Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 52: Ngôi làng giống nhau

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ba Nãi chính là ngôi làng mà A Quý ở, cũng là một thôn làng người Dao điển hình, có điều, chúng tôi mới ở đó được có vài ngày, không quen thuộc địa hình trong làng cho lắm. Vân Thái vừa nói thế, tôi thật sự có chút bất ngờ.

“Điểm gì giống?” Bàn Tử cầm lấy tấm sơ đồ đưa qua, “Thôn làng của các em không phải đều na ná như nhau à?”

Vân Thải cũng không dám nói chắc, bèn đưa tấm sơ đồ cho A Quý, nói: “Cha ơi, cha xem xem.” Bọn tôi cũng lập tức sán lại gần.

A Quý nhìn một lúc, mới đầu dường như cũng không hiểu lắm, Vân Thải bèn chỉ vào một chỗ trên sơ đồ, sau đó trao đổi vài câu bằng tiếng địa phương, anh ta mới bừng tỉnh, gãi đầu gãi tai nói: “Í chà! Thật đúng là có điểm giống.”

Tôi bắt đầu có hứng thú, suy cho cùng bọn tôi cũng không phải dân địa phương, có nhiều điểm không thể nhạy cảm bằng những người đã sống ở đây suốt nhiều thế hệ được. Với cả, con gái cũng vốn chu đáo tỉ mỉ hơn, nên bèn bảo cô bé chỉ cho bọn tôi xem xem.

Vốn tôi tưởng rằng, có thể là do thế núi ở vùng hồ và thế núi xung quanh Ba Nãi tương đối giống nhau dẫn đến việc cấu trúc tựa núi của hai ngôi làng có thể cũng có vài điểm tương đồng mà thôi, nhưng khi Vân Thải vừa chỉ ra, tôi liền rùng mình một cái.

Bởi vì điểm giống nhau, lại chính là các con đường và các hàng rào giậu.

Vân Thải nói với tôi, lần đầu tiên cô bé nhìn thấy tấm sơ đồ này, liền phát hiện ra rõ ràng hướng đi của các con đường và hàng rào trong “ngôi làng dưới đáy hồ” này giống y đúng thôn làng của bọn họ. Điểm này khiến cô rất lấy làm lạ, dần dần sau đó mới phát hiện ra một vài bộ phận khác của ngôi làng cũng có nhiều điểm rất giống nhau nữa.

Tôi không có khả năng nhớ kỹ toàn bộ hướng đi của các con đường lát đá và bậc thang đá trong làng Ba Nãi, nhưng vẫn còn nhớ các con đường xung quanh ngôi nhà của A Quý, vừa thử tham chiếu lại, quả nhiên đúng là như thế. Chỉ cần xoay tấm sơ đồ mặt bằng này sang một hướng khác, lập tức có thể tìm thấy mấy con đường nhỏ gần nhà A Quý, những điểm giao lộ cực kỳ giống trong tấm sơ đồ này.

Tôi suy nghĩ một lát liền toát hết cả mồ hôi lạnh, điểm này có chút quá đà rồi. Tấm sơ đồ này vẽ sơ lại mặt bằng ngôi làng dưới đáy hồ, ngôi làng đó đã bị chìm có lẽ phải đến trăm năm ngàn năm rồi, thế nhưng bây giờ lại phát hiện, ngôi làng dưới đáy hồ cùng ngôi làng đang tồn tại trong hiện thực lại có vô số điểm giống nhau cực kỳ, thế là thế quái nào?

Tuy đã cố gắng kìm nén cái cảm giác sởn da gà này xuống, nhưng tôi vẫn không khỏi run bắn lên, trực giác cho tôi biết, có lẽ đây là một vấn đề lớn.

Hít sâu mấy hơi trấn tĩnh lại, sau đó bảo Vân Thái chỉ rất hết những điểm giống nhau giữa hai ngôi làng, tôi phải xác định lại xem có phải những điểm giống nhau đó là vì nguyên nhân tự nhiên đặc thù nào đó hay không.

Có lẽ lúc đó sắc mặt của tôi có hơi dọa người, Vân Thái thấy tôi có vẻ nghiêm trọng như thế liền sợ hãi, không dám nói câu nào. Bàn Tử vỗ tôi một cái, bảo tôi đừng có hù dọa con gái nhỏ nhà người ta, tôi mới nhận ra mình có hơi quá đáng rồi.

Chúng tôi bắt đầu xem xét từ cổng làng, cho đến cuối làng, càng nói, trong lòng tôi càng lạnh lẽo, nhận ra rõ ràng sự tương đồng này không thể nào là do ngẫu nhiên được. Từ vị trí mấy miếu thờ ngoài cổng làng, cho đến phần lớn những con đường lát đá bên trong, hàng rào giậu, cả cách sắp xếp nhà cửa, thực sự là quá giống nhau.

