Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

3.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cả đêm hôm qua Hiểu Phương không tài nào yên giấc. Hại cô đến tờ mờ sáng mới có thể miễn cưỡng đi vào giấc ngủ, nhưng còn chưa được bao lâu thì chuông báo thức trên đầu giường lại reo lên inh ỏi.

Lại một ngày nữa trôi qua. Cô phải tranh thủ thức dậy sớm, lau dọn một lượt phòng bếp, rồi làm bữa sáng cho chồng và con gái, sau đó chuẩn bị thêm thức ăn trưa cho hai cha con. Cô không quá tin tưởng thức ăn ở bên ngoài, vừa không hợp vệ sinh lại quá nhiều hóa chất, đồ ăn ở nhà vẫn tương đối an toàn hơn hẳn. Thêm nữa hai cha con cũng không có ý kiến gì về chuyện mang cơm nhà theo, thói quen mà ít gia đình nào trong thời buổi này còn giữ được.

Chồng cô thì tỏ ra vô cùng ủng hộ chuyện mang cơm vợ nấu đi làm, anh nói mấy người đồng nghiệp của anh cứ suốt ngày than phiền về khẩu phần cơm cho nhân viên ở nhà ăn quá kém, vậy nên trên tàu anh là người được cánh đàn ông hâm mộ nhất.

Con gái cô cũng thế, con bé chưa bao giờ có ý kiến gì, trong khi bọn trẻ đồng teang lứa hàng ngày dùng tiền bố mẹ chúng cho để tiêu vào những thứ đồ ăn không lành mạnh thì con gái cô đã giữ thói quen mang cơm nhà đến trường bắt đầu từ thời tiểu học, không có thay đổi.

Thế nên dù việc làm cơm mỗi buổi sáng có hơi vất vả, nhưng đổi lại phần nhiều là những niềm vui nho nhỏ từ việc chăm sóc gia đình. Đó là một loại đức tính nên có của một người phụ nữ Á Đông mà từ nhỏ cô đã được dạy bảo.

Thế nhưng hôm nay cũng không phải vậy. Cô quả thật không có tinh thần để làm gì vào lúc này cả. Xem ra hai bố con nhà này phải chịu khó ăn bên ngoài một hôm rồi.

Chồng cô sắp tới có chuyến công tác dài tận hai tháng, đối với đặc thù công việc của anh thì chuyện bôn ba trên biển nhiều ngày không có gì xa lạ, nhưng theo thường lệ cô vẫn sẽ cùng với con gái tiễn anh ra cảng. Sau đó đưa con gái đến trường, rồi lại trở về thu dọn ít đồ đạc đến bệnh viện chăm sóc mẹ cô.

Mọi thứ chẳng có gì thay đổi, trách nhiệm chính của cô từ sau khi lập gia đình là nội trợ, coi sóc nhà cửa, chăm lo cho chồng con, làm một người vợ, người mẹ đảm đang, chu toàn trước sau mọi việc trong gia đình. Đó là những gì mẹ đã dạy cô lúc trẻ, khi bà vẫn còn đủ minh mẩn.

Thời gian của cô chủ yếu dành cho gia đình. Cũng đã được mười chín năm kể từ sau khi kết hôn, cô dường như không còn bất kì sinh hoạt cá nhân nào thuộc về bản thân nữa.

Nếu không phải ngày hôm qua tình cờ gặp lại Mỹ Dung, Hiểu Phương đã ngỡ mình sớm quên mất bản thân cô từng có những tháng năm thanh xuân sôi nổi cỡ nào. Vui buồn phấn khởi, khao khát thời tuổi trẻ sau mấy mươi năm đã sớm ngủ yên, lắng đọng tận sâu trong lòng.

Bệnh tình của Mỹ Dung hình như cũng không nhẹ, cô ấy lại chỉ có một thân một mình. Thế nên người bạn cũ là cô đây làm sao có thể bỏ mặc không lo, hơn nữa cô thật sự rất nhớ họ.

Ngày trước, gia đình cô vội vã chuyển đi nên cũng không kịp để lại lời tạm biệt. Lần gặp gỡ này cô nhất định sẽ không bỏ lỡ, sẽ bằng mọi cách để giúp cả nhóm đoàn tụ. Cô làm việc này không phải hoàn toàn bởi vì lời thỉnh cầu của Mỹ Dung, mà phần nhiều vẫn là do nỗi khát vọng của riêng cô.

