Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CÁI ĐIÊN CỦA MỘT CON ĐĨ (4)

*****

Hai năm sau.

Con Hai 16, con Út 10.

Đừng hỏi chuyện gì đã xảy ra trong hai năm đó, không quan trọng đâu, chỉ là hai năm trong cuộc đời bình thường đâu đâu cũng gặp của hai đứa bụi đời thôi mà, không có gì quan trọng.

Ra đường kiếm ăn, hỏi ai mà không ra đường kiếm ăn kia chứ, muôn vàn câu truyện, khác nhau thì rõ rồi, nhưng mà hao hao cũng không thiếu. Bớt được một hai câu, biết ít một chút, đôi khi lại tốt hơn.

Đầu tiên là an cư.

Hai chị em nó thuê được một cái nhà ở vùng ven, nhà tốt lắm, phi thường tốt.

Đầu tiên là có sân, sân có cỏ cao hơn đầu gối, cỏ có cả mẻ chai, có cái cống nước chảy ngang qua nhưng mà không có hàng rào. Có lần con Hai chơi liều mua dầu lửa rưới ra sân rồi bật quẹt đốt, cỏ cháy rập rình thơm ra mùi thịt nướng, chỉ là không biết mùi của con gì mà thôi. Đốt được ba ngày thì cái nước cống đầy dinh dưỡng kia lại nuôi cỏ xanh rờn trở lại, con Hai đành phải kê mấy miếng ván gỗ làm con đường tạm để bước ra bước vô.

Nhà có nền, nền trải xi măng đàng hoàng, chỉ là xi măng đã đi đâu mất còn đất cát thì ở lại. Càng tốt, khỏi mất công quét nhà, chứ mà quét hoài thì nhiều khi cái nền nó mòn nó lún xuống rồi thấp hơn mặt đường luôn thì sao. Phải tính chuyện cho ngày mưa nữa chứ, gì chứ mưa Sài Gòn là nó lạ lùng lắm, mưa một cây là thấy mấy miếng ván trải ngoài sân tự nhiên nó trôi đi đâu mất. Rồi vô trong ngủ xong một giấc bước ra thì thấy mấy miếng ván đó lại trở về. Còn cái lạ là ở chỗ phải tới lúc này nhìn lên bên trên mấy miếng ván thì mới biết là trong sân cỏ nhà mình nó có những con gì cư ngụ. Tính ra nhà này ai mà mạng thủy, thuê ở là vô cùng hợp lý.

Nội thất thiết kế trong nhà là cực kỳ đầy đủ, không thiếu thứ gì, chỉ thiếu mấy cái vách bao bọc xung quanh. Vách tôn mà có hở đinh ra thì dùng dây kẽm cột lại, chỗ nào rỉ sét quá cột không được nữa thì lấy giấy các-tông chèn vô. Hơi hao chút nhưng mà được cái gió nó có dập thì cái chỗ chèn đó nó cũng ít ồn hơn.

Mấy bữa trước có lần nửa đêm đang ngủ, con Hai thấy nhột nên giật mình thức dậy, thì ra là có bàn tay thò từ bên ngoài vô đang mò mò trên người mình, có kinh nghiệm rồi nên con Hai cũng chẳng la hét làm gì, mất công làm con Út thức giấc. Con Hai chỉ đơn giản áp sát miệng vào vách tôn mà nói thầm: "Tao đang cầm cái kéo đó, mày có tin là kéo bén hơn dao không ?!". Thế là bàn tay kia từ từ lui lại, lúc rút ra xong rồi còn lấy miếng giấy chèn vào lớp kẽ tôn như cũ, mọi thứ diễn ra trong hòa bình và thân thiện.

Nhà ở hiện đại, thiết kế dựa vào tiện ích là ưu tiên, phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp, phòng thờ...tích hợp lại thành một phòng, bước vô nhà thấy cái giường ngủ, cạnh giường ngủ thì không còn cái gì hết, ăn uống ngủ nghỉ chải đầu cắt móng tay móng chân... một mình cái giường nó đảm nhiệm được hết. Có lần hai chị em nhận khoán vỏ ốc biển về để đục lỗ xỏ dây làm rèm, nửa đêm đang ngủ thì con Út nó kêu cứu, thì ra là con bé ngủ mơ, rồi lăn lộn sao đó mà quấn hết mấy dây ốc vào người, cái công gỡ ra còn mệt hơn công xỏ dây.

