Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 5: Nguyễn Nộn phản bạn đánh chiếm Hồng châu (1)

Trên kia đang nói Bà Liệt thấy mẹ chết, đau buồn quá liền rút gươm tự sát. Viên hiệu uý đứng cạnh vội giật lấy thanh gươm. Thượng hoàng cũng ôm con an ủi, truyền dùng lễ hoàng phi an táng Mai Thị, sai Bà Liệt mang lính về quê lập đền thờ mẹ.

Thượng hoàng nhà Lý lúc bấy giờ đã gọi là Huệ Quang đại sư, từ khi ra ở chùa Chân Giáo, trong lòng buồn phiền, khí sắc hao gầy. Các vị tăng chúng thấy vậy thương lắm, thường chuyện trò để người khuây khoả. Hôm ấy ngày rằm tháng bảy, nhà chùa cúng cháo thí cho các vong hồn. Huệ Quang bảo:

- Các cô hồn còn được nhà chùa cúng tế, hồn phách cha mẹ ta chẳng biết giờ đây phiêu bạt nơi nào, có ai cúng lễ cho không.

Nói xong ôm mặt khóc rưng rức. Sư cụ trụ trì biết Huệ Quang chưa dứt được lòng phàm mới sai hai chú tiểu mang tiền đưa Huệ Quang ra chợ chọn mua lễ vật về đặt ban thờ riêng cúng cha mẹ. Người phủ thái sư biết, về báo với Trần Thủ Độ

- Thượng hoàng nhà Lý ra chợ chơi, dân chúng tranh nhau chạy đến xem, nhiều người thương khóc. Xin thái sư định liệu, để lâu tất không hay.

Thủ Độ nói:

- Dù sao Huệ Quang cũng từng là một vị hoàng đế, ngươi truyền lệnh ta cho các sư tăng ở chùa Chân Giáo không được để ông ấy đi đâu, nhỡ bệnh cũ tái phát nguy đến tính mạng đó, bảo họ phải phụng sự cẩn thận.

Lệnh ấy của Thủ Độ làm ra vẻ quan tâm giữ gìn cho Huệ Quang nhưng thực tình chỉ muốn giam chặt lại, không cho đi đâu sợ mọi người trông thấy sinh lòng nhớ vua cũ. Mấy hôm sau Thủ Độ cho mời Phùng Tá Chu và Lê Khâm đến bàn. Phùng Tá Chu nói:

- Thượng hoàng nhà Lý bây giờ đã như cái hạt luộc chín, thái sư cần gì phải lo.

Thực ra Phùng Tá Chu tuy thờ nhà Trần nhưng trong lòng vẫn còn chút tình thương vua nhà Lý mới nói như vậy để Trần Thủ Độ tha cho Huệ Quang. Lê Khâm thì khác, với tinh thần Bất cộng Lý gia, ông ta nói:

- Cây khế đã chặt đi, còn sót có cái rễ mà sau mọc lớn hơn cây mẹ.

(Vì Lê Khâm là dòng dõi nhà tiền Lê. Nhà tiền Lê bị nhà Lý đoạt ngôi nên hậu duệ thề không cộng tác với nhà Lý)

Thủ Độ là người sáng dạ, chỉ cần được người khác gợi ý một, lập tức có thể hiểu mà thực hiện gấp năm gấp mười. Lời của Lê Khâm chỉ muốn nhằm vào một mình Huệ Quang, chẳng ngờ làm Thủ Độ nảy ra ý phải diệt cả họ hàng nhà Lý. Sang tháng Tám, Thủ Độ ra chơi chùa Chân Giáo, lúc ấy Huệ Quang đang ngồi xổm nhổ cỏ. Thủ Độ nói:

- Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu*.

Huệ Quang đứng dậy phủi tay nói:

- Điều ngươi nói ta hiểu rồi*.

Mấy hôm sau, Thủ Độ sai người bày biện hương hoa đến bảo Huệ Quang:

- Thượng phụ sai thần đến mời*.

Huệ Quang nói:

- Ta tụng kinh xong sẽ tự tử*.

