người."

Lại tiếp: "Cô không cần phải tiếp, tôi cũng chẳng đói, cho tôi ngủ qua đêm, mượn tấm da này đắp cho ấm là được rồi."

Cô gái luấn quấn, chẳng biết làm sao, được nằng nặc níu Tùng xuống khỏi phản, mà không được.

Tùng giả vờ lăn quay ra ngủ, rồi lấy tấm da quấn cuộn tròn lại mà nằm.

Lảng đi một lúc, Tùng ngủ thật.

Đang đêm, nghe tiếng gõ cửa. Tùng mở mắt, bật dậy.

Ngoài có tiếng quát:"Ta là quan khâm sai đại thần, thằng kia sao còn nằm đấy, không mở cửa cho ta vào, muốn bị chém đầu bêu chợ hả?"

Tùng nằm im không nói gì.

Ngoài cửa tiếng lại quát to, dọa nạt. Tùng quyết nằm im.

Một lúc lại im.

Rồi sau lại nghe tiếng kẽo kẹt. Có đứa con gái đẩy cửa mà vào, mình trần truồng lại gần, trèo lên phản nằm cùng, rồi sờ soạng Tùng.

Đứa con gái nói: "Mình ơi, đêm lạnh quá cho tôi đắp chăn cùng với". Đứa con gái vừa nói mà kéo tấm da hổ Tùng đang đắp.

Nó lại nói: "Em nằm thế này, chẳng có quần áo mặc, anh không sờ thử xem. Người chứ ma đâu!"

Tùng nhất quyết nắm lấy, không buông.

Đứa con gái cứ tỉ tê, trăng hoa này nọ, đòi ăn nằm. Tùng quyết không nghe, cuộn chặt tấm da hổ.

Đứa con gái bực mình, hậm hực đi ra.

Lúc sau, lại tiếp có tiếng kêu: "Cứu cứu già với, già ở ngoài này, hổ đuổi đến đây rồi. Ối làng nước ơi, cứu tôi với!"

Tùng giật mình, mở mắt, nhìn ra là bà già lúc chiều. Hơi hoảng hốt, Tùng vẫn đắp chăn ngồi dậy mà nói: "Bà vào đây với tôi, tôi có súng đây, dao dắt trong người này, xem có con gì ăn nổi?"

Bà già chuyển sắc mặt lúng túng, mà kêu gào, chứ không dám bước vào. Rồi lúc sau im bặt. Tùng lại nằm xuống mà ngủ lúc nào không biết.

Đến tảng sáng, gà gáy, Tùng tỉnh dậy, thấy xung quanh chẳng có gì, Tùng nằm giữa bãi cỏ trống, mà nhà cửa chẳng thấy đâu nữa. Trên mình Tùng hẵng còn quấn chặt tấm da hổ.

Tùng bèn cởi tấm da, mà xách dao súng đi vào làng tìm người.

Người trong làng đổ ra mà xem Tùng mang tấm da hổ về làng đông như đi chợ.

Nhìn kỹ tấm da hổ còn tươi nguyên, hãy còn dính máu như mới lột. Quả chừng, tấm da phải phủ vừa cả con trâu mộng to nhất làng, lông vàng óng ánh dưới nắng, vằn vện đen xì xì như muội than. Mọi người đều kì dị, sợ hãi. Các hương chức trong làng liền bẩm lên quan trên xin thưởng cho Tùng, mà trong làng cũng tổ chức tiệc lĩnh đình, giết trâu bò đãi Tùng liền mấy ngày.

Tùng muốn đi mà không được, phải lấy cớ việc nước gấp gáp không thể không đi, lúc đấy người làng mới cho đi mà còn tặng theo bao nhiêu của nả, cho đầy tay nải, với sắm cho một đứa trong làng làm đầy tớ mà gánh đồ.

Rồi qua ba bốn ngày, người làng phát hiện xác một con hổ bị lột da, to như con bò mộng nằm ở bìa rừng, ba bốn thanh niên lực lưỡng vất vả mới khiêng về làng được. Quan tỉnh cho người về khám nghiệm thì đúng là con hổ đã lớn tuổi lắm rồi, răng vuốt cũng không còn, sứt mẻ lung tung. Người ta ngờ rằng nó sống lâu rồi, thành tinh mà già yếu không bắt thú rừng được mới ra gần lộ, trút da, giả người mở quán mà hại người.

