Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 2: Đại cư sĩ tham lòng mưu đồ cơ nghiệp (1)

Người thượng ở Quảng Oai vì quá đói khổ, nổi lên làm loạn. Trần Tự Khánh thân cầm quân đem theo bọn Vương Lê, Phùng Tá Chu đi đánh. Lúc ấy đang là cuối thu, trời khô hanh, se se lạnh. Quân sĩ nhằm hướng Tây mà đi, dọc đường chỉ thấy ruộng đồng hoang hoá, làng xóm tiêu điều, dân lưu tán hành khất phiêu dạt khắp nơi, có cả người chết đói. Binh lính nhiều kẻ gặp người nhà đi ăn xin, ôm nhau khóc, cảnh tượng thật thương tâm.

Mấy ngày sau quân vào đến đất Quảng Oai, trước mặt là rừng núi hoang vu, tuyệt nhiên không thấy bóng thổ dân đâu cả. Tự Khánh cho quân tìm nơi thoáng đãng, có nguồn nước, cắm trại, đề phòng bị đánh úp, cử thám tử đi dò xét quân man. Thám tử về báo không thấy tên phiến quân nào. Tự Khánh cho nhổ trại, tiến sâu vào rừng, các xe lương thảo cũng lục cục theo sau. Đến một thung lũng nhỏ, thấy có đội quân người thượng mặt mũi tô vẽ hung tợn, cởi trần, đóng khố sui, khố đằng (Khố làm bằng vải chế từ vỏ cây và dây rừng), tay cầm dao quắm, vai đeo tên nỏ, từ đâu hiện ra, Tự Khánh xua quân đuổi bắt. Chỉ nghe một tiếng hú dài kinh người, đội quân người thượng chạy vào con đường rừng. Tự Khánh cho quân đuổi gấp. Phùng Tá Chu nói:

- Nơi này hết sức hiểm trở. Thái uý nên cẩn trọng kẻo mắc mưu gian của giặc.

Tự Khánh bảo:

- Trời ơi! Không đuổi mau đi, có vài tên người man què, lấy đâu ra mà mưu với chả mẹo.

Nói xong, vẫy ngọn giáo cho quân cứ việc ào ạt xông lên, bỗng trước mặt hiện ra một vách núi dựng đứng chắn mất lối đi, hai bên rừng dây leo chằng chịt. Quân thượng biến đâu hết cả. Vương Lê quay lại nói với Tự Khánh:

- Đây là nơi tuyệt lộ. Ta bị quân man lừa mất rồi. Xin thái uý cho lui binh.

Lệnh lui quân chưa kịp phát ra thì thấy trên sườn núi nổi lên một hồi tù và dài, rồi gỗ đá, chuỳ chông ào ào lăn tới. Quân sĩ sợ hãi, nhốn nháo tháo lui, lại bị dây rừng quấn quýt vướng vào chân, không sao chạy thoát được. Nhiều người bị gỗ đá, chuỳ chông đè chết hoặc bị thương. Tiếng kêu khóc vang cả núi rừng. Khi ra khỏi tầm lăn của gỗ đá, tưởng là thoát nạn, ai ngờ lại một tiếng hú vang lên rồi tên nỏ không biết từ đâu bắn ra như mưa mà chẳng ai nhìn thấy một tên quân người thượng nào. Quân Tự Khánh chết hại rất nhiều, giẫm đạp lên nhau chạy tháo thân. Vương Lê cầm mộc che cho Tự Khánh, chạy ra đến cửa rừng mới biết là thoát, trên mình Vương Lê đã bị găm bốn mũi tên. Lúc ấy quân người thượng ở đâu xông ra đuổi bắt. May có Phùng Tá Chu đi sau liều chết đánh cản chúng lại, Tự Khánh và Vương Lê cắm cổ chạy. Quân lương bị người man cướp mất cả. Đêm ấy trong trại tiếng khóc than như mưa như gió. Trần Tự Khánh bảo Phùng Tá Chu:

- Ta không nghe lời ông mới có trận thua này. Bây giờ đã mất hết lương thảo, lòng quân rối loạn. Chi bằng ngày mai hãy rút quân về.

