Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 14: Phạm Hữu, Nguyễn Bằng trở về quê cũ (1)

Không biết bao nhiêu trai tráng Đại Việt đã bỏ mình vì nước, trong đó có rất nhiều con em những người dân ở Hải ấp. Hoàng thượng đã ban chỉ dụ cấp cho mỗi binh lính chết trận một đạo sắc phong dũng binh cùng tấm hoành phi với ba chữ đại Tử vị quốc sơn son thếp vàng để người thân khói hương thờ phụng, lại cấp cho cha mẹ những người lính ấy mỗi người một suất bổng hàng tháng, hưởng đến trọn đời, con cái được nuôi dưỡng đến khi trưởng thành. Những vợ lính chết trận, nếu không tái giá được cấp bổng như cha mẹ chồng để lo phần hương hoả.

Từ lúc ở đình về, bà Tô như người điên loạn, bà khóc con. Bà khóc cái thằng Tô Đại Cơ mất dạy của bà. Cái thằng bố phải tức đến chết vì không thể nào nói được. Cái thằng chỉ biết có uống rượu cùng ghẹo gái, ai ngờ đâu lại có hành động anh hùng đến vậy. Người ta bảo rằng thập vận binh số mười lăm chở quân lương bất ngờ bị lính Thát xông ra đánh cướp ở bãi sông, mười anh em quyết đánh trả bọn giặc, chín người kia lần lượt tử thương chỉ còn một mình Tô Đại Cơ chống sào đẩy thuyền ra xa bờ. Bọn Thát bắn theo như mưa. Trên người Cơ trúng mấy mũi tên. Biết mình không thể sống, chàng lấy gươm chọc thủng thuyền, dìm lương thực xuống sông để quân Thát không cướp mất. Khi quan quân đánh lui toán quân Thát, không ai tìm thấy xác Tô Đại Cơ đâu.

- Ôi con ơi! Con vì nước vì dân mà chết. Từ nay mẹ biết sống thế nào đây?

Linh Từ quốc mẫu về quê dưỡng bệnh, sang thăm an ủi.

- Thôi chị ơi! Bây giờ dẫu có khóc than vật vã cũng không thể làm người đã chết sống lại được, mà chỉ tổn hao sức khoẻ. Cháu nó đã vì nước vì dân mà hiến thân mình, cũng nên lấy đó làm điều vinh hạnh. Nhà vua, triều đình cùng muôn dân bách tính đâu có quên công ơn ấy.

- Ới cô ơi! Ai cũng biết là như vậy. Nó sống chỉ là thằng ăn tàn phá hại. Nó chết, tôi còn có phận nhờ, còn được mát mặt, nhưng đẻ con ra ai lại mong con chết để mà hưởng cái sự hiển vinh bổng lộc bao giờ.

Cả Hải ấp ai cũng bảo.

- Cái thằng Tô Đại Cơ ở nhà hư thế, mới vào lính rèn dũa được mấy ngày đã trở thành người can trường đến vậy. Thế mới biết ngọc bất trác bất thành khí. Bây giờ nói đến nó ai chả thương.

(Ngọc không mài giũa không thể thành bảo vật)

- Chết vì nước như thế cũng đáng là cái chết.

