Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Write|Mã phách: 05

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vòng 2: Tình Yêu Vĩnh Cửu

"Đợi sự hồi đáp"

Thí sinh: Luquorus

Số báo danh: 31

Mã phách: 05

___________________________________

Trời xanh, mây trắng - Năm đó em vẫn mười chín tuổi.

i, Vũ Minh Thư

*

Thực ra, chính bản thân tôi cũng chẳng biết tôi là ai.

Tôi luôn tự đặt câu hỏi về mọi thứ xung quanh, và mỗi lần tôi cất tiếng là một lần tôi thắc mắc về những điều ấy. Bạn bè tôi, tôi cá là tôi nên gọi họ như vậy, ban đầu có cười cười giải thích cho tôi nghe, một cách rỗng tuếch và nhạt thếch. Song nếu tôi có hỏi tiếp thì hẳn là họ sẽ cố gắng mà lảng sang một chủ đề khác, vậy nên không lạ khi tôi luôn là kẻ duy nhất bị bỏ lại ở giữa một đám con gái bằng tuổi.

Dần dà, họ cũng chẳng thèm bố thí cho tôi một câu trả lời sáo rỗng nào nữa - họ trực tiếp lơ tôi đi. Và bấy giờ tôi cũng đã tự khoá được cái mồm mình lại. Những người này không thích tôi, tôi biết. Nhưng vì sao thì có lẽ lại không.

Tôi luôn hỏi mẹ rằng vì sao mình lại được sinh ra, và vì sao mình lại là con gái. Tôi cũng thường tự hỏi bóng mình trong gương như thế mỗi lúc chỉn chu lại đầu tóc áo quần. Song, dù đã lấy đủ mọi lý lẽ từ thần thoại đến khoa học, thì tôi vẫn chưa muốn hiểu điều này lắm. Vì ai cũng bảo tôi chẳng phải con gái đâu, ấy thế mà ông trời lại đem cho tôi đến với cái giới tính này. Kì quặc và lạ lùng, chả ai thích nổi một đứa con gái chẳng biết làm gì ngoài việc thắc mắc những điều ngu ngốc.

Tôi thích học? Chắc vậy. Vì có lẽ giáo viên là người duy nhất chịu kiên nhẫn trả lời câu hỏi của tôi, miễn là nó trong phạm vi môn của họ. Tôi không biết rằng bản thân mình lấy đâu ra lắm thứ để mà thắc mắc như thế, ấy vậy mà các giáo viên lại thích thú với điều đó. Thậm chí họ còn lấy câu hỏi của tôi để đưa vào đề kiểm tra cuối kì. Tôi cũng tò mò vì sao mọi người lại làm thế, song, cũng chỉ tò mò trong lòng thôi.

Vì những lí do đặc thù ấy mà tôi cũng không có bạn bè gì, riết rồi bản thân tôi cũng đã quen với việc cái gì cũng là tự mình làm. Tự đi mua nước, tự đi siêu thị, tự đến karaoke, rồi tự hát cho mình nghe. Có nhiều đêm, nằm trên giường vắt tay lên trán, nhớ lại bản thân đã gào đến khàn giọng trong một phòng karaoke nọ, tôi cũng chỉ biết bật cười.

Vậy là tôi không cần câu trả lời cho câu hỏi: "Cô đơn là gì?" nữa, vì tôi đoán, hẳn là cũng na ná tôi lúc này lắm đó chứ.

Việc đặt câu hỏi suốt ngày khiến cho não bộ tôi rất dễ ghi nhận một điều gì đó, thậm chí là cũng chẳng có trường hợp quên đi cái gì quan trọng. Thậm chí là còn nhớ rõ đến từng chi tiết một. Mỗi khi tôi hứng thú điều gì đó, là tôi lại dành cả ngày để đặt câu hỏi về nó, cố gắng để bản thân ghi nhớ đến từng chi tiết một. Đôi khi não bộ tôi như là một chiếc máy tính cồng kềnh, luôn luôn đòi hỏi phải biết thêm nhiều điều hơn nữa.

"Ừ thì đúng là đôi lúc sẽ phiền thật đấy."

Tôi nhớ, khi chị nói câu ấy, chị đang ngả người ra ghế, tay thì vẫn đặt trên khoé môi hẵn chưa phai son hẳn. Chị mân mê môi mình, tôi cũng nhớ rằng chị thích môi mình lắm, rồi tay còn lại thì chị cũng chẳng yên vị mà nghịch mấy lọn tóc vừa mới vương lên đôi vai trần của chị.