Nguyên nhân có thể tạo thành tình huống như vậy, chỉ có một khả năng, đó là ngôi làng cổ dưới đáy hồ và làng Ba Nãi đều do cùng một người thiết kế.

Thế nhưng, ai lại có thể thiết kế ra làng được? Làng xóm hình thành một cách tự nhiên, trải qua hàng ngàn năm, những người thôn dân tự điều chỉnh, sắp xếp, tìm kiếm nơi xây nhà thích hợp nhất, tìm vị trí con đường thích hợp nhất, cứ thế, dần dần tạo thành cấu trúc nhà cửa phố xá.

Điều khiến tôi chú ý nhất là sự giống nhau về độ cao của con đường. Khi một ngôi làng đã được hình thành, đặc biệt là làng trên núi, đường phố là thứ khó có thể thay đổi nhất dù trong một thời gian rất dài, bởi vậy mới có lối nói “đường cổ gió tây”. Các thôn dân cùng lắm cũng chỉ sửa chữa các con đường mà thôi, chứ không thể xóa sổ nguyên một con đường, rồi lại khai thông ra một con đường khác. Các con đường trên xóm núi mà chúng tôi từng đi qua, phần lớn đều đã tồn tại từ thời Lưỡng Tấn. Kể cả ở Hàng Châu, có nhiều con đường đá trên núi do các tăng nhân hòa thượng trong chùa tu tạc nên từ rất lâu trước kia, cho đến ngày nay, chính phủ cũng chỉ sửa chữa lại nó mà thôi.

Cho nên, sự giống nhau về độ cao giữa các con đường cổ trong làng Ba Nãi và các con đường trong ngôi làng dưới đáy hồ chính là một điều hết sức bất thường, thậm chí có thể nói là quỷ dị. Đối với một kẻ học kiến trúc như tôi mà nói, càng suy nghĩ, thì bao nhiêu thứ trong đầu lại càng rối tung lên như mớ bòng bong, mà vẫn không biết mình đang tìm kiếm điều gì.

Bàn Tử còn chưa nhận ra là tôi đã nghĩ xa đến thế, hỏi: “Thiên Chân, cậu từng nghe nói qua chuyện nào tương tự như thế trước đây chưa?”

Tôi lắc đầu bảo anh ta đừng hỏi nữa, đây không phải chỉ đơn thuần là “nghe nói qua”, hai quần thể kiến trúc có kết cấu giống hệt nhau, trong lịch sử, chuyện như thế chỉ có một người từng làm, đó là Uông Tàng Hải. Hai thành phố do ông ta chịu trách nhiệm thiết kế là thành Khúc Tĩnh và thành Áo Môn cũng đều hoàn toàn giống nhau, nhưng đó đã sang phạm vi thành phố rồi, thành thị còn có thể quy hoạch được, chứ làng xóm thì hoàn toàn khác, tôi chưa bao giờ nghe nói ở đâu có hai ngôi làng hoàn toàn giống nhau.

Hơn nữa, nếu như cả hai ngôi làng cùng tồn tại, có thể nói thật sự là một kỳ quan, hoặc là một trò đùa ác của một cao nhân ẩn thế nào đó, nhưng bây giờ, một ngôi làng còn tồn tại, một ngôi làng đã chìm dưới đáy hồ.

Dù tôi có tự nhủ mình không được phức tạp hóa vấn đề lên ra sao, nhưng trực giác của tôi vẫn cứ cảnh báo rằng, chuyện đã xảy ra ở đây tuyệt đối không hề đơn giản. Hiện giờ trong tay tôi nắm giữ một mảnh nhỏ, chẳng qua chỉ là lớp vỏ mỏng ngoài cùng của củ hành tây “sự thật”.

Bàn Tử thấy tôi không có phản ứng gì, bèn đi hỏi Muộn Du Bình. Muộn Du Bình cũng không trả lời, như thể hắn không hứng thú với vấn đề này, chỉ ngồi đờ ra.

A Quý tránh né nói: “Theo truyền thuyết của chúng tôi, ngôi làng vốn ban đầu không ở vị trí đó, mà là ở trong núi Sừng Dê. Có khi cũng đúng như lời ông chủ Béo nói đấy, ngôi làng bên dưới đó có lẽ chính là làng cổ của chúng tôi, ngôi làng không phải bị lửa thiêu, mà là bị nước nhấn chìm, sau đó tổ tiên chúng tôi bèn ra ngoài, thấy thế núi cũng tương tự, bèn xây dựng lại một ngôi làng giống hệt ngôi làng nguyên gốc, dù sao thì núi ở nơi này với núi ở ngoài kia cũng na ná nhau mà!”

