Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 8 - Hội Làng

Gió đại ngàn lướt qua, dịu dàng vén lọn tóc mềm lên vành tai người thiếu nữ. Bích Giản chậm rãi ngẩng đầu, để rồi bắt gặp một ánh nhìn trong lạnh quen thuộc của Lê Tông.

Nhưng lạ kỳ thay, lần này, khi đối diện với người ấy, cô bé lại mơ hồ trông thấy đôi điều khác biệt. Sâu thẳm trong đôi mắt cậu thiếu niên, ẩn hiện một thứ cảm xúc không thể nói rõ thành lời. Như hoài niệm mà cũng như nuối tiếc.

"Anh Tông?"

Bích Giản nghiêng nghiêng đầu, nhỏ giọng gọi. Cậu thiếu niên chẳng nói chẳng rằng, chỉ khẽ vươn tay đỡ lấy đĩa bánh giúp Bích Giản. Vài sợi khói mỏng manh chầm chậm bay lên từ thức quà miền núi dẻo thơm, dịu ngọt, thấm xanh sắc màu lá Ngải đặc trưng. Thoáng chốc, ánh mắt Lê Tông vô thức dịu lại. Bởi thời khắc này, sâu thẳm nơi tâm trí cậu, một ký ức xa mờ thuộc về Thăng Long thuở nào bỗng bất ngờ sống dậy mãnh liệt, không ngừng sáng rõ.

"Ấm cả[1] lần đầu đến Thanh An điện làm khách. Ta cũng không biết cậu thích dùng những gì. Món bánh này, cậu nếm thử xem có hợp khẩu vị không?"

Rót xong mấy bôi trà nóng, vị quý nhân nọ mới điềm đạm cất lời. Hai người tỳ nữ thân cận hiểu ý rất mau, nhanh chóng chuẩn bị thêm một phần bánh. Phía đối diện, cậu trai nhỏ lần nữa cúi thấp đầu, cẩn trọng đáp một tiếng Vâng. Chiếc bánh cốm nằm gọn gàng trên đĩa sứ. Hương trà sen thoang thoảng dịu lòng người. Ngày hôm ấy, có lẽ Thái tử và các vương đã trò chuyện rất nhiều điều. Nhưng đến tận khi rời khỏi Hoàng Thành, thứ duy nhất quanh quẩn mãi trong tâm trí cậu trai lại chỉ có mấy câu của tam hoàng nữ.

Vào lúc cô cháu gái của Bùi tướng quân toan cất tiếng lần nữa, phút chốc, phần bánh đã nằm yên vị trên bàn tay người trai. Lê Tông từ tốn cắn một miếng, cảm nhận hương vị thơm ngọt dần dần lan tỏa khắp khoang miệng. Bích Giản cẩn thận quan sát nét mặt của cậu, thấp thỏm một hồi.

"Có hợp khẩu vị của anh không ạ?"

"Ừm. Tay nghề không tệ."

Lê Tông chậm rãi gật đầu, mỉm cười với Bích Giản. Đôi mắt trong veo của người thiếu nữ trong giây lát đã bừng sáng, tựa hồ tinh tú trên bầu trời. Cánh môi nhỏ nhắn kia nhẹ cong, đôi má bầu thoáng cái đã ửng hồng. Quả nhiên, phàm là những chuyện liên quan đến cậu, cô gái nhỏ ấy không cách nào che hết tâm tư.

Trông thấy cảnh tượng tình nồng ý đượm trước mặt, Phan Lăng nheo mắt, khẽ nhón chân toan âm thầm tiến lên mấy bước. Nhưng nàng Lin ở cạnh bên đã nhanh chóng phát giác ra những mưu tính của gã trai. Tóm lấy cánh tay người thanh niên, Lin kéo hắn ngược trở lại. Phan Lăng bực dọc nhìn sang cô sơn nữ, nóng lòng muốn thoát khỏi bàn tay đang bám chặt lấy mình.

"Ơ cái cô này? Buông tôi ra mau!"

"Đứng yên đấy! Anh chớ có mong làm kỳ cản mũi! Phần của anh ở ngay trong bếp, lát nữa sẽ ăn cùng bọn tôi."

Phan Lăng thừ mặt ra, liếc nhìn bộ dáng hung dữ của nàng Lin. Về phía Lin, nàng cũng không kiêng dè gì mà trừng mắt với hắn. Sau mỗi cái nhéo nghiến của người sơn nữ, Phan Lăng lại cảm nhận rõ rệt hơn cơn đau đang mỗi lúc càng thêm phần nhức nhối. Kèo đấu mắt hôm nay hắn đành chịu thua thôi. Tâm can chàng trai họ Phan đang nghìn lần thét gào hai chữ hối hận bởi ban đầu hắn đã không tin lời cụ Thống. Lin, chính xác là khắc tinh của đời Phan Lăng.

Vốn dĩ, trong tốp biên quân ba năm trở lại đây của triều đình, vóc dáng của chàng trai họ Phan đã được xếp vào hàng cao lớn nhất. Không chỉ nổi trội hơn hẳn bao đồng đội, hắn đến đây đã lâu mà những gã trai cường tráng nhất ở bản cũng hiếm ai tự tin rằng: mình sẽ có thể đứng ngang tầm mắt hắn. Thế nhưng, riêng chỉ cô sơn nữ còn chẳng cao tới vai Phan Lăng đây lại luôn khiến chàng trai trẻ phải có chút e dè. Dẫu cho núi rừng đất Lạng chỉ ban cho Lin một dáng người thấp bé, nhưng đứng trước những kẻ sở hữu chiều cao hoàn toàn chênh lệch với mình, chẳng bao giờ Phan Lăng thấy Lin để lộ chút ít vẻ ngại ngần hoặc lấy đó làm sợ hãi.

