Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chấn động từ phương Bắc

Chấn động từ phương Bắc

Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy việc đối xử với Trung Quốc không phải là chuyện hoặc có tất cả hoặc chẳng có gì - (David G. Marr)

GS David G. Marr

Tháng Giêng năm nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị anh hùng chín mươi bảy tuổi của các cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã gửi đi một lá thư cho Bộ Chính trị (Đảng Cộng sản Việt Nam) nói rằng đại dự án bauxite ở Tây Nguyên Việt Nam sẽ có tác hại lớn đến môi trường, đến xã hội và đến an ninh quốc phòng. Năm 2007, Bộ Chính trị đã thông qua dự án này mà không xin ý kiến của Quốc hội. Nhờ mạng internet, bức thư của Đại tướng và hai lá thư tiếp theo đã nhanh chóng đến với một khối lượng công chúng đông đảo cả ở trong và ngoài nước. Một Kiến nghị phản đối dự án khai mỏ bauxite đã được ký bởi hơn 2000 nhà trí thức và nhà khoa bảng có tiếng tăm cùng nhiều cá nhân khác quan tâm tới vấn đề này. Trong một thách thức cố ý đối với công an, mỗi người đều ghi rõ địa chỉ của mình sau chữ ký. Điều hết sức đáng chú ý, ấy là vào tháng Tư, Đảng Cộng sản đã cho phép tổ chức một Hội thảo về dự án khai mỏ bauxite, nhân dịp này các nhà khoa học và các nhà kinh tế đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ dự án đó.

Các nhà bảo vệ môi trường đưa ra những bằng chứng về tác động phá hoại của việc khai mỏ lộ thiên tại nước ngoài. Các nhà khoa học xã hội chỉ rõ bao nhiêu cư dân người dân tộc thiểu số sẽ bị tái định cư bắt buộc. Nhưng điều làm xúc động mọi người và biến thành một vấn đề có tính chất quốc gia đại sự lại là việc 2000 nhân công Trung Quốc của Công ty Chinalco sẽ tới thực thi dự án cùng với hoạt động tình báo thế nào mà chẳng có của Trung Quốc tại một vùng nhạy cảm của đất nước. Xa hơn chuyện đó là ý kiến nhiều người cho rằng Việt Nam đã quá lệ thuộc vào nhập khẩu và đầu tư của Trung Quốc mất rồi.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên hết, sau khi đối mặt với bốn cuộc xâm lược của anh khổng lồ láng giềng kể từ khi giành được độc lập vào thế kỷ X, Việt Nam vô cùng nhạy cảm với mọi chấn động từ phương Bắc. Mặc cho có những thời kỳ hòa bình giữa hai bên Trung-Việt dài hơn nhiều so với thời gian đánh nhau, song nhiều phố tại những thành phố to nhỏ của Việt Nam vẫn được đặt tên bằng những vị tướng đã đánh bại quân Tàu. Theo truyền thống, các nhà cầm quyền Việt Nam khi thừa nhận kinh đô Trung Hoa như là trung tâm của vũ trụ thì vẫn đều đặn triều cống và tìm cách được Bắc Kinh công nhận những thay đổi triều đại ở Việt Nam. Việt Nam chịu ảnh hưởng của nền văn minh cổ Trung Hoa sâu đến nỗi các nhà nho Việt Nam đôi khi vẫn trách móc Trung Nguyên là không sống theo lời dạy của Khổng Mạnh.