Phùng Tá Chu nói:

- Vậy ngày mai thái uý cứ từ từ rút đi. Tôi xin đoạn hậu.

Vương Lê bị bốn mũi tên, vết thương không sâu vì Lê mặc giáp cứng lại dày, nhưng các mũi tên đều tẩm thuốc độc nên khắp mình sưng tấy rất đau đớn. Đến đêm Vương Lê mê sảng không biết gì. Tự Khánh thương lắm, sai quân dược điều trị, hôm sau bảo quân lính lấy một chiếc xe, lót thật êm cho Vương Lê nằm chở đi, tự mình cầm giáo đi bên cạnh bảo vệ. Tướng sĩ thấy vậy, ai cũng bảo Tự Khánh là người có lòng yêu kẻ dưới.

***

Mùa đông năm sau, bệnh tình của Huệ Tông có thuyên giảm. Trần Tự Khánh tâu xin tha tội cho Nguyễn Nộn, sai đi đánh người man ở Quảng Oai.

Nguyễn Nộn vốn là hậu duệ của Nguyễn Bặc thời vua Đinh Tiên Hoàng, tu hành ở chùa Phù Đổng, sức vóc cường tráng, thường luyện tập võ nghệ, dùng một cây thiết côn dài múa tít, tung lên cao mấy trượng, rồi nhào người theo bắt lấy, kiêu dũng mà mềm mại như một con báo. Năm trước những người đào ao cho nhà chùa, bắt được một cái hòm bằng đá. Nguyễn Nộn cậy ra, bên trong đựng toàn vàng ngọc. Bọn ấy đòi chia phần. Nguyễn Nộn bảo:

- Để ta đem dâng lên triều đình, thế nào các ngươi cũng được thưởng, nếu tự tiện chia nhau, quan trên biết được, phải tội chặt đầu chứ chả chơi.

Tuy nói vậy nhưng Nguyễn Nộn lại đem giấu đi làm của riêng. Trong bọn người đào ao có một đứa tên là Hồ Miêu, rất tinh khôn, thấy mãi chả có ai được thưởng gì, mới nghi Nguyễn Nộn đã biển thủ hòm của báu. Hồ Miêu bàn với bọn người đào ao, cùng nhau đến hỏi. Nguyễn Nộn nói:

- Ta nghĩ lại rồi. Chúng bay không biết câu dân gian, quan tham hay sao? Dẫu ta có đem dâng lên cũng chưa chắc đã đến được triều đình, có khi còn bị họ giết người diệt khẩu, hoá ra chẳng mang vạ cả lũ ư.

Hồ Miêu nói:

- Thế thì đem chia quách cho mỗi người một ít là xong. Anh em ta đây không ai nói ra, quan trên làm sao mà biết được.

Nguyễn Nộn nhất quyết không chia. Bọn người đào ao tức giận đến báo với quan tư xã đem tuần đinh đến khám, bị Nguyễn Nộn lấy danh nghĩa bảo vệ chùa, đánh cho một trận, chạy tháo thân, phải báo lên quan phủ. Quan phủ mang lính về vây chùa, khám xét tìm thấy hòm vàng ngọc, liền bắt Nguyễn Nộn cùng hòm tang vật, làm sớ tâu lên triều đình. Triều đình giao cho bộ hình bắt Nguyễn Nộn giam vào đại lao tra xét. Trần Tự Khánh thấy Nộn có sức khoẻ lại giỏi võ nghệ, mà vụ án cũng đã rõ ràng, mới xin tha cho và sai đi đánh người thượng.

