Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 15: Nguyễn trạng nguyên bẻ sứ phương Bắc

Trên kia đang nói Nguyễn Bằng cùng gia đình Phạm Hữu về đến đầu làng, trời đã tối lại thấy đinh tráng gậy gộc săn đuổi ai đó. Hai chàng vừa nhảy xuống xe, có người quát hỏi:

- Xe nào đây?

Nguyễn Bằng nói:

- Chúng tôi đây.

Trong ánh đuốc có người nhận ra, reo lên:

- A! Quan quân dược hiệu uý Phạm Hữu! Ơ lại cả quan huyện lệnh Nguyễn Bằng nữa.

Mọi người đều chắp tay bái chào. Phạm Hữu nói:

- Không dám! Không dám! Chúng tôi bây giờ không phải là quan nữa rồi, về nhà sống cùng dân làng, mong bà con giúp đỡ. Chẳng hay làng ta có chuyện gì mà ồn ã vậy?

Một thanh niên tiến lên nói:

- Tôi là Nguyễn Vĩ Thử, lý tể làng này, xin các vị cho xem tín thẻ.

Nguyễn Bằng, Phạm Hữu cùng rút tín thẻ đưa ra. Vĩ Thử xem xong cho đi. Đám tráng đinh vẫn nhao nhao đuổi bắt ai đó. Nguyễn Bằng nói với Phạm Hữu:

- Quái! Cái thằng này là con xã quan Nguyễn Vĩ Thố đây mà, nó lạ gì mình mà còn đòi xem thẻ, nghe nói nó trốn lính năm lần bảy lượt, chẳng hiểu sao lại làm lý tể làng này thế nhỉ?

Phạm Hữu cười nói:

- Thì tôi đã bảo đừng tưởng về quê là thoát cái nạn quan đểu mà lại.

Lúc về đến nhà, Nguyễn Bằng hỏi vợ xem trong làng xảy ra việc gì. Phạm Thị nói:

- Hai bác với thầy em không biết chứ ở nhà bây giờ nhiễu nhương lắm. Lý Thử lùng bắt con Điệp đấy.

- Cô Điệp làm sao mà bị lùng bắt.

- Ôi dào! Thật khổ. Lý Thử phải lòng con Điệp nhưng con Điệp nó chê lý Thử là hèn nhát trốn lính, làm quan thì hách dịch thất đức. Dạo đánh Thát, lý Thố mang dân làng đi phu dịch phục vụ quan binh lên tận Nguyệt Đức, chẳng may bố con Điệp ngã nước phải vay của của lý Thố năm đồng bạc mua thuốc nhưng khi về làng được ít lâu thì cũng chết. Sau giặc Thát thua chạy, quan trên mang sắc chỉ khen thưởng những người có công. Nguyễn Vĩ Thố vì có công đưa dân phu đi phục vụ quan binh, được điều lên làm việc ở huyện. Nguyễn Vĩ Thử được làm lý tể vì khi đi dân phu đã làm tốt việc nấu ăn cấp dưỡng cho mọi người. Đến nay con Điệp vẫn chưa trả được món nợ, định gán mảnh vườn nhưng lý Thử không chịu, muốn bắt con Điệp về làm vợ bé, nó phải trốn đi.

Phạm Hữu bảo:

- Thế mà dân làng không ai bênh con bé à?

Phạm Thị bảo:

- Bác bảo ai dám động đến lý Thử bây giờ, bố nó chả mang lính trên huyện về bắt đi sớm.

Nguyễn Bằng bảo:

- Huyện cũng còn huyện lệnh và các cai kí khác nữa chứ, phải đâu chỉ có bố con nó.

Phạm Thị nói:

- Thầy em cứ như trên giời rơi xuống ấy. Các quan trên huyện có về nhà nó đánh chén, chơi tổ tôm, ôm đào hát thì có, chứ những việc như thế ai bõ làm. Bênh một con bé mồ côi, chẳng được cái gì lại mất lòng đồng liêu, họ ngại.

Nguyễn Bằng lắc đầu nói:

- Cứ tưởng mùa Đông qua là mùa xuân toàn cỏ cây tươi đẹp.

