Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 3: Thủ Độ gom thâu quyền binh

Thủ Độ được lời, vui như mở cờ trong bụng, vội vã đi lo liệu cắt đặt công việc cưới hỏi cho nữ hoàng. Từ khi có chồng, nữ hoàng vui lắm, lại rất ra vẻ người nhớn, đi đâu cũng dắt chồng theo bên cạnh, tình cảm xem ra muôn phần nồng nàn. Được mấy ngày, Thủ Độ lại bảo Trần Cảnh phải làm thế này... phải nói thế kia...

Một đêm, Trần Cảnh bảo nữ hoàng:

- Chúng mình là vợ chồng, cái gì cũng chơi chung, sao đằng ấy không cho mình làm vua chung với.

Nữ hoàng cười ngất, bảo:

- Làm vua thích cái nỗi gì, chỉ tổ phải nghe các ông già cãi nhau, chán chết. Đằng ấy thích làm vua thì vua nhường cho đấy.

Hôm sau, Trần Cảnh nói với Trần Thủ Độ. Buổi chiều, Thủ Độ vào cung tìm thái hậu Trần Thị Dung. Lúc ấy thái hậu đang xem thị nữ tỉa hoa ở vườn trước. Thủ Độ trông thấy bảo:

- Cái cây này cỗi mất rồi, hoa lá không còn đẹp nữa. Chị để tôi chọn giống mới thay vào.

Thái hậu không hiểu ý, vô tình trả lời:

- Mấy cây này trồng đã lâu, nghe nói từ thời Cao Tông đến nay không còn ra hoa được nữa, thay đi cũng phải nhưng tìm đâu ra giống tốt bây giờ.

Thủ Độ nói:

- Chỉ cần chị ưng thuận khắc có giống tốt ngay thôi.

Thái hậu bảo:

- Thế thì cậu cứ thay đi.

Thủ Độ lại đi gặp quan thái phó Phùng Tá Chu, bảo:

- Nhà vua muốn nhường ngôi cho chồng, thái hậu cũng đồng ý rồi, ông soạn chiếu đi.

Phùng Tá Chu tuy là thái phó nhà Lý nhưng thực ra trước nay vẫn làm việc dưới quyền họ Trần, trước đây thường được Trần Tự Khánh tin dùng giao cho nhiều trọng sự. Chu nói:

- Việc soạn chiếu đâu có khó gì, chỉ sợ các quan phản đối.

Thủ Độ bảo:

- Ông cứ soạn đi, chuyện các quan tôi khắc lo được. Từ trước đến giờ có việc gì bàn ở triều đình mà không mỗi người mỗi ý.

Phùng Tá Chu sai người mài mực, trải lụa viết thoăn thoắt, một lúc đã xong, đọc lại cho Thủ Độ nghe. Thủ Độ gật đầu khen, cầm tờ chiếu đi ra.

Những ngày cuối năm, dân kinh thành nhà nào cũng bận, nhà gia thế, quan lại lo mua sắm quà cáp dâng biếu quan trên; kẻ sĩ lo làm sao có được câu đối hay, bài thơ mới để đón xuân cùng bạn hữu; cánh thợ giầy, thợ ô, thợ hàng mã, thợ sơn kiệu lo sao làm gấp để kịp trả hàng. Các nhà buôn bán bày hàng la liệt, tiếng chào mời ời ợi khắp mọi nơi. Mấy bác dân cày ở các vùng lân cận cũng bán thóc, bán khoai để đi sắm tết. Những kẻ cùng đinh không còn mảnh vải che thân kéo về xin ăn. Đám binh lính tụ tập trong quán rượu toàn nói chuyện về quê ăn tết, không ai biết sắp xảy ra cái việc đổi giời.

Đêm mười một tháng chạp, gió bấc rít ràn rạt trên mái điện Thiên An, vài hạt mưa lất phất càng làm cho tiếng trống cầm canh khục lên như tiếng ho của ông già cảm lạnh. Dăm chú lính tứ sương co ro đứng gác cổng thành, thỉnh thoảng nghển lên ngóng người đổi phiên. Đền đài, cung thất như ngâm trong thứ ánh sáng đục lờ lờ của vầng trăng muộn bị mây che phủ. Đầu trống canh năm, quan điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ cùng quan thái phó Phùng Tá Chu mặc võ phục dẫn hai đạo quân hổ bôn đến, dàn thành hai hàng dọc theo mép sân điện. Một đội quân thánh dực được đưa vào đứng bên trong, sẵn sàng đợi lệnh. Lúc sau các quan lục tục kéo đến đông đủ, đứng cả ngoài sân. Bỗng trong điện vang lên tiếng viên thái giám:

- Hoàng thượng ngự triều. Truyền các quan vào lạy.

