Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 9

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

(Chương 9)

*****

Hôm nay là một ngày mang dấu ấn đặc biệt trong cái sự nghiệp làm bà chủ của con Hai, nó mở quán ra đã được hơn tháng, và mới vừa rồi nó đã trả hết toàn bộ số tiền hàng mà nó nợ. Tiền bia, tiền thịt, tiền rau, tiền trứng, tiền mực cá khô...nó trả xong hết rồi, từ giờ nó mua cái gì thì trả luôn tiền cái đó, không nợ không hẹn không dồn lại thành đợt. Nói chung là nó không còn nợ nần ai nữa, chỉ còn nợ mỗi ông chủ hiệu cầm đồ thôi, mà ổng thì đã có con Út nó đối phó.

Hồi tháng trước ông chủ hiệu cầm đồ đưa cho con Hai một triệu rưỡi tiền mặt, rồi đứng ra bảo lãnh cho nó lấy tiền hàng là sáu trăm ngàn, tổng là hai triệu mốt. Nó đã trả xong sáu trăm đó, cấn nợ bằng bia với lòng nướng được trăm hai, và bây giờ nó còn trong tay hơn tám chục ngàn. Lúc này mới gần sáu giờ tối, nó bán tới khuya nếu mà được như mọi hôm thì sẽ có thêm sáu bảy chục ngàn nữa. Số tiền này là tiền cứng, trừ đi khoản để mua lòng với rau cho ngày mai thì nó đã thật sự có dư, có thể bắt đầu cái kế hoạch để dành lại được rồi.

Nói chớ nếu bữa đó mà ông chủ ổng thật sự cầm cho bọn nó cái xe đạp, cho cao giá hết mức được đâu đó gần một trăm ngàn, thì chắc là lúc này hai chị em nó đang đi bộ để lượm lon rồi ngủ dưới gầm cầu, chứ tiền đâu mà trả tiền thuê nhà. Muốn kinh doanh thì việc đầu tiên phải hướng tới là chuyện học chứ không phải mới nứt mắt ra thì đã đăm đăm đi kiếm tiền, liều cũng tốt, nhưng phải biết đường để mà liều cho đúng. Cái lớn nhất mà ông chủ hiệu cầm đồ giúp cho hai chị em nó không phải là cái xấp tiền hai triệu mốt kia. Mà là ổng đã lấy kinh nghiệm của mình để đỡ cho bọn nó một cú té vỡ lòng, đỡ để bọn nó khỏi một lần nữa mất trắng.

Nói dài dòng thì mất hay, cứ tạm nhớ là trong cái cuộc đời này nếu có bao nhiêu điều xấu thì cũng sẽ có bấy nhiêu cái tốt. Phải biết và nhớ rõ điều đó để lỡ như có gặp nhiều điều may mắn tốt lành thì cũng phải bình tĩnh mà chuẩn bị và sắp xếp cho những thứ xấu có thể sẽ có trong tương lai. Cũng như nếu đã gặp đã chịu quá nhiều những điều xấu xa tệ hại rồi, thì cũng phải dũng cảm hoặc bình thản để bước tiếp, phải cố để bước tiếp, bởi chỉ cần ta còn cố gắng thì những cái tốt sẽ còn có cơ hội có thời điểm đến với ta.

Tỉnh táo và dũng cảm, nhớ là phải tỉnh táo và dũng cảm, có như vậy thì sẽ có một cuộc đời cho bạn chứ không phải là bạn bị chôn vùi bởi nó.

Để xem thử hai chị em nó kể từ ngày làm chủ đã dư được cái gì, bởi tính như hồi nãy thì chỉ mới là tính kiểu kết toán số đầu số cuối, còn trung gian ở giữa thì cũng phải có cái gì đó chứ, đời này đâu có ai chỉ hít gió không mà sống được đâu. (Thật ra là có đó, nhưng đây là truyện tâm lý xã hội chứ không phải truyện tâm linh, để bữa nào mà rảnh rỗi chuyển chủ đề thì tôi sẽ kể về những sự tồn tại đi ngược cái định luật bảo toàn đó cho, bao hay luôn, không hay thì bỏ nghề không viết nữa.)