Phạm Hữu bảo:

- Thì ai bảo mùa xuân cỏ cây không tươi đẹp? Càng tươi đẹp càng lắm sâu bọ nhoi ra có gì là lạ.

Bấy giờ là năm Thiệu Long thứ tư (Tân Dậu-1261) quan thái sư Trần Thủ Độ tuổi cao sức yếu thường nghỉ ở thái ấp Quắc Hương, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đóng binh ở Vạn Kiếp, đại tướng quân Lê Tần nắm giữ thuỷ quân. Các việc trong triều do quan đại hành khiển Nguyễn Giới Huân sắp đặt. Mùa Hè, nhà Nguyên cho sứ thần là lễ bộ lang trung Mạnh Giáp, viên ngoại lang Lý Văn Tuấn mang thư của vua Nguyên Hốt Tất Liệt sang dụ. Trong thư có đoạn đại lược như sau:

"Quan liêu sĩ thứ An Nam, phàm việc mũ áo, lễ nhạc, phong tục đều căn cứ theo lệ cũ nước mình, không phải thay đổi. Huống chi, nước Cao Ly mới rồi sai sứ sang xem, đã xuống chiếu cho hết thảy đều theo lệ ấy. Ngoài ra đã răn bảo các biên tướng ở Vân Nam không được tự tiện đem quân lấn cướp các nơi cương giới, quấy nhiễu nhân dân. Quan liêu sĩ thứ nước ngươi yên ổn làm ăn như cũ..."

(ĐVsktt)

Nhà vua mở tiệc đãi yến bọn Mạnh Giáp ở cung Thánh Từ. Hôm sau lên điện, nhà vua nói:

- Ngày nay nhà Nguyên cho sứ thần đến. Trẫm muốn cử sứ bộ sang Nguyên thông hiếu. Các khanh bàn xem nên cử người nào đi cho lợi.

Quan đại hành khiển Nguyễn Giới Huân tâu:

- Thần cho rằng quan hàn lâm viện học sĩ kiêm quốc tử viện giám tu là Lê Văn Hưu có thể cử đi được. Người này học rộng tài cao, thông kinh bác sử, làm việc cẩn trọng, ứng đối mau lẹ chắc không làm hổ thẹn quốc uy.

Quan hàn lâm viện thị độc là Trần Chu Hinh bước ra tâu:

- Thần cho rằng việc bang giao với nhà Nguyên không ai hơn Lê Phụ Trần, ông ấy đã quen đi lại với người Nguyên. Hoàng thượng nên cử ông ấy đi thì hơn.

(Trần Chu Hinh: Người làng Đan Nhiếm, huyện Tế Giang (Văn Giang, Hưng Yên ngày nay), đỗ bảng nhãn khoa thi năm Bính Thìn (1256), làm quan đến hàn lâm viện thị độc)

Quan thị lang Trương Xán nói:

- Quân tình là việc trọng không thể mỗi lúc thay người thống suất. Lê đại tướng quân là cột trụ của quân đội không thể để đi sứ.

(Trương Xán: Người xã Hoành Bồ, huyện Hoành Sơn (Bố Chính, Quảng Bình), đỗ trại trạng nguyên khoa thi năm Bính Thìn (1256), làm quan đến thị lang, hàm tự khanh)

Các quan người nói này người nói kia rốt cuộc vẫn không chọn được ai đi sứ. Quan thái phó Trình Quốc công Phạm Văn Tuấn tâu:

- Thần nghĩ nên hỏi Nguyễn thượng thư hẳn có ý kiến hay.

(Phạm Văn Tuấn: Người thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng, Hải Dương đỗ bảng nhãn khoa thi năm Bính Ngọ (1246), làm quan đến hành khiển bình chương quân quốc sự, tước Trình quốc công, khi mất được truy tặng hàm Tư đồ)

Thánh Tông nhớ ra, ồ lên một tiếng nói:

- Khanh không nhắc thì trẫm quên mất cuốn bách khoa toàn thư này.