Chị để cửa sổ mở, nên không lạ khi gió đêm cứ vậy là ồ ạt xô vào. Lào xào mang theo cả lá rụng. Khi tôi đề nghị nên đóng lại cửa sổ đi, thì chị đã ngăn tôi lại bằng một cái đẩy nhẹ. Chị bảo, ừ thì sáng mai chị dọn, muộn rồi, đi ngủ đi.

Tôi nhớ đến cuộc trò chuyện trước đó. Chúng tôi đang nói đến vấn đề hay thắc mắc của tôi. Chị đã từng trải nhiệm qua một ngày tôi liến thoắng hỏi hết thứ này đến thứ khác, và thực chất không phải cái gì chị cũng đáp tôi. Giống như là chị cứ vậy mà nói với tôi rằng, chị chẳng thích vấn đề này đâu, đổi cái khác đi. Nhưng nhìn chung, chị cũng chẳng lấy làm khó chịu về điều ấy.

Đó là lí do vì sao tôi với chị lại ngủ với nhau.

.

Chị tên là Vân.

Vân có nghĩa là mây, và chị cũng tựa hệt như thế. Ngọt ngào, bồng bềnh và trắng muốt như dải mây mùa hạ. Không những vậy, chị còn đưa tôi đến cả ngàn cung bậc cảm xúc khác nhau, tựa như lúc tôi thả hồn rong ruổi tưởng tượng đủ thứ hình dạng của những đám mây lềnh bềnh theo gió ngao du khắp khoảng không cao vời vợi - miễn là chị có thể lấy tiền từ chỗ tôi.

"Nếu em trả nhiều hơn, chị sẽ tỏ ra như mình hứng thú với mọi thứ em hỏi."

Trong khi tôi đang thả hồn mình tan chảy cùng những viên đá lềnh phềnh nổi trên bề mặt cốc trà chanh xanh lờ lợ, thì chị hỏi. Vậy nên hiển nhiên ban đầu tôi vẫn có chút ngớ người. Ngây ngô nhìn vào số dư còn lại trong thẻ của mình, thú thực tiền thì tôi chẳng thiếu, nhưng mà tôi cũng không cần lắm lời đề nghị ấy.

"Thực ra em cũng quen rồi."

"Vậy à."

Vân hờ hững đáp, rồi lại đặt môi lên miệng cốc bia đã tan hết đá, tu ừng ực. Tôi thấy cả cần cổ trắng ngần của chị chuyển động khi đưa thứ chất lỏng có cồn ấy xuống dạ dày. Tôi nhớ có lần chị hỏi tôi có muốn uống bia hay không, thì tôi đã từ chối, đại loại là, "Em chưa vị thành niên, em không muốn uống chất có cồn."

Và sau đó, hình như chị có nhún vai, rồi cười phá lên. Tôi có hỏi vì sao chị lại cười, thì chị lại hỏi vặn ngược câu hỏi ấy. Tôi câm nín, mà chị cũng chẳng buồn trả lời nữa.

Tôi không thấy phiền nếu chị im lặng.

Chị thường ngó lơ tôi. Thường xuyên lắm, đến nỗi ở bên chị, tôi cũng đã quen với việc độc thoại. Có đôi khi, giữa lúc sự im lặng cứ vậy dìm hai chị em xuống, thì lại đến phiên chị hỏi tôi rằng:

"Vậy Minh Thư sao lại làm tình sớm thế?"

Tôi không nghĩ là sớm, chắc vậy. Vì luật đã cho phép người trên mười sáu tuổi có quyền tự nguyện quan hệ tình dục rồi. Vậy nên lúc đó, tôi chỉ đáp nhẹ nhàng rằng, sinh nhật em từ tháng hai rồi cơ.

Và sau đó, chị lại im lặng. Thậm chí chị còn chẳng thèm nhìn tôi thêm lần nào nữa.

*

ii, Phan Quỳnh Vân

*

Tôi nghĩ mình đã gặp được người vô tâm nhất thế gian.

Hồi tôi còn nhỏ, bà tôi hay bảo rằng người vô tâm nhất chính là bố tôi. Bà còn nhấn mạnh điều đó bằng cách nói rằng tôi có chết cũng chẳng tìm được thằng đàn ông nào khốn nạn như thế. Và bà tôi mất. Tôi về ở với bố, và cố gắng quên đi lời bà tôi dặn - bố tôi bảo thế. Để chắc chắn rằng tôi sẽ quên, ông còn đặc biệt "có tâm" với tôi nữa. Tôi không biết rằng mình nói vậy có đúng hay không, nhưng sự thật là ông luôn "quan tâm" tôi vào mỗi tối, dẫu cho người ông có mệt lả vì chưa bỏ được cái gì vào bụng, hay đầu ông có choáng váng vì men say. Vì vậy nên năm mười ba tuổi, tôi đã thành một con đĩ.