Còn chỗ tắm rửa vệ sinh thì hơi tế nhị, nhà toàn con gái, không tiện mô tả nhiều. Chỉ là chị tắm thì em canh, mà em tắm thì chị dòm chừng, còn bình thường có làm cái gì một mình, thì phải nhìn kỹ xung quanh, xem thử có ai đang rình mình không cái đã. Có lần buổi tối kia về trễ, con Hai chui vô cái lùm để tắm, thì bỗng nhiên...mà thôi bỏ đi, kể thì mất công lại có người tưởng đang đọc truyện tâm linh kinh dị.

Ngắn gọn, căn nhà thuê này là đất lành, bởi vì chỉ cần có bất kỳ nơi nào chịu chứa chấp hai chị em nó, thì nơi đó sẽ là đất lành.

Một chữ không biết, một tấm giấy lận lưng không có, quê quán tên cha tên mẹ còn không nói được cho rõ ràng, thử đi kiếm chỗ khác thuê hay là kiếm ai đó xin ở chung đi, rồi sẽ biết.

Cái chuồng kia chính là một trong những may mắn lớn nhất mà hai chị em nó nhận được từ cái thành phố này, may mắn hơn rất nhiều người, khi có một chỗ chui ra chui vô, và quan trọng nhất là có một chỗ để đặt bàn thờ thắp nhang cho mẹ. Đêm xuống, cái ánh đỏ hồng từ đầu cây nhang chính là đèn ngủ của hai đứa nó, khói mơ màng thì cuộc đời của bọn nó cũng mê man, khói hết rồi thì một ngày dài cũng nên theo đó mà kết thúc thôi.

Có lần thằng què tật chân ghé ngang qua thăm hai chị em nó, vừa bước qua được mấy miếng ván là nó nói liền câu này "cái chuồng heo này mà cho tiền kêu tao vô ở tao còn chửi cho, ở đó mà bắt tao thuê, sao mày ngu dữ vậy Hai què". Rồi thằng què bị hai chị em chủ nhà rượt quýnh, thằng què lanh lắm, bình thường thì nó sẽ chạy thoát, nhưng lần này thì nó bước không quen mấy miếng ván kia, nên hụt chân té. Tội nghiệp thằng què, khi vô chân rưỡi mà khi ra là bốn chân, là bị hai chị em nó khiêng liệng ra đường.

Buổi tối bị bạn bè hỏi sao mặt mày bầm tím, thằng què sang chảnh nói là bị dân phòng đánh, chứ có dám khai thật là bị chị em nhà con què quýnh đâu. Chó mẹ đẻ con cũng không dữ bằng hai chị em kia canh nhà, không phải, là canh chuồng mới đúng.

Tiếp theo là lạc nghiệp.

Cái nghề lượm ve chai thì đương nhiên là không bỏ được rồi, tâm nguyện của con Hai chính là có đủ sức khỏe để có thể cả đời lượm ve chai. Mặc kệ đi đâu hay làm gì, chỉ cần thấy vỏ lon thì bọn nó sẽ không bao giờ bỏ sót. Vậy nên sẽ không nói về cái sự nghiệp suốt đời đó nữa, mất công có người oán trách là sao cứ trù dập con Hai hoài vậy. (Nó què đó, không lẽ muốn một con què đi làm tiếp tân mở cửa, hay cho làm người mẫu rồi thẳng tiến lên diễn viên chính kiêm ca sĩ diva luôn cho mấy người vừa lòng? Ở đó mà trù với dập! )

Đầu tiên là nói về chuyện phương tiện di chuyển cái đã, muốn đi được xa thì phải có cái để đi, chứ lết bộ hoài, lết mòn hai đầu gối luôn thì cũng đâu có được bao nhiêu xa.

Cái hồi không có chỗ ở, mà cũng không dám về lại cái kiểu phòng tập thể trải chiếu kia, con Hai mới nắm tay dắt con Út vô chợ để ngủ lại ban đêm. Ngày đầu tiên thì dĩ nhiên là ông cụ bảo vệ chợ phải lấy cái cây gậy batoong mà đuổi hai chị em nó đi rồi. Tới ngày hôm sau, hai chị em nó không vào thẳng chợ mà bu lại chỗ cái ghế xếp của ông cụ bảo vệ đang ngồi canh.

