Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chủ đề 3: Chưa từng biến mất

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Công việc mới, guồng quay của tôi chuẩn bị khởi động trên những chuyến xe buýt. Mất tầm nửa tiếng từ chỗ trọ đến nơi làm việc, gần như hôm nào tôi cũng tranh thủ chợp mắt trên xe. Trước khi bánh xe chuyển động, tôi là một nữ sinh bay bổng có chính kiến với phim ảnh, yêu thương nghiêm túc với thần tượng, thưởng thức âm nhạc say đắm, đắm chìm trong ngôn tình thực tế. Lên xe tôi chìm vào sự mơ màng. Đến nơi làm việc, tôi muốn nghiêm túc, đam mê của tôi không phải là công việc, nhưng khi bắt tay làm tôi thấy hứng thú, thấy sự thách thức, dù chưa thể cháy hừng hực, nhưng tôi biết tôi không ghét bỏ mà thích thú, nghiện như một thói quen. Xuống xe buýt là như vậy, cố gắng trở thành một người lí trí hết mức để hiểu những thứ tôi đang có trong cuộc sống.

Năm nay là một năm đáng nhớ, nó dạy cho tôi nhiều điều, tâm hồn tôi đã chuyển từ đau đớn sang trạng thái luôn nhắc nhở lí trí của tôi tỉnh táo. Thú thật thì dịch bệnh có ảnh hưởng nhưng chưa gây nên một cú sốc nào cả. Trước cả khi dịch bệnh đến tâm hồn tôi đã ngã quỵ rồi dần vực dậy.

Tất cả những trải nghiệm trong mấy tháng gần đây và tất nhiên là sự tích tụ qua từng năm trước đó đã làm tôi vô cảm đi nhiều. Nhưng hôm nay, sự bình phàm của một cụ già làm tôi cảm thấy rõ ràng nhất tuổi trẻ đang chảy bên trong người. Tôi không biết mặt cụ, chỉ nhớ giọng nói hào sảng, lối sống "ngắt" và "chất". Tôi biết tôi đã gặp một "nữ hiệp" đích thực. Mỗi một câu chuyện nhỏ giữa cụ và bác tài xế làm tôi rung cảm mãnh liệt, nó cho tôi thấy sự tử tế, lòng dũng cảm, nhiệt huyết đấu tranh vẫn hiện hữu để giữ vững công bằng trong cuộc sống này. Chưa từng biến mất, niềm tin này được thắp sáng đúng với tuổi thanh xuân phơi phới.

Câu chuyện đầu tiên kể về một người đánh giày tham lam, lừa gạt tiền của khách du lịch nước ngoài. Người đánh giày trên bờ hồ đã níu khách lại, cố tình rạch một đường lên giày của khách du lịch. Ông ta không buông vị khách đen đủi mà cố nài nỉ để ông ta khâu giày và đánh bóng lại. Sau khi vị khách đồng ý và ông ta làm xong mọi chuyện, ông ta đòi phí. Vị khách lưỡng lự một hồi lâu vì chưa quen dùng tiền Việt Nam, ban đầu đưa cho ông ta 200.000 VND, ông ta không chịu. Thế rồi 500.000 VND, ông ta vẫn tham lam, nằng nặc đòi thêm tờ nữa, vị khách kia vì sợ phiền phức đã đưa ông ta một tờ mệnh giá 500.000 VND nữa. Tổng cộng chi phí cho khâu giày và đánh giày là 1.200.000 VND. Cụ lặng lẽ quan sát hết diến biến rồi đúng lúc này xuất hiện, nói với ông đánh giày: "Tao cho phép mày lấy 200.000 VND, còn đâu trả lại cho người ta". Ông đánh giày cáu gắt: "Bà là ai mà không cho tao lấy? Con mụ già không muốn bị đánh thì đi ra chỗ khác". Cụ bảo được rồi đi bộ lên công an phường trình báo hành vi của ông đánh giày. Hình như trước khi đi cụ còn nhắc nhở ông đánh giày tội không nghe lời cụ thì chỉ có xác định. Anh công an nghe trình báo rồi đèo cụ đến nơi, ông đánh giày thấy người, tưởng anh công an là bảo kê, miệng lên tiếng chửi luôn: "Á à mày bảo kê cho con già này à? Đừng tưởng thế là tao sợ". Anh công an xác nhận là "bảo kê" luôn và mời ông này lên phường giải quyết. Cụ nói với bác lái xe, thằng này cho vào tù đỡ phải đi làm việc, được nhà nước nuôi luôn, sướng cho nó. Vì là dân luật nên lúc nghe trong đầu tôi vẫn đang miên man tìm căn cứ để xác định hành vi của ông này, bệnh nghề nghiệp một chút. Cơ mà cụ "ngầu đét" luôn à! Cả anh công an trách nhiệm nữa, cảm thấy cuộc sống muốn thẳng vẫn thẳng. Chỉ tiếc nỗi sợ hãi đã làm cho vị khách đen đủi không thể cảm nhận được sự tử tế nơi đây, ông đã co giò chạy mất, nếu không câu chuyện sẽ có kết thúc tròn trịa hơn. Từ đây, tôi không mơ màng nữa mà hoàn toàn chú tâm vào câu chuyện của cụ.