...

Đưa con gái đến trường xong Hiểu Phương cũng tranh thủ quay về nhà. Dọn dẹp nhà cửa mất một hồi lâu, cô vẫn không yên tâm để cho cô bé ăn thức ăn bên ngoài, dù sao từ nhỏ con gái đã tập thói quen ăn cơm mẹ nấu. Bây giờ chỉ vì người mẹ chểnh mảng này mà để đứa bé chịu khổ, vậy thì cô thật sự không nỡ. Đó là tâm lí bình thường của một người làm mẹ, đối với con cái người làm bố làm mẹ luôn luôn tồn tại cảm giác không đành lòng, dù cho con cái họ đã trưởng thành hay là chưa, cũng hiếm khi có trường hợp ngoại lệ.

Lại chuẩn bị thêm một phần cơm, sườn xào cho ngọt, canh rau củ hầm xương, đây đều là mấy món ăn giàu dinh dưỡng. Cô bé năm nay đã bước vào năm cuối, áp lực học tập và thi cử không đếm xuể, người làm mẹ như cô đây không thể giúp gì hơn ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho con gái, đảm bảo cho cô bé có một tinh thần tốt nhất để hoàn thành việc học tập.

Nhà cô nằm ở trung tâm thành phố cho nên việc đi lại ngoài lúc thỉnh thoảng kẹt xe vào những giờ cao điểm ra thì cũng không có gì quá bất tiện. Trường phổ thông của con gái cách nhà chỉ khoảng tầm mười lăm phút đi xe, ba mươi phút đến bệnh viện, đều nằm trên một tuyến đường, rất thuận tiện. Chỉ riêng nơi làm việc của chồng cô thì hơi xa một chút, mất khoảng một hai giờ đồng hồ đi lại. Cũng may gia đình có lái xe riêng, buổi sáng trên đường đi còn có thể tranh thủ nghỉ ngơi dọc đường.

Bây giờ cũng gần 8 giờ 30 phút, vừa kịp giờ cơm trưa của cô bé. Thường thì lúc này không phải giờ cao điểm, đường xá không quá đông đúc, thế nên có thể chạy chậm một chút cũng không sợ bị kẹt xe.

Quả thực không sai, Hiểu Phương nhìn đồng hồ lúc này còn cách giờ ra chơi khoảng hơn mười phút. Cô tạm ngồi đợi trong xe, chờ gần đánh trống rồi vào đưa cơm cũng không muộn, tránh làm phiền lúc con gái đang học.

Còn khoảng năm phút, cô nhờ tài xế đỗ xe bên lề ngỏ hẻm cạnh trường học đợi, rồi mang theo cơm trưa tự mình nấu mang vào trường cho con gái.

Đi qua phòng giáo vụ, Hiểu Phương bước dọc theo khuôn viên sân trường, ngôi trường được xây dựng theo lối kiến trúc châu Âu, rộng lớn vô cùng. Vì để đảm bảo điều kiện học tập cho con gái, hai vợ chồng cô thỏa thuận nộp đơn vào một trường quốc tế tốt nhất trong thành phố. Môi trường tốt, cơ sở vật chất cũng hiện đại, đội ngũ giáo viên đa phần là những người có năng lực và kinh nghiệm, hơn nữa vào học tại đây con bé còn có thể trau dồi khả năng ngoại ngữ, cơ hội vào đại học lẫn việc làm sau này khi ra trường sẽ rất cao.

Cô nhớ ngày trước tuy kinh tế gia đình cô chỉ ở mức tầm trung, vừa đủ sống chứ chẳng dư dả, giàu có gì. Thế mà bố mẹ cô vẫn dốc hết sức chạy chọt cho cô vào học ở một ngôi trường có danh tiếng lúc gia đình vừa mới chuyển đến Đà Lạt. Hiện tại cô cũng muốn noi gương bố mẹ tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con gái mình. Có người làm bố làm mẹ nào lại không muốn những điều tốt đẹp cho con cái của họ đâu.

Cô vừa đi vừa nghĩ, cũng không để ý có người từ đằng sau xông đến đụng vào người cô một cái đau điếng. Hộp cơm trên tay cô vì cú va chạm bất ngờ ấy mà rơi xuống đất, cô cũng mất đà ngã xuống theo.