Rồi con Hai nó lắc cái tay què của nó, mà nãy giờ có miêu tả cái cách nó múa quạt bằng cái tay đó chưa ta? Nó múa tay mà nó không cần điều khiển cái tay, bởi có điều khiển được đâu, nó dùng đầu gối, hông eo với lại vai để múa. Nó nhún nhún rồi nó lắc lắc nó nghiêng nghiêng rồi nó vẹo vẹo sao đó, mà làm cho cái tay què kia nó quay quay như kim đồng hồ vậy, cộng thêm cái đầu tóc bù xù của nó trẹo trẹo gật gật minh họa bổ sung, thấy một cái là muốn che mặt lại liền, không ai nỡ lòng nào mà nhìn tiếp.

Còn con Út thì xài cái chiêu duy nhất từ nhỏ tới giờ, cứ nắm cái tà áo của người ta mà giật giật, giật tới khi nào mà họ chịu nhìn nó mới thôi. Mà nhìn vô nó một cái là thấy nản liền, nước mũi lúc nào cũng thập thò, lại còn trét tèm lem khắp mặt, thêm bụi bặm đóng kèm. Mà đặc biệt là đôi mắt của con Út, lạ lắm, sau này sẽ kể thêm, chỉ là cũng chẳng ai nhìn vào mà lại muốn làm đôi mắt đó buồn thêm chi nữa đâu.

Vậy là ông cụ chịu thua, để yên cho bọn nó muốn ngủ đâu thì ngủ. Tối nào về chợ, bọn nó cũng nán lại để 'hành hạ' ông cụ một xíu.

Rồi bọn nó được đằng chân thì nhảy luôn lên đầu ngồi. Thấy ông cụ có bộ đồ tư trang để mỗi tối ngả lưng khi canh gác, là cái chiếu, cái mền, cái mùng với lại cái gối. Hai chị em nó rỉa từng chút một, cuối cùng là đủ bộ luôn. Tối mượn sáng trả, ngày nào cũng hai vòng mượn với trả, lâu lâu còn nhắc ông đem đi giặt đi, chứ hôi lắm rồi đó.

Ngồi được lên đầu rồi thì bắt đầu nhổ tóc bứt râu. Tối nào mà còn sớm chưa tới giờ ngủ, thì chỗ đầu chợ sẽ có cái cảnh như vầy, con Hai nó ngồi trên cái ghế xếp, quấn cái mền, con Út thì ngồi trong lòng chị Hai, hai đứa nó ló hai cái đầu ra, một thấp một cao, ngồi nghe ông cụ bảo vệ kê cái ghế đẩu mà kể chuyện xưa.

Hai đứa như hai cái hố không đáy, kể bao nhiêu chuyện cũng không đủ lấp đầy, hai đứa nó như tờ giấy thấm, chuyện gì cụ kể bọn nó cũng hóng mắt để nghe. Từ chuyện xưa tới chuyện gần, cổ tích tới hiện đại, chiến tranh tới đời thường. Chuyện nào cũng làm đôi mắt bọn nó long lanh, miệng thì ríu rít như chim sẻ "...tiếp đi ông, kể tiếp đi ông."

Thường là phải tới khi ông cụ nạt kêu bọn nó đi ngủ đi, thì hai chị em nó mới đứng dậy te te xách mùng mền chiếu gối đi vô chợ.

Ông cụ bảo vệ là người có tâm lành, dù vô tình hay cố ý, những câu chuyện kia của ông cụ cũng chính là bài học đạo đức đầu đời cho hai đứa nhỏ. Bởi hồi giờ người ta chỉ chửi, chỉ rủa, chứ có ai chịu nói một câu nhẹ nhàng đàng hoàng tử tế nào với hai đứa nó đâu.

Ông không chỉ kể, mà ông còn giải nữa, là trả lời mọi câu hỏi mà hai đứa nhỏ đó đặt ra. Không cần biết đúng hay sai, chỉ cần biết là ông đã trả lời theo đúng cái tâm của ông, cái tâm của một người sẵn sàng mạo hiểm chén cơm manh áo để chứa chấp bọn nó, cái tâm của ông già gần đất xa trời mỉm cười trong sương đêm mà nhường tấm chăn cái chiếu cho hai mảnh đời xa lạ, đáng thương, tật nguyền. Cái tâm của một người chiều chiều đi vòng chợ xin được cái gì thì xin, mua được cái gì thì mua, để dành phần cho hai đứa nhỏ ăn dặm buổi tối khi nghe ông kể chuyện, bọn nó đang tuổi ăn tuổi lớn, ăn uống mà thiếu thốn quá thì lớn không nổi đâu.