Tôi thích gọi nghề này là nghề làm đĩ, chứ cũng chẳng nhọc công mà phải nói giảm nói tránh. Càng nói càng đau đầu, tôi thì chưa bao giờ muốn phức tạp hoá vấn đề lên. Vì vậy tôi đã bị cả trường xua đuổi khi được hỏi rằng mình đang làm gì để giúp ra đình, vì tôi chỉ thẳng thừng mà đáp, dạ thưa cô, em làm đĩ.

Tôi thôi học năm mười bốn tuổi, thực chất là mười ba tuổi rưỡi. Nhưng bố tôi bảo tôi mười bốn, nên tôi đã mười bốn. Tôi theo bố lên Sài Gòn, sống ở một căn nhà xập xệ nhưng nom thì có vẻ vẫn tốt hơn căn nhà cũ nhiều lắm. Vì vậy, tôi cũng xin chân trọng mà đặt tên cho căn nhà xanh lơ ấy là "Bầu Trời".

"Bầu Trời" sẽ ôm tôi đến độ chiều tà, vì lúc ấy đã đến giờ làm việc của tôi. Tôi thường xuyên ở ngoài cả đêm, và bố tôi có vẻ như hài lòng với điều ấy lắm. Chỉ cần đưa ông tiền, và ông nghe được rằng tôi đã làm tốt, thế là đủ. Nhưng rồi ông chết lúc tôi lên mười bảy, vì bệnh gì đó mà tôi không biết. Thứ duy nhất còn tồn đọng trong tôi về người bố ấy chính là cái vẻ khốn khổ của ông khi quằn quại xin tôi tiền để được nằm bệnh viện. Cơ mà lúc đó tôi lại nhớ đến bà tôi, bà tôi cũng từng ôm lấy chân ông và cầu xin như thế. Tôi lại nhớ đến lời người bố đáng kính của tôi đã dạy, rằng phải hết mức làm theo và nghe lời ông.

Vậy nên, tôi làm giống hệt ông. Tôi đá phăng cái thân hình nhom nhếch của ông ra, rồi nhẹ nhàng đè giọng xuống:

"Loại rác rưởi như mày thì nên chết quách đi cho rảnh nợ."

Bố tôi từng bảo, ông không vô tâm. Vì vậy tôi cũng tin, tôi không máu lạnh.

Nhìn ông hấp hối ôm ngực thở gấp. Mồ hôi luề xuề túa ra như nước lũ, làm ướt cả mảnh áo rách rưới của ông. Sau đó ông ho ra máu, nhiều lắm, đỏ cả tường, đỏ cả sàn.

Từ đó "Bầu Trời" không còn xanh được nữa, tôi thấy tiếc vì điều đó. Ông chết rồi. Tôi cũng bỏ "Bầu Trời". Tôi cũng chẳng biết xác ông được người ta xử lí như thế nào, tôi có chút tò mò về điều đó. Nếu tôi không đi sớm, tôi cá rằng mình sẽ nhặt cả đống chai rượu lởm chởm ở xó nhà, rồi vứt vào quan tài chôn cùng bố. Cơ mà thì đó cũng chỉ là vài điều linh tinh tôi nghĩ ra khi ngồi trên xe lửa đi ra Hà Nội, sau khi đến ga, tôi cũng nhanh chóng quên sạch.

.

Tôi gặp Minh Thư vào một buổi chiều hạ mưa ngâu.

Lúc bấy giờ thì tôi mới quen với Hà Nội được chút chút, chỉ là chút chút thôi, vì mới đây tôi vẫn còn lạ lẫm lắm với cơn mưa Hà Nội. Nhiều người bảo Hà Nội và Sài Gòn cũng đông đúc như nhau, sao tôi lại thấy khó khăn với việc làm quen thế. Tôi nghe mà lại cười. Nhưng tôi cũng không màng đáp lại họ.

Đối với tôi Hà Nội luôn là một thứ gì đó rất mới. Chỉ chờ khi tôi có thể tự tin rằng mình đã quen, thì thủ đô mới nhắc tôi nhớ rằng bản thân thực chất lại chẳng biết cái gì.

Có lần tôi đọc được bài đăng mấy chục điều nên làm khi có người yêu, tôi cũng chỉ xem vì nó hiện trên bảng tin mình, chứ thực chất tôi chả muốn yêu đương hay gì. Và sau khi đọc xong cả một list dài, tôi mới biết vốn dĩ mình chả biết cái gì về Hà Nội cả. Bấy giờ Hà Nội trong tôi vẫn đơn giản chỉ là một thủ đô ồn ã, náo nhiệt, và là một môi trường tốt. Chỉ đơn giản là vậy thôi.