Thuở mới quen biết nhau, đối diện với một cô gái có vóc người mảnh khảnh, Phan Lăng theo thói cũ lại tùy ý buông vài câu giễu cợt bông đùa. Trong lúc hắn hãy còn đắc ý vênh mặt, Lin đã vút người nhảy lên rồi ra sức véo tai hắn thật đau. Thế mới thấy, lời dạy của già làng quả thực cấm có sai. Nhớ lại cái ngày ấy, chàng thanh niên bỗng cảm thấy toàn thân ớn lạnh. Hắn rùng mình, chỉ biết hừ hừ mấy tiếng rồi thấp giọng biện minh.

"Tôi chỉ đang lo nếu hai người kia cứ đứng dưới nắng nhìn nhau cười mãi như thế, Lê Tông nếm trải sương gió đã quen thì cũng đành, riêng Bích Giản chắc chắn không chịu nổi cái nắng trưa gay gắt. Cô nghĩ tôi tính xông lên là bởi mấy cái bánh kia ấy hả?"

"Anh nói thử xem?"

Đáp lại mấy lời ba hoa của Phan Lăng vẫn là một ánh nhìn sắc lẹm của nàng Lin. Khắc sau, cánh tay hắn lại thấy đau nữa rồi.

"Cô... cô nhẹ tay chút đi! Tôi thật lòng lo lắng cho em ấy mà!"

Dưới bóng cây gạo ẩn hiện giữa làn khói bếp mờ ảo, chàng trai thân cao tám thước ấy vô phương chống đỡ trước ngón đòn lợi hại của nàng Lin. Hắn chỉ còn biết nhăn mặt, ngữ điệu càng lúc càng lộ rõ vẻ đau đớn. Cuối cùng, Phan Lăng đành phải lớn tiếng cầu cứu cậu bạn thân.

"Tông! Lê Tông! Chứng giúp một câu cho lòng dạ ngay thẳng của tôi với!"

Cậu trai nhà quan Ngự sử không thèm nhìn lấy Phan Lăng một cái, mặc cho hắn ở bên kêu gào ồn ã. Trả lại đĩa bánh cho Bích Giản xong, Lê Tông chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở cô bé.

"Được rồi, em vào trong đi. Nắng giờ Mùi vẫn còn độc lắm, đứng ngoài này mãi kẻo ốm thì tướng quân lại lo."

Đoạn, Lê Tông hướng ánh nhìn đến Lin. Nàng sơn nữ tức thì hiểu ý, bèn dứt khoát đẩy tên to xác nào đó sang một bên rồi chạy đến cạnh cô bé.

"Vậy Bích Giản và chị cùng chuẩn bị mang bánh lên nhà chính nhé. Lát nữa thể nào tướng quân cũng được phen nở mặt nở mày với làng ta vì tài bếp của em thôi."

Bích Giản nở nụ cười thật tươi, vui vẻ đồng ý. Thấy Lê Tông quay lưng dời gót, Phan Lăng cũng vội vàng bước theo. Vừa cảnh giác lườm Lin, hắn vừa vương tay xoa đầu cô cháu gái của Bùi tướng quân thật nhanh rồi chạy ngay đi trước khi phải ăn thêm một cước từ người sơn nữ. Cho đến lúc cả hai chàng trai đều sắp sửa khuất xa, Phan Lăng vẫn còn ngoái đầu, huơ huơ tay tạm biệt Bích Giản.

"Lát nữa gặp lại nhé!"

*

"Này! Sao đi nhanh thế? Đợi tôi với đã nào, Lê Tông!"

Phan Lăng sải chân nhanh hơn để đuổi kịp cậu bạn. Riêng người thiếu niên vẫn cứ xăm xăm tiến về phía trước, tựa như chẳng hề nghe thấy. Khi chỉ còn cách Lê Tông chừng một sải tay, chàng trai với vóc người cao lớn toan ôm vai bá cổ cậu như thường lệ. Nhưng rồi chính biểu cảm khác lạ trên gương mặt người đồng đội kém tuổi chợt khiến Phan Lăng dừng lại, và chính hắn ngay sau đó cũng thoáng chút ngạc nhiên.

"Ơ, chú làm sao đấy?"

Dưới cái nắng trưa ở vùng núi Đông Bắc, cả mái đầu lẫn hai bên thái dương của cậu trai lần lượt ướt đẫm. Đôi mắt vẫn dán chặt xuống nền đất. Lê Tông chẳng đáp gì.

Mới vừa ban nãy thôi. Khoảnh khắc trông thấy sắc màu của món bánh đặc sản xứ Lạng, không hiểu vì đâu bên tai Lê Tông bỗng sực đầy ắp những nhịp bước vội vàng, cớ làm sao lại cứ vang động mãi tiếng nói cười rộn rã. Dưới tán cây rộng lớn, hương trà, vị bánh quen thuộc phút chốc khỏa lấp đầy trí não. Giờ đây, hình như cứ mỗi một bước tiến lên, trước mắt cậu, con đường lát gạch hoa nối liền những cung vàng điện ngọc lại thêm trải dài tít tắp. Trên gò má Lê Tông, tựa hồ vẫn in hằn hơi ấm của những tia chiều ánh đỏ, chân thực đến độ có thể cảm nhận được giọt mồ hôi đang lăn vội theo từng sải chân dài.

"Này! Có nghe tôi hỏi không? Làm sao đấy?"

Phan Lăng tóm lấy cánh tay cậu trai trẻ, níu mạnh. Đoạn đường cậu đang đi, đích đến là trung tâm ngôi làng, chứ không hề dẫn đến tòa điện nằm ở phía Đông chốn cung đình ấy. Cũng như trên con đường mà cậu đã lựa chọn, ký ức về thuở ấu thơ xa vời kia giờ chỉ còn là chút hoài niệm trong tâm thức Lê Tông. Khoảnh khắc chân không bước nữa, Lê Tông biết rằng, tất cả đều đã là tháng ngày dĩ vãng.

