Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 6: Hoàng thượng hỏi đạo đời Phù Vân trong thảo am Yên Tử (1)

Thái Tông Trần Cảnh là người khoan nhân hiếu hữu, lúc ấy đã mười chín tuổi mà chưa có con trai. Vợ chồng thái sư Trần Thủ Độ mưu việc cướp công chúa Thuận Thiên đang có chửa của Hoài vương Liễu về làm hoàng hậu. Thái Tông nhất định không nghe nhưng vì Thủ Độ chuyên quyền o ép quá, ngài liền bỏ hoàng cung, mang Trần Thiêm trốn lên Yên Tử với quốc sư Phù Vân, quyết không cướp vợ của anh. Quốc sư Phù Vân là người xuất gia từ nhỏ, khi xưa ở kinh thành thường được Thái Tông mời giảng kinh, vì vậy hai người gặp nhau mừng lắm. Phù Vân biết được lý do Thái Tông lên núi lại càng kính trọng nhà vua hơn, nhưng ông cũng khuyên nhà vua nên quay về nắm giữ triều chính để trăm họ được yên định. Thái Tông nói:

- Tôi lên đến đây là đã quyết vất bỏ ngai vàng, dứt đời phàm tục rồi, cũng không còn là vua nữa, xin quốc sư nhận làm đồ đệ mà chỉ bảo cho tôi thoát ra khỏi chỗ tối tăm.

Phù Vân nói:

- Chẳng lẽ hoàng thượng cho triều đình là nơi tối tăm ư? Nhưng người đã quyết như vậy cứ tạm ở lại đây, ta cùng nói chuyện việc đạo việc đời cũng không có hại gì.

Đêm ấy tụng kinh xong, hai người ngồi trong am cỏ nói chuyện. Bấy giờ đang là mùa xuân, mưa rừng rơi tí tách, thỉnh thoảng vọng một tiếng beo gầm vang trong khe núi; lại có tiếng con nai tác lên, chạy ràn rạt rất gần. Gió thổi vi vút qua rừng thông như muốn liên kết các âm thanh rời rạc thành một xâu chuỗi trong cái vũ trụ thâm u riêng biệt của rừng già. Phù Vân hỏi:

- Hoàng thượng nghĩ gì vậy? Người có nhớ kinh thành không?

Thái Tông nói:

- Thưa sư phụ! Tôi đang nghĩ về việc đạo. Như nước Đại Việt ta từ lâu đã có ba giáo phái truyền từ Trung Nguyên và Thiên Trúc tới. Phật, Lão, Nho ai có lý của người ấy, vậy đâu là chính đạo đây?

- Thưa hoàng thượng! Chính không ở đạo mà ở người tu. Chính không ở người tu mà ở người hành đạo.

- Thưa sư phụ! Sao lại mơ hồ như vậy?

- Đạo nào cũng mưu cầu hạnh phúc cho con người nhưng người tu mượn nó để truyền điều lành đạo sẽ chính, truyền điều ác đạo sẽ tà. Người được truyền điều lành làm điều lành càng chính nữa, được truyền điều ác làm điều ác càng tà nữa, được truyền điều ác mà vẫn làm điều lành chính thêm một bậc, được truyền điều lành mà làm điều ác tà thêm một bậc.

- Thưa sư phụ! Vậy khi áp dụng vào việc đời nghĩa là kẻ được nuôi dạy tử tế mà không nên người thì có tội nặng hơn kẻ không được nuôi dạy phải không?

- Hoàng thượng thật thánh minh. Người đã nắm được cái điều cốt lõi rồi đấy.

- Thưa sư phụ! Ngày nay có người cho rằng tam giáo đồng nguyên, điều đó là đúng hay sai?

- Tâu hoàng thượng! Đúng mà cũng sai.

- Xin sư phụ giảng cho.

Quốc sư Phù Vân im lặng một lúc mới nói:

