Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 9: Úp trại giặc Khánh Dư lập công đầu

Trên kia đang nói Triệt Triệt Đô dẫn quân tiến xuống, bỗng gặp một tướng trẻ đứng chặn đường. Triệt Triệt Đô quay lại hỏi các tướng:

- Có ai ra bắt thằng nhãi kia không?

Cổ Hà Cáp Hoa vỗ ngựa tiến lên. Cổ Hà Cáp Hoa là dũng sĩ đã từng đánh Đông dẹp Bắc, thường dùng cặp song chuỳ thiết xích, đánh như gió bão, ít người địch nổi, lại có tài ném sợi báo trường càn khôn tuyến bắt địch thủ như trở bàn tay. Tướng trẻ kia cũng cho ngựa tiến lên đón đánh. Hai ngựa giao nhau hơn hai mươi hiệp, Cổ Hà Cáp Hoa không hạ nổi tướng ấy mới lùi ngựa lại rút báo trường càn khôn tuyến tung về phía địch thủ. Tướng trẻ kia thấy Cổ Hà Cáp Hoa đang đánh tự nhiên lùi lại, đã đề phòng, sợi dây ruột báo vừa tung tới, liền quay đốc thương gạt một nhát rơi xuống đất. Cổ Hà Cáp Hoa thấy tướng kia phá mất bảo bối của mình, hoảng hốt, bị tướng ấy sấn tới đâm cho một thương, may né người tránh được, mũi thương xuyên trúng vào đùi, máu chảy toé ra, vội chạy vào trận. Tướng kia phi ngựa đuổi theo bén gót. Triệt Triệt Đô thấy nguy, liền ra lệnh cho cung thủ bắn chặn tướng kia lại. Tướng ấy múa thương gạt tên rơi lả tả rồi quay ngựa cho thu quân về giữ ải. Suốt ngày hôm ấy không ra đánh nhau nữa.

(Báo trường càn khôn tuyến: Dây ruột báo trói cả trời đất)

Triệt Triệt Đô báo tin ấy cho Cốt Đãi Ngột Lang biết. Cốt Đãi Ngột Lang thở dài, nói:

- Cổ Hà Cáp Hoa theo ta đi đánh trận nhiều năm, chưa có ai địch nổi ông ta mà nay chịu bại với một tên tướng vô danh. Không ngờ ở cái xó rừng nước Nam này mà cũng có người tài như thế.

A Truật nghe vậy, khí tức bốc lên, bước ra nói:

- Sao cha lại đề cao quân giặc như vậy, làm giảm nhuệ khí quân ta. Mai con xin bắt sống tên tướng ấy.

- Việc của con không phải ở đấy. Đây là đất Nam, hãy lo giữ cho chắc phía sau. Còn việc kia ta đã có chủ định.

Hôm sau Cốt Đãi Ngột Lang lên xem địa thế, thấy hai bên sườn núi cao vút, đường vào cửa ải hẹp tới mức không thể đi hai ngựa song hàng, cửa ải và tường ngăn toàn bằng gỗ tươi, xem ra mới được xây dựng, quay lại bảo các tướng:

- Ta xem ải này tuy hiểm nhưng không chắc chắn, có thể phá được. Tín Thư Phúc! Ngươi mau cho quân đi tìm xem có còn con đường nào khác nữa không. Triệt Triệt Đô cứ việc đánh ải.

Triệt Triệt Đô liền lên ngựa đến trước ải khiêu chiến, trông thấy tướng trẻ kia trên mặt thành mới gọi hỏi:

- Bớ tướng kia! Hôm qua đánh nhau kiểu gì mà ta chưa kịp hỏi họ tên ngươi đã chạy mất thế hả?

Tướng kia trên mặt thành nói vọng xuống:

- Ta chỉ ngại nói tên ra ngươi lại sợ hết hồn thôi! Ta họ Trần tên là Khánh Dư ở núi Chí Linh đây. Nhà ngươi là quỷ phong Triệt Triệt Đô phải không? Đã có vợ con chưa? Cha mẹ ngươi có còn không?

