Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 15: Lê bảng nhãn chép sử cõi Nam (1)

Lúc bấy giờ dân nước làm ăn yên ổn trong ba bốn năm không có nạn binh đao, nhưng khắp nơi bọn tham quan ô lại gây sự phiền hà sách nhiễu bách tính. Quan thượng thư Nguyễn Hiền tâu rằng:

- Nay thống quốc thái sư già yếu, xã tắc thiếu người gánh vác. Bọn tham quan nhân cơ đục nước hà hiếp muôn dân. Xin hoàng thượng cất nhắc người lương đống để trông coi việc triều chính.

Nhà vua nói:

- Trong hai người Quốc Khang và Quang Khải ta muốn phong một người làm thái uý, các khanh hãy chọn cho ta.

Nói xong, nhà vua nhìn quan học sĩ Lê Văn Hưu có ý dò hỏi. Nhưng vì Lê Văn Hưu là thầy của Trần Quang Khải nên giữ ý không nói. Quan thẩm hình viện Đặng Ma La tâu:

- Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải là người kiêm văn toàn võ, bác sử thông kinh, nghiêm trang mực thước nên chọn.

(Đặng Ma La: Người làng Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Tây, đỗ thám hoa đồng khoa với Nguyễn Hiền và Lê Văn Hưu)

Các quan đều cho là phải. Nhà vua liền phong cho Trần Quang Khải làm thái uý. Ngô Tần bước ra tâu:

- Hưng Đạo vương nay nắm binh quyền đóng ở Vạn Kiếp. Thần nghe khi xưa An Sinh vương sắp qua đời có dặn lại những lời phản nghịch. Xin hoàng thượng lưu tâm minh xét.

(Ngô Tần: Người Trà thi năm Đinh Lộ, đỗ Giáp khoa, khoa Mùi - 1247)

Phạm Văn Tuấn nói:

- Tôi không tin Hưng Đạo đại vương lại phản trắc. Nay người Nguyên đang dồn người Tống đến bước đường cùng. Nếu nước Tống mất, ắt đến lượt nước ta. Mong hoàng thượng chăm lo hơn nữa việc binh bị.

Đại phu Trần Phụng Công nói:

- Trình quốc công nói đúng lắm. Thần cũng cho rằng người Nguyên hoà mục với ta chỉ là kế hoãn binh chờ thời mà thôi. Xin hoàng thượng tăng cường binh lực hơn nữa.

Quan hàn lâm học sĩ Lê Văn Hưu tâu:

- Từ xưa tới nay các bậc thánh đế đều lấy việc sửa mình, chăm lo cho dân được an lạc âu ca làm điều cội rễ. Xin quan gia trừ bỏ bọn tham quan ô lại để muôn dân bách tính được thấm nhuần ơn mưa móc.

Thánh Tông khen phải. Tháng hai năm sau (1262), thượng hoàng ngự ở hành cung Tức Mặc, ban tiệc lớn. Các hương lão từ sáu mươi tuổi trở lên, mỗi người được ban tước hai tư, đàn bà được hai tấm lụa.

(ĐVsktt)

Tháng ba cho chế tạo vũ khí, chiến thuyền. Quân thuỷ lục tập trận trên chín bãi phù sa sông Bạch Hạc. Mùa Thu, tháng chín soát lại số tù, kẻ nào khi quân Nguyên sang mà đầu hàng thì không tha. Một hôm Thánh Tông ngự thuyền rồng trên sông, nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy, nhà vua hỏi:

- Sông này chảy vào nước ta từ địa phận Quy Hoá, vậy nguồn cội nó ở nơi nào?

Lê Văn Hưu bước ra tâu:

- Sông này bắt nguồn từ hồ nước trên miền núi cao của người Tạng, chảy qua đất Đại Lý hai nghìn sáu trăm dặm rồi đổ vào nước ta từ địa phận Quy Hoá ra đến cửa bể Đại Bàng một nghìn tám trăm dặm nữa, cả thảy là bốn nghìn bốn trăm dặm.

Nhà vua nói:

- Sông có ngọn nguồn người có tổ tông, vậy nước Đại Việt ta có từ bao giờ?

Hưu tâu:

- Muôn tâu hoàng thượng! Giống người Việt Thường ta có từ thuở hồng hoang mờ tối nhưng đến họ Hồng Bàng mới lập quốc, tới nay đã mấy nghìn năm, trải nhiều quốc hiệu, thời vua Hùng tên nước là Văn Lang, vua An Dương vương tên nước là Âu Lạc, đến nhà Tiền Lý đặt tên nước là Vạn Xuân, Vua Đinh Tiên Hoàng lấy tên nước là Đại Cồ Việt, đến vua Thánh tông nhà Hậu Lý (1054) mới lấy tên là Đại Việt.

