Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 14

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mười Thắng gò lưng nhấn mạnh chân đạp pê đan. Chiếc xe đạp hiệu Tabu - món quà của anh Mười Hương tặng - lao vun vút trên con đường mòn ngoằn ngoèo xuyên qua những vạt cỏ xanh mướt. Anh không còn tâm trí để thưởng thức cảnh thanh tịnh của vạt rừng xanh đang mùa sinh sôi. Ngay trong sáng nay, anh vô hiệu hóa cái tên điệp viên của địch đang nằm trà trộn trong khu dân cư, không để hắn có điều kiện gây thêm một thiệt hại nào cho ta.

Anh rà soát lại tất cả yếu tố khả dĩ khiến Năm Quang bị lộ. Hoàn toàn không? Trước khi quyết định đưa Năm Quang vào căn cứ, Mười Thắng đã nhờ anh em bên lực lượng trinh sát vũ trang liên quận tóm cổ hai gã đeo bám Năm Quang để đánh lạc hướng theo dõi của đối phương, đồng thời khai thác thông tin. Cả hai tên sợ chết đã khai toèn toẹt.

Nhưng Mười Thắng vẫn lo lắng sau khi đọc xong báo cáo của Ba Hoàng. Vì sao Năm Quang bị bắt? Gã điệp viên tên Du khẳng định Năm Quang chưa lộ nhưng anh không yên tâm. Gã tên Du chỉ là một con tép nhỏ trong hệ thống tình báo hiện đại của địch nên mức độ hiểu biết của gã hạn chế. Biết đâu cái gã điệp viên được địch cài vào nằm trong dân đã phát hiện ra anh, phát hiện ra chuyến vào cứ của Năm Quang.

Anh nhận thấy Năm Quang không bị bắt bởi nhân viên của Phủ Đặc ủy Tình báo Trung ương mà bị bắt bởi lực lượng cảnh sát quận. Ngay khi Năm Quang bị bắt, gã đại úy mặt thịt - một nhân viên của tổ Tulip Đen - chỉ làm nhiệm vụ quan sát từ xa chứ không tham gia bắt người. Nếu chúng phát hiện ra cái lõi của Năm Quang tại sao chúng không bắt mà lại để lực lượng cảnh sát quận bắt? Anh phân tích: Chúng không trực tiếp bắt chỉ vì hay yếu tố: Chưa vội bắt để theo dõi nhằm giăng lưới; Chúng chưa biết gì cả mà chỉ nghi ngờ. Anh nghiêng về yếu tố thứ hai hơn.

Những chỉ dấu lộ và không lộ cứ đan xen nhau khiến Mười Thắng không yên tâm. Vì vậy, từ chiều hôm qua, anh đã gặp Sáu Ngọc báo cáo, đề xuất một phương án tác chiến táo bạo theo kiểu dĩ độc trị độc nhằm vô hiệu hóa cái gã điệp viên của địch đang ẩn nấp dưới lớp vỏ quần chúng cách mạng. Nghe anh trình bày xong, Sáu Ngọc đồng ý làm mọi thủ tục cần thiết để nhờ lực lượng An ninh Tây Ninh hỗ trợ.

- Đứng lại ngay!

Một giọng hét nghiêm, vang lồng lộng khiến Mười Thắng giật mình bóp siết thắng. Cái thắng bố của xe hiệu Tabu làm việc rất hiệu quả khiến hai bánh xe dừng quay đột ngột. Quán tính vận tốc đẩy Mười Thắng lộn nhào đầu về phía trước. Anh lồm cồm ngồi dậy chậm rãi để có thời gian quan sát. Ba người đàn ông mặc bà ba đen, lưng đeo túi da, vai khoác AK vẫn đứng chìm nửa thân người phía dưới trong lùm cỏ tranh dày đặc. Một người đàn ông có vẻ lớn tuổi nhất trong nhóm ba người hất họng súng AK về phía anh, cất giọng cương quyết:

- Anh là ai? Đi đâu?

Mười Thắng nói lúng búng trong miệng:

- Dạ , em tên là Minh Trí. Sinh viên ở thành trốn ra đây được vài tháng. Ở đây cực khổ quá chịu không nổi. Em xin mấy anh cho trở lại thành.

Người đàn ô lớn tuổi vẫn giữ giọng lạnh tanh:

- Có giấy tờ gì không?

- Dạ không. Em xin miệng, mấy anh cũng đồng ý bằng miệng.

- Vùng này không phải cái chợ, ai muốn vô thì vô, muốn ra thì ra. Không nói nhiều, theo chúng tôi về cơ quan làm việc.

Chiếc xe đạp bị bỏ nằm chỏng chơ nơi vệ cỏ. Mười Thắng líu ríu đi theo hướng thúc đẩy của mũi súng AK sau lưng. Anh bị đẩy đi băng ngang một thửa cỏ tranh cao quá đầu rồi chui vào một vuông tre. Phía sau vuông tre um tùm là một xóm nhà lợp mái bằng lá tranh, vách đắp đất sét.