Những tháng ngày mà tất cả hãy chỉ là mấy đứa bé con thôi. Cái thuở mà dù cho chốn cung hoàng lắm điều quy củ, và dẫu hai tiếng quân - thần sâu nặng vẫn còn nguyên vẹn ở trên vai, nhưng đối với lũ trẻ, đã là bạn bè rồi thì những lễ nghĩa triều cương hay cách biệt về danh phận thực tình cũng chẳng phải là vách ngăn gì to tát. Tình bạn ở cái độ tuổi hồn nhiên, vô tư ấy, dầu có là những đứa bé bình phàm cõi dân gian hay mang xuất thân hiển hách chốn vương quyền, tất cả đều đối đãi với nhau bằng những gì chân thực nhất.

Chính bản thân cậu thuở đó cũng không rõ vì lý do gì mà trong vô số thư đồng vào cung kề cận bậc trữ quân năm ấy, Thái tử lại xem mình như bạn hữu thân thiết. Lúc bấy giờ, các cung nhân, nội thị chốn thâm cung vẫn thường xuyên nhìn thấy cậu con trai cả nhà quan Ngự sử bên cạnh Thái tử cùng hai vị vương tử của Vũ thái phi. Từ những buổi đọc sách thánh hiền ở Quốc Học Viện[2] cho tới những chiều đến Giảng Võ Đường[3] rèn cưỡi ngựa bắn cung, bốn cậu trai bao giờ cũng gắn bó với nhau như hình như bóng. Đối diện với những lần vị tự quân có nhã hứng ghé qua bất kỳ địa điểm nào, chưa đợi Lê Tông mở miệng từ chối, các vương đã tức thì kéo cậu đi cho bằng được.

Kể cả là... Thanh An điện.

"Nào, để ta giới thiệu nhé. Kia là con trai của quan Ngự sử đại phu Lê Phụ Trần, cũng là đồng môn của ta, Lê Tông."

"Được rồi Lê Tông, không cần đa lễ nữa. Mau ngẩng đầu lên đi!"

Thái tử Khâm ân cần đỡ lấy cánh tay người bạn học, hồ hởi bảo.

Bên tai cậu trai, tiếng bước chân chậm rãi của vị quý nhân ở điện Thanh An mỗi lúc một thêm gần. Mãi cho đến khi trời chiều bất chợt nổi gió, một tà áo xanh nhẹ mềm phấp phới in rõ vào đáy mắt, Lê Tông mới y lệnh đứng dậy.

"Còn đây là Thụy Bảo công chúa, tam hoàng nữ của thượng hoàng."

Khoảnh khắc trông thấy gương mặt ấy, lồng ngực cậu trai chín tuổi phút chốc đã thắt lại. Đôi mắt tĩnh lặng của người thiếu nữ với thân phận tôn quý đang nhìn cậu vẫn thế, điềm nhiên hệt như lần đầu gặp gỡ. Ẩn sâu dưới mấy lớp áo vải, vô số thứ cảm xúc bỗng trở nên hỗn độn. Chút ngỡ ngàng, mừng vui ngắn ngủi rất nhanh đã rời đi, thay vào đó, lại kéo đến thật mau những hoang mang, nghi hoặc. Sau cùng, là vỡ lẽ.

Không ngờ, lại hữu duyên tương ngộ.

Không ngờ, lại đích xác là người.

Càng không ngờ. Vẫn là họ Trần.

Nhìn hai bàn tay đang cuộn chặt của Lê Tông, chàng trai họ Phan ái ngại hỏi.

"Này, có ổn không đấy? Đừng bảo với tôi mới đó mà chú đã trúng nắng rồi nhé?"

Thấy cặp mắt kia vẫn nhắm nghiền, hắn lại thử ướm tay lên trán cậu trai để đo nhiệt độ. Một lát sau, khi từng mảnh hồi ức lần lượt vơi đi hết, ngổn ngang chất chứa nơi lồng ngực Lê Tông mới có thể được nén xuống bằng một làn hơi nặng trĩu.

"Có lẽ là vậy thật."

Ảo giác xuất hiện nhiều đến thế, hẳn là ban nãy cậu đã trúng nắng mất rồi.
Phan Lăng tròn mắt nhìn người thiếu niên. Nếu không nhờ thói quen quan sát khẩu hình miệng, hắn còn tưởng chính mình cũng say nắng nốt nên mới nghe nhầm. Phải công nhận là nắng giờ Ngọ hay giờ Mùi gì cũng đều độc thật.

"Thế có cần bốc thuốc không? Nhà thầy lang gần đây thôi, đi không nổi thì để anh đây cõng chú nhá?"

Lê Tông bật cười thành tiếng. Cậu đưa mắt nhìn sang người trai, thầm nghĩ có mà cậu phải cõng ngược lại cái tên sâu rượu này đấy. Lắc đầu cười nhạt, thiếu niên ấy từ từ thả lỏng nắm tay.

Những xúc cảm lạ kỳ cậu vừa trải qua...

Hãy cứ xem như là một phút choáng đầu vì cái nắng miền cao vậy.

Phía sân lễ vọng truyền đến tiếng nói cười rộn rã, nhạc điệu réo rắt xen lẫn bao huyên náo trống chiêng. Lê Tông nghe thấy, bèn vỗ lưng Phan Lăng mấy cái rồi nhướng mày, bảo.

"Thôi, đến nhà cụ Thống. Chẳng phải anh bảo còn chưa nghe xong khúc hát then mừng hội sao. Đi mau biết đâu lại kịp chen chân vào múa cho tôi xem đoạn kết màn."