Huệ Quang vào trong phòng khấn rằng:

- Thiên hạ nhà ta về tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi khác con cháu nhà ngươi cũng bị như thế*.

(*: Những câu thoại này lấy nguyên văn trong ĐVsktt)

Khấn xong ra vườn sau thắt cổ tự tử, năm ấy Huệ Quang mới ba mươi ba tuổi. Các nhà sư thấy vậy thương khóc thảm thiết. Các quan đại thần trong triều cũng đến khóc lạy chịu tang. Trần Thủ Độ không cho đưa tang ra lối cửa chính mà bắt khoét tường thành phía Nam làm cửa, gọi là cửa khoét, đem linh cữu ra phường Yên Hoa thiêu, chứa xương vào tháp chùa Bảo Quang. Dân chúng đi đưa khóc như mưa gió. Chiều hôm ấy lính canh bắt mấy người dân thường đến trình với Trần Thủ Độ rằng bọn người này trong khi đi đưa tang đã nói những lời xúc phạm hoàng thượng và đức ông thái sư thống quốc, xin thái sư trị tội. Thủ Độ bảo:

- Xét cho cùng chúng cũng chỉ vì lòng trung mà nói như vậy. Ta không nỡ trách phạt. Thôi! Thả hết chúng đi.

Đám dân thường ấy mới biết Trần Thủ Độ cũng là người nghĩa khí, cùng nhau thụp lạy tạ ơn.

Huệ Quang chết rồi, Trần Thủ Độ tâu với vua Trần giáng thái hậu Trần Thị Dung làm Thiên Cực công chúa, gả cho mình làm vợ, lại ban cho châu Lạng làm ấp thang mộc. Việc này khiến người đời sau hết lời chê trách.

Mùa thu tháng tám năm Kiến Trung thứ tư (1228), vua Trần phong anh là Trần Liễu làm thái uý. Phùng Tá Chu tâu:

- Nay trong triều đã yên định, quân thế đủ mạnh, lương thảo dồi dào xin hoàng thượng lo mặt tả ngạn để thiên hạ thu về một mối.

Trần Thái Tông hỏi:

- Muốn sang tả ngạn phải làm thế nào?

Phùng Tá Chu tâu:

- Nhà Tống vẫn muốn đánh Đại Việt ta, nhưng hiện nay họ đang cùng người Thát đánh nước Kim. Quân Kim tuy mạnh nhưng không thể cùng một lúc chống với hai kẻ địch hung bạo như Mông và Tống, trước sau gì cũng phải tan vỡ. Người Thát là giống sài lang hiện đã đánh chiếm hết cả miền Tây Hạ, khi nước Kim đã diệt rồi, ắt sẽ đến lượt nước Tống. Tống, Mông nước nào thắng cũng không thể bỏ qua Đại Việt, nếu nước ta cứ trong tình trạng chia năm xẻ bảy thế này sao đủ sức chống được giặc mạnh. Còn việc nên làm thế nào, thần chắc quan thái sư đã có kế sách.

Thái Tông quay nhìn thái sư Trần Thủ Độ. Thủ Độ tâu:

- Thần xin đem quân sang sông, trước chiếm đất Tế Giang, Gia Lâm làm bàn đạp, sau đánh chiếm Đằng châu, chiếm được hai nơi ấy thì Hồng châu thượng hạ như trong lòng bàn tay rồi. Mặt khác, xin hoàng thượng gia phong thêm cho Nguyễn Nộn để y không đi cứu Đoàn Thượng, việc ta chắc xong.

Lê Khâm nói:

- Tôi xin hiến một kế để Nguyễn, Đoàn hai nhà đánh nhau; ta ở giữa thu lợi, như vậy chẳng đỡ mệt cho thái sư sao.

Thái Tông truyền:

- Nhà ngươi cứ nói.

