Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

DSVGXQD-DS1

NHỮNG CÂU CHUYỆN KỲ LẠ CỦA DARREN SHAN

GÁNH XIẾC QUÁI DỊ

CIRQUE DU FREAK

A living nightmare...Mở đầu

Tôi mê mấy con nhện chết được. Tôi thích sưu tầm nhện từ ngày còn nhỏ xíu. Tôi sục sạo hàng giờ trong cái chòi cũ cuối vườn nhà, để săn tìm những con vật tám chân, thuộc loài côn trùng ăn thịt này. Tóm được tên nào, tôi đem thả ngay vào phòng ngủ. Chuyện này thường làm mẹ tôi tức điên lên.

Thường thường, chỉ một hai ngày là những tên này chuồn thẳng cánh, chẳng bao giờ “gặp gỡ” lại nữa. Nhưng thỉnh thoảng có vài tên luẩn quẩn trong phòng ngủ của tôi lâu hơn. Có một cô nhện giăng tơ phía trên giường tôi, đóng đô tại đó như một tên lính gác, gần một tháng trời. Đi ngủ, tôi mơ màng tưởng tượng cô ả mon men xuống, bò vào miệng, trượt qua cổ họng để vào bụng tôi và đẻ ra một đống trứng. Những em bé nhện sẽ nở ra và nhấm nháp ngon lành nội tạng tôi, trong khi tôi vẫn sống sờ sờ.

Ngày còn bé tôi… “khoái được sợ” lắm.

Năm lên chín tuổi, ba má cho tôi một con tarantula nhỏ. Đó là một giống nhện miền nam châu u đen thui thủi, vừa to con vừa có nọc độc. Con tarantula của tôi không to, không có nọc độc, nhưng đó là món quà tuyệt vời tôi chưa bao giờ được nhận. Gần như suốt ngày, thức dậy là tôi chơi đùa với nó. Tôi phục vụ tối đa: ruồi, châu chấu và những con giun nhỏ tí teo. Đồ ăn thừa mứa đến thối rữa luôn.

Thế rồi, một hôm, tôi đã làm một chuyện thật ngu ngốc. Xem một phim hoạt hình có cảnh máy hút bụi nuốt chửng một nhân vật trong phim. Cậu ta chẳng hề hấn gì, vùng vẫy thoát ra ngay, chỉ bị lấm lem và nổi quạu lên một cách rất buồn cười.

Cảnh đó ngộ nghĩnh tới nỗi làm tôi muốn thí nghiệm ngay với con nhện của tôi.

Không cần phải nói, các bạn cũng biết chuyện xảy ra chẳng giống trong phim hoạt hình tí nào. Con tarantula của tôi bị xé ra từng mảnh. Tôi khóc quá trời, nhưng nước mắt có thay đổi được gì nữa đâu. Vì lỗi của tôi, con vật cưng của tôi đã chết. Tôi bị mắng là vừa ngốc vừa vô trách nhiệm, và từ đó ba má không cho tôi nuôi một con thú cưng nào nữa, dù chỉ là một con nhện vớ vẩn trong vườn.

Tôi kể lại chuyện đó vì hai lý do. Lý do thứ nhất, để khi bạn đọc sách này, sẽ dễ hiểu hơn. Lý do thứ hai:

Đây là một câu chuyện thật.

Tôi không mong bạn tin đâu – chính tôi cũng không thể tin, nếu tôi chưa từng sống qua chuyện này. Nhưng đây là một chuyện có thật. Tất cả những gì tôi tả trong sách đều xảy ra đúng y như những gì tôi đã trải qua.

Chuyện xảy ra trong đời thật, là khi bạn làm một điều gì ngốc nghếch, đương nhiên bạn phải trả giá. Nhưng trong sách, những người hùng, nếu thích, họ phạm sai lầm tùm lum, mà vẫn chẳng sao, vì cuối chuyện mọi thứ đều tốt đẹp. Người hùng đấm đá tụi xấu tưng bừng, lập lại trật tự đâu vào đấy và tất cả đều kết thúc… như mơ.

Trong đời thật: máy hút bụi giết chết con nhện; lớ ngớ băng qua đoạn đường đầy xe cộ là người ta bị xe tông ngay; lộn cổ từ trên cây xuống, chẳng vỡ đầu cũng gãy tay.

Đời thật, độc ác và tàn nhẫn vậy đó. Nó chẳng thèm quan tâm tới người hùng hay những kết cục có hậu đâu. Trong đời thật: chuyện xấu xảy ra. Người chết. Những cuộc tranh đấu thường thất bại. Kẻ ác thường thắng thế.

Tôi muốn nói rõ ràng như vậy, trước khi bắt đầu kể chuyện.

Còn một điều nữa: thật sự tên tôi không phải là Darren Shan đâu. Trong sách này, tất cả đều là sự thật, trừ những cái tên. Tôi phải thay đổi tên, là vì… Thôi, bạn cứ đọc tới hồi kết cuộc, bạn sẽ hiểu.

Tôi không sử dụng bất cứ tên thật nào của tôi, em gái, bạn bè và các thầy giáo tôi. Không ai được nhắc tới bằng tên thật. Tôi cũng sẽ không cho bạn biết tên thành phố của tôi đâu. Tôi không dám.

Dù sao mào đầu như thế cũng đủ rồi. Nếu bạn đã sẵn sàng, hãy bắt đầu đọc đi.

Nếu đây là một chuyện bịa đặt, nó sẽ được bắt đầu vào một đêm tối giông bão đầy trời với tiếng cú rúc và tiếng xào xạc dưới gầm giường. Nhưng đây là một chuyện thật, nên tôi sẽ bắt đầu tại nơi thật sự nó đã xảy ra.

Chuyện bắt đầu từ trong một phòng vệ sinh.

CHƯƠNG MỘT

Tôi ngồi trong phòng vệ sinh của trường. Vẫn mặc nguyên quần, tôi ngồi trên bồn cầu, ư ử trong họng một bài ca. Chẳng là gần hết giờ Anh văn, tôi cảm thấy khó chịu. Thầy tôi, thầy Dalton, thông minh cực kỳ trong những hoàn cảnh như thế này. Tên nào giả bộ đau ốm là đừng hòng qua được mắt thầy. Vừa thoáng thấy tôi giơ tay, thầy bảo ngay là tôi bị bệnh rồi. Thầy nói:

- Darren, vào phòng vệ sinh, nôn hết ra cho bớt khó chịu, rồi trở lại lớp ngay.

Ước gì thầy nào cũng thông cảm như thầy Dalton nhỉ.

Tôi không bị ói mửa, nhưng vẫn cảm thấy nôn nao, nên cứ ngồi lì trong phòng vệ sinh. Nghe tiếng chuông và tiếng xôn xao cười nói của các bạn ùa ra sân trong giờ ra chơi, tôi muốn chạy ra ngay, nhưng lại sợ thầy Dalton sẽ bắt gặp, sẽ nghi ngờ tôi giả bệnh. Nếu phát hiện tay nào dối gạt, thầy không la mắng giận dữ đâu, nhưng cứ lầm lì im lặng… cả thế kỷ. Chúng tối khiếp thái độ đó của thầy còn hơn bị la rầy.

Vì vậy tôi cứ ư ử hát, ngó đồng hồ và chờ đợi. Rồi tôi nghe tiếng gọi tên tôi:

- Ê, Darren, cậu bị ngất hay sao vậy?

Tôi cười. Đúng là Steve Leopard, thằng bạn thân nhất của tôi. Thật ra họ của nó là Leonard chứ không phải Leopard. Nhưng mọi người đều gọi nó là Leopard, vì leopard nghĩa là con báo mà. Nó có được mỹ danh đó không chỉ vì hai từ đọc từa tựa nhau, mà còn vì, như kiểu má tôi nói, nó đúng là một “đứa trẻ hoang dã”. Nó đến đâu là có chuyện đó, nhào vào những cuộc đập lộn, nhám tay trong các cửa hàng. Ngày còn ngồi trên xe đẩy, chẳng biết vớ đâu một que nhọn, nó lụi một nhát vào một bà vô tình đi qua chiếc xe.

Nó có mặt tại đâu cũng làm mọi người e ngại. Nhưng tôi thì không. Chúng tôi kết nhau từ buổi gặp đầu tiên. Má bảo tôi bị bản tính hoang dã của nó hấp dẫn, nhưng tôi chỉ nghĩ nó là một thằng bạn rất tuyệt. Nó nóng như lửa, khi lên cơn, nó nổi quạu phát sợ. Những lúc đó tôi chỉ đơn giản co giò chuồn ngay, đợi khi nó êm êm, tôi mới trở lại.

Nhưng “tiếng tăm phát khùng” của Steve cũng dịu dần – má nó đưa đến những nhà tâm lý để các ông ấy hướng dẫn Steve cách tự kiểm soát mình – tuy nhiên nó vẫn là một “huyền thoại” trong sân trường – một đứa không dễ bắt nạt – kể cả những tay lớp trên, to lớn hơn nó.

Tôi gọi ra:

- Ê, Steve, tớ ở đây này.

Tôi đấm cửa để nó biết phòng tôi đang ngồi. Nó chạy lại mở cửa. Nhìn tôi vẫn mặc quần, ngồi trên bồn cầu, nó toét miệng cười:

- Mày bị ói mửa à?

- Không.

- Ra ngoài chứ?

- Có thể.

Tôi ưỡn người, “bủm” một phát. Nhưng thằng Steve biết ngay là tôi giả bộ.

Nó bảo:

- Cậu ngồi ì ra đó làm gì, đánh giày giúp tớ còn có lý hơn.

Nó hô hố cười khi tôi giả bộ tè lên giày nó, lấy giấy vệ sinh để chùi. Tôi hỏi:

- Cậu làm bài tập lịch sử chưa?

- Mai mới phải nộp bài, đúng không?

Nó có vẻ lo lắng. Steve… hơi bị hay quên làm bài tập ở nhà. Tôi bảo:

- Ngày mốt.

- Ồ, càng tốt. Thế mà tớ đã lo… Nhưng này, hôm nay là thứ năm, ngày mốt là…

- Đúng rồi, ngốc ơi. Ngày mốt thứ bẩy, là ngày nghỉ rồi.

Tôi thụi một quả vào vai nó. Steve hét toáng lên:

- Ui, đau mày. Ra ngoài không?

Vừa hỏi, nó vừa xuýt xoa, nhưng tôi biết nó chẳng đau tí nào.

- Tớ khoái ngồi đây… ngắm cảnh.

- Quên đi. Lúc tớ vào đây, bên mình đã bị hạ 1-5. Lúc này chắc thủng lưới thêm mấy quả nữa rồi.Tụi mình rất cần có cậu.

Nó đang nói về chuyện bóng đá đấy. Chúng tôi thường đấu một hiệp trong giờ nghỉ ăn trưa. Đội của tôi luôn thắng, nhưng chúng tôi đã mất khá nhiều cầu thủ giỏi. Dave Morgan bị gãy chân. Sam White chuyển trường theo gia đình. Còn thằng Danny Curtain bỏ quả bóng, để lẽo đẽo theo con nhỏ Sheila Leigh suốt giờ nghỉ trưa. Thằng ngốc!

Tôi là một tiền đạo xuất sắc nhất. Các hậu vệ và trung vệ đều rất tốt, còn thằng Tommy là thủ môn số một của trường. Nhưng chỉ có tôi là mũi nhọn tấn công và là đứa có thể làm bàn bốn hoặc năm quả vào lưới đối phương trong một ngày.

Tôi đứng dậy:

- OK. Tớ sẽ cứu các cậu. Tuần này, mỗi ngày tớ làm một cú hat trick rồi, bỏ chi cho uổng.

Chúng tôi đi qua mấy tay lớp trên – các ông anh lớn đang xúm quanh bồn rửa mặt, phì phèo thuốc lá như thường lệ - tiến tới tủ áo, thay đồ ra sân. Tôi có đôi giày rất tuyệt, một phần thưởng trong kỳ thi văn. Nhưng dây giày đã mục, cao su rã ra gần hết và… bây giờ chân tôi lại to đùng hơn trước. Đôi giày tôi hiện có cũng tạm được, tuy không bằng đôi lãnh thưởng.

Khi tôi ra sân, đội tôi đã thua 3-8. Vừa chạy tôi vừa la lớn:

- Ê, Shan-làm-bàn đã có mặt đây.

Trên sân, tiếng cười và tiếng rên rẩm cùng nổi lên. Nhưng rõ ràng các cầu thủ phe ta tươi tỉnh hẳn, còn phe địch nhăn nhó như khỉ ăn gừng.

Tôi khởi đầu tuyệt vời và chỉ trong vòng một phút ghi luôn hai bàn. Tình hình này rất có thể gỡ hòa hay thắng. Nhưng ngay lúc trận chiến đang sôi nổi nhất, chuông vào lớp đã rung lên. Bên tôi thua 7-9.

Chúng tôi đang rời sân, thằng Alan Morris chạy tới, mặt đỏ bừng, thở hồng hộc. Ba bạn thân nhất của tôi là: Steve Leopard (Báo), Tommy Jones và Alan Morris. Trong bốn chúng tôi, chỉ riêng thằng Steve là có biệt danh “Steve báo”.

Vừa quơ quơ mảnh giấy ướt tèm nhẹp, Alan vừa la lớn:

- Nhìn xem tớ vớ được cái gì đây?

Tommy ráng chụp mảnh giấy, hỏi:

- Cái gì vậy?

- Đây là…

Alan bỗng nín bặt khi nghe thầy Dalton gào lớn:

- Bốn em kia. Vào lớp ngay.

- Chúng em vào ngay đây.

Thằng Steve gào lại. Nó là trò cưng của thầy Dalton. Nó làm những trò mà chúng tôi chẳng bao giờ dám. Vậy mà vẫn được thầy bỏ qua. Nếu chúng tôi “lếu láo” như nó, là bị đá ra khỏi lớp liền.

Nhưng thầy Dalton rất nhẹ nhàng với nó, vì nó là một ngoại lệ. Trong lớp, có khi nó rất thông minh, bài vở nào cũng trả lời trót lọt, nhưng nhiều lúc nó mù tịt, không biết đánh vần đến cả chính tên của nó. Thầy Daltgon bảo nó có một chút của một học giả ngu ngơ, chắc thầy định bảo nó là một… thiên tài ngốc nghếch.

Tuy nhiên, dù nó là một trò cưng của thầy, Steve vẫn phải vào lớp đúng giờ cùng mọi người. Vì vậy, chẳng biết Alan vớ được cái gì, chúng tôi vẫn phải chạy vào lớp. Mồ hôi còn nhễ nhại sau cuộc chơi, chúng tôi bắt đầu bài học.

Tôi đâu ngờ, mảnh giấy bí mật của thằng Alan sẽ mãi mãi làm thay đổi đời tôi. Thay đổi một cách tệ hại!

CHƯƠNG HAI

Sau bữa ăn trưa chúng tôi lại có thêm một tiết với thầy Dalton: môn Lịch sử. Chúng tôi đang học về Thế chiến thứ Hai. Tôi không tha thiết lắm với bài học này, nhưng thằng Steve thì mê tít. Nó khoái tuốt tuột những gì dính dáng tới đánh đấm, bắn giết, chiến tranh. Nó vẫn bảo, lớn lên nó khoái được làm lính đánh thuê, nghĩa là lính đánh nhau vì tiền. Nó nói thật đấy.

Sau giờ sử là giờ học toán, nhưng thật không thể nào tin nổi, thầy Dalton dạy luôn tiết ba này! Thầy toán của chúng tôi nghỉ bệnh, nên phải có thầy khác dạy thế.

Thằng Steve sướng như rồng gặp mây. Thầy yêu quý của nó dạy liền tù tì cả ba tiết. Lần đầu tiên chúng tôi được thầy Dalton dạy toán. Thế là thằng Steve có dịp biểu diễn. Nó cho thầy biết chúng tôi đã học tới trang nào trong sách, nó cắt nghĩa những bài toán rắc rối, nó nói với thầy cứ như nói chuyện với một đứa trẻ. Nhưng thầy không quan tâm, thầy đã quen với tính nết nó và biết cách cư xử với nó.

Thường khi, thầy Dalton là một thuyền trưởng đại tài – lớp của thầy vui nhộn, nhưng ra khỏi lớp là chúng tôi biết mình đã học hỏi được nhiều điều. Nhưng về môn toán thầy lại không là một thầy giỏi. Thằng Steve sát cánh bên thầy, làm “cố vấn”. Thế là cả lớp chúng tối bắt đầu thì thầm chuyện trò đùa giỡn và ném những mẩu giấy cho nhau.

Tôi ném mẩu giấy, yêu cầu Alan cho đọc tờ giấy bí mật của nó. Lúc đầu nó từ chối chuyền tay qua mấy bạn khác, tôi liên tục “bắn tin” xuống chỗ nó. Sau cùng nó mới chịu chuyền qua Tommy, ngồi trước nó hai hàng ghế. Tommy chăm chú đọc. Miệng nó từ từ há hốc, mặt sáng lên. Ít nhất nó đọc tới ba lần mới chịu chuyền cho tôi. Lập tức tôi hiểu ngay phản ứng của Tommy khi đọc tờ giấy.

Đó là một tờ bướm, quảng cáo của một gánh xiếc rong. Trên cùng là hình ảnh một cái đầu chó sói, mõm mở to, nước bọt nhễu nhão chảy qua kẽ răng. Dưới cùng là hình ảnh một con nhện và một con rắn trông cũng gớm ghiếc như đầu con sói.

(Ngay dưới đầu sói là những chữ in to, màu đỏ.)

GÁNH XIẾC QUÁI DỊ

(Dưới hàng chữ đó là những hàng chữ nhỏ hơn: )

Gánh Xiếc Quái Dị – Chỉ trình diễn một tuần!

Hãy tới thưởng thức:

Cặp chị em sinh đôi Sive và Seersa

Cậu bé rắn! Người-sói! Gertha Răng-thép!

Larten Crepsley và con nhện bạn diễn của ông:

Quý bà Octa!

Alexander Xương sườn! Người Đàn Bà Có Râu!

Hans Tay-thần!

Rhamus Hai-bụng:

Người Đàn Ông Mập Nhất Thế Giới!

Sau cùng là địa chỉ mua vé và nơi trình diễn.

(Trên hình ảnh con rắn và con nhện có hàng chữ: )

KHÔNG DÀNH CHO NGƯỜI YẾU TIM!

NHỚ GIỮ CHỖ TRƯỚC!

Đọc đi đọc lại, tôi chìm đắm vào những hình ảnh và lời quảng cáo, chẳng còn nghĩ gì tới thầy giáo, đến khi nhận ra cả lớp im phăng phắc, tôi mới nhớ ra, vội ngẩng đầu lên nhìn: thằng Steve một mình đứng trên đầu lớp, đang nham nhở thè lưỡi cười với tôi. Rởn cả tóc gáy, vội quay lại, tôi thấy thầy Dalton đang đứng sau tôi, môi mím chặt, mắt đọc tờ quảng cáo.

Giật tờ giấy khỏi tay tôi, thầy nghiêm khắc hỏi:

- Cái gì thế này?

- Dạ… một tờ quảng cáo ạ.

- Em lấy ở đâu? Ở đâu?

Chưa bao giờ tôi thấy thầy tức giận đến thế. Tôi bối rối liếm môi, không biết trả lời sao, vì thật tình không muốn thằng Alan vướng vào vụ này. Bạn bè đều biết nó là đứa chết nhát nhất thế giới. Rất may, Steve tiến lại, nói:

- Thưa thầy của em ạ.

- Của em?

- Dạ, em nhặt được gần trạm xe buýt. Có một ông già ném tờ giấy này đi. Thấy là lạ, định hết giờ học, em sẽ hỏi thầy đây là cái gì.

- À… thế thì được. Tính hiếu kỳ không có gì đáng trách. Em ngồi xuống, Steve.

Phết chút hồ rồi gián tờ giấy lên bảng, vỗ vỗ tờ quảng cáo, thầy nói:

- Trước kia, lâu lắm rồi, thật sự vẫn có những màn trình diễn quái đản. Những kẻ tham lam, lường gạt đã nhồi nhét những người dị dạng trong những cái lồng và…

- Thưa thầy dị dạng là sao ạ?

Một bạn lên tiếng hỏi. Thầy trả lời:

- Là những người trông không bình thường. Chẳng hạn như một người ba tay hay hai mũi; hoặc người không có chân; người quá lùn, hay người cao quá khổ. Những kẻ lừa đảo đưa những con người khốn khổ đó ra trình diễn và gọi họ là quái nhân – đó là những con người không khác gì thầy hay các em, trừ ngoại hình của họ. Những kẻ tham lam, độc ác móc túi thiên hạ bằng cách đó. Chúng còn mời gọi khán giả chế giễu, chọc ghẹo những con người tội nghiệp kia. Chúng thí cho họ một tí tiền, cho họ ăn đói, mặc rách và không bao giờ cho phép họ được tắm rửa.

Deleina Price, một bạn gái ngồi gần đầu lớp hét toáng lên:

- Như thế là tàn nhẫn.

- Đúng vậy. Những buổi trình diễn quái đản đó là tàn nhẫn, độc ác. Đó là lý do làm thầy tức giận khi trông thấy mảnh giấy này.

Thầy giật tờ quảng cáo khỏi bảng, nói tiếp:

- Chúng đã bị cấm từ nhiều năm trước, nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn nghe đồn, những cuộc trình diễn như thế vẫn còn tiếp tục sống mạnh.

- Thưa thầy, thầy có nghĩ gánh xiếc quái dị này thật sự giống như thế không ạ?

- Thầy không chắc. Có thể là một trò quảng cáo bịp thôi. Tuy nhiên, dù đó là một gánh xiếc với những con người dị dạng thật, thầy mong tất cả chúng ta sẽ không em nào có ý muốn đi xem.

Cả lớp nhao nhao:

- Dạ, không có đâu thầy.

Thầy lại nói:

- Tốt. Vì đó là nơi đầy khiếp đảm. Chúng giả dạng như một gánh xiếc bình thường, nhưng thật sự là nơi chất chồng tội ác. Người nào tới đó một lần cũng sẽ trở nên xấu xa như những kẻ điều hành gánh xiếc.

Steve nhiệt tình đồng ý:

- Chỉ kẻ nào điên mới tò mò tới đó, thầy nhỉ.

Nói xong, nó nháy mắt với tôi, miệng uốn éo mấy câu không thành tiếng:

- Tụi mình sẽ đi!

CHƯƠNG BA

Steve năn nỉ thầy Dalton cho nó giữ tờ quảng cáo. Nó bảo muốn dán lên tường phòng ngủ. Thầy trù trừ, rồi cắt bỏ địa chỉ cuối tờ giấy, trước khi trao cho nó.

Tan trường, bốn đứa chúng tôi – Steve, Alan Morris, Tommy Jones và tôi – tụ tập ngoài sân, ngắm nghía tờ quảng cáo. Tôi bảo:

- Chắc là bịp quá.

Thằng Alan láu táu hỏi:

- Sao cậu biết?

- Thầy nói đó, những trò trình diễn người sói, người rắn đã bị cấm từ lâu rồi.

Alan vẫn khăng khăng:

- Thật đấy, không bịp đâu.

Tommy hỏi nó:

- Cậu lấy tờ giấy này ở đâu?

- Mình… chôm. Của anh Hai mình.

Anh Hai thằng Alan là Tony Morris, trước khi bị đuổi học, anh ta to lớn nhất trường. To lớn, nhỏ nhen và xấu xí nữa.

Tôi hết hồn, hỏi dồn:

- Mày chôm của Tony. Bộ mày muốn chết rồi à?

- Anh ấy không biết tớ lấy đâu. Nó nằm trong túi quần, lúc má mình ném nó vào máy giặt. Mình nhét một mảnh giấy trắng khác vào túi quần anh ấy. Tony sẽ tưởng chữ mực bị tẩy hết ráo rồi.

Steve gật gù:

- Thằng lù đù này hơi bị khôn đấy.

Tôi hỏi:

- Nhưng ai đưa cho anh Tony?

- Một người gặp ngoài đường. Một ông tên là Crepsley, diễn viên gánh xiếc.

- Cái ông trình diễn với con nhện hả?

- Ừa, nhưng lúc đó ông ta không mang theo con nhện. Ban đêm mà, anh Tony vừa từ quán rượu về.

Anh nó chưa đủ tuổi được mua rượu, nhưng bám theo mấy gã lớn tuổi, nhờ mua.

Alan nói tiếp:

- Ông Crepsley đưa tờ bướm cho anh Tony, bảo đây là Gánh Xiếc Quái Dị, bí mật trình diễn tại các thành phố trên khắp thế giới. Ông ấy bảo phải có tờ bướm mới mua được vé và họ chỉ phát tờ bướm này cho những người được tin cẩn. Tuyệt đối không được tiết lộ với ai. Mình biết được là vì khi xỉn rồi, anh Tony chẳng giữ điều gì bí mật cả.

Steve hỏi:

- Giá vé bao nhiêu.

- Mười lăm bảng một vé.

- Mười lăm bảng?

Tất cả chúng tôi đều kêu lên. Steve càu nhàu:

- Chẳng ma nào thèm bỏ ra 15 bảng để xem một lũ người quái dị đâu.

- Có tớ.

Tôi nói. Tommy và Alan cũng đều lên tiếng:

- Tớ nữa.

- Tớ cũng mua.

Thằng Steve khủng khỉnh:

- Chắc rồi. Nói cho sướng miệng mà.

- Là sao?

Alan ngần ngơ hỏi. Thằng Steve thủng thỉnh cắt nghĩa:

- Nghĩa là cóc có tiền mua vé, nói cho đỡ thèm thôi.

Mặt thằng Tommy rầu rầu như đám ma, vừa ngắm nghía mấy hình ảnh vừa lẩm bẩm:

- Có vẻ hay lắm, mình rất muốn đi xem.

- Thầy Dalton lại thấy là chẳng hay ho gì đâu.

Nghe Alan nói, Tommy bảo:

- Vì vậy mình mới khoái đi. Cái gì người lớn chê, thường là hơi bị tuyệt đấy.

Tôi hỏi:

- Các cậu chắc là tụi mình không đủ tiền sao? Biết đâu người ta giảm giá cho trẻ em.

- Tớ nghĩ trẻ con không được vào xem đâu.

Tuy nói vậy, nhưng Alan cũng cho biết là nó có năm bảng bẩy mươi pence. Steve nói:

- Tớ có đúng 12 bảng.

Tommy cho biết nó có 6 bảng 85 pence. Tôi nói với tất cả:

- Tớ có 8 bảng 25 pence. Vậy là tổng cộng được hơn 30 bảng rồi. Ngày mai chúng ta lấy tiền quà…

Alan cắt ngang:

- Nhưng gần hết vé rồi. Hôm qua là buổi biểu diễn đầu tiên. Họ hết diễn vào thứ ba. Nếu muốn đi, chúng ta phải đi tối mai hay thứ bảy, vì ông bà già sẽ không cho chúng mình ra ngoài mấy tối khác đâu. Người phát tờ bướm cho anh Tony bảo, vé tối thứ sáu và thứ bảy gần hết rồi. Chúng ta phải mua ngay từ tối nay.

- Căng nhỉ!

Nghe tôi nói, Steve bảo:

- Có lẽ chẳng căng lắm đâu. Má mình thường để tiền trong một cái bình. Mình có thể mượn đỡ, khi nào có tiền quà tụi mình trả lại.

- Cậu định chôm tiền của bà già à?

Tôi hỏi. Nó bộp lại ngay:

- Tớ nói là mượn. Ăn trộm là khi nào cậu không có ý trả lại kìa. Sao cậu chậm tiêu thế nhỉ.

Tommy hỏi:

- Nhưng làm sao đi mua vé được. Hôm nay có tiết học tối.

Thằng Steve nói ngay:

- Để tớ mua cho. Tớ chuồn ra được mà.

Tôi nhắc:

- Nhưng thầy Dalton xé mất địa chỉ rồi.

Nó cười toe:

- Mình nhớ. Nào, bây giờ cứ đứng đây bàn tán mãi sao? Mau chạy đi thu xếp chứ.

Chúng tôi nhìn nhau, lần lượt từng đứa gật đầu. Steve lại nói:

- Tốt rồi. Chúng ta chạy về nhà, lấy tiền, rồi gặp lại nhau tại đây. Nói với ba má các cậu là để quên sách vở hay gì đó tại trường. Tụi mình gom tiền lại, số còn thiếu mình sẽ mượn trong hũ đựng tiền của bà già.

Tôi hỏi:

- Lỡ cậu không chôm… xin lỗi, mình nói là lỡ cậu không mượn được thì sao?

- Thì bỏ cuộc. Nhưng chưa thử làm sao biết được. Nào, lẹ lên.

Nói xong, nó vọt ngay. Tommy, Alan và tôi cũng co giò chạy gấp.

CHƯƠNG BỐN

Tối hôm đó đầu óc tôi chỉ còn có thể nghĩ đến gánh xiếc quái dị. Tôi cố quên nhưng không được, thậm chí ngay cả khi ngồi xem chương trình TV ưa thích nhất. Thật kỳ lạ, thật phi thường: nào là người sói, cậu bé rắn, rồi lại còn nhện nữa chứ. Nhất là nhện, tôi cứ như sôi lên, không thể ngồi yên được. Ba má tôi không nhận ra điều gì, nhưng Annie thì biết. Annie là em gái tôi. Thỉnh thoảng nó làm tôi khó chịu, nhưng thường thì nó rất tuyệt. Nó không le te chạy tới má để mách lẻo mỗi khi tôi có lỗi và nó là đứa biết giữ bí mật.

Sau bữa ăn, khi hai anh em rửa bát chén trong bếp, nó hỏi:

- Anh sao vậy?

- Có gì đâu.

- Có mà. Tối nay anh kỳ cục lắm.

Tôi biết nó sẽ lải nhải hỏi hoài cho đến khi tìm ra sự thật, vì vậy tôi đành cho nó biết về gánh xiếc quái dị. Nó cũng đồng ý với tôi là nghe… rất tuyệt, nhưng:

- Anh không vào được đâu.

- Tại sao không?

- Em cá là người ta không cho trẻ con vào.

- Anh và các bạn của anh thì… OK. Nhưng nhóc cỡ em thì chắc chắn là không có cửa rồi.

Nó bắt đầu quạu, tôi vội nói:

- Xin lỗi. Anh không định nói thế đâu. Nhưng anh bực vì em nói đúng quá. Nhưng Annie, anh phải tìm mọi cách để vào xem cho bằng được.

- Em cho anh mượn hộp đồ trang điểm. Anh vẽ mấy vết nhăn cho già đi.

Tôi phì cười ôm chặt nó, một điều tôi ít khi làm.

- Cám ơn, nhóc. Nhưng không sao đâu. Vào được thì tốt, không được thì thôi.

Hai anh em tôi lau khô chén bát, rồi vội vàng trở lại phòng TV. Mấy phút sau ba tôi về tới. Ông làm trong những công trường xây dựng và thường về nhà muộn. Thỉnh thoảng ba tôi cũng hay càu nhàu, nhưng tối nay ông có vẻ rất hào hứng. Ông bế Annie lên quay một vòng.

Sau khi chào và hôn mẹ tôi, ông hỏi:

- Sao, con trai? Hôm nay có gì hứng thú không?

- Con lại làm thêm một cú hat trick nữa.

- Thật sao? Con tuyệt lắm.

Trong khi ba tôi ăn, chúng tôi tắt TV. Ông thích được yên tĩnh trong bữa ăn, để ông còn chuyện trò với vợ con.

Sau đó má vào phòng loay hoay với những con tem. Tôi mon men lại gần xem có con tem nào in hình những con thú lạ hay nhền nhện không. Tôi e dè hỏi:

- Má à, có bao giờ má xem những màn trình diễn quái dị chưa?

- Màn trình diễn gì?

Vẫn chăm chú vào mấy con tem, má tôi lơ đãng hỏi. Tôi nói:

- Những màn quái dị ấy mà, như đàn bà có râu, người sói, cậu bé rắn…

Má nhìn lên tôi, hỏi:

- Cậu bé rắn? Cậu bé rắn là cái quái quỷ gì vậy?

- Là… nhưng má đã xem bao giờ chưa?

- Chưa. Đó là trò bất hợp pháp.

- Nếu hợp pháp, và họ đến tỉnh mình trình diễn, má có đi xem không?

Bà rùng mình nói:

- Không. Những trò đó làm má sợ. Hơn nữa, má cảm thấy không được công bằng với những con người đó.

- Là sao ạ?

- Nếu con bị nhốt vào một cái cũi cho mọi người ngắm nhìn, con có thích không?

- Con đâu phải là một quái nhân.

Mẹ tôi cười lớn, hôn lên trán tôi:

- Má biết chứ, con là thiên thần nhỏ của má chứ bộ.

- Má, thôi đi mà.

Tôi nhăn nhó, lấy tay lau trán. Má tôi cười nói:

- Coi nó mắc cỡ kìa. Này, nhưng thử tưởng tượng con có hai cái đầu hay bốn cánh tay, và có ai đó bắt con trình diễn để mọi người cười giỡn, chắc chắn con sẽ không thích, đúng không?

- Đúng.

- Nhưng tóm lại, tất cả chuyện này là gì đây? Con lại thức khuya xem phim kinh dị, phải không?

- Đâu có.

- Con biết ba má không thích các con xem…

- Con không thức khuya, MÁ TIN CHƯA?

Tôi hét lên. Bực nhất là cha mẹ không chịu tin mình. Mẹ tôi bảo:

- Thôi được ròi, ông tướng, không phải la làng lên như thế. Nếu con không muốn ở lại đây với má, xuống vườn phụ ba tưới cây đi.

Tôi không muốn đi, nhưng má đang bực vì tôi la lớn quá. Tôi xuống nhà bếp. Ba vừa vào lối cửa sau, thấy tôi ông nói ngay:

- Thì ra cu cậu trốn ở đây. Bận tới nỗi không giúp ông già một tay sao?

- Con đang định ra vườn mà.

- Tôi làm xong rồi, cậu Cả.

Tôi nhìn ông xỏ chân vào giày. Chân ba tôi to đùng. Ngày còn bé, tôi vẫn được ông cho đứng trên hai chân ông, dạo khắp nhà. Cứ y như được đứng trên hai tấm ván trượt vậy. Tôi hỏi:

- Bây giờ ba làm gì ạ?

- Viết thư.

Ba tôi có “bạn bốn phương” trên khắp thế giới, từ Mỹ, Úc, Nga tới Trung Quốc. Ông bảo ông thích giữ liên lạc với những láng giềng trên địa cầu của ông, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là cái cớ để ba tôi đánh một giấc ngủ ngắn trong phòng làm việc.

Tôi rủ Annie chơi ten-nít trên giường, dùng mấy đôi bít-tất cuốn lại làm banh. Nhưng nó từ chối, vì mải chơi bày hàng với mấy con búp bê.

Tôi vào phòng chúi mũi lên đống truyện tranh. Tôi có nhiều truyện tranh rất tuyệt: Siêu nhân, Người nhện, Người dơi và Spawn, Tôi khoái nhất Spawn. Một anh hùng siêu nhiên. Nhiều cuốn Spawn làm tôi sợ, chính vì vậy tôi mới khoái.

Gần như suốt đêm tôi hết đọc lại hì hục thu xếp đống truyện tranh. Tôi thường trao đổi với Tommy. Bộ sưu tập truyện tranh của nó cũng dễ nể lắm, nhưng bìa sách của nó dính toàn nước ngọt, những trang trong đầy vụn bánh. Vì vậy, tôi không đổi sách với nó nữa.

Thường thường tôi đi ngủ lúc mười giờ. Nhưng hôm nay hình như ba má quên khuấy tôi. Tôi thức đến gần mười rưỡi. Ba làm bộ như có việc đi qua phòng tôi, vì thấy đèn còn sáng. Ông không quan tâm lắm đến việc tôi thức khuya đâu, má mới là người khép tôi vào kỷ luật.

Ba bảo:

- Ngủ đi. Sáng mai ba không gọi con thức được đâu.

- Một phút nữa thôi, ba. Xếp dọn xong đống truyện tranh này, con đi đánh răng ngay mà.

- Được. Nhưng lẹ lên, cậu Cả.

Tôi dồn đống truyện tranh vào thùng, đặt lên kệ, phía trên giường của tôi.

Mặc áo ngủ xong, tôi đi đánh răng, rất thủng thẳng, gần mười một giờ tôi mới leo lên giường. Cảm thấy mệt nhoài và biết chắc chỉ vài giây nữa là sẽ ngủ khò. Điều cuối cùng tôi nghĩ đến là Gánh Xiếc Quái Dị. Tôi tự hỏi, cậu bé rắn như thế nào nhỉ? Râu của một người đàn bà dài đến cỡ nào? Hans Tay-thần và Gertha Răng-thép là sao? Nhưng trên hết, tôi mơ thấy con nhện.

CHƯƠNG NĂM

Sáng hôm sau, Tommy, Allan và tôi đứng đợi Steve trước cổng trường, cho đến khi chuông reo chúng tôi vẫn không thấy nó đâu, nên đành phải vào lớp.

Tommy bảo:

- Tớ cá là nó chuồn rồi. Không mua được vé, cu cậu quê quá, lánh mặt tụi mình luôn.

Tôi lên tiếng:

- Thằng Steve mà biết quê? Nó không thèm lánh mặt đâu.

- Mua được hay không, mình mong nó cũng đem tờ bướm về. Mình muốn dán trong phòng ngủ…

Tommy hô hố cười, ngắt ngang lời Allan:

- Ngốc ơi, cậu không chưng “tấm tranh” đó được đâu.

- Tại sao?

- Anh Tony thấy. Cậu sẽ bị “dợt” đẹp luôn.

Allan ngẩn tò te, bần thần, lẩm bẩm: “Ờ nhỉ.”

Giờ đầu, chúng tôi học địa lý. Tôi thật khốn khổ, không trả lời được câu hỏi nào của cô Quinn cho ra hồn. Môn địa lý là môn tủ của tôi, vì từ bé tôi đã bắt chước má sưu tầm tem. Sau năm câu trả lời sai, cô Quinn hỏi tôi:

- Thức khuya quá, phải không Darren Shan?

- Dạ… không.

- Cô nghĩ là có đấy. Mắt em xệ xuống như túi đi chợ của bà già rồi kìa.

Cả lớp cười ồ, kể cả tôi, vì cô giáo tôi ít khi nói đùa lắm.

Buổi sáng chậm chạp trôi qua, càng chậm hơn khi người ta chờ đợi và thất vọng. Tôi mơ màng nghĩ đến gánh xiếc quái dị, tưởng tượng mình là một quái nhân và chủ nhân gánh xiếc là một gã độc ác, đánh đập tất cả dù chẳng ai có lỗi gì. Nhưng vì hắn hung dữ và quá to lớn, nên chẳng ai dám nói năng gì. Cho đến một ngày, hắn liên tục quất roi tôi, tôi hóa thành sói, ngoặm đứt đầu hắn. Tất cả hoan hô tôi và bầu tôi lên làm ông chủ mới.