Mặc dù món thịt vịt thơm lừng và mấy vò rượu Nếp rất có sức hút với Phan Lăng, nhưng hắn vẫn cứ luôn miệng bảo cậu trai nhà quan Ngự sử hãy yên tâm trèo lên lưng mình. Mãi cho đến khi Lê Tông cam đoan rằng bản thân không sao và đã kéo hắn đi hết một đoạn đường dài, người trai ấy mới thôi không xoắn xuýt nữa.

*

Lạng Châu. Xưa nay vẫn là một trong những vùng biên giới trọng yếu của Đại Việt. Cách Thăng Long gần trăm dặm về phía Đông, mảnh đất ấy là nơi khai sinh và nuôi dưỡng nên nhiều tộc người khác nhau. Nếu như miền đồng bằng thường được người Kinh lựa chọn làm chốn an cư lạc nghiệp, thì ẩn sâu giữa lòng đại ngàn xanh thẳm trên núi cao, vô số ngôi làng của người Dao, người Nùng, người Thổ đã tồn tại rất lâu. Có thể là từ thuở tiền triều hãy còn hưng thịnh. Hoặc cũng có thể là trước cả tiền triều.

Bản Sâm nằm sát bên doanh trại của quân đoàn Bùi tướng là ngôi làng người Thổ có tuổi đời lên tới bảy trăm năm. Trải qua bao biến động thế thời, dầu là họa ngoại xâm hay những tranh đấu chuyển giao triều đại, ngôi làng cổ này vẫn may mắn tồn tại đến ngày nay. Người bản Sâm từ già đến trẻ, ai ai cũng thầm ghi tạc vào lòng và nhắc nhở nhau rằng: dầu có phải đối diện với bất cứ điều gì, cũng không để mất đi truyền thống tộc mình, lạc đi tiếng nói dân mình. Chính vì lẽ đó, đa phần những nét đặc trưng văn hóa vẫn được người làng gìn giữ cẩn thận. Hết đời ông thì truyền đến đời cha, xong đời cha thì sẽ nối tiếp đời con, đời cháu.

Ngày hội So Lộc hằng năm cũng là một trong những đặc sắc văn hóa như thế. Một dịp lễ trọng đại đối với dân làng nói riêng và người Thổ đất Lạng nói chung. Từ sáng sớm, cụ Thống cùng các già làng sẽ chuẩn bị quần áo chỉnh tề, đích thân tiến hành những nghi thức thờ cúng tổ tiên và thần Ruộng ngay trong gian nhà chính. Những người dân còn lại của bản Sâm thì chen nhau đứng chật kín khoảng sân rộng phía ngoài. Họ lắng nghe trưởng làng đọc một lượt các bài tế, chờ đợi để lát nữa cùng dâng lên phần lễ vật và lần lượt từng người vào thắp mấy nén hương.

Nghe tiếng cụ Thống vọng ra từ bên trong, lũ trai bản tức thì khuỵu gối, đếm nhịp rồi dồn sức nâng con lợn béo đã quay chín om vàng. Mấy cô con gái nối đuôi nhau với những mâm thịt vịt, bánh tẻ, bánh dậm và bún trắng trên tay.[4] Trước khi hoàn tất lễ tế, dân làng không quên ra chỗ rảnh nước và mấy thửa ruộng để cắm xuống những cây tiền được cắt tỉa khéo léo bằng giấy màu. Bởi lẽ người Thổ quan niệm rằng, những cây tiền có nhuộm một vài giọt máu gà ấy ngoài là lễ vật cảm tạ sự phù hộ che chở của thần Ruộng thì còn ẩn chứa công dụng xua đuổi quỷ ma khỏi phá hoại mùa màng.

Phần lễ đã xong xuôi. Không lâu sau đó, hội vui cũng chính thức khai màn.

"Ới chị Thiêm! Chị vào giúp em mang thịt vịt xuống với!"

"Nhiên! Đưa đĩa bún này ra ngoài chỗ bàn cụ Thống. Đấy! Bê cho vững kẻo đổ hết bây giờ!"

Những bước chân ngược xuôi tất bật. Biết bao người đang í ới gọi nhau. Bậc thang dẫn vào ngôi nhà sàn lớn nhất bản Sâm cứ chốc chốc lại thấy bốn năm cô sơn nữ xuống lên vội vã.

Phía gian bếp, người đàn ông với vóc hình to lớn cùng gương mặt nhễ nhại mồ hôi cắm phập xuống tấm thớt gỗ một cây dao cỡ đại. Gã đảo mắt, dáo dác kiếm tìm tên phụ bếp rồi bất ngờ rướng cổ gào lên mấy tiếng.

"Ai thấy thằng Sính không? Đang mổ heo mà nó trốn đi đâu rồi hả?"

Ngoài khoảng sân rộng, nơi đang diễn ra cuộc hội vui, quân lính triều đình cùng với dân bản quây quần với nhau thành nhiều nhóm lớn nhỏ.

"Nào nào nào. Cạn hết đi chứ ngại ngần việc chi nữa!"

"Ăn cho hết đấy. Đố bọn mày ở dưới xuôi tìm ra con lợn rừng tươi cỡ này như trên đất chúng tao. Đỏ mắt cũng chả thấy đâu nhé!"

Dân làng hết gắp tới tấp vào bát những người chiến sĩ vô số món ngon miền sơn cước, rồi lại nhanh tay rót đầy mấy chén rượu Nếp, rượu Sương Mù mê say. Không chiếu hoa. Cũng không thảm ngọc. Họ cứ ngồi bệt ngay dưới nền đất như thế. Chẳng phân người Thổ - người Kinh, chỉ cần biết ta với cậu là anh em, là bạn hữu.