Con Hai trong tháng vừa rồi đã mua được ba bộ đồ lòng, sáu bộ đồ bộ cho hai chị em nó. Trong nhà có thêm một cái thau giặt đồ và mấy cái xoong nhỏ, có mền mới nhưng chưa có gối mới, cũng đã đổi được hai đôi dép nhựa, một cái ổ cắm để câu dây điện ra tivi cho con Út coi cải lương. Cái cối, dao thớt với chày (nhắc tới cái chày thì tự nhiên run tay), một cái chổi xương, sợi dây chuyền bằng sắt xi mua cho con Út nhưng đeo được ba bữa thì bị ngứa với ra ten nên bỏ rồi (thứ con nít đua đòi), mấy quyển sách, mấy quyển vở, mấy cây viết với hộp phấn viết bảng cho con Út. Hai cái khăn tắm lớn, một cuộn băng cải lương bản mới nhất, gạo đường mắm muối, rồi cộng thêm hai cái áo khoác kiểu áo bà ba cho hai chị em nó. Nhiêu đó thôi, kiểu kiến tha lâu đầy tổ của đàn bà đó mà, kể mấy cái chính như vậy thôi, còn mấy thứ lặt vặt linh tinh các kiểu thì khỏi kể, mất công lại bị mang tiếng là soi mói nhỏ nhen.

Vất vả lắm chứ không phải giỡn đâu, bữa giờ hai chị em nó cố gắng nhiều lắm, hiếm có ngày nào bọn nó về nhà trước mười hai giờ đêm, thậm chí có nhiều đêm khách ngồi lâu thì phải ráng bán tới tờ mờ sáng luôn cũng có.

Con Hai thì luôn ráng tiết kiệm, nhịn đầu này nhín đầu kia, không có nghe hội chị em xúi dại mà đi vay mượn với mua đồ trả góp lung tung. Con Út thì cũng phụ chị rất nhiều, chuyện học hành thì cũng không đến nỗi nào, dạo này nó cũng thuộc hết bảng chữ cái rồi đó, nhưng mà muốn nó đọc thì phải để yên cho nó đọc một lèo từ đầu tới cuối, từ chữ a tới chữ y, chứ đang đọc giữa chừng mà có ai hù nó một cái là nó quên rồi phải đọc lại từ đầu.

Có lần ông chủ hiệu cầm đồ thay chị Hai kiểm tra bài của nó:
"Thuộc chưa?"
- Thuộc rồi.

"Chắc chắn thuộc chưa?"
- Thuộc rồi mà.

"Thuộc là kiểm tra đó."
- Thì chú kiểm đi.
"Đọc ngược từ y lên tới a đi."

(Thách đọc được đó, chấp hết mười hai năm phổ thông, bốn năm đại học, ba năm cao học cộng thêm vài chục năm kinh nghiệm trong mọi lĩnh vực luôn. Có bản lĩnh thì nhắm mắt lại rồi đọc đi.)

Hôm đó con Út nó ức rồi nó khóc như mưa luôn, tới khuya về tới nhà ngủ rồi mà trong mơ miệng của nó vẫn còn lẩm bẩm rồi co giựt như động kinh. Chờ đi Út, chờ mai mốt học phần bảng cửu chương rồi thì Út sẽ biết thế nào là tụng tới mức tẩu hỏa nhập ma.

Cái nhà cũ của bà ê sắc ve chai đã có người mới thuê rồi, cũng chỉ là một gia đình lao động bình thường thôi. Nhà năm người, chồng làm thợ hồ, vợ phụ hồ, hai đứa con gái lớn thì làm và ăn ở tại chỗ trong khu công nghiệp đến cuối tuần mới về, với một đứa trai út còn mẫu giáo. Hai chị em con Hai có qua chào hỏi mấy lần, nhìn sơ thì thấy họ hiền lành và chân chất.

Dạo này hai chị em nó đã quen biết được nhiều người hơn, hàng xóm xung quanh, người ở chợ, khách ở quán, hàng xóm chỗ quán, còn con Út thì có thêm bạn ở lớp học tình thương. Tính ra thì người mà nó biết mặt nhớ tên trên thành phố đã nhiều hơn so với người ở dưới quê, cũng lâu rồi bọn nó không nghĩ về cái hốc ruộng và mảnh chòi đó nữa, với lại cũng có gì vui đâu mà nhớ.

Để kể thêm chút chuyện về những người đang có trong cái vòng tròn xã hội của bọn nó, phải biết thì mới nói được là bọn nó đang sống ra sao, tốt xấu hay dở như thế nào.