Chị tư Phúc không còn có thể khóc thêm được nữa. Sau cái buổi tối anh cả Thìn báo tin anh tư Phúc đã nằm lại ở chiến trường Bình Lệ, chị như kẻ rơi xuống vực sâu không đáy, vùng vẫy gào khóc nhưng không làm sao thoát ra khỏi cảm giác chơi vơi, hụt hẫng. Hai đứa con còn bé, chúng chưa ý thức được cái điều quan trọng đang xảy ra với gia đình chúng, chỉ lờ mờ hiểu rằng từ nay bố chúng không về và thấy mẹ khóc gào, thằng anh dắt thằng em lùi lũi tìm chỗ ngồi yên. ít ngày sau vị lý tể đến đưa giấy của triều đình báo việc anh tư Phúc tử trận và cho người treo lên gian chính giữa nhà bức hoành phi có ba chữ đại Tử vị quốc cùng mấy quan tiền tỉnh bách do nhà nước cấp (Năm Khiến Trung thứ 2 (1226) nhà Trần phát hành hai loại tiền: Tiền tỉnh bách có 69 đồng một quan, dùng tiêu trong dân chúng. Tiền thượng cung có 70 đồng để nộp cho công khố (ĐVsktt).). Thôi chẳng phải nói chị tư Phúc vật mình khóc than thảm thiết thế nào nhưng dù nỗi đau buồn có lớn lao đến đâu cũng không thể giết chết được vẻ đẹp căng thừa sức sống của người đàn bà chưa vượt qua tuổi hăm nhăm. Điều đó làm cho lý tể Vũ Tình thấy lúng túng, lúc lúc lại đưa mắt nhìn trộm bộ ngực phồng đẫy của nàng goá phụ rung lên theo tiếng nấc nghẹn ngào. Trong đầu óc giàu sức tưởng tượng của Vũ Tình hiện ra toàn những trò tục tĩu. Nhưng ngày ấy nền văn minh nhân loại chưa "chế tạo" được nhiều kiểu tình ái như dăm bảy thế kỉ sau này mà "kĩ thuật" hôn nhau cũng mới chỉ truyền tới tầng lớp quan trên của đất Đại Việt nên dù có thèm thuồng đến đâu, Vũ Tình cũng chỉ quanh quẩn trong ý nghĩ muốn chị tư Phúc sinh cho mình một đứa con trai.

Bên nhà bà cụ Hải vẫn im ắng, kể cả khi lý tể Vũ Tình đến báo tin con bà tử trận. Bà cụ không khóc, bà ngồi im, một sự im lặng đanh rắn như được vón kết bằng mọi nỗi khổ đau trên thế gian dồn lại. Cô con gái bà thắp mấy nén nhang cắm lên ban thờ, khấn vái người anh trai, hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Cô bé khóc tức tưởi không bật lên thành tiếng.

Trời nắng như lửa cháy những người lính bị thương tản vào các gốc cây đợi gọi tên mình đến nhận tấm thẻ thương tích. Ai có thẻ thương tích khi về quê được miễn lao dịch và được cấp một khoản tiền hàng tháng.

Đám lính làng Cao Duệ có mấy người như Nguyễn Văn Điền, Vũ Tuấn đã lĩnh được thẻ. Người ta gọi đến Đoàn Sĩ Hiệp. Viên giám binh hỏi:

- Anh bị thương ở đâu?

Sĩ Hiệp trả lời.

- Tôi bị đập một chuỳ vào lưng rơi từ gò cao xuống, từ ấy như người bị ép ngang ngực, thỉnh thoảng ho ra máu chứ không có vết thương nào cả.

Viên thư lại nói:

- Thế này làm sao mà cấp thẻ cho anh được? Thẻ thương tích là phải có thương tích rõ ràng chứ. Ai ép anh ở ngực thì ai biết cái sức ép ấy nó thế nào. Quân dược hiệu uý, ý ngài thế nào?

Quân dược hiệu uý Phạm Hữu nói:

- Để tôi khám cho cậu ấy xem đã.

Nói xong ông bắt mạch khám cho Sĩ Hiệp, nói:

- Anh này bị nội thương chưa khỏi, rõ ràng bị đánh rất mạnh, có thể cấp thẻ thương tích được.

Viên thư lại viết tên Sĩ Hiệp vào tấm thẻ xương. Vị giám binh cầm tờ thân sử của Sĩ Hiệp lên xem, cười nói:

- A! Anh này là người cùng làng với quân dược hiệu uý đây mà. Có phải vì tình thân thuộc mà quân dược hiệu uý nói như vậy không?

Phạm Hữu nói:

- Tôi quả thực không biết anh ta, chỉ đúng hiện tình mà làm thôi.

Viên giám binh nói:

- Ông nói lạ. Người cùng làng mà không biết nhau được ư?

Phạm Hữu nói:

- Tôi đi khỏi làng đã hơn ba mươi năm nay, năm chừng mười họa mới về, làm sao biết được những người mới hai mươi tuổi?

- A! Ông dám bẻ lại tôi à. Bay đâu! Đuổi tên lính này ra ngoài. Quân dược hiệu uý, ông nên dâng lá đơn mà về an dưỡng tuổi già được rồi đấy.