Đầu thế kỷ XX, các nhà trí thức của cả hai phía Trung Quốc và Việt Nam đều học lấy các khái niệm Tây phương về chủ nghĩa dân tộc, về độc lập và bình đẳng giữa các quốc gia dân tộc. Tuy thế, khó lòng bỏ qua những chênh lệch to lớn về dân số và đất đai. Một số người Việt Nam chấp nhận Pháp bảo hộ để chống lại Trung Quốc; một số khác sau này hoan nghênh quân đội Mỹ phần lớn là vì cùng một lý do. Nhưng số khác vẫn dựa vào sự giúp đỡ của Trung Quốc để đánh bại Pháp, sau đó lại nhờ Trung Quốc và Liên Xô giúp đỡ để đánh bại Mỹ. Chẳng bao lâu sau khi Hà Nội thống nhất được đất nước vào năm 1975 thì Bắc Kinh và Moxkva liền gây sức ép nặng nề lên Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam bắt họ chọn lựa trong cuộc tranh chấp Xô-Trung. Sau khi Hà Nội cố công mãi mà không bình thường hóa được quan hệ với Hoa Kỳ thì họ liền đi theo Moxkva.

Đó là lúc khởi đầu thời kỳ khó khăn cho các mối quan hệ Việt-Trung. Đáp trả những cuộc tiến công qua biên giới của Khmer Đỏ, Việt Nam xâm lăng Campuchia vào cuối năm 1978, và liền sau đó Trung Quốc xâm lăng Việt Nam. Dòng hậu cần của Hồng quân không đủ để duy trì cuộc tấn công trên bộ, vì thế Đặng Tiểu Bình tuyên bố Hà Nội đã được dạy cho một bài học và bắt đầu rút quân. Cuộc tấn công của Trung Quốc ít gây tổn thất hơn nhiều so với việc hầu hết các nước, trừ khối Xô Viết, bao vây kinh tế Việt Nam. Cuối cùng, giá trả về sinh mạng và về tinh thần để duy trì việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia, cùng với việc sự giúp đỡ của Liên Xô bị tuột dốc, khiến cho Hà Nội phải rút những đơn vị quân đội cuối cùng ra khỏi Campuchia vào năm 1989. Hơn một nửa số Hoa Kiều trước đó đã phải chạy trốn hoặc bị trục xuất.

Quan hệ Trung - Việt được cải thiện chủ yếu vào đầu những năm 1990. Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, một số người cộng sản Việt Nam có cảm giác tương lai của chủ nghĩa Mác - Lênin nằm trong tay của Bắc Kinh và Hà Nội. Việc thắt chặt quan hệ sẽ giúp cho cả hai đảng giữ được độc quyền.

Nhưng các cuộc tranh chấp lãnh thổ vẫn chưa được giải quyết. Từ giữa những năm 1950, Trung Quốc đã "tạm thời" kiểm soát nhiều điểm dọc biên giới trên bộ và việc trả lại quyền kiểm soát cho Việt Nam liên tục bị dây dưa vì lý do "hiệu quả kỹ thuật". Sau cuộc chiến tranh năm 1979, quân đội Trung Hoa tiếp tục chiếm nhiều cao điểm trên đất Việt Nam. Những cuộc thương lượng kiên trì trong những năm 1990 hình như có giải quyết được vấn đề biên giới trên bộ, mặc dù có những người Việt Nam kêu ca là đã nhượng bộ quá nhiều cho phía Trung Quốc.

Những tranh chấp trên biển nghiêm trọng hơn nhiều. Tháng Giêng năm 1974, hải quân Trung Quốc tiến công và nhanh chóng đánh bại các đơn vị Việt Nam cộng hòa được Mỹ trợ giúp trên quần đảo Hoàng Sa cách đảo Hải Nam 300 kilomet về phía Đông Nam. Cho dù hết sức bối rối trước vụ Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa, Hà Nội vẫn không thể phản đối vì đang còn dựa vào Bắc Kinh để đánh bại quân Nam Việt Nam. Thế là Bắc Kinh liền tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ thềm lục địa ở biển Nam Hải, khiến cho xung đột có triển vọng loang ra không chỉ với Việt Nam mà cả với Philippines, Malaysia và Brunei. Năm 1988, quân Trung Quốc đánh chìm nhiều tàu hải quân Việt Nam ở vùng quần đảo Trường Sa và chiếm đóng sáu hòn đảo ở đây.