Nguyễn Nộn vâng mệnh, điểm binh ra khỏi thành, nhằm hướng Tây đi về đất Quảng Oai. Trong đám thuộc tướng của Nguyễn Nộn, có Đỗ Nguyên Bá là cháu của thượng phẩm phụng ngự Đỗ Quảng. Sau Đỗ Quảng làm phản, bị Tô Trung Từ đánh bại. Đỗ Nguyên Bá muốn trả thù cho chú, đêm ấy vào trướng hỏi Nguyễn Nộn rằng:

- Năm trước, tướng quân có một mình mà dám chống lại cả quan phủ, nay có binh, có tướng, sao lại phải quỳ mọp dưới chân người ta vậy?

Nguyễn Nộn Quắc mắt, hỏi:

- Ngươi nói thế là có ý gì?

Nguyên Bá nói:

Việc bắt hay thả tướng quân đều do một tay anh em họ Trần cả. Nay tướng quân coi Tự Khánh như ân nhân, chẳng phải mua cười cho thiên hạ sao? Anh em họ Trần, tuy tiếng là tướng của nhà Lý nhưng thực ra chỉ muốn nuốt chửng nhà Lý mà thôi. Chúng làm nhiều điều xằng quấy, khiến lòng người không phục. Nếu tướng quân khởi binh chống lại họ Trần, tôi chắc thiên hạ về với tướng quân cả.

Nguyễn Nộn trợn mắt thét:

- Ta vâng lệnh thái uý, đi tiễu trừ quân giặc. Sao ngươi dám nói càn như vậy. Võ sĩ đâu! Lôi tên này ra chém cho ta.

Võ sĩ xông vào kéo Nguyên Bá đi. Bá, mặt không đổi sắc, chỉ cười mủm mỉm. Lúc sắp hành hình, Bá vẫn tươi tỉnh như không, lại còn hát mấy câu:

Trời xanh xanh... hề
Đất xanh xanh
Đất trời nghiêng ngửa... hề
Đâu kẻ hùng anh?

Nguyễn Nộn thấy thế, hỏi:

- Nhà ngươi chết đến nơi mà còn vui vẻ thế ư?

Nguyên Bá nói:

- Tôi biết mình không chết, lại gặp người tri kỉ, sao không vui vẻ?

Nguyễn Nộn liền sai cởi trói, mời Nguyên Bá vào trướng, hỏi:

- Sao ngươi biết ta không giết ngươi?

Đỗ Nguyên Bá nói:

- Lời nói phải, lại đúng chỗ, gây nên cái chết thế nào được?

Nguyễn Nộn vái Nguyên Bá một vái, nói:

- Ông thật hiểu hết gan ruột của tôi. Vậy có điều gì mong ông hết lòng chỉ giáo cho. Hiềm một nỗi tôi chưa có công trạng gì, e quân lính không phục.

Đỗ Nguyên Bá nói:

- Đánh xong quân man, ắt thành công trạng chứ gì nữa.

Từ bữa ấy Nguyễn Nộn luôn giữ Đỗ Nguyên Bá bên mình để bàn việc. Mấy hôm sau đi đến đất Quảng Oai, Nguyễn Nộn cho quân sĩ đốt rừng, tiến đánh. Nguyên Bá can:

- Quân man nổi loạn, chẳng qua do đói khổ làm càn. Tướng quân cho đốt rừng, đánh giết, tất họ chống lại hoặc sợ tản đi. Như thế phỏng có ích gì?

Nguyễn Nộn nói:

- Vậy phải làm sao bây giờ?

Nguyên Bá Nói:

- Tôi chắc quân man thế nào cũng cho người dò xét chúng ta. Tướng quân cứ đem cơm gạo treo lên các cành cây quanh trại, nếu ngày mai không còn, khắc sẽ có kế hay.

Nguyễn Nộn nghe theo, cho quân nấu cơm, gói làm nhiều gói, treo lên cành cây trong cánh rừng gần đấy. Sáng hôm sau thấy mất cả. Nguyễn Nộn hỏi, Nguyên Bá nói:

- Kế này chắc sẽ thành công. Đêm nay tướng quân lại cho treo cơm nhiều hơn hôm qua, ngày mai tôi xin nói rõ đầu đuôi.