Phạm Hữu đứng lên chắp tay nói:

- Cám ơn ngài! Đó là điều tôi vẫn mong mỏi từ lâu.

Nói xong, Phạm Hữu đứng dậy đi ra. Viên giám binh bảo viên phó hiệu uý quân dược:

- Hắn đi rồi! Từ nay ông không phải dè chừng ai nữa cứ tuỳ ý mà làm, miễn sao chúng ta cùng có lợi là được.

- Tôi sợ ông ta bẩm lên cấp trên, chúng ta khó mà thoát tội.

- Ông lo xa quá làm chi. Tôi chỉ việc cho hắn mấy chữ tư vị cá nhân, coi thường vương pháp, báo man thương tích cho người thân thuộc, dẫu hắn có muốn yên thân về quê cũng không được nói chi đến chuyện làm hại ai.

- Nhưng ông ta là người có công cứu chữa nhiều tướng sĩ, lại rất liêm chính từ trước tới nay, dễ gì mà hại được.

- Ông thật quá khờ dại. Đấy chính là tội của hắn chứ đâu phải là công. Công lao ấy, tư chất ấy có khác nào cái gai trước mắt bao nhiêu người kể cả chánh ty quân dược. Những ai có tư túi ít nhiều đều ghét hắn. Ta chỉ việc hô lên một tiếng khối kẻ làm theo.

- Như thế chẳng hoá ra loạn lắm sao?

Viên giám binh cười hề hề, nói:

- Chứ sao nữa. Hết giặc ngoại bang mới bắt đầu loạn!

Đây nói chuyện Nguyễn Bằng giả vờ buôn bán ở thành Thiện Xiển bên Đại Lý đã hơn ba năm, mọi tin tức thu lượm được đều gửi theo mật tuyến về cho hầu tướng Vương Lâm. Hôm ấy trời rét, tuyết rơi nhiều nhưng vì là tháng cuối năm nên cửa hàng vẫn mở. Khách mua hàng ra vào tấp nập. Đâu đâu cũng nói chuyện chiến sự ở ích châu, ở Ngạc châu và ở Đại Việt. Nhiều kẻ nói rằng thống tướng Cốt Đãi Ngột Lang đánh tan mấy đạo quân Đại Việt, sắp bắt được vua Đại Việt rồi. Lại có người bảo thống tướng bị thua mấy trận liền, hết cả quân lương mà vẫn chưa đến được thành Đại La. Rất nhiều dân phu bị bắt đi phục dịch quân đội quay về nói:

- Chưa biết được thua thế nào nhưng đường sang An Nam khó khăn lắm. Tất cả dân binh chúng tôi không theo kịp được quân đội, đều tụt lại phía sau. Nghe nói phía trước đang giao tranh dữ dội. Quân ta thiệt hại cũng nhiều.

(Chỉ quân Mông Thát và Bắc Thoán)

Chiều hôm ấy có người lính truyền tin đưa đến cho Nguyễn Bằng bức thư triệu hồi. Nguyễn Bằng bàn giao công việc cho người ở lại, theo anh lính mật tuyến trở về, đi đến ải Quy Hoá gặp quân của Hà Bổng đang truy đuổi tàn quân Mông Thát. Nguyễn Bằng liền nhập vào đội quân của Hà Bổng cùng đánh giặc cho đến khi bọn Cốt Đãi Ngột Lang chạy hết về bên kia biên giới. Xong việc, Hà Bổng cho người đưa Nguyễn Bằng về đến thành Đại La. Nguyễn Bằng đến phủ họ Vương mới hay tin tướng Vương Lâm đã tử trận, thành ra không biết liên hệ với ai, đành đến binh trạm báo việc mình trở về. ở binh trạm người ta yêu cầu Nguyễn Bằng trình bức thư của Vương Lâm nhưng bức thư đã thất lạc trong khi cùng Hà Bổng truy đuổi quân Thát. Viên đô uý ở binh trạm nói:

- Như vậy là chưa có lệnh của thượng cấp ông đã bỏ vị trí thừa hành công vụ. Tội ấy chẳng nhỏ chút nào. Lính đâu! Giam người này vào nhà lao chờ điều tra rõ đã.