- Ta là tiên phong sao ngươi lại gọi là quỷ phong? Ngươi hỏi cha mẹ, vợ con ta làm gì? Có đánh nhau thì xuống đây, nói chuyện quả cà ra dây muống sốt ruột lắm.

- À! Ta hỏi để biết. Nếu nhà ngươi có vợ dại con thơ, cha già mẹ yếu, chưa chắc ta đã giết.

Triệt Triệt Đô nghe nói vậy, gầm lên vì tức mà không biết đó là mẹo của Khánh Dư. Số là khi Khánh Dư mang quân đi, Quốc Tuấn có dặn chỉ cần giữ chân giặc năm ngày là được, đi gần tới Yên Khâu, nghe tin Yên Khâu đã thất thủ, Khánh Dư mới lui binh lại, chọn nơi hiểm đạo, cho quân chặt gỗ xây ải chắn ngang đường. Lúc quân Thát tới, Khánh Dư chỉ đánh lấy lệ, mỗi lần giao tranh toàn nói chuyện con cà con kê giết thời gian để quân Thát không tiến lên được. Đến ngày thứ tư, quân Thát vẫn không phá được ải mà Khánh Dư hôm nào cũng ra đánh vài hiệp rồi lại lên thành. Triệt Triệt Đô tức quá, cầm giáo chỉ lên, nói:

- Thằng nhãi kia hèn thế, hôm nào cũng chưa đánh đã chạy, nếu sợ quá thì hàng đi. Ta tha chết cho.

Khánh Dư đắc chí cũng chỉ xuống, nói:

- Ta đã bảo rồi. Ta chỉ muốn chỗ lương thảo của các ngươi thôi. Cứ để lương thảo lại, ta mở cửa ải cho muốn đi đâu thì đi.

- Ngươi chỉ nói phách. Thực ra ngươi sợ ta nên không dám ra đánh.

Khánh Dư cười lớn, nói:

- Ta mà lại sợ ngươi sao xứng là tráng sĩ dưới trời Nam. Đã là tướng, được đánh nhau thì sướng như được ăn ngon vậy. Nhưng ăn phải bình tĩnh đàng hoàng chứ đâu có hùng hục như cái đồ cuốc mướn nhà ngươi. Mỗi ngày đánh một trận cho nó tiêu cơm là đủ rồi.

Triệt Triệt Đô cáu tiết xua quân vào đào gỗ dưới chân ải. Khánh Dư cho quân ném gỗ đá xuống làm quân Thát chết hại vô số. Sang ngày thứ năm, Hoài Đô hiến kế:

- Quân do thám không tìm được đường nào khác. Chẳng lẽ quân ta nằm mãi ở đây. Bọn người man lại thường ra bắn lén gây sợ hãi cho binh lính. Theo tôi, Nguyên soái nên làm thế này... mới có thể vào được ải.

Cốt Đãi Ngột Lang Bảo:

- Ngươi nói phải lắm.

Liền truyền cho Triệt Triệt Đô, Đoàn Hưng Trí, Tín Thư Phúc y kế thi hành. Tín Thư Phúc chọn trong đám mấy vạn quân được hai trăm tên rất thạo nghề trèo núi, đêm hôm ấy cho mỗi tên đeo một bó cỏ tẩm dầu, leo qua vách đá lên ải, nhất loạt phóng hoả. Triệt Triệt Đô thấy lửa cháy trên ải, biết mưu kế đã thành, xua quân ào ạt xông lên nhưng đến khi vào được ải, hoá ra là ải không người, chẳng thấy Trần Khánh Dư đâu. Thì ra hôm ấy Khánh Dư hết hạn năm ngày nên từ chiều đã mang quân vào rừng rồi. Trên thành chỉ còn mấy lá cờ cắm nghi binh.

Hôm sau Cốt Đãi Ngột Lang hành quân cấp tốc ba ngày liền cũng chẳng thấy bóng dáng quân Đại Việt ở chỗ nào, đến tối cho quân đóng trại lại nghỉ. Hoài Đô nói:

- Chỗ này có nhiều rừng thưa mà quân ta lại dàn ra quá dài, nếu quân Nam dùng xung binh mà đánh tất quân ta bị cắt ra nhiều đoạn khó ứng cứu được nhau.

