Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

113. Tết rằm Trung thu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tháng tám mỗi năm, nếu chẳng kể tết Nguyên đán, thì tết Trung thu vui nhất. Phá cỗ và trông trăng có một đêm rằm, nhưng việc sắm sửa - dù nhà có nhà không có, chỉ đủ tiền mua quả bưởi bày cỗ, ai cũng đếm từng ngày, từ hôm đầu tháng. Không chỉ tết của con trẻ, mà người lớn cũng nao nức. Mà lạ thay, trong một năm, trời đất đến quãng ấy vừa đẹp vừa dễ chịu.

Đã hết những trận mưa rào trút nước, chớp giật những cơn sét hòn lăn ra xanh lè. Chặp tối trông ra khe cửa, thấy lập lòe không biết là đom đóm hay ma trơi. Biết bao nhiêu cái sợ.

Mùa thu trong xanh, làn mây trắng tơi trôi bồng bềnh. Ngoài đồng xa, gió giải đồng thổi vào, đem theo hơi mát và mùi lúa đương chín. Chân tay chúng tôi cứ nhẹ tênh, hoa lên từ trong cổng chạy ra.

Ở chợ, đã bày bán những chiếc trống nhỏ, mặt trống kêu tong tong. Tiếng trống vang động các phố, các ngõ, trông giục tết Trung thu hãy tới, mau lên.

Các đồ chơi rằm, nhiều thứ đèn thắp nến, thắp dầu lạc, thắp dầu hạt bưởi. Đèn ông sư, mũ sư quay tròn, ngọn nến lung linh ở giữa. Cái đèn trống có cán cầm, hai mặt trắng tròn vành vạnh. Đèn củ ấu giấy tàu bạch treo ngoài hiên. Đèn kéo quân đặt trên bậc cửa cao. Đứng xa cũng nhìn được đĩa dầu bấc thắp sáng, quân đèn cù in bóng chập chờn chạy bốn mặt, nào con voi, nào người gồng gánh, nào học trò cắp sách.

Các hàng đầu ô không bán đồ chơi bằng thiếc đắt tiền. Cái tàu thủy thả xuống nước, cái ô tô có dây kéo chạy được, người lớn phải mua ngoài phố Hàng Thiếc.

Nhộn nhịp từ phiên chợ mười bốn, mẹ đi sắm quả bày cỗ. Sớm nhất, đem về những quả bưởi đào, rồi quả hồng, quả dừa. Có khi được bổ quả bưởi ăn trước, lấy nhân hạt bưởi đem phơi nắng ngoài thành bể rồi xâu lại làm nến thắp đèn con thỏ, con thiềm thừ. Gần đến rằm, mẹ mới mua phong bánh dẻo. Bàn bày cỗ thì ông đã kê cho ở ngoài hè. Đầu bàn, ngồi cao cao một ông tiến sỹ mặt trắng bột, áo thụng giấy vàng, đầu đội mũ cánh chuồn, mũi đôi hia có trang kim nhấp nhánh. Đấy là mơ ước của mẹ tôi, mong cho tôi học giỏi, sau này tôi được nên ông tiến sĩ.

Tết rằm, chơi tiến sĩ thanh tao và mơ mộng còn có ở những người lớn tuổi và thú chơi tiến sĩ cũng lác đác đến tận bây giờ. Mỗi năm, đi chợ Trung thu, dạo phố Hàng Mã, cụ Vạn Lịch bạn tôi lại mua cho tôi một ông tiến sĩ. Cả phố Hàng Mã chỉ còn mỗi một hàng ở góc tường treo hai ba ông tiến sĩ cỡ vừa. Cũng có đôi ba người mua, nhà hàng chỉ làm ngữ thế, bởi cả người bán người mua cùng hiếm mà giá thì đắt. Từ năm cụ Vạn Lịch quy tiên, tôi cũng bỏ thói quen dạo Hàng Mã sắm ông tiến sĩ chơi rằm. Chẳng biết phố chợ tết rằm này có còn bán ông tiến sĩ?

Không nhớ từ hôm nào, chặp tối, trên đầu chợ đã túm tụm đám hát trống quân. Trai gái đứng xúm xít, trẻ con không chen được vào, chỉ nghe tiếng cất lên í a, ạ ừ và chốc chốc điểm nhịp thì thùng thanh tre gõ sợi dây thép, hai đầu buộc vào thùng sắt tây.