Vua khen:

- Ai cũng nói khanh là người học sâu biết rộng, quả không sai. Nhưng các khanh hãy nói họ Hồng Bàng lập quốc thế nào?

Quan ngự sử trung tướng Trần Chu Phổ tâu:

- Lê học sĩ nói như thế cũng còn chưa đủ. Nước ta có thể xem như bắt đầu lập quốc từ thời Kinh Dương vương Lộc Tục. Con Lộc Tục là Sùng Lãm nối ngôi cha gọi là Lạc Long Quân đặt quốc hiệu là Xích Quỷ. Lạc Long Quân lấy con gái đế Lai là bà Âu Cơ...

Nhà vua ngắt lời:

- Chuyện bà Âu Cơ sinh ra một trăm trứng thì ta biết rồi nhưng Xích Quỷ là cái gì mà lại lấy làm tên lập quốc. Ta chỉ thấy nói giống chim cá rắn rùa đẻ trứng chứ chưa thấy nói giống người, giống tiên đẻ trứng bao giờ, những chuyện hoang đản như thế liệu có nên tin chăng?

Tân trạng nguyên phò mã Trần Quốc Lặc tâu:

- Những chuyện truyền thuyết trong dân gian đương nhiên được người đời thêu dệt nên, nước nào chả có. Nước Tàu có văn tự đã lâu nhưng những chuyện Nữ Oa, Bàn Cổ cũng chỉ là hoang truyền mà thôi, huống chi nước ta thời ấy lại không có văn tự.

(Trần Quốc Lặc: Người Nam Sách, Hải Dương, đỗ trạng nguyên năm Bính Thìn (1256), vua gả con cho)

Nhà vua hỏi:

- Vậy thì sự thật về Lạc Long Quân và Âu Cơ là thế nào?

Lê Văn Hưu tâu:

- Tân trạng nguyên nói rất có lí. Xin quan gia tha tội, thần trình bày một giả thuyết về thời ấy.

Thánh Tông nói:

- Khanh cứ trình bày, càng sát thực bao nhiêu càng tốt.

Lê Văn Hưu chậm rãi kể:

- Vâng! Có thể Lạc Long Quân chính là Sùng Lãm con trai Kinh Dương vương Lộc Tục. Ngày ấy núi rừng còn hoang vu lắm, đời sống thiếu thốn nhiều; vải, lụa cũng chưa có như bây giờ. Vua dùng ống tre uống nước, lá cây để đóng khố, tuy nhiên tình yêu và tính ghen tuông đã có lâu rồi. Lạc Long Quân sau khi lên ngôi vua, lấy bà Âu Cơ, hai người cũng chỉ sinh đẻ bình thường thôi chứ không đến một trăm con trai hay một trăm quả trứng. Khốn nỗi tính đàn ông ai còn lạ gì, vì Lạc Long Quân phải đi tuần thú trong địa phận của mình luôn luôn nên cũng có quan hệ với nhiều người đàn bà khác nữa, đẻ ra một số con trai. Đương nhiên hồi ấy chưa có cái gọi là cô đầu đào hát như bây giờ. Việc ấy khiến bà Âu Cơ đau lòng lắm nhưng vì bà là người nhân hậu đoan chính nên mới bảo Lạc Long Quân mang những người con trai ấy về để bà nuôi dạy, cho cùng ăn cùng ngủ chung với con mình, đêm lạnh cùng chui vào một tấm chăn vỏ cây lớn mà giãy đạp lùng nhùng như một chiếc bọc. Vì thế người thời ấy mới nói đùa là bà Âu Cơ sinh ra cái bọc có trăm trứng. Về sau người ta tưởng thật.

Lê Văn Hưu ngừng lời. Thánh Tông đang chăm chú lắng nghe, hỏi:

- Thế làm sao mỗi người lại phải mang năm mươi con đi một nơi?

Lê Văn Hưu đáp:

- Tâu hoàng thượng! Bà Âu Cơ nghĩ rằng đưa các con chồng về nuôi để Lạc Long Quân yên lòng ở nhà tu chí làm ăn, chăm lo triều chính nhưng không ngờ cái trò quan hệ nam nữ nó như anh nghiện rượu, không mắc vào thì thôi, đã mắc các quan đều biết đấy, đố gỡ ra được. Thỉnh thoảng bố Lạc Long Quân nhà ta vẫn chuồn ra ngoài cải thiện. Sự chịu đựng của ai cũng chỉ có hạn nên mẹ Âu Cơ mới tỏ ý không bằng lòng. Thế là hai ông bà hoá ra xích mích.