(Lính tứ sương: Quân coi bốn mặt thành.

Quân hổ hôn: Lính bảo vệ trong hoàng cung.

Quân thánh dực: Quân bảo vệ bên cạnh nhà vua)

Các quan lần lượt tiến vào điện, tung hô vạn tuế rồi đứng thành hai ban văn võ. Nữ hoàng mặc long bào, ngồi trên sập báu gục xuống ngủ, miệng chảy dãi ra ngực áo thêu rồng. Một thị nữ phải đứng phía sau đỡ cho ngài khỏi lăn xuống đất. Quan thị độc Giang Định Hoá dõng dạc nói to lên rằng:

- Hoàng thượng có chiếu.

Tất cả các quan lớn nhỏ đều quỳ xuống nghe chiếu. Thị nữ đứng sau phải vỗ nhẹ vào má nữ hoàng để đánh thức người dậy nhưng người chỉ hét lên:

- Đau bụng! Đau bụng! Đi ị, đi ị.

Thị nữ vội bế nữ hoàng ra phía sau. Thì ra nữ hoàng bị lạnh, người muốn đi ngoài. Lúc sau, thị nữ ẵm nữ hoàng trở lại, người vẫn ngủ. Thủ Độ bảo Giang Định Hoá:

- Thôi! Cứ đọc đi.

Giang Định Hoá cao giọng đọc:

- "Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy. Khốn nỗi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi. Kinh Thi có nói: Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay. Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thoả lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người đều biết".

Thượng tướng Phan Lân định bước ra phản đối, tướng Vương Lê biết ý bấm kéo lại, thành ra quần thần có xôn xao một tí nhưng cuối cùng cũng không ai dám nói gì. Thủ Độ bảo:

- Làm lễ trao áo ngay đi.

Giang Định Hoá nói to:

- Hoàng thượng trao long bào.

Thị nữ vỗ nhẹ vào vai nữ hoàng, bảo:

- Chúa thượng! Chúa thượng! Cởi long bào ra.

Nữ hoàng còn đang ngái ngủ, duỗi tay cho thị nữ cởi long bào, nói:

- Ừ! Ừ! Bắt mặc vào, lại bắt cởi ra.

Giang Định Hoá hô lên:

- Tân hoàng đế ngự triều.

Một viên thái giám dắt Trần Cảnh lên điện. Trần Cảnh vừa đi vừa dụi mắt, ngật ngưỡng bước vào, cùng ngồi lên sập báu, ngáp một cái rõ dài. Nữ hoàng đã cởi xong áo, cầm khoác lên người Trần Cảnh, bảo:

- Cảnh mặc áo này đẹp hơn vua.

Thị nữ vội kéo nữ hoàng lại, nói khẽ:

- Bây giờ Cảnh mới là vua.

Chiêu Hoàng hỏi:

- Thế từ nay vua không phải làm vua nữa à?

Thị nữ gật đầu. Chiêu Hoàng bảo:

- Thích nhỉ!

Giang Định Hoá bảo thị nữ bế Chiêu Hoàng vào rồi hô:

- Các quan lạy mừng tân hoàng đế!

Trăm quan đều quỳ lạy tung hô vạn tuế, dâng tôn hiệu là Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng Đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ nhất. Giang Định Hoá đọc chiếu của vua mới, xưng là Thiên Hoàng, sau đổi là Văn Hoàng, đại xá thiên hạ, phong Trần Thủ Độ là quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai trị trong nước, toàn dân mở hội ba ngày. Thế là công cuộc đổi giời của Trần Thủ Độ đã hoàn toàn viên mãn. Vua bãi triều cho các quan đi xem hội. Mọi người ra khỏi điện Thiên An, trời đã rạng sáng, mặc dù còn nhiều mây và gió lạnh nhưng ai nấy nhìn tỏ mặt nhau. Trai gái trong thành Đại La kéo đi xem hội, nói cười ríu rít.

Thái hậu Trần Thị Dung ở trong cung Vĩnh An, đang sai bọn thị nữ sắp kiệu để đi xem hội thì Trần Thủ Độ tới, bảo:

- Giống cây tốt đã được thay rồi đấy. Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh rồi. Từ nay nó không phải làm vua nữa.

Thái hậu tái mặt đi, giây lâu mới nói:

- Thế là cậu lừa mẹ con tôi, cậu phế truất con tôi. Cậu làm cái điều khi quân phản chúa ấy được ư?