Hôm đó trời mưa ngâu, nên cuối cùng tôi cũng phải chịu chi gần trăm nghìn để mua đồ uống và trú mưa tạm trong một quán Cộng. Đây là lần đầu tiên tôi để bản thân thả mình cách ly khỏi không khí náo nhiệt cứ vần vũ tôi cả ngày. Thực ra cũng không tệ, nhưng tôi nghĩ chắc không có lần sau đâu. Dù gì thì mọi thứ đối với tôi vẫn đắt cắt cổ - tôi nghĩ mình không đủ đam mê để ngày ngày mua một cốc nước có giá tiền bằng một suất cơm như thế này.

Ấy thế mà sau này tôi lại trở thành khách quen của Cộng, cơ mà điều đó hãy để ở phần sau.

Quay trở lại Minh Thư, tôi nhớ lúc ấy tôi đang ngồi vẩn vơ đưa mắt nhìn trời. Bầu trời đen kìn kịt, mưa thì xối xả như trút nước. Radio của quán vang lên mấy bài cũ kĩ quen thuộc, và dòng người cũng bớt tấp nập hệt như giai điệu của bản nhạc cứ vậy mà trầm dần xuống. Ấy vậy mà cái an yên tĩnh lặng ấy, bỗng chợt bị phá vỡ khi cánh cửa một lần nữa mở ra. Bước vào là một cô gái ướt nhẹp, có vẻ như là cũng chỉ ghé qua đây để trú tạm một chút. Nhân viên lịch sự đưa cho em một chiếc khăn bông trắng muốt, và em cũng cảm ơn ngay sau đó. Trong phút chốc, chẳng hiểu sao tôi lại chỉ nhìn chăm chăm vào em, dường như có cái gì đó khiến tôi bị cuốn hút, nhưng rõ ràng là tôi cũng chả biết nó là cái gì. Em không xinh - cũng chỉ thuộc dạng ưa nhìn. Và quần áo em thì cũng chỉ lôi thôi như mấy đứa con gái dưới quê không quan tâm đến sự đời.

Dường như chúng tôi đều bị cuốn hút bởi nhau, thế nên giữa chục bàn còn trống, thì em vẫn tiến đến và hỏi rằng liệu mình có thể ngồi cạnh tôi không. Bản thân tôi cũng không có lí do gì để từ chối, nên tôi cũng nhẹ nhàng mà gật đầu đồng ý.

Hôm đấy tôi không trang điểm.

Sau này em bảo, em thích gái để mặt mộc. Nên có lẽ đó là lí do em làm quen với tôi. Sau rồi cảm giác như tôi lừa dối em vậy. Cơ mà chúng tôi vẫn quen nhau sau đó, em trở thành khách của tôi. Tôi không biết rút cục em làm gì mà nhiều tiền thế, ừ thì có tò mò, nhưng tôi chẳng bao giờ thốt lên điều đó. Dù gì thì tôi và em luôn giữ cho bản thân một không gian riêng tư, không ai muốn xâm phạm đến lãnh thổ đó của người khác.

Sau này, em cũng hay dẫn tôi đến Cộng. Dần dà tôi cũng nghiện chỗ ấy. Vào mỗi độ mưa ngâu, tôi lại thả mình vào cảm giác cổ kính mà nơi đây đem lại, kể cả lúc đó không có em.

Sau này, em cũng dùng hết tiền em mua cả lấy tôi, em bảo, em không muốn tôi tiếp ai khác nữa. Số tiền em cho tôi đủ để tôi mở một cửa hàng. Rồi dần dà tôi cũng quản lý một nhượng quyền của Cộng.

Nhưng đó là chuyện của sau này, chuyện của cái lúc em không còn ở đây nữa.

.

Tháng hai năm ấy, cuối cùng tôi cũng đã biết, số tiền em có được đều là học bổng của em.

Em học rất giỏi. Nhìn tấm bằng khen treo đầy tường nhà, tôi cũng xuýt xoa cảm thán. Điều đó đã làm tôi quên đi chút bối rối khi lần đầu tiên được em dẫn về nhà.

"Em đoán là mình sẽ phải đến Mỹ với bố mẹ vào năm tới."