Tôi nói với anh ta: “Trừ phi tổ tiên các anh có nghiên cứu rất sâu về thuật phong thủy, bằng không, cho dù có phỏng theo, cũng rất khó có thể bắt chước giống đến mức độ này.”

“Muốn đạt được mức độ giống nhau như thế này, phải tiến hành đo lường tính toán rất kỹ lưỡng ở thôn làng nguyên gốc khi nó còn chưa bị nhấn chìm, mà ngày đó người Dao vẫn còn đang trong giai đoạn chưa được khai hóa, không thể có tài nghệ đến mức ấy được.”

Vân Thái bĩu môi: “Ông chủ, dựa vào cái gì mà anh coi thường người Dao thế? Không chừng có một người như vậy thật thì sao!”

Tôi cười khổ, không phải là tôi coi thường, mà là nếu điều này là thật thì sự việc phức tạp hơn nhiều, bèn đáp: “Cho dù có một người như vậy thật thì vẫn không hợp lẽ, bởi làm vậy hoàn toàn là không cần thiết. Văn hóa người Dao cũng không có quy định ngặt nghèo gì về kiến trúc xây dựng, vậy cần gì phải xây lại một ngôi làng giống hệt làng cũ làm gì? Kết cấu của ngôi làng này, bản thân nó vốn không mang ẩn ý gì đặc biệt.”

Trên khắp Trung Quốc có rất nhiều ngôi làng do cao nhân thiết kế, ví dụ như Du Nguyên thôn ở Chiết Giang, do Lưu Bá Ôn xây dựng dựa trên tinh tượng, cả ngôi làng là một bản đồ sao khổng lồ. Nhưng sơ đồ mặt bằng ngôi làng này lại hoàn toàn không có quy hoạch gì cả, dựa vào kiến thức của tôi, thì không thấy có gì kỳ hoặc trong này hết.

“Cậu nghĩ sao?” Bàn Tử hỏi tôi, “Chắc chắn là cậu có ý tưởng gì rồi.”

Quả thực, tôi có một vài suy đoán, nhưng thật ra có suy đoán cũng chẳng ích gì, bèn lắc đầu: “Tôi chỉ có thể xác định, việc này là cố ý, hơn nữa còn tốn rất nhiều sức lực mới làm được, bởi vì người bình thường cho dù có muốn xây cũng không thể xây được giống đến mức độ này.” Tôi cảm thấy điều khó lý giải nhất, đó là một sự kiện rõ ràng như thế này mà lại không có bất kỳ truyền thuyết nào nhắc đến.

A Quý có ký ức của bao thế hệ để lại, thôn làng hiện tại của bọn họ cũng có niên đại rất lâu rồi. Nói cách khác, hành động “copy” này đã xảy ra từ cách đây rất lâu. Từ một vài dấu vết trong Trương gia lâu mà phán đoán, thì thời gian khai thác mỏ ngọc cũng không quá muộn cho lắm. Nước hồ bị chảy ngược có lẽ là vì hành động khai thác mỏ ngọc này, bằng không hầm mỏ không thể nào tu sửa gì được.

Ba sự kiện này, “copy”, nước hồ chảy ngược, khai thác mỏ ngọc, sắp xếp lần lượt theo thời gian phát sinh thì có lẽ sự kiện “copy” xảy ra trước sự kiện khai thác mỏ ngọc, cuối cùng mới là sự kiện nước hồ chảy ngược.

Nói cách khác, trước khi mỏ ngọc bị khai thác, cái hồ kia không hề tồn tại. Ngôi làng không bị ngập, cho dù đã bị bỏ hoang, thì nó vẫn tồn tại ở đó.

Nếu như vậy, thì chắc chắn dân bản xứ phải biết đến sự tồn tại của ngôi làng giống như đúc đó, cho dù sau này nó có bị ngập, thì trải qua thời gian lâu dài như thế, ít nhất cũng phải tồn tại dưới dạng truyền thuyết.

Hơn nữa, loại truyền thuyết này sẽ được lan truyền trong phạm vi rất rộng, ngay cả những ngôi làng ở bên ngoài cách đến mấy chục dặm, cũng không khỏi có sự lưu truyền.

Thế nhưng, A Quý lại nói không hề có bất kỳ một truyền thuyết nào đề cập đến ngôi làng dưới đáy hồ. Ngôi làng cổ bí ẩn này cứ như thể là một ngoại lệ, hoàn toàn bị người đời quên lãng trong dòng chảy của lịch sử.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top