Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 11: Quyết tử chiến, hầu tướng Vương Lâm cản giặc mạnh

Đang nói Trần Quốc Tuấn xin nhà vua bỏ Thăng Long cho dân tạm lánh về Thiên Trường thì có người đứng ra phản đối. Các tướng nhìn xem hoá ra là Phú Lương hầu Vương Lâm. Trần Quốc Tuấn nói:

- Tấm lòng của Phú Lương hầu thật đáng quý nhưng nếu giặc vào sâu, việc đánh chúng sẽ dễ dàng hơn. Vì quân giặc hết lương thực, hết cỏ rơm. Ta chôn giấu thóc lúa, chúng chẳng biết đâu mà cướp bóc. Trời gần sang tiết Xuân sẽ có mây mưa, người ngựa của chúng không hợp thuỷ thổ tất sinh ra bệnh tật, quân số cũng ngày càng hao mòn lại không có viện binh, lòng quân hoang mang. Đó toàn là những điều đại kị trong phép dùng binh. Tôn tử nói gặp trường hợp như vậy cứ đánh không nghi ngại.

Thái Tông nói:

- Tiết chế lý giải rất minh xác nhưng quân ta rút đi ngay, chỉ một sớm một chiều giặc Thát vào tới Thăng Long vậy làm sao đưa dân lánh đi cho kịp?

Lê Tần nói:

- Xin quan gia hãy chọn một tướng đảm lược có thể giữ chân giặc lại, việc ấy chắc xong.

(Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 19 (Canh Tuất 1250) vua Trần ban chiếu cho thiên hạ gọi vua là quan gia - ĐVsktt)

Quốc Tuấn nói:

- Việc này quan gia cùng chư tướng không phải lo nữa. Thái sư và Thiên Cực công chúa phu nhân đã sắp đặt đâu vào đấy cả rồi. Vả lại ta có rút đi, giặc Thát cũng còn phải dồn quân, chưa thể mang toàn binh vào thành ngay được. Nếu có một tướng dám ở lại giữ chân chúng, đại quân ta rút đi càng nhàn.

Vương Lâm hăng hái bước ra nói:

- Sao lại không có tướng nào dám giữ chân giặc? Tôi tuy tài hèn cũng xin ở lại ngăn binh giặc để quan gia cùng chư tướng đem quân đi.

Quốc Tuấn thấy Vương Lâm nói vậy, bảo:

- Binh thư có nói tướng vì hờn giận mà ra quân thì thất lợi. Tôi e tướng quân có điều còn chưa hài lòng chăng?

Vương Lâm nói:

- Tôi không có hờn giận gì, chỉ muốn dốc lòng báo quốc. Tôi còn sống, quyết không để giặc Thát qua được bến sông này.

Thái Tông nói:

- Vậy ta cử Phú Lương hầu ở lại ngăn giặc. Còn toàn quân cấp tốc đi ngay.

Quốc Tuấn cho bộ binh lên thuyền đi đường thuỷ do Lê Tần thống lĩnh bảo vệ nhà vua theo sông Cán Khê ra sông Nhị, quân kỵ theo đường bộ vượt sông Thiên Đức về Tế Giang do Trần Khuê Kình chỉ huy, hai đường hẹn ngày hôm sau sẽ hội quân trên sông Thiên Mạc, một mặt cho phi mã hoả tốc về Thăng Long đốc thúc việc đưa dân và hoàng tộc lánh đi, còn mình đi thuyền nhẹ về gặp thái sư Trần Thủ Độ ở Đông Bộ Đầu bàn kế phá giặc và chuyển toàn bộ căn cứ này đến Thiên Mạc.

Cốt Đãi Ngột Lang dẫn kị binh đuổi theo vua trần suốt ngày không kịp, đến sông Cà Lồ trời đã tối, cầu Phù Lỗ lại bị phá mất, nhìn sang bên kia thấy đèn đuốc sáng như sao sa, chăng suốt một tuyến dài bên bờ sông, liền cho quân dừng lại nghỉ qua đêm. Hoài Đô thấy vậy nói:

- Người Nam ít quân nên đốt nhiều đèn đuốc để nghi binh thôi. Sao thống tướng không cho đánh ngay đi?