Hiểu Phương phủi đi vết bụi bẩn dính trên váy, lại nhặt hộp cơm lên kiểm tra xem có bị hư hao chỗ nào hay không rồi mới đứng dậy.

Cô còn chưa kịp nhìn xem người đụng phải mình là ai, người nọ đã xẹt qua người cô, còn không kiên nhẫn để lại  mấy câu trách móc rồi mới chạy biến đi mất.

- Cái bà cô này thật là cản đường cản lối, tránh ra một bên đi, hại tôi đụng phải bà đau chết đi được!

Cô chỉ kịp nhìn thấy bóng lưng của người kia, đúng hơn là một bé gái tóc ngắn củn cởn, trên người còn khoác bộ váy đồng phục, đeo balo. Con cái nhà ai, giờ này không ở trong lớp học lại chạy đi ra đây? Đụng phải người lớn chẳng biết xin lỗi, còn ăn nói lỗ mãng như vậy. Cũng may con gái cô không có như thế, cô bé rất ngoan cũng rất lễ phép. Cô thở dài, khẽ lắc đầu, trẻ con bây giờ quả thật không nói nổi.

Tay chân và quần áo cô lúc ngã xuống đất đã dính phải bụi bẩn, không còn cách nào khác chỉ có thể ghé vào nhà vệ sinh lau chùi một chút.

Nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, nên thay vì xây dựng nhà vệ sinh ở mỗi tầng lầu giống như truyền thống, thì trường học đặc biệt thiết kế cho tách nhà vệ sinh ra xây dựng thành một khu riêng biệt. Nhà vệ sinh tốt nhất là không nên đặt chung với nơi sinh hoạt học tập của đứa trẻ, hơn nữa đó còn là nhà vệ sinh công cộng, trong số mấy nghìn học sinh không phải ai cũng có ý thức.

Chỉ cần rẽ phải, trên đường đến lớp của con gái cũng vừa tiện có đi ngang qua khu nhà vệ sinh. Hiểu Phương nhìn đồng hồ, chỉ còn khoảng ba phút là đến giờ giải lao, không khỏi bước chân càng thêm gấp gáp.

Bước trên hành lang, đi tầm hai mươi bước là đến cửa nhà vệ sinh. Cô xoay tay nắm cửa định mở nhưng không được, hình như bị khóa từ bên trong, vặn vài cái cũng không ra. Xem ra đã bị khóa thật rồi, cô cũng hết cách thôi thì dùng khăn giấy ướt tạm vậy.

Hiểu Phương vừa quay người, một tiếng động đột ngột vang lên từ bên trong phòng vệ sinh khiến cô giật mình khựng lại.

Chỉ nghe "ầm" một tiếng, giống như có cái gì bị ai đó mạnh tay ném vào cửa, được vài giây thì lại có tiếng nói chuyện vang lên. Cô bước thật khẽ, tránh gây ra tiếng động làm người bên trong phát hiện sau đó áp tai vào cửa phòng thử nghe ngóng, là tiếng cãi cọ, thanh âm rất lộn xộn, cô lại cố gắng lắng tai nghe thêm một hồi.

Cô điếng cả người, đây không phải là giọng của cô nhóc lúc nãy va vào cô hay sao, còn có cái tên phát ra từ trong miệng đứa nhóc đó không phải là tên con gái cô thì còn ai vào đây.

- Này Vũ Phương My, đưa hết tiền của mày ra đây!

- Tao không có...

Thanh âm này rõ ràng là giọng của con gái cô.

- Ây cha, cái con này, hôm nay mày còn cả gan cãi lời bố mày đó hả? Ai mà không biết nhà mày giàu thế nào, còn dám nói láo là không có tiền? Mày có tin tao đếm đến ba mà mày còn không chịu lòi tiền ra thì tao cho cái mặt xinh đẹp này của mày thành bàn carô không hả?

- Cái thứ hèn hạ như chúng mày thì còn biết làm gì ngoài chuyện uy hiếp người khác đâu chứ... Aaa...

- Con chó, mày nghĩ mày là ai mà to tiếng với tao hả? Tụi mày giữ nó lại cho tao, hôm nay tao cho mày nhừ tử, xem xem mày còn dám nói với tao bằng cái giọng láo xược đó nữa hay không, để tao coi mày còn cứng họng được bao lâu?