Dầu hỏa là chất xúc tác khiến mọi việc tập trung cao độ vào Hoàng Sa và Trường Sa. Đầu những năm 1970, một công ty Mỹ đã vạch ra những vùng khoan có triển vọng ngoài khơi bờ biển miền Nam Việt Nam. Sau năm 1975, Việt Nam mời một công ty Liên Xô và cuối cùng đưa được nhiều giếng khoan vào sản xuất. Trong những năm 1990, nhiều công ty phương Tây kéo vào theo. Dầu thô trở thành bộ phận xuất khẩu tỷ trọng cao của Việt Nam.

Mới đầu Trung Quốc chỉ tìm cách gây khó dễ cho công việc khai thác do Việt Nam bảo trợ ở những vùng biển thuộc Vịnh Bắc bộ, giữa đảo Hải Nam và bờ biển miền Bắc Trung bộ Việt Nam thôi. Bắc Kinh và Hà Nội thuận tình vạch một đường biên ở giữa để khai thác dầu chứ không coi đó là biên giới lãnh thổ. Nhưng rất gần đây, Trung Quốc bắt đầu gây khó khăn cho mọi công việc liên quan đến khai thác dầu của Việt nam trên thềm lục địa. Chiến thuật hữu hiệu hơn cả của Bắc Kinh là cảnh báo các công ty nước ngoài hãy rút lui đừng ký kết hợp đồng với các đối tác Việt Nam. Tháng Ba năm nay, Công ty BP [của Anh] rút lui chuyện thăm dò chỉ cách bờ biển Trung Bộ Việt Nam tám mươi cây số. Tháng Bảy, các phái viên của Trung Quốc cảnh báo Hãng Exxon Mobil, Công ty dầu lửa lớn nhất thế giới, rằng tương lai kinh doanh của họ trên lục địa Trung Quốc có thể bị phá hoại nếu họ không chịu rút khỏi công việc làm ăn với Việt Nam.

Đầu năm nay, Trung Quốc cũng gửi tàu chiến đi kiểm soát công việc đánh cá trên biển Nam Hải sát xuống mãi tận vĩ tuyến thứ mười hai. Tháng Năm, nhiều tàu đánh cá Việt Nam bị chặn, ngư dân bị bắt, tàu bị giam. Các trang mạng của Việt Nam ví hành vi của Trung Quốc như quân cướp biển Somali. Song, những lời phản đối của Việt Nam đối với Bắc Kinh có ít tác dụng. Hà Nội thiếu tàu tuần tra đủ sức để xem xét chuyện bảo vệ ngư dân trong vùng đặc quyền kinh tế cách bờ 200 hải lý, xa hơn lại càng thiếu hơn.

Một khối lượng rất lớn tàu thuyền lấy con đường biển Nam Hải để giao thương giữa eo biển Malacca và Đông Á. Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước khác coi Biển Nam Hải như là vùng nước quốc tế. Tháng Ba, tàu chiến của Trung Quốc quấy rối một tàu tuần thám Mỹ ở ngoài khơi cách đảo Hải Nam 125 kilomet, gây ra vụ Washington phản đối coi đó là hành vi cố ý, nguy hiểm, và vi phạm luật pháp quốc tế. Bắc Kinh cãi lại rằng tàu Mỹ xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc mà không xin phép và có những hoạt động phi pháp ở đó.

Trong quá khứ, đã có những lời kêu gọi mở Hội nghị quốc tế hoặc Hội nghị đa phương để bàn về tương lai biển Nam Hải. Nếu mở được một hội nghị như thế, Việt Nam có thể từ bỏ đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa để đổi lại sự thừa nhận một phần quần đảo Trường Sa họ đang chiếm giữ. Nhưng Trung Quốc phản đối việc quốc tế hóa vấn đề và không có dấu hiệu gì tỏ ra là họ từ bỏ các đòi hỏi về thềm lục địa. Còn với Hà Nội thì, nếu chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc trên thềm lục địa cũng có nghĩa là toàn bộ bờ biển của mình bị "đóng cửa" và mất mọi quyền khai thác dầu ngoài khơi.

