Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CÁI ĐIÊN CỦA MỘT CON ĐĨ (6)

*****

Thôi bỏ đi, nói nhiều mắc mệt, hai đứa nít ranh đó thì có gì đâu để mà nói, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bấy nhiêu, để kể mấy chuyện khác cho nghe. Là chuyện đời hột vịt lộn hầm than.

Ngày đầu khai trương buôn bán được lắm, con Hai cười không ngậm được mồm, con Út thì hí hí chạy xung quanh, trong lòng hai đứa chỉ hận là không tự đẻ ra được trứng như con vịt để mà bán.

Gần như là cả một góc chợ chiều bu vô ủng hộ hai chị em nó, không ăn tại chỗ được thì mua đem về, trứng hết rồi thì hứa là ngày mai sẽ tới mua ăn tiếp. Đêm đó lúc chị Hai ngồi trên giường đếm tiền, con Út vo ve bên cạnh, mắt sáng như bóng đèn tiết kiệm điện, miệng cứ hót mãi "nhiêu vậy Hai? nhiêu vậy Hai?"

Đến khuya hai chị em nó vẫn chưa chịu ngủ, cứ nhâm nhi cái khát vọng đổi đời. Cái xoong hấp trứng trở nên quan trọng đến mức được bọn nó cất dưới gầm giường rồi xích quai lại chung với cái xe đạp. Nửa đêm con Út dậy đi tiểu thì thò tay xuống rờ cái xoong cho chắc ăn, rờ trúng bàn tay của chị Hai đang nắm chặt cái quai xoong. Chị em cùng mẹ mà, khó trách.

Rồi hôm sau thì ế, vì sao ế? Câu hỏi này thật quá khó để trả lời, chỉ có thể tạm đoán mà thôi.

Đầu tiên là nói chuyện tất nhiên, hôm nay ăn trứng rồi thì ngày mai không muốn ăn nữa cũng dễ hiểu, là trứng chứ đâu phải phở đâu mà chờ họ chán cơm. Việc ăn uống thì chuyện ủng hộ dĩ nhiên là do họ có lòng, nhưng muốn tiếp tục là do dạ, lòng có thể cưỡng cầu nhưng dạ thì không thể ép buộc. Việc này người làm ăn nào cũng phải trải qua, mới lạ thì lân la làm phiền, quen thuộc rồi thì lượn đường vòng tránh xa, đơn giản đến mức không cần phải cố hiểu.

Lý do thứ hai là hình như có ai đó, một người nào đó không rõ danh tính, người từng làm chủ sạp trái cây mà hai đứa kia theo phụ vào buổi sáng, cũng là chủ của cái nhà lụp xụp mà hai đứa bọn nó thuê, cứ coi như là một người biết cách ẩn cái miệng của mình trong bóng tối đi.

Người đó nói với mọi người về nguồn gốc của cái quán hàng kia, đều là đồ lượm từ bãi rác, rõ ràng là không hợp vệ sinh. Chưa nói đến việc hai đứa kia vừa nhìn là đã thấy kỳ kỳ, con nhỏ thì lấm lem, con lớn thì què quặt, cái tướng đó mà cũng muốn sánh vai làm chủ với mấy cô mấy chị trong chợ hay sao?

Rồi có thêm rất nhiều dẫn chứng không rõ nguồn gốc nhưng vô cùng được khẳng định rõ ràng bằng miệng rằng, có người đã ăn trứng ở đó và bị đau bụng, hình như trứng đó không rõ nguồn gốc cũng giống như hai chị em kia vốn là thứ trôi sông lạc chợ không chốn không nhà. Tốt nhất là đừng ăn nếu không muốn bị đau bụng, mà chính xác hơn là nếu vẫn còn muốn là thành viên của hội nhiều chuyện trong chợ, thì né hai chị em nó ra.

Sức mạnh của lời đồn, không phải là vì cái ác ý của người tung ra, mà là vì cái mờ mịt và sợ hãi của những người lan truyền. Mờ mịt là vì không biết và không quan tâm đến đúng sai, còn sợ hãi là vì họ không muốn bản thân cũng trở thành một lời đồn. Chỉ là hai đứa nhỏ mồ côi thôi mà, quá hợp lý để trở thành nạn nhân, và dư hoàn hảo để chết chìm trong đó.