A Truật nói:

- Tôi đang muốn quân Nam đến xem chúng nó thế nào đây. Ta đi suốt ba ngày hôm nay có thấy gì đâu.

Hoài Đô nói:

- Xin chớ nên khinh địch. Phía trước ta chưa rõ chúng bố phòng thế nào, đằng sau lại không biết Trần Khánh Dư ở đâu. Nếu hai đầu chúng đánh ập lại, quân ta nguy mất.

Cốt Đãi Ngột Lang bảo:

- Hoài Đô nói phải đấy.

Liền cho các trại dồn cả lên phía trước. Riêng các xe lương phía sau tránh đoạn rừng thưa, dựa vào sườn núi đá đóng trại đề phòng quân Đại Việt đánh hoả công.

Trần Khánh Dư từ khi cho quân vào rừng lập trại, ngày nào cũng cử thám mã đi dò xét địch tình, hôm ấy biết chắc quân Thát nghỉ lại quãng rừng thưa mới lệnh cho quân sĩ mỗi người mang theo năm bó đuốc, đầu canh hai khởi hành. Cuối canh ba là lúc quân Thát đang ngủ mệt, Khánh Dư cho quân lính đốt đuốc cắm khắp rừng rồi nổi trống hò reo đánh thốc vào trại giặc. Quân Thát bàng hoàng tỉnh dậy thì hỡi ôi khắp rừng chỗ nào cũng có đuốc sáng, không biết quân Đại Việt nhiều hay ít, hoảng loạn xô nhau bỏ chạy, thành ra tự gây hại rất nhiều. Khánh Dư cho đánh cướp hết các xe lương cùng trâu bò phía sau kéo vào rừng, cái gì không mang đi được phóng hoả đốt hết. Cốt Đãi Ngột Lang thấy đằng sau lửa cháy rực trời, thúc quân chạy miết. A Truật cầm cây trường thương đi đoạn hậu, gặp ngay Khánh Dư đuổi đến. Hai bên đánh nhau mấy chục hiệp không phân thắng bại. Quân sĩ reo hò vang trời dậy đất. Hoài Đô thấy A Truật ham đánh sợ có điều sơ suất mới đem quân cung thủ quay lại nhất loạt bắn chặn quân Đại Việt. Khánh Dư ít quân không dám đuổi xa, lại đã lấy được nhiều lương thực của quân Thát, bèn thu quân về trại trong rừng.

Cốt Đãi Ngột Lang cho quân chạy đến sáng mới dám dừng, kiểm điểm quân sĩ người ngựa không thiệt hại bao nhiêu nhưng mất toi mấy vạn thạch lương cùng rất nhiều trâu bò, quân dụng. Quân do thám của Đoàn Hưng Trí về báo:

- Khánh Dư chỉ có một nghìn du binh nhưng cho đốt đến năm nghìn ngọn đuốc để quân ta tưởng là chúng đông.

(Thời Trần chia quân đội làm ba loại như sau: Du binh là quân chính quy có khả năng cơ động cao, triều đình tổ chức và huấn luyện trang bị, do các tướng lĩnh của triều đình chỉ huy. Thân binh là quân do các vương hầu tự tổ chức và chỉ huy. Hương binh là do các hào trưởng ở các làng xã tổ chức)

Cốt Đãi Ngột Lang biết vậy phàn nàn mãi:

- Không ngờ thằng nhãi ranh này lại nhiều mưu mô đến thế, dám lừa cả ta.

Nói xong cho đòi A Truật vào, mắng:

- Ngươi đoạn hậu để mất quân lương, tội chẳng thể tha. Quân đâu! Lôi ra chém.