Anh bước vào một căn nhà trống hoắc không phên phách. Một người bước tới túm anh trói giật cách khuỷu. Anh mệt mỏi ngồi xổm xuống nền đất.

Nửa giờ sau, căn nhà nhỏ bị bao vây bởi hàng chục người dân hiếu kỳ. Một số người chỉ trỏ vào anh, bình phẩm:

- Cái tướng sinh viên èo uột này, quen ăn sung mặc sướng, không quen chịu cực, trước sau gì cũng phản bội, trốn về thành với địch.

Người đàn ông lớn tuổi dẫn giải anh khi nãy nói như phân bua với mọi người:

- Tên này là sinh viên phản động quốc gia bị tụi Thiệu lùng bắt nên trốn vào đây với ta. Giờ nó chịu kham khổ không nổi nên trốn về thành. Cấp trên lệnh ta phải bắt giam nó để giữ bí mật căn cứ.

Anh cố tạo ánh mắt lấm lét nhìn quanh như thể sắp bị hành quyết đến nơi.

Năm Thới vác cuốc lên vai toan ra rẫy, chợt giật mình bắn mình bởi tiếng gù tìm mái của một con chim cút chết tiệt nào đó vang lên từ chòm cỏ hôi mọc cạnh chái nhà. Gã ném cuốc vào góc nhà rồi quơ cây phăng chém túi bụi vào chòm cỏ hôi như thể trong đ1o có một kẻ thù ẩn nấp. Chòm cỏ hôi bị chém tơi tả, ngã sát rạt, trơ sốc sù sì. Năm Thới ném cây phăng vào chỗ cũ rồi nằm vật mình xuống chiếc võng lưới đan vấn bằng sợi vỏ cây búng, miệng thở khì khì. Tim gã vẫn còn đập loạn xạ trong lồng ngực.

Gã sợ đủ thứ. Sợ bóng đêm, sợ tiếng chim, sợ tiếng chó sủa, sợ tiếng côn trùng đang rỉ rả lại ngưng bất thần. Lúc nào gã cũng tưởng chừng như mình sắp bị bắt đến nơi. Cái tâm trạng bất an đeo đẳng gã suốt ngày lẫn đêm, lúc thức cũng như lúc ngủ. Biết bao lần, gã nằm mơ thấy mình bị du kích bắt quả tang đang đánh mật mã gởi tin về trung tâm, bị bắt trói treo lên cây cho đến chết khô. Thức giấc trong tâm trạng hoảng loạn, gã định chạy trốn về thành. Nghĩ đến món tiền thưởng hàng tháng gã lại tự trấn an mình. Số tiền lĩnh hàng tháng ấy đủ để sống thượng lưu cả năm trời, ráng chịu trận 3 năm nằm biết phái ở vùng này gã sẽ được đổi nhiệm vụ về thành, mặc sức ăn chơi, gái gú để bù lại những ngày hồi hộp, lo âu.

Thế nhưng, thời gian 3 năm đối với gã quá dài, dài đăng đẳng, lâu bất tận. Chỉ mới hơn nửa năm mà gã tưởng chừng như đã trôi qua nửa đời người. Gã đếm từng phút, nhẩm từng giờ trôi qua. Gã sợ không còn cơ hội thụ hưởng những món tiền gã kiếm được từ cái nghề điệp viên.

Trước kia, khi còn ở Mộc Hóa, Long An gã đã từng là đảng viên tham gia kháng chiến chống Pháp và đã được giữ chức vụ bí thư xã. Sau đình chiến 1954, gã được chỉ định không tập kết và được điều chuyển về thị xã Tân An chờ móc ráp. Một mục đồng chăn trâu như gã, khi ra đến thành thị bị choáng ngợp trước nhiều cám dỗ thụ hưởng, nhiều cám dỗ trần tục. Để thụ hưởng những thứ trần tục cần phải có nhiều tiền. Một kẻ xuất thân từ tầng lớp mục đồng như gã kiếm tiền vừa đủ ăn cơm ở chốn thị thành là điều khó khăn không thừa cho việc thụ hưởng thú vui trần tục. Ngay sau khi Ngô Đình Diệm kêu gọi mọi người kháng chiến cũ "Hãy ly khai với Cộng sản trở về hợp tác với chính nghĩa quốc gia sẽ được trọng thưởng", gã chủ động tìm đến một đồn cảnh sát khai nhận thành tích kháng chiến và xin được hợp tác. Để lập công, gã đã dẫn cảnh sát, bảo an về địa bàn hoạt động cũ nhận diện, chỉ điểm từng người một. Nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ, nhiều đảng viên bị bắt tra tấn, hành hạ rồi giết chết. Không để gã tung hoành, tòa án nhân dân cách mạng Mộc Hóa đã giành cho gã án tử hình vắng mặt. May cho gã, quả lựu đạn của đội ám sát trừ gian rơi đúng giường ngủ của gã vào lúc nửa đêm đã không nổ.

