Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

cac phan ve phap

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

5- Hoàn cảnh lịch sử, nội dung và ý nghĩa Hiệp định Sơ bộ Việt Pháp (6/3/1946)

a/ Hoàn cảnh lịch sử

Sau khi chiếm đóng các đô thị ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp chuẩn bị thực hiện kế hoạch mở rộng xâm lược ra miền Bắc để thôn tính cả nước ta. Nhưng do lực lượng còn ít (khoảng 3,5 vạn), Pháp khó thể đương đầu nổi với nhân dân miền Bắc và sự cản trở của 20 vạn quân của Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch đang đóng ở đây.

Để có thể đưa quân ra miền Bắc một cách trót lọt, Pháp đã thương lượng và ký với Chính phủ Trung Hoa Dân quốc Hiệp ước Hoa-Pháp vào ngày 28/2/1946, theo đó Trung Hoa Dân quốc được Pháp trả lại một số tô giới, nhượng địa ở Trung Quốc và được miễn thuế vận chuyển hàng hoá qua cảng Hải Phòng vào Vân Nam; đổi lại, Pháp đưa quân ra miền Bắc thay thế quân Trung Hoa Dân quốc làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật.

Như vậy, Hiệp ước Hoa-Pháp đã đặt nhân dân ta đang trước hai con đường cần phải lựa chọn: Hoặc chống lại thực dân Pháp ngay khi chúng đưa quân ra miền Bắc; hoặc tạm thời hòa hoãn, nhân nhượng Pháp để tránh tình trạng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù.

Ngày 3/3/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh đã quyết định chọn giải pháp “hòa để tiến”, chấp nhận tạm bắt tay hòa hoãn với Pháp.

Chiều ngày 6/3/1946, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với đại diện Chính phủ Pháp là G. Xanhtơni (G. Sainteny) bản Hiệp định Sơ bộ.

b/ Nội dung Hiệp định Sơ bộ

Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ riêng, nghị viện riêng, quân đội riêng, tài chính riêng và là thành viên của Liên bang Đông Dương nằm trong khối Liên Hiệp Pháp.

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thỏa thuận cho 15.000 quân Pháp ra miền Bắc thay quân Trung Hoa Dân quốc làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật, số quân này sẽ đóng tại những địa điểm quy định và rút dần trong thời hạn 5 năm.

Hai bên thực hiện ngừng mọi cuộc xung đột ở phía Nam và giữ nguyên quân đội của mình tại vị trí cũ, tạo không khí thuận lợi cho việc mở cuộc đàm phán chính thức về vấn đề ngoại giao của Việt Nam, chế độ tương lai của Đông Dương, quyền lợi kinh tế và văn hóa của người Pháp ở Việt Nam.

c/ Ý nghĩa Hiệp định Sơ bộ

Ký kết Hiệp định Sơ bộ để hòa hoãn với Pháp đã cho phép Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tránh được cuộc chiến đấu bất lợi vì phải chống lại nhiều kẻ thù cùng một lúc.

Với Hiệp định Sơ bộ, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đẩy được 20 vạn quân của Trung Hoa Dân quốc và tay sai ra khỏi miền Bắc.

Hiệp định Sơ bộ còn giúp Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thêm thời gian hòa bình để củng cố bộ máy chính quyền cách mạng, xây dựng và chuẩn bị lực lượng mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài với thực dân Pháp về sau.

6- Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)

1/Nguyên nhân thắng lợi

Thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta xuất phát từ các nhân tố cơ bản sau đây:

Sự lãnh đạo sáng suốt, vững vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối kháng chiến đúng đắn, thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính, có sức mạnh động viên và tổ chức toàn dân đánh giặc, lao động sản xuất.

Chính quyền dân chủ nhân dân, của dân, do dân và vì dân được giữ vững, củng cố và lớn mạnh, làm công cụ sắc bén tổ chức toàn dân kháng chiến và xây dựng chế độ mới.

Sự đoàn kết chiến đấu của toàn dân tập hợp trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi - Mặt trận Liên Việt - được xây dựng trên nền tảng khối liên minh công nông và trí thức vững chắc.

Lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân do Đảng ta trực tiếp lãnh đạo ngày càng vững mạnh, chiến đấu dũng cảm, mưu lược, tài trí là lực lượng quyết định tiêu diệt địch trên chiến trường, đè bẹp ý chí xâm lược của địch, giải phóng đất đai của Tổ quốc.

Có hậu phương rộng lớn, vững chắc về mọi mặt của nhân dân cả nước.