Qua một đêm nữa, số cơm đem treo cũng mất hết. Nguyên Bá mới ghé sát vào tai Nguyễn Nộn nói:

- Mưu kế của tôi là thế này... này...!

Nguyễn Nộn cười phá lên bảo:

- Mẹo của ông, dẫu Lý Thường Kiệt, Dương Đình Nghệ tái sinh cũng không đoán ra được.

Về phía người thượng, thấy quân lính triều đình kéo tới thì trốn cả vào rừng sâu nhưng vẫn cử một toán bí mật theo dõi, đêm ấy thấy quân triều đình treo nhiều gói trên cây, bảo nhau hạ xuống, thấy toàn là cơm trắng, đang đói sẵn, ăn thử không có độc. Quân người thượng liền lấy hết các gói cơm mang về động, báo với tù trưởng, chia cho mọi người. Đêm thứ hai, tù trưởng sai quân đi, lại lấy được nhiều cơm hơn mà chẳng ai việc gì. Đêm thứ ba, tù trưởng tự cầm đại quân đi lấy cơm, xem xét tình hình. Nửa đêm đến cánh rừng cạnh trại lính triều đình, thấy trong trại đèn đuốc sáng choang, quân lính canh phòng nghiêm mật. Trên cây trong rừng chỗ nào cũng treo lủng liểng vô số những gói cơm, tù trưởng cho quân leo lên tháo xuống, chẳng ai còn để ý đến việc đánh nhau nữa. Vừa lúc ấy một tiếng pháo nổ vang trời, rồi đèn đuốc bốn bên cháy lên, sáng như ban ngày, vây quân người thượng vào giữa. Quân thượng hoảng hốt, toan tìm đường tháo chạy nhưng không thể nào ra khỏi trùng vây. Viên tù trưởng đang luống cuống chưa biết chạy vào đâu, bị một chiếc lưới chụp lên đầu, không sao chui ra được, quân triều đình trói nghiến đưa về trại. Số quân thượng còn lại cũng lần lượt bị bắt hết cả.

Hoá ra Đỗ Nguyên Bá thấy người thượng trốn vào sâu trong rừng, mới dùng kế mồi ngon câu cá đói, nhử ra mà bắt. Sáng hôm sau Nguyễn Nộn cho dựng pháp trường, đào một cái hố thật to. Lệnh cho quân sĩ điệu bọn người thượng ra đấy để chém hết, đẩy xuống, lấp đất đi. Khi sắp hành hình, Đỗ Nguyên Bá đem quân đi tuần núi về, liền bảo bọn đao phủ hãy khoan, đợi lệnh, rồi vào nói với Nguyễn Nộn:

- Tướng quân không nên giết bọn người man mới là đắc sách.

Nguyễn Nộn bảo:

- Ta muốn giết sạch chúng đi để trừ hậu hoạ.

Nguyên Bá nói:

- Chính giết chúng, tướng quân mới gặp ba điều hoạ, tướng quân sẽ mang tiếng là người ác, dân chúng sợ hãi không theo. Dân chúng đã không theo lấy ai mà sai khiến. Đó là điều hoạ thứ nhất. Tướng quân muốn tranh hùng với họ Trần, tất phải mang quân lên phía Bắc. Phía Tây yên định, họ Trần không lo gì nữa, rảnh tay đối phó với tướng quân. Đó là điều hoạ thứ hai. Giả như muốn về với triều đình, mà bốn bề sóng yên gió lặng cả, tướng quân không biết câu Điểu tận cung tàng hay sao. Đó là điều hoạ thứ ba.

Nguyễn Nộn bảo:

- Chả lẽ bây giờ thả chúng ra à?

Nguyên Bá nói:

- Không những phải thả chúng, mà còn cần thết đãi chúng thật đàng hoàng nữa. Người man là giống thật thà, khi chúng đã chịu ơn, tướng quân bảo làm gì mà chúng chả nghe. Kế này gọi là nuôi khỉ dạy làm trò đó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top