- Tam giáo có nhiều chỗ không thống nhất được với nhau đến nỗi khác đạo không thể cùng bàn nên những người trung dung mới đưa ra thuyết tam giáo đồng nguyên nói rằng: Già Diệp bồ tát giáng sinh làm Lão tử, Tĩnh Quang bồ tát giáng sinh làm Khổng tử, Hộ Minh bồ tát giáng sinh làm Thích Ca Mầu Ni phật. Thực ra thuyết ấy cũng chỉ nhằm mê hoặc người đời mà thôi. Hoàng thượng có nghe những tiếng động ngoài rừng kia không? Chúng cùng là những âm thanh nhưng tiếng gió mưa khác xa tiếng beo gầm và càng khác với tiếng tác của con nai. Tam giáo tuy cùng có cái nguồn chung là lòng nhân, muốn dẫn con người đến thế giới toàn gồm những sự tốt lành nhưng mỗi giáo phái có cách nhìn về sự tốt lành khác nhau nên đường tu không giống nhau. Đạo Phật hướng con người đến một chữ thiện. Mọi người cùng hành thiện lo gì không có thế giới tốt đẹp. Lão Tử hướng con người đến một chữ phác. Phác nghĩa là giản dị thực thà thuần khiết. Mọi người đều giản dị thực thà thuần khiết cả, không có ai mưu mô lừa dối, tội lỗi cũng không có chỗ để sinh ra, thế giới không có tội lỗi chẳng phải là thiên đường sao? Đạo Khổng hướng người ta đến chữ dụng, có nghĩa là khuyến khích mọi người học tập để làm việc và biết làm việc có ích nhất. Khi mọi người đều làm việc và trở thành hữu dụng cả, lo gì không giàu có sung sướng. Nhưng nói cho cùng ba đạo đều nhầm lẫn cả.

Thái Tông kinh ngạc kêu lên:

- À ra vậy! Xin sư phụ chỉ cho những điều nhầm lẫn ấy.

Quốc sư Phù Vân sôi nổi hẳn lên, dường như ông không còn là một nhà tu hành, nói:

- Tâu hoàng thượng! Thiện ác, phác phức, hữu dụng vô dụng bao giờ cũng cùng tồn tại như lưỡng nghi âm dương. Con nai con thỏ thiện quá tất bị con beo làm hại. Nếu chỉ cần thiện mà không cần ác, nhà chùa đắp tượng các vị kim cương hộ pháp làm gì. Còn phác ư? Nếu chỉ phác để cho con người được vô vi sống theo bản năng tự nhiên, loài người chẳng giống như cầm thú hay sao!? Hữu dụng ư? Ai ai cũng cố rèn cho mình ngày càng trở nên tinh xảo để mong hữu dụng, đấu tranh với nhau mà nhoi mãi lên đó chính là khởi nguồn của sự ghét ghen đố kị, mầm loạn lạc tội lỗi ở đấy mà ra chứ đâu.

- Thưa sư phụ! Như vậy bỏ hết đạo đi chăng.

- Tâu hoàng thượng! Làm như vậy lại càng không thể được.

- Vậy xin sư phụ chỉ cho cần phải làm sao?

- Không phải bỏ đi mà cần kết hợp, điều hoà sao cho âm dương có sự cân bằng.

- Thưa sư phụ! Như vậy là tuỳ hoàn cảnh mà hành đạo cho hợp lẽ có phải không ạ?

Quốc sư Phù Vân vui vẻ nói:

- Hoàng thượng lại nắm được một điều cốt lõi nữa rồi đấy.

Thái Tông ngẫm nghĩ một lúc, đột nhiên hỏi:

- Thưa sư phụ! Thường ngày các vị tiên thánh ở đâu? Thế giới tiên phật có khác gì với thế giới con người?

Phù Vân nói:

- Tiên phật làm gì có thế giới riêng đâu. Các vị ấy vốn cũng là người, khi chết đi cũng nát tan cùng cây cỏ. Phật tiên, ma quỷ thực sự tồn tại trong mỗi con người chúng ta. Khi ta cứu kẻ hoạn nạn, giúp người đói khổ, nâng đỡ người yếu ớt tức là phật đã hiện ra trong cử chỉ của ta. Khi hồn ta thư thái, thân ta an định sau những công việc mới làm xong, trên gương mặt thoáng một nét cười tươi tức là tiên thánh đã hiện ra trong nụ cười ấy rồi đấy. Người đời tốn công vô ích đi cầu cúng nơi chùa nọ miếu kia mà không biết rằng cầu đạo hành thiện ngay chính trong tâm mình mới là điều căn bản nhất, mau chóng gặp tiên gặp phật nhất ở ngay chính nơi ta. Thứ nhất là tu tại gia chính là như vậy. Còn như ta manh tâm làm điều ác, hại người khác vì vọng lợi cho riêng mình thì ma quỷ cũng hiện ra trong mỗi hành động của ta vậy.

Thái Tông cúi đầu nghe và lẩm bẩm trong miệng:

- Đúng vậy! Đơn giản thế mà sao lâu nay ta chẳng nghĩ ra.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top