Hiểu Phương ở bên ngoài không thể nào hình dung được tình huống cụ thể đang xảy ra bên trong cánh cửa, chỉ nghe được loáng thoáng vài tiếng cãi vã phát ra. Cái đứa nhóc đụng phải cô lúc nãy đang uy hiếp con gái cô, nó còn có cả đồng bọn.

Cô nghe được bọn nhóc ấy dọa đánh con gái mình, lập tức cả người đều muốn tức điên lên được. Con gái mà cô yêu thương nuông chiều lại bị mấy đứa trẻ khác bắt nạt, hình như đây cũng không phải lần đầu tiên. Ấy vậy mà người làm mẹ như cô đến tận bây giờ mới phát hiện ra. Cô không biết con bé đã bị đám nhóc côn đồ kia bắt nạt bao nhiêu lần rồi, thật quá sức tưởng tượng mà.

"Cốc... cốc..."

Cô cố lấy lại bình tĩnh, hiện tại cửa đã bị khóa không có cách nào để xông vào, trước tiên chỉ có thể gõ cửa để lôi kéo sự chú ý của chúng lên người cô. Để xem đám nhóc bên trong phản ứng thế nào rồi mới tính tiếp.

Quả nhiên động tĩnh bên trong lập tức dừng hẳn lại. Cô lại tiếp tục không ngừng gõ cửa rồi lại không kiên nhẫn mà đập cửa liên hồi. Mất một lúc lâu người bên trong mới lên tiếng.

- Ai... ai đó?

- Mau đi ra, tôi là giáo viên của cái trường này! Các em sao lại dám khóa cửa? Hiện tại đang là giờ học, sao các em còn chưa vào lớp nghe giảng bài mà lại lân la chỗ này? Định làm loạn cái gì ở bên trong hả?

Hiểu Phương thừa nhận trình độ giả giọng người khác của cô quả thật đã đạt đến mức thượng thừa rồi. Ngày xưa thời đi học, cô cũng từng giả vờ như bị ma nhập, còn hù dọa bọn nhóm Lôi Báo một phen hú vía.

- Em... tụi em chỉ định đi vệ sinh thôi mà cô, sẽ lên ngay ạ!

Chứ không dưng đám nhóc côn đồ này làm gì khiếp sợ như thế? Tuy cô không thể nhìn thấy cảnh tượng gì đang diễn ra ở bên trong, nhưng cô có thể nghe ra được âm điệu run run trong giọng nói của cái đứa trẻ đụng vào cô vừa rồi, có lẽ nó là đứa cầm đầu trong trò bắt nạt này.

- Đi vệ sinh tại sao còn khóa cửa ngoài? Nhanh mở cửa đi ra đây cho tôi? Có muốn tôi cho mấy em vào sổ đầu bài hay không?

- Dạ dạ...

Lúc này là cả đám mới đồng thanh lên tiếng.

Sau đó cô nhìn thấy tay nắm cửa xoay một vòng, khe hở trên cánh cửa càng ngày càng rộng. Cô còn chưa kịp tiến vào thì một đám nữ sinh khoảng bốn năm đứa ba chân bốn cẳng tông cửa chạy ra ngoài, cô phản xạ tự nhiên nép vào bên phải cánh cửa, tránh bị đụng phải một lần nữa. Chưa được ba giây đám nhóc đã chạy biến không thấy tung tích.

Phương My con gái cô vẫn còn ở lại. Hiểu Phương bước vào thì thấy con bé đang ngồi chồm hỏm dưới sàn xuýt xoa cổ chân. Là do bị đẩy vào cửa lúc ban nãy sao? Hình như chân đã bị trật rồi.

Cô vội vàng chạy đến chỗ con gái, đứa bé này làm sao để cho bạn bè bắt nạt mà còn không nói cho bố mẹ biết chứ.

- Phương My, con gái mẹ có bị làm sao không? Mấy đứa trẻ kia đã làm gì con? Tại sao chúng lại dám bắt nạt con như thế này? Nói cho mẹ nghe con...

- Mẹ... Sao mẹ lại ở đây?

Cô bé cũng rất muốn bỏ trốn theo đám nhóc kia, thế nhưng chân đã bị trật rồi, đi còn không vững thì biết chạy đường nào cho thoát. Kỉ luật ở trường rất nghiêm khắc, bình thường quy định đồng phục, tóc tai đã khó khăn lắm rồi, thì đừng nói chi đến chuyện gây hấn đánh nhau.