Ngày thường, nhiệm vụ luôn là ưu tiên hàng đầu đối với những người lính triều đình. Nếu như không đến phiên đóng giữ ở các cửa ải và trạm chốt, đoàn binh hơn trăm quân ấy sẽ đều đặn rèn luyện giáo gươm, giúp đỡ dân bản các công việc nặng nhọc hoặc chia ra từng tốp đi tuần xung quanh làng. Đề phòng trên những cung đường rừng thưa vắng xuất hiện giặc cướp quấy phá, vị tướng già dày dặn kinh nghiệm cũng lệnh cho một vài người có sức vóc và thông thạo địa hình rừng núi phải thường xuyên kiểm tra các khu vực lân cận. Không ngày nào là bọn họ không bận rộn. Bởi thế, hội So Lộc hôm nay đích xác là một trong những dịp hiếm hoi để mọi người có ít phút giây nghỉ ngơi, thoải mái thư giãn.

Trước sự tiếp đãi nồng hậu của nhân dân bản Sâm, đoàn quân theo chân Bùi Kiển tướng quân cũng tự nhiên mở lòng mình, chẳng thèm khách khí nữa.

"Ở đây! Ở đây hết rượu rồi!"

Phía xa xa, một chú lính tuổi hơn đôi mươi loạng choạng đứng dậy, vừa vẫy tay cao vừa cố sức hét lớn.

"Cho tôi xin thêm... thêm... Bao nhiêu ấy nhỉ? Một. Hai. Ba."

Chưa nói được mấy câu, hắn đã thấy đầu óc xoay vòng, nhất thời không nhớ ra mình định làm gì. Khi tên ấy bắt đầu xòe bàn tay ra lẩm bẩm đếm, thân người lảo đảo suýt thì ngã ầm vào chỗ thịt quay mấy lần, một gã người Thổ ngồi ngay cạnh bên bèn lớn giọng hỏi.

"Chưa gì mà đã say rồi hả anh Quy? Yếu phết. Hóa ra người Thăng Long thì cũng chỉ đến thế mà thôi! Ha ha ha!

Gã kia vừa dứt lời, cả bọn trai bản liền cười phá cả lên. Thằng Hũng ở đối diện được đà cao hứng, nhanh miệng chen vào thêm mấy câu.

"Tôi nói này, anh say thì cứ việc lăn ra đấy mà ngủ. Tàn cuộc rồi, Hũng ắt khiêng thẳng về trại cho nhé!"

Mặt mũi cậu lính tên Quy càng lúc càng trở nên đỏ bừng. Không biết vì rượu nồng hay là do cơn giận. Mà chắc có lẽ là cả hai.

"Ai? Ai nói tao say?"

Quy cố gắng mở to mắt, chân đứng vững hơn để chứng tỏ bản thân còn tỉnh táo. Tự đánh vào ngực mình vài cái, cậu lính trẻ nói to.

"Chớ có coi thường tửu lượng của Quy! Thế này đã nhằm nhò gì. Thăng Long... cũng có rượu Nếp, nếp cái hoa vàng hẳn hoi nhé."

"Nói cho các anh biết. Cái lúc còn ở kinh đô... tôi đây cũng từng uống thắng người ta rồi chứ chẳng đùa đâu!"

Tên Hũng mạnh tay xé lấy một chiếc đùi vịt, đưa lên miệng rồi nhai nghiến ngon lành. Hớp xong chén rượu thơm, hắn mới nhếch mép bảo.

"Tôi chả biết thứ nếp vàng vàng gì đó của anh mùi vị ra làm sao. Hiện tại, bọn này chỉ thấy hai con mắt của anh sắp nhắm tít cả lại. Còn mặt mày anh thì đỏ hơn cả hoa gạo trước cổng nhà tướng quân thôi! Phải không chúng mày?"

Đáp lại Hũng, năm sáu gã trai người Thổ ôm bụng cười ầm. Có mấy kẻ gật đầu lia lịa ra vẻ đồng tình lắm. Thấy Quy toan mở miệng cãi lại, tên đàn ông ngồi cạnh ban nãy liền kéo ngay anh lính ngồi xuống. Đoạn, hắn ngoái đầu, hướng về phía cái chõng tre đang bày ra loại rượu đặc biệt của bản Sâm mà hét.

"Ới cái Hoa! Lấy cho chàng Quy ở đây thêm cỡ mười vò nữa đi!"

Xong, gã quay lại, vừa vỗ vai người lính trẻ vừa gằn giọng cười khà khà.

"Đã thế, hôm nay anh em bọn tôi sẽ hầu cậu Quy một bữa ra trò nhé! Để xem, rượu Nếp làng tôi có sánh được với rượu Nếp hoa vàng của cậu không nào."

Hòa trong nhịp điệu đàn tính và giọng ca ngọt ngào của những nàng sơn nữ miền cao, lát sau, men say nồng đã dần ngà thấm vào hơi thở của từng người. Giờ đây, nhìn khắp khoảng sân trung tâm bản Sâm, ta thấy bên này đôi kẻ ôm vai, bên kia vài người bá cổ. Sảng khoái cạn chén, tưng bừng múa hát. Tất cả cùng vui vẻ tận hưởng không khí rộn ràng, náo nhiệt của hội làng năm nay.

Cách đấy không xa, trên chiếc sập gỗ được đẽo gọt đơn sơ, tướng quân Bùi Kiển cung kính nhận lấy chén rượu từ tay cụ Thống. Vị trưởng làng râu tóc bạc phơ nở nụ cười hiền từ, khàn giọng bảo.

"Đây là loại rượu Nếp của tộc Thổ chúng tôi, tướng quân hãy cứ tự nhiên dùng nhé."

"Vâng, tôi xin kính cụ ạ!"

Người tướng lĩnh ngoài tứ tuần cụng khẽ vào chung của cụ Thống, rồi mới ngửa cổ uống sạch một hơi. Khi đã cạn hết, người đàn ông đương độ tuổi trung niên đột nhiên nhìn chăm chăm mãi vào vò rượu, sau đó lại ngẩng đầu lên, dán mắt vào cụ ông. Trông thấy vẻ mặt lạ thường của Bùi Kiển, cụ Thống thoáng bối rối không biết vừa xảy ra vấn đề gì.

