Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 17: Phạm Hữu làm thơ cười Vĩ Thố (1)

Mộng Điệp mặc một bộ đồ váy áo lụa hồng, đi lại thướt tha như một tiên nữ, dường như đôi gót chân thon nhỏ của nàng không chạm tới mặt đất. Con ngựa bất kham khi đã được thuần phục bao giờ cũng trở thành tuấn mã. Mộng Điệp sau bao lần giật cương cắn thiếc, đến một ngày nàng để tuột mất sự trinh trắng vào tay một gã chủ bạ ngay tại huyện này. Thôi thế là đã lỡ. Còn gì để gìn giữ nữa đây? Nàng muốn trả thù cuộc đời bằng những cuộc truy hoan suốt sáng tối ngày dường như bất tận. Chẳng mấy lúc nàng đã quen và hoà được cuộc đời mình vào cuộc sống giang hồ. Tuổi trẻ và sắc đẹp cho phép nàng làm chóng mặt hoa mắt bất kì một huyện uý, chủ bạ, thư lại hoặc thầy đề thầy lý nào. Những thằng đàn ông đứng trước dân như thần như thánh ấy rốt cuộc cũng lần lượt úp mặt làm nô lệ cho đôi bầu vú của người con gái chân tay còn dính mùi bùn. Và các vị quan nhân mang bộ mặt công luân, ai cũng hể hả nghĩ rằng mình được giai nhân cưng chiều hơn cả.

Trời không nắng không mưa nhưng là một thứ bóng râm đểu giả, không những không mát mẻ gì mà còn làm cho không gian trở nên oi nồng ngột ngạt như muốn ép ra nước mấy bà quạt bánh đa ngoài chợ cùng bác nông phu cuốc mướn trên đồng. Quan tri châu Hà Phương ngồi giữa chiếc sập chân quỳ dạ cá bằng gỗ gụ bóng loáng. Mợ Hồng ngồi bên hầu quạt, mắt mợ nhìn quan cười díp lại kéo thành cái đuôi dài như muốn làm cồn lên những đợt sóng tình. Quan phụ mẫu đáng kính cũng cười, ngài muốn ban phát cho vị tình nương bao điều trìu mến nhưng chưa tìm được ngôn từ phù hợp nên đôi môi ngài cứ mấp máy không thốt thành lời. Có đến hai tháng quan mới qua chơi nên tình cảm chủ khách hết sức nồng nàn. Mợ Hồng gọi:

- Mộng Điệp đâu? Sao chưa mang trà lên hả?

Mộng Điệp hiện ra như nữ thần sắc đẹp trong bộ đồ lụa màu thanh thiên. Mặt quan lớn ngây đờ như vừa bị trúng tên thuốc độc. Mộng Điệp e lệ nâng chén trà mời quan. Mặc dù đó chỉ là sự e lệ giả vờ do được rèn dũa kì công nhiều lần mà có cũng đủ làm đại quan quên hẳn vị tình nương đang ngồi bên cạnh. Mộng Điệp bước đi rồi, ba hồn bảy vía quan lớn vẫn chưa tìm về đúng chỗ. Trạng thái tâm lý ấy của quan lớn không thoát khỏi đôi mắt trải đời của người đàn bà vừa mới vào tuổi bốn mươi, đã từng làm đảo điên bao đấng mày râu, mợ Hồng bảo:

- Quan lớn làm sao thế?

Hà Phương lúng túng:

- Ờ! Ờ! Không có gì!...Không có gì.

- Thôi! Không phải giấu em nữa. Quan lớn muốn thế cũng được thôi. Cứ cắt cho em năm mẫu bên đường cái quan, em cho nó hầu quan lớn.

- Thật thế hử? Cái đó có khó gì. Ai chứ mợ năm mẫu thì năm mẫu.

Mợ Hồng cười hi hí bảo:

- Quan lớn thế mới là quan lớn chứ, đúng là người có tấm lòng vì nước vì dân mà làm việc. Quan viết giấy cho em đi.

- Gớm chửa! Mợ cứ làm như quan quỵt mất không bằng. Viết giấy thì viết giấy. Mợ cứ cho gọi con bé lên đây.

Mợ Hồng gọi:

- Mộng Điệp! Dẫn quan vào phòng trong, hầu quan nghỉ nghe chưa?

Mộng Điệp dạ một tiếng, bước vào, đảo mắt liếc quan một cái. Ánh mắt như một đường kiếm loáng qua, khiến trái tim quan lớn muốn nhảy ra ngoài lồng ngực, ngài run run tụt khỏi mặt chiếc sập gụ, lúng túng giấu những ngón chân vào đôi hài chi long.