Em ngẩng đầu nhìn trời, nói vu vơ. Tháng hai năm ấy, bầu trời cũng đen kìn kịt nặng trịch. Gió thì vần vũ lá bay tán loạn. Trời sắp mưa to. Tôi để tiếng gió áp đi tiếng em, còn mình thì ngắm bức tranh hoạ cây tử đằng chiếm cả một góc tường trong phòng khách. Tôi cố đã không nghe những gì em nói sau đó. Nhẹ nhàng chạm lên bề mặt rám rám, tôi để mắt mình đong đầy sắc tím ấy. Nhớ đâu bà tôi từng bảo, hoa tử đằng có nghĩa là tình yêu vĩnh cửu.

Ngày còn ở quê, bà tôi bán hoa dạo. Chính tôi cũng rất thích hoa, thành ra tôi cũng biết nhiều về ngôn ngữ của hoa lắm. Hồi ấy còn đi học, chúng bạn cũng gọi tôi là bách khoa sống, bởi vì hoa gì tôi cũng biết, hoa gì tôi cũng nghe tên. Nhưng mà lâu rồi, tôi cũng quên riết. Chỉ nhớ mang máng. Hình như nếu tôi không lầm, em hay cầm theo một cái kẹp làm từ hoa tử đằng khô. Em thường để ở đầu giường nơi chúng tôi làm tình, dường như là để tôi nhìn thấy. Vì vậy giờ đây, em đã thành công khiến tôi chú ý đến loài hoa này.

Thấy tôi chăm chú vào bức tranh, em nhẹ nhàng tiến đến. Nhưng em giữ im lặng. Em chỉ nhìn, vậy thôi. Mà tôi thì cũng không có ý định bắt đầu một cuộc trò chuyện nào đó. Vì có lẽ, em sẽ hỏi rằng liệu bản thân tôi sẽ thấy thế nào nếu em đi. Tôi thực sự không biết nên trả lời ra sao, đầu óc tôi cũng trống rỗng. Vì vậy nên tôi đã lảng tránh.

Chỉ là trái tim tôi cứ nhói lên từng hồi. Giống như đặt nó vào một cái máy xay sinh tố, ấn nút công suất cao nhất rồi cứ vậy mà giã nó thành ngàn mảnh nhỏ. Máu và từng thớ cơ cứ thế là trộn lẫn vào nhau, cuối cùng tạo ra một chất lỏng sánh quền quện. Không hiểu sao tôi có suy nghĩ như vậy, nhưng mà, sự thật là có cái gì đó cứ ứ ở cổ tôi.

Em đưa tôi về lúc tám giờ tối.

Minh Thư hôm nay cũng ở lại. Nhưng chúng tôi không làm tình. Em và tôi chỉ ngồi bó gối ở hai đầu giường, đèn thì chẳng bật, thứ ánh sáng duy nhất chỉ là ánh vàng vọt được hắt từ đèn đường gần đó. Trong khoảnh khắc ấy, cái ồn ã của Hà Nội bỗng dưng cứ cậy mà lắng lại. Giống như thứ bột không thể tan được mà lềnh phềnh trên mặt nước, nhưng rồi cuối cùng nó cũng chui xuống tận dưới đáy. Thính giác tôi không còn nghe thấy cái gì nữa, ngoài tiếng thở của tôi và em.

Nhắm đi đôi mắt có chút mỏi. Tôi bỗng thấy bàn tay em. Là trí óc tôi đã tự động khắc hoạ như vậy. Tôi thích bàn tay em, cái bàn tay sần sùi chai góc, gầy giơ xương, nổi cả gân xanh. Cái bàn tay mà nhẹ nhàng nâng niu cơ thể tôi, vuốt ve chúng trong những cơn mơ khoái cảm. Cái bàn tay nhẹ nhàng chôn vào tóc tôi, và sau đó em tựa đầu lên vai tôi mà rũ đi đôi mắt. Cái bàn tay sẵn sàng đan lấy tay tôi, nhẹ nhàng ủ ấm nó trong suốt mùa đông giá lạnh.

"Chị sẽ nhớ em nhiều."

Tôi cất tiếng. Và dường như nó cũng nhanh chóng tan thành từng bọt nhỏ giữa cái quãng lặng lúc này. Tôi không biết em có nghe hay không, nhưng em không trả lời. Có lẽ em nghĩ tôi chỉ nhớ tiền của em, vì sau này vào cái ngày tôi tiễn em ở sân bay, em đã đưa cho tôi thẻ tín dụng của mình.

Em bảo, trong này toàn bộ là tiền của em. Chị cứ cầm, giờ nó là của chị. Em còn bảo, mật khẩu chính là ngày sinh của tôi.