Ngoài khách ruột đặc hữu là ông chủ tiệm cầm đồ ra thì quán cũng đã có được thêm năm bảy khách quen khác, đa phần là những người sống xung quanh chỗ nó bán.

Có đôi vợ chồng kia chừng hơn bốn mươi, cứ cách ngày thì lại ra quán của hai chị em nó. Họ hay kêu dĩa đậu phộng cốt dừa với dĩa nem nướng và một ca bia hơi hai vợ chồng uống chung. Bà vợ to con, ông chồng thì nhỏ thó, lúc nói chuyện mà bà vợ bả nạt một cái là ông chồng ngồi im re không dám hó hé gì. Hai vợ chồng đó chạy xe ba gác chuyên chở xà bần với gạch cát xi măng, cả hai cùng đẩy cùng đạp cùng bóc xếp cùng chất hàng lên xe, chồng đạp thì vợ ngồi sau, lên dốc thì chồng đẩy còn vợ kéo. Ông chồng đen nhẻm còn vợ thì đỏ ngăm ngăm, họ sống với nhau lâu mau không biết nhưng mà vẫn chưa có con, trời không cho thì phải chịu thôi chứ biết sao nữa giờ.

Mỗi ngày họ pha một thùng trà đá cột bên hông xe, vừa làm vừa uống vừa đổ mồ hôi từ sáng tới chiều là cái thùng trà đá đó cạn. Ngồi uống bia họ hay bàn chuyện về quê, đâu đó ở miền Trung, nói rằng ráng gom góp thêm chút xíu nữa rồi về đó mở tiệm sửa máy nổ với xay xát. Chồng thì có nghề sơ sơ, vợ thì có sức tạm tạm, ráng ráng thêm chút nữa thì sẽ được thôi. Uống chút bia là thói quen của cả hai để giải mỏi, trước họ hay ngồi ở cái quán phía đầu trên một chút, nay chuyển về quán con Hai cũng bởi gần nhà với rẻ hơn. Một ca bia hơi hai lít thêm cục đá lạnh pha loãng thì không đủ để cả hai say, nhưng đủ để họ hạ mí mắt xuống một chút mà mơ mộng kỹ hơn về một tương lai mà họ vẫn chưa có.

Mấy người trong hội chị em cũng có kể chút chuyện về hai vợ chồng này, rằng không phải họ không có con, mà là họ từng có.

Năm đó người vợ từng mang thai, rồi khi sinh ra thì đứa nhỏ chỉ sống được ba bốn tiếng đồng hồ, vì sinh trong trạm xá nhỏ nên cũng không biết là đứa bé chết vì lý do gì. Năm đó người vợ vì đau buồn quá mà đổ bệnh, còn người chồng thì vì lao lực kiếm tiền chăm bệnh cho vợ mà gầy gò rồi teo lại còn có nhiêu đó. Rồi thêm nhiều chuyện lung tung nữa mà thành ra cảnh như ngày hôm nay, nhưng mà nói chung thì còn sống còn tự kiếm ăn được là tốt rồi, phải nói vậy chứ biết nói sao nữa giờ.

Hai vợ chồng nhà đó uống bia xong thì nắm tay nhau đi về, thỉnh thoảng hay thấy cảnh ông chồng vừa đi vừa dựa vào vai bà vợ, còn bà vợ thì kẹp chồng như kẹp cái chổi đót, nhìn thấy thương ghê lắm.
Khách quen khác nữa là một người chỉ ăn chứ không uống. Đây là một nhân vật mang tính truyền kỳ và huyền thoại trong cái xóm đầu chợ này, là một người đã châm ngòi cho không biết bao nhiêu vụ cháy nhà trong xóm, khiến vợ chồng ly tan gia đình ly tán, người mà hết mười vụ chửi lộn đánh lộn thì góp mặt hết đủ mười còn giựt dây phía sau thì bảy tám, người kết bạn với tất cả các chị em và cũng là kẻ phải đề phòng của tất cả, người rành rọt mọi chuyện trong làng đầu ngõ giống như núp dưới giường của người ta để nghe lén, để lỡ như trong nhà có chuyện gì mà người nhà chưa biết thì cả xóm đã tỏ tường. Nhân vật này không ai khác, chính là bà làm móng tay móng chân dạo.

