Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

interview: 浮世絵 của katsushika yohko

mái tóc đen tuyền màu mực, em khoác trên mình bộ yukata mang sắc xanh phổ, và trên tay là cây cọ vẽ - ấy là một mảnh thế giới trôi nổi của katsushika hokusai, katsushika yohko - hay quen thuộc hơn, là sóng lừng vùng kanagawa

katsushika yohko nhìn qua thì có vẻ là một cô bé mười bốn, mười lăm tuổi bình thường, nhưng thực chất, người con gái với đôi mắt xanh thơ thẩn trên những đám mây ấy lại là một bức tranh đã hơn một trăm tuổi - ⌈sóng lừng vùng kanagawa⌋ của katsushika hokusai.

vốn đã mang trong mình sự yêu thích dành cho người họa sỹ với nghệ danh ông già điên vì hội họa ấy, tôi thật chẳng thể bỏ qua cơ hội trao đổi vài lời với cô bé ấy. hơn nữa, việc được gặp sự tồn tại gọi là hiện thân của một bức tranh ấy cũng không phải là chuyện thường ngày có thể xảy ra, khiến bản năng phóng viên của tôi khó mà có thể đặt cây bút và quyển sổ xuống khi nghe em kể câu chuyện của mình, câu chuyện của một tâm hồn trẻ thơ.

em kể, bằng ngữ điệu edo của mình, ngữ điệu mà tôi thường chỉ được nghe qua đài, với giọng jugemu jugemu gokoh-no surikire kaijarisuigyo-no . . . của những nghệ nhân rakugo nọ - và, bằng chất giọng thấm đẫm thời gian ấy, đôi mắt xanh của em hoài niệm về những mảnh ký ức trôi nổi trên ngọn sóng, về vị danh họa em gọi là 'cha', và về thế giới quan bồng bềnh của ông, và của chính bản thân em.

• nếu chúng ta muốn kể một câu chuyện, phải bắt đầu từ cái tên

cô bé ấy, katsushika yohko, tỏ ra hết sức hào hứng khi được hỏi về cha em - "điều này có nghĩa là katsushika hokusai vẫn nổi tiếng đúng không ạ," em hỏi, và tôi trả lời bằng một cái gật đầu, đoạn không quên nhắc đến việc chính bản thân em, ⌈sóng lừng vùng kanagawa⌋ iconic kia đã phần nào khiến tên danh họa ấy lan rộng ra khắp thế giới.

"vậy là em không thất hứa với cha rồi, khi mang họ katsushika này."

em nói với tôi như vậy, đoạn cúi đầu cảm ơn vì lời khen. người nhật dường như lúc nào cũng lịch sự như vậy, kể cả một bức tranh như em cũng mang âm hưởng ấy.

sự tò mò đã không dừng tôi lại khỏi việc hỏi em về lời hứa kia, mặc dù biết nó là chuyện riêng tư của gia đình người ta - cũng may, là katsushika yohko kia cũng không quá bình thường để cảm thấy phiền về chuyện ấy, và trên hết, dường như em cũng là một đứa trẻ vô tư. ấy là điều tốt đối với một con người vô duyên đầu óc trên mây như tôi.

dù sao thì, katsushika yohko vẫn kể cho tôi, về lời hứa của em với iitsu, bắt nguồn từ họ katsushika của em.

"trước đây thì em là katsushika no yohko - ⌈sóng lừng vùng kanagawa⌋ của katsushika hokusai thôi. phong tục ngày xưa vốn thế, chỉ quý tộc và samurai mới mang họ thôi, nên cái tên ấy giống đang khẳng định chủ quyền hơn là họ ạ," em giải thích.

tuy nhiên, đến năm 1898, thì luật đăng ký gia đình yêu cầu công dân ngoại trừ tên, thì phải có thêm họ, như một phần của quá trình tây hóa. "thế nên em dùng cái tên ⌈katsushika no yohko⌋ cũ, chuyển thành dạng phổ thông là ⌈katsushika yohko⌋ thôi. và như thế, em tự hứa với mình và với cha rằng, khi mang họ katsushika này, sẽ khiến nó được cả thế giới biết đến." mặc dù chỉ là lời tự hứa với bản thân, nhưng katsushika yohko ấy thực sự rất coi trọng nó. có lẽ đây cũng là một phần lý do, khiến nó bây giờ trở nên nổi tiếng như vậy.

dường như katsushika yohko ấy cũng rất thích việc được là một katsushika như thế này. "để mỗi tên yohko thì nghe trống trải lắm," em nói vậy đấy.

từ những lời em nói, tôi đoán rằng tên yohko của em là do hokusai kia đặt - và quả nhiên là đúng, bởi em đã vui vẻ vỗ tay khi nghe tôi nói về suy đoán của mình. một hành động hết sức hồn nhiên, như một đứa trẻ vậy.