Chuyện này mà để cho giáo viên phát hiện thì chỉ có nước toi đời, xét theo mức độ mà xử lí, nhẹ nhất là liên lạc cho phụ huynh rồi đình chỉ học, nặng là trả học bạ đuổi học ngay tức khắc. Mà cô bé dù nặng hay nhẹ gì cũng không thể dính vào được. Cô bé không muốn cho gia đình biết ở trường mình bị bạn bè bắt nạt một chút nào. Lần này xem như tiêu rồi, đúng là chạy trời không khỏi nắng.

Nào ngờ người lên tiếng cũng không phải là giáo viên mà là giọng của mẹ mình. Lúc nãy là mẹ cô bé giả giọng hù dọa bọn họ hay sao? Cô bé mừng thầm thế nhưng lại chợt nhận ra nếu là giáo viên thì vẫn tốt hơn nhiều.

Người mà cô bé không muốn có mặt ở đây nhất là mẹ. Mẹ là một người phụ nữ chẳng biết gì ngoài quanh quẩn suốt ngày trong nhà bếp, với mấy món ăn của bà. Sẽ mãi không hiểu được cô bé muốn gì và cần gì từ bà, chỉ có bố cô là cảm thấy hạnh phúc với mấy món ăn của bà thôi.

Còn cô bé thì chẳng thể nào vui mừng nổi, nhưng cô bé không thể cãi lời bố, nếu chống lại mẹ chỉ có nước bị bố  cho đóng băng luôn cả tiền tiêu vặt. Chẳng còn cách nào ngoài việc ngày ngày mang theo hộp cơm đi học suốt mười hai năm qua.

Mẹ sẽ không biết vì cái hộp cơm chết tiệt đó mà mấy năm phổ thông cô bé bị bạn bè lấy đó làm chủ đề để trêu chọc, bọn chúng nói cô bé là một đứa con nít còn chưa dứt được sữa mẹ. Quê mùa tới mức đi học luôn để bố đưa đi đón về, mang theo cơm nhà mẹ nấu, ngoài giờ học còn không được đi chơi ở bên ngoài.

Cô bé biết bọn chúng chỉ lấy mấy lí do vớ vẩn đó làm cớ để bắt nạt cô bé mà thôi, chỉ vì cô bé có thành tích học tập cực kì tốt, lại còn rất xinh đẹp. Ở trường trên lớp thì được giáo viên yêu quý, ngoài trường lại được đám con trai ở trường khác hết tên này tới tên khác theo đuổi, dĩ nhiên vì lẽ đó mà bọn con gái trong trường sẽ không tài nào vừa mắt với cô bé.

Thế nhưng trong mắt cô bé, cái đám ô hợp ấy không hề thú vị một chút nào. Con gái sẽ vì ganh ghét mà không chơi với cô bé, còn bọn con trai dở hơi ấy không thể nào lọt nổi vào mắt cô bé.

Mấy năm tiểu học và trung học vẫn còn tạm ổn, bọn họ dù không vừa mắt nhưng cũng không dám gây sự với cô bé. Thế nhưng lên phổ thông cũng không yên bình được như trước, bọn chúng nghĩ lớn lên một chút, gan cũng liền to hơn.

Chuyện trêu ghẹo hay soi mói hai năm đầu xảy ra như cơm bữa, về sau vì biết được cô bé sẽ không nói lại với gia đình cho nên mới càng được nước lấn tới.

Vừa hành hung lại vừa trấn lột, hôm nay cô bé không đưa tiền, thế nên mới bị bọn nó kéo vào đây. Thật ra đi học trong cái trường danh giá này thì có đứa nào mà thiếu thốn đâu chứ, bọn nó chỉ muốn tìm cớ để bắt nạt cô bé mà thôi. Không đưa tiền hay đưa tiền cũng chẳng khác nhau là mấy.

Nếu là giáo viên thì còn miễn cưỡng dựa vào thành tích để cầu tình được, đằng này lại là mẹ, bà sẽ lại hỏi đông hỏi tây, khuyên can cô bé không được thế này thế kia. Mấy lời khuyên đó chẳng thể giúp ích được gì, mẹ cô cứ nghĩ cuộc sống này mang một màu hồng chắc, và bà muốn bao bọc cô bé trong cái thế giới màu hồng do bà tạo ra ấy. Cô bé thì chẳng muốn sống một cuộc sống vô vị như thế một chút nào.