Mọi nơi mọi ngóc ngách đều có thể thấy được cái mặt của bả, sáng bảy tám giờ ăn sáng với chùi mỏ xong xuôi là bả xách cái rổ đồ nghề đi dạo một vòng chợ, cứ ba bước chân thì sà xuống một cái sạp nào đó mà "Chị ơi chị, chị biết cái gì chưa? Trời ơi ghê lắm, thôi ngâm móng đi rồi em kể cho chị nghe nè..."

Tiếng bấm móng lách cách lạch cạch cùng với âm thanh của cái miệng chóp chép không ngừng, tám chuyện mà có vần có điệu nhịp nhàng với ly kỳ hấp dẫn còn hơn coi xi-nê trực tiếp, thậm chí đôi lúc kể mà hăng quá, tới mức nhân vật chính ngồi ngay bên cạnh nghe cả buổi rồi mới biết à thì ra nãy giờ nó đang nói xấu mình.

Thật ra thì cái bà làm móng này bả cũng có tài, chuyện gì mà bả nghe bả hóng được bằng lỗ tai thì lúc bay ra khỏi cửa miệng nó sẽ thành kịch bản phim truyền hình dài tập với dàn diễn viên chuyên nghiệp nằm xếp lớp như cá phơi khô. Mà bả thì cũng không có cố tâm nói xấu gì ai, chẳng qua là chỉ nói thêm thắt vài tình tiết kịch tính với những bình luận bổ sung giúp kích thích cũng như thỏa mãn cái ham muốn nhiều chuyện của các chị em trong xóm. Có thể coi bả như một nhà hoạt động thông tin tin tức truyền thông giải trí kiêm làm móng đa phương tiện di chuyển bằng hai chân có quy mô không nhỏ trong xóm này.

Năm giờ chiều con Hai dọn quán ra thì khoảng năm rưỡi bả sẽ có mặt, lúc này cũng đã hết giờ làm móng của bả rồi, bởi đây là giấc mà các vợ các mẹ đương bận rộn lo cơm nước cho cả nhà. Bà làm móng hay ghé quán con Hai để ăn trứng vịt lộn với nem chua nướng, thỉnh thoảng cũng có kêu nướng con mực hoặc cá khô. Bả cũng có làm móng cho hai chị em nhà nó, làm xong để đó còn tiền bạc thì trừ dần vô tiền ăn hàng, cả khu chợ này bả đi la ngồi lết cả ngày mà không phải tốn một đồng nào thì cũng bởi lý do đó, đều là làm khách hàng của nhau, chị em thân thương chia ngọt sẻ bùi, trừ chồng ra thì cái gì cũng chia sẻ cho nhau được hết.

Bà làm móng bả không có chồng, tuổi tác thì cũng quá lứa rồi, vậy nên với bả chuyện làm móng kiếm ăn chỉ là phụ, cái quan trọng là thông qua đó để được sống với đam mê. Đôi lúc khi kể chuyện nhà của người ta bả hay tưởng tượng rằng mình là nhân vật chính, cũng lục đục cũng rối ren cũng yêu thương giận hờn nhau như vậy.
Nói chớ mắt hai con mũi hai lỗ tay chân giày dép cũng có đôi, người phụ nữ mà sống lẻ loi một mình không có ai để bầu bạn sớm hôm thì cũng tội nghiệp lắm. Ăn xong rời khỏi quán về tới nhà thì bả cũng chỉ nằm chèo queo một mình lẻ loi lạnh lẽ hiu hắt trên giường, cố nhắm mắt cho tới ngày mai, có tâm sự có nói năng gì được với ai đâu.

Bả cũng tốt với hai chị em nó, lúc làm trong chợ bả cũng hay kể cái này cái kia về bọn nó, đều là nói tốt, đều là thương cho số phận chị em cùng khổ, thành ra bây giờ trong chợ người ta cũng dần thương với thân hai chị em nó nhiều hơn. Bả cũng là người đầu tiên dạy cho con Hai những bài học về đàn ông, rằng đàn ông đểu lắm, thằng nào cũng như thằng nào, mình mà thương nó càng nhiều thì nó càng coi thường mình rồi bỏ mình để đi theo con khác. Chuyện đó bả trải qua rồi nên bả biết, biết rồi nên mới sợ mà không dám thương ai nữa, với lại cũng chẳng có ai nữa để mà thương.