Sau chuyến chết hụt, gã được chuyển về Sài Gòn tham gia khóa tập huấn nghiệp vụ tình báo do Phủ Đặc ủy Tình báo Trung ương tổ chức. Gã trở thành điệp viên chuyên nghiệp của Phủ Đặc ủy do Ngô Đình Nhu cầm đầu. Khi Nguyễn Văn Thiệu lên cầm quyền, gã tiếp tục được trưng dụng nhờ những thành tích ở Mộc Hóa.

Cách nay hơn nửa năm, gã được giao nhiệm vụ chui vào hàng ngũ kháng chiến ở vùng đệm căn cứ Tây Ninh - Campuchia. Với vỏ bọc là một người kháng chiến cũ bị đứt liên lạc, gã mò về Bến Cầu mua đất làm rẫy để tiếp cận với chính quyền cách mạng. Tuy chưa được chi bộ Đảng địa phương tiếp nhận sinh hoạt chính thức nhưng gã cũng được cấp trên khen ngợi vì đã cư trú an toàn trong vùng căn cứ và cũng đã có tin báo về. Gã là điệp viên đầu tiên của Phủ Đặc ủy chui được vào vùng căn cứ mà không bị lực lượng cách mạng phát hiện.

- Anh Năm hôm nay không ra rẫy hả?

Giọng một người đàn ông vẳng từ ngoài vào làm gã giật bắn người suýt rơi khỏi võng. Nhận ra đó Bảy Quân trung đội trưởng du kích xã, gã nhoẻn cười lấy lòng. Bảy Quân là người đầu tiên đưa ra từ Gò Dầu vào vùng này kiếm đất làm rẫy.

- Hôm nay bết trong người, nghỉ xả hơi một bữa.

Bảy Quân lững thững đi vào, ngồi bệt xuống nền đất, ném cái xắc cốt và khẩu AK sang bên:

Làm rẫy gì kỳ vậy cha? Gần nửa năm rồi mà đất còn nguyên chưa gieo được một luống cà.

Năm Thới chột dạ, trả lời cầm chừng:

- Tính trồng mì thôi nhưng chưa đủ tiền mua hom giống.

- Bữa nào cha nội kiếm xe bò qua chỗ tui lấy hom chở dzìa. Thứ quỷ đó thiếu gì, ai bán mà mua.

Năm Thới lại chột dạ. Gã để lộ nhiều yếu tố đáng ngờ quá. Gã lập cập với tay lấy bình trà.

Bảy Quân xốc lại khẩu súng AK:

- Thôi, khỏi trà nước gì ráo. Hồi nãy du kích xã bắt được thằng Trí, sinh viên ở thành vô. Nó mới vô mấy tháng, không hiểu chịu cực không nổi hay vô đây dọ thám mà giờ trốn về thành. Nó không chịu ở với cách mạng thì cho nó về nhưng cũng phải giam điều tra. Biết đâu nó là mật khám tụi ngụy cài vô. Thiệt tình, giờ khó phân biệt ai thiệt ải giả há anh Năm? Hồi trước nghe nói nó tố cáo Thiệu, tưởng nó ngon, ai dè...

Năm Thới xếp bình trà về chỗ cũ, hỏi cầm chừng:

- Ủa! Sao hôm trước nghe nói nó được bên An ninh T4 nhận rồi mà.

- Nhận đâu mà nhận. Chỉ mới giao việc mần thử thôi. Mấy anh thấy nó là sinh viên, có trình độ nên thử đưa vô làm thư ký, đánh máy và làm chút việc lặt vặt. Ai dè, giờ nó trốn về thành. Bởi vậy mới bắt lại. Thiệt tình à. Có khi để giữ bí mật, mấy ổng giam cứng nó luôn. Thôi, tui dzìa mần miếng cơm. Đói bụng chết cha rồi.

Bảy Quân đứng lên quàng khẩu AK qua cổ, phủi đáy quần phành phạch rồi tất tả bước. Chờ cho Bảy Quân khuất dạng khỏi tầm mắt, Năm Thới cài then cửa rồi chộp lấy cái xắc cốt của Bảy Quân bỏ quên. Cái xắc cốt, chắc chắn có nhiều tài liệu. Tài liệu gì cũng được, miễn có cái để gửi về Trung tâm. Gã vừa mừng vừa hồi hộp, cập rập vào buồng chui xuống gầm giường bới đất. Một cái rương gỗ lộ ra. Gã mở nắp rương lôi ra cái máy chụp ảnh vi phim rồi ngồi bệt dưới đất lôi từng trang tài liệu trong xắc cốt chụp lia lịa. Chụp xong, gã đặt máy ảnh vào chỗ cũ, khỏa tay lấp đất lại. Gã thầm nghị: "Mình sẽ báo cáo là chụp được tài liệu của một lãnh đạo cấp cao để moi thêm tiền thưởng".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top