Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Write|P1 - Mã phách: 01

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

KHỞI ĐẦU - LÀ LỰA CHỌN CỦA BẠN

Phòng 1: "Tôi giết chết văn chương trong mình bằng sự tự mãn."

Thí sinh: Luquorus

Số báo danh: 31

Mã phách: 01

___________________________________

một.

*

Hậu quả của một sai lầm là gì?

Tôi không biết mình nghe được câu nói này ở đâu, chỉ biết rằng bản thân mình sớm đã bị nó chi phối. Giống như một điều hiển nhiên nhất, tôi không thể chối bỏ được câu hỏi lố bịch đấy ra khỏi đầu, và điều đó cũng có nghĩa rằng, bản thân tôi ngày càng căm ghét chính mình hơn.

Lần vấp ngã này đối với tôi là quá khó khăn, dù cho người khác nhìn vào, họ chỉ nghĩ rằng ấy là một sai lầm nhỏ. