Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 2: Đại cư sĩ lòng tham mưu đồ cơ nghiệp (2)

Nguyên Bá còn ghé vào tai Nguyễn Nộn, nói nhỏ vài câu, rồi đi ra. Nguyễn Nộn bảo quân lính đưa bọn người thượng trở lại, tự tay cởi trói cho tù trưởng, sai lính thả hết quân thượng ra, cho làm tiệc rượu thết đãi rất trọng thể, lại chia cho một nửa lương thực và cấp cho nhiều vàng lụa, dặn:

- Các ngươi ở nơi heo hút, đói rét khổ sở muôn phần. Ta không nỡ giết. Từ nay hãy lo trồng cấy, chăn nuôi lấy cái ăn, cái mặc. Không được làm loạn nữa. Sau này có việc gì, cử người lên phía Bắc gặp ta.

Người thượng lâu rồi không được hưởng ân huệ của triều đình, nay thấy như vậy răm rắp dạ theo, coi Nguyễn Nộn như thiên thần giáng thế, như cha mẹ tái sinh. Mấy hôm sau Nguyễn Nộn kéo quân đi. Dân thượng khóc lóc đưa tiễn, Quân lính của Nộn cũng cho rằng chủ tướng của mình là người nghĩa hiệp. Nguyễn Nộn theo kế của Đỗ Nguyên Bá, một mặt viết sớ tâu về triều đình báo tin đã bình xong Quảng Oai, đang kéo quân về triều. Một mặt cho người chuẩn bị thuyền bè để đưa quân về vùng Thiên Đức. Khi về đến hương Phù Đổng, Nguyễn Nộn cho lính tìm bắt được Hồ Miêu, kẻ trước kia đã phát giác Nguyễn Nộn biển thủ hòm vàng ngọc. Nộn thét quân nọc Hồ Miêu ra đánh. Nguyên Bá thấy vậy chỉ cười. Nguyễn Nộn hỏi vì sao tướng quân lại cười. Nguyên Bá Nói:

- Chẳng lẽ thượng công không biết trước kia Hàn Tín không chỉ báo ân phiếu mẫu mà còn hậu đãi cả gã bán thịt hay sao? Vả lại nếu không có Hồ Miêu tố giác, thượng công đâu có ngày nay.

(Hàn Tín nghèo khổ, bị gã hàng thịt bắt chui qua háng. Bà phiếu mẫu giặt vải bến sông, thương Tín đói, thường cho ăn cơm. Sau này Tín làm đại tướng của Lưu Bang, được phong tước Tề vương, đem nghìn lạng vàng trả ơn phiếu mẫu, lại trọng đãi cả gã hàng thịt)

Nguyễn Nộn sực tỉnh liền mời Hồ Miêu ngồi cùng uống rượu. Chuyện đó đồn đi, ai nấy đều cho Nguyễn Nộn là người rộng rãi, không chấp kẻ dưới nên nhiều người tìm đến xin theo.

Ở làng Cao Duệ (Cao Duệ: Thường gọi là làng Rồng, thuộc huyện Trường Tân, Hồng châu - nay là làng Cao Duệ, xã Nhật Tân, huyện Gia Lộc, Hải Dương), huyện Trường Tân thuộc Hồng châu có hai chàng trai là Nguyễn Bằng và Phạm Hữu rất thân với nhau. Cả hai người đều theo học một ông thầy ở làng Đạo Phái (Đạo Phái: Nay thuộc huyện Thanh Miện, Hải Dương ). Hôm ấy hai người đi học về qua cánh đồng, thấy đám trẻ chăn trâu đùa vui, dừng lại xem. Một đứa trong đám trẻ nói:

- Con trâu nhà tao cày mỗi ngày được năm sào ruộng.

Một đứa khác bảo :

- Trâu nhà mày khoẻ thế nào bằng trâu nhà tao được!

Đứa kia nói:

- Trâu nhà tao húc mỗi nhát, trâu nhà mày đi đời.

Đứa này sừng sộ:

- Thật chứ ? Mày có dám cho trâu đánh nhau không ?

Đứa kia:

- Dám chứ sao không. Chết đừng có trách.

Thế là hai con trâu đang thủng thỉnh ăn cỏ được kéo ra giữa bãi. Hai đứa trẻ thúc cho chúng tiến lại gần nhau nhưng cả hai con đều ngoảnh đi, tiếp tục hì hục gặm cỏ, dường như chúng chẳng để ý gì đến nhau. Hai đứa trẻ quất cho chúng xáp lại gần. Cuối cùng hai con trâu cũng hiểu ra chủ chúng muốn gì. Chúng nhìn nhau bằng con mắt hằn học rồi xông vào kịch chiến. Trận đấu ngày càng dữ dội. Cuối cùng một con dồn được con kia đến bờ khe sâu. Con đuối sức lăn xuống khe, làm lở một mảng đất lớn, vì thế con thắng cuộc cũng lao theo. Nguyễn Bằng, Phạm Hữu cùng mấy đứa trẻ chạy lại, hai con trâu đã nằm thở dốc dưới lòng khe, bốn mắt đăm đăm nhìn lũ trẻ như van lơn cầu cứu. Nguyễn Bằng bảo Phạm Hữu:

- Hai con trâu thật là dại dột, đang yên đang lành lại đánh nhau.

Phạm Hữu bảo:

- Hai con trâu có muốn đánh nhau đâu. Muốn đánh nhau là lũ trẻ kia đấy chứ!

Mấy đứa trẻ reo lên sung sướng.

- A! Chúng mày ơi! Hôm nay nhất định có thịt trâu ăn rồi!