Tin đi, với hai đứa nhỏ này, một ngày nào đó trong đời nhìn rồi nghĩ lại, nếu vẫn còn đủ may mắn để biết cách nghĩ thì năm xưa lỡ từ trên trời rớt xuống cục tiền đập thẳng vô đầu cũng chưa chắc quý giá hơn những đêm ngồi quấn mền mà nghe ông cụ kể chuyện nơi góc chợ đó. Có rất nhiều người, không chỉ là những đứa trẻ, bọn họ không có nổi một mẩu chuyện tốt lành nào trong đầu để mang theo, để nhớ, để suy nghĩ. Rồi vì không có gương mà soi, đành phải biến lòng mình thành tấm gương, chỉ có điều là gương thì không lưu hình ảnh, còn lòng người thì đọng lại vết thương.

Còn tiền mà quấn thành cục rớt vô đầu thì có sẹo, đổi sẹo lấy tiền, không sẹo bên ngoài thì là sẹo bên trong, không tránh được.

Từ ngày có hai đứa bọn nó xuất hiện, cuộc đời của ông cụ trở nên gian truân vất vả hơn nhiều, tự nhiên đang yên lành lại gánh thêm hai cục u trên vai. Không phải là ông giúp, mà là dạy với chỉ cho bọn nó thêm một vài cách khác để sống. Là bắt đầu cho bọn nó hiểu được đúng nghĩa của hai chữ "mưu sinh".

Đằng nào thì buổi sáng ngủ dậy bọn nó cũng vòng vòng quanh chợ, nên ông cụ mới xin cho bọn nó cái công việc phụ dọn sạp trái cây. Làm từ bốn giờ cho đến gần sáu rưỡi sáng, ai kêu gì thì làm đó, quen việc rồi thì tự mày mò sắp xếp, việc không ít đi, nhưng sẽ đỡ mệt hơn. Hai đứa cùng làm nhưng lương thì chỉ lãnh được một phần, vậy là quá tốt rồi, coi như biết mùi làm công ăn lương với đời. Biết nghe chửi mà vẫn phải mỉm cười, biết bong móng tay dập móng chân thì cắn răng mà giấu đi, để khỏi phải nghe câu 'ai biểu ngu chi ráng chịu', biết thi thoảng cũng nên học cách để làm vừa lòng người khác.

Tính ra một ngày làm chưa tới ba tiếng, mà thu nhập bằng cả buổi đi lượm ve chai gặp may của cả hai chị em, chưa nói tới còn được ăn trái cây ngon. Chứ hồi giờ cúng trái cây xoài ổi chôm chôm thì người ta để yên cho giật, cho xin, chớ mà cúng nho hay măng cụt là họ bưng vô. Sướng cái gì cũng là sướng, nhưng mà sướng cái miệng là thực tế nhất, buộc phải tính vô.

Cái nhà đất lành mà hai chị em thuê được kia, cũng là nhờ ông cụ đứng ra bảo lãnh với bà bán đồ khô chủ nhà giùm hai đứa nó. Bả đi nói khắp chợ là thương hai đứa nó cơ nhỡ nên mới cho ở, chứ biết bao nhiêu người hỏi rồi mà bả có cho thuê đâu, cũng là vì chữ tình cả. Thử hai đứa kia tháng nào đó mà quên đóng tiền thuê nhà đi, rồi xem bả thương được nhiều đến đâu.

Cũng chính ông cụ một hai bắt bọn nó phải vô ở cái nhà đó, không cho ở ngoài chợ nữa. Không nói đến chuyện con chuột ngoài chợ nó to hơn con mèo, hay gián bọ muỗi kiến, hay cái mùi đặc trưng của chợ. Mà ông chỉ nói đơn giản một câu: "Làm người cần có một chỗ cho riêng mình, một chỗ mà không ai có quyền đuổi mình đi, một chỗ dù là cái chòi rách thì cũng là cái chòi rách để quay về."