Nói tới khách quen của quán nhậu thì dĩ nhiên là phải nói tới mấy thằng bợm nhậu rồi, bọn nó là nguồn thu nhập chính mà. Nói chung thì cũng không có gì để phải kể về cái bọn này, trước sau gì thì không biết chứ hễ mà đã uống vô thì thằng xỉn nào cũng như nhau, không phá làng phá xóm làm tổn hại đến vợ con thì cũng tự hủy hoại chính mình.

Ở góc trong cùng của chợ có ông kia ổng làm nghề mài dao với bào dừa. Dao của cả chợ này đều là do một tay ổng mài, khách tới chỉ cần để dao ở đó là ổng biết dao của hàng nào sạp nào liền. Còn bào dừa thì ổng lấy cái nắp keng đóng đinh vô que gỗ để bào, chủ yếu là bào cho mấy người bán chè với bán hàng ăn. Ổng nhậu từ sáng sớm, vừa bước vô chợ thì trong túi đồ nghề đã có xị rượu, tới trưa đi ăn cơm thì đong thêm xị nữa, ổng ghé quán con Hai mỗi chiều uống thêm hai chai bia thì chẳng qua cũng chỉ để giải khát thôi chứ không thấm thía gì với ổng.

Ổng có đứa con trai cũng làm nghề mài dao, nó mỗi ngày đạp xe đi mài dạo khắp nơi, hôm nào ổng mệt nghỉ ở nhà thì nó vô chợ để ngồi giữ khách cho ổng. Nghe bà làm móng kể lại thì hai cha con nhà này không có hợp nhau, hình như năm xưa ông này ăn nhậu rồi đánh đập vợ nhiều quá nên người vợ lao tâm mà chết sớm, kể từ đó hai cha con không còn nói được với nhau câu nào cho nguyên lành.

Nhưng bây giờ chắc vì yếu sức nên ổng đã uống ít lại rồi đó, nhớ hồi xưa chỗ ổng ngồi lúc nào cũng có cái can nhựa năm lít đựng rượu, cứ cách vài ngày thì lại đong đầy can mới. Uống thay cơm là chuyện bình thường, ổng thuộc dạng tắm bằng rượu luôn rồi, tới nỗi mà có con muỗi nào chích phải ổng là nó xỉn luôn, bởi máu đâu nữa trong đó mà hút.

Ổng hay kêu dĩa lòng nướng làm mồi, con Hai thường nướng thêm cho ổng mấy miếng bởi nó biết ổng uống cồn thay nước ăn mồi thay cơm. Làm vậy thì cũng chẳng được gì, chẳng qua nó không biết tại sao nó lại muốn như vậy thôi, có lẽ vì nghĩ tới ông cụ bảo vệ nên nó mới hay cư xử tốt nhiều hơn cho người già. Đôi lúc con Hai nghĩ rằng nếu ông cụ bảo vệ còn ở đây thì nó sẽ mời ông ăn miễn phí không lấy tiền, nếu được như vậy thì chắc cả ông cụ và nó đều sẽ vui lắm.

Ờ, con Út nay cũng có thêm bạn mới rồi, là bạn học, bữa trước học xong nó có đạp xe chở bạn qua quán của chị Hai chơi một lần, là con bé lớn hơn Út chừng một hai tuổi gì đó, mặt mũi nhìn cũng thấy lì lợm lắm, nhưng được cái là nói chuyện với người lớn cũng dễ nghe, có thưa gửi đàng hoàng, vậy là được rồi.

Nhà bạn của con Út mới lên thành phố được vài tháng, cũng làm việc tay chân này nọ gì đó để sống qua ngày thôi, vì chỗ thuê gần sát bên chỗ lớp tình thương nên họ cũng tiện đó mà cho con đi học. Con bé này học không nhanh bằng con Út, cũng không siêng năng hơn, theo như lời nó nói thì ba mẹ đang tìm chỗ làm cho nó, khi nào tìm được thì nó sẽ nghỉ học để đi làm, nó đến lớp chủ yếu cũng chỉ để có bạn bè nói chuyện cho đỡ buồn.

Hôm nay là giỗ mẹ, đã ba năm kể từ ngày hai chị em nó lên thành phố. Quán nghỉ bán một ngày, hai chị em nó từ sáng đã đạp xe ra chợ để mua đồ làm giỗ cho mẹ. Con Hai nấu cơm, kho nồi thịt, luộc mấy quả trứng, chiên hai lát cá thu, mua một miếng chả lụa về chẻ ra làm tám, xào ít khổ qua với thịt bằm, có cả trái cây và một bình hoa cúc trắng.