"thực ra thì, đầu tiên thì cha cũng chỉ lấy đại cái tên nào nghe nữ tính một chút thôi, trong trường hợp này là yohko từ yoko-e ấy ạ," kiến thức về ukiyo-e cũng giúp tôi tiếp tục nghe em mà không phải dừng lại hỏi về ý nghĩa của cụm yoko-e - hay tranh phong cảnh vẽ theo khổ ohban 25 cm × 37 cm - kia, "sau đó thì chị o-ei thử viết cho em cái tên ấy bằng hán tự, để em thử viết cho anh," đoạn, em cầm cây cọ của mình, được rút ra từ inrou treo bên yukata của em, vạch vài nét trên cuốn sổ của tôi, "em hay dùng katakana để viết tên hơn, nhưng em vẫn nhớ cách viết đấy."

洋子, hay 謡子 đều được, em nói thế. "chị o-ei nói rằng cả hai cách viết đều hợp với em, nên em thích lắm." ý nghĩa của chúng, lần lượt là 'đứa trẻ của biển/đứa trẻ ngoại quốc' và 'đứa trẻ tài năng'. quả thật là rất hợp với katsushika yohko ấy, đại diện của ⌈sóng lừng vùng kanagawa⌋. "hơn nữa, em còn thích nó, vì đó là tên cha đặt cho em."

kể cả khi nó chỉ là một cái tên đặt tạm đi chăng nữa, katsushika yohko ấy nói với giọng mơ mộng và đầy hoài niệm, thì nó cũng là một cái tên con người, được đặt cho một bức tranh như em. điều ấy đối với em, cũng giống như là ông già điên vì hội họa ấy đã thật sự công nhận em là một con người vậy.

và bởi vì vậy, đối với cô bé ấy, được gọi bằng cái tên katsushika yohko là một diễm phúc, và một cử chỉ yêu thương đến từ người em gọi là cha. và, đây chỉ là chút cảm nghĩ cá nhân từ kẻ phóng viên này, có lẽ ấy cũng là cách thể hiện tình cảm chỉ có người họa sỹ với thú vui ukiyo mới có được, và chỉ một bức in gỗ ghi lại thế giới trôi nổi ấy mới hiểu được.

• nhắm mắt lại và nhớ về quá khứ

"em vẫn luôn nhớ về những ngày xưa cũ. kể cả bây giờ cũng vậy. nhờ thế, em mới có thể thực hiện lời hứa với cha," nhắm mắt lại mà hồi tưởng, katsushika yohko trầm tư nói. "nó có thể là cuộc sống bấp bênh, nhưng đối với em thì nó vẫn luôn là những ngày vui vẻ."

ukiyo ấy, tạm dịch là "thế giới trôi nổi", ám chỉ một cuộc sống nhẹ nhàng, vui thú đầy những geisha hay sumo, rượu chè, hội họa ngày ấy. nó là một cuộc sống khá bất ổn trước những con sóng của cuộc đời - katsushika hokusai kia, nổi tiếng với châm ngôn "không nấu ăn, không dọn dẹp, bẩn quá thì chuyển nhà" mà tìm chỗ ở đến chín mươi hai lần - nhưng đối với một katsushika yohko đầy tò mò, thì nó là những kỷ niệm đáng nhớ; vả lại, hokusai đã chế ngự thành công sóng dữ vùng kanagawa kia có lẽ cũng đã không mấy cảm thấy phiền toái trước mấy chuyện như vậy, và katsushika yohko kia lại chẳng giống cha mình y đúc. "có lẽ vậy nên chị o-ei mới hay phàn nàn là, tôi chán bố con hai người lắm rồi, thứ thiên tài kỳ quặc, vậy đó."