Nói xong, thái hậu bưng mặt khóc. Trần Thủ Độ nói:

- Nhà Lý đã quá suy tàn, có khác nào cái cây kia không thể ra hoa được nữa, không thay đi để trăm họ lầm than mãi hay sao?

Thái hậu nói rít lên trong tiếng nấc:

- Thôi! Cậu đừng nói dài lời, cậu đi đi. Tôi không muốn trông thấy cậu nữa.

Thủ Độ biết không thể nói cho thái hậu hiểu ngay được, cúi đầu bỏ ra ngoài cung, gặp Đỗ Kính Tu tóc tai rũ rượi gào khóc chạy đến chỉ vào mặt Thủ Độ mà mắng:

- Thằng giặc Thủ Độ lừa vua dối chúa kia. Tao không ngờ mày lại gian hùng đến thế. Tiên đế ơi, hôm nay thần quyết liều cái mạng già này với quân gian tặc đây.

Vừa nói, Đỗ Kính Tu vừa giơ cây gậy trúc nhằm đầu Thủ Độ giáng xuống. Thủ Độ không né tránh, cứ kệ cho Kính Tu phang mình túi bụi, tung cả khăn, rách cả áo. Đến khi ông già mệt quá không thể đánh tiếp được nữa, Thủ Độ mới gọi:

- Lính đâu.

Mấy anh lính hổ bôn xúm cả lại. Đỗ Kính Tu bảo:

- Mày cứ giết tao đi. Trời sẽ giết mày.

Thủ Độ bảo mấy anh lính:

- Các ngươi tìm cho ta cái kiệu lại đây để đưa lão thái phó về nghỉ.

Nói xong, Thủ Độ quay lại vái Đỗ Kính Tu một vái rồi đi về phía Nam thành xem hội.

Chiều hôm ấy viên quan coi cổng Tây thành đến báo với Trần Thủ Độ là lão tướng Phan Lân đã đem gia quyến bỏ đi rồi. Một lúc sau lại có người báo thượng thư Đỗ Anh Triệt thắt cổ tự tử ngay lúc ở triều về, không chịu làm tôi nhà Trần. Thủ Độ bùi ngùi, nói:

- Tiếc thay! Tiếc thay! Những người trung nghĩa thế mà ta không giữ được họ.

Từ đó đến sau tết nguyên đán vẫn còn người cáo quan bỏ đi. Thủ Độ tâu với vua mới:

- Nước không thể hai vua. Xin hoàng thượng định tước vị cho Chiêu Hoàng.

Vua xuống chiếu phong Chiêu Hoàng làm Hoàng hậu, gọi là Chiêu Thánh. Phong Trần Thủ Độ làm thái sư thống quốc hành quân vụ chinh thảo sự. Thủ Độ gồm thâu được toàn bộ quyền hành vào tay mình, liền đến nói với Huệ Tông nhà Lý:

- Vận nhà Lý đến nay đã hết. Thể theo lòng mong mỏi của trăm họ, Văn Hoàng đế đã lên ngôi, vậy thượng hoàng nhà Lý cũng nên biết điều mà xử sự cho phải lẽ chứ.

Huệ Tông nói:

- Mấy năm nay ta đã hiểu rõ tấm lòng tử tế của ông. Nay ông đã là thái sư đương triều, muốn làm gì ta chả được. Ta chỉ xin đến một ngôi chùa thanh tịnh, xuống tóc quy phật mà thôi.

Thủ Độ đồng ý cho Huệ Tông ra tu ở chùa Chân Giáo trong hoàng thành. Thị nữ A Nhi cầm tay nhà vua khóc nức nở, nói:

- Hoàng thượng ơi! Từ nay thiếp không được hầu hạ hoàng thượng nữa rồi.

Huệ Tông chỉ nhìn A Nhi, nước mắt tuôn xuống như mưa, không nói được câu gì, nghẹn ngào đi theo người lính dẫn đường.

Thủ Độ đang lo xếp đặt lại triều chính, có lính thám mã hoả tốc về báo việc Nguyễn Nộn đã mang quân vượt sông Thiên Đức, sắp tiến đánh kinh thành, vội vã vào triều triệu tập các quan bàn kế phá giặc.

Thật là:

Đổi giời chưa kịp xem giời sáng

Được nước còn lo giữ nước yên.

Mời bạn đọc tiếp chương sau xem Trần Thủ Độ chống nhau với Nguyễn Nộn thế nào.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top