Thế là Nguyễn Bằng bị tống vào thiên lao, chẳng biết kêu với ai.

Mùa thu tháng bảy, ngày rằm, dân Đại La cúng cháo thí cầu siêu cho những oan hồn. Các gia đình có người nhà chết trận đốt vàng mã mong cho người cõi âm có được cuộc sống đủ đầy. Bà cụ Hải chia nắm giấy tiền ra làm hai, phần ít đốt trước, phần nhiều đốt sau. Bà vừa đốt vừa khấn. Những tàn tro theo gió bay tản mát như vãi bạc, phân phát cho các cô hồn. Cô con gái hỏi mẹ:

- Sao bu không đốt luôn một lượt lại chia ra làm gì?

- Dương sao âm vậy con ạ. Muốn gửi được tiền vàng quần áo cho anh mày phải đốt cúng các quan trước đã. Đi làm việc gì không có tiền biếu các quan liệu có được không?

Hôm sau, mẹ con bà cụ Hải cùng chị Tư Phúc theo anh cả Thìn dẫn đi Bình Lệ tìm mộ chồng con. Hai đứa trẻ nhà chị tư Phúc gửi cả sang cho chị cả Thìn trông. Bốn người ra đến đầu ô, lý tể Vũ Tình chạy theo gọi bảo:

- Bà với cô Phúc đi Bình Lệ sao không đợi tôi. Khổ! Dù sao các chú ấy cũng là người phường này. Tôi là lý tể phải để tôi có trách nhiệm lo liệu với chứ. Đây! Tôi cũng đem theo cơm nắm, thức ăn, gạo nước cùng đi với mọi người đây. Có lẽ cũng phải ba bốn ngày mới tới nơi được.

Bà cụ Hải bảo:

- Gớm! Hôm nay thầy lý tốt quá nhỉ, giá mọi việc trong phường phố thầy lý đều chu đáo thế này thì dân cũng được nhờ. Nhưng thôi, thầy lý cứ về không nhỡ ai muốn mua lợn con nuôi lại không có người đóng triện. Mỗi con triện thu hai chinh, lại còn bao nhiêu thứ khác nữa. Thầy lý đi với chúng tôi, mỗi ngày thất thu đến hào bạc chứ chả chơi. Bà con tôi đã có anh Thìn đây đưa đi là được rồi.

Vũ Tình nói:

- Chết! Bà dạy thế! Con đã đi với mọi người đâu có quản gì hơn thiệt, cô Phúc nhỉ?

Chị tư Phúc không trả lời. Vũ Tình quay sang anh cả Thìn, nói tiếp:

- À chú Thìn này! Mấy hôm nữa về mang giấy sang nhà, tôi đóng triện cho.

Anh cả Thìn nói:

- Cám ơn thầy lý nhưng những hào rưỡi tiền triện, nhà tôi chưa kiếm đủ đâu.

Bà cụ Hải bảo:

- Chết! Sao bảo mỗi con triện triều đình quy định chỉ thu có năm đồng cắc, thu đến hai chinh là quá lắm rồi. Nhà anh làm gì mà mất những hào rưỡi?

Cả Thìn nói:

- Dạ nhà con định xin cái giấy mở cửa hàng bán giày guốc ạ, nhưng thầy lý đây nhất định bắt nộp hào rưỡi mới đóng dấu cho.

Cụ Hải nói:

- Thảo nào cô lý sắm toàn váy đẹp.

Vũ Tình cười làm lành, nói:

- Ấy cũng là luật lệ nhà nước cả, nhưng thôi hôm nào về, chú cứ sang tôi triện cho không phải tiền nong gì cả.

Nói xong câu ấy, Vũ Tình đánh mắt nhìn chị tư Phúc. Bà cụ Hải cười bảo:

- Thế hoá ra luật lệ nhà nước ở trong tay, các thầy còn kiếm bằng mấy những đứa đi buôn lậu rượu ngoại ấy nhỉ!

Vũ Tình đánh trống lảng:

- Thôi! Bà con mình đi nhanh kẻo nhỡ đò.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top