Ngột Lang bảo:

- Phép tranh thắng không ngoài hai chữ thực hư. Quốc Tuấn còn trẻ tuổi nhưng là con mọt sách ranh mãnh lắm. Sáng nay nó đã dùng kế hư thực làm ta mắc bẫy, bây giờ lại đem kế thực thực để nhử ta đây. Vả lại quân ta đánh nhau từ sáng đến giờ người ngựa mỏi mệt cả. Binh thư có nói trời tối đường xa, thà để người mệt còn hơn ngựa mệt. Cứ nghỉ đi, đợi hậu quân dồn cả lên, ngày mai cùng tiến đánh.

Bên kia Vương Lâm đốc thúc quân lính canh phòng nghiêm mật, nửa đêm đi tuần qua các trại lính thấy có một chỗ năm sáu người xúm lại, mới ghé vào. Đó là đội binh làng Cao Duệ. Anh lính tốt Mai Văn Tự đang lên cơn sốt rét người nóng như than. Vương Lâm nói:

- Các ngươi cử hai người đưa anh này về phía sau kẻo ngày mai đánh nhau mà ốm thế này làm gì được.

Mai Văn Tự ngồi nhỏm dậy, nói:

- Xin tướng quân đừng bắt tôi phải lui đi. Tôi chỉ sốt qua loa, đã có thuốc của anh Phạm Anh cho đây rồi, chắc chỉ một lúc là khỏi. Tôi còn sức giết Thát mà.

Vương Lâm nhìn người lính tên Phạm Anh, thấy có nét quen quen nhưng không nhận ra đã gặp ở đâu, hỏi:

- Ngươi có thuốc gì mà thần hiệu đến vậy?

Phạm Anh thưa:

- Trình tướng quân! ở đây rừng suối âm u, lam sơn chướng khí, quân ta sốt rét rất nhiều. Tôi thường lấy cây Mã Liên An đun nước cho anh em uống ạ.

(Mã Liên An (Ngựa liền yên): Một tên khác của cây Hà Thủ Ô trắng, có tác dụng chữa sốt rét. Truyền thuyết kể rằng ngày xưa có một vị tướng đi đến bến sông, bị sốt, có người lấy cây ấy sắc nước cho uống, liền khỏi bệnh. Vị tướng tặng người ấy con ngựa cùng với yên cương để tạ ơn. Vì vậy thành tên Mã Liên An cho cây ấy (xin xem thêm cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của giáo sư Đỗ Tất Lợi).)

Vương Lâm vui vẻ hỏi:

- Tốt! Tốt! Ngươi học ở đâu được bài thuốc này vậy?

- Dạ! Trình tướng quân! Đó là thầy tôi dặn làm như vậy đấy ạ.

- Thầy ngươi là thầy lang ư?

Vũ Tuấn láu táu nói thay:

- Trình chủ tướng! Thầy anh ấy là quân dược hiệu uý Phạm Hữu đấy ạ.

Vương Lâm mừng rỡ kêu lên:

- Trời! Thảo nào ta thấy ngươi rất giống cha ngươi. Cha ngươi cũng đã từng chữa bệnh cho ta. Vậy ta giao cho ngươi lấy thêm hai người đưa hết số anh em ốm đau về phía sau. Đi ngay đêm nay.

Phạm Anh thất sắc, quỳ xuống nói:

- Sắp được giết quân Thát, chúng tôi chờ mãi ngày này rồi. Xin tướng quân đừng bắt chúng tôi đi.

Vương Lâm nghiêm mặt nói:

- Giám binh đâu? Giặc đã kề bên. Kỷ luật không nghiêm đánh sao được. Lời ta nói là quân lệnh. Binh sĩ không nghe lời tướng, phải xử thế nào?

Viên giám binh đứng cạnh nói:

- Quân không nghe lệnh tướng là loạn binh phải chém.

Vương Lâm hỏi:

- Phạm Anh! Ngươi có nhận lệnh không?

Phạm Anh không biết làm sao đành quỳ xuống xin tuân lệnh. Trước khi đi còn dặn bọn Văn Điền, Sĩ Hiệp:

- Các cậu giết thêm cho chúng mình mỗi người một thằng lính Thát nhé.