A Nhĩ Hải, Bố Nhĩ Hải, Triệt Triệt Đô, Đoàn Hưng Trí, Tín Thư Phúc năm tướng cùng quỳ xuống xin tha mạng cho A Truật. Nhưng Cốt Đãi Ngột Lang vẫn hầm hầm nổi giận, nói:

- Nó là con ta. Cha giết con há chẳng xót sao nhưng để mất quân lương làm quân ta lâm vào thế nguy khốn, không giết thì tướng sĩ có phục nữa không?

Hoài Đô quì xuống, nói:

- Tội của A Truật quả đáng phạt nặng nhưng từ khi thống tướng xuất binh đến giờ chưa có trận đánh nào lớn mà đã chém đại tướng của nhà, e rằng đó không phải là điều hay. Vậy xin thống tướng hãy cho nợ lại để A Truật đới công chuộc tội.

Xưa nay Cốt Dãi Ngột Lang thường hay nghe lời Hoài Đô nên mới nói:

- Nếu các tướng đã nói như vậy, ta tạm tha cho nó. Nhưng đổi Bố Nhĩ Hải xuống đoạn hậu.

Trong đám lính Bắc Thoán nhiều kẻ nhớ nhà túm tụm nhau bên bờ sông than thở. Lại có người vỗ kiếm làm nhịp hát:

Ô kìa đôi én giữa trời

Song song bay lượn khiến người ngẩn ngơ

Gác son lầu ngọc giờ vui thoả

Cửa vàng đây màn gấm êm đềm

Bách Lương lửa bỗng cháy trùm

Cùng nhau lánh nạn bên thềm vua Ngô

Lầu vua Ngô - Cô Tô cũng cháy

Tổ rụng tàn lại hại con thơ

Một thân còn những xác xơ

Cánh run nhớ bạn bơ vơ góc trời

Bay đôi thôi đã hết rồi

Cõi lòng thương nhớ bùi ngùi xót xa.

(Bài Song yến ly của Lý Bạch đời Đường nguyên văn như sau:

Song yến phục song yến

Song phi linh nhân tiện

Ngọc lâu châu các bất độc thê

Kim song tú hộ trường tương kiến

Bách Lương thất hoả khứ

Nhân nhập Ngô vương cung

Ngô cung hựu phần đãng

Sồ tận sào diệc không

Tiều tuỵ nhất thân tại

Sương thư tư cố hùng

Song phi nan phục đắc

Thương ngã thốn tâm trung)

Hát xong lại cùng nhau nhìn về ải Bắc mà khóc. Có người đến báo việc ấy. Cốt Đãi bảo với các tướng:

- Ta cần tiến quân cho nhanh, đánh lấy kinh thành của Đại Việt, cướp lương thảo để yên lòng quân sĩ.

Nói xong, Cốt Đãi Ngột Lang cùng các tướng dẫn quân xuôi theo bờ sông Cái, đi mấy ngày nữa ra khỏi rừng đến miền đồng bằng. Trên các cánh ruộng vừa mới gặt chỉ còn trơ lại gốc rạ. Đó đây đã có ruộng được cày vỡ. Tiền quân đi nhanh quá, bỏ hậu quân rớt lại một đoạn khá xa. Cốt Đãi Ngột Lang nói với các tướng:

- Ta nên đóng trại lại để chờ hậu quân của Bố Nhĩ Hải và Tín Thư Phúc. Nay xem dân Nam mới thu hoạch vụ mùa. Các ngươi đem quân vào làng bản cướp lấy lúa gạo, trâu bò bù cho chỗ đã mất.

Hoài Đô nói:

- Nơi đây sâu trong đất giặc, ta đưa quân đi cướp phá phải đề phòng, không nên ham quá nhỡ mắc mưu chúng.

Cốt Đãi Ngột Lang nói:

- Đoàn Hưng Trí, Hoài Đô trông coi các trại, cho quân tuần tra rộng ra vùng xung quanh, thấy có quân Nam phải về báo ngay. Triệt Triệt Đô, A Truật, A Nhĩ Hải mỗi người mang một nghìn quân vào các làng, bất kì cái gì ăn được đều phải lấy về. Trai tráng kẻ nào muốn theo, cho theo để chúng dẫn đường, kẻ nào không theo, giết hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top