Trái cây với hoa thì bọn nó đặt trên trang thờ của mẹ, đồ ăn thì múc ra tô chén rồi bày biện ở cái bàn nhựa bên dưới. Thắp xong ba cây nhang, con Hai lầm bầm khấn rồi kể chuyện cho mẹ nghe, còn con Út thì ngồi trên giường chờ chị Hai khấn xong tới lượt nó khấn.

Thật ra thì tối nào có chuyện gì con Út trước khi đi ngủ nó cũng kể cho mẹ nghe hết rồi, vậy nên lúc này nó không dành với Hai, với lại hôm nay nó cũng chỉ muốn kể chuyện vui cho mẹ nghe thôi. Chắc lúc này mẹ đang ở gần hai chị em nó lắm, từng đó thời gian cho dù mẹ có đi bộ thì chắc cũng phải lên tới nơi rồi, nhìn bàn đồ ăn nhiều đến như thế kia thì chắc mẹ vui lắm ha, sẽ không còn phải lo nhiều cho hai chị em nó nữa.

Khấn xong xuôi thì con Hai lại chơi chiêu cũ, nó vừa lạy mẹ vừa nói to lên cho con Út nghe: "Mẹ không cần phải lo cho con đâu mẹ, con dạo này kiếm được tiền rồi, với lại con khỏe lắm, mẹ không cần phải phù hộ gì thêm cho con nữa. Mẹ dồn hết phù hộ cho mình con Út là được rồi, cho nó học nhiêu thì nhớ được bấy nhiêu, đừng có ham chơi rồi lén con trốn học, lỡ mà con bắt được thì con đánh nó thay phần của mẹ luôn. Mẹ nhớ phù hộ cho cái mông đít của con Út đừng có sưng lên nha mẹ..."

Mỗi lần chị Hai mà nhắc tới chuyện học hành là con Út lại vừa nghiến răng vừa nhớ tới ông chủ tiệm cầm đồ, tình cảm của hai chị em nó mà sứt mẻ thì cũng chỉ do ổng gây ra. Mà kể cũng lạ, trên lớp mỗi lần cô thầy dò bài thì nó đều thuộc, chỉ khi bị ổng kiểm tra thì nó mới cà lăm, còn chị Hai thì tin ổng hơn tin nó, suốt ngày cứ nói nó không chịu học bài.

Giờ tới phiên con Út nó khấn, là khấn trong âm thầm:
"Con nay biết đọc rồi mẹ, chữ nào con cũng đọc được hết, khó lắm mà con cũng học được rồi đó mẹ. Mà cũng tại con dồn sức con học chữ nhiều quá nên con mới học toán kém đi đó mẹ, để mai mốt con dồn qua bên toán lại là tự nhiên sẽ giỏi đều thôi. Vậy nên mẹ cứ tin con đi mẹ, đừng có tin người ngoài nha mẹ, ông chủ hiệu cầm đồ không phải là người tốt đâu, ổng suốt ngày ăn quỵt không đó mẹ. Với lại mẹ cũng đừng có phù hộ con làm chi, mẹ cứ nghỉ ngơi đi, để mai mốt con làm cô giáo rồi mẹ phù hộ cho con có luôn cái trường học là được rồi.
...
...con nhớ mẹ lắm!"

Rồi hai chị em nó hạ đồ cúng xuống để ăn, ăn xong thì đóng gói đồ ăn gọn gọn lại để đem ra công viên, hôm qua bọn nó hẹn trước với đám thằng què rồi, coi như lâu lâu cho cả công viên được ăn ngon lành một bữa.

"Ê Hai! Nghe nói bữa nay mày giàu lắm rồi đúng hông? Có dư ký vàng nào hông cho tao mượn đi mày, mai mốt làm đại gia rồi tao trả lại gấp đôi cho."

"Úi trời ơi, tao tưởng ngon lành lắm, làm cả ngày nay tao bỏ ăn hai bữa cơm chùa để chờ ăn đồ cúng của mày. Heo quay vịt quay gì đó đâu Hai? Không thì cái chân giò cũng được, bộ nhà mày dư muối hay sao mà kho thịt mặn dữ vậy mày?"

"Mà hai đứa mày có phải là chị em ruột không vậy? Sao đứa hai tay còn đứa thì có tay rưỡi, có phải nửa cái kia mày cắt mày bỏ vô nồi thịt kho này rồi đúng không Hai? Hèn chi nó dai thấy ghê luôn."