Nhưng chưa kịp đợi cụ hỏi thăm, viên tướng kia đã vỗ mạnh đùi, thốt lên hai tiếng chắc nịch.

"Rượu ngon!"

Trước lời thẳng thắn bất ngờ ấy của Bùi Kiển, cụ trưởng làng cũng phải ngơ người ra vài giây. Ngay sau đó, cả hai không ai hẹn trước mà cùng phá lên cười. Ông cụ với gương mặt phúc hậu tiếp tục rót cho vị tướng người Kinh thêm chén nữa, vui vẻ mời.

"Thế thì hôm nay tướng quân phải uống cho thật nhiều vào nhé!"

Bùi Kiển mỉm cười, đỡ lấy bàn tay run run của cụ. Đưa mắt nhìn cảnh nhân dân bản Sâm và những tướng binh đang cùng múa hát, vui thú hội làng, ngài dịu giọng nói.

"Cảm ơn cụ. Cảm ơn mọi người trong bản đã tiếp đãi chúng tôi nồng hậu đến thế. Tình cảm trân quý của cả làng, bọn tôi sẽ chẳng bao giờ dám quên!"

"Không! Phải là chúng tôi cảm ơn các cậu mới đúng. Từ ngày mọi người đến đất này, dựng doanh trại rồi canh giữ ở đây, giặc cướp đã không còn tìm đến quấy nhiễu người làng như thuở trước. Việc lớn, việc bé trong bản bao giờ cũng có mấy cậu lính năng nổ giúp sức. Khoảng thời gian qua, bản Sâm thực sự đã trải qua những tháng ngày yên bình chưa từng thấy."

Vừa siết chặt bàn tay của Bùi tướng, cụ Thống chậm rãi bày tỏ.

"Dân bản Sâm vốn đã xem mọi người như anh em, con cháu từ lâu. Chúng tôi muốn đáp lại ân tình của các cậu, song tộc người Thổ quanh năm sống giữa rừng già này cũng chẳng có vật gì gọi là đáng giá. Thôi thì nhân ngày hội So Lộc, hãy cứ xem vò rượu quý và đĩa thịt ngon đây là minh chứng cho tấm lòng của chúng tôi vậy."

Lắng nghe mấy lời chân thành từ cụ trưởng làng, đôi mắt người tướng lĩnh họ Bùi không giấu nổi sự xúc động và biết ơn. Ngài vội nâng chén rượu đầy, xin được hầu cụ đến khi tiệc tàn thì mới thôi.

Thoạt trông thấy bóng dáng của Lê Tông và Phan Lăng ở phía xa tiến lại, Bùi Kiển tướng quân đã vội giơ cao tay, cất giọng gọi lớn.

"Tông! Lăng! Đi đâu nãy giờ thế hả?"

"Tướng quân! Cụ Thống!" / "Tướng quân! Cụ Thống!"

Hai cậu trai bước đến, ôm quyền cúi chào hai bậc trưởng bối. Cụ trưởng làng vuốt nhẹ chòm râu, mỉm cười hiền hậu. Vị tướng lĩnh gật đầu, đoạn hướng ánh mắt về phía Lê Tông.

"Cả buổi trưa không thấy bóng dáng cậu. Không phải lại trốn lên núi tập luyện đấy chứ?"

"Bẩm, không ạ."

"Vậy thì tốt. Có gặp Bích Giản ở đâu không?"

"Bẩm, vừa gặp trước cổng nhà tướng quân ạ."

"Đã ăn uống gì chưa?"

Thấy cậu thiếu niên nhà quan Ngự sử lắc đầu, viên tướng với mái đầu hoa râm khoát tay ra hiệu cho hai người lính trẻ ngồi xuống chiếc chõng tre cạnh bên.

"Ta đã nói với cậu rồi. Dù cho có thiên phú hơn người, nhưng dục tốc thì bất đạt."

Đưa cho Phan Lăng hai vò rượu Nếp và mấy đĩa thịt quay còn nghi ngút khói thơm, người chủ tướng họ Bùi trầm giọng bảo ban cậu lính đương độ tuổi xanh.

"Nghỉ ngơi cũng là một phần không thể thiếu. Đừng lúc nào cũng chỉ đâm đầu vào luyện tập bất kể ngày đêm. Thời gian của cậu còn dài. Việc gì mà phải gấp gáp?"

Tay vân vê vạt áo, Lê Tông cúi đầu, thầm đáp một tiếng "Vâng". Cụ Thống nheo mắt quan sát nét mặt của người trai được xem như cánh đại bàng tiềm năng trong hàng ngũ tân binh. Rồi cụ khẽ cười, từ tốn tiếp lời Bùi Kiển.

"Tướng quân nói đúng đấy. Rèn luyện đâu phải là chuyện có thể làm xong trong một sớm một chiều. Hôm nay bản Sâm mở hội vui lắm, cậu Tông cứ việc thoải mái ăn, thoải mái chơi một ngày đi nhé!"

Ngước mắt, đối diện Lê Tông lúc bấy giờ là ánh nhìn hiền từ thường thấy ở cụ ông. Trông ra khắp khoảng sân rộng của bản Sâm, nơi từng tốp dân làng và những anh em đồng bạn đang hớn hở thi tài nhau bằng các trò chơi dân dã, bất giác khóe môi cậu trai họ Lê cũng dần hé nở một nụ cười.

"Vâng. Cháu xin nghe lời cụ dạy."

*

Chừng nửa khắc sau thì Bích Giản và nàng Lin cũng đến. Thoạt tiên, cô sơn nữ nhanh nhẹn dâng lên hai phần bánh ngải cho cụ trưởng làng và vị tướng quân ngồi cạnh. Sau đó, nàng và bốn năm cô gái khác mới lần lượt chia bánh cho các cụ ông, cụ bà và mấy đứa bé con đang túm tụm xung quanh.