Vương Lâm gặp Phạm Anh lại nhớ đến Phạm Hữu và Nguyễn Bằng. Ông liền quay về lều chỉ huy viết một bức thư và một tờ mật lệnh, gọi người lính truyền tin, nói:

- Ngươi đem bức thư này theo mật tuyến đến trao cho tướng quân Hà Bổng ở Quy Hoá, bảo chuyển ngay sang Đại Lý cho hiệu uý Nguyễn Bằng.

Đêm ấy trong trại quân Thát có nhiều người tự sát. Đó là những tên lính bị thương vì trúng tên nỏ của quân Đại Việt. Người Thát bắn bằng cung, mũi tên dài mà to, thoạt trông dễ sợ nhưng mũi tên không trúng chỗ hiểm thì không giết được đối thủ. Quân Việt bắn bằng nỏ, mũi tên nhỏ, ngắn, đều có tẩm thuốc độc. Kẻ nào bị tên bắn phải, lúc đầu tưởng không có gì ghê gớm nhưng chỉ sau mấy canh giờ chất độc phát tác, đau nhức không thể chịu nổi, qua một đêm độc tố chạy vào tim là chết, không tài nào cứu được. Nhiều người đã rút gươm kết liễu cuộc đời để giải thoát khỏi những cơn nhức buốt và khát nước. Ngạc Cáp Đan không ngoài số ấy. Những con ngựa trúng tên cũng không sống quá hai ngày. Cốt Đãi Ngột Lang sai quân dược chữa trị đều vô hiệu.

Mờ sáng hôm sau, Cốt Đãi Ngột Lang cho nổ pháo, xua quân tiến sang. Lòng sông Cà Lồ mùa cạn hẹp như khe suối. Cốt Đãi Ngột Lang sai lính đi dọc bờ bắn lên trời, chỗ nào tên rơi xuống không nổi lên là chỗ nông, cho lính lội qua (Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Lương Bích). Vương Lâm chờ quân Thát sang đến nửa sông mới lệnh cho lính nhất loạt bắn tên, bắn đá ra. Quân Thát chết, xác người xác ngựa lấp đầy lòng sông làm ứ cả nước. Cốt Đãi Ngột Lang múa cây đại đao xông lên trước, hô:

- Trèo qua xác chết mà sang. Kẻ nào lui lại, chém!

Nói xong thúc ngựa sang sông. Quân sĩ ào ạt kéo theo. Quân Vương Lâm ít không cản được. A Truật, Tín Thư Phúc, Hoài Đô đã sang được cả, đánh dồn quân Vương Lâm lên cánh đồng. Vương Lâm nói với quân sĩ.

- Ngày thường chúng ta ăn cơm vua nhận lộc nước, nay không liều thân báo quốc còn đợi lúc nào?

Nói xong dẫn quân sĩ nhất loạt xông lên xáp chiến. Vương Lâm gặp ngay A Truật. Hai người đâm chém nhau một lúc, không ai sơ hở miếng nào. Hoài Đô trông thấy nhảy lại đánh giúp, rồi Tín Thư Phúc cũng đến. Ba tướng vây Vương Lâm vào giữa trận. Vương Lâm cố sức đánh nhưng không chống được với ba tướng Thát, bị Tín Thư Phúc chém một nhát gãy tay trái. Lâm ngửa mặt lên trời kêu:

- Hoàng thượng ôi! Thần nguyện chết ở đây.

Nói xong, tay phải cầm giáo nhằm Hoài Đô xốc đến. Hoài Đô hoảng quá bỏ chạy. Tín Thư Phúc thấy vậy đuổi theo, định chém một nhát quyết định. Vương Lâm biết có người đuổi sát, quay ngoắt lại dồn sức đâm một nhát cực mạnh. Tín Thư Phúc trở tay không kịp, bị ngọn giáo xuyên qua miếng hộ tâm vào ngực, chết lăn xuống ngựa. Vương Lâm mất nhiều máu cũng kiệt sức ngã theo. Năm ấy ông bốn mươi chín tuổi.

Về sau có người lính tốt làm bài thơ rằng:

Mấy đời thờ Trần chúa

Sống chết chẳng sờn lòng

Giữa trời vầng nguyệt tỏ

Vương Lâm tấm gương trung.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top