đối với những mảnh ký ức đầy sắc màu khác biệt ấy, katsushika yohko tỏ ra phân vân trước yêu cầu lựa chọn kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với em. "đối với em hồi ấy, thì kỷ niệm nào cũng đáng nhớ hết. kể cả bây giờ, khi nhớ về hai người họ cũng vậy . . . từng góc phố, từng khách hàng, em đều ghi nhớ hết."

và katsushika yohko kể, với chất giọng hoài niệm và mơ mộng lạ kỳ, về edo của thế kỷ mười chín, edo của em và của hokusai - em kể, như thể em đã nhìn thấy hết mọi ngóc ngách của thành phố ấy vậy. kể cả nói vậy đi chăng nữa, thì nó cũng không hẳn là làm quá - là trên tay khách hàng, hay trên đôi zouri cùng katsushika o-ei đi vẽ thuê, đôi mắt xanh ấy cũng nhìn thấy hết. bởi chủ nhân của hai viên ngọc màu lam ấy, là một cô bé ham hiểu biết lắm.

với chất giọng nhẹ nhàng và huyền ảo của đứa trẻ ấy, và nội dung của những con chữ chảy theo dòng hồi tưởng của katsushika yohko, tôi cảm thấy thật khó xác định được liệu những câu chuyện ấy có phải của một chốn thần tiên kỳ diệu nào đó chứ không phải thế giới mà tôi đang sống không. edo của thế kỷ mười chín hiện lên qua lời kể của em, một cách nửa thật, nửa ảo - "ấy là cái đêm chị o-ei vẽ rồng, em nghĩ thế, và dường như khi ở trong nhà cùng chị hôm ấy, em đã nhìn thấy bóng một con rồng thật. trời gió to, lại còn đầy mây. nhưng lại không mưa, thế mới lạ," em thuật lại như vậy, khiến tôi nhớ đến câu chuyện về thuật vẽ con vật thần kỳ ấy của người xưa - và vì vậy, tôi mơ hồ tự hỏi liệu chuyện ấy có thực sự xảy ra ở edo ngày ấy không?

dường như đọc được ý mông lung nơi tôi, em cười, đoạn vỗ vai tôi mà bảo, "toto-sama nói là, những thứ đại loại như thế chỉ có giới họa sỹ mới nhìn thấy được thôi." nghe katsushika yohko ấy nói một cách tự tin như vậy, mà bản thân vốn chẳng bao giờ có chút năng khiếu hội họa của tôi lại cảm thấy thêm phần vô phương cứu chữa.

nhưng dù sao, thì điều này cũng chẳng khiến cho cuộc trò chuyện với katsushika yohko kia kém phần thú vị - ngược lại, tôi tự nhủ với bản thân mình coi tâm hồn nghệ sỹ kia là thứ đáng học hỏi, mà tiếp tục lắng nghe cô bé con đang hào hứng huyên thuyên về cái thế giới xung quanh trôi nổi trong ánh mắt người nghệ sỹ của em. là về những vụ cháy nhà mà katsushika yohko ấy thường được katsushika o-ei dẫn theo mà xem, hay những âm thanh sống động trên cây cầu vắt ngang qua dòng sông sumida, thì một bức tranh edo của katsushika yohko cũng được vẽ nên trước mặt tôi, và tôi thầm nhủ, rằng có lẽ bản thân nên lưu bức tranh ấy lại trong tiềm thức, đợi đến khi mình có con mắt hội họa để hiểu nó thì sẽ đem ra ngắm sau.

"cơ mà, đúng là còn chuyện ấy nhỉ . . ." bỗng đưa tay lên gãi đầu với khuôn mặt tái xanh, mà tôi đoán là một biểu cảm sợ hãi, katsushika yohko ấy cười gượng gạo mà nói với tôi, "nói kỷ niệm đáng nhớ nhất thì em không có, nhưng đáng sợ nhất thì có lẽ là lần đó . . ."