Ví dụ như chiều nay khi cái con người dấu miệng trong bóng đêm không rõ danh tính kia ghé qua ăn ủng hộ, rồi tặng vài lời khuyên về kinh doanh mua bán, đôi mắt của hai chị em nó long lanh biết ơn thật nhiều. Cảm tưởng như cả góc chợ này chỉ có mỗi mình người đó là tốt với hai chị em nó mà thôi.

(May mắn, cái bài học sông sâu này vô cùng khó để học được, bởi một khi đã tốt nghiệp thì bản thân tự khắc sẽ trở nên khó dò, tôi không muốn hai chị em nó học được bài học này, liệu có phải là do con người của tôi quá lương thiện chất phác hay không?)

Nói chuyện khác đi, cách đây mấy bữa thằng què chân có dắt đám bụi đời ngoài công viên tới ủng hộ hai chị em nhà què tay. Vừa thấy đám đó là mặt con Hai lạnh lại liền, kêu con Út ra móc túi từng đứa đếm kỹ xem có được bao nhiêu tiền, rồi sau đó mới vớt trứng.

Mười một đứa tới, ngồi chồm hổm đen hết một góc đường, nhưng chỉ có chín cái trứng được dọn ra. Con Hai thương thằng què cái công tình lội bộ, nên cho nó thêm hai cái trứng cút, có hai đứa không có trứng ăn ngồi xa xa nhìn thấy cảnh đó, mắt ánh lên lửa hận thù.

Còn thằng què thì hất hàm cười đắc ý với đám kia "tao nói rồi mà không tin, con Hai què nó thích tao, hai cái trứng này là minh chứng tình yêu đó". Cho đến khi con Hai múc tặng mỗi đứa một cái trứng vịt lộn còn thằng què thì không có, lúc đó cả đám cười thằng què, bọn bụi đời mà chọc nhau thì bậy lắm, ví dụ như mấy câu "chắc nó thấy mày thiếu trứng nên nó cho", hay "trứng non trứng tặng thằng què, què để què gắn chứ què không ăn".

Mà quả thật nghe xong mấy câu đó thằng què quyết định không ăn, vỏ trứng cút mỏng, nó cứ vo vo trên tay, không biết đã vụn hay chưa, mãi cho đến khi con Út vô tình nhìn thấy rồi kêu lên " Anh què, hai trứng của anh nó bể rồi kìa." Cả đám cười phá lên, đó là lúc mà thằng què chân chính không còn một chút mặt mũi nào để kiếm ăn trong cái công viên đó nữa. Lý do ngắn gọn trong hai câu:

- Ê, cái tướng đi của thằng đó nó lạ ghê mày.

"Ừ, tại nó bị bể hai trứng."

*

Tôi biết là có nhiều người vẫn hay mơ mộng, đặc biệt là mấy bạn trẻ, cứ nghĩ rằng bước chân ra đường làm ăn dễ dàng lắm, có chút vốn bung ra rồi từ từ sẽ gầy dựng nên, để rồi đa phần là gầy nên nợ. Tâm sự mỏng ở chỗ này một chút, cái gì việc gì mà dùng để kiếm sống, thì tức đó là một nghề, làm công làm thợ làm chủ hay làm culi cũng vậy thôi, kể cả làm điếm hay tội phạm. Đều là nghề hết đó, còn phân biệt kiểu nào thì tùy tâm, hoặc là tùy góc nhìn hình sự hay dân sự, cứ hễ dùng để kiếm sống, thì đều có thể quy hết vào một chữ "nghề". Người xưa nói chữ nghĩa trong thiên hạ đựng trong bốn cái bồ, thì chữ "nghề" nó đã chiếm một rồi đó.