Thật là một giấc mơ tuyệt vời.

Thế rồi, gần giờ ra chơi, cửa bật mở. Thử đoán xem ai vào? Chính thằng Steve! Bà mẹ nó theo sau, bà nói mấy câu với cô Quinn. Cô giáo mỉm cười, gật đầu. Khi bà mẹ ra khỏi lớp, Steve về chỗ ngồi.

Tôi bực tức thì thầm:

- Mày trốn đâu vậy?

- Phòng nha sĩ. Tớ quên cho các cậu biết…

- Còn vụ…

Tiếng cô Quinn vang lên:

- Thôi, đủ rồi, Darren.

Tôi câm luôn. Tới giờ ra chơi, chúng tôi xúm quanh Steve, xô đẩy la hét. Tôi: “Mày mua được vé không?” Tommy: “Cậu đến nha sĩ thật không?” Alan: “Tờ bướm của tao đâu?”

Steve cũng xô lại chúng tôi, vừa sằng sặc cười vừa nói:

- Bình tĩnh, bình tĩnh nào các em. Sẽ có phần xứng đáng cho kẻ nào biết đợi chờ.

Tôi hét lên:

- Đừng ấm ớ nữa. Cậu mua được hay không?

- Có và… không.

Tommy cáu tiết:

- Thế là con khỉ gì?

- Tao bảo: có tin tốt, tin xấu và tin… giật gân. Muốn nghe tin nào trước?

- Tin… giật gân là sao?

Tôi bối rối hỏi. Steve kéo cả bọn ra một góc sân, nhìn quanh rồi mới thì thầm:

- Tớ lấy tiền rồi chuồn êm, vì bà già mắc nói điện thoại. Ba chân bốn cẳng chạy tới chỗ bán vé, các cậu có biết mình thấy ai tại đó không?

- Ai?

- Thầy Dalton. Thầy đứng lù lù ở đó với mấy người cảnh sát. Ghê lắm, ngay lúc họ đang kéo một thằng cha nhỏ con ra khỏi quầy vé, thình lình, BÙM, một tiếng nổ phát khiếp vang lên, khỏi tỏa mù mịt. Và, các cậu biết không, khói tan, chẳng thấy thằng cha bán vé đâu nữa. Biến mất tiêu luôn. Ly kỳ chưa?

Alan hỏi:

- Rồi thầy và mấy cảnh sát làm gì?

- Lục soát, chẳng thấy gì, rồi bỏ đi.

- Họ có thấy cậu không?

- Dở hơi. Tớ không biết trốn à?

Tôi rầu rĩ nói:

- Vậy là cậu cóc mua được vé chứ gì?

- Ai bảo thế?

- Mua rồi?

- Mình vừa quay đi, gã nhỏ con xuất hiện ngay sau lưng. Hắn nhỏ xíu, lại còn trùm một cái áo choàng kín mít từ đầu đến chân. Hắn giật tờ bướm trên tay mình, rồi đưa ra hai cái vé. Mình đưa tiền và…

Chúng tôi reo lên:

- Hoan hô Steve. Vậy là cậu mua được vé rồi.

- Đúng, nhưng… có một rắc rối… mình đã bảo có một tin xấu rồi mà.

Chắc nó làm mất hết vé rồi, tôi nghĩ và hỏi:

- Chuyện gì nữa?

- Hắn chỉ bán cho mình hai vé. Mình đưa ra số tiền mua bốn vé, nhưng hắn đưa cho mình một tấm cạc ghi rõ: Gánh Xiếc Quái Dị chỉ bán hai vé cho một tờ bướm. Mình dúi thêm tiền, kiểu mua vé chợ đen, vì mình có tới gần bảy mươi bảng cơ mà, nhưng hắn nhất quyết không nhận.

Tommy kinh ngạc:

- Hắn chỉ bán cho cậu hai vé?

Alan hấp tấp hỏi:

- Vậy nghĩa là…

Steve nói ngay:

- Nghĩa là chỉ có hai trong bốn chúng ta có thể đi. Còn hai… đành phải ở nhà.

CHƯƠNG SÁU

Chiều thứ sáu, ngày cuối của một tuần học và bắt đầu mấy ngày nghỉ cuối tuần. Tất cả đều cười nói, chạy về nhà cho mau, hí hởn như chim sổ lồng. Chỉ trừ một bộ tứ vẫn chưa chịu rời khỏi sân trường, mặt mày ủ rũ như đã đến ngày tận thế. Tên của bốn tay này hả? – Steve Leonard, Tommy Jones, Alan Morris và mình, Darren Shan.

Alan rên rẩm:

- Chơi không đẹp. Chưa ai từng nghe một gánh xiếc chỉ bán cho mỗi người hai vé.

Tất cả đều đồng ý với nó, nhưng chẳng đứa nào biết làm gì, ngoài chuyện loanh quanh trong sân, sục chân xuống cát. Sau cùng Alan cất tiếng đưa ra câu hỏi mà đứa nào cũng đang nghĩ tới:

- Vậy, bây giờ, đứa nào được đi?

Chúng tôi bối rối nhìn nhau. Tôi nói:

- Thằng Steve phải được một vé. Vì nó bỏ tiền ra nhiều hơn tất cả chúng ta và nó có công đi mua nữa.

- Đồng ý.

Tommy nói và Alan cũng đồng ý theo ngay. Tôi cứ tưởng Alan sẽ phản đối.

Steve cười cười lấy một vé, hỏi:

- Cậu nào đi với tớ?

Alan vội nói:

- Mình lấy được tờ bướm.

Tôi bảo:

- Quên đi. Để thằng Steve chọn.

Tommy cười lớn:

- Láu cá vừa thôi. Steve là bồ tèo của mày. Mày để cho nó chọn, đương nhiên là mày ăn chắc rồi. Ý tớ là đấu võ. Nhà mình có găng quyền anh.

- Không được.

Alan lí nhí nói. Nó nhỏ tuổi nhất và chẳng bao giờ đánh nhau. Tôi bảo:

- Tớ cũng không khoái đám đấm nhau.

Tôi không nhát, nhưng biết trước là sẽ không thắng nổi Tommy. Nhà nó có bao cát và ông già nó dạy nó đấm rất bài bản. Chưa hết một hiệp là nó sẽ nó sẽ cho tôi đo ván đứ đừ ngay. Tôi đề nghị:

- Tụi mình rút que đi.

Tommy giãy nảy lên, không đồng ý. Chưa bao giờ nó thắng trong bất cứ trò may rủi nào.

Chúng tôi bàn tán ì xèo (cãi lộn thì đúng hơn) cho đến khi Steve đưa ra một ý kiến. Nó bảo: “Xong rồi, tớ biết phải làm sao.”

Lấy hai trang giữa của vở bài tập, nó dùng kéo thận trọng cắt nhỏ thành nhiều miếng, khuôn khổ vừa bằng một cái vé xem xiếc. Nó bỏ tất cả vào cái hộp đựng đồ ăn trưa. Cầm lên cái vé còn lại, Steve nói:

- Đây là luật chơi. Tớ sẽ bỏ cái vé này vào hộp luôn, rồi đậy nắp lại, lắc mạnh. Các cậu đứng sát nhau, mình sẽ tung tất cả giấy trong hộp lên đầu các cậu. Ai bắt đúng cái vé, sẽ là người thắng cuộc. Mình và người thắng sẽ trả lại tiền người thua đã đóng góp. Như vậy đủ công bằng chưa? Cậu nào có ý kiến hay hơn thì cứ nói.

Tôi đồng ý, nhưng Allan lèm bèm:

- Mình yếu nhất, làm sao nhảy cao bằng các cậu đươc.

Tommy nóng nảy:

- Thôi đi đừng càm ràm nữa. Tớ mới là thằng nhỏ con nhất, nhưng tớ cóc cần. Hơn nữa, biết đâu cái vé rớt xuống đất thì sao nào.

Alan bảo:

- Được rồi. Nhưng cấm xô đẩy đấy.

- Đồng ý.

- Đồng ý.

Steve đậy nắp hộp, lắc mạnh một lúc, rồi hỏi:

- Sẵn sàng chưa?

Chúng tôi lùi xa khỏi nó một chút. Steve bảo:

- Tớ đếm tới ba là tung những miếng giấy này lên không. Nào. Một…

Tôi thấy Alan lau vội mồ hôi quanh mắt.

- Hai.

Những ngón tay thằng Tommy bắt đầu vặn vẹo.

- Ba!

Những miếng giấy nhỏ tung bay.

Một cơn gió thổi những miếng giấy dạt về phía chúng tôi. Tommy và Allan vừa la hét vừa chộp bắt.

Tôi vừa định đưa tay lên, thình lình một sức mạnh thôi thúc tôi làm một chuyện thật lạ lùng. Có vẻ điên rồ, nhưng tôi vẫn thường làm theo sự thôi thúc ngấm ngầm lạ lùng như thế.

Vì vậy tôi nhắm mắt, xòe hai bàn tay như một người mù, và chờ đợi một điều, như phép lạ, xuất hiện.

Các bạn chắc đã quá biết: khi chúng ta bắt chước một chuyện gì đó đã thấy trên màn ảnh, như đi xe đạp ngược, cho ván trượt nước lên không chẳng hạn, chúng ta thường thất bại. Nhưng đôi khi những chuyện kỳ lạ, mình không ngờ nhất, thì lại xảy ra.

Trong một giây, tôi cảm thấy những mảnh giấy chạm vào tay. Tôi định bắt lấy, nhưng có một cái gì đó trong tôi bảo, chưa đúng lúc. Rồi, một giây sau, một tiếng nói trong tôi kêu lên: “Đó!”

Tôi vội nắm chặt bàn tay lại.

Gió dịu hẳn và những mảnh giấy là đà rơi trên mặt đất. Tôi thấy Alan và Tommy đang quỳ gối, tìm cái vé. Tommy kêu lên:

- Không có.

Alan cũng oang oác mồm:

- Tớ chẳng thấy đâu cả.

Rồi cả hai ngẩng nhìn tôi. Tôi không nhúc nhích, đứng im, tay nắm chặt.

Steve hỏi nhỏ:

- Cậu nắm cái gì trong tay thế, Darren?

Tôi nhìn nó lom lom. Tôi như người trong mơ, không nói, không cử động được.

Tommy bảo:

- Nó không có cái vé đâu. Mắt nó nhắm tịt suốt, làm ăn gì được.

- Có thể. Nhưng trong nắm tay nó có cái gì kìa.

Steve nói. Alan xô tôi, bảo:

- Mở bàn tay ra. Cậu giấu cái gì vậy?

Tôi nhìn Alan, Tommy và Steve. Rồi từ từ, tôi xòe bàn tay phải.

Không có gì.

Tim và bụng tôi cùng nhộn nhạo lên. Alan cười toe toét và Tommy lại lom khom tìm kiếm dưới đất. Steve bảo:

- Còn tay kia.

Tôi nhìn xuống, gần như tôi quên tịt bàn tay trái. Chầm chậm, rất chậm, tôi xòe bàn tay.

Ngay giữa bàn tay tôi là một mảnh giấy màu xanh, có răng cưa. Nhưng mảnh giấy nằm úp, và mặt sau không có gì, vì vậy tôi phải lật lên xem cho chắc ăn.

Trên nền xanh là hàng chữ đỏ chót: Gánh Xiếc Quái Dị.

Tôi có vé rồi! Tôi sẽ đi xem với thằng Steve. Tôi la lớn: YEEEEEEEEESSS!

Tôi đấm mạnh tay vào không khí. Tôi thắng rồi!

CHƯƠNG BẢY

Đây là hai vé xem buổi diễn tối thứ bảy. Rất tốt, như vậy tôi có đủ thời gian để thuyết phục ba má và xin phép cho tôi được ngủ lại nhà Steve đêm thứ bảy.

Tôi sẽ không nói cho ba má biết về những màn trình diễn quái dị. Vì nếu ông bà biết, chắc chắn tôi sẽ không được phép đi. Tôi cảm thấy áy náy vì đã không nói sự thật, nhưng sẽ còn tồi tệ hơn, nếu tôi nói dối. Tốt nhất chỉ còn cách câm miệng.

Thứ bảy sao mà lâu đến thế. Tôi kiếm chuyện làm suốt cho thời gian qua mau, nhưng tôi vẫn không ngừng nghĩ tới Gánh Xiếc Quái Dị. Tôi bồn chồn, gắt gỏng cả ngày thứ bảy, vì thế má tôi đã mừng rỡ khi tới giờ tôi đến nhà Steve.

Annie biết tôi đi đâu, nó dặn tôi đem về cho nó một tấm hình, nhưng tôi cho nó biết, họ đã ghi rõ ràng trên vé: cấm chụp hình. Tôi lại không đủ tiền để mua cho nó một áo thun lưu niệm. Tuy nhiên, tôi hứa, nếu có thể, tôi sẽ đem về cho nó một huy hiệu hay một tấm poster, nhưng nó phải hứa không cho ba má biết, còn nếu ông bà biết, cũng không được nói ai cho.

Ba bỏ tôi xuống cửa nhà Steve lúc 6 giờ. Ông hỏi, tôi muốn ông đón vào mấy giờ sáng mai. Tôi bảo ông đón tôi vào buổi trưa cũng được.

Trước khi lái xe đi ba còn dặn:

- Đừng thức khuya xem phim kinh dị. Ba không muốn con về nhà, đêm ngủ cứ hét toáng lên vì ác mộng đâu.

- Ồ, ba. Các bạn lớp con đều xem phim kinh dị, có sao đâu.

- Nghe này, những phim cũ của Vincent Price hay những phim Ma-cà-rồng ít khiếp đảm hơn thì ba không cấm. Nhưng không được xem những phim quá rùng rợn bây giờ. Con hứa chứ?

- Con hứa.

- Thế mới là chàng trai đàng hoàng chứ. Ba đi đây.

Tôi chạy vội lại cửa bấm bốn hồi chuông. Đó là tín hiệu bí mật của Steve. Chắc nó đứng ngay bên trong, nên vừa nghe tín hiệu, nó mở ngay cửa, kéo tôi vào. Nó chỉ lên cầu thang, nghiêm trang nói như một chiến sĩ trong phim:

- Tới giờ xuất kích. Thấy ngọn đồi trước mặt không?

Tôi đứng nghiêm trả lời:

- Rõ, thưa thủ trưởng.

- Chúng ta phải chiếm được mục tiêu trước khi trời tối.

- Chúng ta sử dụng súng trường hay súng máy, thưa thủ trưởng?

- Điên à? Chúng ta không bao giờ vác theo súng máy trong vùng bùn lầy như thế này.

Nó hất đầu về tấm thảm lót sàn. Tôi đồng ý ngay:

- Rõ. Súng trường là đúng nhất.

- Và, nếu chúng ta thất bại, hãy để dành viên đạn cuối cùng cho cậu.

Chúng tôi thận trọng lò mò lên thang, “pằng pằng” bằng súng tưởng tượng và tiêu diệt những kẻ thù tưởng tượng. Trò trẻ, nhưng sướng tuyệt. Trên đường tiến quân, Steve bị mất một chân, tôi phải giúp nó leo tới “đỉnh đồi”. Nó cúi xuống cầu thang phía dưới, gào lên: “Các người có thể lấy chân ta, rất có thể sẽ lấy được mạng ta, nhưng không bao giờ chiếm được tổ quốc ta.”

Một tuyên ngôn thật hào hùng, kích động. Ít nhất cũng kích động được bà Leonard, má của nó. Bà hốt hoảng chạy ra khỏi phòng khách, xem chuyện gì mà khiếp thế. Thấy tôi, bà mỉm cười hỏi tôi có muốn uống gì không. Tôi cám ơn, không uống gì. Thằng Steve bảo nó cần trứng cá ca-vi-a và rượu sâm-banh mừng chiến thắng. Nhưng kiểu cách ăn nói của nó không làm tôi cười nổi.

Steve không hợp với mẹ. Bố nó bỏ đi từ ngày nó còn nhỏ xíu. Chỉ có hai mẹ con sống cùng nhau, và luôn luôn cãi nhau rầm rầm. Tôi không hiểu lý do và tôi cũng không bao giờ hỏi Steve. Có những chuyện con trai không nên bàn tán, tâm sự với nhau. Bọn con gái tỉ tê “buôn dưa” mấy vụ này tài lắm. Bạn biết rồi đó. Còn con trai chỉ có thể bàn cãi ì xèo về máy tính, bóng đá, đánh nhau thôi.

Khi mẹ của Steve trở lại phòng khách, tôi thì thầm hỏi Steve:

- Tối nay chúng mình chuồn ra cách nào đây?

- Yên tâm. Tối nay bà ấy ra ngoài. Lúc trở về bà ấy tưởng chúng mình đi ngủ rồi.

Nó thường gọi mẹ là “bà ấy” thay vì “má mình”. Tôi hỏi:

- Lỡ má cậu kiểm tra thì sao?

Nó cười, một nụ cười rất… độc ác:

- Tự tiện vào phòng tớ mà không thông báo trước à? Không dám đâu.

Tôi không ưa lối nói như thế của nó. Nhưng tôi cũng không muốn làm nó nổi “cơn điên”. Tôi không muốn bất kỳ thứ gì làm hỏng buổi đi xem tối nay.

Steve lôi ra cả đống truyện tranh, những truyện chỉ dành cho người lớn. Ba má tôi sẽ la đến vỡ nhà nếu ông bà thấy tôi đọc loại truyện này.

Nó còn có nhiều chồng sách, báo cũ. Toàn sách báo về ma, quái vật, ma-cà-rồng, ma sói…

Đọc xong một cuốn về ma-cà-rồng, tôi hỏi:

- Gậy dùng để đâm ma-cà-rồng phải làm bằng gỗ hả?

- Không. Có thể bằng sắt, ngà voi, kể cả bằng nhựa, điều quan trọng là phải đâm xuyên qua tim nó.

- Như thế là đủ giết được ma-cà-rồng?

- Chính xác.

- Nhưng cậu bảo người ta phải cắt đầu nó, ngâm trong tỏi, rồi ném xuống sông cơ mà.

- Có sách nói vậy, nhưng đó là cách để tiêu diệt cả hồn và xác nó, để nó không thể làm ma hiện lên được nữa.

- Có đúng là ma-cà-rồng lại hiện hồn lên được nữa không?

- Chắc là không. Nhưng để biết rõ hơn, cậu phải có thời gian và có dịp được cắt một cái đầu của chúng. Cậu không muốn được gặp ma-cà-rồng, phải không?

Tôi rùng mình:

- Ồ, không. Thế còn ma sói? Người ta cần đạn bằng bạc để giết chúng không?

- Mình không nghĩ thế, cứ nã cả đống đạn thường cũng đủ quá rồi.

Steve biết tất cả những gì cần biết về chuyện rùng rợn. Nó đọc tất cả các loại sách kinh dị. Nó bảo mỗi truyện dù đa số là bịa đặt, nhưng ít nhất vẫn có một phần sự thật. Tôi hỏi:

- Cậu có nghĩ, Người-sói trong gánh xiếc này là… ma sói không?

- Không đâu. Theo những gì mình đã đọc, Người-sói trong rạp xiếc chỉ là người có đầy lông. Cũng có một số họ giống thú hơn người, ăn gà và đồ ăn sống, nhưng họ không phải là ma sói. Đưa ma sói ra trình diễn nguy hiểm lắm, vì nếu gặp ngày trăng tròn, chúng hóa thành sói ngay.

- Khiếp nhỉ. Thế còn cậu bé rắn?

Steve phì cười:

- Này, hỏi gì mà tới tấp vậy. Ngày xưa, những màn trình diễn như thế này rùng rợn lắm. Chủ gánh xiếc bỏ đói những quái nhân, nhốt họ trong chuồng có khóa, đối xử với họ còn tệ hại hơn loài vật. Nhưng mình không biết gánh xiếc này như thế nào. Có thể là những quái nhân thật, cũng có thể chỉ là những người bình thường ngụy trang thôi.

Buổi trình diễn được tổ chức tại gần khu ngoại ô. Để kịp giờ, chúng tôi phải đi ngay sau lúc 9 giờ. Một phần vì không đủ tiền đi taxi, một phần chúng tôi muốn đi bộ để có thời gian nói toàn chuyện ma cho đã. Thường thường, vì đọc quá nhiều, Steve lẫn lộn tên nhân vật này với nhân vật khác, đoạn kết lại cho lên đầu. Nhưng tối nay thì không, nó kể trơn tru hấp dẫn, còn siêu hơn ông vua truyện kinh dị Stephen King.

Suýt bị lỡ giờ, vì đường xa hơn chúng tôi tưởng. Gần nửa cây số cuối, hai đứa co giò chạy, thở hồng hộc khi tới nơi.

Đó là một rạp hát cũ kỹ, đã có thời thường được dùng để chiếu phim. Trước kia, tôi đã qua đây vài lần. Steve đã từng cho tôi biết, rạp phải đóng cửa vì có một đứa trẻ bị chết trong tai nạn ngã từ ban công xuống. Nó còn bảo cái rạp này bị ma ám. Hỏi ba tôi, ông bảo: “Toàn chuyện bố láo, nhảm nhí.” Khó thật, đôi khi chẳng biết tin ông già mình hay nên tin thằng bạn thân nhất nữa.

Không bảng tên ngoài cửa rạp, không xe cộ và chẳng có ai xếp hàng mua vé. Sau khi khom người thở dốc, chúng tôi đứng nhìn ngôi nhà đá xám cao lớn, tối tăm. Nhiều cửa sổ đã rụng rời, còn cửa ra vào trông cứ như một cái mồm khổng lồ há toang hoác.

Tôi ráng tỏ ra không hề sợ hãi, hỏi Steve:

- Ê, mày tin chắc không lầm chỗ chứ?

Nó đọc kỹ lại cái vé:

- Đúng chỗ này mà.

- Hay cảnh sát đã khám phá ra, hoặc tối nay không diễn?

- Có thể.

- Chúng mình phải làm gì bây giờ?

Nó cũng bối rối nhìn lại tôi trước khi trả lời:

- Tao nghĩ chúng mình cứ vào thử, chẳng lẽ đi xa thế mà không biết chắc chuyện gì xảy ra à?

- Đồng ý.

Tuy nói vậy, nhưng tôi nhìn ngôi nhà thấy khiếp quá, giống như một ngôi nhà ma trong những phim kinh dị, ai vào là không thể nào ra được nữa. Tôi ngập ngừng hỏi Steve:

- Sợ không?

- Cóc sợ.

Hai đứa ngó nhau cười. Biết tỏng là cả hai đều sợ vãi linh hồn, nhưng dù sao chúng tôi có hai đứa cơ mà. Người ta không đến nỗi quá sợ hãi khi không phải ở một mình. Bạn đồng ý chứ?

Steve cố nói đùa:

- Mời vào.

- Xin mời.

Chúng tôi cùng hít mạnh một hơi dài, nắm chặt tay nhau, tiến lên những bực thềm (có chín bực thềm đá long lở dẫn lên cửa, bực nào cũng phủ đầy rêu). Chúng tôi bước vào rạp.

CHƯƠNG TÁM

Chúng tôi thấy mình đang đứng trong một hành lang dài, tối tăm, lạnh lẽo. Tôi đã mặc áo jacket mà vẫn thấy lạnh run người. Tôi hỏi Steve:

- Sao ở ngoài ấm, trong này lạnh khiếp vậy?

- Mấy ngôi nhà cũ đều thế cả.

Tôi mừng vì cuối hành lang có một ngọn đèn, càng vào sâu, lối đi càng sáng dần. Nếu hành lang này tối om, chắc tôi sợ đến không bước nổi.

Vách tường, trần nhà loang lổ, lỗ chỗ. Giữa trưa vào nơi này cũng phải dựng tóc gáy, huống gì bây giờ đã là mười giờ đêm.

Steve đứng lại, nói:

- Có một cái cửa này.

Nó mới mở hé, cánh cửa đã rên lên ầm ầm như tiếng nắp quan tài bị nạy ra. Tôi suýt ù té chạy.

Nhưng thằng Steve chẳng hề sợ hãi gì, nó thò đầu vào trong. Sau vài giây quen với bóng tối, nó quay lại bảo:

- Có một cầu thang lên ban công.

- Chỗ thằng nhỏ ngã xuống hả?

- Ừa.

- Mình lên không?

- Thôi. Trên đó tối thui, chẳng thấy có đèn đóm gì. Thử tìm xem còn lối vào nào nữa không…

- Các em cần giúp gì không?

Tiếng nói ngay phía sau, làm hai chúng tôi giật nẩy mình quay ngoắt lại. Người đàn ông cao nhất thế giới đứng nhìn xuống như chúng tôi là hai con chuột nhắt. Ông ta cao gần đụng trần nhà, hai bàn tay xương xẩu to đùng và hai mắt đen thui như hai cục than được gắn trên mặt. Miệng ông không hề mấp máy, tiếng nói ồ ề, khản đặc vẫn phát ra. Chắc chắn ông ta có biệt tài phát âm bằng bụng.

- Đêm hôm khuya khoắt rồi mà trẻ con vẫn lang thang thế này sao?

Steve vừa liếm môi vừa ngập ngừng nói:

- Chúng cháu đi… đi xem xiếc kinh dị.

- Hả? Các em có vé không?

Steve đưa ra cái vé. Ông ta lẩm bẩm:

- Tốt lắm. Còn em, Darren, em cũng có vé chứ?

Tôi thọc tay vào túi, bỗng sững sờ: Trời đất! Ông ta biết tên mình!

Tôi liếc qua Steve, hai chân cậu ta run bần bật.

Ông ta mỉm cười. Hàm răng đen, cái còn cái mất. Lưỡi vàng khè.

- Ta tên là ông Cao. Ta là chủ nhân gánh xiếc quái dị này.

Steve hỏi:

- Tại sao ông biết tên bạn cháu?

Ông Cao cười sằng sặc, khom mình, mắt sát mắt Steve:

- Ta còn biết nhiều hơn thế. Ta biết cả tên em. Ta biết em ở đâu. Ta biết em không thích cha mẹ.

Ông ta lùi lại một bước, quay sang tôi. Hơi thở của ông ta bốc mùi hôi tới tận trời.

- Ta biết em không nói cho cha mẹ biết là em tới đây. Ta biết em đã thắng để có vé bằng cách nào.

- Cách nào?

Không biết có phải vì răng tôi va vào nhau lộp cộp, làm ông ta không nghe được câu hỏi, hay vì không muốn trả lời, ông ta quay lưng lại, vừa bước đi vừa nói:

- Lẹ lên mới kịp. Buổi diễn sắp bắt đầu rồi.

Ông ta không sải bước dài như tôi tưởng. Nhưng ông ta vừa rẽ khuất vào cuối hành lang trước chúng tôi vài bước, khi rẽ theo ông, chúng tôi đã thấy ông ta ngồi sau một cái bàn dài phủ vải đen, đầu đội một cái mũ đỏ và tay đeo găng đàng hoàng. Một tay đưa ra, ông nói:

- Vui lòng cho soát vé.

Cầm hai cái vé ông ta bỏ tõm vào mồm, nhóp nhép nhai rồi… nuốt.

- Tốt rồi. Bây giờ hai em có thể vào đi. Đúng qui định, chúng tôi không tiếp đón trẻ em, nhưng thấy hai cậu đàng hoàng, rõ là hai chàng trẻ tuổi dũng cảm. Nên… coi như đây là một ngoại lệ.

Cuối sảnh có một tấm màn xanh che ngang lối đi. Chúng tôi ngập ngừng ngó nhau. Steve hỏi:

- Chúng cháu đi thẳng qua màn ạ?

- Tất nhiên.

- Có người dẫn lối không?

Ông ta cười lớn:

- Nếu cần phải có người nắm tay đưa vào, sao không đi cùng bà vú?

Tôi giận đến quên sợ, đi thẳng lại vén tấm màn, làm thằng Steve cũng phải ngạc nhiên.

Tôi không biết tấm màn làm bằng gì, nhưng nó nghe hẫng như tơ nhện. Tôi đứng trong một hành lang ngắn, trước mặt tôi vài thước còn có một tấm màn xanh nữa. Steve tiến đến bên tôi. Chúng tôi nghe tiếng ồn ào phía sau bức màn.

- Mày thấy có an toàn không?

- Tao thấy tiến tới coi bộ còn an toàn hơn là rút lui. Lão Cao chắc sẽ không thú vị gì nếu chúng mình quay lại.

- Mày thấy chuyện ông ta biết tất cả về chúng mình là sao?

- Chắc lão biết xem bói.

- Ông ta làm tao chết khiếp được.

- Tao thì hơn gì mày.

Chúng tôi tiến bước.

Đó là một căn phòng rộng. Ghế dựa đã dẹp bỏ từ lâu. Nhưng những băng ghế dài đã được kê thay ghế. Chúng tôi dáo dác tìm ghế trống. Cả khán phòng gần như chật cứng. Nhưng chỉ hai chúng tôi là trẻ con. Mọi người lom lom nhìn hai đứa và tiếng rì rầm bàn tán nổi lên.

Len lỏi đến hai ghế trống, qua những đôi chân và tiếng càu nhàu. Đó là một chỗ ngồi rất tốt: ngay chính giữa và không có ai quá cao ngồi phía trước. Chúng tôi nhìn lên sân khấu rất rõ. Tôi hỏi Steve:

- Ở đây có bán bắp rang không nhỉ?

- Vớ vẩn. Cậu muốn mua bắp rang trong rạp xiếc quái dị à? May ra có bán trứng rắn, mắt thằn lằn. Tớ cá là không có bắp rang đâu.

Khán giả quanh tôi đủ mọi thành phần: từ y phục rất hợp thời trang, tới quần áo lao động. Từ già khú khụ tới những người chỉ hơn tôi và Steve mấy tuổi. Có những người cười nói oang oang với bạn bè như đang xem bóng đá. Nhưng lại có những người ngồi im thin thít, lo ngại nhìn quanh.

Tuy nhiên có một điều rất giống nhau, tất cả đều tỏ vẻ tò mò háo hức, chờ đợi những gì đặc biệt, chưa từng được thấy bao giờ.

Giữa lúc đó, một hồi kèn rộn rã vang lên. Mọi người đều im bặt. Tiếng kèn kéo dài, mỗi lúc một lớn hơn. Các ngọn đèn lần lượt tắt. Chung quanh tôi tối om om. Tôi bắt đầu thấy sợ, nhưng đã quá muộn để tháo lui.

Thình lình tiếng kèn tắt lịm. Im lặng như tờ. Tai tôi ù ù mất mấy giây, làm tôi chóng mặt. Cố bình tĩnh, tôi ngồi thẳng lại.

Một ngọn đèn xanh tỏa sáng trên sân khấu. Mấy giây kỳ quái trôi qua, vì sân khấu hoàn toàn im ắng, không có gì xảy ra. Rồi hai người đàn ông xuất hiện, kéo theo một cái lồng có bánh xe và được phủ kín bằng một thứ, trông giống như một tấm thảm bằng da gấu. Ra tới giữa sân khấu, hai người đàn ông ngừng lại, buông sợi dây kéo, rồi chạy vào sau cánh gà.

Mấy giây sau, tiếng kèn rúc lên ba hồi ngắn. Tấm thảm bay bổng khỏi cái lồng, để lộ ra quái nhân đầu tiên.

Ngay lúc đó tiếng la thét bắt đầu vang lên.

CHƯƠNG CHÍN

Thật ra không cần thiết phải hốt hoảng la thét đến vậy. Quái nhân thật sự gây sốc, nhưng bị xiềng xích trong lồng. Tôi nghĩ mọi người la lên vì phấn khích, giống như người ta la hét khi ngồi trên đu quay, chứ không thật sự vì sợ hãi.

Đó là Người-sói. Hắn xấu xí quá, toàn thân đầy lông lá, chỉ che phần giữa thân mình bằng một mảnh vải, như Tarzan, để mọi người có thể thấy lông phủ khắp người. Bộ râu dài bù rối che gần hết mặt. Mắt màu vàng, răng đỏ lòm.

Người-sói nắm song lồng vừa lắc vừa gào thét. Khi hắn dịu lại và ngồi chồm hỗm như một con chó, ông Cao tiến ra nói. Mặc dù giọng ông ta khàn khàn, ồ ề, nhưng tất cả mọi người đều nghe rõ từng lời.

- Thưa quý ông quý bà, chúng tôi hân hạnh chào mừng quý vị đã đến với Gánh Xiếc Quái Dị, mái ấm của những con người kỳ lạ nhất thế giới. Đây là gánh xiếc cổ xưa nhất. Chúng tôi đã lưu diễn từ 500 năm nay, đem cảm giác thích thú kỳ lạ cho nhiều thế hệ. Đội ngũ diễn viên đã từng đổi thay nhiều lần, nhưng tôn chỉ của chúng tôi không hề thay đổi. Mục đích của chúng tôi là gây kinh ngạc và khiếp đảm cho khán giả. Chúng tôi luôn trình diễn những màn vừa hãi hùng vừa quái dị, những màn diễn quý vị sẽ không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên toàn thế giới.

Ông ta chậm rãi cảnh báo:

- Những ai nhút nhát vẫn còn kịp ra khỏi rạp lúc này. Tôi biết có những người đêm nay tới đây, đã nghĩ rằng, buổi trình diễn này chỉ là một trò đùa. Họ có thể tưởng tượng những quái nhân của chúng tôi là những người được ngụy trang hoặc là những người dị dạng vô hại. Không đúng vậy đâu. Tất cả những màn trình diễn đêm nay đều là thật. Mỗi diễn viên là một sự độc nhất vô nhị. Và… không có diễn viên nào vô hại.

Nói xong ông ta rời sân khấu. Hai người đàn bà xinh đẹp, trong bộ đồ bóng lộn, tiến ra mở khóa lồng Người-sói. Một số khán giả hoảng hốt, nhưng không ai bỏ khán phòng.

Ra khỏi lồng, Người-sói vừa tru vừa sủa lớn, cho đến khi một trong hai người đàn bà đưa ngón tay lên thôi miên hắn. Người kia nói với đám đông:

- Quý vị phải giữ hoàn toàn im lặng. Người-sói sẽ không làm hại quý vị, chừng nào chúng tôi còn kiểm soát được nó. Nhưng một âm thanh lớn sẽ làm nó tỉnh lại, lúc đó quý vị sẽ bị nguy hiểm.

Sau đó, hai người cùng Người-sói đã bị thôi miên bước xuống hàng ghế khán giả. Tóc hắn màu xám bẩn và hắn đi lòm khòm, những ngón tay thõng xuống tận đầu gối.

Hai người đàn bà đi sát hai bên quái nhân và luôn cảnh giác mọi người giữ yên lặng. Họ cho phép khán giả, nếu muốn, có thể vuốt ve hắn, nhưng phải hết sức nhẹ nhàng. Khi quái nhân đi qua, Steve đưa tay vuốt. Tôi không dám, vì sợ bị cắn, nếu hắn bất ngờ tỉnh lại. Tôi thì thầm hỏi:

- Cảm giác ra sao, Steve?

Nó đưa ngón tay lên hít, thì thầm lại:

- Lông nó nhọn như lông nhím. Mùi kỳ lắm, như mùi cao su cháy.

Người-sói và hai người đàn bà đi gần tới hàng ghế giữa rạp, thình lình, RẦM, một tiếng động lớn. Tôi không biết nguyên nhân tiếng động từ đâu. Nhưng Người-sói bắt đầu gầm rú, xô đẩy hai người đàn bà khỏi hắn.

Khán giả kêu gào, những người ngồi gần Người-sói, nhảy khỏi ghế để chạy. Một bà chạy không kịp, bị quái nhân vật ngã xuống sàn. Bà ta gào khóc, nhưng không ai ra tay tiếp giúp. Quái nhân lật ngửa người đàn bà, nhe hàm răng nhọn hoắt. Bà ta đưa tay lên, đẩy hắn ra. Người-sói ngoặm một miếng, bàn tay bà ta bị đứt rời.

Mấy người chết ngất, những người khác gào khóc chen lấn nhau mà chạy. Rồi, không biết từ đâu, ông Cao xuất hiện ngay phía sau Người-sói và ôm chặt lấy hắn. Người-sói chống cự lại. Nhưng ông Cao thì thầm mấy câu vào tai hắn, làm hắn dịu lại. Trong khi ông Cao dắt Người-sói trở lên sân khấu, hai người đàn bà của gánh xiếc trấn anh và kêu gọi khán giả trở lại chỗ ngồi.

Khán giả còn đang phân vân, người đàn bà bị cắn đứt bàn tay tiếp tục khóc la. Máu ròng ròng nhỏ ra từ cổ tay cụt. Tôi và Steve há hốc miệng, vừa nhìn trừng trừng vừa tự hỏi, liệu bà ta có chết không.

Ông Cao từ trên sân khấu xuống, nhặt bàn tay của người đàn bà lên và huýt lớn một tiếng. Hai người mặc áo xanh, mũ vải trùm kín đầu mặt, chạy tới. Họ bé tí xíu, nhỏ hơn tôi và Steve nhiều, nhưng tay chân rất lực lưỡng. Ông Cao dựng người đàn bà ngồi dậy, thì thầm mấy câu với bà ta. Bà nín khóc, ngồi im lặng.

Ông Cao cầm cổ tay bà, rồi lấy từ trong túi ra một túi da nhỏ, màu nâu. Ông mở túi, rắc một thứ bột màu hồng lên cổ tay bị thương. Ông gắn bàn tay bị rụng vào cổ tay rướm máu, rồi gật đầu với hai người trùm đầu, mặc đồ xanh. Họ lấy ra hai cây kim và một đống dây màu cam. Và rồi, trước sự kinh ngạc của mọi người, họ bắt đầu khâu bàn tay vào cổ tay.

Suốt thời gian năm, sáu phút, những mũi kim liên tục lùa qua thịt, người đàn bà không hề tỏ ra đau đớn. Khâu xong, hai người đó thu dọn kim và chỉ thừa, rồi rút lui. Với những chiếc mũ trùm đầu không một lần được vén lên, thật tình tôi không biết họ là nam hay nữ.

Ông Cao buông bàn tay bà khán giả, lùi lại một bước và nói:

- Bà cử động bàn tay đi.

Bà ta nhìn ông trừng trừng. Ông thúc giục:

- Cử động mấy ngón tay đi.

Lần này bà ta nhúc nhích thử mấy ngón tay.

Các ngón tay của bà hoạt động!