"Tao biết sao mà mẹ mày chết rồi, là bả chết để mày lên thành phố, rồi mày lên thành phố để mày gặp được tao, rồi để mày nấu cơm mày hầu hạ mày bưng ra cho tao ăn như vầy nè. Là mẹ mày muốn gả mày cho tao đó Hai, chắc luôn."

(Thằng này vừa mới nói xong là tự nhiên có một bàn chân tung ra đạp thẳng vô mặt nó, khiến nó lăn lóc mấy vòng rồi nằm rên như con chó luôn. Chủ nhân của bàn chân đó không ai khác chính là đại ca què nhà ta, phải công nhận là thằng này có què mà nó xài chân giỏi thật.)

"Mà bọn mày biết tin gì chưa? Nghe nói cả khu này vừa mới đổi đại ca rồi, là cha nội nào đó vừa mới đi tù về, hình như ác lắm. Có đứa nào hóng được cái gì thì nói để cả bọn biết mà liệu chừng nha."
"Ờ mà hôm kia có đứa giựt được cái giỏ rồi biến đâu mất tiêu hai ngày nay rồi? Bộ trong đó có nhiều tiền lắm hở? Có đứa nào biết nó ở đâu hông?"

"Bị bắt rồi, mới sáng nay nè, bị bắt ngay bến xe luôn. Nó giựt mà định ăn mảnh nên bị mấy anh lớn túm đầu rồi giao cho công an luôn, hình như chỉ tiêu đưa xuống là từ giờ tới cuối năm phải giao ra thêm vài đứa nữa. Bọn mày cũng liệu đường mà chung chi, nhắm nuốt mà giải nghệ được thì nuốt, còn không thì cứ đóng phí cho đủ nha."

"Có đám lô tô mới về nè, lát qua xem thử không bọn bây, chơi cho vui rồi rảnh thì móc vài cái ví."
"Dạo này có đứa nào nghe tin gì của con Mi hông?"

"Nó đi làm gái bên Tân Phú đó, động của ông anh tao. Nay nó ngon rồi, bữa trước mới thấy nó chạy xe máy ngang qua đây, hình như mới cặp được thằng nào số má lắm."

"Mẹ nó con đĩ! Hồi đó mà không có tao nuôi là nó chết đói lâu rồi, giờ đủ lông đủ cánh tự đi được thì đéo nói năng ai tiếng nào. Còn tiền góp tao bảo lãnh để nó lấy của người ta mà vẫn chưa đóng xong nữa chớ. Khốn nạn!"

"Là vì nó giựt tiền nên mày nhắc, hay là vì mày còn thương nó nên mày nhắc?"
"Kệ mẹ tao!"

"Bọn mày có ăn thì lo ăn đi, nói cái tào lao gì nói miết vậy? Đói rã họng ra mà bày đặt chảnh chó, đứa nào không ăn thì biến để người khác ăn."

(Là thằng què lên tiếng, trong cái khúc công viên này thì nó cũng coi như lão làng, liều thêm chút nữa thì có thể sẽ thành đại ca. Nghe thằng què nói xong thì cả bọn cũng chịu im miệng lại để ăn, đâu phải lúc nào cũng có được cơm canh rau thịt đủ món như thế này đâu, mà với kiếp bụi đời thì một ổ bánh mì không cũng phải bươn đầu ra mới có.)

Con Hai thấy bạn bè tụ tập lại ăn uống thì nó tự nhiên thấy vui, còn con Út cũng không nghĩ ngợi gì, mỗi lần ra công viên nó đều mua chút đồ ăn vặt rồi vừa ăn vừa nhìn dòng người qua lại, nhìn đường phố đèn xe sắc màu rực rỡ, nó đang tuổi ham chơi, mấy thứ này nhìn vui hơn là con chữ nhiều.

Hai chị em nó và đám bụi đời thật sự thì cũng chẳng khác gì nhau, thậm chí là xuất phát điểm của hai chị em nó còn thua xa đám kia. Bọn nó còn nhỏ quá nên suy nghĩ chưa tới, vậy thì có ai lớn hơn suy nghĩ giùm rồi trả lời giúp.

Là trong ba năm nay, thứ gì đã thật sự kéo được hai chị em con Hai và con Út ra khỏi kiếp bụi đời?

*
Trương Lang Vương.
*"*"*

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top