Nguyễn thượng thư là ai mà Thánh Tông đề cao đến như vậy? Người ấy họ Nguyễn tên Hiền quê quán ở xã Dương A, huyện Thượng Hiền, đỗ trạng nguyên khoa thi năm Đinh Mùi (1247), lúc ấy mới mười ba tuổi. Khi vào bái yết nhà vua, Thái Tông thấy chú bé loắt choắt, mang mũ áo trạng nguyên rộng thùng thình, vua hỏi:

- Trạng học với ai?

Nguyễn Hiền đáp ngay:

- Tôi học ở chùa, thỉnh thoảng mới hỏi sư cụ vài chữ .

Vua thấy trạng nói cụt ngun ngủn, liền phán:

- Nhà ngươi tuy đã đỗ trạng nguyên nhưng tính khí còn con trẻ, về nhà học lễ phép trong ba năm rồi hãy ra làm quan.

Ít lâu sau có sứ thần phương Bắc sang, muốn thử xem triều đình Đại Việt có người tài không, liền đưa ra một câu đố như sau:

Lưỡng nhật bình đầu nhật

Tứ sơn điên đảo sơn

Lưỡng vương tranh nhất quốc

Tứ khẩu tung hoành gian.

Cả triều đình không ai giải được. Nguyễn Quang Quan xin nhà vua cho mời tân quan trạng Nguyễn Hiền (Nguyễn Quang Quan: Người thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, Bắc Ninh, đỗ trạng nguyên khoa thi năm Bính Ngọ (1246), làm quan đến bộc xạ, khi mất được truy phong hàm Đại tư không). Thái Tông liền cử Ngô Khắc (Ngô Khắc: Đỗ đệ nhị giáp khoa thi thái học sinh năm Kỷ Hợi (1239).) tức tốc phi ngựa về quê tìm Nguyễn Hiền. Khi tìm đến nhà chỉ thấy một chú bé đang lúi húi đun bếp lại lấy que cời tro vẽ mày râu lên ông bồi rau, Ngô Khắc liền thử đọc một câu đối:

- Ngã văn quân tử viễn bào trù, hà sự tu mi táo (Tôi nghe nói người quân tử nên tránh chỗ bếp núc, việc gì phải sửa râu mày cho ông táo thế).

Chú bé ứng khẩu đối ngay:

- Ngộ bản hữu quan cư đỉnh nại, khả dĩ tạm điều canh (Ta vốn làm quan ở hàm khanh tướng, bây giờ tạm nấu canh thôi).

Ngô Khắc biết rõ là Nguyễn Hiền đây rồi, liền đưa chiếu chỉ của vua gọi. Hiền nói:

- Nhà vua bảo ta không biết lễ, thực ra vua cũng chẳng hơn gì. Đây dẫu không có Ngoạ Long cương nhưng lẽ nào không có sông Vị Thuỷ.

(Lưu Bị nhà Thục Hán cầu Gia Cát ở Ngoạ Long cương, Văn Vương nhà Chu cầu Khương Tử Nha ở sông Vị Thuỷ đều rất cung kính. Ý Nguyễn Hiền muốn chê vua Trần không biết coi trọng người hiền tài)

Hiền nói rồi nhất định không tuân chỉ. Ngô Khắc vội trở về tâu lại. Triều thần có người nói Nguyễn Hiền ngông cuồng, không tuân chỉ là khi quân phạm thượng xin nhà vua giáng tội. Nguyễn Quang Quan nói:

- Nguyễn Hiền không tuân chỉ là có tội nhưng lời nói không phải không có lý, điều đó càng chứng tỏ tân trạng nguyên tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã có khí tiết khác người. Xin hoàng thượng lấy lễ cầu hiền mà đón, sau này nếu không có tài thì trị tội cũng chưa muộn.

Thái Tông nghe theo, cho Ngô Khắc mang quân lính võng lọng đến đón, Hiền mới chịu đi. Dọc đường Ngô Khắc sợ Nguyễn Hiền không giải được câu đố mới nói trước cho biết. Hiền cười bảo:

- Điều đó có khó gì. Ông ra mua cho tôi một cái bánh chưng.