Mọi người gần như nín thở. Người đàn bà nhìn lom lom mấy ngón tay, không tin đó là sự thật. Bà lại cử động mấy ngón thêm lần nữa, rồi đứng dậy, đưa cao bàn tay khỏi đầu. Bà ta lắc bàn tay thật mạnh. Người ta có thể nhìn thấy đường chỉ khâu, nhưng máu không còn chảy nữa và những ngón tay hoạt động bình thường.

Ông Cao bảo:

- Không sao đâu, chỉ sau vài ngày đường chỉ khâu sẽ nhạt dần, không còn nhìn thấy nữa. Tốt rồi đó.

- Có lẽ không tốt lắm đâu.

Một người đàn ông to béo, mặt đỏ lừ, tiến lại nói lớn:

- Tôi là chồng bà ấy. Tôi nói rằng chúng ta phải đến bác sĩ và sau đó là đến cảnh sát. Ông không thể để một con thú hoang dã như thế thoải mái trà trộn vào giữa đám đông. Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu nó cắn đứt đầu bà ấy hả?

- Thì bà ấy sẽ chết.

Nghe ông Cao bình tĩnh nói, người đàn ông to béo lồng lộn định lên tiếng, ông Cao ngăn lại:

- Khoan đã. Xin ông cho tôi biết, khi Người-sói tấn công thì ông ở đâu?

- Tôi?

- Phải, ông. Ông là chồng bà ta. Khi bà ta bị tấn công, ông ngồi ngay bên cạnh, tại sao ông không nhảy lên cứu vợ?

- À, ừ… tôi… không kịp… tôi không thể…

Dù nói gì ông chồng đó cũng không bào chữa được cho mình, vì lúc đó ông ta đã bỏ chạy, chỉ lo bảo vệ tấm thân.

Ông Cao lại nói:

- Ông nghe đây, tôi đã có lời cảnh báo rất rõ ràng. Tôi đã nói, buổi trình diễn này có thể xảy ra nguy hiểm. Đây không phải một gánh xiếc an toàn, không có sự cố xảy ra. Rất có thể xảy ra những sai lầm, gây nên những hiểm họa còn thảm hại hơn chuyện của vợ ông. Đó là lý do chúng tôi phải trình diễn tại một rạp hát cũ kỹ vào lúc nửa đêm. Hầu hết những buối diễn đều tốt đẹp, không ai bị thương. Nhưng chúng tôi không thể bảo đảm cho sự an toàn tuyệt đối.

Nói xong, ông ta quay một vòng nhìn thẳng mắt mọi người, nói lớn:

- Chúng tôi không thể bảo đảm an toàn cho bất cứ ai. Một tai nạn tương tự rất có thể xảy ra. Một lần nữa, tôi nói lại, nếu quý vị sợ. Hãy ra về. Ra khỏi đây ngay, trước khi quá muộn.

Một vài người bỏ về, nhưng đa số ở lại, kể cả người đàn bà suýt mất bàn tay.

Tôi hỏi Steve, hy vọng nó đồng ý, vì tôi thích thật nhưng cũng sợ… thật:

- Chúng mình về nhé?

- Điên à. Quá tuyệt vời mà bỏ về sao được. Cậu muốn về hả?

- Đời nào.

Tôi nói cứng và cố nở nụ cười đầy… can đảm.

Phải chi tôi không sợ mang tiếng hèn nhát, phải chi tôi ra về, thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp biết bao. Nhưng không, trời ạ, tôi lại muốn tỏ ra là một người đã lớn, ngồi ì tại đó xem cho tới màn cuối cùng. Phải chi bạn biết đã bao lần tôi định bỏ chạy thật nhanh ra khỏi nơi đó và không bao giờ nhìn lại…

CHƯƠNG MƯỜI

Ngay sau khi ông Cao rời sân khấu và khán giả ổn định lại chỗ ngồi, quái thú thứ hai, Alexander Xương-sườn, xuất hiện. Ông ta giống một diễn viên hài hơn là một quái nhân có thể làm người ta sợ. Thật ra, khán giả cũng đang rất cần điều này, để tinh thần bớt căng thẳng vì màn khai mạc quá hãi hùng. Vô tình quay lại nhìn phía sau, tôi thấy hai người trùm mũ vải xanh đang quỳ lau máu trên sàn rạp.

Chưa bao giờ tôi thấy một người gầy nhom gầy nhắt như Alexander Xương-sườn. Ông ta đúng là một bộ xương biết đi, dường như không có một chút xíu thịt nào. Nếu không nhờ cái cười rộng ngoác đầy thân thiện, trông ông ta cũng dễ sợ lắm.

Alexander Xương-sườn nhảy quanh sân khấu theo một điệu nhạc vui. Thân hình toàn xương với xẩu như thế mà lại tròng vào bộ đồ của người múa ba-lê, trông “quái” không chịu nổi, làm khán giả không thể nhịn cười. Sau màn múa, ông ta tuyên bố tiếp theo sẽ là tiết mục chính, đúng sở trường, vì ông ta vốn là một diễn viên uốn dẻo.

Trước hết ông ta bật hẳn đầu ra sau, trông như cái đầu bị cắt chỉ còn dính chút da gáy. Quay mình lại, ông ta để khán giả chỉ nhìn thấy khuôn mặt lộn ngược trên lưng, rồi ngả người cho tới khi cái đầu chạm sàn sân khấu. Sau đó, hai tay luồn dưới chân, ông ta kéo cái đầu ra trước, bây giờ cái đầu như mọc ra từ bụng.

Khán giả vỗ tay rần rần. Alexander Xương-sườn bèn đứng thẳng dậy, bắt đầu uốn éo thân mình, như một cọng rơm uốn mình trong gió. Thân thể ông ta quay vù vù từ phải qua trái, rồi lại từ trái sang phải. Xương cốt của ông ta bật kêu răng rắc.

Tiếp theo, ông ta cầm lên hai dùi trống. Gõ một chiếc dùi lên xương sườn, trong khi miệng há, phát ra một âm điệu như tiếng dương cầm. Gõ dùi lên sườn bên kia, lần này âm thanh phát ra lớn hơn, cao hơn.

Rồi ông ta bắt đầu hát, bài Cầu Luân Đôn Đang Sụp Đổ, mấy bài của Beatles và những âm điệu của một số chương trình TV đang nổi tiếng.

Khi ông rời sân khấu, khán giả la thét đòi ông ta trở lại. Nhưng không một quái nhân nào trình diễn hai lần.

Sau đó là phần trình diễn của Rhamus Hai-bụng. Alexander gầy bao nhiêu thì Rhamus béo bấy nhiêu. Ông ta đồ sộ tới mức, mỗi bước đi làm ván sàn diễn rên lên kẽo kẹt.

Tiến gần sát mí sân khấu, ông Hai-bụng giả bộ suýt ngã nhào xuống, làm những khán giả trên mấy hàng ghế đầu khiếp đảm rú lên. Nếu thân hình hộ pháp đó lăn đùng xuống thật, không ít vị khán giả sẽ bẹp dí như… con tép.

Trái với thân hình “bé bự”, giọng ông nhỏ nhẹ dễ thương:

- Xin chào. Tên tôi là Rhamus Hai-bụng. Vì tôi thật sự có hai cái bụng từ lúc được sinh ra. Các bác sĩ đã sững sờ và tuyên bố tôi là một… quái nhân. Đó là lý do vì sao tôi gia nhập gánh xiếc và có mặt tại đây đêm nay.

Hai người đàn bã đã thôi miên Người-sói tiến ra cùng hai xe đẩy chất đầy đồ ăn: bánh ngọt, bánh nhân thịt, kẹo, cái bắp…

Rhamus chóp chép miệng, chỉ cái đồng hồ vừa được thả xuống, lửng lơ giữa sân khấu, bằng một sợi dây.

- Quý vị thử đoán xem, phải cần bao nhiêu thời gian để tôi ăn hết hai xe đồ ăn này. Một phần thưởng sẽ dành cho khán giả nào dự đoán gần đúng nhất.

Từ đám đông la lên những lời đoán:

- Một giờ.

- Bốn mươi lăm phút.

- Hai giờ, mười phút, ba mươi ba giây.

Tôi đoán một giờ ba phút, còn Steve bảo hai mươi chín phút. Một người đưa ra con số thấp nhất là mười bảy phút.

Khi tất cả khán giả đã đưa ra lời đoán xong, đồng hồ khởi động và Rhamus bắt đầu ăn. Ông ta ăn vèo vèo như gió. Hai bàn tay làm việc liên tục. Dường như miệng ông ta không hề khép lại. Ông ta tống đồ ăn vào miệng và nuốt.

Tất cả khán giả bàng hoàng kinh ngạc. Nhìn ông ta ăn mà tôi gần như phát bệnh. Một số người quanh tôi thì lên cơn bệnh thật sự.

Sau cùng, Rhamus thanh toán đến cái bánh cuối cùng và đồng hồ ngừng lại.

Bốn phút năm mươi sáu giây! Không cần tới 5 phút để “tém gọn” lượng đồ ăn khổng lồ như thế!

Rhamus hoan hỉ nói:

- Ngon lắm. Nhưng tôi còn có thể dùng chút món tráng miệng nữa.

Tiếng vỗ tay, tiếng cười vang khắp rạp. Hai người đàn bà lại đẩy ra một xe lỉnh kỉnh tượng thủy tinh, muỗng, nĩa, bình kim loại. Rhamus nói:

- Trước khi bắt đầu, tôi xin cảnh giác quý vị đừng thử làm trò này tại nhà. Vì tôi có thể ăn những thứ có thể làm người bình thường chết nghẹn. Đừng bắt chước tôi, bắt chước tôi các bạn sẽ bị chết đấy.

Đầu tiên ông ta xơi món bù loong, đinh ốc. Sau khi làm sạch mấy vốc đầy, Rhamus lắc mạnh cái bụng căng tròn và chúng tôi nghe rõ tiếng kim loại va vào nhau, lẻng kẻng trong bụng ông ta.

Nếu chỉ là một vài con ốc, cái đinh, tôi sẽ nghĩ là ông ta giấu dưới lưỡi hay hai bên má. Nhưng đằng này, cả một đống bù loong, con tán làm sao giấu được trong mồm.

Sau đó ông ta bắt đầu xơi món tượng thủy tinh. Rhamus nhai rào rạo thủy tinh rồi chiêu với nước! Món tiếp theo là muỗng nĩa. Dùng tay bẻ tròn những vật bằng kim loại này, rồi ông ta bỏ lọt thỏm vào miệng mà nuốt. Vì, ông ta bảo, răng không đủ mạnh để nhai kim loại. Khiếp chưa!

Hít mạnh một hơi, cái bụng ông ta phồng to, rung lên bần bật. Tôi không hiểu đang xảy ra chuyện gì, rồi ông Hai-bụng thở phì một tiếng, tôi thấy đầu một sợi dây ló ra từ miệng ông ta.

Sợi dây từ từ ra khỏi miệng, kéo theo muống nĩa cuốn quanh. Rhamus đã thắt nút sợi dây vào những vật đó từ… trong bụng! Thật không thể nào tin nổi!

Khi Rhamus rời sân khấu, tôi tưởng không còn mành trình diễn nào sau đó có thể hấp dẫn hơn.

Nhưng tôi đã lầm.

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

Sau màn trình diễn của Rhamus Hai-bụng, một đội mặc bộ đồ xanh, mũ vải trùm kín đầu đi quanh khán giả bán đồ lưu niệm. Có nhiều món rất tuyệt, như bù loong, đinh ốc bằng sô-cô-la. Búp bê Alexander Xương sườn bằng cao su, có thể uốn cong hay kéo ra dài nhằng. Tôi mua một nhúm lông của Người-sói, cứng và sắc như dao.

Từ trên sân khấu, ông Cao lên tiếng:

- Quý vị đừng vội tiêu hết tiền, vì sẽ còn nhiều món quà đầy hấp dẫn khác nữa.

- Tượng thủy tinh giá bao nhiêu?

Steve hỏi người bán hàng. Đó là bức tượng giống bức tượng ông Hai-bụng đã ăn. Người bán hàng trong cái mũ vải trùm kín đầu lẳng lặng đưa ra bảng giá. Nhưng Steve bảo:

- Tôi không biết đọc.

Tôi nhìn nó lom lom, không hiểu vì sao nó nói láo. Người bán hàng vẫn chỉ im lặng lắc đầu, rồi vội bước đi trước khi Steve hỏi tiếp. Tôi hỏi nó:

- Cậu làm trò gì vậy?

- Tớ muốn nghe nó nói, để xem nó có phải là người không.

- Chẳng là người thì là gì. Hâm!

- Không biết tao mới hỏi. Mày không lấy làm lạ, mặt mũi tụi nó che kín mít sao?

- Biết đâu vì người ta mắc cỡ.

- Có thể.

Sau khi những người bán hàng lưu niệm rút lui, tới màn trình diễn của người đàn bà có râu. Thoạt tiên, tôi tưởng chỉ là một trò khôi hài. Vì đó là một cô gái hoàn toàn… không có râu.

Ông Cao đứng sau cô gái, lên tiếng:

- Thưa quý vị, đây là một màn trình diễn rất đặc biệt. Cô Truska đây là một thành viên mới trong gia đình chúng tôi. Một diễn viên ấn tượng nhất mà tôi chưa từng gặp, với một tài năng vô cùng độc đáo.

Ông Cao rút lui, nhường sàn diễn cho cô Truska. Cô ta rất đẹp trong bộ váy dài màu đỏ, với nhiều nếp xếp và… khoảng trống. Rất nhiều quý ông trong khán phòng khúng khắng ho, trở mình trên ghế.

Truska tiến sát lề sân khấu, để khán giả nhìn rõ hơn sắc đẹp của cô, rồi cô nói mấy câu, nghe như tiếng kêu của loài hải cẩu. Sau đó cô Truska đặt tay lên hai má, xoa nhè nhẹ. Rồi, hai ngón tay bóp mũi, tay kia gãi cằm.

Và, điều kỳ lạ xuất hiện: những sợi râu… tua tủa mọc ra! Trước hết là râu cằm, rồi ria mép, râu hàm. Sau cùng, tất cả khuôn mặt cô ta bao quanh bằng một bộ râu vàng, dài và thẳng.

Bộ râu mọc dài chừng mười xăng-ti-mét thì ngừng lại. Cô Truska buông những ngón tay bịt mũi, bước xuống khán phòng để khán giả vuốt ve hay kéo giật bộ râu.

Lúc này, khi cô ta đi quanh khán giả, bộ râu lại tiếp tục mọc dài thêm tới… tận bàn chân. Gần tới cuối khán phòng, cô quay lại, trở lên sân khấu. Dù không có chút gió trong gian phòng kín này, tóc Truska tung bay, chạm nhẹ vào má những khán giả ngồi gần lối cô ta đi qua.

Khi cô ta trở lại sân khấu rồi, ông Cao tiến ra hỏi có khán giả nào mang theo kéo không? Nhiều bà giơ tay. Ông mời mấy bà lên sân khấu và nói:

- Gánh Xiếc Quái Dị chúng tôi sẽ tặng một thỏi vàng ròng cho vị khán giả nào có thể cắt đứt được râu của cô Truska.

Ông ta đưa cao một nén vàng để chứng tỏ là một chuyện nghiêm túc.

Khán phòng xôn xao huyên náo hẳn lên. Gần như hầu hết khán giả đều thử tài, nhưng không ai thành công, kể cả khi ông Cao đem ra một cái kéo làm vườn to đùng. Điều kỳ lạ là râu cô ta cũng mềm mại như mái tóc thướt tha của cô ta vậy.

Sau khi khán giả chấp nhận thất bại và ông Cao rời sân khấu, cô Truska lại bịt mũi và vuốt ve hai má: bộ râu từ từ rút ngắn và chỉ trong hai phút bộ râu hoàn toàn biến mất. Trông cô lại xinh đẹp như lúc mới bước ra chào khán giả. Cô rút lui trong tiếng cổ vũ hoan hô náo nhiệt.

Ngay sau đó là màn trình diễn của Hans Tay-thần.

Tay-thần bắt đầu bằng câu chuyện về người cha. Cha ông ta sinh ra đã không có chân. Ông cụ phải tập đi bằng tay và đôi tay được sử dụng hiệu quả như đôi chân bình thường của những người khác. Và ông cụ đã dạy các con bí quyết này.

Sau đó Hans Tay-thần ngồi xuống, kéo hai chân cuốn quanh cổ. Ông ta đứng bằng hai bàn tay, đi lên đi xuống, chạy nhảy. Ông thách thức nếu ai chạy thắng, sẽ được thưởng một thỏi vàng.

Lối đi trong rạp được dùng làm đường chạy. Dù bất lợi, vì chỉ sử dụng tay, Hans đã dễ dàng vượt lên và thắng bốn đối thủ. Không khán giả nào hồ nghi khi nghe ông ta nói, có thể vượt 100 mét trong 8 giây bằng tay. Sau đó ông ta biểu diễn thêm mấy động tác thể dục rất tuyệt, để chứng minh một người có thể điều khiển đôi tay trong mọi hành động mà không cần đến đôi chân.

Màn biểu diễn của Hans Tay-thần không ấn tượng đặc biệt nhưng cúng làm khán giả thích thú.

Một lát sau, ông Cao trở lại sân khấu:

- Thưa quý vị, tiếp theo cũng lại sẽ là một màn độc đáo và khó khăn. Đây cũng sẽ là một màn đầy nguy hiểm, vì vậy yêu cầu quý vị giữ im lặng, đừng vỗ tay, cho tới khi chúng tôi thông báo là đã an toàn.

Sau những gì xảy ra trong màn diễn của Người-sói, không ai cần phải nhắc nhở đến lần thứ hai. Tất cả đều ngồi im thin thít.

Khi tất cả đã hoàn toàn yên lặng, ông Cao vừa lui vào vừa nhẹ nhàng gọi:

- Xin mời, ông Crepsley và quý bà Octa.

Ánh sáng mờ dần. Một người đàn ông lừ đừ bước ra sân khấu. Ông ta cao, gầy khẳng khiu, da trắng nhợt, trên đỉnh đầu chỉ có một chỏm tóc màu da cam. Bên má trái ông ta, có một cái sẹo chạy dài xuống tận môi, làm miệng ông kéo xếch lên một bên mặt.

Trong bộ áo màu đỏ, ông Crepsley xách một cái lồng nhỏ đặt lên bàn, rồi quay lại cúi đầu, cười với khán giả. Ông ta đừng cười trông còn đỡ sợ hơn. Trông ông Crepsley như một gã hề điên trong một phim kinh dị tôi đã từng xem.

Tôi bỏ lỡ không nghe những lời ông ta nói, vì mải nhìn thằng Steve. Bạn biết sao không? Ông Crepsley vừa bước ra, tất cả đều im lặng, trừ một người ồ lên kinh ngạc.

Người đó là Steve!

Tôi nhìn thằng bạn tôi lom lom. Nó trắng nhợt ra, gần như ông Crepsley, và toàn thân run rẩy. Thậm chí nó còn làm rơi búp bê Alexander Xương-sườn mà nó mới mua.

Mắt nó như dán vào ông Crepsley. Nhìn nó đang trừng trừng ngó con người quái dị kia, tôi không thể ngăn mình nghĩ là… nó vừa trông thấy ma.

CHƯƠNG MƯỜI HAI

Tôi căng mắt, vừa nhìn Steve vừa liếc lên sân khấu nhìn ông Crepsley đang nói:

- … Thật ra, không phải tất cả loài nhện tarantula đều có nọc độc. Hầu hết chúng đều vô hại như những con nhện chúng ta thường thấy trên khắp thế giới này. Kể cả những con có nọc độc, thì nọc độc đó cũng chỉ đủ giết những sinh vật rất nhỏ bé. Nhưng có vài giống thật sự nguy hiểm, có thể giết một mạng người với chỉ một nhát cắn. Giống này rất hiếm, chỉ có thể tìm thấy tại những vùng hoang dã, xa xôi. Tôi có một con nhện như thế.

Ông ta vừa nói vừa mở cửa lồng. Mấy giây sau, một con nhện từ từ bò ra. Chưa bao giờ tôi thấy một con nhện to đến thế. Nó có ba màu: xanh lục, tím và đỏ. Chân dài đầy lông và thân hình mập ú. Tôi không hề sợ nhện, nhưng con này trông khủng khiếp thật.

Con nhện chầm chậm tiến tới, rồi nó quị chân, hạ thấp mình, như sửa soạn bay.

Ông Crepsley nói tiếp:

- Quý bà Octa đây đã ở với tôi nhiều năm rồi. Octa sống lâu hơn những con nhện bình thường nhiều. Vị tu sĩ bán Octa cho tôi đã bảo giống này sống tới hai mươi, ba mươi năm. Quý bà Octa là một sinh vật khác thường, vừa có nọc độc vừa thông minh.

Trong khi ông nói, một người áo xanh trùm kín đầu dắt ra một con dê. Con dê hoảng sợ rống lên, tìm đường chạy. Người áo xanh buộc nó vào chân bàn, rồi lui vào sau cánh gà.

Nhìn và nghe thấy tiếng be be của con dê, con nhện to lớn gớm ghiếc lần mò ra mép bàn, rồi ngừng lại như chờ lệnh. Ông Crepsley lấy từ túi quần ra một cái còi nhỏ - nhưng ông gọi là ống sáo – thổi lên vài âm ngắn. Lập tức, quý bà Octa nhảy vọt xuống cổ con dê.

Con vật lồng lên, be be thảm thiết. Quý bà Octa bình thản bò lên gần đầu con dê vài phân. Rồi nó nhe nanh, cắm phập vào cổ con dê đang hoảng loạn. Con vật như bị đóng băng, đứng sững. Vài giây sau nó mới lăn đùng xuống sàn. Tôi tưởng nó chết rồi, nhưng nhìn kỹ, tôi thấy nó vẫn còn thoi thóp thở.

Ông Crepsley vung vẩy cái còi, nói:

- Tôi điều khiển quý bà Octa bằng ống sáo này. Mặc dù đã cùng cộng tác với nhau một thời gian lâu dài, nhưng Octa sẽ giết tôi ngay, nếu tôi mất ống sáo. Con dê này chỉ bị hôn mê. Tôi đã huấn luyện Octa không được hạ thủ ngay từ nhát cắn đầu tiên. Tất nhiên con dê rồi cũng sẽ chết – khi Ocat đã cắn, không cách nào chữa trị được – và bây giờ chúng tôi sẽ giúp cho nó chết thật nhanh.

Ông ta thổi sáo. Quý bà Octa di chuyển lên tới tai con dê, nhe nanh cắn. Con dê nhẹ rùng mình, rồi hoàn toàn bất động. Lần này nó chết thật.

Bà Octa nhảy xuống sàn tiến ra sát sân khấu. Một số ngồi hàng ghế đầu hốt hoảng nhảy dựng lên. Nhưng họ đờ người khi ông Crepsley rít lên nho nhỏ:

- Đừng nhúc nhích. Chỉ gây một tiếng động là chết đấy.

Octa ra tới sát mí sân khấu, rồi đứng dựng lên bằng hai chân sau, giống như một con chó đứng hai chân. Nghe tiếng còi nhè nhẹ của ông Crepsley con nhện từ từ bước giật lùi, vẫn bằng hai chân sau. Khi tới sát chân bàn, nó quay lại, leo lên.

- Bây giờ quý vị được an toàn rồi. Nhưng nhớ đừng gây tiếng động lớn nào. Vì nếu quý vị làm thế, Octa sẽ tấn công tôi.

Nghe ông ta nói, những người trên hàng ghế trước rón rén ngồi xuống.

Tôi không biết ông ta sợ thật, hay chỉ là một cách diễn cho thêm phần hồi hộp, nhưng trông ông có vẻ rất căng thẳng. Lau mồ hôi trán bằng tay áo, rồi ông ta mới đưa còi lên miệng, thổi lên một âm thanh nho nhỏ.

Quý bà Octa lắc lư, rồi như quyết định, gật mạnh đầu. Con nhện bò đến trước mặt ông Crepsley. Ông ta hạ thấp bàn tay phải, cho nó bò lên cánh tay ông. Ý nghĩ những cái chân lông lá, dài thòng bò trên da thịt ông ta làm tôi toát mồ hôi.

Bò hết cánh tay, con nhện mon men lên vai, bò qua mặt bên kia, bò qua cái sẹo, cho đến khi bám ngược đầu trên cằm ông ta. Rồi con nhện nhả một sợi tơ và buông mình theo sợi tợ đó.

Lửng lơ dưới cằm ông ta chừng mười phân, con nhện đánh đu qua lại. Rồi nó tung mình đu lên cao ngang tầm tai ông. Các chân nó cụp lại. Từ chỗ tôi nhìn lên, con nhện giống như một cuộn len.

Trong khi con nhện đánh đu lên, ông Crepsley ngửa đầu ra sau, nó nhào lên lộn xuống trong khoảng không. Tôi tưởng nó sẽ rớt xuống mặt bàn, nhưng không, trái lại, nó hạ mình lên miệng ông Crepsley!

Tôi hết vía vì tưởng nó sẽ trôi tuột vào cổ họng, vào bụng và cắn chết ông ta. Nhưng nó khôn hơn tôi nghĩ nhiều. Khi rơi nhiều, nó xòe rộng những cái chân dài, bám lấy vành môi của ông Crepsley.

Ông ta cúi đầu về phía trước, để khán giả có thể nhìn thấy mặt. Miệng ông ta mở rộng, quý bà Octa nằm gọn trong đó. Thân mình con nhện phồng lên xẹp xuống cứ như ông ta đang thổi một quả bóng vậy.

Tôi tự hỏi cái còi đâu rồi và với tình trạng kia làm sao ông ta điều khiển được bà Octa?

Đúng lúc đó ông Cao xuất hiện, tay cầm một cái còi khác. Ông thổi không điệu nghệ bằng ông Crepsley nhưng cũng đủ để sai khiến con nhện. Nó lắng nghe rồi di chuyển từ bên này sang bên kia miệng ông Crepsley.

Tô vươn cổ cố nhìn, vì không biết con nhện định làm gì. Khi thấy những mảnh trắng nhỏ trên môi ông Crepsley tôi mới hiểu: nó đang giăng tơ.

Xong “công tác”, bà Octa lại buông mình đong đưa dưới cằm ông ta như trước. Miệng ông Crepsley đầy màng nhện. Ông ta liếm gọn những sợi tơ, nhai nhóp nhép, nuốt ngon lành rồi xoa bụng (thận trọng không đụng phải bà Octa). Ông bảo:

- Tuyệt vời. Không món gì ngon hơn tơ nhện. Ở quê tôi đây là món đặc sản cao cấp nhất.

Sau đó ông ta để con nhện lăn một quả bóng trên bàn, rồi cho nó đứng giữ thăng bằng trên bóng. Ông bày ra những dụng cụ thể thao nho nhỏ. Con nhện bắt đầu biểu diễn tất cả những động tác thể dục dụng cụ của con người: nâng tạ, leo dây, nhảy xà vân vân.

Sau cùng ông ta đem ra một bộ đồ ăn tí xíu. Đầy đủ dao, muỗng nĩa, ly tách… Trên mấy cái đĩa ú ụ ruồi và những loài côn trùng chết. Tôi không biết trong ly có gì.

Quý bà Octa ăn uống thanh lịch tươm tất như… một phu nhân quý tộc. Sử dụng mỗi lần bốn chân, để cầm muỗng, nĩa, dao. Lại còn một chai muối tiêu giả, để thỉnh thoảng quý bà cầm lên, rắc đều lên đĩa đồ ăn.

Tôi nhìn con nhện cầm ly nước uống mà cứ mê đi. Tôi sẵn sàng đổi tất cả những gì tôi có, để được làm chủ quý bà Octa. Tôi biết chuyện đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra – ba má tôi sẽ không cho tôi nuôi dù tôi có mua được con nhện này. Dù thế tôi vẫn cứ mơ ước.

Màn trình diễn chấm dứt, ông Crepsley cho con nhện vào lồng. Tiếng vỗ tay tưởng như không dứt xen lẫn những lời bình phẩm: “Giết chết con dê như thế tội nghiệp quá.” Nhưng có người lại bảo: “Như thế mới hấp dẫn chứ.”

Tôi quay lại định nói với Steve là con nhện tuyệt vời quá, nhưng nó đang hau háu nhìn ông Crepsley. Trông nó không có vẻ sợ hãi nữa, nhưng rõ ràng nó không được bình thường. Tôi hỏi:

- Chuyện gì vậy, Steve?

Nó không trả lời.

- Steve!

Nhưng nó chỉ “suỵt” một tiếng, không nói một lời cho đến khi ông Crepsley vào khuất. Lúc đó nó mới quay sang tôi, bàng hoàng nói:

- Kỳ lạ thật!

- Con nhện chứ gì? Quá tuyệt. Mày thấy…

- Tao không nói về con nhện. Quý hóa gì con nhện già đó. Tao nói là nói về ông… Crepsley kìa.

Nó ngập ngừng trước khi gọi tên ông ta, hình như nó muốn gọi bằng một tên khác.

- Ông Crepsley thì có gì hay. Chỉ việc cầm cái còi mà thổi.

- Mày cóc hiểu gì hết. Mày cóc biết ông ta thật sự là ai.

- Còn mày thì biết?

- Đúng. Đúng là tao biết. Tao chỉ mong ông ta đừng biết là tao biết. Nếu không, chúng mình khó mà sống sót, để ra khỏi chỗ này.

CHƯƠNG MƯỜI BA

Giờ giải lao, tôi ráng hỏi Steve, thật sự ông Crepsley là ai, nhưng nó lầm lầm lì lì, chỉ bảo: “Tao đang suy nghĩ.” Rồi nó nhắm mắt, cúi đầu, mặt mày căng thẳng.

Họ bắt đầu bán thêm nhiều món quà lưu niệm rất lý thú: búp bê Hans Tay-thần, râu của người đàn bà, và nhất là những con nhện bằng cao-su giống như quý bà Octa. Tôi mua một con cho tôi, một con cho Annie.

Tôi móc đến đồng bạc cuối cùng để mua sáu cái kẹo tơ nhện. Tôi ăn hai cái và cũng bắt chước ông Crepsley, để những sợi tơ lằng nhằng trên môi rồi liếm gọn.

Đèn tắt, khán giả trở lại chỗ ngồi.

Gertha Răng-thép tiến ra sân khấu. Đó là một người đàn bà cao lớn. Cặp đùi, hai cánh tay, cổ và đầu đều to tổ chảng. Cô ta cất tiếng oang oang:

- Thưa quý vị, tôi là Gertha Răng-thép. Tôi có những cái răng mạnh mẽ nhất thế giới. Ngày còn nhỏ, một lần đang đùa giỡn, cha tôi đút mấy ngón tay vào miệng tôi, phập một phát, tôi cắn đứt hai ngón tay ông.

Nhiều khán giả cười hinh hích. Gertha Răng-thép trợn mắt giận dữ, quát lên:

- Nè, tôi không phải là một con hề. Rõ chưa? Ai cười nhạo tôi, tôi sẽ xuống, cắn đứt mũi ngay.

Quý vị khán giả hãi quá, không dám thở mạnh.

Cô ta quát rất to, nhưng rành mạch, nhấn nhá từng câu:

- Các nha sĩ trên thế giới đều phải sững sờ vì hàm răng của tôi. Tôi đã đi kiểm tra tại những trung tâm nha khoa hàng đầu, nhưng chưa ai khám phá ra vì sao răng tôi chắc khỏe đến như vậy. Người ta đề nghị tôi những khoản tiền kếch xù để làm vật thí nghiệm, nhưng tôi đã từ chối, vì chỉ thích chu du, không muốn bị ràng buộc với bất cứ điều gì.

Cô ta cầm lên bốn thanh thép, mỗi thanh dài khoảng 30 phân, chiều dày khác nhau, rồi kêu gọi người tình nguyện. Bốn khán giả nam lên sân khấu. Gertha đưa cho mỗi người một thanh thép, yêu cầu họ bẻ cong. Cả bốn người đàn ông đã cố hết sức, nhưng không bẻ được.

Sau khi họ chịu thua. Cô ta cầm thanh mỏng nhất, đưa lên miệng cắn gãy làm hai, rồi đưa một nửa thanh thép cho một người đàn ông. Đưa lên cắn thử, anh ta bỗng rú lên đau đớn vì suýt bị nứt mấy cái răng.

Thanh thép thứ hai, thứ ba đều dày hơn thanh đầu tiên, cũng đều bị cô ta cắn làm hai. Tới thanh thứ tư, dày nhất, Gertha Răng-thép… nhai vụn thành từng mảnh, như nhai sô-cô-la!

Kế đó, hai người với bộ áo xanh trùm đầu khiêng ra một lò sưởi điện. Phập! Phập! Phập! Gertha ngoạm một đống lỗ trên thành lò sưởi. Tiếp theo, cô ta cắn một chiếc xe đạp thành từng mảnh nhỏ. Tôi nghĩ, chắc không vật gì trên đời mà Gertha không thể cắn vụn ra.

Cô ta kêu gọi thêm người tình nguyện, rồi đưa ra cho một người một cái búa nặng trịch và một cái đục lớn. Người khác được trao một cái đục và một cái búa nhỏ hơn. Còn người cuối cùng sẽ cầm một cái cưa điện.

Ngậm cái đục lớn trong miệng, cô ta nằm ngửa, gật đầu ra hiệu cho người thứ nhất hãy giáng mạnh cây búa lên cái đục.

Anh ta nâng cao cây búa, bổ xuống. Tôi tưởng anh ta sẽ đập nát mặt cô. Hầu hết khán giả đều lo sợ như tôi, nhiều người rú lên, bịt chặt mắt.

Nhưng Bertha xoay mình, cây búa đập mạnh xuống sàn. Cô ta ngồi bật dậy, phun cái đục trong miệng ra.

- Ha! Các vị tưởng tôi điên sao? Tôi chỉ muốn để quý vị thấy đây là một cái búa thật. Bây giờ, nhìn đây.

Cô ta lại nằm xuống cắn chặt cái đục. Người mặc áo trùm xanh giơ cao cây búa, bổ xuống, nhanh và mạnh hơn người khán giả đã làm. Cây búa chạm và đầu đục làm vang lên một âm thanh chát chúa.

Cô ta ngồi dậy. Tôi tưởng cô sẽ phun ra cả đống răng. Nhưng cô ta bình thản mở miệng, lấy cây đục ra và nhoẻn cười.

Đến lượt người tình nguyện thứ hai, Gertha chỉ lưu ý anh ta phải thận trọng với nướu của cô, rồi để anh ta tự chọn vị trí đặt mũi đục trên răng mà… thoải mái đục! Anh chàng đập rã rời tay, nhưng răng của Gertha không hề xuy xuyển.

Người tình nguyện thứ ba hì hục với cái cưa máy, mũi cưa xoèn xoẹt trên răng chỉ làm tóe ra những đốm lửa. Gertha lại nhoẻn cười, khoe hàm răng trắng nõn.

Tiếp theo Gertha Răng-thép là phần trình diễn của chị em sinh đôi Sive và Seersa. Hai chị em giống hệt nhau và biểu diễn uốn dẻo như Alexander Xương-sườn. Nhưng hai thân hình xoắn lấy nhau, nhiều lúc trông như một người có hai mặt, trước và sau. Cặp này rất khéo léo, đầy tài năng, nhưng so sánh với những màn trước thì hơi nản.

Sive và Seersa vừa lui vào, ông Cao bước ra sân khấu cám ơn thịnh tình khán giả đã dành cho gánh xiếc của ông. Ông cũng lưu ý khán giả, nếu muốn, có thể mua thêm đồ lưu niệm tại phía sau khán phòng. Yêu cầu khán giả giới thiệu với bạn bè. Ông cám ơn thêm một lần nữa và tuyên bố buổi trình diễn đã kết thúc.

Tôi hơi thất vọng, vì phần kết thúc có vẻ tẻ nhạt quá. Nhưng có lẽ vì đã quá muộn và các diễn viên quái dị đã thấm mệt. Tôi đứng dậy, thu nhặt những gì đã mua, rồi quay lại nói chuyện với Steve.

Nó đang nhìn qua vai tôi, lên phía ban-công, hai mắt trợn trừng. Tôi quay vội về hướng nó đang nhìn. Ngay lúc đó những người quanh tôi bắt đầu gào thét. Ngước lên, tôi mới hiểu vì sao.

Từ trên ban-công, một con rắn khổng lồ, dài thậm thượt, đang trườn mình theo một cây cột, bò xuống phía khán giả!

CHƯƠNG MƯỜI BỐN

Con rắn liên tục thè thụt cái lưỡi như đang thèm ăn lắm. Thật tình, tôi thấy nó chẳng đẹp tí xíu nào, toàn một màu xanh đen, loáng thoáng vài đốm màu sáng hơn một chút. Nhưng phải công nhận, trông nó… khủng khiếp thật.

Những người đứng dưới ban công hấp tấp chạy về chỗ ngồi. Vừa chạy họ vừa la thét, buông ráo những gì cầm trong tay. Có người ngất xỉu, có người ngã té và bị người khác đạp lên. May mắn là tôi và Steve ở phía trên, nếu không hai thằng nhỏ nhất đám như chúng tôi chắc chắn bị đám đông dẫm đạp nhừ tử rồi.

Con rắn gần xuống tới sàn, bỗng một ngọn đèn cực sáng rọi ngay mặt, làm nó khựng lại, nhìn thẳng nguồn sáng không chớp mắt. Mọi người bớt sợ, không còn chạy nữa. Những người bị ngã, đứng dậy. Rất may, không ai bị thương nặng.

Sau chúng tôi có tiếng động. Mọi người quay vội lại. Một cậu bé đang đứng trên sân khấu. Cậu ta chừng 14 hay 15 tuổi, gầy nhom, tóc màu vàng chanh, hai mắt hi hí như mắt rắn. Cậu bé đó khoác một áo choàng dài màu trắng.

Huýt lên như rắn, cậu ta giơ cao hai tay khỏi đầu. Cái áo choàng rơi xuống. Khán giả ồ lên kinh ngạc. Toàn thân cậu phủ bằng những cái vẩy.

Từ đầu đến ngón chân lóng lánh màu xanh lá, vàng, vàng kim và xanh dương. Cậu ta chỉ mặc một quần đùi nhỏ. Cậu bé quay mình lại, để tất cả nhìn thấy phía sau cũng giống như phía trước, chỉ trừ vài vệt thẫm màu hơn.

Rồi cậu ta quay lại nhìn chúng tôi, nằm xấp xuống, trườn mình trên sàn, y chang một con rắn. Lúc đó tôi chợt nhớ tới tờ quảng cáo: đúng đây là cậu bé rắn rồi.

Trườn xuống sàn khán phòng, cậu ta đứng dậy, bước về cuối rạp. Khi cậu ta đi qua, tôi thấy những ngón chân, ngón tay của cậu ta thật kỳ lạ. Chúng dính vào nhau bằng một lớp da mỏng. Trông cậu ta giống con quái vật sống trong hồ nước đen của một phim kinh dị.