"đấy là lần chị o-ei đi vẽ chân dung cho một oiran nổi tiếng ở yoshiwara - và không biết vì lý do gì, cha bắt đầu kể một câu chuyện ma thời đường về ikiryou, rằng linh hồn tay ông ngày xưa đến đêm sẽ thoát khỏi cơ thể hay cái gì đó tương tự thế; nó quá đáng sợ đối với một thiếu nữ như em, nên em cũng không có ý định nhớ đâu," dường như việc katsushika yohko vô tư ấy đang lắp bắp và bắt đầu sử dụng những cấu trúc câu không mấy logic cũng đã phản ánh được phần nào việc kỷ niệm ấy ám ảnh như thế nào đối với em, "cha sau này bảo kể chuyện ấy cho vui thôi, cơ mà đến đêm thì hiện tượng tương tự xảy ra với oiran ấy," đoạn, em sử dụng ngôn ngữ cơ thể để miêu tả sự kiện ấy - và tôi cũng mờ mờ hiểu được, cái cách mà phần không thực của khuôn mặt vị oiran được nhắc đến thoát ra khỏi thể xác của người đó, và bay lơ lửng trong không khí, "nó bị giới hạn bên trong tấm màn, cơ mà lúc ấy em vẫn giật mình mà hét lên. vì thế mà mọi người bị đuổi ra ngoài đêm hôm ấy . . ." em gãi đầu, xem chừng hối lỗi vì chuyện ấy lắm. nhưng, bỏ qua những cử chỉ như thế đi, thì mặc dù lời nói là kỷ niệm đáng sợ nhất, nhưng bản thân em vẫn cảm thấy vui khi nhớ về nó.

bản thân katsushika yohko rất đơn giản, chỉ cần được ở bên cạnh những người em yêu quý là định nghĩa 'vui vẻ' của em đã hoàn thành rồi. và cũng chính vì vậy, nên khi tôi đặt giả thiết rằng liệu em có muốn quay về quá khứ mà thay đổi điều gì không, em đã đăm chiêu một hồi, rồi lắc đầu mà bảo,

"tiếc nuối duy nhất của em là không được sống cùng cha và chị o-ei lâu hơn. vậy nên," em nhoẻn miệng cười, và trong đôi mắt ngây thơ của đứa trẻ ấy là ánh hạnh phúc, "nếu được quay trở lại thời gian, thì em sẽ dùng cơ hội ấy mà sống cùng cha thêm một lần nữa. chỉ thế thôi."

"cơ mà, chẳng phải như vậy là ăn gian rồi sao? em được trao cơ hội ấy để thay đổi một điều trong quá khứ kia mà."

". . . anh nói đúng nhỉ," và chỉ nói thế, em lại nhún vai và cười xòa, "với cả, hoshi-kun cũng cần em ở đây nữa, nên chắc phải bỏ ý nghĩ ấy đi rồi."

nụ cười của katsushika yohko ấy đã ở trên khuôn mặt của em từ khi bắt đầu câu chuyện đến giờ - và ấy là điều tốt, bởi vì một đứa trẻ như em nên cười, và cười thật nhiều khi còn có thể.

"em biết mà - vì thế, nên em vẫn luôn nói với hoshi-kun, rằng em ấy nên cười nhiều hơn."

mở mắt ra, là nhìn thấy bầu trời

hoshi-kun⌋ mà katsushika yohko đang nhắc đến kia, được miêu tả là 'một hậu bối hiện đang sống ở new york', em kể như thế. hay, nói theo ngôn ngữ của tôi, thì ấy là danique van gogh - ⌈the starry night⌋, một trong những bức tranh nổi tiếng nhất trong văn hóa phương Tây.

có thể nói, tôi cũng không mấy là ngạc nhiên khi biết em và cậu danique kia có quen biết - dù sao thì, với người đã miêu tả ⌈sóng lừng vùng kanagawa⌋ là một kiệt tác làm khuấy động cảm xúc của người ta như vincent van gogh, thì việc kiệt tác của ông trở thành bạn của chính bức in gỗ ấy cũng không phải là quá kỳ lạ. tuy vậy, việc tò mò vẫn là tất nhiên - không chỉ kết quả, người ta còn muốn biết về quá trình.

"hoshi-kun là một cậu bé ngoan, có lẽ ấy là cảm nhận đầu tiên của em khi gặp cậu bé ấy vào năm minh trị thứ hai mươi mai," katsushika yohko miêu tả, "mặc dù em ấy dường như không hề có chút tin tưởng nào vào bản thân - và em cho rằng, điều ấy thật sự không hợp lý một chút nào, với một đứa trẻ ngoan như em ấy."

the starry night⌋ được vẽ sau khi vincent van gogh đã tự cắt tai của mình và chuyển đến nhà thương điên saint-paul-de-mausole; và mặc dù bây giờ nổi tiếng như vậy, nhưng sinh thời, họa sỹ kia vẫn luôn nhắc đến nó là một thất bại. việc ấy có lẽ đã tạo áp lực lên cậu bé đại diện cho bức tranh ấy, mà hình thành lên sự tự ti của cậu - như katsushika yohko kể.