Hai chàng trai về đến đầu làng, thấy quan quân đi lại rầm rập, hỏi ra mới biết Đoàn Thượng đang về bắt đinh tráng vào lính. Phạm Hữu bàn với Nguyễn Bằng:

- Chúng ta đều đã có tên trong sổ đăng lính cả rồi, trốn cũng chẳng được, mà bây giờ thiên hạ đang loạn, đất nước chia năm xẻ bảy. Ta theo Đoàn Thượng, nhỡ Nguyễn Nộn thắng, tất anh em mình không khỏi mang hoạ, chi bằng ta làm như Quản Trọng và Bão Thúc Nha ngày trước, anh cứ về đăng lính, tôi trốn sang Kinh Bắc với Nguyễn Nộn. Sau này ai có lợi thế thì tiến cử người kia. Đó mới là kế vạn toàn. Đợi khi thiên hạ thái bình, ta lại cùng nhau đi học.

Nói rồi cả hai nhỏ nước mắt chia tay, Nguyễn Bằng đi theo Đoàn Thượng, còn Phạm Hữu sang Kinh Bắc với Nguyễn Nộn. Gặp lúc Nguyễn Nộn đang chiêu binh mãi mã, Phạm Hữu vào xin ra mắt. Nộn thấy Hữu mặt mũi sáng sủa, có chữ nghĩa học hành, lại ăn nói khoát đạt thì quý trọng, liền cho làm chức quản binh hiệu uý, giúp việc ghi chép sổ sách quân lính, lương thảo cho quân sư Đỗ Nguyên Bá.

Chẳng bao lâu, Nộn thấy quân tình đã mạnh, muốn về Thăng Long, đánh anh em họ Trần, mời quân sư Đỗ Nguyên Bá đến bàn. Nguyên Bá nói:

- Cứ như ý tôi, chưa nên xuất quân vội. Ngày nay đã hình thành cái thế thiên hạ chia ba. Anh em họ Trần chiếm được kinh đô, khống chế vua Lý, có thể mượn tiếng triều đình mà sai khiến các lộ. Nhà Lý tuy suy tàn nhưng lòng người chưa dứt. Họ Trần dựa vào đó mà chiếm thế thượng phong, xem như được thiên thời. Đoàn Thượng ở phía Đông cũng ra sức bành trướng thế lực, dựa vào vùng đất rộng, dân giàu, lại có nhiều sông lạch che chắn để thủ hiểm, xem như được địa lợi. Nếu ta mang quân sang sông, nhất định họ Đoàn sẽ đánh vào sau lưng ta, chả nguy lắm sao. Thượng công ở phía Bắc, lực lượng mới xây dựng, hãy nắm lấy nhân hoà.

Nguyễn Nộn hỏi:

- Muốn được nhân hoà phải làm thế nào?

Nguyên Bá nói:

- Thượng công mới gây nghiệp. Lòng người chưa yên định. Nay thượng công hãy ra sức thi ân, cứu giúp người nghèo, nâng đỡ kẻ khó, chiêu hiền, đãi sĩ, khuyến khích nông tang, giảm bớt tô thuế. Như vậy lo chi không có được nhân hoà. Khi thế và lực đã đủ mạnh, muốn đánh đâu mà chả được. Đây là kế nhà cao cần móng chắc vậy.

Nguyễn Nộn nghe theo kế ấy, chiếm giữ hương Phù Đổng, tự xưng là Hoài Đạo Vương, nuôi quân, rèn sức, gọi anh em họ Trần là giặc, xin nhà vua cho được dẹp loạn để chuộc tội.

Trần Tự Khánh muốn đi đánh Nguyễn Nộn. Thượng tướng Phan Lân can:

- Ngày nay thế lực của Nguyễn Nộn đã mạnh, không thể đánh thắng ngay được. Đoàn Thượng ở Hồng châu cũng tác oai, tác quái. Ta đem quân đi đánh, tất họ sẽ liên kết với nhau, việc chinh chiến không biết bao giờ mới dứt, trăm họ thêm điêu linh. Chi bằng cứ phong vương cho Nguyễn Nộn để Đoàn Thượng ghen tức mà đánh lẫn nhau. Bên nào thua cũng bớt cho ta một mối hoạ. Trong khi đó thái uý có thể ung dung mà lo việc triều chính có hơn không?

Hôm ấy Trần Tự Khánh về phủ, cho mời quan điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ đến bàn việc. Trần Thủ Độ nói:

- Lời bàn của thượng tướng Phan Lân rất phải. Bọn Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng dẫu có hung hăng cũng chưa thể làm gì ta nổi, mà lực lượng của ta cũng chưa thể đánh bại bọn chúng nhanh chóng được, chi bằng cứ củng cố triều chính, bồi dưỡng quân lực rồi sau sẽ liệu.

Vì thế Trần Tự Khánh không đi đánh Nguyễn Nộn nữa mà tâu lên Huệ Tông, xin nhà vua cứ hứa phong vương cho Nộn. Vua tuy chưa phong vương cho Nguyễn Nộn nhưng cũng cử người mang sắc thư đến tuyên dụ. Từ đấy Nguyễn Nộn càng ra sức chiêu mộ quân lính, phát triển địa bàn về phía Bắc, ráo riết chuẩn bị tiến đánh họ Trần. Tin ấy bay về kinh đô khiến Trần Tự Khánh mất ăn, mất ngủ.

Thế mới rõ là:

Những tưởng xua ưng đi bắt thỏ

Nào ngờ thả cọp chốn rừng xanh

Mời bạn đọc tiếp chương sau xem Trần Tự Khánh, Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng tranh giành thiên hạ thế nào.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top