Tới cách cái cột chừng vài mét, cậu ta phủ phục xuống. Nguồn sáng, làm lóa mắt con rắn, bắt đầu chuyển động, rọi xuống chân cột. Cậu bé lại huýt lên mấy tiếng, con rắn như lắng nghe. Tôi nhớ đã đọc câu đó, rắn không thể nghe, nhưng cảm thấy được âm thanh. Cậu ta quẫy nhẹ mình sang phải, rồi sang trái. Đầu con rắn di chuyển theo, nhưng không phóng tới. Cậu bé bò lại gần hơn, tới đúng tầm của con rắn. Tôi suýt la lên, để bảo cậu ta chạy đi, vì sợ con rắn tấn công và giết chết cậu.

Nhưng cậu bé rắn biết mình đang làm gì. Tới sát con rắn, cậu ta đưa những ngón tay dính màng vào nhau, vuốt ve dưới cằm con vật. Rồi… cúi xuống hôn lên mũi nó!

Con rắn cuốn quanh cổ cậu ta. Nó cuốn thêm mấy vòng, rồi thả cái đuôi thõng qua vai như một tấm khăn choàng.

Cậu bé rắn vừa vuốt ve nó vừa mỉm cười. Tôi tưởng cậu ta sẽ đi vòng quanh khán giả để mọi người sờ thử vào con rắn. Nhưng cậu ta tiến tới một khoảng trống, gỡ con rắn, đặt xuống sàn, rồi lại vuốt ve dưới cằm nó.

Lần này con rắn há rộng mồm. Tôi nhìn rõ những cái nanh của nó. Nằm cách xa nó một chút, cậu ta bắt đầu uốn vặn thân mình tiến lại gần con rắn.

Tôi kêu thầm:

- Ôi! Không! Chắc cậu ta sẽ không…

Nhưng cậu ta làm thật! Cậu ta chui tọt đầu vào mồm con rắn đang há hốc.

Mấy giây sau cậu bé rắn mới lấy đầu ra khỏi miệng con vật. Một lần nữa, cậu ta lại cuốn con rắn quanh mình, rồi lăn vòng vòng cho tới khi con rắn phủ khắp toàn thân, chỉ chừa lại cái mặt. Ráng đứng dậy, mỉm cười, trông cậu ta như một tấm thảm cuốn tròn.

Từ trên sân khấu, ông Cao lên tiếng:

- Và thưa quý vị, đó mới chính là phần kết thúc thực sự của chương trình đêm nay.

Ông mỉm cười, vọt nhảy khỏi sân khấu, biến vào khoảng không đầy khói. Khi khói tan, tôi đã lại thấy ông đứng nơi cuối rạp, tay vén tấm màn che cửa.

Hai bên ông là những người đàn bà xinh đẹp và những người nhỏ bé mặc áo xanh phủ kín đầu. Trên tay họ là những cái khay bán đồ lưu niệm. Rất tiếc là túi tôi đã rỗng không.

Tôi ôm những món tôi và Steve đã mua. Nhìn vẻ mặt khó đăm đăm của nó, tôi biết tốt nhất là đừng hỏi han gì. Tôi có thừa kinh nghiệm mỗi khi nó nổi cơn khùng rồi.

Ông Cao tươi cười chào mọi người. Khi tôi và Steve đi qua, ông cười thoải mái hỏi:

- Sao? Hai em thích chứ?

Tôi nói:

- Thật phi thường.

- Không sợ sao?

- Một tí thôi, nhưng không sợ hơn những người khác đâu ạ.

Ông ha hả cười:

- Hai em gan dạ lắm.

Chúng tôi vội đi để nhường lối cho những người đằng sau. Khi vào hành lang nhỏ, giữa hai tấm màn, Steve ngó dáo dác chung quanh, rồi thì thầm vào tai tôi:

- Mày về một mình đi.

- Cái gì?

- Mày nghe rõ rồi mà.

- Nhưng sao tao phải về một mình?

- Vì tao chưa về. Tao ở lại. Chưa biết mọi chuyện sẽ xảy ra như thế nào, nhưng tao ở lại. Tao sẽ về nhà sau khi tao…

Nó ngập ngừng rồi kéo tôi đi.

Chúng tôi qua tấm màn thứ hai, nơi có cái bàn dài, phủ vải đen sát đất. Những người đi trước quay lưng lại hai đứa tôi. Steve thận trọng nhìn phía sau, khi không thấy ai, nó chui tọt vào gầm bàn.

- Steve!

Tôi rít lên, chỉ sợ nó lại gây rắc rối. Nó rít lại:

- Đi đi.

- Nhưng cậu không thể…

- Làm theo lời tao. Mau, đi đi, họ bắt cả hai bây giờ.

Tôi không muốn, nhưng biết làm sao được. Có vẻ như Steve lại sắp nổi cơn điên, nếu tối không làm theo ý nó.

Tôi đành bước đi, rẽ sang hành lang dài, dẫn đến cửa chính. Vừa đi chầm chậm vừa suy tính. Phía trước tôi, mọi người đi đã xa. Phía sau, chưa thấy ai ra tới.

Tôi ngừng trước một cái cửa. Đây là nơi Steve đã dòm ngó, khi chúng tôi mới vào rạp: cái cửa dẫn lên ban-công. Tôi kiểm tra phía sau lần nữa. Không thấy ai. Tôi tự nhủ:

- Tốt rồi. Mình sẽ núp trong này. Chẳng biết Steve định làm gì, nhưng nó là bạn mình, nếu có gì xảy ra, mình còn có thể kịp thời giúp nó.

Tôi mở cửa, lách vội vào, rồi nhẹ nhàng khép lại. Đứng trong bóng tối, trống ngực tôi đập thùm thùm.

Tôi cứ đứng như thế thật lâu, lắng nghe những khán giả cuối cùng ra khỏi rạp. Tiếng họ rì rầm bàn tán e dè, sợ hãi, sôi nổi. Khi hoàn toàn yên tĩnh trở lại, tôi tưởng sau đó sẽ nghe tiếng dọn dẹp, thu xếp… Nhưng toàn thể ngôi nhà im ắng như trong nghĩa địa.

Tôi lên cầu thang. Mắt tôi đã quen dần với bóng tối. Chiếc cầu thang cũ kỹ, ọp ẹp. Mỗi bước, tôi đều lo nó gãy và quăng tôi xuống, chết như cậu bé bị ngã ngày nào.

Lên tới cầu thang, tôi thấy mình đang ở chính giữa một ban công bẩn thỉu, đầy bụi đất và lạnh lẽo. Tôi run rẩy rón rén dần ra trước.

Từ đây tôi nhìn xuống sân khấu rõ từng chi tiết, vì đèn sân khấu vẫn để sáng chưng. Không thấy một ai, kể cả thằng Steve. Tôi ngồi xuống đợi.

Chừng năm phút sau, tôi thấy một bóng người ngập ngừng tiến về phía sân khấu. Bóng người đó bước hẳn lên vùng sáng, quay mình nhìn quanh.

Đó là Steve.

Nó dợm bước về cánh gà bên trái, nhưng ngừng lại, quay sang phải. Nó gặm móng tay, vẻ phân vân chưa biết đi hướng nào. Rồi một tiếng nói từ trên đầu nó vọng xuống:

- Mi tìm kiếm ta, phải không?

Một người, hai tay giang rộng, chiếc áo choàng đỏ phần phật như đôi cánh, hạ xuống sàn sân khấu.

Thằng Steve giật bắn người, ngã ngửa ra sau. Tôi đứng phắt dậy. Tôi đã nhận ra: chiếc áo choàng đỏ, chỏm tóc màu cam, làn da trắng nhợt.

Ông Crepsley!

Steve run tới không thốt được nên lời. Ông Crepsley nói:

- Ta đã thấy mi nhìn ta lom lom. Vừa thấy ta lần đầu, mi kêu lên kinh ngạc. Vì sao?

- Vì… vì… tôi biết… ông là ai?

- Ta là Larten Crepsley.

- Không. Tôi biết ông thật sự là ai.

Ông ta cười, nhưng không vui tí nào:

- Hả? Nói đi, thằng nhóc. Thật sự ta là ai?

- Tên thật của ông là… Vur Horston.

Ông Crepsley há hốc mồm kinh ngạc. Mấy tiếng sau của Steve cũng làm mồm tôi há hốc, đầy khiếp đảm.

- Ông là ma-cà-rồng.

CHƯƠNG MƯỜI LĂM

Ông Crepsley (hay Vur Horston, nếu đúng đó là tên thật của ông ta) mỉm cười:

- Vậy là ta đã bị phát hiện. Đáng lẽ ta không nên ngạc nhiên, vì trước sau gì cũng sẽ xảy ra. Nói đi, nhóc, kẻ nào sai mi tới đây?

- Không có ai.

- Thôi nào, nhóc, đừng giỡn mặt ta. Mi làm việc cho ai? Kẻ nào bảo mi theo dõi ta? Chúng muốn gì?

- Tôi không làm việc cho ai hết. Tôi có cả đống sách báo về quái vật, ma-cà-rồng. Trông một cuốn, có hình ảnh của ông.

- Hình ảnh ta?

- Một bức họa được vẽ vào năm 1903 tại Paris. Ông đứng bên một người đàn bà giàu có. Trong truyện kể rằng, hai người sắp làm lễ cưới, thì bà ta phát hiện ra ông là ma-cà-rồng và… đã từ bỏ ông.

- Chỉ là cái cớ. Bạn bè cô ta cho rằng cô ta bịa đặt ra một chuyện huyền hoặc như vậy, để làm tôn giá trị của chính cô ta.

- Chuyện thật không phải vậy sao?

Ông Crepsley thở dài, nghiêm khắc nhìn Steve quát lớn:

- Không. Nhưng mi mong đó là sự thật, đúng không?

Nếu ở địa vị Steve, tôi co giò biến vội rồi. Nhưng thằng bạn tôi không hề chớp mắt. Nó bảo:

- Ông không làm hại tôi được đâu.

- Tại sao không?

- Vì thằng bạn tôi. Tôi đã kể hết cho nó về ông, nếu có chuyện gì xảy ra cho tôi, nó sẽ đi báo cảnh sát.

- Cảnh sát sẽ không tin nó.

- Có thể. Nhưng nếu tôi bị chết hay mất tích, họ sẽ điều tra. Ông không thích chuyện ấy, vì sẽ có cả đám cảnh sát đặt cả ngàn câu hỏi, và họ sẽ tới đây vào… ban ngày đấy.

Ông Crepsley lắc đầu ghê tởm:

- Ôi, trẻ con! Ta căm ghét trẻ con. Mi muốn gì? Tiền? Châu báu? Hay bản quyền xuất bản chuyện đời ta?

- Tôi muốn theo ông.

Tôi suýt lộn tùng phèo khỏi ban công. Thằng Steve-Báo đòi đi theo ma-cà-rồng?! Bạn tin nổi không?

Ông Crepsley kinh ngạc chẳng kém tôi:

- Hả? Mi nói sao?

- Tôi muốn trở thành ma-cà-rồng. Tôi muốn ông hướng dẫn và tạo tôi thành một ma-cà-rồng.

Ông ta gào lên:

- Mi điên rồi.

- Không. Tôi không điên.

- Ta không thể làm một đứa trẻ con thành ma-cà-rồng được. Ta sẽ bị những tướng quân ma-cà-rồng giết chết ngay.

- Tướng quân ma-cà-rồng là gì?

- Không phải chuyện của mi. Mi chỉ cần hiểu là chuyện đó không làm được. Chúng ta không sử dụng máu trẻ con. Điều đó gây nhiều phiền phức lắm.

- Vậy thì đừng thay đổi tôi ngay lập tức. Tôi không ngại phải đợi chờ đâu. Tôi có thể là một đệ tử theo học ông thôi. Vì tôi biết, ma-cà-rồng có những phụ tá nửa người, nửa ma-cà-rồng. Hãy thu nhận tôi. Tôi sẽ cố gắng để tự chứng tỏ mình. Khi tôi đủ lớn…

Ông Crepsley trừng trừng nhìn Steve. Vừa nghĩ ngợi, ông vừa búng ngón tay một cái. Từ hàng ghế đầu dưới khán phòng, một cái ghế bay vèo lên sân khấu. Ông ta ngồi xuống ghế, vắt chân chữ ngũ, hỏi thằng bạn tôi:

- Vì sao mi muốn trở thành ma-cà-rồng? Chẳng thú vị gì đâu. Chúng ta chỉ có thể ra ngoài khi đêm tối. Loài người khinh rẻ chúng ta. Chúng ta phải ngủ trong những nơi dơ bẩn như thế này đây. Chẳng bao giờ có được một mái nhà, vợ con. Đó là một đời sống khủng khiếp lắm.

Steve vẫn khăng khăng:

- Tôi bất chấp hết.

- Có phải vì mi muốn được bất tử không? Nếu vì thế, ta phải cho mi biết… chúng ta không bất tử đâu. Chúng ta sống lâu hơn những con người bình thường nhiều, nhưng trước sau gì, rồi cũng chết như họ thôi.

- Tôi không cần. Tôi muốn đi theo ông, muốn học tập, để trở thành ma-cà-rồng.

- Còn bạn bè? Mi sẽ chẳng bao giờ gặp lại chúng nữa. Mi sẽ phải rời xa mái trường, gia đình, không có ngày trở lại. Rồi còn cha mẹ. Mi không nhớ cha mẹ sao?

Steve nhìn xuống sàn, lắc đầu khổ sở:

- Cha tôi không sống với chúng tôi, hiếm khi nào tôi được gặp ông ấy. Mẹ tôi không yêu tôi. Bà ấy chẳng bận tâm việc tôi làm đâu. Tôi có bỏ đi bà ấy cũng chẳng cần.

- Có phải vì bà ấy không thương yêu mi, mà mi muốn bỏ đi không?

- Cũng có một phần.

- Sao không đợi mấy năm nữa, khôn lớn rồi mi vẫn có thể ra đi được mà.

- Tôi không muốn chờ thêm nữa.

Lúc đó trông ông Crepsley thật hiền lành, dù vẫn có chút đáng sợ. Ông nhẹ nhàng hỏi Steve:

- Còn bạn mi, mi không nhớ thằng nhỏ đi cùng đêm nay sao?

- Thằng Darren? Có, tôi nhớ các bạn tôi, nhất là Darren. Nhưng đó không là vấn đề. Tôi muốn thành ma-cà-rồng hơn là chuyện tôi nhớ chúng nó. Nếu ông không thu nhận tôi, tôi sẽ báo cảnh sát và khi lớn lên, tôi sẽ làm một kẻ chuyên săn bắt ma-cà-rồng.

Ông ta không cười, mà gật đầu, nghiêm túc hỏi:

- Mi nghĩ kỹ rồi chứ?

- Phải.

- Mi tin chắc đó là điều mi mong muốn?

- Phải.

Ông Crepsley thở dài:

- Lại đây, để ta thử kiểm tra mi.

Steve đứng che khuất mất ông ta, nên tôi không nhìn thấy những gì xảy ra sau đó. Tôi chỉ biết là hai người nói với nhau rất nhỏ rồi có những tiếng như tiếng lưỡi của một con mèo táp sữa.

Tôi thấy lưng của Steve run rẩy, tưởng như nó đang gượng đứng để khỏi bị bật ngửa xuống sàn. Tôi không thể nào cho bạn biết tôi khiếp đảm đến thế nào khi nhìn cảnh đó. Tôi muốn nhảy dựng lên mà gào: “Thôi. Ngừng lại ngay, Steve.”

Tôi sợ đến không nhúc nhích được. Tôi sợ, nếu ông Crepsley phát hiện ra tôi cũng có mặt trong rạp hát này, ông ta sẽ không ngần gì giết cả hai chúng tôi.

Thình lình con ma-cà-rồng bật ho. Hắn ta xô Steve ngã, đứng bật dậy, phun phì phì máu đỏ lòm ra khỏi miệng. Tôi khiếp đảm đến tê cứng cả người.

Steve ngồi dậy, hỏi:

- Chuyện gì vậy?

- Mi mang dòng máu xấu.

Giọng thằng Steve run rẩy:

- Ông nói sao?

- Mi là ma quỷ. Ta nếm thấy mùi đe dọa trong máu của mi. Mi là một kẻ hoang dã.

- Nói láo.

Nó xông lại đấm ông ta. Nhưng chỉ với một tay, ông ta đánh nó gục xuống sàn. Con ma-cà-rồng gầm lên:

- Với dòng máu đó, không bao giờ mi trở thành một ma-cà-rồng được.

Steve bật khóc

- Tại sao không?

- Vì ma-cà-rồng không phải là những quái vật, ma quỷ có kiến thức. Chúng ta tôn trọng sự sống. Mi có bản năng của một kẻ sát nhân. Còn chúng ta, chúng ta không phải những kẻ giết người. Ta sẽ không tạo mi thành một ma-cà-rồng đâu. Quên chuyện đó đi. Hãy về nhà, tiếp tục sống cuộc đời của mi.

Steve đạp mạnh chân, chỉ tay vào ông Crepsley gào lên:

- Không. Tôi sẽ không quên. Tôi căm thù ông. Tôi thề, dù chưa biết bao giờ, nhưng sẽ có một ngày Vur Horston sẽ bị ta giết chết, vì tội đã từ chối ta.

Nhảy xuống khỏi sân khấu, vừa chạy ra cửa, nó vừa ngoái lại nói:

- Hãy đợi đấy, sẽ có một ngày…

Tôi nghe tiếng cười sằng sặc của nó vọng lại như một người điên.

Vậy là chỉ còn mình tôi với con ma-cà-rồng trong rạp hát.

Ông Crepsley ngồi ôm đầu, phun phì phì máu còn dính trong miệng. Ông ta chùi máu bằng ngón tay, rồi bằng một khăn lau lớn.

Ông càu nhàu: “Ranh con”. Rồi đứng lặng lau chùi hàm răng, đảo mắt nhìn khắp hàng ghế trong khán phòng (tôi ngồi thụp xuống vì sợ ông ta phát hiện), rồi ông ta bước vào sau cánh gà.

Tôi ngồi lặng người chẳng biết bao lâu. Tôi ước sao ra khỏi rạp hát này càng sớm càng tốt. Nhưng tôi cứ ngồi lì ra đó. Cho đến khi biết chắc không còn một dị nhân hay người phụ tá nào quanh quẩn đó, tôi mới nhè nhẹ chuồn xuống cầu thang, qua hành lang, và sau cùng bước vào bóng đêm.

Tôi đứng mấy giây ngoài cửa rạp, ngửa mặt nhìn trăng, quan sát thật kỹ không có bóng dáng ma-cà-rồng trên những ngọn cây. Rồi, tôi chạy băng băng về nhà. Nhà tôi, tôi không về nhà Steve. Tôi không muốn gặp nó. Thật tình, lúc đó, tôi sợ nó cũng như sợ ông Crepsley. Nó đã muốn trở thành một ma-cà-rồng. Phải là kẻ điên loạn đến thế nào mới mong ước một điều như thế chứ?

CHƯƠNG MƯỜI SÁU

Chủ nhật đó tôi không gọi cho Steve. Tôi nói với ba má là hai chúng tôi cãi nhau, nên tôi đã không ở lại nhà nó đêm qua. Ông bà tỏ ra không vui, nhất là chuyện tôi về một mình trong đêm hôm khuya khoắt như thế. Ba bảo sẽ “cấm vận” tiền dằn túi của tôi và không cho tôi đi chơi trong một tháng. Tôi không phản đối, vì thấy bị phạt như vậy là còn nhẹ. Thử tưởng tượng ba má sẽ làm gì, nếu biết tôi đã đi xem Xiếc Quái Dị!

Annie thích những món quà tôi mua cho nó lắm. Một thoáng nó đã thanh toán gọn hết mấy cái kẹo và chơi với con nhện cao-su hàng giờ. Nó năn nỉ tôi kể chi li về buổi diễn: trông những quái nhân ra sao? Họ làm những trò gì. Mắt nó tròn xoe khi nghe kể về Người-sói cắn đứt bàn tay người đàn bà. Nhưng nghe xong, nó bĩu môi:

- Dóc. Em hổng tin.

- Thiệt. Anh thề.

- Thề sao?

- Đứa nào nói dóc chết liền.

- Wow! Ước gì em được xem há. Lần sau đi, anh cho em theo không?

- Cho chứ. Nhưng anh sợ còn lâu lắm họ mới trở lại đây.

Tôi không cho Annie biết về ông Crepsley và chuyện Steve muốn thành ma-cà-rồng, nhưng suốt ngày tôi chỉ nghĩ đến hai người này. Tôi muốn gọi cho Steve, nhưng không biết nói gì, vì chắc chắn nó sẽ hỏi tại sao tôi không về nhà nó đêm qua, mà tôi thì lại không muốn cho nó biết tôi đã ở lại trong rạp và theo dõi nó.

Một ma-cà-rồng sống thật sự! Tôi vẫn tin chuyện này có thật mà. Nhưng ba má và các thầy cô đều quả quyết là không. Người lớn quá thận trọng hay quá khôn ngoan?

Tôi thắc mắc, thật sự ma-cà-rồng như thế nào? Họ có khả năng làm được mọi thứ như trong sách, trong phim không? Tôi đã thấy ông Crepsley làm cho cái ghế bay lên, tôi cũng đã thấy ông ta là là từ trên không xuống sân khấu và tôi còn thấy ông ta… uống máu của Steve. Ông ta còn có thể làm được những gì nữa? Ông ta có thể biến thành con dơi, con chuột hay một làn khói không? Người ta có thể nhìn thấy ông ta trong gương không? Ánh sáng mặt trời có thể giết được ông ta không nhỉ?

Nghĩ đến ông Crepsley bao nhiêu, tôi lại càng không thể quên được quý bà Octa. Một lần nữa tôi lại ước sao mình mua được một con nhện như thế. Một con nhện thông minh, để tôi có thể điều khiển được. Tôi sẽ gia nhập chương trình biểu diễn quái dị và chu du khắp thế giới.

Chủ nhật đến rồi đi. Tôi phụ ba làm vườn, giúp má trong bếp, xem TV. Buổi chiều tôi lang thang đi dạo, mơ màng tới những con nhện và ma-cà-rồng.

Thứ hai, tôi lo ngại khi bước qua cổng trường, không biết sẽ phải nói gì với Steve và nó sẽ nói gì với tôi đây. Hơn nữa, tôi mệt mỏi và choáng váng như người say rượu, vì mấy ngày nghỉ cuối tuần tôi có ngủ được bao nhiêu đâu – làm sao ngủ được, khi bạn nhìn tận mắt một ma-cà-rồng thật sự, phải không?

Steve đang đứng trong sân – đó là một điều khác thường – vì tôi luôn tới trường trước nó. Nó đứng tách khỏi các đứa khác, chờ tôi.

Hít một hơi thật sâu, tôi bước lại, đứng dựa tường, kế bên nó. Tôi nói:

- Chào.

- Chào. Ở rạp ra, mày đi đâu?

Mắt nó thâm quầng, tôi cá là hai đêm qua nó còn ngủ ít hơn tôi. Tôi bảo:

- Tao về nhà.

- Tại sao?

- Trời tối thui, tao đi loanh quanh bị lạc đường. Khi thấy nhà cửa quen quen, tao thấy đã đến gần nhà tao hơn nhà mày rồi.

Tôi thấy rõ là nó đang suy tính, tin nổi tôi hay không. Nó bảo:

- Chắc mày bị ông bà già la dữ lắm?

- Sơ sơ thôi. Một tháng cấm vận: không tiền dằn túi, không được đi chơi. Ba tao bảo còn phải làm một đống việc vặt nữa. Nhưng cũng đáng, xiếc quái dị… siêu thật.

Tôi cười cười. Hình như sau một lúc quan sát, nó mới tin là tôi nói thật.

- Ừa, siêu thật.

Khi Alan và Tommy tới, hai chúng tôi kể mọi chuyện về buổi diễn. Nhưng thật tình tôi và Steve là hai diễn viên đại tài: nó không hề nhắc tới ma-cà-rồng, và tôi cứ làm như không nhìn thấy nó đã gặp gỡ ông Crepsley.

Nhưng trong ngày hôm đó, tôi cảm thấy giữa tôi và Steve không hoàn toàn được như trước nữa. Mặc dù nó tỏ ra tin tôi, nhưng trong nó vẫn còn thoáng nghi ngờ. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp ánh nhìn của Steve, cứ như tôi là kẻ có thể làm hại nó.

Phần tôi, tôi tránh gần gũi nó. Những gì nó nói với ông Crepsley và những lời ông ta nói với nó cứ vang vang trong đầu tôi. Ông ta bảo Steve là ma quỷ. Tất cả những điều đó làm tôi lo sợ. Nó đã muốn thành ma-cà-rồng, giết người để hút máu. Làm sao tôi còn có thể là bạn của một con người như thế?

Buổi chiều chúng tôi bàn cãi về quý bà Octa. Tôi và Steve đều lảng tránh chuyện về ông Crepsley và con nhện của ông ta. Nhưng Tommy và Alan lại rất khoái đề tài này. Thằng Tommy nhăn nhó thắc mắc:

- Chúng mày nghĩ, ông ta điều khiển con nhện đó bằng cách nào?

- Có lẽ là một con nhện giả.

Nghe Alan nói, tôi cãi ngay:

- Giả sao được. Không một quái nhân quái vật nào ở đó là giả. Tất cả đều thật trăm phần trăm.

- Vậy thì ông ta điều khiển nó cách nào?

Thằng Tommy vẫn thắc mắc. Tôi bảo:

- Có thể đó là cây sáo thần, hay ông ta biết bùa chú như kiểu… người Ấn Độ bùa chú những con rắn của họ vậy.

Thằng Alan chưa chịu:

- Nhưng cậu bảo ông Cao cũng điều khiển được con nhện ngon lành, khi bà Octa ở trong miệng ông Crepsley mà.

- Có thể họ đều dùng sáo thần.

- Chẳng có sáo thần nào hết.

Steve bật nói. Gần như cả ngày hôm nay nó rất kín tiếng, nhưng Steve là đứa luôn khoái hạ người khác bằng chứng cứ hẳn hoi. Tôi hỏi:

- Vậy cậu bảo họ làm cách nào?

- Điện thần… thần giao cách cảm.

Alan ngẩn tò te:

- Có… dính dáng gì với điện thoại không?

Steve mủm mỉm cười, còn tôi và thằng Tommy cười hô hố (mặc dù tôi, và chắc chắn cả Tommy, đều mù tịt, chẳng hiểu thần giao cách cảm là gì). Tommy chặc lưỡi, thụi đùa Alan một quả:

- Ngố ơi là ngố!

- Nói đi Steve, cho tụi nó biết là gì nào.

Tôi giục giã. Steve chậm rãi nói:

- Là cách người ta có thể đọc được ý nghĩ của kẻ khác, hay phóng tư tưởng của mình cho họ mà không cần phải nói. Họ điều khiển con nhện bằng tư tưởng.

- Thế còn cây sáo?

- Để biểu diễn, hay rất có thể để làm con nhện chú ý vào một mục tiêu.

Tommy hỏi:

- Cậu cho rằng, ai cũng có thể điều khiển được con nhện đó?

- Phải, bất cứ ai có một bộ não. Nhưng trừ cậu, Alan.

Steve cười nói, để Alan biết là nó chỉ đùa. Tommy lại hỏi:

- Không cần sáo thần, hay huấn luyện, hay… bất kỳ thứ gì sao?

- Ừa, tớ nghĩ thế.

Steve trả lời xong, câu chuyện đổi đề tài – tôi nhớ là hình như chúng nó nói về bóng đá, nhưng tôi không chú ý nghe. Vì thình lình một ý nghĩ nóng hổi trong tôi. Tôi không còn nghĩ gì tới ma-cà-rồng, Steve hay bất cứ chuyện gì khác nữa.

“Cậu cho rằng ai cũng có thể điều khiển được con nhện đó?”

“Bất cứ ai có một bộ não”

“Không cần sáo thần, huấn luyện hay bất cứ thứ gì khác?”

“Tớ nghĩ thế”

Những lời nói của Steve và Tommy lập đi lập lại trong tôi như một đĩa hát bị kẹt.

“Bất cứ ai” cũng có thể điều khiển được con nhện đó. Ai đó có thể là tôi, nếu tôi được đặt tay lên nó và liên lạc được với quý bà Octa. Con nhện kỳ lạ đó sẽ là một vật cưng của tôi, tôi sẽ điều khiển nó và…

Không. Chỉ là chuyện viển vông. Có thể tôi điều khiển được nó, nhưng chẳng bao giờ nó thuộc về tôi. Không bao giờ ông Crepsley chịu rời xa nó, mua bằng tiền hay vàng ngọc…

Một ý tưởng bật lên trong tôi. Phải tìm cách lấy được nó, nó phải thuộc về tôi. Viết thư hăm dọa sẽ tố cáo ông ta là ma-cà-rồng với cảnh sát. Ông ta sẽ phải giao con nhện cho tôi.

Nhưng chỉ nghĩ đến chuyện đối diện với ông Crepsley đã đủ làm tôi khiếp đảm rồi. Tôi biết sẽ không làm được. Chỉ còn một phương án cuối cùng: ăn trộm bà Octa.

CHƯƠNG MƯỜI BẢY

Sáng sớm là thời gian tốt nhất để thực hiện vụ trộm con nhện. Trình diễn quá khuya, các diễn viên mệt mỏi sẽ phải ngủ tới tám, chín giờ sáng. Tôi sẽ lẻn vào, lấy được cái lồng nhốt quý bà Octa xong là chuồn ra ngay. Nếu chẳng may người trong gánh xiếc thức dậy rồi, tôi sẽ trở về nhà và quên chuyện này đi.

Phần khó nhất là chọn ngày. Thứ tư là lý tưởng nhất: xuất diễn cuối cùng của đoàn là đêm trước đó. Vì vậy rất có thể họ sẽ dọn đi vào buổi trưa là hợp lý nhất – đến điểm diễn mới trong khi ma-cà-rồng chưa thức dậy – và… chưa kịp phát hiện ra bị mất trộm. Nhưng nếu họ dọn đi vào ban đêm, ngay sau buổi diễn, tôi sẽ bị mất cơ hội lớn!

Như vậy, chắc phải hành động ngay đêm mai: thứ ba. Nhưng như thế, cũng có nghĩa là ông Crepsley sẽ còn nguyên thời gian còn lại của đêm thứ ba, tìm kiếm con nhện của ông ta (và tôi). Quá liều lĩnh nhưng không còn chọn lựa nào khác nữa.

Tôi đi ngủ sớm hơn thường lệ. Thấy tôi hôn má và bắt tay ba để vào giường sớm, ông bà tưởng tôi đang “lập công chuộc tội”. Ông bà đâu ngờ, nếu có chuyện không may xảy ra cho tôi tại rạp hát, tôi sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại ba má nữa.

Tôi có một cái radio và cũng là đồng hồ báo thức. Tôi chỉnh cho chuông reo lúc 5 giờ sáng, rồi gài tai nghe vào radio. Như vậy tôi sẽ thức dậy mà không ai biết.

Tôi chìm vào giấc ngủ mau hơn tôi tưởng, và đánh thẳng một giấc ngủ ngon lành cho tới khi có tiếng chuông reo. Càu nhàu trở mình rồi tôi ngồi dậy dụi mắt. Mất mấy giây tôi thẫn thờ chẳng biết mình đang ở đâu và tại sao phải thức dậy sớm thế. Rồi tôi nhớ ra con nhện và kế hoạch của mình. Tôi mỉm cười khoái trá.

Nhưng không cười được lâu, vì tôi nhận ra tiếng chuông đang reo không thông qua tai nghe. Chắc khi ngủ tôi đã lăn lộn làm tuột dây rồi.

Nhảy khỏi giường, tôi tắt vội chuông báo thức. Tim tôi đập rộn ràng, ngồi trong bóng tối lắng nghe động tĩnh. Cho đến khi biết chắc ba má tôi vẫn còn đang ngủ, tôi rón rén vào toa-lét. Nhưng có thể ba má tôi đã nghe tiếng chuông, tôi phải hết sức thận trọng.

Nhẹ nhàng xuống nhà dưới, tôi lẻn ra ngoài. Mặt trời sắp lên, có vẻ như hôm nay trời rất nắng.

Tôi vừa bước nhanh vừa lẩm bẩm hát, cho thêm khí thế. Vì tôi lo ngại đến nỗi mấy lần toan trở lại. Một lần tôi đã thực sự quay đầu, trở về nhà, nhưng rồi nhớ lại hình ảnh con nhện đong đưa dưới cằm ông Crepsley và những trò biểu diễn của nó, tôi lại tiếp tục tiến bước về rạp hát. Tôi không thể cắt nghĩa, vì sao con nhện đó quan trọng đối với tôi đến nỗi tôi phải liều mạng một cách hiểm nghèo như thế này, chỉ để mong chiếm được nó.

Ban ngày, cái rạp hát cũ kỹ, ọp ẹp trông còn dễ sợ hơn. Tôi nhìn rõ cả những vết nứt nẻ ngoài mặt tiền, hang chuột khắp nơi, màng nhện giăng đầy cửa sổ. Tôi rùng mình đi gấp ra phía sau. Những căn nhà bỏ trống, những mảnh sân đầy đồ phế thải, rác rến chất đống. Không thấy một bóng người. Có lẽ khi trời sáng hẳn mới có người sinh hoạt, nhưng lúc này, nơi đây như một thành phố ma. Không thấy đến cả một con chó hay một con mèo.

Đúng như tôi đã nghĩ, rất nhiều lối vào nhà hát. Hai cửa ra vào và rất nhiều cửa sổ. Ô tô nhỏ và xe tải đậu bên ngoài ngôi nhà, không có hình ảnh hay bảng tên nào, nhưng tôi biết chắc những xe này của gánh xiếc. Tôi giật mình chợt nghĩ, lỡ bọn họ đều ngủ trong xe và nếu một trong những xe đó là “nhà” của ông Crepsley thì kế hoạch của tôi sẽ bị thất bại.

Tôi lẩn ngay vào trong rạp, tôi cảm thấy còn lạnh lẽo hơn cả đêm thứ bảy. Nhón gót, tôi đi xuống một hành lang dài, tiếp tục qua hành lang khác, lại thêm hành lang khác nữa. Tôi như lạc vào một mê cung. Đáng lẽ tôi phải đem theo một cuộn dây, để đánh dấu lối trở ra.

Không có dấu vết của một quái nhân nào, có lẽ tất cả bọn họ đều ở trên xe hay một khách sạn nào gần đây. Tìm kiếm suốt hai mươi phút, chân tôi mỏi nhừ. Có lẽ tôi nên trở về và quên chuyện rồ dại này đi.

Ngay lúc định bỏ cuộc, tôi chợt thấy một cầu thang dẫn xuống hầm. Tôi cắn môi, đứng lặng hồi lâu, tự hỏi mình có nên xuống đó không. Tôi đã coi quá nhiều phim kinh dị, đủ để biết rằng, đây là nơi rất thích hợp cho sào huyệt của ma-cà-rồng. Nhưng tôi cũng đã từng thấy bọn chúng bị tấn công, bị giết và chặt ra từng mảnh khi những người hùng bước xuống một căn hầm tương tự như thế này.

Cuối cùng, tôi quyết định cởi bỏ giày, chỉ đi bít-tất để không gây tiếng động. Tôi lần xuống những bực thang. Chân tôi đạp lên rất nhiều xương vụn, nhưng vì quá lo lắng nên tôi không cảm thấy đau.

Một cái lồng lớn ngay dưới chân cầu thang. Nhìn qua song lồng, tôi thấy Người-sói đang nằm ngáy khò khò. Tôi lùi vội ra xa, khi Người-sói cựa mình rên rẩm. Nếu hắn thức giấc, hú lên, tất cả quái nhân sẽ chộp lấy tôi ngay.

Khi giật lùi, chân tôi chạm vào một vật vừa mềm vừa nhớt. Từ từ quay lại, tôi thấy cậu bé rắn nằm xoải trên sàn, hai mắt mở thao láo, con rắn cuốn quanh người. Không hiểu vì sao tôi không la lên hay ngất đi. Nhờ tôi đứng im thin thít như thế mà tôi thoát hiểm. Vì tuy mắt mở trừng trừng nhưng cậu ta ngủ rất say, nhịp thở sâu và đều.

Tôi nhìn quanh căn hầm tối một lần cuối, tự hứa nếu không thấy ông Crepsley, tôi sẽ trở về ngay. Suốt mấy giây tôi không thấy gì đáng chú ý, vừa định quay ra, tôi chợt thấy một vật giống như cái thùng lớn.

Nhưng không. Tôi quá rõ đó là cái gì. Đó là một chiếc quan tài.

Tôi rón rén lại gần. Chiếc quan tài dài chừng hai mét, rộng khoảng tám mươi phân. Mặt gỗ đen nhớp nháp. Rêu đóng từng mảng và một con gián đậu trên nắp hòm.

Thật tình tôi rất muốn kể là tôi đã can đảm mở nắp quan tài và dòm vào trong. Nhưng tôi đâu dám làm vậy. Chỉ nghĩ đến chuyện sờ vào nó, tôi đã dựng tóc gáy lên rồi.

Tôi đảo mắt tìm cái lồng nhốt quý bà Octa, vì tin chắc nó chỉ quanh quẩn đâu đây, gần chủ nhân của nó đang nằm trong quan tài. Đúng vậy, cái lồng để ngay trên sàn, bên cạnh đầu quan tài, phủ một tấm vải đỏ. Tôi liếc nhìn vào: con nhện đang nằm, bụng phập phồng, tám chân ngọ nguậy. Nhìn gần, trông nó còn khủng khiếp hơn. Ý nghĩ chạm vào những cái chân đầy lông lá và để nó bó sát mặt làm tôi khiếp đảm.

Nhưng đến nước này, chỉ một tên thật sự hèn nhát mới rút lui. Tôi xách cái lồng, đặt giữa hầm. Chìa khóa vẫn nằm trong ổ khóa. Một ống sáo buộc một bên nan lồng.

Tôi lấy lá thư đã viết từ đêm qua. Lá thư đơn giản nhưng tôi phải vất vả mấy tiếng đồng hồ mới xong. Tôi dán thư lên nắp quan tài.

Thưa ông Crepsley,

Tôi biết ông là ai và là cái gì. Tôi lấy và sẽ nuôi Octa. Đừng tìm kiếm. Đừng trở lại thị trấn này. Nếu không, tôi sẽ cho mọi người biết ông là ma-cà-rồng, ông sẽ bị săn đuổi và bị giết. Tôi không phải là Steve. Steve không biết chuyện này. Tôi sẽ săn sóc con nhện của ông đàng hoàng.