Câu chuyện thứ hai là về việc một đám móc túi ngang nhiên thực hiện hành vi ở cửa đền (cụ chỉ kể thế mà liên kết với câu chuyện trên thì tôi đoán là Đền Ngọc Sơn). Lại một vị khách nước ngoài không may khác, mọi người xung quanh đều nhìn thấy hành vi mà không ai lên tiếng cả. Cụ biết điều này nên khá bực, cụ tiến đến bên khách du lịch vừa bị móc túi định nói nhưng không biết tiếng, cụ bảo ai biết tiếng thì bảo cho nó ra thằng kia đòi lại ví đi. Mọi người đều làm ngơ và bảo: "Kệ nó cụ ơi, không phải chuyện của mình cụ dây vào làm gì? Tí nữa bọn kia nó lại gây chuyện với cụ rồi khổ ra". Cụ giận lắm mắng luôn: "Thế người nhà các anh chị ra nước ngoài du lịch bị bọn móc túi vét sạch tiền, không ai thèm giúp như này này! Tổ sư các anh chị!". Cụ không kể đoạn kết mà có khi nó là kết rồi cũng nên. Cụ bảo nếu lúc đó chỉ cần bốn, năm người đứng ra thôi thì chiếc ví của vị khách nước ngoài đã không mất như vậy. Thật buồn vì hình ảnh Việt Nam đã bị bôi xấu bởi mấy con sâu, hai vị khách đen đủi đã không được đón tiếp bằng sự thân thiện tuyệt vời nhất của đất nước đáng mến này. Mong rằng trong suốt chuyến hành trình ít nhất một lần họ đã hiểu tình người, sự mến thương vẫn luôn có ở con người Việt Nam.

Câu chuyện thứ ba làm tôi thấy ấm áp lắm, vì nạn nhân là sinh viên như mình, tôi cảm thấy tôi được bảo vệ bởi một người cụ nhặt ve chai tuy xa lạ mà giàu lòng lương thiện và tuyệt đối cứng cỏi. Chuyện là một đám trấn lột hằm hè mấy bạn sinh viên bắt "nôn" tiền ra. Cụ thấy vậy ra ngăn cản luôn: "Chúng mày thích thì trấn lột tao đây này, trấn lột gì mấy thằng sinh viên!". Bọn đấy hung hăng chửi luôn "con mụ già" rồi dọa đánh gãy chân cụ. Cụ không sợ quay qua mấy ông cảnh sát đứng gần đấy quát luôn: "Cảnh sát lù lù ở đây, chúng mày bị mù à mà để mấy thằng sinh viên bị trấn lột. Đứng làm cảnh hay gì?". Nhóm cảnh sát đấy vẫn mặc kệ, còn đe nạt: "Bà thích vào tù ngồi không?". Tao vào thì thằng trưởng công an với trưởng phường cũng phải vào bê cơm hầu tao ăn - Cụ nói câu này trời ơi tôi rung động mãnh liệt luôn. Cụ lại lần nữa đi bộ, thực sự lòng trắc ẩn của cụ mãnh liệt và vô cùng "ghê gớm". Tôi thích lắm, bên cạnh đó tôi cũng lo lắng cho cụ, như nhiều người từng bảo cụ là đừng lo nhiều chuyện làm gì, rước hoạ vào thân lúc nào không hay. Tuy thế, cụ vẫn làm, đến đoạn này thì trí nhớ tôi không được tốt lắm, tôi không nhớ cơ quan mà cụ đã đến để trình báo về việc trấn lột. Đoạn tôi nhớ nhất là khi người ta bảo cụ viết tường trình cụ bảo không biết chữ. Thế là phía trấn lột bên kia viết, vừa viết xong thì cụ lấy luôn lên đọc. Bên giải quyết vụ việc bảo cụ là: "Sao cụ bảo cụ không viết vì không biết chữ cơ mà?". Cụ đáp luôn: "Tao chỉ đọc được thôi, tao không viết được". Cụ kể cụ phải đọc để xem tường trình có sai gì không, còn việc không viết theo suy đoán của tôi là cụ mệt rồi kệ chúng mày, viết sai thì cứ liệu hồn, giả "ngô nghê" vừa được nghỉ ngơi vừa xem được tình hình. Kết quả là ông trưởng chốt công an đấy với trưởng công an phường bị cho thôi việc.

Còn nhiều câu chuyện nữa mà cụ sẽ kể nhưng đến nơi làm rồi nên tôi vội xuống. Thực sự một cảm giác lưu luyến không thôi ở trong tôi và đây là quyết định lưu giữ hình ảnh tươi đẹp của vị "nữ hiệp" tuyệt vời này. Mong cụ luôn sống khỏe mạnh và đầy đủ. Nghe cụ bảo vì Covid-19 nên tình hình làm ăn của cụ không được tốt lắm, không đủ bữa ăn đoàng hoàng, trước ăn đủ ba bữa giờ cụ chỉ ăn một bữa một ngày. Cầu nguyện thế giới đẩy lùi dịch bệnh nhanh chóng, du lịch trở lại nhanh chóng để cụ đỡ cực. Cảm ơn cụ đã tiếp cho con sức mạnh về công lí trong cuộc sống, con không chắc mình sẽ trở nên can đảm ngay lập tức, nhưng câu chuyện của cụ sẽ luôn ở trong trái tim để tiếp cho con sự dũng cảm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top