Tôi không biết em vì sao lại biết đến ngày sinh của tôi. Hẳn là trong lần say, tôi đã lỡ buột miệng nói ra. Và ngay cả khi ấy, tôi cũng chẳng còn dũng khí mà hỏi ra sinh nhật em. Em chưa bao giờ tổ chức sinh nhật, mà thì em cũng bảo điều ấy là chẳng cần thiết. Ngày hôm đấy, tôi dành cả ngày ở sân bay. Tôi cứ ngồi ở hàng ghế đợi, mắt ráo hoảnh nhìn chăm chăm vào màn hình điện tử hiển thị số hiệu máy bay sắp cất cánh.

Ngày hôm ấy, là ngày đầu tiên kể từ ngày bà tôi mất, tôi khóc.

Cuộc đời tôi luôn tăm tối như thế. Và tôi cũng chẳng nghĩ rằng em có làm nó tươi sáng lên hay không. Nhưng qua lăng kính vạn hoa mà em đưa cho tôi ngày ấy, bóng tối trong mắt tôi dần được nhuộm bởi những sắc xám nhàn nhạt. Tôi vẫn chưa xác định rõ được em là ai, như cách em tự hỏi về thế giới này. Ngày ấy, tôi chợt nhận ra, tôi cũng như em, lúc nào cũng ngây ngô muốn hỏi cả thế giới.

Ngày hôm ấy, tôi cũng không trang điểm.

.

Sau này, tôi cũng học em ép khô hoa tử đằng.

Tôi để nó làm một cái kẹp sách, đặt hỏn lọn bên trong một quyển tiểu thuyết tôi lấy từ nhà em. Hôm ấy tôi đã tự ý lấy nó, mà cũng chẳng hỏi xin em gì. Đó là một quyển tiếng Đức, vì vậy nên tôi cũng chẳng biết nó về cái gì nữa. Tôi chỉ biết rằng nó đẹp, và cũ kĩ, nên tôi lấy nó.

Đặc biệt, tôi thấy em rất nâng niu nó.

Tôi coi nó như là kỷ vật, mãi sau này tôi vẫn luôn mang theo bên mình, dù cho tôi đã quên cả mặt em nếu không lấy tấm hình ra xem. Nhưng tôi đã xoá hết hình em đi, thành ra tôi quên thật. Có duy nhất một thứ tôi hiểu trong cuốn sách ấy, đó chính là dòng chữ nắn nót của em ghi ở cuối sách. Em ghi: "Minh Thư đợi Quỳnh Vân đã mười bảy năm."

Mười bảy. Đó là tuổi của em khi chúng tôi gặp nhau.

Dòng tiếp theo em ghi: "Cuối cùng cũng đợi được sự hồi đáp."

Một ngày nắng vàng ruộm cả khoảng trời, tôi ngồi ở một góc quen thuộc, trải tờ giấy phẳng phiu. Tôi đã chọn được một cây bút máy vừa tay, bơm mực đàng hoàng, rồi nắn nót viết cho em một bức thư tay. Bức thư ấy hoàn thành lúc trời vừa sáng đèn, nhưng chẳng bao giờ được gửi đi sau đó.

Nhìn phong bì được gói ghém một cách cẩn thận, thậm chí tôi còn xức lên nó một hương hoa nhè nhẹ. Một hương mà em thích. Tôi có thể tưởng tượng được em sẽ cười khi nhận được bức thư này, hẳn là em thích thú lắm.

Nhưng mà tiếc là, tôi chẳng biết gửi đến em kiểu gì.

Hà Nội lên đèn rất sớm, thậm chí lúc ấy ánh tà còn vương đầy bậu cửa. Nhưng đèn đường đã sáng, và xe cộ thì tấp nập. Tôi cất phong bì thư vào trong hộc tủ. Nhưng tôi không bao giờ có thể quên nó. Vì đến tận ba mươi năm sau, hay là năm mươi năm nữa, tôi vẫn nhẹ nhàng nhấc nó ra trên tay mà ngắm nghía. Chữ tôi rất đẹp, nắn nót, dịu dàng.

Thân gi em, người thiên đường.

Hôm ấy, tôi lại khóc.

Tôi thấy thật ghen tị, bởi lẽ em chờ đợi được sự hồi đáp mà em mong muốn, còn tôi thì lại chẳng bao giờ nhận lại được điều ấy. Dù cho đã cố gắng đến mòn mỏi, dù cho đã chờ đợi đến mệt nhoài.

Tôi của tuổi bảy mươi, vẫn đợi em. Em lúc vẫn cười, ngây ngô như thế, vẫn ở tuổi mười chín. Còn tôi lúc ấy đã là một bà lão nhăn nheo, còng lưng chống chọi với những cơn đau khắc khoải của tuổi già.