Tất nhiên là tôi không ký tên.

Nhắc đến tên Steve có lẽ không là một ý hay. Nhưng chắc chắn ông ta nghi ngờ nó, vì vậy tốt hơn là cho ông ta biết một cách rõ ràng, nó không liên quan đến vụ này.

Xong việc, tôi xách lồng chạy vội lên thang (rất nhẹ nhàng). Tôi xỏ giày rồi tìm lối ra, dễ dàng hơn tôi tưởng. Vì ngoài hành lang sáng hơn dưới hầm nhiều. Ra tới bên ngoài, tôi đi vòng ra mặt tiền rạp hát, rồi chạy một mạch về nhà, bỏ lại phía sau: rạp hát, ma-cà-rồng và nỗi sợ của tôi. Bỏ lại tất cả, trừ quý bà Octa.

CHƯƠNG MƯỜI TÁM

Tôi về nhà trước khi ba má thức dậy khoảng hai mươi phút. Giấu lồng nhện vào một góc tủ áo, tôi phủ lên trên một đống áo quần, nhưng thận trọng chừa khoảng trống cho quý bà Octa thở. Con nhện sẽ được an toàn tại đây, vì việc dọn phòng má để tôi tự lo, bà ít khi lục soát phòng riêng của tôi lắm.

Tôi chui vào giường giả bộ ngủ. Ba gọi tôi lúc tám giờ thiếu mười lăm. Tôi thay quần áo, vừa xuống thang vừa vươn vai ngáp, như vừa thức dậy.

Ăn sáng vội vàng, rồi tôi chạy lên lầu thăm bà Octa. Con nhện nằm ngay đơ từ lúc tôi trộm nó về. Tôi lắc nhẹ cái lồng, nhưng nó vẫn không nhúc nhích.

Tôi chỉ muốn ở nhà để thăm dò con nhện. Nhưng không thể. Chuyện giả bệnh để nghỉ học khó lòng qua khỏi cặp mắt của má tôi.

Ngày hôm đó dài lê thê như cả tuần. Mỗi giây chậm chạp trôi như một giờ. Thậm chí giờ nghỉ ăn trưa hình như cũng kéo dài hơn thường lệ. Tôi chơi bóng đá như đứa mất hồn. Trong lớp, tôi mất tập trung, ngơ ngơ trả lời những câu hỏi đơn giản nhất cũng không xong!

Sau cùng, cũng đến giờ tan trường. Tôi chạy như bay về nhà và lên thẳng phòng riêng.

Quý bà Octa vẫn nằm im một chỗ. Tôi đã sợ là nó chết rồi, nhưng thấy bụng nó vẫn phập phồng thở. Rồi tôi giật mình chợt nhớ: nó đói. Trước đây tôi đã từng thấy những con nhện nằm đờ ra cả ngày chờ được cho ăn.

Không biết nó ăn gì, nhưng tôi đoán, chắc nó không ăn những món ăn như những con nhện bình thường khác. Tôi chạy xuống bếp, vơ vội một cái bình không, rồi vọt ngay ra vườn.

Nhặt ruồi chết, bắt mấy con côn trùng và đào mấy con giun lớn, rồi tôi giấu cái lọ trong áo. Nếu má nhìn thấy sẽ đặt ra cả ngàn câu hỏi.

Trở lại phòng, tôi đóng cửa, chặn thêm một cái ghế, rồi xách lồng nhện đặt lên giường và mở tấm vải ra.

Con nhện lim dim mắt, thụp người xuống vì nguồn sáng thình lình. Vừa định mở cửa lồng để bỏ đồ ăn vào, tôi mới nhớ ra: mình đang “giao du” với một con nhện độc. Chỉ vài cú cắn của nó là mình chết đứ đừ.

Lấy từ trong lọ ra một con châu chấu còn sống, thả qua nan lồng. Con châu chấu nằm ngửa, ngo ngoe mấy cái chân, rồi lật sấp lại, tìm đường thoát ra khỏi lồng.

Nhanh như cắt, con nhện chộp con mồi, nanh nhe ra.

Nó nuốt gọn con châu chấu. Nếu là một con nhện bình thường, miếng mồi này sẽ được tiêu thụ vài ngày mới hết. Nhưng với quý bà Octa, con châu chấu này chẳng thấm thía gì, chỉ là món khai vị nhẹ nhàng. Con nhện nhìn tôi như bảo: “Được đấy. Còn món chính đâu?”

Tôi cho nó ăn hết côn trùng trong lọ. Con giun lớn vặn vẹo, trườn mình, tranh đấu quyết liệt. Nhưng những cái nanh của bà Octa xé nó ra làm hai, rồi làm bốn khúc. Hình như con nhện khoái khẩu nhất món này.

Tôi lấy ra cuốn nhật ký dưới nệm giường. Đây là tài sản quý nhất của tôi. Tôi ghi chép tất cả mọi chuyện, để có thể viết nên cuốn sách này. Dù tôi nhớ hầu hết những gì xảy ra, nhưng nếu khi nào bị bí, tôi chỉ việc mở nhật ký, kiểm tra lại các sự việc.

Tôi lật trang cuối, ghi lại tất cả những điều tôi biết về bà Octa: những gì ông Crepsley nói về nó, những trò nó biểu diễn, món ăn nó thích. Tôi đánh một dấu bên món nó thích. Hai dấu bên món nó khoái khẩu nhất (Lúc này tôi mới chỉ biết đó là món giun). Bằng cách này, tôi sẽ biết cách cho nó ăn và dùng đồ ăn để bắt nó làm trò theo ý của tôi.

Sau đó, tôi lấy trong tủ lạnh ra một ít phô-ma, thịt dăm-bông, rau xà-lách. Nó tém gọn hết ráo. Điệu này chắc tôi sẽ phải tất bật lo ăn cho quý bà xấu xí này khá vất vả đây.

Đêm thứ ba, với tôi, thật là kinh khủng. Tôi luôn tự nhủ, ông Crepsley nghĩ gì khi thức dậy, phát hiện ra con nhện bị mất và lá thư dán trên nắp quan tài. Ông ta rời thành phố theo lời tôi, hay đang tìm kiếm con vật cưng của mình? Hoặc ông ta và con nhện có khả năng nói với nhau bằng thần giao cách cảm, và ông ta đang lần mò tới nhà tôi?

Tôi ngồi hàng giờ trên giường, ôm khư khư cây thánh giá sát ngực. Trong phim tôi thấy người ta làm thế này và rất hiệu quả. Nhưng có lần Steve bảo là chẳng ăn thua gì đâu.

Sau cùng, tôi thiếp ngủ vào khoảng hai giờ sáng. Nếu ông Crepsley xuất hiện, tôi hoàn toàn chẳng biết gì. Nhưng khi tôi thức dậy sáng hôm sau, không thấy dấu vết nào chứng tỏ ông ta đã đến phòng tôi và quý bà Octa vẫn ngủ yên trong tủ áo.

Ngày thứ tư tôi đã cảm thấy thoải mái hơn, nhất là khi rảo ngang rạp hát sau buổi học, tôi thấy xe cộ của gánh xiếc không còn đó nữa. Họ đã dọn đi rồi!

Để ăn mừng, tôi mua một cái bánh pizza, thịt dăm bông và bắp rang. Ba má hỏi nhân dịp đặc biệt gì đây. Tôi bảo chỉ muốn thay đổi món ăn thôi. Không ai hỏi gì thêm nữa.

Con nhện tỏ ra rất khoái khi tôi cho nó một mẩu bánh. Nó chạy quanh lồng, liếm láp từng mẩu vụn. Tôi ghi ngay vào nhật ký: “Món khoái khẩu đặc biệt: pizza.”

Trong mấy ngày sau, tôi tập cho nó quen với nhà mới. Tôi xách lồng đi quanh phòng, để nó nhìn từng ngóc ngách. Tôi không muốn nó bị bối rối khi được cho ra khỏi lồng.

Tôi luôn chuyện trò với nó, kể cho nó nghe về tôi, gia đình và căn nhà. Tôi nói với nó là tôi rất khâm phục và ái mộ nó, tôi cũng bảo cho nó biết những món ăn tôi sẽ đem về cho nó và những trò chúng tôi sẽ cùng biểu diễn. Dường như nó hiểu, tuy không hiểu tất cả những gì tôi nói.

Thứ năm và thứ sáu, sau giờ học, tôi vào thư viện trường, tìm đọc tất cả những sách về loài nhện. Còn quá nhiều điều tôi chưa biết. Chẳng hạn như chúng có thể có đến tám con mắt, và tơ của chúng là một chất nhựa lỏng, khi ra không khí mới rắn lại dần. Nhưng không cuốn sách nào đề cập tới một con nhện diễn viên và có khả năng thần giao cách cảm. Tôi không thể tìm thấy một hình ảnh nào giống con nhện của tôi. Hình như chưa tác giả nào được nhìn thấy một con nhện giống như quý bà Octa. Octa là một sinh vật độc nhất vô nhị!

Thứ bảy tới rồi! Tôi quyết định đã đến thời điểm cho con nhện ra khỏi lồng và làm thử vài trò. Tôi đã tập và có thể thổi ống sáo được một vài nốt đơn giản. Vấn đề gay go nhất là truyền tư tưởng cho nó trong khi thổi sáo. Nhưng tôi có cảm tưởng là mình sẽ làm được.

Tôi đóng hết cửa sổ và cửa ra vào. Lúc này là chiều thứ bảy. Ba chưa đi làm về, má và Annie đi mua sắm. Chỉ một mình tôi ở nhà, nếu có chuyện không hay xảy ra, lỗi tôi, một mình tôi gánh chịu.

Tôi đặt cái lồng giữa sàn. Từ đêm hôm qua tôi chưa cho nó ăn gì. Tôi đoán, nó không chịu làm trò gì, nếu nó kềnh bụng. Vật cũng như người, no bụng là trở nên lười biếng lắm.

Mở tấm vải phủ lồng, tôi vặn khóa, rồi mở cái cửa bé tí xíu. Sáo đặt trên môi, tôi thu mình sát sàn để con nhện có thể nhìn thấy tôi.

Quý bà Octa bất động một lúc, rồi bò tới cửa lồng. Ngừng lại, đánh hơi. Nó có vẻ quá mập để lách qua khỏi cửa. Tôi nghĩ là mình đã bồi dưỡng nó hơi quá đáng. Nhưng rồi nó cũng thu mình, chui ra được.

Ngồi trên thảm, cái bụng bự của nó luôn phập phồng. Tôi tưởng nó sẽ dạo quanh quan sát căn phòng, nhưng nó không tỏ ra chút dấu hiệu nào quan tâm đến chung quanh.

Đôi mắt con nhện chỉ gắn chặt vào tôi.

Tôi nuốt ực nước bọt, cố gắng không để nó nhận ra là tôi đang sợ. Tôi cũng phải khó khăn mới kềm nổi mình run rẩy và bật ra một tiếng kêu. Ống sáo rời khỏi môi, dù tôi vẫn giữ chặt trong tay. Vừa lom lom nhìn con nhện tôi vừa khẽ khàng đặt lại ống sáo lên miệng thổi.

Đúng lúc đó nó hành động. Nó nhảy vọt lên, bay tới trước, hàm há hốc, nanh nhe ra, những cái chân đầy lông quơ quào trong khoảng không và… phóng thẳng vào mặt tôi.

CHƯƠNG MƯỜI CHÍN

Nếu nó phóng trúng đích, những cái nanh đã phập sâu vào mặt tôi và tôi đã chết rồi! Nhưng tôi đã may mắn, con nhện dội mạnh vào đầu ống sáo, văng mình sang một bên. Nó rơi lên quả bóng, choáng váng vài giây.

Tranh thủ từng giây, tôi vội vàng thổi sáo như điên. Miệng tôi khô ran, nhưng tôi thổi không ngừng nghỉ, không dám ngừng lại liếm môi.

Quý bà Octa ngẩng đầu lắng nghe. Nó vung vẩy những cái chân, nghiêng ngả thân mình như say rượu. Tôi lén hít thở, rồi bắt đầu nhè nhẹ thổi để hà tiện hơi.

Tôi nhắm mắt, tập trung nói trong đầu:

- Tên ta là Darren Shan. Ta đã từng nói rồi, nhưng không biết mi có nghe không? Ta là chủ nhân mới của mi. Ta sẽ cư xử rất tốt với mi và cho mi ăn toàn món ăn hảo hạng. Nhưng mi phải ngoan ngoãn làm theo những gì ta bảo và, nhất là, không được tấn công ta.

Con nhện ngừng nghiêng ngả, trừng trừng nhìn tôi. Tôi không biết là nó đã hiểu ý nghĩ tôi hay đang tính kế phóng lên tấn công lần nữa. Tôi bảo:

- Ta muốn mi đứng lên bằng hai chân sau. Đứng lên bằng hai chân sau và cúi thấp đầu xuống.

Nó không nhúc nhích. Tôi tiếp tục yêu cầu, ra lệnh rồi năn nỉ. Đến lúc tôi sắp hụt hơi, nó vươn mình, đứng dựng bằng hai chân sau. Rồi hơi cúi đầu đợi lệnh.

Nó đã làm theo ý tôi!

Lệnh tiếp theo, tôi bảo nó bó trở vào lồng. Nó làm theo. Lần này tôi chỉ phải nghĩ trong đầu một lần thôi.

Tôi đóng cửa, nằm vật ra sàn. Cú sốc khi nó phóng lên mặt, vẫn còn làm tim tôi rối loạn. Tôi cứ nằm như thế nhìn con nhện mà nghĩ cái chết đã cận kề tôi đến thế nào. Nếu nó không phóng mình trúng cây sáo, khi má trở về đã nhìn thấy xác tôi rồi. Và khi đó có thể nó sẽ tấn công cả ba, má và em Annie.

Đóng kín cửa, giam mình trong phòng với một sinh vật nguy hiểm như thế, thật là đại ngu ngốc.

Nhưng tôi không thể ngừng lại được nữa. Trái lại, tôi còn muốn đi xa hơn. Chẳng lẽ vượt bao gian nguy mới có được nó, bây giờ chỉ để nhốt nó trong cái lồng kia.

Lần này tôi khôn hơn một chút. Tôi mở khóa, nhưng không mở cửa. Vừa thổi sáo, tôi vừa ra lệnh cho nó tự mở. Nó làm theo đúng ý tôi, và khi ra ngoài, nó hiền lành vô hại như một chú miu con.

Tôi bảo nó làm đủ trò. Nhảy quanh phòng như một con kăng-gu-ru; thả mình từ trần xuống; dệt những bức họa bằng tơ; nâng tạ (bằng cây bút, hộp diêm, hòn bi). Rồi tôi bảo nó ngồi lên một ô-tô đồ chơi, điều khiển từ xa. Khi tôi cho xe chạy, trông cứ như quý bà Octa đang phom phom lái xe rất điệu nghệ.

Tôi chơi đùa với nó cả giờ và còn muốn tiếp tục suốt buổi chiều. Nhưng nghe tiếng má đã về, tôi vội đưa bà Octa trở lại tủ và chạy xuống thang tỉnh bơ như không có chuyện gì.

Má và Annie đang mở bốn gói đầy mũ nón và quần áo. Má hỏi:

- Con đang nghe nhạc hả?

- Dạ, không.

- Hình như má nghe tiếng nhạc mà.

- Con thổi sáo.

- Hả? Thổi sáo?

- Con biết thổi mà. Má nhớ không, má dạy con thổi từ hồi con năm tuổi?

Má tôi cười lớn:

- Nhớ chứ. Má cũng nhớ là năm lên sáu, con bảo chỉ tụi con gái mới thổi sáo. Con còn thề là không bao giờ thèm ngó tới một cây sáo nữa.

Tôi nhún vai, ra điều “đó là chuyện nhỏ”:

- Con đổi ý rồi. Hôm qua, đi học về con nhặt được cây sáo, nên thử xem còn nhớ cách thổi không.

- Con nhặt được ở đâu?

- Trên đường.

- Có rửa kỹ trước khi đưa lên miệng không đó?

- Rửa chứ ạ.

Tôi nói dối. Má tôi mỉm cười vò đầu và hôn lên má tôi, ướt nhẹt. Tôi kêu lên:

- Đừng mà. Má kỳ quá.

- Ba má sẽ khơi dậy trong con một thiên tài âm nhạc. Ngay từ bây giờ má đã tưởng như thấy con, trong bộ lễ phục thật đẹp, chơi dương cầm trong một phòng hòa nhạc vĩ đại. Ba má ngồi trên hàng ghế đầu…

- Tỉnh lại đi, má ơi! Chỉ là một cây sáo vớ vẩn thôi mà.

- Từ những mầm nhỏ, những cây sồi lớn lên.

Con Annie được dịp chọc quê tôi:

- Trông anh ấy lù lù như cây sồi thật đấy.

Tôi thè lưỡi trợn mắt với nó.

Mấy ngày sau đó thật tuyệt vời. Khi nào có thể, tôi lại chơi đùa với quý bà Octa. Mỗi buổi chiều tôi cho nhện ăn (nó đã lớn, chỉ cần mỗi ngày một bữa thôi). Tôi không phải khóa cửa phòng nữa, vì ba má hứa sẽ không bước vào khi tôi tập sáo.

Tôi muốn chia sẻ bí mật với Annie, nhưng quyết định để thêm một thời gian nữa. Chỉ khi nào tôi cảm thấy thật an toàn, tôi sẽ cho nó biết. Tuần lễ đó từ việc học tới chuyện đá bóng tôi đều tiến bộ. Trong vòng từ thứ hai tới thứ sáu tôi cho thủ môn đối phương vào lưới nhặt bánh hai mươi lăm lần. Kể cả thầy Dalton cũng phải… xúc động! Thầy nói:

- Với những điểm tốt trong lớp và sự dũng mãnh ngoài sân cỏ, em sẽ trở thành một cầu thủ nhà nghề kiêm giáo sư đại học đầu tiên. Một sự phối hợp tuyệt vời giữa danh thủ Pele và nhà bác học Einstein.

Ghê chưa! Tôi biết là thầy lên dây cót tinh thần cho tôi thôi, nhưng nghe cũng… sướng.

Phải mất một thời gian lấy đủ can đảm để có thể cho Octa bò từ mình lên tới đầu tôi. Và tôi quyết định thử màn này vào một buổi chiều thứ sáu. Tôi thổi một bài sáo hay nhất, và lập đi lập lại nhiều lần những điều tôi muốn nó làm. Khi nghĩ là hai chúng tôi đã sẵn sàng, tôi gật đầu ra dấu. Con nhện bắt đầu leo lên ống quần tôi.

Mọi chuyện đều tốt đẹp cho đến khi nó chạm vào da cổ tôi. Cảm giác gây ra bởi những cái chân khẳng khiu, lông lá làm tôi suýt làm rơi cây sáo. Nó đang ở một nơi rất hoàn hảo để thọc sâu những cái nanh vào mạch máu cổ tôi.

Nó bò từ tai trái lên đỉnh đầu tôi, rồi chễm chệ ngồi trên đó. Da đầu tôi ngứa như điên, nhưng tôi không dám gãi. Nhìn vào gương, tôi thấy con nhện như một cái mũ nồi.

Tôi điều khiển cho nó trườn xuống mặt và đánh đu trước mũi tôi với một sợi tơ. Tôi không để nó chui vào miệng, nhưng đong đưa qua lại, như nó đã từng biểu diễn với ông Crepsley, và gãi cằm tôi bằng những cái chân.

Tôi không dám để nó ngó ngoáy lâu mấy cái chân dưới cằm, vì sợ sẽ phì cười làm rơi ống sáo.

Đêm thứ sáu đó, khi đặt nó lại vào lồng, tôi cảm thấy mình như một ông vua, như suốt đời tôi mọi chuyện sẽ hoàn toàn tốt đẹp. Tôi đang tiến bộ từ việc học tới thể thao. Tôi có một con vật cưng mà bất cứ đứa trẻ nào cũng phải ao ước. Dù trúng số độc đắc hay làm chủ một xưởng bánh kẹo, tôi cũng không thể sung sướng hơn thế này.

Tôi sung sướng cho đến khi, mọi chuyện trở nên tồi tệ, cả thế giới sụp đổ quanh tôi.

CHƯƠNG HAI MƯƠI

Steve ghé thăm tôi vào xế chiều thứ bảy. Suốt tuần qua chúng tôi ít khi chuyện trò cùng nhau. Tôi rất ngại khi phải gặp nó. Má mở cửa cho nó rồi kêu tôi xuống. Tới nửa cầu thang, tôi ngừng lại, gọi nó lên lầu.

Nó ngắm quanh phòng tôi, cứ như cả mấy tháng nay nó không hề đến đây, bảo:

- Tao gần như chẳng nhớ phòng mày ra sao nữa.

- Quên đi. Giả nai hoài. Mấy tuần trước thằng nào ở đây?

Ngồi xuống giường, nhìn tôi rầu rầu, nó nhẹ nhàng hỏi:

- Vậy mà cứ như lâu lắm rồi. Tại sao cậu cứ tránh mặt tớ?

- Cậu nói gì vậy?

- Hai tuần qua cậu luôn lẩn tránh mình. Lúc đầu mình không nhận ra, nhưng mỗi ngày cậu càng xa cách mình. Thậm chí, thứ năm vừa qua, khi chơi bóng rổ, cậu cũng không thèm chọn mình ra sân.

- Cậu đánh bóng rổ ẹ thấy mồ…

Một lời bào chữa rất “ngố”, nhưng tôi chẳng tìm được câu nào khá hơn. Nó lại nói:

- Lúc đầu mình thắc mắc, chẳng hiểu vì sao. Nhưng rồi mình đoán ra, cậu không bị lạc hôm đi xem xiếc về, đúng không? Có thể cậu quanh quẩn trong rạp, lên ban-công và… đã thấy chuyện xảy ra giữa mình và Vur Horston.

- Tớ chẳng thấy cóc khô gì hết.

- Không sao?

- Không.

- Không thấy gì hết?

- Không.

- Không thấy mình nói chuyện với Vur Horston?

- Không.

- Cậu cũng không…

- Nè, Steve. Bất cứ chuyện gì xảy ra giữa cậu và ông Crepsley là chuyện của cậu. Tớ đã không ở đó, không thấy, không nghe, không biết cậu đang nói cái khỉ gì. Bây giờ nếu…

- Đừng nói dối mình, Darren.

- Mình không nói dối.

- Vậy tại sao cậu biết mình đang nói về ông Crepsley? Mình đang nhắc tới cái tên Vur Horston mà.

Tôi ú ớ:

- Vì… vì…

- Trừ khi có mặt tại đó, cậu mới biết Vur Horston và Laren Crepsley là một.

Tôi ngồi xuống bên nó, xuội lơ:

- Thôi được, mình thú thật, lúc đó mình ở trên ban-công.

- Cậu đã nghe và thấy những gì?

- Tất cả. Chỉ trừ khi ông ta hút máu cậu và thì thầm quá nhỏ.

Steve thở dài:

- Đó là lý do cậu lảng tránh mình? Vì ông ta bảo mình là ma quỷ?

- Một phần thôi. Cái chính là vì cậu đã năn nỉ ông ta làm cậu thành ma-cà-rồng. Nếu ông ta biến cậu thành ma-cà-rồng thì chuyện gì sẽ xảy ra? Cậu sẽ tấn công mình, phải không? Vì ma-cà-rồng tấn công những người quen biết trước tiên, đúng không nào?

- Đó là chuyện trong phim, trong sách thôi. Còn đây là đời sống thật. Làm sao mình nỡ hại cậu, Darren?

- Làm sao mình biết được? Vấn đề là mình không muốn làm bạn với cậu nữa. Cậu có thể là một hiểm họa. Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu cậu gặp một ma-cà-rồng khác, sẵn sàng đáp ứng ước vọng của cậu? Hoặc là ông Crepsley nói đúng, cậu là ma quỷ và…

Steve vật tôi xuống giường, ngồi lên ngực tôi. Nó xòe mấy ngón tay bấu mặt tôi, gào lớn:

- Tao không phải ma quỷ. Rút lại lời nói đó ngay, nếu không tao vặn đứt cổ mày.

- Xin lỗi, xin lỗi. Tao không nói thế nữa.

Tôi cũng hoảng hồn la hét. Thân hình nó đè nặng trên ngực, mặt nó đỏ bừng giận dữ, làm sao tôi không phát khiếp lên được.

Nó cứ ngự trên ngực tôi như thế đến mấy giây, rồi mới chịu lăn xuống giường. Tôi ngồi dậy, thở hổn hển, tay xoa mặt. Steve lẩm bẩm nói:

- Xin lỗi, tao quá tay. Nhưng chỉ vì những lời lão Crepsley nói, mà mày lơ là, lảng tránh tao, làm tao đau lòng quá. Darren, mày là bạn thân nhất của tao, người duy nhất tao có thể kể lể, chuyện trò. Nếu mày cắt đứt tình bạn của chúng mình, tao sẽ không biết phải làm sao.

Nó bật khóc. Tôi ngồi nhìn nó, vừa thương vừa sợ. Nhưng rồi tôi cảm thấy thương nó hơn. Tôi quàng tay ôm vai nó, nói:

- Ổn rồi, Steve. Tao vẫn là bạn mày. Thôi nào, đừng khóc nữa, Steve.

Nó sụt sịt một lúc rồi bảo:

- Trông tao giống thằng khùng quá hả?

- Tao mới khùng. Tao là thằng hèn. Đáng lẽ tao phải luôn ở bên mày, đáng lẽ tao phải nghĩ đến những gì mày đang phải chịu đựng. Nhưng tao chỉ nghĩ đến mình, nghĩ đến quý bà…

Thấy tôi chợt im bặt, Steve tò mò hỏi:

- Cậu định nói gì?

- Không. Mình lỡ lời thôi.

- Cậu nói dối dở lắm, Shan. Có chuyện gì, nói cho mình biết đi.

Tôi nhìn nó, tự hỏi có nên cho nó biết không. Biết là không nên, vì sẽ đem lại nhiều rắc rối. Nhưng tôi tội nghiệp Steve quá. Hơn nữa, tôi cần có người để kể, để khoe con vật cưng tuyệt vời của mình và những trò biểu diễn của chúng tôi. Tôi hỏi Steve:

- Cậu có giữ được bí mật không?

- Tất nhiên.

- Đây là một chuyện rất quan trọng. Không được cho bất kỳ ai biết. OK? Chỉ hai đứa mình thôi, nếu cậu nói…

- Nếu mình tiết lộ bí mật của cậu, cậu sẽ tiết lộ bí mật của tớ vụ ông Crepsley. Được chưa? Nhưng chuyện gì mà có vẻ bí mật khiếp thế?

- Khoan đã.

Tôi mở cửa phòng, gọi lớn:

- Má ơi!

- Hả?

- Con dạy Steve thổi sáo. Đừng ai quấy rầy tụi con nghe, má.

- Yên tâm.

Tôi khép cửa, cười với Steve. Nó ngẩn ngơ hỏi:

- Sáo? Bí mật lớn của cậu đó hả?

- Một phần thôi. Cậu có nhớ Quý bà Octa, con nhện của ông Crepsley không?

- Nhớ chứ. Mình không chú ý lắm tới nó, nhưng ai có thể quên được một sinh vật như thế. Những cái chân lông lá của nó khiếp thật.

Trong khi nó nói, tôi đến mở tủ áo, lấy ra cái lồng. Nó lim dim nhìn, rồi hai mắt trợn tròn xoe:

- Không… không phải là cái vật mình đang nói đấy chứ?

Tôi mở tấm vải:

- Tùy. Nếu cậu coi đây là một con nhện diễn viên kinh khủng, thì… cậu đúng.

- Thánh thần ôi! Ở đâu… mà cậu… Ôi! Trời đất!

Khoái trá vì phản ứng của Steve, tôi đứng bên cái lồng mỉm cười như một ông bố đang hãnh diện. Quý bà Octa nằm im lìm, không thèm quan tâm gì tới tôi và thằng Steve.

Steve bò lại gần, nhìn cho rõ:

- Ghê quá! Giống hệt con nhện của gánh xiếc. Cậu kiếm được ở đâu vậy? Cửa hàng bán thú cảnh hay sở thú?

Nụ cười của tôi biến mất:

- Mình… lấy trong Gánh Xiếc Quái Dị.

Nó nhăn mặt, hỏi:

- Gánh xiếc? Họ bán cả nhện sống à? Sao tớ không thấy? Bao nhiêu?

- Mình… không mua. Steve, cậu không đoán, không hiểu gì sao?

- Hiểu gì?

- Đây không phải là con nhện “giống như” con nhện cậu đã thấy. Mà… mà chính là nó đấy. Quý bà Octa.

Steve, nhìn tôi lom lom như chưa hiểu tôi nói gì, tôi vừa định lập lại, nó bật hỏi, giọng run rẩy:

- Đây chính là… con nhện đó?

- Đúng.

- Cậu bảo đây là quý bà Octa của gánh xiếc?

- Đúng.

- Là con nhện của ông Crepsley?

- Steve, cậu sao vậy? Đã bao nhiêu lần mình nói…

- Khoan. Nếu thật sự đây là quý bà Octa. Làm cách nào cậu có được? Cậu nhặt được ngoài đường? Hay họ bán cho cậu?

- Không ai dại dột bán một con nhện khổng lồ như thế này.

- Tớ cũng nghĩ thế. Vậy thì, bằng cách nào cậu…

Tôi hãnh diện nói:

- Mình ăn trộm. Sáng thứ ba, mình lẻn vào rạp hát, tìm thấy cái chuồng nhện, mình xách và chuồn ngay. Mình để lại cho ông Crepsley một lá thư, cho ông ta biết, nếu cố tình tìm kiếm quý bà Octa, mình sẽ báo cảnh sát ông ta là ma-cà-rồng.

Steve thở gấp, mặt nó nhợt nhạt như sắp bị ngất đi. Nó lắp bắp:

- Mày… mày…

- Cậu làm sao vậy?

Nó gào lên:

- Mày khốn nạn! Đần độn! Điên khùng!

- Ê…

- Đồ con bò, con lợn ngu ngốc! Mày không biết là mày đã làm gì sao? Mày không có một chút ý nghĩ nào là mày đang kẹt vào chuyện đầy nguy hiểm à?

- Hả?

- Mày ăn cắp con nhện của một ma-cà-rồng. Mày nghĩ lão ta sẽ làm gì khi bắt được mày? Đét đít mày? Hay mách ba má để phạt mày không cho đi chơi? Mày phải nhớ, chúng mình đang nói về ma-cà-rồng. Lão ta sẽ móc họng mày ra, xé mày thành từng mảnh nhỏ làm thức ăn cho nhện…

Tôi bình tĩnh ngắt lời nó:

- Không. Ông ta đâu dám đi tìm kiếm tao. Tao chôm con nhện hôm thứ ba tuần trước nữa. Cả gần hai tuần rồi, có gì đâu nào. Ông ta đi cùng gánh xiếc rồi và không trở lại nữa đâu.

- Làm sao biết được. Ma-cà-rồng thù dai lắm. Lão có thể trở lại khi mày lớn lên và có cả bầy con rồi.

- Tới lúc đó sẽ tính. Nhưng bây giờ thì tao hết lo rồi. Thật tình, tao tưởng không làm nổi chuyện đó. Tao cứ nghĩ thế nào cũng bị hắn tóm được và giết chết. Nhưng tao đã thành công. Đừng chửi tao nữa, được không?

Steve phì cười, lắc đầu:

- Nể cậu thật. Mình cứ tưởng mình gan lì, nhưng ăn cắp con vật cưng của một ma-cà-rồng thì chẳng bao giờ mình dám nghĩ tới. Nhưng vì sao cậu làm vậy?

- Nhìn nó biểu diễn, mình mê quá. Mình biết phải có được nó bằng bất cứ giá nào. Rồi sau khi phát hiện ông Crepsley là ma-cà-rồng, mình thấy là có thể hăm dọa ông ta. Mình biết việc làm của mình là không đúng, nhưng ông ta là ma-cà-rồng, hành động của mình cũng không đáng trách lắm. Chôm đồ của một kẻ ác, cũng là một hành động tốt, phải không?

Steve cười lớn:

- Tớ cóc biết là tốt hay xấu. Tớ chỉ biết một điều, nếu lão trở lại tìm con nhện, tớ không muốn dính chùm với cậu đâu.

Nó cúi sát cái lồng hơn (nhưng không quá gần để bà Octa có thể tấn công), ngắm nghía cái bụng to đùng đang phập phồng lên xuống. Nó hỏi:

- Có khi nào cậu thả nó ra chưa?

- Mỗi ngày.

Tôi cầm ống sáo lên thổi một nốt. Quý bà Octa phóng tới mấy phân. Thằng Steve hoảng hốt, bật ngửa ra sàn làm tôi cười rú lên thích thú. Nó hổn hển hỏi:

- Cậu điều khiển được nó à?

- Mình có thể bắt nó làm đủ thứ như ông Crepsley. Cũng dễ thôi. Nó rất an toàn khi cậu tập trung tư tưởng. Nhưng cậu hơi lơ đễnh, dù chỉ một giây, là…

Tôi dí ngón tay vào cổ họng và “hự” một tiếng. Mắt Steve sáng lên khi hỏi:

- Cậu có để nó giăng tơ trên môi không?

- Chưa. Tớ ớn cho nó bò vào trong miệng quá. Cứ nghĩ nó chui tọt vào họng là tớ phát khiếp. Hơn nữa, cần phải có một người cộng tác, trong khi nó ở trong miệng tớ. Cho đến lúc này tớ vẫn chỉ làm một mình.

- … đến lúc này, cậu sẽ không một mình nữa.

Steve tươi cười vỗ tay, đứng dậy.

- Nào, dạy tớ cách sử dụng cài còi bé tí xíu này đi. Tớ cóc sợ cho con nhện vào miệng đâu. Nào, bắt đầu, bắt đầu, BẮT ĐẦU.

Nhìn nó hí hửng như vậy, làm sao tôi từ chối được. Nhưng tôi bảo nó:

- Cậu chưa chơi trò này bằng sáo được, phải tập chứ. Nhưng bây giờ cậu có thể chơi với con nhện, trong khi tớ điều khiển nó.

Tôi cắt nghĩa cho nó hiểu tất cả các trò tôi sẽ làm và dặn dò thật kỹ:

- Im lặng là sống. Đừng nói một tiếng nào. Vì nếu cậu làm tớ mất tập trung, tớ sẽ không điều khiển được nó đâu.

- Hiểu, hiểu rồi. Tớ sẽ câm như đá, cậu đừng lo.

Khi Steve đã sẵn sàng, tôi mở cửa lồng và bắt đầu thổi sáo. Con nhện tiến ra theo lệnh tôi. Tôi nghe Steve hít một hơi dài: nó hơi hoảng, vì lúc này con nhện đã ra khỏi lồng. Nhưng nó không ra dấu bảo tôi ngừng trò này lại, Nên tôi tiếp tục để quý bà Octa bắt đầu biểu diễn những tiết mục thường lệ.

Trong hai tuần vừa qua tôi và con nhện càng lúc càng hiểu nhau nhiều hơn. Nó đã quen với những ý nghĩ của tôi, đã có thể thi hành lệnh, trước khi tôi chấm dứt truyền những ý nghĩ trong đầu cho nó. Tôi khám phá ra là nó hiểu rất mau những chỉ thị ngắn gọn nhất: tôi chỉ phải sử dụng vài từ là nó hành động ngay.

Steve hoàn toàn im lặng xem màn trình diễn. Thỉnh thoảng, hứng chí quá, nó suýt vỗ tay. Nhưng chợt nhớ ra, nó chỉ đưa ngón cái lên, miệng tròn ra cố để tôi hiểu những lời tán tụng: “Tuyệt vời! Quái chiêu!”.

Đến lúc Steve có thể tham gia, tôi gật đầu ra dấu. Nó gật lại, rồi nhẹ đứng dậy, tiến lên mấy bước. Nó trùng gối xuống, chờ đợi.

Tôi chuyển qua những âm thanh mới và đưa ra một loạt lệnh cho con nhện. Quý bà Octa lắng nghe. Khi hiểu tôi muốn gì, nó lù lù tiến lại Steve. Tôi thấy Steve rùng mình, liếm môi. Tôi đã định ngừng lại và bắt con nhện trở vào lồng, nhưng thấy thằng bạn tôi bình tĩnh lại và không rùng mình nữa, tôi tiếp tục.

Nó chỉ thoáng rùng mình, khi con nhện bắt đầu leo lên ống quần. Đó là chuyện bình thường. Đôi khi tôi cũng có phản ứng như vậy, khi lông chân con nhện chạm vào da.

Steve tỏ ra rất hào hứng, tôi cũng vậy. Vì bây giờ có thêm nó, chúng tôi sẽ có thể bầy thêm rất nhiều trò.

Con nhện đang ở trên vai Steve, sửa soạn trườn mình xuống cánh tay nó. Ngay lúc đó cửa mở và Annie bước vào.

Annie chưa bao giờ vào mà không gõ cửa trước. Nhưng tối đó, thật quá bất hạnh, nó xông ngay vào phòng, nói lớn:

- Darren, anh có thấy…

Nhìn con quái vật trên vai Steve đang nhe nanh như sắp cắn, Annie kêu thét lên.

Tiếng thét làm tôi giật mình, quay lại, cây sáo rơi khỏi miệng và sự tập trung bị ngắt đoạn. Quý bà Octa, lắc mạnh đầu, tiến gần hơn tới cổ họng Steve, nhe nanh như cười. Steve la lên, khiếp đảm. Nó vội vàng phủi con nhện. Con nhện né được. Tay nó chưa kịp chạm vào con nhện lần thứ hai, quý bà Octa cúi đầu, lẹ như một con rắn, cắm ngập những cái nanh độc vào cổ của Steve!

CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT

Ngay khi bị con nhện cắn, Steve cứng đờ người. Tiếng kêu của nó tắc nghẹn trong cổ họng, môi nó thâm tím, mắt mở đứng tròng. Trong mấy giây dài như vô tận đó, nó loạng quạng rồi đổ sụp xuống như một con chim trúng tên.

Nhưng cái ngã đó đã cứu nó. Cũng như con dê trong màn trình diễn, cú cắn đầu tiên không giết chết ngay Steve. Khi nó ngã vật xuống, tôi thấy con nhện đang bò loay hoay tìm điểm cắn thứ hai, bị rớt khỏi cổ.

Ngay cái giây con nhện toan tính bò lại lên cổ bạn tôi, tôi hấp tấp đưa ống sáo lên miệng, suýt thọc sâu vào tận họng. Tôi thổi một tiếng cực mạnh, trong đầu tôi vang vang ra lệnh: “Ngừng lại ngay” và quý bà Octa nhảy bật lên không, chừng nửa mét. Tôi ra lệnh tiếp: “Trở vào lồng.” Con nhện nhảy khỏi mình Steve, chạy vào lồng. Tôi nhào lại, kéo sập ngay cửa.