Hôm rằm thì hầu như buổi chiều cái tết tụ lại từ đầu ngõ vào trong sân. Ông trăng tròn xoe vừa lên đằng sau bụi tre, hãy còn ban ngày nên trắng bệch như tờ giấy bản. Tiếng trống bốn bên hàng xóm khua lên, đụng đậy cả đến ông trăng và ông trăng mỉm cười. Khi trời đã tối hẳn, ánh trăng trong leo lẻo, bấy giờ trông rõ ông trăng cười như sắp bước xuống chơi "dung dăng dung dẻ" với chúng tôi giữa tiếng trống múa sư tử, những cái đầu sư tử cỏn con hủn hoẳn không có đuôi, chỗ nào cũng thấy lấp ló.

U tôi bưng dưới bếp lên một rổ ốc luộc còn nghi ngút khói. Có nhà làm bún ốc, chuối xanh bung ốc nhồi, ăn với bánh đúc sắt từng miếng. Mẹt bánh đúc to bằng mặt trăng trên kia. Bánh đúc quấy với lá gừng xanh mát mắt. U tôi đã mua mớ ốc vặn từ phiên chợ trước, đem bỏ vào chậu nước vo gạo. Ốc ngâm nước vo nhả hết bùn nhớt, ốc mỡ màng hơn. Ốc vặn, ốc biêu luộc rồi lấy gai bưởi nhể ra, chấm nước mắm dầm ớt giã vào một miếng gừng cay vừa ăn vừa húp giấm, lại suýt soa. Tháng bảy, tháng tám, ăn ốc hồ Tây trông trăng lại nhớ mùa này, ốc các đầm hồ đương béo. Chúng tôi châu đầu nhể ốc. Những con ốc vặn, ốc biêu xanh trơn - đương cữ ốc đầy, khói luộc đượm mùi lá chanh bốc hơi thơm ngát.

Một nhà nào phá cỗ, tiếng cười ánh ỏi lan sang láng giềng. Không nhà nào phá cỗ một mình. Những múi bưởi, những miếng hồng và bánh dẻo, bánh nướng nhà này đem nhà khác cùng ăn.

Trong tiếng trống sư tử, tiếng reo hò đã rộn rã xa xa. Chẳng mấy lúc, rổ ốc đã thành một đống vỏ và trên bàn cỗ chỉ còn quả bưởi chưa bóc và ông tiến sĩ vẫn ngồi nguyên chỗ ấy. Đã hết nến, những xâu hạt bưởi cũng không còn. Nhưng ánh trăng thì rời rợi. Không biết ai đứng lên, nói to:

- Bây giờ ra Hàng Đào xem múa sư tủ thì đương vui đây.

Cũng thuận chân và phải lúc thôi, hầu như đêm rằm nào, khi phá cỗ xong, cả người lớn và trẻ con đều ra Hàng Đào, có khi chơi ngoài ấy quá nửa đêm mới về.

Chúng tôi đi trong ánh trăng trước sân ra đường cái rồi chạy thi xem ai nhanh hơn. Bên đường lúc nào cũng inh ỏi tiếng trống hội múa sư tử, những đám trẻ ngẩn ngơ vỗ tay hát trong ánh trăng. Đến lúc trông thấy mặt nước hồ Tây sáng lên, biết đã ra tới phố Quan Thánh.

Tiếng trống sư tử vẫn rải rác theo chân chạy của chúng tôi. Nhiều chỗ nghe tiếng trống, rồi mới thấy người giơ lên cái đầu sư tử rung rung. Càng đông, qua chợ Đồng Xuân thì hầu như thấy cả thành phố đổ ra đường, xung quanh không chỉ có trống con nhảy nhót, mà là trống cái, tiếng trống cái đánh lẫn tiếng thanh la, chũm chọe...

Đoàn người múa sư tử, nhịp chân hoa lên đi về phía phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Hội sư tử kéo về đây đông nhất. Ngoài đường ồn ã, nhưng các cửa hàng cửa hiệu hai bên đã đóng cửa. Vừa là nghỉ bán hàng tết rằm, vừa cũng hãi người nhốn nháo các cửa ô vào xem rước sư tử, múa sư tử, sư tử giật giải. Biết đâu, cả kẻ trộm kẻ cắp lẫn lộn, lại nữa bởi đội sư tử là những tay anh chị từ dưới bãi, những tay chơi có hạng của các đội Ba Đen, đội Phó Lừ sừng sỏ nức tiếng bãi sông Hồng.