Thêm vào cuộc tranh luận về dự án mỏ bauxite ở Tây Nguyên là một vấn đề bắt đầu thu hút sự chú ý ở Việt Nam, đó là hệ quả của việc Trung Quốc xây dựng đập thuỷ điện ở thượng lưu sông Mekong. Tháng Mười vừa rồi, các kỹ sư Trung Quốc ở Vân Nam đã hoàn thành việc xây dựng đập Tiểu Loan, con đập cao nhất thế giới, cao ngang với tháp Eiffel. Khi bảy con đập nữa được xây thêm, tổng khả năng trữ nước sẽ bằng một nửa lượng nước dòng Mekong khi nó ra khỏi đất Trung Hoa và đi xuôi xuống Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng các đập nước này làm thành cả "một mối đe dọa đối với tương lai của con sông và sự phì nhiêu của nó." Hồ Tonle Sap của Campuchia cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng, nhưng nhịp độ nuôi và đánh bắt cá ở hạ lưu sông Mekong đoạn chảy qua Việt Nam cũng bị ảnh hưởng xấu theo. Bắc Kinh cũng có quyền lựa chọn làm giảm dòng chảy để phục vụ cho những mục tiêu chiến lược của họ.

Năm ngoái, giữa khi những điều đó đang diễn ra, một trang mạng của Trung Quốc, sina.com, cho đăng những chi tiết về một kế hoạch có chủ đích tiến công Việt Nam. Theo kế hoạch đó, sau năm ngày bắn phá trên không xuống và từ biển vào, 310.000 Hồng quân sẽ theo ba hướng để chiếm Hà Nội và xa hơn nữa. Thông thường thì một sự kiện trên internet như vậy phải được gạt đi, coi như trò lừa phỉnh nghiệp dư, trừ trong trường hợp này, "kế hoạch" lại được đăng lại trên các trang mạng khác của Trung Quốc, và Bắc Kinh thì im re. Chính phủ Việt Nam, sau hai lần triệu tập quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc để phản đối, đã quyết định ra công khai để tuyên bố rằng cách hành xử như vậy là phá hoại các mối quan hệ song phương.

Việc Bắc Kinh nỗ lực nhảy lên địa vị siêu cường thế nào cũng tác động tới tất cả các nước lân bang của nó. Những con đường đi được trong mọi thời tiết từ Trung Quốc sang Lào chẳng hạn đã thu hẹp ghê gớm trình độ phụ thuộc của Lào vào Thái Lan hoặc Việt Nam. Những khẳng định như đinh đóng cột của Trung Hoa với vùng biển Nam Hải tập trung không chỉ cho Hà Nội và Manila cùng với Kuala Lumpur mà cho cả Tokyo, Seoul và Đài Bắc nữa. Nhưng cho đến nay vẫn còn có ít dấu hiệu cho thấy có những trao đổi ý kiến giữa các nước trong vùng ngoại vi Trung Quốc, lại càng có ít những đáp ứng có tính phối hợp giữa họ với nhau.

Theo ông Dương Danh Dy, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc "không bao giờ chơi cờ từng nước một cả, họ không bao giờ đeo đuổi chỉ một mục tiêu trong cùng một thời gian, và họ bao giờ cũng có những bước đi và những con bài dự trữ". Ông Dy nói thêm rằng các nhà lãnh đạo của Việt Nam không thể giả định việc làm sống lại mối tình hữu nghị của những năm 1950 và đầu 1960, hoặc giả định rằng các vấn đề nội bộ của Trung Quốc sẽ giúp cho Hà Nội dễ thở một chút. Giống như nhiều nhà phân tích Việt Nam khác, ông Dy hy vọng Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò quyết đoán hơn đối với Trung Quốc, nhưng ông Dy vẫn thừa nhận rằng các áp đặt về kinh tế sẽ ngăn cản Washington hành động như vậy. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục nâng cấp khả năng trên biển và trên không của họ.