- Mẹ mang cơm trưa đến cho con, mẹ lo con ăn cơm ở trường không hợp khẩu vị.

- Lại cơm, cơm, mẹ mang về đi, con còn có tiết, con không ăn đâu!

Cô bé đã nghĩ hôm nay có thể không phải mang theo cơm đi học, cuối cùng cô bé đã có thể ăn uống ở trường như bao đứa trẻ khác.

- Này Phương My, con làm sao thế? Nói mẹ nghe ở trường đã xảy ra chuyện gì? Tại sao mấy đứa trẻ kia bắt nạt con?

- Chẳng có chuyện gì hết, mẹ đừng hỏi nữa, mẹ về dùm con đi! Con nói rồi con còn có tiết, mẹ đang làm lãng phí thời gian của con đó!

Hiểu Phương không tin được con gái cô lại nói với mẹ nó những lời như vậy. Từ trước đến giờ cô bé chưa từng có thái độ khó chịu như thế này. Không phải là vì cô đã vô tình bắt gặp nó trong hoàn cảnh này, con gái cô không muốn cô nhìn thấy bộ dạng này của nó đó chứ?

Đứa trẻ ngoan ngoãn này đã học được xem trọng thể diện, còn biết cáu gắt với mẹ của nó, xem ra thời kì phản nghịch của đứa bé đã thật sự đến rồi. Cô còn nghĩ con gái nhà cô cũng không giống con cái nhà người ta, đứa trẻ hiểu chuyện như thế làm sao lại sẽ nổi loạn đây? Cô đã quá vô ý rồi.

- Mẹ sẽ nói chuyện với Hiệu trưởng của con, theo mẹ về, hôm nay con không cần đi học!

- Mẹ! Con còn nhiều bài phải học lắm, mẹ định làm gì? Mẹ còn muốn cho cả trường biết Hiệu trưởng trường con và gia đình mình có quen biết nữa hay sao? Con xin mẹ đó, mẹ về đi!

Vì cái hộp cơm đáng ghét đó mà cô bé bị bọn chúng lấy cớ trêu ghẹo cũng đủ lắm rồi, bây giờ mẹ còn muốn phanh phui thêm chuyện đời tư của cô bé cho cả trường biết nữa hay sao?

- Con thế này còn muốn đi học gì nữa? Nhân tiện bây giờ mẹ cũng đến bệnh viện thăm bà, con cũng theo mẹ đến đó kiểm tra thử xem chân của con thế nào!

- Con không đi đâu hết, ngoài chuyện học ra con không có thời gian để phung phí vào mấy việc khác!

- Việc học con tạm thời gác qua một bên đi! Lúc này không học thì để lúc khác học cũng không có vấn đề gì. Đối với mẹ cái gì cũng không quan trọng bằng con!

Cô bé ngẩng người, trước đây mẹ chưa từng nói những lời này với cô bé bao giờ.

Mẹ chưa bao giờ quan tâm cô bé nghĩ gì và muốn gì từ bé đến giờ, bà không có bất kì yêu cầu hay quy định gì, cũng không ép uổng cô bé đi vào khuôn khổ phép tắc như những người mẹ khác.

Kể từ lúc cô bé bắt đầu đi học chính thức, mẹ đã không còn quan tâm đến con gái mình nữa. Ngoài việc bà sẽ chuẩn bị thức ăn cho cô ra thì chẳng còn gì khác. Chỉ có những lúc cô bé đạt được thành tích tốt trong trường thì mẹ cô bé cũng sẽ vui mừng một chút, sẽ xoa đầu hay ôm cô bé vài cái tỏ ý khích lệ.

Cô bé luôn luôn cảm giác giữa hai mẹ con có một khoảng cách vô hình nào đó. Cô bé không hiểu bởi vì mẹ quá tin tưởng con gái bà hay là vì bà không muốn để tâm đến nữa.