Vào thời ấy dưới bãi chưa có phố, không có nhà lợp ngói, tường gạch, mà chỉ lơ thơ chiếc lều tạm bợ, không mấy khi thấy người, cả buổi trưa, những con bói cá đứng gật gù canh chừng mặt nước, chốc lại lao xuống, bay biến đi. Đứng trên đê nhìn ra bãi sông, chỉ thấy dòng nước đỏ rực hai bên bờ bãi xanh mờ những bụi lau chen bãi dâu, bãi ngô. Rồi mỗi mùa lũ, nước sông lên ngập các bãi Nghĩa Dũng, Phúc Xá vào tận lưng đê bến Nứa, tất cả mọi thứ, cái lều, con lợn, gồng gánh trôi băng chỉ còn sống sót người ôm bọc quần áo thoát lên đê.

Người làm cu li, làm phu, người thất cơ lỡ vận bỏ làng lên tỉnh kiếm ăn chui rúc nương náu ở bãi. Lại những bọn đánh nhau thuê, khóc mướn, những tay chân các sòng bạc Hai Cua, Ba Sinh, những du côn đứng bến tranh khách cho các hãng ô tô Thỏ Trắng, Ngựa Vằn và những thầy dạy võ, khăn gói quả mướp trên vai nay đây mai đó, những người ấy đến trú ngụ trong bãi dăm bữa, nửa tháng rồi lại đi. Và đêm rằm tháng Tám, từng bọn nhập cuộc đám sư tử lên múa giật giải lấy thưởng của các cửa hiệu buôn bán to ở phố Hàng Ngang, phố Hàng Đào.

Các đội sư tử cũng sửa soạn tết rằm. Những chiếc khung đầu sư tử bằng tre cật buộc mây gác bếp được lôi xuống gột cọ bồ hóng. Vuông vải điều, vuông lụa thiên thanh đem giặt phơi nắng cho lại màu. Rồi đội cái khung đầu sư tử lên Hàng Mã thuê bồi giấy, đắp má, cắm râu, gõ mặt, quét sơn đỏ, sơn đen, lắp đôi mắt lồi lung lay và làm cái côn gỗ đầu buộc quả ngọc ngũ sắc. Chẳng mấy hôm mà đầu sư tử và chiếc côn đính hòn ngọc, tấm vải điều đuôi sư tử - đồ chơi cũng là đồ nghề kiếm ăn của các tay anh chị - đã được đem về để trên nóc lều, bụi lau. Mọi thứ vằn xanh vằn đỏ rực rỡ cả mái nhà.

Từ chập tối, những đội sư tử đã lần lượt đi. Trẻ con các bãi theo lên làm vui tết các phố, còn ở nhà thì chỉ nhìn thấy trăng rằm. Phải đợi xem các đội sư tử giật được giải khuya về, bấy giờ mới được có tết phá cỗ, đôi khi tụ tập trên bãi cát trẻ con ăn bánh, người lớn uống rượu trông trăng.

Người giơ hai tay vác đầu sư tử, ống quần quấn xà cạp điều, đi giày ba ta nâu, mắt đeo kính rợp - mặc dầu trời tối, có đeo kính thế mới ra người tài tử, bước đi làm rung bộ râu sư tử nghênh ngáo. Người cầm côn hòn ngọc đi trước, người cầm vạt đuôi đi sau cũng múa lên, múa lên. Những người cầm gậy đi hai bên ăn mặc hệt nhau, áo lụa đen, thắt lưng và xà cạp điều, đầu chít vuông lụa lá mạ, những đôi mắt cũng kính râm. Hai người khiêng chiếc trống cái, đòn tre kẹp tang trống. Người đánh trống và người đập chũm chọe đã nổi trống, nổi phèng phèng, từ lúc lên đê. Tiếng trống, tiếng chũm chọe... tùng xòe... tùng xòe... vang vào, các phố bờ sông đều biết hiệu đội sư tử rằm năm nay đã lên.

Mấy phố ven đê đã nhộn nhịp.