Sau khi biết những chiếc bánh đượm hương rừng núi này được làm nên từ đôi bàn tay khéo léo của cô cháu gái yêu quý, Bùi Kiển rất đỗi ngạc nhiên. Ngài chẳng thèm che giấu sự hãnh diện và tự hào của mình, hết xoa đầu Bích Giản rồi lại luôn miệng phấn khởi khoe với người làng.

"Sau này chàng trai nào lấy được Bích Giản về làm vợ thì hẳn là hắn có phúc lắm đây."

"Tiểu thư nhà tướng quân đã đẹp nết lại còn đẹp người, nhất định phải là đấng anh tài thì mới vừa lứa xứng đôi."

Trước những lời khen tụng của dân bản, Bích Giản chỉ biết ngồi nép bên ông mình và mỉm cười ngại ngùng. Vị tướng lĩnh tuy tuổi đã sang độ trung tuần thế nhưng đôi mắt ông thì hãy còn tinh tường lắm. Cũng như nàng Lin, Bùi Kiển rất nhanh đã phát hiện ánh nhìn của cô cháu gái thi thoảng lại trộm hướng về phía cậu thiếu niên đang ở cùng với Phan Lăng.

"Lê Tông!"

Người chủ tướng bất ngờ gọi lớn.

"Có dám thi ném còn, đua vật nhau với trai bản Sâm không nào?"

Lời tướng quân vừa dứt, mấy gã thiếu niên, thanh niên người Thổ tức thì hú lên từng tràng phấn khích. Kể cả những chàng lính trong quân đoàn, ngay khắc sau, cũng bắt đầu chen nhau hét gọi tên cậu cả nhà quan Ngự sử. Trước khí thế bừng bừng của đội khách lẫn đội nhà, Lê Tông có chút choáng ngợp. Vốn chỉ muốn ngồi đây thưởng thức món ngon ngày hội và tận hưởng chút phút giây yên bình hiếm có, cậu trai gượng cười chưa đáp, tâm trí thì ngẫm nghĩ xem nên lựa lời từ chối ra sao. Nhưng rồi vào khoảnh khắc toan mở miệng khước từ, thì ở đâu đấy, một tiếng kêu khẩn thiết bỗng chợt vọng truyền đến.

"Báo!!!"

Tức thì, mọi người quay đầu nhìn về phía cổng làng, nơi có bia đá khắc tên ngôi bản đã phủ rêu trơn nhẵn. Đằng xa kia là Nguyên, cậu lính trẻ cùng chung một đội với Lê Tông lẫn Phan Lăng. Sải chân chạy như bay vào khoảng sân rộng, chẳng mấy chốc thiếu niên ấy đã xuất hiện với gương mặt đỏ bừng và nhễ nhại mồ hôi ngay trước mắt tướng quân. Không kịp ngừng lại trong phút giây để thở cho đều hơi, Nguyên khuỵu gối, chắp tay tâu vội cùng Bùi tướng.

"Bẩm tướng quân!"

"Sao? Có chuyện gì?"

Người chủ soái đặt ngay chén rượu xuống, nhíu mày hỏi. Đến Lê Tông và Phan Lăng cũng nhất thời trở nên căng thẳng.

"Bẩm, triều đình vừa ban chiếu!"

"Chiếu gì?"

"Bẩm, nước ta sắp có hỷ sự rồi ạ!"

Cậu lính trẻ với mái đầu cạo nhẵn đáp liền một mạch, chẳng dám chậm trễ dù chỉ là sát na ngắn ngủi. Lúc bấy giờ, nhân dân bản Sâm và toàn bộ tướng binh mới dám vuốt ngực thở phào nhẹ nhõm. Vừa nãy trông bộ dáng cậu ta dồn hết tốc lực lao thẳng vào làng rồi nghiêm mặt bẩm báo, ai nấy đều ngỡ phải chăng là phường giặc cướp nhân ngày hội lớn mà tấn công quấy phá ngôi làng.

Đúng là khi không lại gây nên một phen hoảng hốt.

"Cậu làm ta hết cả hồn đấy!"

Tướng quân Bùi Kiển gằn giọng, trừng mắt với Nguyên.

"Đã là tin mừng thì ta hãy từ từ, chậm rãi, hân hoan mà báo. Cớ sao lại cứ như là sắp gặp họa xâm lăng thế kia?"

Nguyên vừa hổn hển thở, vừa nhìn mọi người xung quanh rồi hề hề cười gượng. Riêng tư thế quỳ gối ôm quyền nghiêm chỉnh của cậu là vẫn chẳng chút đổi dời.

"Nào, cậu bảo triều đình sắp sửa có hỷ sự. Vậy đó là hỷ sự của ai? Nói to lên cho bọn ta nghe xem!"

Vỗ lấy vai Nguyên, tướng quân không quên dặn dò cậu ta.

"Bình tĩnh mà nói!"

"Dạ bẩm. Là của Uy Văn Vương và Thụy Bảo công chúa ạ!"

Lần này, người thiếu niên đã đáp rất rõ ràng, rành mạch. Khắp khoảng sân rộng, toàn bộ quân tướng lẫn dân làng người Thổ không ai là không mồn một nghe thấy.

"Ồ! Chuyện từ bao giờ?"

Người đàn ông lại tiếp tục hỏi.

Nguyên rút từ trong ngực áo ra một tờ thông cáo vừa lấy được ở đâu đó sau chuyến đi đổi gạo dưới xuôi.

"Dạ, từ đầu tháng tư. Cõ lẽ hơn mười ngày thì tin từ Thăng Long truyền đến. Tới hôm nay là đã hơn một tháng rồi ạ!"