Cho tới rất gần đây, các nhà khoa học và nhà báo Việt Nam không thể nào công bố điều gì có tính phê phán nước Trung Quốc đương đại. Vào tháng Tư, một tờ báo bị đóng cửa vì đăng các bài về tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Điều tốt nhất các biên tập viên có thể công bố là những câu chuyện về giúp đỡ ngư dân ngay tại Trường Sa, một vùng đảo san hô mà các tài liệu ngay từ thế kỷ XVIII đã chứng minh mối quan hệ của Việt Nam với các đảo ở đây. Nhưng bây giờ, vấn đề khai thác bauxite lại đang được tranh biện mạnh mẽ và rộng rãi. Quốc hội đã thảo luận về những hệ quả và xem xét các phương án. Các quan chức chính quyền nói rằng dự án toàn bộ có thể bị cắt một nửa. Mặt khác, người Việt Nam từ lâu vẫn quen với việc Đảng Cộng sản tỏ ra nhượng bộ chiến thuật để tránh bị phê phán, sau đó thì họ sẽ làm câm miệng những tiếng nói phê bình và cứ tiến hành, ban đầu định thế nào bây giờ cứ làm như thế. Một viên chức cao cấp vô ý cho thấy ông ta hơi thiếu kìm chế khi bày tỏ lòng kính trọng đối với tướng Giáp như một bậc lão thành anh hùng dân tộc, song ngay tức khắc lại nói thêm: "Nhưng bây giờ chúng tôi đang dưới sự lãnh đạo của chính phủ hiện nay và của Đảng Cộng sản".

Ở chỗ riêng tư, người dân gọi một số vị lãnh đạo Đảng Cộng sản là "quá thân Tàu". Những người khác lại được nói là người ta vẫn đang tìm cách lôi Washington làm đối trọng với Bắc Kinh. Ngay cả các quan chức Việt Nam đương nhiệm cũng nói với người nước ngoài về "vấn đề Trung Quốc" theo cái cung cách trước đây vài năm không thể nghĩ tới. Một thời gian dài, các cơ quan tình báo của cả Việt Nam và Trung Quốc đều đã tích lũy được vô số hiểu biết về giới tinh hoa chính trị đôi bên, và có lẽ là hai bên đang tìm cách khai thác những bất đồng về quyền lợi, về quan điểm và về cách lựa chọn chính sách.

Tại nước Úc, mọi người đang thảo luận đánh giá Trung Hoa được khơi mào từ cuốn Sách trắng Quốc phòng 2009. Tôi cảm thấy đang xuất hiện một song đề lệch lạc, đó là chuyện sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc nên được coi là một mối de dọa hay coi đó là hệ quả tự nhiên, chính đáng của một cường quốc kinh tế đang lên. Kinh nghiệm của Việt Nam chứng tỏ rằng các mối quan hệ với Trung Quốc không phải là chuyện hoặc có tất cả hoặc chẳng có gì, ở đây thường có vô số ảnh hưởng và khả năng cùng tham gia tác động. Đối với vấn đề biển Nam Hải, Việt Nam sẽ tìm cách đi tới một sự dàn xếp qua thương thuyết, dựa trên những quyền lợi chung, trong khi cùng lúc phải chuẩn bị khả năng Trung Quốc chọn sự đối đầu. Khoảng cách xa giữa Australia với Trung Quốc không có nghĩa là nước Úc không bao giờ có thể gặp những hoàn cảnh tương tự như của Việt Nam.

D. M.

PT dịch

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.

David G. Marr là Giáo sư hồi hưu của Đại học Quốc gia Australia, với gần nửa thế kỷ kinh nghiệm nghiên cứu Việt Nam. Ông mới hoàn thành cuốn sách tiêu đề Việt Nam 1945-50: Nhà nước, Chiến tranh và Cách mạng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top