Vì chỉ là một kỹ viện cấp huyện nên căn phòng tiếp khách làng chơi đã hẹp lại không lấy gì làm sạch sẽ lắm, nhưng trên bức tường chính giữa cũng có bàn hương và bức tranh vẽ hình Quản Trọng (Từ thời Nguyên về trước, kĩ nữ ở Trung Quốc và một số nước phương Đông thờ Quản Trọng làm Tổ sư, từ thời Minh, Thanh mới thờ thần Bạch Mi, Câu Lan nữ thần hoặc Lã Đồng Tân. Quản Trọng là nhà chính trị kiệt xuất của Trung Quốc thời Xuân Thu. Ông đề ra rất nhiều chính sách cải cách làm cho nước Tề trở nên hùng mạnh, giúp Tề Hoàn Công dựng nên nghiệp bá, trong đó có chính sách đánh thuế khách ngủ đêm ở kĩ viện, lấy tiền giúp cho quân đội. Sau này các kĩ viện còn thờ nhiều vị thần khác trong đó có Quan Âm Bồ Tát, Phật Tổ Như Lai và cả Quan Công nữa). Quan tri châu không để ý đến điều đó. Tất cả tâm trí ngài còn mải hút vào cái tác phẩm tuyệt mỹ bằng da bằng thịt chỉ che hờ một làn lụa mỏng kia. Quan lớn là người có học, xuất thân khoa bảng nên mặc dù trong hoàn cảnh thân hình loã thể, ngài vẫn dùng thứ ngôn ngữ có đủ áo quần tươm tất để trò chuyện cùng mĩ nhân khác hẳn với những quân phàm phu tục tử. Mọi hành vi của ngài đều từ tốn dần dần theo phong cách nho sinh. Sự hưởng thụ niềm hoan lạc cũng theo lối tao nhân mặc khách. Quan lớn nói:

- Thần nữ sao mà xinh đẹp, gom âm dương mà điểm trang. Ôi! Bông hoa hồng của nàng sao trắng đến vậy. Thế này mà không được chạm vào cành lá thì còn chi là đời quân tử. Tri chi giả, bất như hảo chi giả; hảo chi giả, bất như lạc chi giả.

(Nguyên văn câu này: "Phù hà thần nữ chi giao lệ hề, hàm âm dương chi ác sức", trích trong thần nữ phú của Tống Ngọc nước Sở thời Chiến Quốc.

Câu này trong sách Luận Ngữ của Khổng tử)

Mộng Điệp cười rúc rích bảo:

- Quan lớn nói cái gì chi chi giả giả, em chẳng hiểu ra sao.

Hà Phương giảng giải:

- À! Nàng không hiểu cũng phải thôi. Câu này Khổng tử nói rằng biết cái gì không bằng ưa thích nó, ưa thích nó không bằng vui sướng với nó. Ví như ta biết nàng sao bằng được vui thú với nàng.

- Ôi! Quan lớn thật là hay chữ. Chơi trò này mà cũng viện được lời thánh nhân thì ngài quả là thánh thật!

***

- Việc dân việc nước đâu phải trò đùa. Các anh làm thế này có mà bỏ mẹ. Đứa nào không chịu đóng góp thì quy cho là đồng đảng của Nguyễn Bằng, lôi cổ nó lên huyện - Vĩ Thố vừa đi đi lại lại vừa nói.

Lý Thử im lặng. Trương Dư nói:

- Con đã dùng hết cách rồi nhưng bọn thằng Hiệp, thằng Tự lại bảo đóng góp để xây trường mời thầy về dạy học cho bọn trẻ thì chúng nó đóng chứ còn xây chùa thì không.

Vĩ Thố cười hề hề, nói:

- Tốt! Tốt! Xây chùa, xây trường, xây miếu, tu sửa đình làng càng làm nhiều càng tốt. Như thế càng có cơ hội cho các anh kiếm ăn. Còn xây giếng, lát đường nữa chứ. Chúng nó đã nói thế, cứ bổ đầu cho chúng nó đóng góp luôn thể. Thằng Hiệp, thằng Tự là thằng nào mà dám láo, có muốn mọt gông như thằng Nguyễn Bằng không?