Annie vẫn đang gào khóc, nhưng tôi phải lo cho Steve trước. Tôi gọi tên nó, chưa bao giờ tôi ước ao được nghe tiếng nói của nó như lúc này:

- Steve! Steve! Cậu nghe mình chứ?

Tôi biết nó còn sống, vì nó vẫn còn thở. Nhưng chỉ có thế thôi. Chân tay nó không hề nhúc nhích, thậm chí đến không một cái chớp mắt.

Annie đến sau lưng tôi, nó đã nín khóc nhưng run rẩy toàn thân. Nó lí nhí hỏi:

- Anh ấy chết rồi hả?

- Không đâu. Em không thấy là anh ấy vẫn thở sao? Nhìn bụng và ngực anh ấy kìa.

- Nhưng sao… anh ấy không cử động được?

- Anh ấy chỉ bị tê liệt tạm thời thôi, vì nọc độc của con nhện làm chân tay anh ấy không hoạt động được. Nhưng đầu óc anh ấy vẫn tỉnh, vẫn thấy và nghe được tất cả.

Tôi hy vọng những lời nói của mình là đúng. Nếu nọc độc của Octa chỉ ảnh hưởng tới tim và phổi của Steve thôi. Nhưng… nếu nọc độc chạy lên tận não nó thì…

Tôi không dám nghĩ thêm nữa. Tôi thì thầm với nó:

- Steve, mình nghĩ, nếu cố đi lại, nọc độc sẽ giảm nhiều.

Tôi ôm ngang người, kéo nó đứng dậy, cố kéo lê nó quanh phòng, lắc mạnh tay chân và liên tục nói với nó, là nó sẽ khỏe lại, một cái cắn không đủ để nọc độc giết chết nó đâu.

Sau mười phút, tôi mệt rã rời, tình hình vẫn không chút khả quan. Tôi nhẹ nhàng đặt nó nằm lên giường. Mắt nó vẫn mở thao láo. Đôi mắt trợn trừng của nó làm tôi sợ. Tôi vuốt cho mắt nó nhắm lại. Nhưng trông nó như xác chết còn làm tôi ớn hơn. Tôi lại phải vuốt ngược cho mắt nó mở ra.

Annie run run hỏi:

- Anh ấy sẽ tỉnh lại chứ?

Tôi ráng bình tĩnh:

- Tất nhiên. Chỉ một lúc nữa, nọc độc tan là anh ấy tỉnh lại ngay thôi.

Chắc nó không tin, nhưng chỉ yên lặng ngồi ghé trên giường, lom lom nhìn Steve. Tôi thắc mắc vì sao má chưa lên khi nghe trong phòng tôi ồn ào như vậy. Tôi nhìn qua cửa xuống cầu thang. Tiếng máy giặt kêu rầm rầm trong nhà bếp. Máy giặt nhà tôi già khọm rồi. Nếu bạn ở trong bếp, và máy đang hoạt động, bạn sẽ chẳng nghe gì bên ngoài hết.

Quay trở lại, tôi thấy Annie đã xuống giường, mon men lại gần ngắm nghía quý bà Octa. Nó hỏi:

- Con nhện này của Gánh Xiếc Quái Dị, phải không?

- Phải?

- Làm sao anh có được nó?

- Chuyện đó không quan trọng.

- Sao nó lại ra được?

- Anh thả nó ra.

- Anh… CÁI GÌ?

- Đây không phải lần đầu anh thả nó ra. Gân hai tuần nay anh vẫn thả ra và chơi với nó. Nếu không có tiếng động thì mọi chuyện rất an toàn. Lúc nãy vì em vào thình lình và la lớn lên…

- Đừng đổ thừa tại em chứ. Sao anh không cho em biết trước? Nếu biết, em đã không ào vào như vậy.

- Anh tính đợi khi nào thật sự an toàn, anh sẽ cho em biết. Ai ngờ hôm nay Steve tới…

Bỏ lồng nhện vào tủ áo, tôi trở lại ngồi bên Annie, nhìn Steve nằm bất động trên giường. Gần một tiếng sau, Annie e dè lên tiếng:

- Em nghĩ là anh ấy không tỉnh lại nữa đâu. Nếu có thể tỉnh, chân tay phải nhúc nhích chứ.

Tôi nổi quạu:

- Con nít biết gì mà nói.

- Phải rồi, em là con nít không biết gì. Còn anh biết gì hơn nào?

Nó nắm cánh tay tôi, nói như người lớn:

- Thôi, xuống nói với má đi. Có thể má sẽ biết phải làm sao.

- Lỡ má cũng không biết thì sao?

- Thì phải đưa anh ấy đi bệnh viện.

- Đợi chừng mười lăm phút nữa, nếu Steve không tỉnh lại, chúng mình hãy cho má biết.

- Mười lăm phút nữa?

- Ừa, không hơn một phút.

- Cũng được.

Hai anh em tôi lại ngồi lặng lẽ nhìn bạn tôi.

Nghĩ đến con nhện, tôi tự nhủ: sẽ nói thế nào với má, với bác sĩ đây? Còn cảnh sát nữa chứ? Họ có tin khi tôi cho mọi người biết ông Crepsley là ma-cà-rồng không? Chắc là không! Họ sẽ cho là tôi bịa đặt và tống tôi vào tù. Họ sẽ bảo, con nhện là của tôi, nó cắn Steve, vì vậy tôi sẽ bị kết tội giết người.

Tôi nhìn đồng hồ: còn ba phút nữa. Steve vẫn không có gì thay đổi. Tôi nói với Annie:

- Anh cần em giúp anh.

- Giúp gì?

- Em đừng nói gì tới con nhện.

- Điên. Rồi làm sao anh cắt nghĩa chuyện gì đã xảy ra?

- Anh… anh bảo là lúc đó anh ra ngoài. Mấy vết cắn nhỏ lắm, mà lại đang mờ dần, chắc bác sĩ không nhận ra đâu.

- Không làm thế được. Người ta cần khám nghiệm con nhện.

- Annie, nếu Steve chết anh sẽ bị tội. Có những chuyện anh không thể nói với em, hay bất cứ ai. Nhưng em biết họ sẽ làm gì với một kẻ sát nhân không?

- Anh còn nhỏ xíu, không bị kết tội đó đâu…

Nó nói nhưng không có vẻ tin tưởng chút nào. Tôi lại nói:

- Không đâu. Anh còn nhỏ, chắc không phải vào một nhà tù thực sự, nhưng người ta có một chỗ giam đặc biệt dành cho trẻ con. Họ giam giữ anh cho đến năm anh được mười tám tuổi, và rồi…

Tôi bật khóc:

- Annie, xin em giúp anh. Anh không muốn bị vào tù đâu.

Nó cũng khóc:

- Không, em không cho ai bắt anh đâu. Em không muốn mất anh đâu.

- Hứa với anh không nói gì đi. Em về phòng, làm như không nghe không biết gì chuyện này hết.

Nó rầu rĩ gật đầu:

- Nhưng nếu em thấy, nói lên sự thật có thể cứu được anh ấy, nếu bác sĩ bảo không thể cứu anh ấy vì không biết bị con gì cắn, em sẽ nói đấy. Được không?

- Đồng ý.

Nó đứng dậy, đi ra phía cửa, nhưng rồi ngập ngừng dừng lại. Nó đến hôn lên trán tôi, nghẹn ngào nói:

- Em thương anh lắm, Darren. Nhưng anh là một tên ngốc mới đem con nhện đó và nhà mình, và nếu anh Steve chết, em nghĩ anh thật đáng tội.

Rồi nó nức nở chạy ra khỏi phòng.

Đợi Annie đi khỏi, tôi cầm tay Steve năn nỉ nó tỉnh lại, năn nỉ nó ra một dấu hiệu là nó vẫn còn sống. Khi lời cầu xin của tôi không được đáp trả, tôi đứng dậy, mở cửa sổ (để có thể cắt nghĩa lối vào của con vật bí mật), rồi tôi mới chạy xuống thang lầu, gào lên, gọi má tôi.

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI

Mấy cô y tá của xe cứu thương hỏi má tôi, Steve có bị chứng kinh phong hay bệnh tiểu đường không. Má tôi nói không biết rõ, nhưng bà nghĩ là không. Họ còn hỏi nó có bị dị ứng hoặc bệnh gì đặc biệt không, nhưng má tôi bảo bà không phải là mẹ của Steve nên không biết.

Tôi tưởng mẹ con tôi sẽ lên cùng xe tải thương với Steve, nhưng nhân viên bệnh viện bảo không đủ chỗ. Họ hỏi tên và số điện thoại của mẹ nó. Nhưng bà không có ở nhà. Một y tá hỏi mẹ tôi có thể lái xe theo, để lập thủ tục (với những gì bà có thể biết về nó) để họ kịp khám và điều trị. Má đồng ý. Bà đẩy cả tôi và Annie lên xe. Ba vẫn chưa về tới, má tôi gọi điện thoại di động cho ông. Ba bảo sẽ tới thẳng bệnh viện.

Tôi ngồi băng sau, cố tránh ánh mắt Annie. Biết là mình nên nói ra sự thật, nhưng tôi quá sợ. Điều đáng trách hơn nữa, tôi biết, nếu kẻ đang bị hôn mê kia là tôi, chắc chắn Steve sẽ không che giấu sự thật.

- Chuyện gì đã xảy ra trong phòng con?

Má hỏi, không quay lại, vì bà đang lái xe với tốc độ rất cao, bám theo xe tải thương. Tôi mừng, vì biết không thể nói dối khi nhìn thẳng mẹ.

- Con không rõ. Đang nói chuyện, rồi con phải đi toa-lét, khi trở lại…

- Con không thấy gì sao?

- Dạ không.

Tai tôi đỏ rần vì xấu hổ.

- Má không hiểu nổi. Người nó cứng đờ, da tái xanh, má tưởng nó chết rồi.

Annie chợt nói:

- Con nghĩ là anh ấy bị cắn.

Tôi suýt huých vào mạng sườn nó, nhưng nhớ là nó đã hứa giữ bí mật để bảo vệ tôi. Má hỏi:

- Bị cắn?

- Trên cổ anh ấy có mấy dấu nhỏ.

- Con thấy à? Nhưng, má nghĩ là không phải bị con gì cắn đâu.

- Sao không? Lỡ có con rắn hay… con nhện bò vào cắn anh ấy thì sao?

- Nhện? Ồ, không đâu, vùng này làm gì có giống nhện đi tìm người để cắn đến hôn mê như thế.

- Vậy thì là cái gì, má?

- Má không rõ. Có thể nó ăn món gì đó không hợp, hay bị lên cơn đau tim.

Annie hỏi:

- Trẻ con mà cũng bị đau tim?

- Có chứ. Nhưng phải đợi bác sĩ khám cho nó xem sao. Bác sĩ biết rõ hơn mẹ con mình.

Trong khi má làm thủ tục, tôi nhìn quanh. Đây là một nơi trắng toát. Tường trắng, sàn nhà trắng, đồng phục trắng. Khắp nơi có tiếng rì rào nho nhỏ, tiếng lò xo giường và tiếng ho, tiếng máy chạy rì rì, tiếng dao kéo lách cách và tiếng thì thầm của các y bác sĩ.

Má tôi lại gần, cho biết là Steve đã được nhập viện và đang được chẩn bệnh. Bà bảo:

- Má thấy có vẻ lạc quan, không đến nỗi nào đâu.

Annie kêu khát nước. Tôi dẫn nó đến máy bán nước, nhét đồng kim loại vào máy. Nó hỏi:

- Anh còn định chờ tới bao giờ?

- Chờ xem bác sĩ nói gì sau khi khám cho Steve. Hy vọng họ có thể biết là chất độc gì và điều trị được cho anh ấy.

- Nếu họ không thể?

- Anh sẽ nói ra sự thật.

- Lỡ anh Steve chết trước khi anh nói thì sao?

- Không thể như vậy được. Đừng nói gở thế. Nghĩ gở cũng không nên. Phải hy vọng những gì tốt nhất. Phải hy vọng là anh ấy sẽ vượt qua. Ba má vẫn bảo chúng ta, ý nghĩ tốt sẽ giúp người bệnh mau khỏe lại, đúng không? Steve cần chúng mình tin vào anh ấy.

- Anh ấy cần sự thật hơn.

Chúng tôi cầm ly nước trở lại ghế ngồi, lặng lẽ uống.

Chẳng bao lâu sau, ba tới, vẫn còn mặc áo quần làm việc. Ông hôn má và Annie, bóp mạnh vai tôi. Bàn tay ông làm dính dầu mỡ lên áo tôi. Ông hỏi má:

- Có tin tức gì chưa?

- Chưa, còn đang chờ đây.

Chúng tôi ngồi chờ mấy tiếng vẫn không có gì xảy ra. Rồi mẹ của Steve tới. Mặt bà cũng trắng nhợt như Steve, bà đi thẳng đến tôi. Nắm vai tôi mà lắc:

- Mày đã làm gì nó? Mày đã làm gì con tao? Mày giết chết nó rồi à?

Ba tôi quát lên:

- Này! Thôi đi!

Mẹ của Steve không thèm nhìn ba tôi, tiếp tục lắc mạnh tôi hơn:

- Mày đã làm gì nó?

Bà lập đi lập lại, gào lên. Thình lình bà buông tôi ra, lăn đùng xuống nền nhà, kêu la, chửi rủa như một đứa trẻ.

Má tiến lại quỳ xuống, vừa vuốt ve gáy bà ta vừa thì thầm khuyên giải, rồi dìu bà đứng dậy, lại ghế cùng ngồi.

Bà Leonard vừa khóc vừa rên rỉ than thân: bà thiếu bổn phận của một người mẹ ra sao, và Steve đã ghét cay ghét đắng mẹ đến thế nào.

Má bảo tôi và Annie ra chỗ khác chơi. Anh em tôi vừa bước đi, má gọi lại bảo:

- Darren, bác ấy không la mắng con đâu. Chỉ vì bác ấy quá lo sợ đó thôi.

Tôi gật đầu thiểu não. Má sẽ nói gì nếu biết bà Leonard rất có lý để chửi rủa tôi.

Tôi và Annie chơi chọi đá cho có việc để làm. Tôi tưởng mình chẳng còn lòng dạ nào để chơi, nhưng chỉ sau vài phút, tôi quên cả Steve lẫn bệnh viện, cuốn hút vào trò chơi. Thật sung sướng, dù chỉ một lát, được quên đi những lo âu và đời sống thật. Nếu không bị mất đồng tiền kim loại, tôi có thể chơi suốt đêm.

Khi trở lại, bà Leonard đã bình tĩnh đang cùng má ngồi làm nốt thủ tục.

Khoảng mười giờ Annie bắt đầu ngáp. Má bảo hai chúng tôi về nhà. Tôi chưa kịp cãi lại, má nói ngay:

- Ở đây con cũng không làm được việc hết đâu. Ngay khi có tin tức gì má sẽ phôn về ngay, dù là nửa đêm. Được chứ?

Tôi bối rối. Đây là dịp cuối cùng để tôi nói về con nhện. Nhưng tôi không biết nói thế nào. Tôi chỉ gật đầu rồi ra khỏi nhà thương.

Ba lái xe đưa anh em tôi về. Tôi tự hỏi, ba sẽ làm gì nếu tôi kể cho ông nghe về con nhện, ông Crepsley và tất cả mọi chuyện. Ba sẽ phạt tôi. Tôi không sợ điều này. Nhưng lý do tôi không nói với ông là: tôi biết ông sẽ xấu hổ vì tôi đã nói dối, đặt sự an toàn của riêng mình trên sự an toàn của Steve. Tôi sợ bị ông khinh ghét.

Về tới nhà, Annie đã ngủ ngon lành trên xe, ba tôi bế nó vào giường. Tôi uể oải về phòng thay quần áo, tiếp tục rủa thầm mình.

Ba nhìn vào phòng tôi hỏi:

- Con không sao chứ?

Tôi gật. Ông bảo:

- Ba tin chắc Steve sẽ khỏe lại. Bác sĩ sẽ phát hiện ra nó bị gì. Họ sẽ chữa trị cho nó mau bình phục thôi.

Tôi lại gật.

Ba đứng tại cửa một lúc nữa, rồi thở dài, đi xuống phòng làm việc.

Đang treo quần vào tủ áo, tôi chợt nhìn thấy cái lồng nhện. Tôi kéo nó ra ngoài. Mụ Octa nằm giữa lồng thở đều đều, êm ả như mọi khi. Tôi ngắm nghía màu sắc của con nhện, nó không còn gây cho tôi chút ấn tượng nào. Rực rỡ, phải, nhưng xấu xí, lông lá, ti tiện. Tôi ghét nó. Nó thật sự là một kẻ vô lại, xỏ lá. Nó cắn Steve chẳng vì lý do gì. Tôi đã cho nó ăn, săn sóc và chơi đùa với nó. Nó trả ơn tôi như thế đó. Tôi lắc cái lồng, rít lên:

- Quái vật khát máu! Đồ vô ơn!

Con nhện bám chặt chân vào song lồng. Điều này càng làm tôi tức điên lên, vừa lắc vừa quay vòng cho những cái chân lông lá của nó phải buông khỏi nan lồng. Tôi rủa nó bằng đủ mọi từ xấu xí, tồi tệ nhất mà tôi biết. Tôi cầu cho nó chết đi, cầu cho tôi đừng bao giờ nhìn thấy nó nữa, cầu sao mình đủ gan dạ, kéo nó ra khỏi lồng, đạp cho nó tan thây nát thịt.

Khi cơn giận lên cực điểm, tôi ráng sức quăng cái lồng thật xa. Không chủ tâm quăng vào đâu. Nhưng tôi giật thót mình khi thấy nó bay qua cửa sổ. Tôi hốt hoảng chạy lại cửa sổ nhìn ra. Tôi sợ cái lồng sẽ tan từng mảnh khi chạm đất, vì tôi biết nếu các bác sĩ không cứu được Steve, họ cần có con nhện để nghiên cứu, để tìm ra phương pháp điều trị cho bạn tôi. Nhưng nếu con nhện sổ lồng, trốn mất thì…

Không kịp bắt lại cái lồng nữa, nhưng tôi phải biết nó rơi xuống đâu và có bị tan nát ra không.

Bên ngoài tối đen, nhưng tôi vẫn có thể thấy cái lồng đang rơi xuống, nhưng… trước khi chạm mặt đất, từ bóng đêm, một bàn tay vươn lên, chụp lấy nó.

Một bàn tay?!?

Tôi nghiêng người ra, nhìn cho rõ. Rồi một người tiến ra. Trước hết tôi thấy bàn tay nhăn nhúm đang xách cái lồng, rồi tôi thấy cái áo khoác dài màu đỏ, chỏm tóc màu cam, cái sẹo dài xấu xí. Và, sau cùng, những cái răng nhọn hoắt đang nhe ra cười.

Ông Crepsley – ma-cà-rồng!

Ông ta đang ngửa mặt cười với tôi!

CHƯƠNG HAI MƯƠI BA

Tôi đứng bên cửa sổ, chờ ông ta biến thành con dơi và bay lên. Nhưng ông ta chỉ lắc nhè nhẹ cái lồng để xem con nhện có sao không.

Rồi, vẫn mỉm cười, ông ta quay đi, biến vào đêm tối.

Tôi đóng cửa sổ, chạy lên giường với trăm ngàn câu hỏi: ông ta đã ở đó bao lâu rồi? Nếu đã biết mụ Octa ở đâu, sao không đến lấy lại trước khi những chuyện này xảy ra? Tôi tưởng ông ta tức giận, nhưng dường như ông ta lại tỏ ra hoan hỉ. Sao ông ta không móc họng tôi ra như Steve đã nói?

Không thể nào ngủ được. Lúc này tôi còn khiếp đảm hơn cả đêm đầu tiên tôi trộm con nhện của ông ta. Lúc đó tôi còn có thể cho rằng, ông ta không biết tôi là ai, vì vậy không thể tìm ra tôi.

Tôi nghĩ đến việc phải kể cho ba hết chuyện này. Vì một ma-cà-rồng, có lý do để căm thù gia đình tôi, đã biết nơi chúng tôi ở. Ba cần được biết, để tìm cách đề phòng. Nhưng…

Ba sẽ không tin tôi đâu. Nhất là bây giờ con nhện khổng lồ không còn nữa. Tôi có cố nói thế nào, thì ba cũng chỉ cho tôi là khùng. Không bao giờ ông có thể tin ma-cà-rồng có thật.

Biết ma-cà-rồng chỉ tấn công sau khi mặt trời lặn, nên tôi nằm trăn trở trên giường, nhưng rồi tôi cũng chợp được một giấc ngắn. Tuy vậy, giấc ngủ ngắn ngủi cũng đủ làm tôi tỉnh táo hơn. Tôi thấy mình không có lý do để quá sợ đến thế. Vì nếu muốn giết tôi, ông ta đã giết ngay trong cuộc chạm trán bất ngờ đêm qua rồi. Ông không muốn, hay chưa muốn, tôi phải chết.

Trút được gánh nặng lo sợ đó, tôi chỉ còn quan tâm tới Steve và vấn đề thật sự của tôi: có nên nói hết ra sự thật hay không?

Má vẫn ở trong bệnh viện để săn sóc bà Leonard và điện thoại cho bạn bè, hàng xóm biết tin Steve bị bệnh. Khi má về, tôi sẽ kể với bà. Tôi sợ phải nói sự thật với ba.

Chủ nhật đó gia đình tôi yên ắng như tờ. Ba chiên trứng cho bữa điểm tâm, và ông lại làm cháy khét như mỗi khi ông phải vào bếp. Nhưng hai anh em tôi không phàn nàn gì. Thật ra tôi nuốt mà chẳng biết mình đang ăn gì. Tôi không cảm thấy đói. Tôi chỉ ăn để làm ra vẻ bình thường như những chủ nhật khác

.

Chúng tôi ăn gần xong thì má phôn về. Ba nghe má nói rất lâu, ông không nói gì, chỉ ậm ừ. Khi ông trở lại bàn, tôi hỏi:

- Steve sao rồi, bà?

- Không hay rồi. Các bác sĩ chưa biết xoay trở làm sao. Có lẽ Annie nói đúng, đó là nọc độc. Nhưng không giống những nọc độc mà các bác sĩ đã từng biết. Họ đã gửi mẫu đến những chuyên gia tại một bệnh viện khác, hy vọng có người biết rõ hơn về nọc độc này. Nhưng…

Ông buồn bã lắc đầu. Annie e dè hỏi:

- Anh ấy có thể chết không, ba?

- Có thể.

Annie tấm tức khóc. Ba bế nó lên lòng, nói:

- Nào, nào, đừng khóc chứ. Anh ấy đã chết đâu, cưng. Anh ấy vẫn thở, hình như nọc độc chưa xâm phạm vào não. Nếu người ta tìm ra phương pháp tẩy nọc độc trong thân thể anh ấy, anh ấy sẽ khỏe lại mà.

Tôi hỏi:

- Ba à, Steve còn chịu đựng nổi bao lâu?

- Cứ như tình trạng của nó hiện nay, người ta có thể giữ cho nó sống một thời gian dài bằng… máy.

- Bao giờ người ta mới phải sử dụng đến máy hả ba?

- Họ nghĩ là vài ngày nữa. Có thể vài ngày trước khi hệ thống hô hấp và động mạch vành ngưng hoạt động.

Annie hỏi qua tiếng nức nở:

- Là cái gì, ba?

- Tim và phổi của anh ấy. Khi nào tim và phổi còn hoạt động, thì anh ấy còn sống. Tuy nhiên người ta phải tiếp đồ ăn bằng một đường dây. Nhưng… nếu Steve ngừng thở là mọi rắc rối thật sự bắt đầu.

Mới hôm qua, bạn tôi có cả một cuộc đời phía trước. Giờ đây sự sống của Steve chỉ còn được tính trong vài ngày! Tôi hỏi:

- Con vào thăm nó được không?

- Nếu con muốn đi, thì chiều nay.

Hôm nay khách thăm chật cứng bệnh viện. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy nhiều hộp sô-cô-la và hoa đến thế. Tôi muốn mua quà cho Steve, nhưng không có tiền.

Tôi tưởng nó nằm bên khu bệnh viện nhi, nhưng nó nằm trong một phòng riêng. Các bác sĩ muốn quan sát để tìm hiểu nó bị bệnh gì. Chúng tôi phải đeo khẩu trang, găng tay và khoác áo màu xanh trước khi được vào thăm.

Bà Leonard đang ngủ trên một ghế bành. Má ra dấu cho chúng tôi giữ im lặng. Bà lần lượt ôm cha con tôi, rồi thì thầm với ba:

- Hồ sơ thí nghiệm đã gửi về, không có kết quả gì.

- Chắc chắn phải có ai biết chứ. Có bao nhiêu loại nọc độc khác nhau?

- Hàng ngàn. Họ đã gửi mẫu đi những bệnh viện nước ngoài. Hy vọng những nơi đó sẽ có hồ sơ vè nọc độc này. Nhưng phải mất một thời gian chúng ta mới nhận được.

Tôi nhìn Steve. Nó nằm bẹp trên giường. Ống truyền gắn vào một cánh tay. Dây nhợ lằng nhằng trên ngực nó. Những dấu kim lấy máu đi xét nghiệm còn đầy trên tay. Mặt nó cứng đờ, trắng như tờ giấy.

Tôi bật khóc, khóc nức nở nghẹn ngào. Má ôm chặt tôi, nhưng chỉ làm tôi khổ sở thêm. Tôi nói với má về con nhện, nhưng tôi khóc đến nỗi làm má không nghe rõ được câu nào.

Má đẩy chúng tôi ra khỏi phòng, nhường chỗ cho họ hàng của Steve lũ lượt vào thăm nó.

Má gỡ khẩu trang và lau nước mắt cho tôi, bảo:

- Tốt rồi.

Bà chọc nách cho tới khi tôi cười, bà nói:

- Nó sẽ qua khỏi. Má biết trông nó có vẻ nguy kịch lắm. Nhưng các bác sĩ đang làm việc hết khả năng. Chúng ta phải tin tưởng và hy vọng vào những đều tốt lành nhất. Đồng ý không nào?

- Con đồng ý.

Tôi thở dài. Annie bảo:

- Em thấy anh ấy có vẻ khá hơn rồi đấy.

Tôi xiết tay Annie, nhìn nó đầy biết ơn. Ba hỏi má:

- Em về bây giờ chưa?

- Em cũng chưa biết. Có lẽ em ở lại, phòng khi…

- Angela, lúc này em làm như vậy là đầy đủ rồi. Anh chắc đêm qua em chẳng ngủ được chút nào…

- Có ngủ một chút.

- Vậy nếu ở lại, cả ngày hôm nay em sẽ lại mất ngủ. Đã có người khác săn sóc mẹ con Steve rồi. Về thôi, Angie.

Ba gọi má là “Angie” mỗi khi dỗ dành bà làm theo ý ông.

- Thôi được. Tối em trở lại xem có việc gì không.

- Đúng vậy.

Trên đường về tôi chỉ nghĩ đến Steve. Tôi nghĩ đến nọc độc đang ở trong huyết quản nó và cảm thấy chắc chắn các bác sĩ sẽ thất bại trong việc điều trị cho nó. Không một bác sĩ nào trên thế giới từng biết đến một con nhện như quý bà Octa.

Dù nhìn Steve hôm nay đã thê thảm quá rồi, nhưng tôi tin chỉ vài ngày nữa trông nó còn thảm thương hơn gấp bội. Tưởng tượng nó phải nối với cái máy thở, trùm mặt nạ, những ống cao su luồn vào cơ thể, tôi không thể nào chịu nổi.

Chỉ có một cách còn có thể cứu Steve. Chỉ một người biết về thứ nọc độc này và biết cách hóa giải nó.

Ông Crepsley!

Xe về đến nhà. Tôi đã quyết định xong. Tôi sẽ truy lùng bằng được ông ta, bắt ông bằng mọi giá, phải cứu mạng Steve.

Trời tối, tôi sẽ lẻn ra khỏi nhà, đi tìm ma-cà-rồng. Tôi sẽ đến những nơi tôi nghĩ có thể tìm được ông Crepsley. Nếu tôi không ép buộc được ông ta…

… Tôi sẽ mãi mãi chẳng quay về.

CHƯƠNG HAI MƯƠI BỐN

Tôi phải đợi tới gần mười một giờ. Tôi đã định đi sớm hơn lúc má còn ở bệnh viện, nhưng có mấy người bạn của ba dẫn con họ đến chơi. Tôi phải tiếp chúng nó.

Khoảng mười giờ má về nhà. Bà bị mệt, nên ba vội vàng tiễn khách. Sau đó hai ông bà ngồi trong bếp uống cà phê và nói chuyện, rồi mới lên lầu đi ngủ.

Đợi ba má ngủ say, tôi mới chuồn ra ngoài bằng cửa sau.

Tôi đi như bay trong đêm tối. Một bên túi, tôi thủ một cây thánh giá tìm thấy trong hộp nữ trang của má. Túi kia là một lọ nước thánh, một bạn bốn phương gửi tặng ba từ mấy năm trước. Tôi không tìm được cây gậy nào. Định đem theo một con dao, nhưng tôi là đứa rất vụng về với dao kéo, chỉ tổ cắt đứt chính tay mình.

Rạp hát cũ kỹ tối om om và vắng ngắt. Lần này tôi vào bằng cửa chính.

Tôi không biết sẽ phải làm gì nếu không gặp ma-cà-rồng tại đây, nhưng tôi cảm thấy là sẽ gặp. Giống hôm Steve ném những miếng giấy kèm theo cái vé lên không, tôi nhắm mắt, xòe tay như một người mù. Đó là định mệnh.

Một lúc sau, tôi tìm ra lối xuống hầm. Cái đèn hết pin của tôi nhấp nháy. Không còn thời gian để sợ, tôi đi gấp xuống thang.

Càng xuống, tôi càng thấy sáng sủa hơn. Tới chân cầu thang, tôi thấy năm ngọn nến cao đang bập bùng cháy.

Ông Crepsley đang đợi tôi nơi cuối hầm. Ông ta ngồi bên cái bàn nhỏ, chơi bài một mình. Không nhìn lên, ông nói:

- Chúc một buổi sáng tốt lành, cậu Shan.

Tôi tằng hắng trước khi trả lời:

- Bây giờ là nửa đêm. Không phải buổi sáng.

- Với ta là buổi sáng.

Ông ta ngẩng lên nhe răng cười. Răng ông ta dài và nhọn hoắt. Đây là lần tôi được đến gần ông ta nhất, để có thể nhìn rõ từng chi tiết – răng đỏ, tai dài, mắt hí – nhưng trông ông ta giống một người bình thường, một người bình thường cực kỳ xấu xí. Tôi hỏi:

- Ông đang chờ tôi, phải không?

- Đúng.

- Ông biết quý bà Octa ở đầu từ bao giờ?

- Ngay đêm mi ăn trộm.

- Tại sao ông không lấy lại ngay?

- Ta đã định thế, rồi ta nghĩ đến thằng bé đã cả gan ăn trộm của một ma-cà-rồng, ta quyết định mi xứng đáng được học hỏi nhiều hơn.

- Vì sao?

Tôi ráng giữ hai đầu gối cho khỏi run. Ông ta hỏi lại như giễu cợt:

- Ừ, vì sao nhỉ?

Ông búng ngón tay, tất cả những cây bài tự động xếp gọn lại, rồi chui tọt vào hộp.

- Darren Shan, cho ta biết, mi đến đây làm gì? Lại ăn trộm của ta? Mi vẫn còn mê mệt quý bà Octa lắm sao?

- Không bao giờ tôi muốn lấy lại con quái vật đó nữa.

Crepsley ha hả cười:

- Đừng nói thế, quý bà Octa nghe được sẽ buồn lắm đấy.

- Đừng chọc ghẹo tôi. Tôi không muốn bị đem ra làm trò hề đâu.

- Không à? Nhưng ta cứ trêu chọc mi thì sao?

Tôi rút ra cây thánh giá và lọ nước thánh, giơ lên cao. Tưởng con ma-cà-rồng sẽ rú lên khiếp đảm, lăn đùng ra. Nhưng không, ông ta mỉm cười, búng ngón tay. Cây thánh giá và lọ nước thánh bay vèo sang tay ông. Chặc lưỡi, vê vê cây thánh giá thành quả bóng nhỏ tròn xoe, như vê một miếng thiếc mỏng. Mở lọ nước thánh, ông ực một ngụm hết sạch.

- Mi biết ta khoái gì không? Ta rất khoái những con người mê xem phim kinh dị, đọc sách kinh dị. Vì chúng tin những gì chúng xem, nghe và đọc đến nỗi trang bị những thứ vớ vẩn như thánh giá, nước thánh, thay vì những thứ có thể gây tổn thương thật sự như súng hay lựu đạn.

- Nghĩa là… thánh giá không… hại được ông?

- Làm gì có chuyện đó.

- Ông là ma quỷ?

- Ta à?

- Phải. Ông là ma-cà-rồng. Ma-cà-rồng là ma quỷ.

- Mi không nên tin những lời đồn đại. Thật sự thói quen ăn uống của chúng ta hơi lạ lùng. Nhưng không chỉ vì chúng ta uống máu, có nghĩa chúng ta là ma quỷ. Loài dơi hút máu bò và ngựa, chúng có phải là ma quỷ không?

- Không. Chuyện đó lại khác. Chúng là loài vật.

- Con người cũng là một giống động vật. Nếu một ma-cà-rồng giết một mạng người, đúng, như thế là tội ác là ma quỷ. Nhưng chỉ xin một chút máu cho bụng bớt sôi lên vì đói, thì có hại gì đâu.

Tôi chỉ có một mình, yếu đuối, nhỏ bé. Tôi không nên cãi lại thì hơn. Crepsley nói tiếp:

- Ta biết mi không muốn tranh luận lúc này. Được, chuyện này hãy tạm gác qua một bên. Nào, bây giờ cho ta biết, nêu không phải là con nhện của ta, thì mi muốn gì, Darren Shan?

- Nó đã cắn Steve Leonard.

Crepsley gật gù:

- Lại vẫn là cái thằng Steve Leonard…

- Tôi muốn ông làm cho nó khỏe hơn…

- Ta? Ta đâu phải là bác sĩ? Ta chỉ là một diễn viên xiếc. Một quái nhân. Nhớ không?

- Không. Ông còn hơn thế nữa. Tôi biết ông có phép thuật.

- Có thể. Quý bà Octa cắn là cực kỳ nguy hiểm. Nhưng nọc độc nào cũng có thuốc giải. Có thể ta cứu được bạn mi với một chai huyết thanh đặc biệt…

Tôi kêu lên mừng rỡ:

- Tôi biết mà. Tôi biết ông làm được.

Ông ta đưa những ngón tay dài, xương xẩu lên, ngăn tôi lại:

- Nhưng có thể… ta chỉ có một chai nhỏ xíu, nên rất quý giá. Và có thể ta phải để dành cho chính ta khi thật sự khẩn cấp, trong trường hợp ta bị quý bà Octa cắn. Có thể ta không muốn phí hoài thuốc cho thằng nhóc ma quỷ đó.

- Đừng làm thế. Xin ông cho tôi để cứu Steve. Ông không thể để nó chết được.

- Sao lại không? Bạn mi là gì của ta nào? Mi đã nghe nó nói rồi chứ: lớn lên, nó sẽ trở thành kẻ đi săn lùng ma-cà-rồng.

- Nó nói chỉ vì quá giận thôi.

- Nhưng ta hỏi lại: vì sao ta phải cứu Steve Leonard? Chất huyết thanh đó rất hiếm và không gì thay thế được. Giá rất cao, ai trả cho ta?

- Tôi sẽ trả.

Tôi kêu lên. Tôi thấy rõ đó là điều ông ta đang mong đợi: bằng kiểu nghiêng mình ra trước, mắt lim dim, miệng cười cười. Đó là lý do ông ta đã không lấy lại con nhện ngay đêm đầu tiên bị mất, là lý do vì sao ông ta không đi khỏi thành phố này.

Ông ta hỏi, giọng đầy quỷ quyệt:

- Mi trả? Mi chỉ là một đứa trẻ ranh, lấy tiền đâu mà trả?

- Tôi trả dần. Trả mỗi tuần trong vòng năm mươi năm. Hay lâu bao nhiêu là tùy ông. Lớn lên, tôi đi làm, sẽ đưa hết tiền lương cho ông. Tôi thề.

- Không. Ta không quan tâm tới tiền bạc của mi.

- Ông quan tâm tới gì? Tôi biết ông đã định sẵn giá. Vì vậy ông đã đợi tôi phải không?

- Mi là một thiếu niên thông minh. Ta biết điều đó khi thức dậy, thấy mất con nhện và bắt gặp thư mi. ta tự nhủ: “Larten, đây là một đứa trẻ đặc biệt nhất, một con người thật sự phi thường. Đây là một cậu bé có thể tiến xa…”

- Dẹp mấy chuyện lẩm cẩm đó đi, ông hãy nói thẳng là muốn gì?

Ông ta cười sằng sặc, rồi nghiêm túc nói:

- Mi còn nhớ những gì ta và Steve nói với nhau chứ?

- Còn nhớ. Nó muốn thành một ma-cà-rồng. Ông bảo nó còn nhỏ quá, vì vậy nó xin làm đệ tử phụ tá cho ông. Ông đã đồng ý, nhưng khám phá ra nó là ma quỷ, ông từ chối.

- Đúng vậy, nhưng còn một điều mi không nhớ: ta không quá tha thiết nhận đệ tử, có một tên phụ tá cũng tốt thật, nhưng cũng là một gánh nặng. Nhưng… sau đó ta nghĩ lại. Nhất là bây giờ ta đã tách khỏi gánh xiếc, và phải tự xoay trở một mình.

- Ý ông là sẽ nhận Steve?

- Ôi! Không. Không ai biết trước con quái vật đó sẽ làm gì khi nó trưởng thành. Không đâu, Darren Shan. Không bao giờ ta nhận Steve Leonard làm đệ tử.

Ông ta chỉ thẳng ngón tay dài thòng vào tôi. Và tôi biết ông ta sẽ nói gì trước khi ông mở miệng

Tôi thở dài hỏi:

- Ông muốn tôi làm đệ tử?

Rồi tôi xông vào thoi ông ta.

Và nụ cười hắc ám, thâm hiểm đã cho tôi biết là tôi đoán đúng.

CHƯƠNG HAI MƯƠI LĂM

Nhảy bật ra sau, tôi thét lên:

- Ông điên rồi. Không đời nào tôi làm đệ tử của ông. Ông hóa khùng mới nghĩ như vậy.

Ông Crepsley nhún vai, thản nhiên nói:

- Vậy thì Steve Leonard phải chết.