Lê Khâm tâu:

- Nguyễn Nộn không phải là người tín nghĩa. Xưa kia nhiều kẻ theo hắn là nhờ có Đỗ Nguyên Bá sắp đặt. Nay Nguyên Bá đã chết, Nguyễn Nộn lộ nguyên hình là một gã tham tàn. Chúa thượng nên nhân việc Đoàn Thượng không nhận phong vương, đem đất thượng Hồng mà gia phong cho Nguyễn Nộn. Tôi chắc thế nào hai nhà ấy cũng hại lẫn nhau. Đây chính là kế Tào Tháo phong đất Kinh Tương cho Công Cẩn vậy.

Trần Thái Tông nghe theo kế ấy, phái sứ giả sang phong đất thượng Hồng cho Nguyễn Nộn. Nộn họp các tướng bàn:

- Ta có ý lấy đất Hồng châu đã lâu, nay vua Trần lại phong đất ấy cho ta nhưng sợ Đoàn Thượng không chịu, nên làm thế nào bây giờ?

Đại tướng thuỷ quân Võ Hàn nói:

- Từ cổ đến nay chưa ai tự dưng đem đất cho người khác. Đại vương muốn được đất ấy chỉ có cách nhân dịp này cử sứ sang đòi. Thế nào Đoàn Thượng cũng gây khó dễ. Ta mượn cớ tiến binh sang đánh mới được.

Đại tướng tiền quân Trương Thái nói:

- Họ Trần rất là ma giáo, đây chính là kế khích Chu Du đòi đất Lưu Bị, ai có lạ gì. Nếu ta tham một mảnh đất thượng Hồng, nhất định mắc mưu ngay.

Nguyễn Nộn nói:

- Ta cũng biết là như thế nhưng không lấy đất Hồng, chịu kẹp giữa hai nhà Trần, Đoàn mãi hay sao. Ma Lôi, ngươi có ý gì không?

Phan Ma Lôi nói:

- Tôi có một kế không những có thể lấy được đất thượng Hồng mà ngay hạ Hồng cũng về tay ta cả. Đoàn Thượng tuy ngang tàng nhưng lại dễ tin người, chỉ cần một mẹo lừa nhỏ là cơ nghiệp của hắn thành tro tàn.

Nguyễn Nộn cười bảo:

- Mưu kế của ngươi thế nào, cứ nói.

Ma Lôi thưa:

- Đại vương nên viết thư sai sứ đến nói rõ với Đoàn Thượng việc nhà Trần phong đất là kế li gián hai nhà Nguyễn, Đoàn, rồi hẹn với Đoàn Thượng cùng đem quân đánh nhà Trần. Đoàn Thượng đang hận nhà Trần, tất mang quân đi. Hạ Hồng bỏ ngỏ, ta đem quân đánh úp, hai đầu ép lại, chắc là toàn thắng.

Trương Thái nói:

- Kế ấy tuy hay nhưng là việc lừa người, không phải hành động của bậc quân tử.

Ma Lôi nói:

- Phàm đã là việc dụng binh, tranh thành cướp đất không lừa người tất bị người lừa, vậy đằng nào hơn?

Võ Hàn nói:

- Lời quân sư Ma Lôi rất phải, không nên vì tiểu tiết mà bỏ cơ hội lớn. Đại vương nên quyết ngay đi thôi.

Nguyễn Nộn phán:

- Lời Võ tướng quân rất hợp ý ta.

Nói xong liền sai lấy bút mực viết thư cho Đoàn Thượng, mặt khác lệnh cho các tướng điểm binh sẵn sàng chờ lệnh. Cử Ma Lôi làm quân sư, toàn quyền điều vát tướng lĩnh. Từ khi Đỗ Nguyên Bá chết, truyền lại cuốn Bát thập nhất kì mưu cho Ma Lôi. Ma Lôi đêm ngày nghiền ngẫm, chẳng bao lâu đã thuộc hết các mưu mẹo như: Mồi ngon câu cá đói, Thóc tốt nhử gà tồ, Nhà cao cần chắc móng, Vững giậu thì bền tường, Giấu vuốt chờ mồi, Tách trâu khỏi cỏ..., nay muốn đem ra thi thố, đêm ngày vạch kế hoạch cho Nguyễn Nộn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top