Mà muốn có nghề thì phải học, ở đây tôi sẽ nói riêng đến cái nghề làm chủ, hái nải chuối trong vườn đem ra chợ bán hay ngồi ô tô bàn chuyện tỉ đô thì đều là làm chủ, bỏ bộ đồ bỏ phương cách thì mọi thứ đều giống như nhau. Học làm chủ có muôn trùng cách học, từ trường từ lớp, từ gia đình họ hàng bạn bè người quen, hay từ chính kinh nghiệm bản thân, quan trọng nhất chính là một chữ 'học'. Không phải không học thì không làm chủ được, mà là không học thì làm chủ cũng như không.

Trăm ngàn con đường để tôi kể một, là cách mà thằng bạn người Việt gốc Hoa sống tại Sài Gòn của tôi học làm chủ.

Nhà nó buôn bán, giàu có hay không thì tôi không biết, tại chưa có dịp cạy tủ tiền của nhà nó ra để xem hoặc đếm. Nhưng năm đó thì bộ đồ nó mặc trên người lúc nào cũng mắc tiền hơn cái xe mà tôi đi, ăn uống thì phở gõ dọc đường tôi trả, còn vô quán hễ mỗi lần thấy cái bill thì tôi lại thấy khó tiêu. Kể ra thì hẳn sẽ có người nghĩ rằng tôi lợi dụng nó, nhưng thật sự người có thể để tôi gọi một tiếng bạn thì hai chữ lợi dụng sẽ không còn tồn tại đâu. Là nó chủ động bu bám vào tôi, nó người gốc Hoa, còn tôi thì dạy cho cả họ nhà nó biết đọc viết tiếng Hán phồn thể, phụ đạo thêm thư pháp, gia đình nó bình thường xưng hô với tôi đều bằng hai tiếng lão sư.

(Kể ra năm đó tôi mà ăn đậu hũ ít đi một chút, dám có khi đã làm con rể nhà nó rồi, đứa em gái út của nó...cô bé đó...cười thật là có duyên. Chỉ hận bản thân khi xưa trong đầu đã để mực tàu xâm lấn, nhiều lúc nghĩ lại thì thấy căm phẫn chính mình, sao mà nhát thế không biết. Đào hồng đã lộ ra, trái đã chín muồi nồng say mơn mởn, ngửi cũng đã ngửi rồi thì cớ sao lại không thò tay hái lấy? Thua xa một con khỉ, đồng cảm với Huyền Trang.)

Nói tới đâu rồi nhỉ? Chuyện hái đào, à không phải, là chuyện thằng bạn tôi học làm chủ. Ngắn gọn thôi, nhà nó buôn phụ tùng ô tô đã qua sử dụng từ Campuchia về Việt Nam để bỏ sỉ. Nó chín mười tuổi thì chiều chiều tan học đã được ba mẹ cấp phát cho cái thau xà bông và miếng bùi nhùi để chà rửa mấy thứ linh kiện gỉ sét hay dính dầu mỡ. Lớn một chút thì được đào tạo đứng trông coi quầy hàng.

Cái hay là ở khúc này, năm nó học xong cấp ba thì thi trượt đại học, trong hai năm kế tiếp nó luyện thi thì được ba mẹ gửi đến sống và làm việc trong một quán ăn của họ hàng. Chính là cắt đứt tài trợ, tự làm tự kiếm ăn và tự học, tới xe cộ cũng bị tịch thu, lâu lâu giỗ quẩy thì được về nhà góp mặt rồi đuổi đi liền, không cho ngủ lại.

Ở cái quán ăn đó nó được học làm tiểu nhị, học cách hầu hạ nhìn mặt người khác mà sống. Rồi học làm lao công, học cách làm sạch cái chỗ mà mình bu bám để kiếm ăn. Học tiết kiệm, thức khuya dậy sớm, bị chèn ép, bị cắt giảm tiền công. Nó năm đó 18 tuổi, căn cơ từ nhỏ vững vàng, vậy nên nó không chọn bỏ trốn khóc lóc hay đi bụi. Nó chọn học, học ở đó và học để đậu đại học. Học để có thể về nhà kế thừa gia nghiệp.

Thành quả là gì, nó chỉ là con thứ trong nhà, nhưng nó đang là chủ của cái nhà đó. Hai ông anh trai của nó năm xưa chọn con đường dễ dàng hơn, vậy nên một người đang coi kho cho em của mình, còn một người thì ở đâu đó tôi không biết. Muốn có thứ gì đó, thì hãy chắc chắn là bản thân xứng đáng với thứ đó.