Tôi năn nỉ:

- Xin ông cứu nó. Còn cách nào khác nữa không?

- Không bàn cãi. Nếu mi muốn cứu bạn thì phải theo ta. Nếu mi từ chối, không còn gì để nói thêm nữa.

- Nếu tôi…

Ông Crepsley đập tay xuống bàn, quát lớn:

- Đừng làm mất thì giờ của ta. Ta đã phải sống trong cái hố dơ bẩn đầy gián bọ này hai tuần rồi. Nếu mi không đồng ý với lời đề nghị của ta, cứ việc nói, ta sẽ đi khỏi đây ngay. Nhưng đừng phí thì giờ mặc cả, vì không có một giá nào khác nữa đâu.

Tôi tiến gần ông ta vài bước, chậm chạp gật đầu:

- Cho tôi biết thêm vài điều về những gì phải làm, để trở thành đệ tử của một ma-cà-rồng.

Crepsley mỉm cười cắt nghĩa:

- Mi sẽ là người đồng hành với ta. Cùng ta chu du khắp thế giới. Gác cho ta ngủ, lo cho ta ăn, đem quần áo của ta đến cửa hàng giặt ủi. Mi sẽ đánh giày cho ta. Chăm sóc quý bà Octa. Tóm lại, mi sẽ chu toàn những nhu cầu hàng ngày của ta. Đáp lại, ta sẽ dạy mi cách thức để trở thành một ma-cà-rồng.

- Tôi có “phải” trở thành ma-cà-rồng không?

- Tất nhiên. Nhưng trước tiên mi chỉ có được một vài pháp thuật. Ta sẽ làm mi chỉ có phân nửa là ma-cà-rồng thôi. Phân nửa còn lại mi vẫn là người. Như thế, mi vẫn có thể ra ngoài vào ban ngày. Mi không cần nhiều máu mới có thể sống nổi. Nhưng như vậy tuổi của mi chỉ tính bằng phân nửa ma-cà-rồng chúng ta.

- Nghĩa là sao?

- Ma-cà-rồng không bất tử như người ta tưởng, nhưng chúng ta sống lâu hơn con người. Một tuổi của chúng ta tính bằng mười năm. Còn mi, một tuổi chỉ được tính bằng năm năm.

- Ý ông là cứ sau năm năm, tôi mới già đi một tuổi thôi?

- Chính xác.

- Có vẻ gian lận quá!

- Tùy mi. Ta không thể ép mi làm đệ tử của ta. Nhưng đó là đề nghị duy nhất ta đưa ra. Nếu không đồng ý, không thích, mi cứ thoải mái ra về.

Tôi kêu lên:

- Nhưng nếu tôi không chấp nhận đề nghị của ông, Steve sẽ chết?

- Đúng. Mạng sống của nó tùy thuộc vào sự chọn lựa của mi.

- Không còn chọn lựa nào khác nữa sao?

- Không. Ta chỉ có một đề nghị đó thôi. Mi chấp nhận không?

Tôi suy tính. Thật tình chỉ muốn nói không, rồi chạy ra khỏi nơi này, không bao giờ trở lại. Nhưng tôi làm thế, thì Steve sẽ chết. Nó có đáng để tôi làm điều này không? Tội của mình có đủ để phải hy sinh cả cuộc đời cho nó? Và, câu trả lời là:

Có!

Tôi thở dài nói:

- Được. Dù không thích, nhưng không còn cách nào khác nữa. Tôi muốn ông hiểu một điều: nếu có cơ hội phản bội ông, tôi sẽ làm. Nếu có dịp may thanh toán công nợ với ông, tôi sẽ không bỏ lỡ. Đừng bao giờ đặt niềm tin vào tôi.

- Mi đàng hoàng sòng phẳng lắm. Đó là lý do ta muốn nhận mi làm đệ tử. Phụ tá của một ma-cà-rồng phải có lòng can đảm. Tính cách đấu tranh của mi thực sự hấp dẫn ta. Ta rất biết, để một thiếu niên như mi gần gũi là một điều rất nguy hiểm. Nhưng khi những vỏ bọc bên ngoài không còn nữa, mi sẽ là một đồng minh rất xứng đáng của ta.

Ông ta đứng dậy, xô cái bàn sang một bên. Trông cao sừng sững như một tòa nhà và từ ông bốc ra một mùi gớm ghiếc mà bây giờ tôi mới nhận ra. Mùi máu.

Ông ta đưa hai tay lên, những ngón tay không dài lắm, nhưng nhọn hoắt. Những ngón tay trái cắm vào phần thịt của đầu những ngón tay phải, rồi làm ngược lại. Trông khi làm vậy mặt ông nhăn nhó vì đau đớn. Ông ta bảo tôi:

- Đưa tay mi cao lên.

Nhìn máu nhỏ giọt từ những ngón tay ông, tôi sợ hãi đứng im thin thít. Gầm lên, ông ta chộp hai tay tôi, lật ngửa ra. Tôi thét lên khi những móng nhọn dính móng của ông ta đâm phập vào đầu ngón tay tôi. Ngã ngửa ra sau, tôi rụt tay về, chùi vội vàng lên áo.

- Đừng như trẻ con thế.

- Đau quá.

Ông ta cười lớn.

- Đương nhiên là đau. Ta cũng đau vậy. Mi tưởng trở thành ma-cà-rồng dễ lắm sao? Phải làm quen với đau đớn. Còn nhiều cái đau chờ đợi chúng ta trong tương lai.

Cầm mấy ngón tay tôi, ông ta đưa vào miệng mút chút máu, nếm thử. Sau cùng ông ta gật đầu, bảo:

- Máu tốt. Chúng ta có thể tiếp tục.

Lần lượt những ngón tay tôi bị móng tay ông ta đâm vào như kim tiêm. Hai cánh tay tê dại. Rồi tôi có cảm giác, từ tay trái tôi, máu đang chuyển từ thân thể tôi sang người ông ta, trong khi máu ông ta chuyển ngược sang tôi qua tay phải và lan tỏa đi khắp người tôi. Tim tôi đau nhói như bị đâm. Tôi tưởng mình sắp bị ngất đi. Ông Crepsley cũng không hơn gì tôi: mồ hôi toát ra, răng nghiến chặt.

Mấy giây sau, ông bật lên một tiếng kêu, rồi buông tay tôi ra. Tôi ngã ngửa trên sàn, vừa choáng váng vừa buồn nôn. Ông Crepsley bảo:

- Đưa tay cho ta, nước bọt của ta sẽ làm liền vết thương, nếu không mi sẽ bị chết vì mất hết máu.

Sau khi được ông ta dùng nước bọt cầm máu, trên đầu mười ngón tay tôi còn in rõ mười vết sẹo rất nhỏ. Ông ta bảo:

- Mi sẽ được nhận ra là ma-cà-rồng nhờ mấy cái sẹo này. Còn những cách khác làm biến đổi một con người, nhưng phương pháp này đơn giản và ít đau đớn nhất.

- Vậy là trong tôi, một nửa đã là ma-cà-rồng?

- Đúng.

- Tôi chẳng cảm thấy gì khác hết.

- Mấy ngày nữa ảnh hưởng mới rõ ràng hơn. Phải có thời gian điều chỉnh, nếu không mi sẽ bị sốc rất mạnh.

- Ông trở thành ma-cà-rồng hoàn toàn bằng cách nào?

- Giống như vậy thôi. Nhưng thời gian truyền máu lâu hơn, để lượng máu ma-cà-rồng vào thân thể mi nhiều hơn.

- Với khả năng mới này, tôi có thể làm được những gì? Biến thành con dơi được không?

Ông ta cười tưởng đến nổ tung căn hầm:

- Biến thành một con dơi? Mi không thật sự tin vào những chuyện nhảm nhí đó chứ? Làm sao một con người to đùng như ta và mi lại có thể biến thành con chuột biết bay bé tí xíu đó được.

- Vậy thì chúng ta làm được trò trống gì?

- Ngay lúc này không thể cắt nghĩa hết được. Chúng ta còn phải lo cho bạn mi. Nếu trước buổi sáng mai, nó không có thuốc giải thì ta cũng bó tay luôn. Chúng ta còn nhiều thời gian để trở lại vấn đề ma-cà-rồng. Nên nhớ là còn nhiều, còn rất nhiều thời gian giữa ta và mi trên cõi đời này.

Vừa nói Crepsley vừa nham nhở cười.

CHƯƠNG HAI MƯƠI SÁU

Ông Crepsley dẫn lối tôi lên thang và ra khỏi rạp. Ông ta đi phăng phăng trong bóng tối. Tôi thấy mình cũng nhìn rõ hơn một chút đối với lúc vào, nhưng có thể chỉ là vì mắt tôi đã quen với bóng tối, chứ không phải vì trong tôi có máu ma-cà-rồng.

Vừa ra tới bên ngoài, ông ta bảo tôi nhảy lên lưng và dặn dò thêm:

- Ôm chặt cổ ta. Không được buông tay hay nghiêng ngả người.

Ngồi trên lưng nhìn xuống, tôi thấy chân ông mang đôi giày đi trong nhà. Thật lạ, đi đường xa mà lại xỏ đôi giày vải mỏng dính này. Nhưng tôi không hỏi gì.

Lúc ông ta bắt đầu chạy, tôi không nhận ra điều gì khác lạ, nhưng rồi nhà cửa cứ vùn vụt thụt lùi lại phía sau. Đôi chân ông Crepsley dường như không có vẻ di chuyển mau đến thế. Trái lại hình như thế giới vận chuyển nhanh hơn và chúng tôi bị trượt qua nó.

Chỉ vài phút là chúng tôi đã tới bệnh viện. Xuống khỏi lưng ông, tôi hỏi:

- Ông làm cách nào vậy?

- Tốc độ là một phần của ma-cà-rồng.

Ông nói gọn lỏn, rồi buộc chặt cổ áo choàng, kéo tôi vào bóng tối, để không ai nhìn thấy. Ông hỏi:

- Bạn mi nằm phòng nào?

Tôi cho ông biết số phòng. Ông ngẩng lên đếm cửa sổ, rồi bảo tôi nhảy lại lên lưng. Sau khi tôi ôm chặt cổ ông, ông tiến lại bức tường bệnh viện, cởi giày, rồi bấu ngón chân, ngón tay lên tường, lẩm bẩm:

- Hừ, mục nát cả rồi, nhưng không sao. Đừng hoảng, nếu ta bị trượt chân. Ma-cà-rồng thừa sức hạ cánh an toàn. Đừng lo.

Ông bắt đầu leo – những móng tay thọc vào tường như những cái móc. Chỉ một loáng, chúng tôi đã lên tới cửa sổ phòng Steve và bám thành cửa, nhìn vào.

Không biết lúc đó là mấy giờ, nhưng không thấy bóng ai ngoài Steve. Ông Crepsley thử mở, nhưng cửa khóa. Một tay đặt lên tấm kính bên ngoài chốt cửa, tay kia búng nhẹ mấy ngón.

Chốt cửa bung ra. Ông đẩy cửa sổ, leo vào phòng. Tôi tụt xuống khỏi lưng ông và trong khi ông kiểm tra cửa ra vào, tôi đứng nhìn Steve. Hơi thở nó nặng nề hơn trước và trên mình nó đầy dây nhợ mới gắn với cái máy.

Đứng sau lưng tôi, ông Crepsley bảo:

- Tác dụng nọc độc nhanh quá. Chắc không còn kịp nữa rồi.

Tôi lạnh toát người như hóa thành nước đá.

Ông Crepsley cúi xuống vạch mắt Steve. Một lúc lâu ông vừa chăm chú bắt mạch vừa nhìn tròng mắt nó. Sau cùng ông lẩm bẩm:

- Chúng ta đến vừa kịp lúc. Chỉ vài tiếng nữa nó sẽ là cái xác không hồn.

- Hãy tìm cách cứu nó ngay đi.

Tôi không thể nhìn cảnh thằng bạn thân nhất cận kề cái chết như thế này lâu hơn nữa.

Ông Crepsley lục lọi trong cả đống túi của ông, mọi ra một lọ thủy tinh nhỏ. Ông bật đèn đầu giường, soi chai thuốc vào ánh sáng, bảo:

- Phải rất thận trọng, vì thuốc giải này cũng nguy hiểm không kém gì nọc độc. Vài giọt là quá đủ để…

Ông xoay đầu Steve sang một bên, rồi bảo tôi giữ chặt. Dùng móng tay, ông ta rạch một đường nhỏ lên cổ của Steve. Máu ứa ra. Một tay ông giữ vết cắt, tay kia bật mở nút chai.

Ông đưa chai thuốc lên miệng… uống! Tôi cuống quýt hỏi:

- Ông làm trò gì vậy?

- Ta đâu biết dùng kim tiêm như bác sĩ. Phải truyền qua đường miệng chứ sao.

- An toàn không? Có lây vi trùng sang nó không?

- Nếu muốn thì đi gọi bác sĩ đi. Còn không thì phải đặt tin tưởng vào một người đã từng quen với việc này từ trước khi ông nội mi sinh ra kìa.

Ông ta đổ hết chai thuốc vào miệng, rồi súc sùng sục. Cúi xuống ghé môi lên cổ Steve. Phùng hai má, ông thổi mạnh thuốc qua vết cắt.

Xong xuôi, ông ta ngồi thẳng dậy, nhỏ toẹt một bãi xuống sàn, nói:

- Sợ nhất là nuốt phải thứ quỷ này. Rất nguy hiểm. Ta phải tập tành dữ lắm mới tìm được phương pháp truyền thuốc đơn giản và an toàn như thế này đấy.

Tôi chưa kịp trả lời, bỗng thấy Steve nhúc nhích. Nó ngọ nguậy cổ, rồi đầu rồi tới vai. Chân tay nó hơi giật lên. Nó nhăn mặt bật ra tiếng rên.

Tôi giật mình, sợ có chuyện chẳng lành xảy ra, hốt hoảng hỏi:

- Nó sao vậy?

Ông Crepsley cất chai thuốc vào túi, nói:

- Không sao, ổn rồi. Trở về từ mí vực của tử thần có bao giờ thoải mái đâu. Nó sẽ phải chịu đau đớn một thời gian ngắn. Nhưng nó sẽ sống.

- Có bị phản ứng phụ gì không? Như liệt nửa người hay…

- Không. Chỉ hơi bị lựng khựng khi sinh hoạt lại và rất dễ bị cảm lạnh. Còn ngoài ra nó sẽ bình thường như trước.

Thình lình Steve mở choàng hai mắt, chăm chú nhìn tôi và ông Crepsley. Mặt thoáng bối rối, nó ráng nói nhưng đôi môi không hoạt động được. Rồi hai mắt lờ đờ nhắm lại.

Tôi lay gọi:

- Steve! Steve!

- Không sao đâu. Suốt đêm nay nó sẽ khi mê khi tỉnh như vậy đó. Sáng mai nó sẽ thức dậy và tới chiều là đòi ăn. Nào, chúng ta đi thôi.

- Tôi muốn ở lại thêm chút nữa, để biết chắc là nó đã tỉnh lại.

Ông Crepsley cười:

- Mi muốn biết chắc ta có lừa mi không hả? Ngày mai chúng ta sẽ trở lại. Bây giờ phải đi, nếu không…

Thình lình cửa bật mở, một cô y tá bước vào đứng chết sững:

- Trời đất! Các người là ai?

Ông Crepsley phản ứng rất nhanh: giật tấm mềm của Steve, ném trùm lên cô y tá. Cô ta lúng túng vấp ngã khi cố gỡ bỏ tấm mền.

Ông Crepsley vừa chạy tới cửa sổ vừa rít lên nho nhỏ:

- Mau, vọt ngay.

Tôi nhìn bàn tay ông ta đưa ra, rồi nhìn Steve, nhìn cô y tá, nhìn ra cánh cửa bỏ ngỏ.

Ông xuôi tay, buồn rầu nói:

- Ta biết, mi sẽ trở lại thương lượng với ta.

Tôi ngập ngừng mở miệng, nhưng rồi không hề suy nghĩ, chạy ra cửa. Tôi tưởng ông ta sẽ ngăn tôi lại. Nhưng không, ông ta chỉ réo theo:

- Được, chạy đi, Darren Shan. Mi không thoát được đâu. Bây giờ mi đã là một sinh vật của đêm tối rồi. Mi là một trong số chúng ta. Mi sẽ trở lại. Quỳ lết trở lại mà cầu xin ta cứu giúp. Chạy đi, thằng ngu, chạy đi.

Rồi ông bật cười vang.

Tiếng cười của ông ta theo tôi ra hành lang, xuống cầu thang, ra tới cửa bệnh viện. Vừa chạy tôi vừa ngoái nhìn lại sau, nhưng suốt dọc đường về nhà tôi không hề thấy bóng dáng, mùi máu, hay âm thanh nào của ông ta.

CHƯƠNG HAI MƯƠI BẢY

Tôi làm bộ ngạc nhiên khi má bỏ điện thoại xuống, báo tin Steve đã bình phục. Bà phấn khởi ôm tôi và Annie quay vòng, khiêu vũ trong nhà bếp.

Ba hỏi:

- Tự nhiên nó tỉnh lại à?

- Dạ, các bác sĩ cũng không hiểu và cắt nghĩa được vì sao.

- Thật không thể nào tin nổi.

Nghe ba lẩm bẩm, Annie (mặt mày nghiêm túc) bảo:

- Phép lạ đấy!

Tôi phải quay đi để cười. Đúng là phép lạ!

Khi má ra khỏi nhà để đến nhà bà Leonard, tôi sửa soạn đi học. Bước ra ngoài trời, tôi hơi hoảng, chỉ sợ bị mặt trời thiêu rụi, Nhưng không có gì xảy ra. Tất nhiên. Vì ông Crepsley đã nói tôi có thể đi lung tung vào ban ngày.

Thỉnh thoảng tôi tự hỏi, phải chăng tất cả chỉ là cơn ác mộng? Thâm tâm tôi vẫn biết đó là sự thật, nhưng tôi cứ cố tin ngược lại.

Điều làm tôi căm ghét nhất là ý nghĩ phải gắn bó với thể xác này quá lâu. Mấy năm nữa, tôi sẽ phải cắt nghĩa thế nào với ba má và mọi người, nhất là trong khi các bạn cùng lớp “già” đi, còn tôi thì cứ dường như “trẻ mãi không già”.

Tôi đến thăm Steve vào thứ ba. Nó đang ngồi xem TV và ăn sô-cô-la. Gặp tôi nó rất mừng, ríu rít kể chuyện nhà thương, đồ ăn tại đây, những cô y tá và hàng đống quà cáp. Nó nói đùa:

- Tớ khoái được mấy con nhện độc xực thêm vài miếng nữa.

- Nếu là cậu, mình không mong vậy đâu. Bị lần nữa là cậu ngủm luôn.

- Cậu biết không, các bác sĩ ngọng luôn. Các bác sĩ ấy cóc biết nguyên nhân làm tớ bệnh, rồi đùng một phát, bệnh biến mất tiêu.

- Cậu không nói gì về quý bà Octa chứ?

- Không đời nào. Nói ra chỉ tổ gây rắc rối cho cậu.

- Cám ơn.

- Nó sao rồi? Sau khi nó cắn mình, cậu đã làm gì?

Tôi đã nói dối:

- Mình giết nó rồi.

- Thật sao?

- Thật.

Nó gật nhưng vẫn nhìn tôi lom lom:

- Lần đầu tỉnh lại, mình nghĩ là đã nhìn thấy cậu, nhưng có lẽ mình lầm, vì lúc đó là nửa đêm mà, làm sao cậu vào đây được. Nhưng cứ y như thật vậy, rõ ràng mình thấy cậu và một người khác nữa – cao lêu khêu, xấu xí, có một chỏm tóc màu cam và một cái sẹo dài trên mặt.

Tôi im lặng, vặn hai bàn tay, nhìn xuống sàn. Biết nói gì đây? Steve lại nói:

- Còn chuyện kỳ cục nữa, cô y tá đã phát hiện mình tỉnh lại, thề là cô ta đã thấy hai người trong phòng lúc đó: một người đàn ông và một đứa con trai. Các bác sĩ cho là cô ta bị ảo giác. Lạ không?

- Ừa, lạ thật.

Tôi trả lời, nhưng không dám nhìn thẳng nó.

Mấy ngày sau, tôi bắt đầu nhận ra những biến chuyển trong mình: buổi tối, khi vào giường, tôi rất khó ngủ và cứ nửa đêm là tôi choàng tỉnh dậy. Tai tôi thính hơn, có thể nghe mọi người nói chuyện từ xa. Trong lớp, tôi nghe được cả tiếng nói cách lớp tôi hai, ba phòng – cứ như không hề có mấy bức tường ngăn cách. Giờ ra chơi tôi chạy vòng sân, không ai bắt kịp, mà không đổ chút mồ hôi. Tôi hiểu rõ cơ thể mình, điều khiển được nó. Ngoài sân cỏ, tôi có khả năng điều hành đối thủ theo ý muốn của tôi. Hôm thứ năm, tôi ghi mười sáu bàn.

Tôi cũng khỏe đến lạ lùng, có thể hít đất vô tư bao nhiêu cũng được. Tuy không thấy những cơ bắp nổi lên, nhưng rõ ràng trong tôi có một luồng sinh lực tràn trề. Tôi chưa chính thức thử nghiệm, nhưng tôi tin nguồn sinh lực đó là vô tận.

Giấu giếm những khả năng đó không dễ chút nào. Chuyện chạy và bóng đá có thể nói là do tập luyện, nhưng còn biết bao điều khác rất khó lý giải cho mọi người tin được.

Chẳng hạn hôm thứ năm, chuông nghỉ vừa reo, một bạn đá bóng về phía tôi, hai tay tôi đưa lên bắt thì… những móng tay cắm phập qua làn da dày, làm quả bóng nổ tung. Tối hôm đó, đang ngồi ăn tại nhà – tôi không hề lắng nghe – nhưng tiếng cãi nhau bên hàng xóm vẫn lồng lộng vào tai. Đang nhai khoai tây và xúc-xích, tôi bỗng cảm thấy món ăn hình như cứng hơn bình thường. Nhìn xuống, tôi mới biết mình đang nhai rau ráu đầu cái nĩa inox ra từng mảnh nhỏ. Rất may không ai nhìn thấy.

Cũng trong buổi tối thứ năm đó, Steve gọi cho tôi. Nó đã xuất viện và sẽ nghỉ ngơi tới hết tuần mới đi học lại. Nhưng nó phát điên lên vì buồn chán, nên chỉ muốn mẹ nó cho đi học ngay ngày mai.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Cậu mà lại khoái đi học à?

- Hà hà, nghe ngộ không? Tớ luôn tìm cớ để nghỉ học, bây giờ được nghỉ đàng hoàng, lại chỉ khoái tới trường. Cậu không biết đâu, ở nhà vài ngày còn sướng, nhưng cứ ru rú suốt cả tuần trong nhà, ớn tận cổ rồi.

Không biết Steve có thái độ thế nào, nếu tôi cho nó biết mọi chuyện. Vì nó đã từng muốn thành ma-cà-rồng, nhưng ông Crepsley lại chọn tôi thay vì là nó.

Tôi cũng không thể tâm sự gì được với Annie. Từ khi Steve bình phục, nó không hề nhắc tới con nhện, nhưng tôi vẫn luôn bắt gặp cái nhìn của nó. Không biết nó nghĩ ngợi gì, nhưng tôi đoán nó đang thầm bảo: “Anh Steve thoát chết không phải vì anh. Anh đã có dịp cứu anh ấy, nhưng anh đã không làm. Anh nói dối và phó mặc mạng sống của anh ấy cho may rủi, chỉ để tránh cho bản thân anh những rắc rối. Nếu chuyện đó xảy ra cho em, anh cũng xử sự như thế phải không?”

Thứ sáu đó Steve là siêu sao. Cả lớp xúm quanh, năn nỉ nó kể chuyện. Đứa nào cũng muốn biết con gì đã cắn nó, nó thoát chết ra sao, sống trong bệnh viện như thế nào, người ta có mổ nó không…

Nó bảo:

- Tớ cóc biết bị con gì cắn. Đang ngồi bên cửa sổ, trong phòng Darren, tớ nghe có tiếng động, vừa dòm thử ra, xem là cái gì, thì… phập một cú đớp. Tớ cóc còn biết gì nữa.

Đây là câu chuyện hai đứa tôi đã nhất trí từ trong bệnh viện.

Thứ sáu đó thật kỳ lạ đối với tôi. Ngồi trong lớp, tôi luôn nhìn ngắm chung quanh tự nhủ: “Mình không nên có mặt tại đây. Mình đâu còn là một đứa trẻ bình thường nữa. Mình nên đi kiếm sống bằng công việc phụ tá ma-cà-rồng. Anh văn, sử ký, địa lý còn có ích gì cho mình nữa đâu? Khung cảnh này không còn dành cho mình nữa.”

Alan và Tommy tíu tít khoe tài năng của tôi trên sân cỏ. Alan bảo:

- Hồi này thằng Darren chạy như gió.

Tommy tán thêm:

- Nó chơi bóng như siêu sao Pele.

Steve nhìn tôi dò hỏi:

- Thật à? Chuyện gì làm mày thay đổi ghê thế?

- Thay đổi đếch gì đâu. May mắn thôi.

Tôi lại nói dối. Tommy cười ngặt nghẽo:

- Ôi! Nghe ông Khiêm-Tốn nói kìa! Thầy Dalton đang định đưa nó vào đội U-17 đấy. Cỡ tuổi chúng mình, có thằng nào dám mơ được vào đội U-17 chưa?

Thằng Steve trầm ngâm ra mặt:

- Đúng vậy.

Trong giờ nghỉ trưa, tôi cố tình chơi bóng không tốt, nhưng rõ ràng Steve có vẻ nghi ngờ. Tôi không nghĩ là nó biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng nó cảm thấy tôi có điều khác lạ.

Tôi chạy như rùa và bỏ lỡ nhiều dịp làm bàn. Gần cuối trận, Steve không còn dò xét từng đường chuyền, cú nhả bóng của tôi nữa. Nó đã bắt đầu đùa giỡn với tôi. Nhưng rồi một chuyện xảy ra làm hỏng hết màn kịch của tôi.

Alan và tôi cùng rướn theo quả bóng. Thật ra nó không nên làm thế, vì quả bóng gần sát bên tôi, nhưng Alan nhỏ tuổi nhất trong đám và đôi khi nó hành động ngốc vô cùng. Tôi đã định lùi lại, nhưng quá oải kiểu đá “đóng kịch” này, lại sắp hết giờ nghỉ, tôi muốn ít nhất phải ghi một bàn, Thây kệ thằng Alan Morris.

Trước khi đụng tới quả bóng, hai chúng tôi đâm sầm vào nhau. Alan la lớn, bật tung người. Tôi cười ha hả, kềm cứng quả bóng dưới chân rồi xoay mình, sút!

Nhưng chợt thấy máu, tôi khựng lại. Một đứa móc bóng từ chân tôi, tôi không còn quan tâm nữa, chỉ chăm chú nhìn Alan. Đầu gối trái nó sưng tù vù và nó đang khóc la, nằm ngay đơ cho mọi người băng bó vết thương. Tôi nhìn nó, nhìn đầu gối nó, không, chính xác hơn, tôi nhìn máu nó.

Tôi tiến một bước, rồi hai bước về phía nó. Tôi đứng trên nó, che khuất ánh sáng. Nó ngước lên – chắc phải thấy mặt tôi có vẻ kỳ dị lắm – nên nó nín bặt, trừng trừng nhìn tôi hoảng hốt.

Tôi quỳ xuống, và trước khi biết mình đang làm gì, tôi ghé miệng vào vết thương của nó và hút máu.

Hai mắt nhắm trong khi máu trào vào miệng, tôi không biết mình đã uống bao nhiêu và như vậy có hại gì cho Alan không.

Nhớ ra mọi người chung quanh, tôi choàng mở mắt. Tất cả đã ngừng chơi và đang lom lom nhìn tôi khiếp đảm. Tôi ngẩng đầu lên nhìn quanh. Tôi sẽ cắt nghĩa chuyện này thế nào đây?

Chợt nghĩ ra một giải pháp, tôi nhảy lên, hai tay giang rộng, miệng la lớn:

- Ta là chúa tể ma-cà-rồng đây. Ta sẽ hút máu tất cả các ngươi.

Chúng nó giật mình nhìn, rồi hô hố cười. Chúng nó tưởng tôi đùa, giả bộ làm ma. Một đứa bảo:

- Mày khùng quá đi, Shan.

Một đứa con gái nhìn máu dính tèm lem trên cằm tôi, nhăn nhó:

- Khiếp! Trông kinh quá! Cậu phải bị bắt mới đúng.

Chuông reo vào lớp. Tôi khoái trá, cảm thấy tự phục mình. Tôi đã lừa được cả đám. Nhưng rồi tôi nhìn thấy một người, gần cuối đám đông, niềm vui của tôi biến mất. Đó là Steve Leonard – bộ mặt u ám của nó nói với tôi – nó đã biết chính xác chuyện gì xảy ra. Nó không hề bị tôi lừa.

Nó đã biết tất cả!

CHƯƠNG HAI MƯƠI TÁM

Buổi chiều, tôi tránh mặt Steve, chạy thẳng về nhà. Tôi xấu hổ quá. Tại sao tôi lại làm chuyện đó? Tôi không muốn uống máu của bất kỳ ai. Tôi không hề có ý định tìm kiếm nạn nhân. Vậy thì tại sao tôi lại nhảy tới Alan như một con dã thú? Nếu chuyện này lại xảy ra nữa thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu lần tới không có ai chung quanh để ngăn tôi lại…

Không. Đó chỉ là một ý nghĩ điên rồ thôi. Thấy máu làm tôi bị quá bất ngờ. Kinh nghiệm này sẽ giúp tôi có thể kiểm soát mình trong lần tới.

Tôi vào phòng tắm súc miệng, đánh răng nhiều lần.

Tôi nhìn kỹ mặt mình trong gương. Chẳng có gì thay đổi. Răng không nhọn hay dài thêm. Mắt và tai vẫn thế. Thân hình vẫn như trước: Không mập thêm, không thêm cơ bắp. Chỉ thấy một điều khác lạ, móng tay tôi thẫm màu và cứng hơn.

Tôi rạch một móng tay lên gương, nó tạo nên một vết xước dài. Tôi tự nhủ: “Mình phải thận trọng với mấy móng tay này”.

Ngoài chuyện tấn công Alan, tôi chưa tỏ ra tệ lắm. Càng nghĩ tôi càng bớt sợ. Được, từ nay tôi sẽ cảnh giác khi nhìn thấy máu. Những vụ như thế sẽ giảm đi.

Và đời tôi sẽ tốt đẹp hơn. Tôi khỏe hơn, chạy nhanh hơn tất cả những đứa bằng tuổi. Tôi sẽ trở thành một lực sĩ, võ sĩ hoặc một cầu thủ.

Thử tưởng tượng: một ma-cà-rồng đầy phép thuật trở thành cầu thủ! Tôi sẽ làm ra bạc triệu, sẽ xuất hiện trên truyền hình, người ta sẽ viết sách, làm phim về cuộc đời tôi. Có thể tôi còn sẽ được mời hát chung với một ban nhạc danh tiếng. Có thể tôi sẽ gia nhập làng điện ảnh, đóng thế vai những diễn viên nhí trong những màn nguy hiểm. Hoặc…

Tư tưởng tôi bị ngắt đứt vì tiếng gõ cửa. Tôi hỏi:

- Ai đó?

- Annie. Anh xong chưa? Em chờ đi tắm nãy giờ.

- Vào đi. Anh xong rồi.

Vừa bước vào, nó nói ngay:

- Ghê! Soi gương, ngắm nhan sắc hoài.

- Chứ sao.

- Em có bản mặt giống anh, em phải tránh xa cái gương cả cây số.

Nó chọc tôi. Cuốn khăn tắm quanh người, nó mở nước, rồi đưa tay thử nước đủ nóng chưa. Ngồi bên thành bồn tắm, Annie ngắm nghía tôi, bảo:

- Trông anh kỳ quá.

- Có gì đâu mà kỳ.

- Có mà. Em không biết là cái gì, nhưng trông anh khang khác.

- Chỉ tưởng tượng tào lao. Anh chẳng khác tí nào.

- Không, rõ ràng anh…

Bồn tắm đầy tràn, nó quay lại, cúi mình tắt vòi nước. Tôi chợt chăm chú nhìn gáy nó. Khi ngẩng lên nó trợn mắt nhìn tôi hỏi:

- Darren, anh…

Tôi đưa tay phải lên. Nó im bặt, mắt mở to lặng lẽ nhìn theo ngón tay tôi đang từ từ đưa qua lại, rồi vẽ thành những hình tròn nhỏ. Tôi không biết làm cách nào tôi làm được như thế: tôi đang thôi miên nó! Giọng tôi trầm hơn bình thường:

- Lại đây.

Annie đứng dậy, tiến lại gần tôi như một người mộng du.

Khi nó đứng trước mặt tôi, tôi đưa mấy ngón tay lên cổ nó. Hơi thở nặng nề, tôi nhìn nó như qua một màn sương mù. Tôi liếm môi, trong khi bụng sôi sùng sục. Phòng tắm nóng như lò lửa. Những giọt mồ hôi lã chã trên mặt Annie.

Tôi vòng ra sau lưng nó. Những mạch máu cổ nó phập phồng dưới ngón tay tôi. Miệng mở rộng, răng nhe ra, tôi cúi xuống. Rồi chợt thấy bóng mình trong gương, làm tôi khựng lại.

Đó là một cái mặt nạ rúm ró, xa lạ. Mắt đỏ rực, đầy những vết nhăn. Nụ cười thâm độc. Tôi nhìn sát vào gương. Chính là tôi, mà lại không phải tôi. Dường như có hai kẻ chia nhau một thể xác. Một đứa trẻ bình thường và một con thú man rợ của đêm tối.

Trong khi tôi nhìn trừng trừng như thế, cái mặt độc ác mờ dần và sự thèm khát máu biến mất. Tôi khiếp đảm nhìn Annie. Tôi đã định cắn, định giết hại em gái ruột của mình!

Tôi kêu lên, bật người ra sau. Lấy tay che mặt, tôi bàng hoàng sợ hãi, sợ tấm gương và những gì nhìn thấy. Annie ngơ ngác nhìn quanh hỏi:

- Chuyện gì vậy? Em đi tắm mà, phải không? Nước sẵn sàng chưa?

Tôi nhẹ nhàng bảo nó:

- Sẵn sàng rồi, em.

Tôi cũng đã sẵn sàng. Sẵn sàng trở thành một ma-cà-rồng.

Vừa bước ra, tôi vừa nói:

- Anh ra đây, em tắm đi.

Ra tới phòng ngoài, tôi dựa tường thở dốc, cố gắng bình tĩnh lại.

Chuyện đó không thể kiểm soát được như tôi tưởng. Tôi không thể chống lại cơn khát máu. Chỉ nghĩ đến máu cũng đủ làm con quái vật trong tôi xuất hiện.

Tôi lê bước về phòng, lăn trên giường mà khóc. Tôi biết cuộc sống của một con người đã chấm dứt. Đời sống của một thằng Darren Shan chân chất trước kia không còn nữa. Phần ma-cà-rồng trong tôi không thể kiểm soát nổi. Sớm muộn tôi cũng sẽ gây ra những điều khủng khiếp và sẽ có ngày tôi giết ba má và Annie.

Tôi không thể để chuyện đó xảy ra. Sự sống của tôi không còn quan trọng nữa, nhưng sự sống của bạn bè và gia đình tôi rất quan trọng. Vì những người đó, tôi sẽ đi, thật xa, để không có thể làm hại ai được nữa.

Trời vừa sụp tối, tôi đi ngay. Lần này tôi không đợi ba má ngủ say. Tôi không dám, vì biết ba hoặc má sẽ vào phòng tôi trước khi đi ngủ. Tôi có thể hình dung cảnh má cúi xuống hôn, chúc tôi ngủ ngon, và tôi… vùng lên, cắn ngay cổ bà.

Tôi không để lại thư và cũng không mang theo gì. Tôi chỉ nghĩ đến một điều, ra khỏi nhà càng sớm càng tốt.

Với tôi, rạp hát cũ kỹ này chẳng có gì đáng sợ nữa. Tôi đã quen thuộc với nó rồi. Vả lại, những ngôi nhà ma ám đối với ma-cà-rồng nào có nghĩa gì.

Ông Crepsley đang chờ tôi ngay sau cửa chính.

- Ta đã nghe tiếng mi tới. Mi nấn ná với loài người lâu hơn ta tưởng.

- Tôi đã hút máu một bạn thân, suýt cắn cả em gái mình.

- Mi ra đi nhẹ nhàng đó. Nhiều ma-cà-rồng tỉnh ra, mới biết đã giết người thân của mình rồi.

- Không còn đường nào trở lại nữa sao? Không có thứ thuốc thần nào giúp tôi trở lại làm người, hay ngăn tôi tấn công người khác sao?

- Bây giờ chỉ có một cách ngăn mi làm điều đó: một cây nhọn đâm xuyên qua tim mi.

Tôi thở dài:

- Cũng được. Dù chẳng mong gì điều đó, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác nữa. Bây giờ tôi đã là của ông. Nếu muốn, ông hãy làm đi.

- Chắc mi không tin những điều ta sắp nói: ta biết những khốn khổ mi phải chịu đựng trong mấy ngày qua. Ta rất thương mi. Nhưng đừng để phí thời gian thêm nữa. Nào, lại đây, Darren Shan, chúng ta còn nhiều việc phải làm trước khi mi chính thức trở thành đệ tử của ta.

- Chẳng hạn là việc gì?

Tôi bối rối hỏi. Với nụ cười tinh quái, ông ta trả lời:

- Trước hết, hai chúng ta phải… giết chết mi.

CHƯƠNG HAI MƯƠI CHÍN

Tôi dành hai tuần lễ cuối cùng để nói lời vĩnh biệt. Tôi đến thăm tất cả những nơi thân thiết: thư viện, hồ bơi, rạp chiếu phim, công viên, hội trường bóng đá. Tôi đi chơi mấy nơi với má hoặc ba, với Alan Morris hay với Tommy Jones. Tôi muốn dành chút thời gian với Steve, nhưng tôi không dám gặp nó.

Tôi luôn có cảm giác bị theo dõi. Nhưng lần nào quay lại, đều không thấy ai. Dần dần tôi không thèm bận tâm nữa.

Mỗi phút gần gia đình và bạn bè, tôi đều cư xử như đó là những giây phút đặc biệt nhất đời. Tôi ghi nhớ từng khuôn mặt, từng giọng nói, để không bao giờ có thể quên. Biết rằng chẳng bao giờ còn gặp lại những người thân yêu này nữa, làm tim tôi tan nát. Nhưng đâu còn đường nào để trở về nữa đâu?!