Dạ thưa cậu! Thằng Đoàn Sĩ Hiệp cùng thằng Mai Văn Tự đều là lính cũ, chúng nó lại được bọn thằng Nguyễn Văn Điền, Vũ Tuấn có thẻ thương tích bênh vực, hung hăng lắm ạ.

- Hung hăng thì chúng nó định làm trò gì, không tuân vương pháp, bắt tất. Nên nhớ rằng pháp luật chính là cái cột vững chắc để các anh dựa vào đấy mà kiếm cơm đấy, nó cũng là cái vồ tạ để các anh đập bẹp những thằng chống đối, rõ chửa? Việc dân việc nước mà các anh lơ mơ hỏng mẹ nó hết. Anh Dư! Anh mang tuần đinh bắt bọn chúng lên đây.

Trương tuần Vũ Văn Dư đi ra. Vĩ Thố bảo Lý Thử:

- Anh ngu lắm! Làm lý tể có mỗi một cái làng này mà không xong. Thế mà tôi đang định xin với quan trên cho anh một chân xã quan thì anh làm thế nào?

Lý Thử gãi đầu, nói:

- Thầy nói thế nào chứ, tôi có biết cái gì đâu mà làm quan.

- Không biết cái gì mới phải làm quan, chứ giỏi giang ra thì cần gì. Anh là cái thằng chọc cứt không nên lỗ, phải chịu khó làm quan mà sống. Xem như bố anh đây, đâu có mấy hột chữ nhưng vì có mưu mẹo, biết che chắn đấu đá mà từ một lý tể như anh, trở thành một huyện quan có tiếng trong cái châu này. Từ nay các công việc trong làng, anh phải xắn tay áo mà lao vào. Tiền đấy, đồ đấy, tiền đồ đấy khéo thì hưởng, không khéo thì nhịn. Bây giờ tôi còn đương chức, còn che chắn được cho anh. Vài năm nữa tôi già cũng phải về nghỉ chứ, lúc ấy anh không có lễ biếu lên, quan trên nào để ý đến, cái ghế của anh dám gãy lắm hả?! Chúng nó thích xây trường học, cho nó xây mà kiếm chác. Xây xong liệu chúng nó có tiền cho con đi học không hay chính con các anh mới được đến trường?

Trương tuần Vũ Văn Dư mang mấy tráng đinh xông vào. Sĩ Hiệp ôm ngực ho rũ. Phạm Anh cầm bát thuốc trên tay, hỏi:

- Ông trương mang tráng đinh đến có việc gì vậy?

Trương tuần Vũ Văn Dư nhếch mép cười, nói:

- Thằng Đoàn Sĩ Hiệp coi thường luật pháp, trốn tránh phu dịch, không chịu đóng góp lệ làng. Cụ huyện sai bắt lên công đường.

Phạm Anh nói:

- Không được! Anh Hiệp đánh Thát mới sinh ra ốm đau thế này đi phu dịch làm sao, không làm ăn gì được lấy tiền đâu mà đóng lệ làng.

Trương Dư nói:

- Việc đánh Thát không phải trách nhiệm của tôi. Không có tiền nộp lệ làng sao có tiền mua thuốc.

- Này anh Dư! Khi xưa ở chiến địa, tôi chữa bệnh cho anh đâu có lấy tiền. Bây giờ tôi cũng chỉ giúp anh Hiệp thôi. Chẳng lẽ anh quên hết tình chiến hữu rồi ư?

- Chuyện xưa là chuyện xưa, ngày nay là ngày nay. Tôi chỉ biết tuân thượng lệnh làm theo luật pháp, không dám nghĩ đến chuyện tư tình. Tuần đinh! Lôi thằng Hiệp lên quan.

Phạm Anh trừng mắt:

- A! Quân sấp mặt. Mày dám bắt anh Hiệp ư?

Đang lúc căng thẳng thì Văn Điền, Vũ Tuấn ở ngoài bước vào.

- Phạm Anh! Không phải nói với nó nữa. Cái thằng trương tuần mặt người lòng chó này. ở nơi trận mạc mày bỏ trốn không dám đối mặt với quân thù, về làng cậy là cháu huyện quan, lên gân vênh mặt. Mày muốn bắt ai? Một điều mày nói đến luật pháp, hai điều mày nói đến luật pháp. Nếu có pháp luật thật thì cậu cháu mày đã khốn nạn lâu rồi.

Vừa nói, Vũ Tuấn vừa tiến sát về phía trương Dư. Dư lùi lại há mồm lắp bắp:

- Loạn! Loạn! Chúng mày làm loạn thật rồi.