Cái bàn thờ mẹ trong nhà, cũng chính là tự tay cụ đóng cho đó, bốn cái chân giường kia cũng vậy. Cụ cũng là người dặn con Hai có thắp nhang cho mẹ thì nhớ đừng cầu xin cái gì bậy bạ, mong cho hai chị em khỏe mạnh là đủ lắm rồi. Quà tân gia của cụ là cái ca nhựa múc nước, dặn con Hai phải nhắc chừng em, là nước có xa thì cũng phải bỏ công ra mà xách, mặt mũi sạch sẽ rồi thì mới có chỗ mà chen chân với người, còn trong lòng mà sạch sẽ thì không một ai được phép coi thường mình.

Không biết con Hai nó có hiểu hết được lời mà ông cụ nói hay không, nhưng đúng là ngày nào nó cũng xách nước cho em tắm. Rồi cũng ráng mà mua cho được cục xà bông, cây lược với miếng gương. Để sáng bước ra đường không khiến ai phải khó chịu khi nhìn mình. Kể từ đó, hai chị em nó nắm tay nhau đi trong chợ, bọn nó chào ai, thì người ta cũng mỉm cười lại. Đời cần nhìn mặt, vậy thì hãy ngẩng mặt lên để đời nhìn.

Rồi cũng tới lúc ông cụ rời đi, là về quê trông chừng nhà cửa cho con cái, ngày chia tay ông cụ tặng cho hai đứa bọn nó cái xe đạp Phượng Hoàng của ông, trước khi tặng ông còn cẩn thận thay bộ lốp ruột với nhông sên, chỉnh lại cái yên cho thấp xuống, rồi tặng luôn sợi dây xích với cái ổ khóa xe.

Ngày hôm đó, con Hai nó cứ múa quạt liên hồi, còn con Út thì nước mắt như mưa, nước mũi chảy như nước máy, giật giật cái tà áo của ông mà: "Quại ơi, quại ơi..." làm cái thân già kia mỗi bước nặng trịch.

Người ta nói những ánh sao mờ nhạt nhất là đến từ những ngôi sao lớn nhất, to nhất, vĩ đại nhất. Không biết họ nói đúng hay sai, nhưng cái dáng ròm ròm của cụ già tóc bạc hiền từ kia chính là ngôi sao lớn nhất trong lòng hai đứa nhỏ, để dẫu khi không còn nữa, thì ánh sáng le lói kia vẫn là ngọn hải đăng dẫn đường trong tăm tối cho hai kiếp sống bơ vơ.

Từ nay đừng ai nói hai đứa nó bất hạnh nữa, bởi vì bọn nó đã gặp được may mắn lớn hơn rất nhiều người khác rồi. Đó là đã biết được thế nào là chân chính hai chữ "tình người".

*
Thôi nói vào chuyện chính đi, là chuyện cái xe đạp.

Người ta hay so sánh hơn thua được mất với nhau bằng cái gì? Chẳng phải là bằng mấy thứ phương tiện, vật chất, công cụ bên ngoài đó hay sao. Vậy cho nên, con người mà có cái xe đạp, nó khác nhiều so với cái con người mà không có cái xe đạp ghê lắm.

Có chỗ ở, có công ăn việc làm, có phương tiện di chuyển, con Hai với con Út chính thức thoát khỏi cái thân phận "bụi đời", ai mà kêu nó bụi đời nữa thì hai chị em nó quýnh cho rồi đừng trách. Hai với Út bây giờ không còn là Hai với Út của ngày xưa nữa, nay người ta khác lắm rồi, hết bụi đời rồi, kết thúc rồi, dĩ vãng rồi, quên đi.

Nhưng mà đầu tiên thì phải tập đi cho được xe đạp cái đã.

Chuyện này...thật là khó kể lại, phải kể làm sao cho nó khỏi ra chuyện cười đây. Cái bữa đó hai chị em nó vừa dắt xe vừa lượm ve chai, ra tới công viên thì dừng lại để bắt đầu tập đi. Thằng què với đám bạn của nó cũng có mặt, cả đám cùng nhau đăm chiêu suy nghĩ, hỏi ra mới biết là đứa nào cũng mười mấy tuổi rồi mà không có đứa nào biết đi xe đạp. Lúc mà con Út nói hai chữ "ngu đạp" thì mặt mũi cả đám đen thui, hên là nó nhỏ, lại là con gái, chứ nếu không thì nó ăn mười mấy cái đạp của cả đám là có lắm đó.