*

iii, Vũ Minh Thư

*

Hồi bé, để tránh khỏi sự tò mò của tôi, bố mẹ tôi thường đẩy hết những lí do sang cho một thứ gì đó gọi là "phép thuật".

Bà tôi là người rất thích những câu chuyện cổ tích, mỗi lần tôi đến thăm bà, tôi đều được ngồi dưới tán tử đằng, nghe bà kể chuyện. Tôi cũng không rõ cây tử đằng này có từ bao giờ, chỉ biết nó đã mọc rộng ôm cả một khoảng vườn nhà bà tôi. Sau này bà tôi mất, bà cũng bảo bố mẹ tôi hãy chôn bà dưới gốc tử đằng. Mãi một thời gian sau tôi mới biết, gốc cây ấy là do ông tôi trồng, vào cái ngày trước khi ông tôi xung phong đi lính. Bố tôi cũng nói, rằng thực chất vì nhà tôi từ xưa đã thuộc dạng phú nhị, nên vốn dĩ ông không cần phải xung quân. Nhưng ông vẫn tự nguyện hiến dâng máu thịt cho tổ quốc. Khi ấy bà tôi mới mười sáu tuổi. Sau này, ông tôi không về nữa.

Bà tôi nhận nuôi bố tôi hơn hai mươi năm sau cái chết của ông nội. Và một mình nuôi lớn bố tôi dưới gốc tử đằng năm nào.

Tôi nhớ ngày bà tôi đi, bà tôi có nói tôi rằng, cuối cùng lời nguyện cầu năm nào mà bà chờ đợi, đã có sự hồi đáp.

Hôm ấy, bà thấy ông đến đón bà.

Tôi cũng học theo bà. Cũng ở đấy cầu nguyện. Vào ngày bà tôi mất, tôi không khóc. Có lẽ là do những câu chuyện thần tiên của bà ru tôi vào mỗi tối sáng sao trời. Hay là vì bà đã cười, tôi không biết. Chỉ là, tôi cũng làm theo bà năm nào. Tôi cầu nguyện, chờ đợi ông trời gửi lời hồi đáp.

Rằng, tôi muốn tìm thấy nửa kia của đời mình.

Tôi lấy năm gốc là năm tôi sinh ra. Tính đến ngày tôi gặp chị, là mười bảy năm. Mười bảy năm sống, cuối cùng chị cũng đến. Ấy là một sự hồi đáp.

Vì vậy, lần đầu tiên trong đời tôi không dám nêu ra thắc mắc của mình. Tôi muốn hỏi chị rằng mình và chị rút cục là gì, xong lại chẳng dám hỏi. Cứ mỗi lần tôi muốn thốt ra câu ấy, thì khả năng ngôn ngữ của tôi lập tức báo rằng nó đã lỗi. Bao nhiêu ngôn từ muốn nói ra bỗng chốc chỉ nghẹn ứ ở đầu lưỡi, dù cố thế nào cũng chẳng thể nói ra.

Tôi biết rằng bản thân mình chẳng còn nhiều thời gian, vậy nên tôi đành phải chọn cách nhanh nhất để tiếp cận chị: Làm tình với chị. Tôi còn nhớ rõ lắm cái sự hoảng loạn của bản thân khi vào cái lần đầu tiên ấy. Tôi sợ hãi như một con nai tơ ngơ ngác. Hoảng loạn trước những thứ bản thân mình đã chọn. Nhưng ít nhất thì, tôi đã thành công bước vào cuộc đời chị. Và sau đó, tôi dùng đống tài sản kếch xù mà bà để lại cho riêng tôi để khắc sâu hình bóng mình vào thế giới của chị.

Nhưng rồi cái gì phải đến thì cũng sẽ đến.

Ngày hôm tôi nhận tờ báo khám sức khoẻ, là hôm tôi mời chị đến nhà mình. Có lẽ bản thân tôi đã sớm chuẩn bị từ lâu, vậy nên mặc gió mưa vần vũ ngoài kia, thì tôi vẫn nhẹ nhàng mà nói ra cớ sự rằng, tôi sắp chết.

Nhưng chị không nghe.

.

Sáu tháng sau đó là một khoảng thời gian dài.

Tôi được đưa đến đủ các bệnh viện nổi tiếng ở Mỹ, thử qua hàng ngàn cuộc phẫu thuật và thuốc thang, song chẳng có dấu hiệu gì là hồi phục hay tốt hơn. Nhưng nhà tôi giàu, nên bố mẹ tôi vẫn chạy miết theo tôi từ nơi này đến nơi khác. Có vẻ như thể rằng dù họ có phải đánh đổi cả thế giới cũng phải cứu lấy tôi vậy.