Nhiều khi cô bé cảm giác bà không phải là mẹ cô bé. Bà không cư xử giống những người mẹ bình thường mà cô bé đã nghe được từ lời đám bạn học vẫn ngày ngày than phiền. Rằng mẹ nó khó khăn thế nào đối với việc học hành của nó, mẹ nó không cho nó nhiều tiền tiêu vặt, một ngày không cho nó xài máy tính quá một giờ, không cho nó yêu sớm, không được cái này không được cái kia, còn hay cằn nhằn nó đủ thứ chuyện trên đời. Những thứ này chưa hề xảy ra trong gia đình cô bé.

Cô bé đã nghĩ đối với bố mẹ không có thứ gì quan trọng hơn thành tích, và chỉ có học hành thật giỏi giang thì mới được bố mẹ quan tâm đến chút ít. Vậy mà hôm nay cô bé lại nghe được chính miệng mẹ nói không có thứ gì sánh bằng con gái bà.

Cô bé vẫn chưa thể hoàn hồn mãi cho đến khi được mẹ dìu ra ngoài, lên phòng Hiệu trưởng, rồi sau đó lên xe đến bệnh viện.

Hiểu Phương không hiểu hôm nay con gái cô cứ là lạ làm sao ấy. Cô thở dài, đứa bé nhà cô hình như đã lớn thật rồi. Thường ngày con bé có bao giờ hỏi cô thứ này thứ kia, từ nhỏ đã rất ngoan ngoãn. Thế nên cô đã nghĩ không muốn kiềm kẹp con gái mình quá mức, để cho con bé có nhiều tự do hơn. Con gái cô là một đứa trẻ hiểu chuyện, nên cô không cần phải giáo dục con bé theo kiểu những phụ huynh nhà người khác vẫn thường dạy dỗ con cái của họ. 

Vậy mà hôm nay, đứa bé hiểu chuyện nhà cô còn biết cáu với mẹ nó, bình thường chẳng bao giờ tìm mẹ nói chuyện thì từ lúc ở trường đến giờ đã hỏi đi hỏi lại cô hết câu này đến câu khác. Mà mấy câu hỏi của con bé chỉ quanh đi quẩn lại trong một vấn đề rằng cái gì quan trọng với cô nhất. Mỗi lần cô đều kiên nhẫn lặp lại câu trả lời rằng đối với cô con bé là quan trọng nhất.

Hình như con gái cô vô cùng bồn chồn lo lắng, sau đó khi nghe lời giải đáp từ cô thêm mấy lần thì mới thả lỏng một chút. Lâu rồi cô mới thấy con bé nhìn cô với ánh mắt lấp lánh thế kia, còn cười rất tươi lộ cả lúm đồng tiền nho nhỏ bên má trái. Tâm trạng cô bé dường như bỗng nhiên tốt lên hẳn. Đây không phải là một trong những dấu hiệu của tuổi nổi loạn đó chứ, cảm xúc thay đổi cũng quá thất thường rồi.

...

Tuyết Anh tỉnh dậy trong tình trạng đầu óc quay cuồng. Đầu nàng như muốn vỡ ra, cả người cũng đau nhứt uể oải, dưới lòng bàn chân rất đúng lúc truyền đến cảm giác đau rát vô cùng. Tối qua hình như nàng đã uống rất say.

Sau này vẫn là không nên uống nhiều, hại nàng cả người hiện tại không có một chút sức sống nào.

Nàng gắng gượng nhấc người lên lê thân thể rã rời vào nhà vệ sinh. Nàng không thể nào nằm thêm được nữa với cái thân thể nồng nặc mùi rượu này, nàng thích uống rượu nhưng lại rất ghét cảm giác phải nghe thấy mùi rượu dính trên người mình, cũng tương tự việc nàng hút thuốc nhưng sẽ không muốn để mùi thuốc lá bám vào người. Ở một mức độ nào đó thì từ trước đến giờ nàng vẫn có chút nhạy cảm với các loại mùi hương.

Đợi nàng hoàn tất việc vệ sinh cá nhân và xử lí vết thương dưới lòng bàn chân xong cũng đã mất hơn nửa giờ. Lại mất thêm mười lăm phút để ăn điểm tâm được đưa đến tận phòng. Sau đó nàng thay một bộ quần áo mới, đổi giày xong rồi mới chuẩn bị đến thăm Mỹ Dung.

Có lẽ nàng sẽ không tiếp tục ở lại trong thành phố này. Nàng không muốn lặp lại tình trạng say khướt giống như đêm qua. Nơi đây có quá nhiều thứ khiến cho nàng bận lòng.