Rồi từng đứa trong đám quyết định thử tập đạp xe, không đứa nào làm được cho cái bánh xe yên ổn xoay hơn một vòng, đều là dựng đầu dậy rồi dắt xe trả về cho lượt đứa khác. Ai cũng thử, chỉ riêng một người không thử, con Út nó mới lại hỏi:"Anh què, sao anh không đạp?"

- Đi ô tô quen rồi.

*

Chiều hôm đó, trên con đường từ bãi phế liệu trở về nhà, con Út ngồi yên trước cầm lái, đạp. Con Hai ngồi sau chống chân cho khỏi té, vậy mà lại thành công. Để rồi con Út nhỏ nhất, lại là đứa duy nhất có thể đạp xe vòng vòng quanh công viên trong ánh mắt âm trầm căm giận cùng ghen tị của mấy đứa kia.

Tiếp tục nói về cái xe đạp, tập trung nói về cái xe đạp, bắt buộc phải nói về cái xe đạp, vì sao?

Vì nó là công cụ mưu sinh, giúp cho hai chị em kia nhẹ nhàng hơn trong kiếp sống của mình. Đạp cái xe đi làm, đạp cái xe đi lượm, lượm được rồi xin được rồi thì bỏ bị bỏ bao móc lên xe, chạy đi bán nhanh mà quay lại lượm tiếp cũng nhanh. Là kiếm được nhiều tiền hơn mà lại ít mệt hơn.

Vì cái xe đạp giúp mở rộng thêm con mắt của hai chị em nó, không chỉ là kiếm sống, mà còn là 'sống' nữa. Không phải là chỉ đi trên vỉa hè rồi dán mắt vào bãi rác, mà bây giờ là đi trong dòng người, hòa vào dòng người, và tập cách nhìn ngó hai bên. Hiểu được người ta tất bật vì cái gì, và biết được mình đang ở đâu, và có thể làm những gì ở nơi mà mình đang ở. Cuộc đời không còn gói gọn ở một hai con đường, năm bảy bãi phế liệu hay tha ma, cái xe đạp đó giúp mở rộng hơn cuộc đời của hai đứa nó.

Bọn nó bây giờ, mỗi ngày không còn đăm đăm chạy tới chỗ cơm từ thiện gần nhất nữa, mà là thích ăn ở đâu thì ăn. Thậm chí đạp xe tới hai chỗ phát cơm liên tục, để mỗi đứa ăn được hai phần cơm cho sung sướng. Rồi tối tối, thấy còn sớm với khỏe người thì đạp xe ra công viên, bụng no rồi, có chỗ để về ngủ rồi thì bọn nó có quyền được dạo chơi nhìn ngó, được thưởng thức những gì mà công viên có, những gì mà đám bạn của nó sẽ không thấy được khi đang bận rình móc túi người ta.

Vật chất có làm thay đổi những thứ bên trong của một con người hay không? Chuyện đó không bàn tới ở đây, còn sớm quá. Nhưng mà có một việc là vô cùng chắc chắn, đó là vật chất có thể làm thay đổi được cách mà con người sống, cách mà con người nghĩ, và cách mà con người nhìn nhận về cuộc sống. Có được ba thứ trên, thì chính là 'vào đời' để sống, chứ không còn là con cá con tôm, núp trên hè phố hay chui trong lùm cỏ lùm cây mà bám víu cuộc đời.

Và cuối cùng, một điều quan trọng nhất, bài học quan trọng nhất đến từ cái xe đạp, mà không biết là hai chị em nó có học được hay không, hoặc là học rồi thì sau này có còn nhớ được nữa hay không.

Không phải là việc cái xe đạp kia là tài sản có giá trị đầu tiên mà hai chị em nó sở hữu, là tư hữu. Không phải việc cuộc đời hai chị em nó thay đổi như thế nào trước và sau khi có cái xe đạp. Và càng không phải việc, cái xe đạp dạy cho hai chị em nó biết cái mùi sung sướng thoải mái nhẹ nhàng ở đời nó như thế nào.

Mà chính là bài học về cách trân trọng, cách biết ơn và nhớ ơn.