Tôi nhớ có lần tôi ghé qua cái quán đó thăm nó, đã khuya rồi, hai thằng cùng thử tay nghề làm bếp của nhau, xong xuôi thì bắc ghế ngồi trước quán, nó uống rượu tôi uống cà phê. Nói ít nhưng đủ, nó kết lại bằng một câu: "Tao chịu ở đây rõ ràng là vì chính bản thân tao, nhưng cũng một phần nữa là vì gia đình, nếu bản thân tao không xứng đáng, không đủ khả năng, thì mấy thế hệ tiếp theo của nhà tao sẽ ra sao đây?" Là bài học về trách nhiệm, không chỉ với bản thân mình, mọi hành động mọi quyết định, đều phải nghĩ đến những người phía sau.

Chuyện nó học làm chủ chỉ có vậy, nói ít hiểu nhiều, trăm đường chọn một thì cũng sẽ đến nơi. Thỉnh thoảng có dịp thì tôi lại liên lạc với nó, không phải là vì muốn họp mặt bạn bè, đàn ông mười năm không gặp thì cũng chỉ như một ngày. Chủ yếu là thăm lại người quen cũ của gia đình, phải chăng là tôi vẫn luyến tiếc chuyện hái đào năm xưa? Đào chín cây từ mơn mởn đến son sắt, trái lại càng to thêm, ôi thật khiến người ta nặng lòng.

*

Nói tiếp chuyện cái quán ở góc chợ kia.

Vậy thì con đường từ bãi rác đến cái hàng trứng vịt lộn mà con Hai đang dắt em nó đi, ta phải hiểu thế nào cho đúng? Là ba chuyện.

Một là con Hai nó đã khổ quá rồi, nó không sợ khổ nữa. Sau lưng vốn đã là đường cùng, nếu có một cơ hội thì không cần biết thế nào, nó buộc phải luôn sẵn sàng để nắm lấy. Là nghé con không sợ cọp, nó còn nhỏ, không cần phải như bà Ê Sắc ve chai năm xưa cứ mãi lo sợ trước sau. Cái que móc than của nó bây giờ cũng chính là cái que móc bọc của nó đó, đường lui chính là đường về, không sợ.

Hai là vì con Út, nó mười tuổi rồi, mấy tháng nữa thôi sẽ là mười một. Con Hai nghe nói con nhà người ta mới năm tuổi là đã bắt đầu biết đọc mặt chữ, tuổi của con Út đã gấp đôi, không thể để em nó thua thiệt thêm nữa. Con Hai biết tánh con Út, biết em nó thương mình, con chị còn lang thang ngoài đường thì con em sẽ không đời nào ngồi yên một chỗ đọc sách đâu. Cái quán này, là tôi cố nói cho rõ ra chứ con Hai thì còn mơ hồ lắm, chính là nó muốn tạo thêm một chút nền tảng cho em của mình, là có thêm một cái gì đó để mỗi ngày nhắm mắt mở mắt không phải cúi nhìn xuống hai bên lề đường.

Và ba, thực tế nè, là vì nó tối nào cũng qua ngồi ké nhà bà Ê Sắc, nghe bả nói phải cả trăm lần cái giấc mơ mở quán làm chủ của bả. Trong đầu con Hai đâu có nhiều thứ để suy nghĩ đâu, cho nên nghe nhiều quá riết rồi nó lậm, biến luôn cái giấc mơ đó thành giấc mộng của mình. Tuổi trẻ bồng bột mơ mộng hành động xốc nổi, ấp ủ mười mấy năm của người già nó biến thành mười mấy tiếng, sáng chà cái xoong xong là chiều đi hỏi chỗ nhập trứng luôn. Đường dù đúng hướng, dù bằng phẳng rộng rãi, nhưng đi nhanh quá té dập mặt thì ráng chịu. Giống như cái mô hình khởi nghiệp 7 ngày thường thấy của mấy bạn trẻ, là từ lúc khai trương cho đến lúc rao tin sang nhượng mặt bằng.