Sự liên minh chiến đấu keo sơn giữa ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia cùng chống một kẻ thù chung; có sự đồng tình, giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân, các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kể cả nhân dân Pháp.

2/Ý nghĩa lịch sử

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi đã khẳng định sức mạnh và truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta, đồng thời chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ tại Việt Nam.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã giúp miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đây là tiền đề to lớn nhất cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta trong thời kì cả nước đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng trên 2 miền đất nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng đế quốc Mỹ vốn được coi là sen đầm của thế giới hiện đại. 

Thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ đã giáng đòn nặng nề vào tham vọng xâm lược, âm mưu nô dịch của chủ nghĩa đế quốc sau Chiến tranh thế giới thứ hai, góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa của chúng, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc của các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và hiệp định Genève đặt cơ sở vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ và những thắng lợi của cách mạng Việt Nam sau này.

7- Hoàn cảnh, nội dung và ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris (27/1/1973)

a/ Hoàn cảnh lịch sử

Đầu năm 1967, ta đã chủ trương mở thêm mặt trận tấn công ngoại giao với mục tiêu trước mắt là đòi Mỹ chấm dứt không điều kiện hoạt động bắn phá miền Bắc.

Ngày 31/3/1968, sau cuộc tiến công và nổi dậy bất ngờ của quân và dân ta vào Tết Mậu Thân 1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn (Johnson) đã ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và tuyên bố sẽ thương lượng với Việt Nam.

Ngày 13/5/1968, cuộc thương lượng chính thức giữa hai bên (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ) đã họp phiên đầu tiên tại Paris. Và từ 25/1/1969, là cuộc họp bốn bên (có thêm Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam- sau đó dược thay bằng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam- và Việt Nam Cộng hòa).

Hội nghị bốn bên đã trải qua nhiều cuộc họp chung công khai và nhiều cuộc tiếp xúc riêng bí mật. Trong quá trình đàm phán, lập trường bốn bên, mà thực chất là hai bên, rất khác nhau, mâu thuẫn nhau, khiến cho cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt trên bàn đàm phán, nhiều lúc phải gián đoạn.

Phía Việt Nam kiên quyết đòi phía Mỹ phải rút hết quân viễn chinh cùng quân đồng minh về nước, và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam.

Về phía Mỹ thì ngược lại, nhất là vấn đề rút quân: Mỹ đòi phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải “có qua có lại”, tức là cả quân miền Bắc và quân Mỹ cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam; từ chối ký dự thảo Hiệp định đã được hai bên thỏa thuận vào tháng 10/1972, rồi mở cuộc tập kích không quân bằng máy bay B52 vào Hà Nội và Hải Phòng trong 12 ngày đêm vào cuối năm 1972 với ý đồ buộc phía Việt Nam phải ký dự thảo Hiệp định do Mỹ soạn thảo.

Mỹ đã bị quân dân ta đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” và buộc phải trở lại bàn đàm phán ký vào hiệp định do việt Nam đưa ra trước đó.

Ngày 23/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được kí tắt; và ngày 27/1/1973, bản Hiệp định được chính thức kí kết giữa 4 ngoại trưởng đại diện cho các chính phủ tham dự hội nghị.

b/ Nội dung Hiệp định Paris

Hoa Kỳ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Hai bên ngừng bắn ở miền Nam vào lúc 24h00 ngày 27/1/1973 và Hoa Kỳ cam kết chấm dứt mọi hoạt động quân sự chống miền Bắc Việt Nam.

Hoa Kỳ phải rút hết quân đội của mình và quân đồng minh về nước, hủy bỏ các căn cứ quân sự, cam kết không tiếp tục dính líu hay can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử tự do, không có sự can thiệp của nước ngoài.

Các bên thừa nhận thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị (lực lượng cách mạng, lực lượng hòa bình trung lập và lực lượng chính quyền Sài Gòn).

Các bên ngừng bắn tại chỗ, trao trả cho nhau tù binh và dân thường bị bắt.

Hoa Kỳ cam kết góp phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương, thiết lập quan hệ bình thường cùng có lợi với Việt Nam.

c/ Ý nghĩa Hiệp định Paris

Là thắng lợi của sự kết hợp hài hòa giữa đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao của cách mạng.

Là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân Việt Nam trên cả hai miền đất nước.

Buộc Mỹ phải thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta, rút hết quân về nước.

Đó là thắng lợi lịch sử quan trọng, tạo thời cơ thuận lợi để nhân dân ta tiến lên đánh sụp chế độ Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top