Trong những ngày nghỉ cuối tuần đó mọi người thật tuyệt vời. Những nụ hôn của má không làm tôi ngượng ngùng, những lệnh ba đưa ra không làm tôi khó chịu, những trò đùa ngốc nghếch với Alan không làm tôi bực mình.

Tôi dành nhiều thời gian vui đùa với Annie hơn những người khác. Cho nó cưỡi ngựa nhong nhong trên lưng, đưa nó đến hội trường bóng đá với tôi và Tommy. Thậm chí tôi còn chơi búp-bê với nó.

Nhiều khi, nhìn ba má và Annie tôi mới nhận ra tôi đã yêu cha mẹ và em tôi đến ngần nào. Tôi chỉ muốn khóc thôi, đời tôi sẽ ra sao khi thiếu cha mẹ và em. Những lúc đó tôi chỉ biết quay đi, hít sâu một hơi. Nhưng nhiều khi tôi phải bỏ chạy, tìm nơi vắng vẻ để khóc một mình.

Tôi nghĩ ba má đoán tôi có vấn đề. Tối thứ bảy đó, má vào phòng ngồi với tôi thật lâu. Má kể chuyện và lắng nghe tôi nói. Nhiều năm rồi hai mẹ con tôi chưa ngồi bên nhau như thế. Sau khi bà ra khỏi phòng, tôi ân hận vì đã không có nhiều đêm hạnh phúc thế này với mẹ.

Buổi sáng, ba hỏi tôi có gì muốn bàn bạc với ông không. Ông bảo tôi là một chàng trai đang lớn và sẽ có nhiều thay đổi, ông thông cảm nếu tôi có những điều trái tính hoặc muốn ở một mình. Nhưng ông sẽ luôn sẵn sàng có mặt để chuyện trò cùng tôi.

“Ba ơi! Từ nay ba luôn có mặt tại nhà, còn con thì không!” Tôi thầm nhủ và lại muốn khóc. Nhưng tôi chỉ lặng lẽ gật đầu cám ơn ba.

Tôi cố gắng hết sức mình, cư xử thật tốt đẹp với mọi người. Tôi muốn để lại một ấn tượng hoàn hảo cuối cùng về mình, để tất cả sẽ nhớ đến tôi như một đứa con hiếu thảo, một người anh, người bạn tốt. Tôi không muốn mọi người có những ý nghĩ xấu về mình sau khi tôi… ra đi.

Chủ nhật đó ba định đưa cả gia đình đến cửa hàng ăn tối. Nhưng tôi xin ba ăn tại nhà. Đây sẽ là bữa ăn cuối cùng của tôi với cha mẹ và em. Để nhiều năm sau, khi nhìn lại, tôi còn có thể nhớ cảnh gia đình sum họp tại nhà. Một gia đình hạnh phúc!

Má đã nấu món tôi yêu thích: thịt gà, khoai tây chiên, ngô nướng. Tôi và Annie uống cam tươi, ba má chung nhau một chai rượu nho. Chúng tôi ăn tráng miệng bằng bánh phô-mát, rưới mứt dâu. Cả nhà đều hào hứng. Chúng tôi hát nhiều bài. Ba làm đủ trò vui nhộn. Má bắt nhịp bằng hai cái muỗng. Annie ngâm thơ. Rồi cùng nhau tham gia trò ra câu đố.

Đó là một ngày tôi đã ước mong không bao giờ chấm dứt. Nhưng cũng đến lúc mặt trời chìm khuất và màn đêm bao phủ bầu trời

Ba nhìn đồng hồ, nói:

- Tới giờ đi ngủ rồi. Sáng mai hai con còn phải đi học sớm.

“Không” tôi nghĩ “Chẳng bao giờ con đi học nữa”. Điều đó, trước kia chắc làm tôi khoái lắm. Nhưng bây giờ tôi lại nghĩ: “Điều đó có nghĩa là không còn thầy Dalton, không bạn bè, không sân bóng, không cả con đường mỗi ngày tới lớp”.

Tôi lần lữa kéo dài giờ chui vào giường, từ từ thay quần áo, chậm chạp đánh răng rửa mặt. Rồi, không còn có thể nấn ná hơn được nữa, tôi xuống phòng khách. Ba má đang nói chuyện, ngạc nhiên thấy tôi chưa đi ngủ. Má hỏi:

- Con sao vậy? Không bệnh chứ?

- Dạ không. Con khỏe. Con chỉ muốn chúc ba má ngủ ngon.

Tôi vòng tay ôm ba, hôn lên má ông. Tôi cũng hôn má và chúc hai người ngủ ngon.

Ba cười lớn, xoa chỗ má tôi vừa hôn, nói:

- Vụ này viết sách được đây. Angie ơi, lần cuối cậu Cả hôn, chúc bố mẹ ngủ ngon là từ bao giờ nhỉ?

- Quá lâu rồi.

Má vỗ đầu tôi, mỉm cười nói. Tôi bảo:

- Con yêu ba má thật mà. Con biết con ít nói ra. Nhưng con rất yêu ba má, yêu mãi mãi…

- Ba má cũng yêu con. Đúng không ba nó?

- Đúng quá đi chứ.

- Vậy thì nói với con đi.

Ba thở dài, trợn mắt để làm tôi cười:

- Ba yêu con lắm, Darren.

Rồi ông ôm tôi, nghiêm mặt bảo:

- Ba yêu con thật mà.

Tôi miễn cưỡng ra khỏi phòng, nhưng đứng lại sau cửa nghe má nói:

- Anh thấy con có sao không?

- Khó biết tụi trẻ nghĩ gì lắm.

- Không biết chuyện gì, gần đây nó kỳ cục quá.

- Hay cu cậu có bồ?

- Có thể.

Giọng má yếu xìu, không chút tự tin.

Tôi không dám nấn ná thêm, vì sợ sẽ chạy vào thú thật hết mọi chuyện. Và nếu tôi làm thế, ba má sẽ tìm cách ngăn cản kế hoạch của tôi và ông Crepsley. Ông bà không tin ma-cà-rồng có thật, nên không ngại gì chống lại để giữ tôi, dù nguy hiểm.

Nhưng nhớ lại chuyện tôi suýt cắn Annie, tôi không thể để ba má ngăn cản tôi được.

Tôi chạy lên lầu. Đó là một đêm nóng bức, nên cửa sổ phòng tôi mở ngỏ. Đây cũng là điểm mấu chốt trong kế hoạch này.

Nghe tiếng tôi đóng cửa, ông Crepsley nhào ngay ra từ tủ áo, phàn nàn:

- Hôi đến nghẹt thở luôn. Tội nghiệp quý bà Octa phải giam mình trong đó.

- Ông im đi.

- Sao thô lỗ thế? Ta chỉ đưa ra chút nhận xét thôi mà.

- Với ông thì chẳng là gì, nhưng với tôi thì đây là nhà tôi, phòng tôi, tủ áo của tôi. Tôi chỉ còn vài giây phút cuối cùng nhìn những thứ này. Sau đêm nay, chẳng bao giờ tôi còn gặp lại nữa. Đừng chê bai, ông hiểu chứ?

- Ta xin lỗi.

Nhìn quanh phòng lần cuối, tôi thở dài rầu rĩ, lôi từ gầm giường ra một túi xách, đưa cho ông Crepsley. Ông ta nghi ngờ hỏi:

- Cái gì đây?

- Đồ cá nhân. Quyển nhật ký, tấm ảnh gia đình và ít đồ lặt vặt. Ông giữ giùm tôi được chứ?

- Được.

- Nhưng ông phải hứa không được lấy ra xem.

- Không có gì là bí mật giữa ma-cà-rồng với nhau. Nhưng… được rồi, ta hứa.

- Ông đem theo thuốc chứ?

Ông ta gật, đưa cho tôi cái chai nhỏ. Đó là một chất lỏng đen thui, sền sệt và hôi rinh rích.

Ông Crepsley bước ra phía sau, đặt tay lên cổ tôi. Tôi lo lắng hỏi:

- Ông tin cách này thành công chứ?

- Hãy tin ta.

- Tôi tưởng, cổ bị gãy thì làm sao đi lại, nhúc nhích được nữa.

- Không. Xương cổ không là vấn đề. Gãy cột sống mới bị tê liệt. Ta sẽ thận trọng, không phạm tới cột sống.

- Liệu bác sĩ có phát hiện ra không?

- Thuốc sẽ làm tim mi như ngừng thở, cộng thêm cái cổ gãy, chắc chắn họ sẽ tin là mi chết rồi. Nếu là người lớn, họ sẽ giải phẫu tử thi để khám nghiệm. Nhưng chẳng bác sĩ nào ham mổ xác một thằng nhóc như mi đâu. Nào, bây giờ mi có muốn biết tất cả diễn tiến và mi phải hành động như thế nào không?

- Có chứ.

- Nếu mi phạm một sai lầm nhỏ, kế hoạch của chúng ta sẽ bị thất bại.

- Tôi không phải là thằng ngốc. Tôi biết phải làm gì.

- Vậy thì làm đi.

Tức giận, tôi đưa chai thuốc lên tu ừng ực. Nhăn mặt vì vị tanh, rồi toàn thân tôi cứng dần. Không đau đớn lắm, nhưng cảm giác buốt lạnh len lỏi vào xương tủy, mạch máu tôi. Răng tôi va vào nhau.

Chừng mười phút sau ma lực của thuốc mới có tác dụng. Chân tay tôi không còn nhúc nhích được nữa. Tim và phổi ngừng hoạt động (thật ra, chúng hoạt động yếu tới mức không thể nhận ra).

- Ta sắp bẻ cổ mi đây.

Ông ta vừa dứt lời, tôi nghe một tiếng “rắc”, cổ tôi bị vặn sang một bên. Ông ta bồng tôi lên, nói:

- Ta phải quăng mi thật mạnh ra ngoài, để tạo hiện trường như thật. Có thể mi sẽ bị gãy thêm mấy cái xương và khi thuốc giảm tác dụng, mi sẽ bị đau vài ngày, nhưng ta sẽ điều trị cho mi. Thôi, chúng ta lên đường.

Ông ta quăng mạnh tôi ra ngoài cửa sổ.

Tôi rơi xuống thật nhanh, ngôi nhà loáng thoáng trôi ngược lại, và tôi nặng nề ngã ngửa trên mặt đất. Mắt tôi vẫn mở để còn có thể nhìn thấy đường cống sát chân tường.

Chưa ai phát hiện ra, nên tôi cứ nằm đó, lắng nghe âm thanh của trời đêm.

Sau cùng, một người hàng xóm đi ngang. Ông ta lại gần, lật mặt tôi lên nhìn, rồi hổn hển chạy vòng ra phía trước nhà tôi, đập cửa. Tôi nghe tiếng ông kêu gào tên ba má tôi, rồi tiếng nói của ba má khi theo ông ta đi trở vòng ra sân sau. Ba tôi lèm bèm bực tức, vì tưởng ông ta gây chuyện khó dễ gì.

Những bước chân ngừng lại ngay lối vòng, khi mọi người phát hiện ra tôi. Im lặng kéo dài một khoảnh khắc lâu khủng khiếp, rồi ba má chạy vội tới, nâng tôi lên. Má ghì tôi vào ngực mà gào:

- DARRRRREN!

- Buông nó ra, Angie.

Ba la lớn, ôm tôi đặt nằm trên cỏ. Má rên rỉ:

- Con làm sao vậy, Dermot?

- Anh không biết. Chắc bị ngã.

Tôi thấy ba ngước nhìn lên cửa sổ phòng tôi bỏ ngỏ, hai tay ông nắm chặt.

Má vừa lay tôi vừa hốt hoảng:

- Nó không còn nhúc nhích gì được nữa này.

Một lần nữa, ba lại nhẹ gạt tay má ra. Ông ngoắc người hàng xóm lại gần, cầm tay má, nói:

- Ông đưa giùm cô ấy vào nhà. Gọi xe cấp cứu. Tôi ở đây trông chừng cháu.

- Cháu nó… chết rồi sao?

Ba nắm nhẹ vai má:

- Không đâu. Cháu bị hôn mê như thằng bạn nó thôi.

Giọng má nuôi chút hy vọng:

- Như thằng Steve?

- Phải, rồi nó sẽ tỉnh lại như Steve.

Ba mỉm cười nói với má. Nhưng ngay khi má đi khuất, nụ cười trên môi ba tôi tắt lịm. Ông cúi xuống kiểm tra mắt và mạch của tôi. Thấy không còn sự sống, ông đặt lại tôi xuống, vuốt lọn tóc phủ trước mắt tôi, rồi ông làm một việc mà chưa bao giờ tôi thấy.

Ba tôi khóc! Nghẹn ngào, tức tưởi!

Tôi đã ra đi như vậy đó. Ra đi để bước vào một giai đoạn mới, một giai đoạn đầy khốn khổ trong cuộc đời tôi.

CHƯƠNG BA MƯƠI

Sau khi thấy tôi nằm ngay đơ – tim ngừng đập, cổ gãy – các bác sĩ không phải mất nhiều thời giờ để đưa ra phán quyết. Tôi đã chết.

Điều khốn khổ nhất của tôi là: biết ráo những gì đang xảy ra chung quanh. Ước gì tôi có thể xin ông Crepsley cho thêm liều thuốc ngủ. Thật khủng khiếp khi phải nghe tiếng khóc của ba má và tiếng kêu gào của Annie gọi tôi trở lại.

Tôi mong sao tránh được cảnh này. Tôi đã muốn trốn đi cùng ông Crepsley lúc nửa đêm, nhưng ông ta bảo như thế sẽ không ổn: “Nếu mi trốn đi, người ta sẽ truy tìm. Hình ảnh mi sẽ tràn lan khắp nơi, rồi báo chí, cảnh sát sẽ vào cuộc. Chúng ta chẳng được yên đâu.”

Tạo ra cái chết giả là thượng sách. Họ tưởng tôi chết, tôi sẽ được tự do. Chẳng ai truy lùng một người chết bao giờ.

Nhưng lúc này, nghe những tiếng khóc than thê thảm, tôi nguyền rủa ông Crepsley và cả chính mình. Đáng lẽ tôi không nên làm điều này. Không nên để người thân chịu đựng đến thế.

Tuy nhiên, nhìn từ một khía cạnh khác, ít nhất cảnh này đã chấm dứt mọi chuyện. Người thân của tôi buồn khổ một thời gian, nhưng sẽ nguôi ngoai dần (tôi hy vọng thế). Còn nếu tôi chỉ đơn giản bỏ trốn, sự bất hạnh này sẽ kéo dài mãi mãi: họ sẽ nuôi hy vọng suốt những tháng năm còn lại trên đời – tìm kiếm, tin tưởng ngày tôi trở lại.

Một nhân viên mai táng đến, mời mọi người tránh xa ra nơi khác. Anh ta và một cô y tá cởi quần áo và xem xét toàn thân tôi. Một vài giác quan đã trở lại, nên tôi có thể cảm thấy bàn tay lạnh ngắt của họ bóp nắn thân thể tôi. Anh chàng của tổ mai táng bảo cô y tá:

- Ít khi tôi gặp trường hợp này. Tình trạng xác chết thật tuyệt vời: rắn chắc, tươi rói, chẳng có dấu vết gì. Chỉ cần một tí phấn cho hai má cậu ta hồng hào thêm một chút.

Anh ta vạch mắt tôi lên. Đó là một con người tròn xoe, vui vẻ. Tôi đã sợ anh ta phát hiện ra tôi còn sống. Nhưng anh ta chỉ nhẹ nhàng xoay trở đầu tôi, làm chỗ xương gãy kêu lên răng rắc.

- Con người là sinh vật mong manh thật!

Anh nhân viên nhà đòn, thở dài, triết lý.

Sau đó họ chuyển tôi vào nhà, đặt tôi lên mặt chiếc bàn dài, trong phòng khách. Và hàng xóm, người thân, bạn bè lần lượt đến nói lời vĩnh biệt.

Thật kỳ dị khi nghe mọi người bàn tán về mình, như mình không hề có mặt tại đó. Ngày còn bé tôi ra sao, tôi là một đứa con trai ngoan ngoãn thế nào, và nếu còn sống, sau này tôi sẽ trở thành một người đàn ông mẫu mực.

Tưởng tượng họ sẽ chết khiếp, nếu tôi nhảy vọt ra, la lớn: “HÙ!”

Thời gian như ngừng lại. Tôi không thể cắt nghĩa được hết nỗi buồn chán khi phải nằm im thin thít nhiều giờ đồng hồ, không nhúc nhích, không cười, không gãi mũi được. Thậm chí không thể nhìn lên trần, vì hai mắt tôi… nhắm tịt.

Vì những cảm giác bắt đầu trở lại, tôi phải rất cảnh giác với thân thể mình. Ông Crepsley đã báo trước là chuyện này sẽ xảy ra: cảm giác rần rần, ngứa ngáy sẽ xuất hiện.

Sự ngứa ngáy làm tôi gần phát điên. Tôi cố quên đi mà không được. Khắp người tôi như có những con nhện nhỏ xíu đang bò. Khổ nhất là vùng đầu và cổ, nơi xương bị bẻ gãy.

Mọi người ra về dần. Có lẽ khuya lắm rồi, vì căn phòng dường như trống rỗng và hoàn toàn im lặng.

Rồi tôi chợt nghe một tiếng động.

Cửa phòng nhẹ nhàng mở.

Tiếng chân bước lại bên bàn. Ruột gan tôi lạnh toát, không vì thuốc. Ai đến đây? Trong một thoáng, tôi tưởng là ông Crepsley, nhưng ông ta không có lý do để mò vào nhà giờ này.

Người đó vô cùng lặng lẽ. Suốt mấy phút không hề gây một tiếng động nào.

Rồi tôi cảm thấy bàn tay đặt lên mặt tôi.

Người đó vạch mắt tôi lên, rọi một tia sáng nhỏ vào con ngươi tôi. Gian phòng quá tối, tôi không thể nhìn rõ ai, nhưng tôi nghe tiếng lầm bầm. Người đó khép mắt tôi lại, rồi vạch miệng, đặt lên lưỡi tôi một thứ giống miếng giấy mỏng, nhưng đắng lạ lùng.

Người đó cầm tay tôi lên, dòm ngó những đầu ngón tay. Tiếp theo tôi nghe tiếng bấm “lách tách” của máy chụp hình.

Sau cùng, người đó đâm một vật nhọn – như kim tiêm – vào tôi, nhưng thận trọng tránh những chỗ có thể chảy máu. Giác quan tôi chưa hoàn toàn hồi phục, nên tôi không cảm thấy đau.

Rồi tôi nghe tiếng bước chân trở ra, tiếng mở và đóng cửa rất nhẹ.

Người khách bất ngờ và bí mật bỏ tôi lại với nỗi lo sợ và thắc mắc.

Tinh mơ hôm sau, ba vào ngồi bên tôi. Ông nói, nói mãi về những dự định ông hằng ấp ủ về tôi: đại học, việc làm…

Ba tôi khóc thật nhiều.

Khi má vào ngồi bên ba, hai người gục lên vai nhau mà khóc và an ủi lẫn nhau: Ít ra vẫn còn Annie và có thể sinh thêm đứa nữa, cùng lắm thì nhận con nuôi.

Như tôi nghĩ và mong ước, mọi khổ đau rồi cũng sẽ qua đi.

Tôi rất ghét mình là nguyên nhân gây nên quá nhiều đau khổ. Tôi muốn đổi tất cả những gì tôi có trên đời, để tránh khổ đau cho ba má.

Sau đó mọi hoạt động rộn rịp hẳn lên. Tôi được đặt vào quan tài. Một linh mục tới ngồi cùng gia đình và họ hàng thân thuộc. Căn phòng lúc nào cũng đầy người ra vào.

Tôi nghe tiếng Annie khóc lóc. Nó năn nỉ tôi đừng đùa nữa, dậy chơi với nó đi. Tôi chỉ mong có ai đưa nó tránh đi nơi khác, nhưng tôi cũng biết không ai nỡ để sau này nó nghĩ rằng, người ta đã không cho nó vĩnh biệt người anh nó từng yêu quý.

Sau cùng thì nắp quan tài cũng được đóng lại và tôi được đưa lên xe tang. Trên đường đám tang từ từ di chuyển tới nhà thờ, tôi không nghe rõ lắm những tiếng nói rì rầm. Sau buổi lễ, người ta chuyển tôi ra nghĩa địa. Tôi lại nghe tiếng cầu kinh, tiếng khóc và than vãn.

Và rồi người ta chôn tôi.

CHƯƠNG BA MƯƠI MỐT

Mọi âm thanh đều tan biến khi người ta hạ tôi xuống cái hố tối tăm lạnh lẽo. Tôi bị nẩy lên, khi chiếc quan tài chạm nền đất, rồi những nắm đất rào rào như mưa xuống nắp quan tài.

Sau đó là sự yên lặng kéo dài, cho đến khi những người phu đào đất, đổ xuống mồ. Tiếng động ình ình làm rung động quan tài. Khi cái mồ đã được lấp đầy và đất chất cao thành đống giữa tôi và thế giới trên kia, những âm thanh của sự sống nhỏ dần.

Sau cùng là những tiếng đập mơ hồ, hình như người ta vỗ cho đống đất gọn gàng hơn.

Rồi… hoàn toàn im lặng.

Tôi nằm trong bóng tối lắng nghe, tưởng tượng tiếng côn trùng đang lách mình qua đất bò lại gần tôi. Tôi đã ngỡ là khủng khiếp lắm, nhưng thật ra lại thấy êm ả vô cùng. Dưới đáy huyệt này, tôi cảm thấy an toàn, được bảo vệ khỏi thế giới trên kia.

Tôi ngẫm nghĩ lại thấy mấy tuần qua: tờ quảng cáo, sức mạnh kỳ lạ thôi thúc tôi nhắm mắt ngửa tay đón tấm vé, hình ảnh đầu tiên của rạp hát tối tăm, cái ban-công lạnh lẽo – nơi tôi chứng kiến Steve và ông Crepsley chuyện trò.

Nếu không bắt đúng tấm vé, tôi đã không tới buổi diễn đó và tôi đã không nằm trong cái mồ này. Nếu không loanh quanh tìm hiểu Steve làm gì, tôi đã không ở đây. Nếu tôi nói “không” với lời đề nghị của ông Crepsley, tôi đã không bị chôn dưới lòng đất tối tăm này.

Nếu, nếu, nếu. Nhưng chẳng còn thay đổi được gì. Chuyện xảy ra đã xảy ra. Quá khứ đã ở lại phía sau. Điều tốt nhất lúc này là đừng ngó lại, đã đến lúc quên đi quá khứ, mà phải nhìn vào hiện tại và tương lai.

Mấy giờ trôi qua, tôi đã có thể bắt đầu cử động. Trước hết là những ngón tay, đã có thể nắm lại, rồi tuột khỏi ngực. Tôi gãi lòng bàn tay bằng những ngón cong vào.

Tôi mở mắt, nhưng dù mở hay đóng, trong quan tài hoàn toàn tối thui như hũ nút. Lưng tôi – bị quăng từ cửa sổ xuống đất – đau buốt. Tim và phổi – đập lại sau một thời gian không hoạt động – nhức nhối. Hai chân tê cóng, cổ cứng đờ. Phần duy nhất của thân thể tôi không bị đau đớn gì là ngón chân cái bên phải.

Ngay khi bắt đầu thở lại, tôi lo ngại: không khí trong cái hòm này đủ cho tôi thở được bao lâu? Ông Crepsley bảo tôi có thể sống như trong tình trạng hôn mê tới một tuần – không cần ăn uống.

Tôi không hốt hoảng. Sự hốt hoảng sẽ làm tôi thở dốc và cần nhiều không khí hơn.

Không có cách nào để biết thời gian. Tôi cố thầm đếm, nhưng những con số trở nên lộn xộn và tôi phải đếm lại từ đầu.

Tôi cũng thầm hát và kể chuyện. Phải chi người ta chôn tôi cùng một cái radio hay một bộ TV.

Rồi, dường như cả thế kỷ sau, tôi nghe những tiếng đào đất đầu tiên. Khoảng mười lăm phút, ba tiếng gõ cồm cộp trên nắp quan tài. Tiếp theo là tiếng vặn mở những con ốc. Vài phút sau, nắp quan tài bật mở. Trước mắt tôi là bầu trời đêm đẹp tuyệt vời.

Hít mạnh một hơi, tôi ngồi dậy, bật ho. Ở trong lòng đất quá lâu, nên với tôi, bóng đêm dường như sáng tợ ban ngày.

Ông Crepsley hỏi:

- Mi ổn chứ?

- Mệt chết được.

Tôi cười như mếu. Ông ta cũng cười:

- Đứng lên để ta kiểm tra coi.

Tôi nhăn nhó đứng dậy. Ông ta đưa mấy ngón tay nhẹ rờ rẫm từ sau tới trước tôi:

- Mi may mắn thật. Không bị gãy xương nào, chỉ có vài vết bầm thôi. Vài ngày sẽ hết.

Nhảy lên khỏi mộ, ông ta đưa tay xuống, kéo tôi lên. Tôi vẫn cảm thấy còn hơi bị tê. Ông Crepsley bảo:

- Mấy hôm nữa mới bình thường lại được. Nhưng chúng ta rất may mắn: cơ thể mi còn tốt. Nếu để thêm vài ngày nữa, người ta mới chôn, tình hình sẽ rất căng.

Ông ta nhảy lại xuống mồ, đậy nắp quan tài, rồi trở lên, xúc đất đắp lại gò mả. Tôi hỏi:

- Ông cần tôi giúp không?

- Không, mi còn làm quẩn chân ta hơn. Đi lang thang cho giãn gân cốt. Xong việc ta sẽ gọi.

- Ông có đem theo cái túi của tôi không?

Ông hất đầu về cái túi xách, treo trên một mộ bia gần đó.

Tôi mở túi xách, tất cả không suy suyển, nhưng chưa chắc là ông ta đã không lục lọi. Tôi chỉ còn biết tin vào lời hứa của ông ta thôi. Dù sao vấn đề cũng chẳng có gì nghiêm trọng lắm: vì những gì trong nhật ký của tôi đều là những chuyện ông ta đã biết rồi.

Vừa vung vẩy chân tay, tôi vừa đi giữa những hàng mồ mả. Thị giác tôi mạnh hơn bao giờ hết. Tôi có thể đọc tên và ngày tháng trên những bia mộ từ xa. Đó là nhờ máu ma-cà-rồng trong tôi. Chẳng phải ma-cà-rồng chỉ sống trong bóng tối sao? Tôi biết mình chỉ có một nửa là ma-cà-rồng, nhưng…

Thình lình, một bàn tay vươn lên từ sau một ngôi mộ, bịt miệng tôi và lôi tôi xuống đất, khuất khỏi tầm nhìn của ông Crepsley.

Tôi vùng vẫy, mở miệng kêu. Nhưng tôi chợt thấy một vật làm tôi nín bặt. Kẻ tấn công tôi đang lăm lăm một cây búa và một cây gậy. Đầu nhọn của cây gậy chĩa thẳng ngay tim tôi.

CHƯƠNG BA MƯƠI HAI

- Nếu mày chỉ hơi nhúc nhích, tao đóng gậy xuyên qua tim mày trong nháy mắt.

Mấy câu nói không làm tôi khiếp đảm bằng giọng nói quen thuộc đó:

- Steve!

Tôi hổn hển nói, ngước nhìn từ mũi gậy nhọn lên mặt nó. Đúng là Steve. Cố lấy giọng bình tĩnh, tôi hỏi:

- Steve, tại sao cậu…

Nó thúc cây gậy vào tôi, rít nho nhỏ:

- Câm. Tao không muốn bạn mày nghe thấy.

- Bạn mình… À, cậu nói ông Crepsley hả?

- Larten Crepsley, Vur Horston, mày muốn gọi sao thì mặc mày. Lão là ma-cà-rồng. Tao chỉ quan tâm đến điều đó thôi.

- Cậu làm gì ở đây?

- Săn ma-cà-rồng. Tao vớ được một cặp. Hay không?

Bực tức nhiều hơn lo sợ (nếu nó định giết tôi thì giết ngay rồi, không ngồi tán nhảm như trong phim thế này) tôi bảo:

- Cậu nghe đây, nếu muốn đâm cây gậy này vào mình, đâm đi. Nếu muốn nói chuyện, dẹp mẹ cây gậy mắc dịch đó đi. Mình chịu đau đớn nhiều rồi, cậu đâm thêm vài lỗ chẳng nhằm nhò gì đâu.

Nó nhìn tôi lom lom, rút cây gậy về vài phân. Tôi hỏi:

- Tại sao cậu ở đây? Tại sao biết mà đến?

- Tao theo dõi mày. Theo dõi suốt từ sau khi thấy mày làm gì với Alan. Tao thấy lão Crepsley vào nhà mày, thấy lão ném mày qua cửa sổ.

- Cậu chính là người đã lẻn vào phòng khách nhà mình?

Tôi như nghẹn thở, nhớ lại người khách bí mật đêm qua.

- Đúng. Bác sĩ đã quá hấp tấp ký giấy khai tử cho mày. Tao muốn tự kiểm tra, xem mày còn thoi thóp không?

- Còn mảnh giấy cậu bỏ vào miệng mình?

- Giấy tẩm hóa chất. Nó đổi màu khi gặp chất ẩm, khi tiếp xúc với một cơ thể… sống. Miếng giấy và những dấu trên đầu ngón tay của mày đã cho tao biết sự thật.

- Cậu biết cả về những dấu đó sao?

- Tao đọc trong sách. Cũng nhờ vậy mà tao phát hiện ra Vur Horston.

Tôi không còn nghe tiếng xúc đất nữa. Im lặng một lúc, rồi có tiếng ông Crepsley:

- Darren, mi ở đâu?

Mặt Steve đờ ra vì hoảng sợ. Tôi nghe tim nó đập thình thình và thấy mồ hôi lăn dài trên má nó. Nó không tính tới tình huống này.

Tôi kêu lớn:

- Tôi khỏe, không sao đâu.

- Ở đâu?

- Đây. Chân còn yếu, tôi nằm nghỉ một lát nữa.

Tôi nhìn sát mặt Steve. Nó không còn quá dũng khí nữa. Cây gậy cắm trên mặt đất. Toàn thân nó run rẩy, rất tội nghiệp. Tôi nhỏ nhẹ hỏi:

- Cậu đến đây làm gì?

- Để giết mày.

- Giết mình? Chúa ôi, vì sao?

- Mày là ma-cà-rồng. Còn lý do nào xác đáng hơn thế nữa?

- Nhưng cậu có chống đối ma-cà-rồng đâu? Chính cậu cũng muốn trở thành như họ mà?

- Đúng. Tao muốn thế, nhưng lão ta đã chọn mày. Mày đã lên kế hoạch từ lâu, phải không? Mày bảo với lão tao là ma quỷ, để lão từ chối tao, mày mới có thể…

- Khổ quá. Cậu khùng rồi. Cậu biết là mình không bao giờ muốn thành ma-cà-rồng. Mình chỉ đồng ý theo ông ta để cứu mạng sống của cậu. Cậu đã chết, nếu mình không chịu làm đệ tử ông ta.

- Hừ, lâm ly như tiểu thuyết. Mày tưởng tao vẫn coi mày là bạn sao?

Tôi kêu lên, gần như phát khóc:

- Mình là bạn cậu. Steve, cậu không hiểu rồi. Mình không bao giờ làm bất cứ chuyện gì hại cậu. Mình chỉ phải làm vì…

- Tha cho tao phải nghe mấy chuyện lâm ly bi đát đó đi. Mày lên kế hoạch này bao lâu rồi? Chắc mày đã đến gặp lão ta ngay trong đêm đó, vì thế mày mới có được con nhện, đúng không? Lão cho mày con nhện, đổi lại mày trở thành đệ tử của lão.

- Không, Steve. Sự thật không đúng như thế. Cậu phải tin mình.

Nhưng nó không tin! Tôi nhìn thấy điều đó trong mắt nó. Không lời nói nào của tôi làm nó có thể thay đổi định kiến được nữa. Nó nghĩ là tôi đã phản bội, đã ăn cắp cuộc đời đáng lẽ là của nó. Sẽ chẳng bao giờ nó tha thứ cho tôi.

Vừa bò đi, nó vừa nói:

- Tao đi đây. Tưởng có thể hạ mày đêm nay, nhưng tao lầm. Tao còn quá nhỏ, không đủ mạnh hay… chưa đủ can đảm. Nhưng hãy đợi đấy, Darren. Tao sẽ lớn lên, già hơn, mạnh hơn, can đảm hơn. Đến ngày đó, tao sẽ hiến cả cuộc đời – rèn luyện cơ thể và ý chí – sẵn sàng để… săn lùng và giết mày. Tao sẽ trở thành một thợ săn ma-cà-rồng tài giỏi nhất thế giới. Không một hang hố nào mày dung thân mà không bị tao tìm ra. Tao sẽ truy lùng mày cùng trời cuối đất.

Mặt nó ngời lên vẻ điên loạn:

- Mày và sư phụ của mày. Tao sẽ đâm xuyên tim ma-cà-rồng chúng mày bằng ngọn sắt nung, ngâm đầu bọn mày trong tỏi. Tao sẽ đốt hết ma-cà-rồng ra tro, rồi rải trên sông nước.

Nó lấy ra một con dao, rạch chữ thập lên bàn tay trái, rồi xòe ra cho tôi thấy máu ròng ròng, nhỏ giọt từ vết thương:

- Với máu này, tao thề sẽ làm những gì đã nói.

Thề xong, nó chạy biến vào đêm tối.

Tôi có thể theo vết máu, đuổi theo nó. Hoặc nếu tôi gọi ông Crepsley, chúng tôi có thể hạ được nó, chấm dứt mạng sống Steve Leonard cũng những lời nguyền của nó.

Nhưng tôi đã không làm thế. Tôi không thể. Nó là bạn của tôi…

CHƯƠNG BA MƯƠI BA

Nhìn ông Crepsley đang o bế cho ngôi mộ được tươm tất, nhẵn nhụi hơn, tôi thấy cái xẻng to lớn, nặng nề trong tay ông như được làm bằng giấy. Tôi tự hỏi, ông mạnh đến cỡ nào, và một ngày kia, tôi sẽ mạnh đến cỡ nào?

Tôi không cho ông biết về Steve, vì sợ ông đuổi theo nó. Nó cũng đã quá khổ tâm rồi, vả lại những lời hăm dọa của nó chỉ là chuyện điên rồ. Rồi Steve sẽ quên tôi và ông Crepsley trong vài tuần nữa, khi có những chuyện mới lôi cuốn nó. Tôi hy vọng thế.

Ông Crepsley chau mày nhìn tôi:

- Mi chắc không sao chứ? Sao trông đờ đẫn thế?

- Nếu ông phải nằm trong quan tài cả ngày, thì cũng thế thôi.

Ông ta ha hả cười:

- Cậu Shan ơi! Ta nằm trong quan tài nhiều lần hơn tất cả những người chết thật sự đấy. Mi hết tê chưa?

- Khá hơn rồi. Nhưng tôi mong đừng bao giờ phải chết giả nữa.

- Ta cũng hy vọng thế. Trò này nguy hiểm lắm. Sai lầm như chơi.

- Sao ông bảo là rất an toàn?

- Ta nói dối. Thuốc đó có thể làm người ta chết, hay hôn mê không bao giờ tỉnh lại. Và ta cũng không chắc việc mi có bị mổ để khám nghiệm không. Và… Mi có muốn nghe tất cả sự thật không?

- Không.

Ném cho ông ta cái nhìn giận dữ, tôi gào lên:

- Chính ông bảo là tôi sẽ rất an toàn. Thì ra ông nói láo.

- Vì không còn cách nào khác.

- Lỡ tôi chết thì sao?

- Ta sẽ mất một đệ tử. Cũng chẳng phải là mất mát to lớn gì. Chắc chắn sẽ tìm ra một tên khác.

- Ông… ông là… Ôi!

Có cả đống danh từ xứng đáng để tôi réo lên mà nguyền rủa ông ta. Nhưng tôi không quen nói tục giữa những mồ mả của người quá cố. Sau này, tôi sẽ cho ông ta biết tôi đã nghĩ gì về trò lừa đảo đó.

Ông ta hỏi:

- Mi sẵn sàng đi chưa?

- Khoan đã.

Tôi nhảy lên một bia đá cao, nhìn về thị trấn. Không thấy rõ lắm, nhưng đây là lần cuối cùng tôi nhìn lại nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Tôi cố tìm từng con đường, góc phố, những ngôi nhà lụp xụp, những tầng lầu vươn cao…

Đứng trên ngôi mộ kế bên, ông Crepsley lẩm bẩm:

- Rồi mi sẽ quen dần với những cảnh chia ly. Ma-cà-rồng luôn luôn phải nói lời vĩnh biệt. Chúng ta chẳng bao giờ dừng chân lâu dài tại một nơi. Mãi mãi bứt rời khỏi cội nguồn, lang thang khắp chốn tìm nguồn ăn mới. Đời sống chúng ta là thế đó.

- Khó khăn nhất là lần đầu tiên, phải không?

- Đúng vậy.

- Bao giờ tôi mới quen nổi?

- Có thể vài thập kỷ, có thể hơn.

Thập kỷ? Là mười năm! Vậy mà ông ta nói cứ như vài tháng. Tôi lại hỏi:

- Chúng ta sẽ không bao giờ có bạn bè, vợ con, gia đình sao?

- Không bao giờ.

- Như vậy có cô đơn không?

- Cô đơn khủng khiếp.

Tôi buồn rầu gật đầu. Ít ra ông ta cũng tỏ ra thành thật. Như tôi đã nói, thà biết sự thật, dù không tốt đẹp, còn hơn giả dối. Với sự thật, bạn còn có thể biết vị trí của bạn đang ở đâu.

Tôi nhảy xuống, nhặt cái túi xách, phủi bụi nói:

- Xong. Tôi sẵn sàng rồi.

- Nếu muốn, hãy cưỡi lên lưng ta.

- Thôi, cám ơn ông. Có thể sau này, còn bây giờ tôi muốn đi bộ cho bớt tê chân.

- Được thôi.

Tôi xoa bụng nói:

- Suốt từ ngày chủ nhật tới giờ, tôi chưa được ăn uống gì. Đói quá.

Ông ta nắm tay tôi cười cười:

- Ta cũng vậy. Nào, đi ăn.

Tôi thở dài, không dám nghĩ thực đơn có gì. Gật đầu, tôi nắm tay ông Crepsley. Hai chúng tôi, sát bên nhau, ma-cà-rồng và đệ tử ra khỏi nghĩa trang… bước vào đêm tối.

(Hết tập 1)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

Tags: #dattn