Vậy nên chiều nay khi nghe câu nói dẹp quán của con Út, con Hai không trả lời, nó chỉ ôm em vào lòng, thầm lặng mà nhìn con đường chợ chiều xơ xác. Nó đang suy nghĩ đó, đang nghĩ với tư cách một người chị, một người chủ. Là nó đang nghĩ cái gì đây?

Trời sụp tối rồi, con Út đứng dậy, đã đến lúc nó làm cái việc mà có lẽ chưa từng ai làm trước đây, chính là đi bán trứng gõ, đúng hơn là 'trứng cải lương'. Mỗi ngày một tuồng, theo trí nhớ mà hát lại, bị khựng thì bịa để bù vô, vừa đi vừa hát, khi đến trước cửa nhà người ta thì rống lên "cô chú ơi mua giùm con hột vịt lộn". Hôm nay thì con Út nó chọn tuồng 'đêm lạnh chùa hoang', gặp nhà nào không mua trứng thì nó tặng liền một câu "nếu trứng này mình không duyên không nợ, thì xin cô chú mua dùm con mấy cuộn nem, ân tình này chị em con xin hẹn lại kiếp sau để mà đền...đáp.."

Chi li ra mà tính thì mấy bữa nay hơn một nửa số tiền bán được, chính là nhờ công đi bán dạo của con Út. Thật khó để nghĩ ra việc có một ngày đang ngồi yên trong nhà, thì có con nhỏ lấm lem nào đó gõ cửa, hát cải lương chế lời cho nghe rồi ép mua trứng vịt lộn. Tự hỏi bản thân một câu, là lúc đó liệu có mua hay không?

Buôn bán đã được hơn tuần, ngày hôm nay tổng kết lại là lỗ, lỗ công và lỗ cả tiền vốn. Con Hai có thể không thông minh cho lắm, nhưng có một việc lúc này nó đã nghĩ thông, chính là không thể tiếp tục như thế này, buôn bán ngày một ế ẩm, kéo dài thì sớm muộn gì cũng đứt vốn. Đã đến lúc nó nghiêm túc trả lời câu hỏi của con Út, là có nên dẹp tiệm đi lượm ve chai tiếp hay không?

Muộn rồi, đã đến lúc dọn hàng, mà con Hai cũng không vội, nó mở nắp xoong ra nhìn thêm lần nữa, thấy trứng vẫn còn nhiều, rồi nó đóng cái nắp xoong lại. Lúc này nó không nghĩ về việc phải làm gì để bán hết trứng, nó đang nghĩ về việc ngày mai liệu có nên tiếp tục dọn hàng.

"Ế nữa hở Hai què? Bán chịu tao mấy trứng đi. Mai trả."

Phải công nhận là thằng què có tài, đường phố trống không như vậy mà nó vẫn có thể lù lù xuất hiện từ phía sau lưng của con Hai, im lặng không một tiếng động, quả xứng đáng với cái danh hiệu tay giựt dọc số một của công viên.

Con Hai đang tâm trạng, nghe thấy giọng thằng què nó cũng không thèm giật mình, định nói mấy câu khó chịu nhưng cũng thôi. Nó chọn im lặng, lấy trứng cho thằng què ăn, tính ra chưa lần nào con Hai để thằng què tới đây mà bụng đói đi về. Chỉ riêng thằng què thôi, chứ đứa khác thì đừng hòng, Hai không tính toán thì con Út cũng thu tiền.

Rồi thằng què bắt đầu nói lảm nhảm, nói chớ ăn chịu mà cứ cắm mặt ăn thì kể cũng kỳ.

"Dạo này ngoài công viên cũng khó kiếm ăn lắm, dân phòng rành mặt hết rồi, nhiều lúc tụm lại nói chuyện thôi cũng bị mấy ổng quơ gậy đuổi đi. Bọn tui cũng đang tính đổi nghề, có đứa bắt đầu đi lượm ve chai lại được mấy ngày rồi. Hồi nãy cả đám định kéo qua quán của bà ăn chịu đó, là nhờ tui cản lại nên giờ bà phải cảm ơn tui, mấy trứng này không tính nha."