Phút chốc, tất cả già trẻ gái trai liền bắt đầu lao xao luận bàn về tin tức này. Có lẽ với nhân dân bản Sâm, họ chẳng hề biết rốt cuộc vị vương gia và cô công chúa vừa được đính ước duyên hồng kia là ai. Nhưng đã là chuyện vui của đất nước thì hiển nhiên người nào người nấy đều lấy làm phấn khởi và thật lòng mừng thay. Những lời hay ý đẹp chúc tụng cho mối nhân duyên kia cũng mỗi lúc một thêm rôm rả.

Phan Lăng chống cằm hóng chuyện với các nàng sơn nữ miền cao một hồi. Với tay sang lay lay cậu bạn họ Lê, miệng hắn nói nhưng mắt hắn thì vẫn cứ dán vào mấy cô gái tay ôm đàn tính.

"Xem chừng... ta sắp được dịp uống rượu mừng nữa rồi. Mà kỳ này còn là dịp vui lớn nữa! Ôi Tông ơi, tôi có nghe nhầm không ấy nhỉ?"

Lời đã qua môi, nhưng chờ mãi không có tiếng trả lời. Chàng trai trẻ ngơ ngác quay đầu lại, khó hiểu nhìn cậu bạn nhỏ tuổi.

"Lê Tông?"

"Tôi cũng nghe không rõ..."

Chỉ thấy gương mặt Lê Tông sầm tối, và đôi bàn tay chai sần bởi dãi dầu phong sương của cậu không biết tự bao giờ đang tự bấu chặt lấy đùi mình. Bẵng đi một lúc, Phan Lăng mới thấy cậu trai dần ngước mắt. Sâu thẳm nơi đôi đồng tử ấy, hắn bỗng chợt nhận ra những hỗn loạn, những rối bời chưa từng có ở người thiếu niên. Trong các cuộc giao tranh trước đây với đám thảo khấu hung hãn, hiểm ác, dù có lúc rơi vào tình cảnh ngặt nghèo nhất, nhưng cũng chưa lần nào Phan Lăng trông thấy cậu cả nhà quan Ngự sử bối rối đến thế. Giọng Lê Tông thời khắc này đột nhiên lại run run khác lạ, ngực áo phập phồng thoáng trông như đang cố nén giữ một thứ gì sắp sửa nổ tung.

"Anh Lăng, chuyện thằng Nguyên vừa nói... là ai với ai cơ?"

*

Chú thích:

[1]: Theo bài "Vì Sao Lại Gọi Là Cậu Ấm Cô Chiêu" của page Chiết tự chữ Hán, chữ Ấm vốn có nghĩa là bóng cây, bóng râm, che chở. Ngày xưa, con cháu các quan được gọi là Ấm tử (con quan), Ấm tôn (cháu quan). Thời Trần, con cháu các quan học ở Quốc Tử Giám, khi trưởng thành thì lại tiếp tục ra làm quan như ông cha mình. Lệ ấy được gọi là "tập ấm" (khoác bóng), tức là nương bóng ông cha để làm quan. 

Một số chữ Hán mình không copy vào Watt được nên mình gửi link bài viết gốc ở đây để mọi người tìm đọc thêm hen: https://m.facebook.com/vuihocchuhan/posts/3523434847777335/?paipv=0&eav=AfZORbfYxuqks_zMg8yF8-1jMx06vwaUitkQf4JgLzR3XLQ7yFp_DB3ogPrQoeTq1_A&_rdr

Theo Việt Nam tự điển (1931): "Chiêu là tên gọi con ông tiến sĩ đời Lê, con cái ông tiến sĩ thì được dự vào học sinh Chiêu văn quán --> Cậu chiêu, cậu ấm...". 

Tác phẩm Hương Cuội của Nguyễn Tuân từng xuất hiện cách gọi Ấm + thứ tự (trưởng/thứ/út). Ví dụ như câu: 

"Mợ ấm cả, muốn tỏ sự cảm ơn, kín đáo đãi bõ già một miếng trầu kèm miếng cau tươi mềm."

"Ông ấm hai vui chuyện, hỏi bõ già:"

Trên đây là một số tài liệu mình được chia sẻ để mở rộng kiến thức về cách xưng hô của các cụ ta ngày xưa. Mình khá bất ngờ vì cách gọi "Cậu ấm, cậu chiêu" hóa ra đã có các triều đại trước chứ không riêng thời Nguyễn. Kiến thức này mình thấy thú vị nên muốn chia sẻ với những bạn chưa biết đến.

[2]: Văn Miếu Quốc Tử Giám được xây dựng từ thời nhà Lý, ban đầu chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý (nên gọi tên là Quốc Tử). Đến năm 1253, vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học viện, cho mở rộng và thu nhận cả con cái các nhà thường dân có sức học xuất sắc.

Tháng 9, vua xuống chiếu cho các nho sĩ trong nước đến Quốc học viện giảng học tứ thư, ngũ kinh.

[3]: Tháng 8 âm lịch năm 1253 vua Trần Thái Tông cho lập Giảng Võ đường. Vương hầu tôn thất, quý tộc, các tướng sĩ, quân đội đến Giảng Võ đường tập luyện cưỡi ngựa, bắn cung, đấu võ, trau dồi binh pháp, và khuyến khích tất cả trai tráng trong nước đều phải tập võ.

Vào những ngày lễ hội mùa xuân, không chỉ mang tính chất vui chơi giải trí mà tinh thần thượng võ cũng được đề cao trong những hội thi...

[4]: Theo truyền thống người dân tộc Tày, vào ngày hội So Lộc, các chị các mẹ sẽ chuẩn bị gạo nếp, gạo tẻ, lá chuối để "xì tải" (bánh dậm) và "pẻng tể" (bánh tẻ).

Phần lễ vật và trình tự lễ tế của ngày hội mình tham khảo từ bài báo "Độc đáo tết So loọc của người Tày- Nùng Lạng Sơn"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top