Còn tôi thì đơn giản lắm. Từ khi sinh ra, tôi đã có cảm giác như ngày mai mình sẽ chết đi, thành ra tôi luôn đặt câu hỏi. Chỉ đơn giản là tôi muốn sống trọn vẹn một ngày, rồi giả như mai có chết đi thì cũng không nuối tiếc.

Với suy nghĩ kiểu thế, tôi đề nghị hãy để tôi chết đi.

Tôi, với cơ thể nối đầy dây điện đồ, thở cũng phải thở bằng ống ô xi. Tôi cá là bố mẹ tôi mỗi ngày đều phải đốt cả một núi tiền với đống máy móc đó, nên tôi xót. Vì vậy, tôi đã yêu cầu người ta hãy ngắt máy trợ tim đi. Như vậy tim tôi sẽ ngừng đập. Một lần và mãi mãi. Bố mẹ tôi đã quỳ xuống khóc lóc cầu xin, nhưng tôi chỉ lắc đầu. Sáu tháng với thuốc men và đống máy móc, thực sự tôi nói cũng không còn được sõi nữa. Nhưng tôi cố gắng để lời của mình có thể chạm đến bố mẹ:

"Con nghĩ mình nên yên nghỉ được rồi."

Rồi tôi nhắm mắt.

Mẹ tôi đã khóc ngất, bố tôi cũng sụt sùi. Trong phòng bệnh trắng xoá, tiếng khóc mẹ tôi đau đớn tới nát cả ruột gan. Tôi biết mình bất hiếu, song, bản thân tôi cũng biết mình là như thế nào. Tôi cũng muốn sống, nhưng ông trời đã tước đi cái quyền ấy của tôi, và giờ tôi phải vật lộn giữa hai bàn tay của sự sống và cái chết cứ bấu víu lấy mình.

Trong lúc đó, tôi thấy hình bóng chị. Cái hình bóng đơn côi, lẻ loi đến não cả lòng. Chị khi nói về sự sống và cái chết cũng nhẹ nhàng như vậy, nên tôi đoán, giả như tôi có chết thật, thì chị cũng không bận lòng nhiều.

Vậy là tôi an tâm rồi. Vì chị là người vô tâm nhất thế gian kia mà.

*

Năm năm sau, mười năm sau, hay là ba mươi năm sau. Vũ Minh Thư năm y vn ch mi mười chín tui. Ch là em mãi mãi không biết, Quỳnh Vân mà em yêu đã dành c cuc đi còn li đ ch đi em, ch em đc lá thư ch viết, ch em hi đáp nhng điu nn nót trong trang giy trng tinh.

Suy cho cùng, Minh Thư vn may mn hơn Vân rt nhiu, vì chí ít, em đã nhn được li hi đáp lâu lm ri.

___________________________________

Đôi lời nhận xét:

Chính tả:

• Trải nhiệm → trải nghiệm

• Chân trọng → trân trọng

Xây dựng nhân vật:

● Cả hai nhân vật đều được khắc họa rõ ràng từ hoàn cảnh đến nguyên nhân hình thành tính cách. Tớ hoàn toàn bị thuyết phục bởi mọi điều xảy đến trong cốt truyện nhờ vào cách xây dựng nhân vật của tác giả.

● Ngay cả những nhân vật phụ cũng có màu sắc riêng và có vai trò rõ ràng trong quá trình thúc đẩy cốt truyện.

● Tâm lí của hai nhân vật chính chuyển biến hợp lí và có sự liên
kết với nhau.

Cốt truyện:

● Những tình tiết này xảy ra khá nhiều ngoài đời thực, nó không còn xa lạ gì, nhưng việc tác giả lựa chọn, sắp xếp và viết thành một câu chuyện lại khiến nó trở nên mới mẻ.

● Cách sắp xếp nội dung truyện thông minh, làm cho người đọc tò mò và muốn đọc tiếp, giống như đang bóc một hộp quà có nhiều lớp và toàn bộ sự thật đang nằm ở cuối vậy. Mặc dù việc sử dụng ngôi thứ nhất sẽ vô tình làm người ta chú trọng vào tâm lí nhân vật hơn, nhưng cốt truyện ở bài này lại không bị lấn át chút nào.

● Cốt truyện bình dị, thân thuộc, lại không thiếu yếu tố cao trào và bi kịch. Một cốt truyện biểu thị đủ tất cả những điều cần được thể hiện hay cần được nói.

● Nhiều chi tiết ấn tượng và có ý nghĩa.

Mạch truyện:

● Mạch truyện ổn.

Điểm: 8.25

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top