Một viên quan bảo:

- Có lẽ đâu lại thế. Vua đi ra ngoài dễ gì để vợ biết bao giờ.

- Biết chứ sao! Ngày ấy làm gì có quán rượu, quán hát. Bố nào mò ra ngoài là vợ con biết ngay chứ chả như các thầy bây giờ lấy lý do công kia việc nọ đi thâu đêm tối ngày chẳng ai biết đấy là đâu.

Vua Thánh Tông gật gù nói:

- Ừ! Cũng có lí, cũng có lí. Xong rồi thế nào nữa? Lê học sĩ kể tiếp đi.

Lê Văn Hưu tiếp:

- Tâu hoàng thượng! Sự xích mích mỗi ngày một thêm gay gắt, về sau mẹ Âu Cơ sinh ra lạnh lùng. Những lần Lạc Long Quân đi đánh rồng tinh ở vịnh Hạ Long, mộc tinh ở Bạch Hạc về, Âu Cơ cũng chẳng cho là thật. Lạc Long Quân nghĩ mình oan, tức quá mới bảo: "Tôi với bà sống chẳng hợp nhau, thôi thì tôi phải đi khỏi cái nhà này để bà hài lòng", thế là đùng đùng đem năm mươi người con xuống vùng đồng bằng ven biển lập nghiệp, trải bao gian khó mới dựng nên được nước Văn Lang.

Một viên quan hỏi:

- Ơ! Chẳng lẽ vợ chồng bỏ nhau dễ thế à?

- Hồi ấy có giá thú văn tự gì đâu mà chả dễ. Bây giờ đủ cả giấy nọ tờ kia còn bỏ nhau xoành xoạch nữa là.

Vua Thánh Tông bảo:

- Có lẽ vậy! Có lẽ vậy. Trẫm giao cho Lê học sĩ cùng ngự sử Trần Chu Phổ hãy hợp nhau biên chép lại mọi việc chính sự từ trước tới nay để truyền cho muôn đời mai sau.

Trời tối đen như người bịt mắt, Điệp chạy đã xa làng, xem chừng bọn tráng đinh nhà lý Thử không đuổi đến nữa, cô ngồi thụp xuống bờ ruộng bưng mặt khóc. Cô không dám oán trách ai. Cha con Vĩ Thố, Vĩ Thử là người có công với nước, oán trách người có công với nước là có tội, triều đình đã bảo thế, nhà vua đã bảo thế. Điệp chỉ còn biết tự trách mình đã sinh ra trong cảnh đói nghèo và tủi cho cái nhan sắc của mình bây giờ không biết để cho ai. Bằng lòng lý Thử ư? Người ta bảo hắn có công, không biết hắn lập công ở đâu nhưng cô chỉ thấy hắn nhiều lần trốn lính. Điệp đã từng hò hẹn với Mai Văn Lương, hai đứa trẻ con nhà nghèo phải lòng nhau còn chưa có lời nói cùng cha mẹ. Giặc Thát sang, Mai Văn Lương vào lính, anh nằm lại bên bờ sông Nguyệt Đức. Điệp chờ đến cái ngày người ta treo vào giữa túp lều rách nát của mẹ anh tấm đại tự với ba chữ vàng chói Tử vị quốc. Cô khóc đến cạn nước mắt vì cái chết của cha và cái tin Mai Văn Lương tử trận. Cô không biết chữ, không hiểu nhiều về ý nghĩa cuộc đời, chỉ lờ mờ nhận thấy mình sống không còn để làm gì. Giờ đây cô không thể trở về ngôi nhà của mình nữa. Khóc chán, Điệp đứng dậy dò dẫm bước đi giữa khoảng đồng không tăm tối mịt mùng. Thế là hết, cha mẹ, tình nhân, nhà cửa và cả quê hương, tất thảy đã trôi vào dĩ vãng. Điệp cắm đầu đi trong đêm, chẳng biết đi đâu, bước thấp bước cao, ngã lên ngã xuống, càng đi càng xa làng Cao Duệ thuộc huyện Trường Tân nơi quê hương gốc gác của cô, đến sáng thì tới một khu chợ nhỏ ven đường, hỏi thăm mới biết đây đã thuộc về phủ Đường An (Đường An: Nay thuộc huyện Bình Giang, Hải Dương). Điệp vào chợ xin ăn. Có người đàn bà mặc chải chuốt, đánh mắt nhìn Điệp một lượt từ đầu đến chân, bảo:

- Con gái xinh xẻo thế này sao phải đi xin ăn. Trốn chồng phải không? Có muốn làm việc với mợ thì mợ đưa về. Hừ! Cũng được đây.

- Dạ! Mợ muốn việc gì cháu cũng làm được ạ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top