Trân trọng là vì cái xe đạp đó quý giá với hai chị em nó như thế nào, thì cũng quý giá với ông cụ bảo vệ kia như vậy, dù ít hay nhiều. Thế mà ông cụ sẵn sàng cho đi, là cho đi vô điều kiện, cái chữ tình đó một ngàn cái xe đạp cộng lại cũng không thể sánh bằng. Là phải trân trọng cho thật nhiều.

Biết ơn, là biết được cái ơn của người khác, và biết được cái mong muốn mà người ta muốn gửi gắm đến cho mình. Ông cho cái xe đâu phải là muốn bọn nó bán đi rồi đổi lấy một bữa ăn cho thật ngon lành, thật sung sướng. Ông cho cái xe là để bọn nó sống đỡ cực đỡ khổ hơn, để dù ít hay nhiều, trước hay sau thì cuộc sống của bọn nó cũng sẽ tốt hơn. Vậy nên không phải mỗi ngày cứ nhìn cái xe rồi đọc kinh cảm ơn, mà là hãy cố để sống và sống như cái mong muốn của ông cụ, đó mới là biết ơn.

Còn nhớ ơn, bài học này khó lắm, là vô cùng khó, sợ rằng hai đứa nhỏ kia chưa học được đâu. Ra đường hay vô nhà, tìm đến những nơi tươi sáng nhất, sạch sẽ nhất, đẹp đẽ nhất, sang trọng nhất, mà cũng chẳng tìm được mấy ai từng học được, hay học mà nhớ được đâu.

Hai đứa à! Sau này đến một lúc nào đó, giữa cuộc đời đầy phong ba nghiệt ngã này, khi hai con đã lún sâu lắm rồi, mệt mỏi lắm rồi thì hãy nhớ là trước đây đã từng có một người, đã đem cái tài sản vật chất lớn nhất mà người đó có cho hai con, chỉ với tâm nguyện duy nhất là mong cho hai con sống tốt mà nên người.

Vậy thì hãy nên người hai con nhé, và hãy đối đãi với đời như những gì hai con từng được nhận, xấu với người xấu, nhưng cũng phải tốt với người tốt. Đừng để cái tốt nó chết hay mất đi trong đời, hai con nhé. Nhớ ơn không phải là hương với khói, nhớ ơn là truyền lại cho người khác cái ơn của mình. Nó khó lắm, mà cũng dễ lắm, có tâm thì sẽ làm được thôi.

Đối với một con người, cách cho quan trọng hơn của cho. Học cách nhận quan trọng hơn thứ được nhận. Phải biết, phải hiểu thì tất cả những thứ đó mới có ý nghĩa. Còn nếu không, cái xe cũng chỉ là cái xe, cục tiền cũng chỉ là cục tiền, ngôi nhà cũng chỉ là đống gạch mà thôi. Đời không có phù du, chỉ là ta không biết không hiểu không trân trọng nên nó mới biến thành phù du đó thôi.

Hai đứa nó không có cha mẹ, nhưng đã nhận được bài học mà không phải người làm cha mẹ nào cũng biết đường để dạy cho con. Chỉ hi vọng là bài học này, hai đứa nó lớn lên rồi vẫn còn hiểu, vẫn còn nhớ để biết đường mang theo.

(Tôi nhắc lại thêm một lần nữa, từ nay ai mà còn tặc lưỡi kêu hai chị em nó bất hạnh, tôi thả xích cho hai đứa bọn nó nhào ra cắn thì đừng trách sao bông gòn thuốc đỏ dễ tìm nhưng lại không muốn mua. Bọn nó may mắn hơn nhiều người lắm rồi, tình người đâu phải ai cũng có, hay thấy được đâu.)

Cái xe đạp kia tối nào khi khóa cửa lại, con Hai cũng xích rồi nhét nó xuống gầm giường. Thề luôn, khiêng nó đi thì sợ nó còn không biết, chứ khiêng cái xe của nó đi là chết với nó đó, cái kéo của nó bén thiệt chứ không có đùa đâu.

*

Cái gọi là dòng đời, đôi lúc nó cũng chỉ giống như dòng sông. Khác chăng là người ta có thể dễ dàng đứng trên bờ để ngắm sông, nhưng đâu phải ai cũng có thể đứng đủ xa để ngắm được dòng đời.

Lạc trôi trong nó, mỗi người chỉ có hai lựa chọn cho mình, hoặc là tiến lên, hoặc là thụt lùi. Cái gọi là tìm một chỗ lẩn núp để được đứng yên sao? Chính là bạn đang thụt lùi đó, bởi vì đời thì vẫn cứ trôi, và người thì vẫn cứ đi.