Đội sư tử đã bắt đầu chơi. Không phải chỉ đến múa ở phố Hàng Đào mà các đội múa từ lúc bước sang bên kia vỉa hè. Trong ánh điện đèn quanh cột Đồng Hồ, người đổ ra xem. Mỗi sư tử, người đội đầu người cầm đuôi, người múa hòn ngọc nhử mồi. Những đội nhỏ xuống phố Hàng Buồm, khi người cầm ngọc hoa trên chiếc côn lên, ấy là hiệu cho sư tử múa mừng. Nhà hàng được sư tử dừng lại, mở toang cửa, bắc ghế ngồi xem. Người múa ngọc uốn mình đi một đường côn, đầu sư tử rượt theo liệng một vòng kéo theo người hai tay nắm đuôi, phất phất. Thế là đã nới được người rộng ra cho cánh khiêng trống, đánh trống vào. Sư tử vờn cao đầu chào gia chủ trong tiếng trống múa. Tiếng chũm chọe đinh tai... tùng tùng xòe... tùng xòe... xòe... chiếc côn ngọc lại vi vút quăng.

Sư tử đuổi đớp ngọc, hòn ngọc và đầu sư tử quần nhau vừa mười vòng thì được một đợt. Hơn chục người trong đội hoa quyền xuống tấn, múa bái tổ ngước vào cửa hàng. Chủ hiệu bước ra phong bao tiền rơi tọt vào trong mõm, rồi... tùng xòe... xòe... chiếc côn ngọc lại giơ lên, múa tiếp.

Nhưng chủ nhà đã cười cười, chắp tay vái:

- Thôi... thôi... vui rồi, được lộc rồi... Để dành vui sang năm.

Chẳng biết ai được lộc, đội sư tử hay chủ nhà. Cái đầu sư tử hạ xuống, đội lần lượt sang nhà khác, kéo theo đám đông đường phố. Nhưng không phải đến cửa nhà nào cũng được múa để có tiền thưởng. Nhiều nhà đã đóng cửa từ chặp tối. Tiếng trống chỉ đi qua.

Các phố có hàng chục đội sư tử đang đi diễu, đương múa, những người năm nào cũng xem múa sư tử đã biết đến chỗ nào náo động có những đội có sừng sỏ chơi, người ta đã đợi trước cửa hàng tơ lụa cạnh nhà bánh trung thu Hanh Hiên trước cửa treo chiếc đèn con thiềm thừ xanh mướt to nhất phố. Nhà Cúc Hương, các tay thợ bột, thợ khuôn mũ trắng áo trắng lốp đứng đóng bánh, được chiếc nào có khách đợi lấy ngay. Nhà hàng này bán đến tận chiều rằm mới tháo nước rửa cửa, nhiều nhà khác chỉ ngày mười bốn đã cạn khách.

Tối rằm, mấy nhà ở khóm ấy treo giải múa sư tử thật to khác đời, bởi làm ăn phát tài bấy lâu. Một cây pháo bông buông từ lan can gác xuống thềm hè. Đội sư tử đến, bắt đầu châm lửa đốt cây bông, bông phun ra hoa cà hoa cải, con chuột chạy, màu tím màu vàng viết lên ba chữ phúc, lộc, thọ, hết cây bông thì đến múa sư tử.

Trên chỗ buộc đầu cây pháo bông treo bọc giấy bóng đỏ tiền thưởng. Tiền thưởng cũng không ai biết đích xác bao nhiêu, bởi chủ nhà không niêm yết số tiền mà cũng chẳng ai được cầm đến bọc tiền. Tiếng đồn giải hàng trăm bạc trở lên. Chỉ đem hai mươi đồng bạc về quê đã tậu được một sào ruộng thượng đẳng. Mỗi nhà có hai giải, giải đầu thưởng đội múa tài nhất, đội nhì cũng được ăn giải không phải về không.

Giải nhất giải nhì đội nào giật được phải ra sức cả lúc côông kêêng đứa vác đầu sư tử lên đớp giải. Có nghĩa là hai tay giỏi võ của hai đội ngồi đánh nhau trên vai mấy tầng người chồng lên. Có người ngã gãy tay, ộc máu, đội xếp đến làm biên bản bắt về bóp, chủ nhà treo giải cũng bị liên lụy. Thế là năm sau thôi lệ tranh giải, mà múa xong nhà chủ phát giải nhất nhì cho hai đội đưa đầu sư tử lên đớp phần đã định và điều đình với nhau. Những đội tép nhàng nhàng chỉ lấy giải quanh quanh các nhà treo tiền thưởng cò con.