***

Con người ta nhiều khi chỉ vì lòng tự ái mà làm đảo lộn những kế hoạch lớn đã được kì công sắp đặt. Đó là việc mợ Hồng nhất quyết bán Mộng Điệp về thành Đại La. Mợ phải mất rất nhiều công rèn dũa mới biến được một cô gái chân lấm tay bùn thành một kỹ đệ thạo nghề (Thời Tống, Nguyên thường gọi gái lầu xanh là kỹ đệ với ý khinh bỉ). Mộng Điệp thực sự là cái cây ra nhiều quả vàng cho mợ. Nhưng con người ta đâu chỉ cần có vàng! Ở cái tuổi nắng xiên khoai còn đang gay gắt, mợ sợ nhất phải sống cô đơn, quan huyện thì ít khi về, trước đây lâu lâu quan châu đến thăm nên mợ còn có người bầu bạn. Giờ đây quan châu ghé qua luôn nhưng không phải vì mợ mà vì Mộng Điệp. Điều đó có khác nào mợ đã tuyên chiếu thoái vị cho cái dung nhan kiều mị của mình. Lâu nay người ta cứ tưởng tiền bạc đã làm khô cằn trái tim mợ. Nhưng không! Ngoài tiền bạc ra, con tim ấy còn đập rộn ràng cho những niềm hoan lạc cùng các công tử trong đám con cái bạn bè của người cha đáng kính từ khi mợ mới bước vào tuổi mười ba. Giống như việc uống nước, khi gia thế phong lưu, người ta thường kén chọn những thứ chè ngon hảo hạng, đến khi sa sút có thể uống nước vối nước sôi, khi thực sự cơ hàn mà bị cơn khát thôi thúc cũng đành uống nước lã chứ biết làm sao. Xưa kia có bao giờ mợ thèm để ý đến cánh làng chơi thầy đề, huyện uý thế mà gần đây mợ đã hạ cố đắp chăn chung với một gã trương tuần, không phải là để lấy tiền mà mợ còn phải cho thêm gã hai đồng bạc. Thế rồi cái đám đàn ông đốn mạt ấy cứ thò đến là đòi Mộng Điệp. Mợ thành kẻ chết khô giữa trời mưa. Không! Mợ chưa thể dễ dàng bó giáo lai hàng một đứa học trò vô danh tiểu tốt như Mộng Điệp. Nhất định mợ sẽ giành lại những thành trì đất đai bị tuột khỏi tay. Mợ nhất quyết bán Mộng Điệp dù cho điều đó có làm cho mợ xót xa vì sự lên án của cái hầu bao.

Con ngựa cái còn đang cơn hăng sức, chạy tốc tác làm chiếc xe lắc lư phát ra những tiếng cọt kẹt nhè nhẹ, bỏ lại phía sau một màn bụi mỏng trên con đường đất mới hanh vàng. Mộng Điệp ngồi trong xe, vén tấm rèm ngó ra. Hai bên đồng lúa, làng mạc lùi dần, tiếng nhạc ngựa leng keng đưa cô về phía kinh thành. Rải rác trên đồng có những khu mả lùm tùm bên những bờ dứa dại. Vô số những nén hương tắt giữa chừng run rẩy trong ánh tảo minh còn non yểu. Vài áng mây mong manh hồng rực lên như muốn vội vã nhuộm đỏ bầu trời nhưng chúng nhanh chóng bị xua tan bởi những luồng gió ác thượng tầng. Mộng Điệp bỗng nhớ ra cô đã xa nhà được mấy năm rồi, chưa một lần về thăm nấm mồ cha mẹ. Một niềm xót xa tủi hận dâng trào, Điệp khóc!

Xe chạy một chặng khá xa thì mây đen ùn ùn kéo tới. Mặt trời bị che khuất chỉ còn để lại trên cánh đồng thứ ánh sáng giả hiệu đùng đục nhờ nhờ. Vài ba chú cò khờ khạo nghiêng nghiêng ngó ngó như muốn hỏi trời xem sắp có chuyện gì. Người mã phu cho xe dạt vào một làng nhỏ ven đường để tránh cơn dông. Đường hẹp, những thân cỏ may mỏng manh đổ rạp theo vệt bánh xe lăn.

Buổi chiều trời vẫn mưa tầm tã, không có dấu hiệu nào của sự tạnh ráo. Không thể dừng được nữa, chiếc xe chở Mộng Điệp đi hút vào miền mờ mịt gió mưa.

***

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top