Mọi người có biết cái gì là hay nhất, tuyệt vời nhất, công bằng nhất của cái gọi là dòng đời đó hay không? Chính là ở việc những mảnh đời bất hạnh, là bất hạnh bẩm sinh hay giữa đường bất hạnh, là đã rớt xuống cái đáy sâu nhất của cuộc đời rồi, thì họ chỉ còn một con đường duy nhất để đi. Là tiến lên.

Bởi vì có còn cái gì phía sau nữa đâu mà thụt với chả lùi. Lùi nữa là vô huyệt đó.

Vậy đấy, nên đôi lúc nếu như có ai cảm thấy cuộc sống của mình đã quá bế tắc rồi, đã tuyệt vọng quá rồi, hay là đã cố hồn nhiên nhưng nào có được bình yên thì hãy nhớ một việc, là chỉ cần vẫn còn hít thở, tim còn đập, tay còn run, mắt còn chớp thì vẫn còn đường để bước tiếp. Để rồi dù có là bước đại, bước sai đi chăng nữa, thì chỉ cần còn sống, đó chính là bước tới.

Đừng quên "Đừng tuyệt vọng, tôi ơi ! Đừng tuyệt vọng." (Hồi đó lúc thằng Sơn viết bài này tôi cứ cười nó mãi, cứ chọc quê nó thích mơ mộng hão huyền, để rồi đến bây giờ thì tôi lại mượn dùng. Mà kệ đi, nó mượn của tôi cũng nhiều lắm, bạn bè thì không cần phải tính toán.)

Lời khuyên "cố gắng lên" là dành cho đứa trẻ, còn lời khuyên dành cho những người đang trôi nổi trông dòng đời, thì phải là "dũng cảm lên" mới đúng. Bởi vì đời tàn nhẫn lắm, đôi lúc có cố thì cũng chẳng được gì đâu, nhưng dũng cảm, thì ít nhất vẫn còn có thể đối diện và giữ được bản thân sau thất bại.

Con Hai với con Út thì dĩ nhiên là không có biết được cái điều đó đâu. Lạy trời, tôi còn không biết là thả cái con một tay đó xuống sông rồi nó có bơi được nữa hay không huống hồ. Ở đó mà đòi tranh đua với đời, lui với chả tới. Què...ghét!

*

Nhưng may mắn là hai chị em nó còn có nhau. Để cho mỗi ngày mỗi giờ mỗi khắc nó sống, nó làm, nó lăn lộn nó bươn chải, thì nó đều phải nghĩ đến một việc, đó là nghĩ cho người chị, người em kia của mình.

Là tự bọn nó làm hải đăng, làm ánh sáng dẫn lối cho nhau. Đứa này muốn cho đứa kia tốt hơn, thì tự nhiên cả hai đứa sẽ cùng tốt. Cứ suy nghĩ tích cực như vậy đi.

Ví như lúc này, thân phận của hai chị em nó đã có một bước chuyển biến rõ ràng. Không còn là cái kiếp bụi đời ăn xin ăn mày đầu đường xó chợ nữa, cũng không còn mỗi ngày chỉ nghĩ đến vỉa hè bãi rác lon nhôm bao ni lông nữa mà đã tiến lên một cái đẳng cấp mới, một cái đẳng cấp cao đến vô cùng, nói hai chữ đột phá là chính xác nhất.

Đó là việc ngay lúc này, một đứa đã trở thành bà chủ, còn một đứa là em gái của bà chủ.
Chúng cùng nhau điều hành cái công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên có một cặp tay rưỡi, (bởi vì bà chủ bả bị thọt mất một tay), chuyên tham gia kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực dân tộc và truyền thông giải trí đa phương tiện. Nói luôn ra là con Hai nó bán hột vịt lộn cút lộn, còn con Út thì ngồi cạnh gõ cái nắp xoong mà hát cải lương.

Cái con quỷ nhỏ nó mới có tí tuổi đầu, mà đua đòi hát một lúc ba vai Diệu, The với Tùng trong "Nửa đời hương phấn". Câu nào nó hát cũng sai, chỉ duy nhất có một câu cuối cùng là nó hát trúng: " Cái chị Hai đây là...chị thọt của em..."

*"*"*

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top