Hôm sau nhà vua thiết triều. Sứ giả phương Bắc nghêng ngang tự đắc cho rằng Đại Việt không thể giải được câu đố. Nhà vua phán:

- Những trò chơi chữ kiểu học trò con nít này đâu cần bận tâm đến các đại thần, để ta bảo một chú bé giải câu đố ấy - Quay sang bảo thị thần gọi Nguyễn Hiền vào, lại bảo sứ giả - Nhà ngươi nói lại câu đố với chú bé này đi.

Sứ giả nhìn chú bé cười khinh mạn, đọc lại câu đố. Nguyễn Hiền cười ngất, bảo:

- Tưởng câu đố khó thế nào. Ông đã có công sang nước tôi mà lại lấy sản vật nước tôi ra đố thì ai chả biết. Thứ này người Đại Việt có từ thời Hùng vương cơ. Người ta ăn chán ra rồi. Nó là cái bánh chưng này này.

Nói xong, Nguyễn Hiền móc cái bánh chưng đặt toạch lên bàn. Sứ thần cười ồ lên bảo:

- Không đúng rồi! Không đúng rồi.

Cả triều đình mặt tái mét. Riêng Nguyễn Hiền bình tĩnh vặn lại sứ thần:

- Đúng chứ sao không đúng?

Sứ Bắc bảo:

- Nhà ngươi hãy giải cho rõ, nếu không có lý thì phải đánh đòn.

Nguyễn Hiền ung dung nói:

- Nếu tôi nói có lý thì sao?

Sứ Bắc nghĩ nắm chắc phần thắng trong tay mới nói quyết rằng:

- Ngươi nói có lý thì ta đi chân đất mà về, quyết không đòi cống phẩm gì hết.

Nguyễn Hiền nói:

- Xin cả triều đình làm chứng cho. Xin hoàng thượng ban cho giấy mực.

Thái Tông truyền lấy giấy mực. Nguyễn Hiền bảo sứ thần:

- Xin ngài hãy vẽ cái bánh chưng này đi rồi sẽ biết, nó chỉ là một hình vuông với hai cái lạt buộc chữ thập ở giữa thôi.

Cả triều đình cười ồ lên ai cũng hiểu ra đó là chữ điền. Chữ điền gồm hai chữ nhật ghép sát nhau, hoặc bốn chữ sơn châu đầu vào nhau, hoặc hai chữ vương đặt vuông góc tại điểm giữa nhau, hoặc bốn chữ khẩu dồn khít lại. Sứ thần phương Bắc không thể nói gì được nữa, đành tháo giày đi chân đất lủi thủi ra về. Thái Tông tươi cười phán:

- Tân trạng nguyên tuổi trẻ tài cao. Trẫm phong hàm thượng thư.

Nhà vua nói xong, lại ban thưởng rất hậu. Trên kia đang nói việc Phạm Văn Tuấn khuyên vua Trần Thánh Tông hỏi ý kiến Nguyễn Hiền xem nên cử ai đi sứ sang thông hiếu với nhà Nguyên. Lúc ấy Nguyễn Hiền đang đi kinh lý miền ven biển, nhận được chỉ dụ liền về triều ngay. Được nhà vua hỏi, Nguyễn Hiền tâu:

- Thần nghĩ việc này nên giao cho thông thị đại phu Trần Phụng Công, chư vệ kí ban Nguyễn Thám làm phó sứ thì không phải lo gì nữa.

Khi bọn Mạnh Giáp, Lý Văn Tuấn trở về Nguyên, Thánh Tông cho Trần Phụng Công làm chánh sứ, Nguyễn Thám làm phó sứ, lại cử thêm viên ngoại lang Nguyễn Diễn cùng theo đoàn sứ Nguyên sang kinh đô Khai Bình của nhà Nguyên. Quả nhiên như lời Nguyễn Hiền dự đoán, đoàn sứ bộ do Trần Phụng Công dẫn đầu đã hoàn thành sứ mệnh bang giao. Vua Nguyên phong Trần Thánh Tông làm An Nam quốc vương, lại gửi tặng ba tấm gấm Tây Thục, sáu tấm gấm Kim Thục.

(Theo ĐVsktt)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top