"hoshi-kun rất thông minh, em ấy biết rất nhiều thứ về toán học và thiên văn học," cô bé con người nhật kia nói vâu ấy mà xem chừng ghen tỵ lắm, có lẽ một cô bé với lối sống phù du như em chẳng được tiếp cận với những kiến thức như thế, "em ấy không lãng mạn như em, nhưng không sao, chúng em khác nhau, và vì thế chúng em hợp nhau," em tự hào thêm vào như thế.

"và cũng vì vậy, nên em thật sự không vui, mỗi khi hoshi-kun cho rằng em ấy là một đứa trẻ vô dụng, hay khi em ấy muốn bản thân mình không-tồn-tại. nhưng ít nhất thì bây giờ em ấy cũng vui vẻ hơn rồi," katsushika yohko thở phào nhẹ nhõm khi đưa ra điều ấy, "vậy nên kể cả khi có được quay trở về quá khứ, thì em vẫn phải ở bên cạnh hoshi-kun."

"em không thể để đứa trẻ với đôi mắt lấp lánh ánh sao ấy cô đơn được." katsushika yohko nói vậy. "vincent-san đã giao em ấy cho em lo rồi."

thoáng trong câu thoại ấy, tôi nhìn thấy nét nghiêm túc của cô bé con kia - ấy có lẽ là cái thái độ mà em dành cho sự an nguy của danique van gogh mà em thân mật gọi là hoshi-kun ấy. chỉ qua nét mặt ấy và cách em kể về cậu ta, tôi cũng phần nào đoán ra được rằng cậu bé ấy quan trọng với em như thế nào rồi. có thể là sau đó, em giải thích thêm, rằng em không thể phụ lòng tin của người đã bật khóc khi nhìn thấy em được, nhưng có lẽ chính bản thân em cũng nhận ra rằng kể cả khi không có lời hứa ấy, thì đối với em, danique van gogh cũng là người quan trọng. "lời hứa với vincent-san kết nối chúng em với nhau, và nhờ đó thì em tự kéo hoshi-kun vào lòng mình."

danique van gogh, sinh năm 1889, đại diện của bức họa dễ nhận diện bậc nhất trong hội họa châu âu, đứa trẻ đã được kết nối với katsushika yohko qua lời hứa của cô bé con kia với vincent van gogh. "có thể nói, sau khi cha mất, và chị o-ei mất tích, thì hoshi-kun là người đầu tiên em cảm thấy ấm áp khi ở bên cạnh."

"à, em đã nhắc đến đôi mắt của hoshi-kun chưa nhỉ?" nét mặt em chuyển về vẻ thoải mái ban đầu, và em vẽ nên một nét cười khi đặt câu hỏi tu từ ấy, "vincent-san nói mình đã lỡ vẽ những ngôi sao quá lớn, nhưng cũng vì vậy, mà đôi mắt của hoshi-kun luôn lấp lánh như những vì sao. và nó xanh, cùng màu với đôi mắt của em, và nhờ thế, mà em ấy nhìn được cùng một bầu trời với em."

theo cách nói của cô bé con kia, thì dường như điều ấy đối với em, thực sự rất quan trọng. và, mặc dù không hiểu cách diễn đạt của em, nhưng tôi hiểu điều em muốn nói.

một sự tồn tại như em, trên thế giới này có thể nói là vô cùng hiếm. chính vì vậy, mà việc gặp được danique van gogh kia, người không những mang cùng một khái niệm, mà còn trực tiếp chịu ảnh hưởng, hẳn là điều ấy có ý nghĩa lắm, đối với một katsushika yohko đã mất đi ngôi nhà hướng về phía cực tinh kia.

"kể cả khi người khác không hiểu, thì chúng em vẫn hiểu nhau. vì em và hoshi-kun nhìn thấy cùng một bầu trời, nên chỉ cần có nhau, thì không có cha đi chăng nữa, em và em ấy cũng sẽ ổn thôi."

vì những người nhìn chung một bầu trời, có ý nghĩa với nhau như vậy mà.

"vậy à? hai đứa có nhau như vậy là tốt quá rồi nhỉ?" ấy là một câu nói quen thuộc đến tầm thường, một câu nói xã giao, nhưng tôi biết bản thân tôi chẳng thể hiểu được điều ấy có tầm quan trọng lớn đến nhường nào đối với em, nên tôi cũng chỉ nói được vậy.

katsushika yohko trả lời câu hỏi xã giao ấy của tôi với một nụ cười, "anh có muốn làm quen với hoshi-kun không? em có thể giới thiệu em ấy với anh, nếu chúng ta có ngày gặp lại."