Vào đến giải mấy nhà chỗ hiệu Hanh Hiên, vài năm nay chỉ còn có hai đội Phó Lừ và Năm Đen. Đội nào lớ quớ kéo vào đã bị chặn đầu phố. Người cầm gậy gác vừa rút con dao mổ lợn ra vừa ghé đầu rỉ tai hỏi tí tiết rồi nói: "Cút ngay!". Thế là chịu thua, chỉ xin đàn anh cho đứng đánh trống, múa vòng ngoài góp vui. Nhà chủ đã đem cơi trầu và chai rượu ra mời. Chưa đội nào ngo ngoe dám vượt mặt hai đội thủ chỏm Phó Lừ, Năm Đen.

Đến rằm năm ngoái, hai đội đầu trò vừa dứt hồi trống thu ngọc bái tổ rồi đến mục cùng vươn lên lan can gác đớp giải. Người nhảy lên vai nhau, chồng như bậc thang để người thứ năm đội đầu sư tử thoăn thoắt trèo lên hớp. Đã phân chia đội nào giật giải ấy. Nhưng cũng mấy lần ngã mới lên được.

Người xem reo hò, hồi hộp ngước mắt. Người hai đội đương leo. Người đội Ba Đen đứng lên vai, đầu sư tử nghiêng ra đớp giải ngoài lan can. Vừa lúc ấy, đội Phó Lừ đã giật giải bên kia rồi lại nhoài người đưa đầu sư tử sang huýnh ngang giật bọc giải nhất. Đội Ba Đen còn đương chới với. Đội Ba Đen bị cướp thình lình, đám người loạng choạng mất đà, ngã rúi xuống. Tiếng reo à à như vỡ chợ. Giải đã định, được xướng danh từ lúc vừa múa xong. Không ai rõ tại sao lại có chuyện cướp giải. Nhà chủ đã vào ngồi trong hiên nhìn ra xem, cũng không biết thế nào.

Cái ức ấy đội Ba Đen đã để đến năm nay rửa hận. Đội Ba Đen lên phố Hàng Đào từ chập tối. Mỗi người giắt lưng môt con dao găm. Đợi đến lúc lên nhận giải mà cánh Phó Lừ còn chơi đòn ngầm thì cả đội sẵn sàng một phen. Mà năm nay chúng nó có tử tế chăng nữa, những con dao này cũng phải dây máu, vì còn phải hỏi tội đòi cái tiền thưởng giải nhất năm ngoái.

Người xem rước sư tử các phố đã dồn đến. Nhiều nơi đã kháo nhau đêm nay ở giải Hàng Đào có trận đòn thù khiếp lắm đây. Người tới càng đông. Chiếc trống cái của đội Ba Đen hai người khiêng đặt xuống vỉa hè, gõ gióng một, tiếng gọi, tiếng giục, nhịp với thanh la. Tùng... tùng... xòe... người cầm ngọc chốc lại ngứa tay, huơ ngọc lên. Người cầm đầu sư tử giơ tay đẩy hàm râu, lưỡi sư tử lắc lư đưa ra đưa vào như thèm đớp hòn ngọc để bên kia.

Vừng trăng đã lên cao đằng Bờ Hồ, như chiếc bóng điện to treo giữa trời. Chủ hiệu ra bảo đội Ba Đen tìm đội nào múa đôi. Nhưng không đội đàn em nào dám ló mặt. Sợ đương chừng, đội Phó Lừ tới thì sao. Thế là sư tử Ba Đen phải múa một mình. Đội Ba Đen bắt đầu múa, người xem có phần vắng hơn mọi năm. Nhưng đội múa không có ganh đua, cũng nhạt. Đến lúc chồng người lên, đầu sư tử lên đớp cả hai giải nhất, giải nhì ngoài lan can. Tiếng reo cũng thưa thớt.

Chúng tôi lại chạy từ ngoài phố về đến nhà, trăng sáng như ban ngày suốt đường.

Ít lâu sau, nghe được chuyện tại sao Phó Lừ không đến giải. Giữa năm, Phó Lừ được các chủ dó thuê lên ngược đẩy bè cây dó từ Yên Bái về bến Chèm. Xuôi đến quãng ngã ba Hạc, phải cơn lũ lật bè, Phó Lừ bị chết trôi mất xác. Thế là tan hội.

Rằm tháng tám năm sau, cả đội Ba Đen ở dưới bãi cũng không thấy lên phố Hàng Đào giật giải múa sư tử. Không biết đi đâu. Người lam lũ ở dưới bãi, cái vui cũng là đi làm vui cho người, còn đời mình thì lang bạt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top