Ai ai cũng kinh sợ, quan tỉnh bèn lệnh cho chất củi mà thiêu đi, lửa cháy ba ngày mới tiêu thành tro, đem vứt xuống sông.

Từ đấy, nạn hổ bắt người mất hẳn.

Lại nói, đội Tùng vào Kinh đô, mang theo cả tấm da hổ, luôn luôn cất trong hòm khóa chặt lại, giữ bên mình. Mấy năm sau, hết việc được về quê, lại đi qua chốn cũ đất Quảng Bình. Người làng đón rất trọng thị, quà biếu không kể sao hết, lại kể chuyện xóm làng từ đấy lại bình yên. Người làng tiếp rượu ân cần, mà Tùng say ngủ cả giữa đình làng.

Đêm ấy, đang lơ mơ ngủ thì có người lay, vỗ vai mà nói:" Thầy đội ơi, thầy đội ơi!"

Tùng dụi mắt, làu bàu chửi mà trở mình ngồi dậy. Đang lơ mơ thì thấy đứa con gái, ngờ ngợ, chợt nhớ ra là đứa con gái mà hổ giả dạng, toan rút dao dắt bên mình lao đến chém.

Đứa con gái thảng thốt, sụp xuống lạy mà khóc.

Tùng thẫn người nhìn.

Đứa con gái nói:"Lạy ông, con là con hổ sống ở rừng này đã lâu, răng rụng, vuốt mòn nên không kiếm được mồi, bất đắc dĩ đói quá mới trút da, hại người, nay bị ông trị rồi, xác bị thiêu ngoài đồng, hồn phiêu dạt, còn tấm da thì ông xiềng trong hòm kia, khổ sở hết sức."

Tùng quát:"Mày là đứa hại người, thành tinh có năm ba đường tu luyện, riêng mày loại này trừ không tha!"

Đứa con gái lại nói:" Ông đội thương con, hổ quý nhất bộ da, nay con hồn đã phiêu dạt, chỉ xin ông lại bộ da để hoàn hồn vào đấy mà xin diêm vương cho hóa kiếp khác, chứ không cả đời làm ma vất vưởng."

Nó nói tiếp rằng: "Cứu một mạng người xây tháp bảy tầng, ông đội xét cho con."

Tùng đáp: "Mày hạng gì mà đòi xây với chẳng không!"

Đứa con gái lại sụp lạy khóc:"Xin ông dơ cao đánh khẽ, ông đội xét cho con!"

Tùng đang định mắng tiếp thì như có người vả vào mặt đau điếng.

Choàng tỉnh, mới biết là nói, quát trong mơ, người làng sợ quá, tát cho tỉnh.

Tùng biết là hồn con hổ về xin xỏ trả bộ da cho nó. Tùng cũng phân vân lắm. Đến ngày về quê, Tùng cáo biệt người làng bịn rịn lắm rồi đi ra cái quan. Đoạn tới chỗ cũ con hổ dựng nhà hại người. Tùng dừng lại nghĩ mông lung mà bảo đầy tớ mở hòm vứt tấm da hổ lại. Lúc mở ra, tấm da hổ còn như mới nguyên mới lột, hãy còn tươi máu.

Xong rồi thầy trò lại tiếp tục lên đường về quê.

Được mấy năm sau lại nghe truyện vùng ấy tiếp tục bị nạn hổ ăn thịt người trở lại. Thực không biết thế nào.

Cũng có tin, ông đội Tùng trên đường về quê thì gặp vạ, hai thầy trò chết không toàn thây, phơi xác bên đường, bụng bị mổ lòi hết ruột gan, máu me nhoe nhoét hết cả. Riêng đội Tùng bị lột hết bộ da, thây đỏ hỏn như cục thịt, mắt lòi lủng lẳng cả ra, tay chân bị bẻ gãy hết xương đến rời ra, hết sức kinh dị. Mọi người đồ rằng bị cướp, nhưng của nải còn nguyên bên cạnh thằng hầu.

Hết./.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top