Trước khi đi vẫn nên đến chào hỏi Mỹ Dung một tiếng, tránh cho cậu ta lại lồng lộn cả lên bảo nàng là đồ độc ác không có lương tâm.

Lần thứ hai đặt chân vào bệnh viện, mọi thứ chẳng có gì thay đổi, vẫn là khung cảnh yên bình giống hệt hôm qua. Có điều hôm nay nàng đến sớm hơn hôm qua, buổi trưa trời đã bắt đầu có chút nắng nhẹ rải rác trên mặt đất.

Hôm nay nàng chọn một bộ trang phục nhẹ nhàng giản dị hơn. Quần tây đen kẻ sọc, áo phong màu trắng, thêm áo vest đồng bộ với quần ở bên ngoài, chân đi một đôi giày da màu nâu mũi tròn, tóc xoăn cũng tùy tiện xõa xuống. Cả người nàng toát lên vẻ tự nhiên phóng khoáng.

Tuyết Anh sải bước chân, đi hết khuôn viên này thì rẽ phải là đến khoa nội, lại đi dọc theo hành lang tầm năm mươi mét là đến phòng bệnh D17 của Mỹ Dung.

Nàng vừa đi vừa nghĩ xem nên nói thế nào với cậu ta về dự định sắp tới của nàng. Cậu ta nhất định sẽ không để nàng vừa mới quay về một hôm lại bay sang Anh. Nếu thuyết phục Mỹ Dung không thành thì nàng không còn cách nào phải tiếp tục ở lại Việt Nam, thế nhưng nàng mong ít nhất là không phải ở trong thành phố này, nếu không nàng nhất định sẽ không đồng ý.

Mãi chìm vào suy nghĩ về chuyện chuyển đi nơi khác mà nàng không kịp chú ý cảnh vật trước mắt. Đợi nàng vừa định thần lại, thì một bóng hình vừa như quen thuộc lại như xa lạ không biết từ khi nào đã đột ngột rơi vào tầm mắt.

Cô gái nhìn có vẻ trẻ trung hơn nhiều so với độ tuổi, trên người là một bộ váy liền cộc tay màu ngọc bích, tóc cũng đã dài hơn trước rất nhiều, một phần buộc lên, phần còn lại thì xõa xuống ngang vai. Nhìn qua vô cùng dịu dàng nữ tính.

Nếu không phải bên người cô còn dắt thêm một cô bé khác, Tuyết Anh đã nghĩ trước giờ giữa các nàng vĩnh viễn cũng chưa từng xảy ra bất kì tổn thương mất mát nào. Có lẽ nàng có thể không chút ngần ngại mà tiến về phía trước ôm cô ấy vào lòng thật chặt một lần nữa.

Thế nhưng tiếc thay tất cả chỉ là giả thuyết do nàng tưởng tượng ra, cũng sẽ không thể trở thành sự thật. Mà đứa bé được cô ấy dắt tay kia chính là minh chứng hùng hồn nhất cho khoảng cách thực tế giữa các nàng. Cô ấy đã có một gia đình hạnh phúc, mà nàng sẽ không có cách nào để xen vào.

Nàng đứng chôn chân tại chỗ, giống như có một tảng đá rất lớn chèn lấy chân nàng, làm nàng không tài nào có thể nhấc chân đi về phía trước. Nàng cứ đứng lặng người như thế mà nhìn bóng dáng cô ấy lướt qua rồi khuất hẳn sau dãy hành lang.

Tình huống xảy ra ngày hôm nay giống như một lời khiêu khích của tạo hóa dành cho nàng. Chúng nhắc nhở nàng về một thực tế tàn nhẫn rằng cho dù hai mươi năm trước hay là hiện tại, Tuyết Anh vẫn sẽ lần nữa đánh rơi cơ hội để đi về phía Hiểu Phương, mất đi dũng khí mà không chút ngần ngại nắm lấy tay cô ấy cùng nhau trải qua nhân sinh vui buồn.

TBC

Thật ra mình đã định sửa lại cho đúng với cốt truyện và diễn biến trên phim nên mình đã lưỡng lự và mất một khoảng thời gian để quyết định thay đổi. Nếu để mọi thứ diễn ra giống hệt nguyên bản thì một số tình tiết cần có không thể phát triển lên được. Thế nên đây sẽ là sự thay đổi đầu tiên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top