Vậy là sau mấy câu trình bày, thằng què đã chuyển từ ăn nợ sang ăn quỵt, cảm giác cũng ngon miệng hơn. Con Hai cũng lười tính toán, quán hàng ế ẩm, có người để nói mấy câu cũng tốt.

"Dạo này ngoài đó khó khăn thiệt đó hở?"

- Ừ, khó lắm. Bữa trước có mấy ông lớn gây chuyện, thành ra bên phường cắt thêm người đi tuần, tui đói không nói, mấy đứa bán rong cũng đói luôn.

"Ông đừng móc túi nữa, không tốt đâu, báo ứng đó."

- Sao cứ hễ gặp cái là bà trù tui dzị, bộ tui muốn hở, bà làm như dễ kiếm ăn lắm đó, mà bà cũng biết sướng khổ sao rồi mà. Tự nhiên đang ăn...mất ngon. Cho cuộn nem đi.

"Thôi, trứng thôi, nem mới lấy hồi chiều, để mai bán nữa."

- Bán nữa? Bà làm như tui hông biết đó, lần nào qua cũng thấy quán ế rề. Dẹp luôn quán đi Hai què, chớ tui thấy con Út đi bán dạo khổ cũng đâu kém gì đi lượm ve chai. Mới thấy nó ngoài đầu đường nè, nay hết hát rồi, cái mặt buồn thiu, chắc lát nữa sẽ xách nguyên bọc trứng ế về. Tui gặp cũng làm biếng kêu.

"Tui hông nghỉ bán đâu. Nói thiệt, tui hông muốn nghỉ."

- Sao dzị?

"Lượm ve chai lại, con Út nó không chịu đi học."

- Học cho lắm tắm cũng cởi truồng. Nghĩ sao bụi đời mà đòi đi học, học để chửi lộn cho giỏi hở?

"Tui có nhà, trong nhà có bàn thờ, tui không phải bụi đời. Ăn xong thì đi đi, dọn hàng!"

- Tui xin lỗi! Dzị chớ hông dẹp quán thì bà tính sao? Hết chuyện rồi hay sao mà bán ở chợ chiều, khúc đường này giờ này tới con chó còn hông thấy nói chi con người.

"Chớ giờ sao?"

- Ai biết, quán của bà chứ đâu phải của tui. Cho cuộn nem nha, ăn trứng lạnh bụng.

Rồi con Hai nó nghĩ cái gì đó, tập trung ghê lắm, tới mức phải chờ thằng què lột tới cuộn nem thứ ba thì nó mới nhận ra. Đêm nay thằng què phụ hai chị em nó dọn hàng, nửa đêm khi con Út đã ngủ, con Hai vẫn ngồi một mình trầm ngâm suy nghĩ.

Tay nó cầm xấp tiền xếp gọn gàng, đếm đi đếm lại đến lần thứ bảy tám, là khoản cuối cùng mà hai chị em nó còn, tiền thuê nhà thì cũng sắp. Bàn thờ mẹ đã tàn đến cây nhang thứ ba mà nó vẫn chưa muốn ngủ. Gần sáng, nó thở hắt ra một lần cuối cùng, gói ghém lại mấy tờ tiền lẻ nhét vào người, chỗ còn lại nó quyết định ngay khi trời đủ sáng sẽ đem đi xài hết. Kể cả cái xe đạp đang nhét dưới gầm giường kia, nó cũng sẽ lôi ra chà rửa rồi đem đi cầm. Cái suy nghĩ này mà theo ngôn ngữ bụi đời của thằng què, thì chính là 'chơi khô máu'.

Chỉ một câu thôi, nếu đường lùi đã là đường cụt, thì hà cớ gì lại không dám bước thêm. Cái nghề làm chủ xưa nay đúc kết lại, gói gọn trong một câu vỡ lòng "có gan làm giàu".

(Con Hai có cái gì thì tôi không chắc, nhưng một chữ liều thì tôi tin là nó có. Nhớ ngày nào nó bán cái nồi sắt để làm lộ phí lên thành phố, chẳng phải là tự chặt luôn đường về đó sao?)

*"*"* 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top