ừ, nếu được vậy thì tốt, ấy là điều tôi muốn nói. tôi không hiểu tầm quan trọng của hai em đối với nhau, nhưng có lẽ, nếu được nói chuyện với danique van gogh kia, tôi có thể phần nào thấy được bầu trời chung của hai em, mà cảm thấy vui, cho hai tâm hồn đồng điệu ấy.

• kết thúc câu chuyện bằng một lời chào

bước ra khỏi reality marble của những thế giới trôi nổi và bọt sóng trắng xóa của kanagawa, tôi vẫy tay chào tạm biệt cô bé con đã ngồi trò chuyện cùng tôi suốt mấy tiếng đồng hồ, trong đầu lại đầy những suy nghĩ rất đỗi vẩn vơ đang lơ lửng trong đầu. reality marble ấy là một thuật ngữ giữa các fan của series fate với nhau, nhưng tôi cảm thấy, với cái cách mà tôi 'tìm ra' ⌈sóng lừng vùng kanagawa⌋, âu là thuật ngữ ấy được sử dụng một cách thật hài hước.

nghe thật kỳ lạ, nhưng katsushika hokusai được nhắc đến lần đầu tiên bởi tôi, với tư cách là servant trường phái ⌈ngoại tộc - foreigner⌋ của game mobile fate/grand order kia - và, với cái sở thích tìm hiểu về quá khứ của các servant trong series, tôi tìm thấy bản thân mình, mười ngón tay đặt trên bàn phím, thoắt cái nhấn 'enter' mà tra cứu về katsushika hokusai. và nhanh chóng bị hớp hồn bởi bức họa mang tên ⌈sóng lừng vùng kanagawa⌋, để rồi hôm nay gặp được em nơi triển lãm tranh này. quả thật, tìm hiểu về một danh họa nổi tiếng qua một trò chơi điện tử là hết sức tội lỗi, kể cả khi nó cũng dẫn đến kết quả tốt đẹp là tôi có động lực tìm hiểu về ukiyo-e, nhưng tôi vẫn cảm thấy điều này thật vô trách nhiệm. nếu nói điều này với katsushika yohko kia có lẽ em ấy sẽ giận tôi mất.

nhưng mà, nếu là em, người đã luôn cố gắng để cha mình được biết đến, thì có lẽ em cũng không phiền đâu. nghĩ lại thì, tôi nghĩ có lẽ vậy. thế giới trôi nổi của em có lẽ tôi không bắc thang lên thăm được, nên đành gặp phần hiện hữu dưới mặt đất mà phỏng đoán phản ứng của em.

dù sao thì, được gặp em là điều tôi cho là may mắn ở bản thân tôi - chưa kể việc em là một sự tồn tại không phải ai cũng có thể nói là bản thân đã từng được một lần gặp mặt, thì việc được gặp một cô bé tốt như em cũng là may mắn ở nơi tôi rồi. đem lòng yêu bức tranh ấy, và được trực tiếp gặp mặt đại diện của nó, lại còn là một cô bé rất đỗi thú vị, âu đó cũng là do tôi gặp vận may. nói may mắn, như vậy, nhưng có lẽ cũng là do fate cả, haha.

tôi của hiện tại, có thể hoàn toàn không hiểu hết những suy nghĩ của một bức tranh hơn trăm tuổi nhưng mang ngoại hình của một cô bé con mười bốn như em. nhưng tôi vẫn sẽ ghi lại kỷ niệm ấy, ghi lại câu trả lời của em về những câu hỏi tôi đặt ra. để tôi của sau này, nếu có bắt gặp, vẫn sẽ nhớ ra rằng, mình đã gặp một katsushika yohko, một ⌈sóng lừng vùng kanagawa⌋ như thế.

và thế giới trôi nổi của em, mặc dù tôi chẳng thể thấy rõ, nhưng nếu ở nơi bay bổng ấy, em có thể nhìn thấy rõ bầu trời xanh mà em và danique van gogh kia cùng nhìn thấy, thì tôi cũng lấy làm vui cho em.

thế giới trôi nổi của katsushika yohko

[kết thúc]

_________________________

ôi 4231 từ . . . cảm thấy nó có chút không đẹp lắm, nhưng mình cũng không làm gì được nữa, đành để vậy thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top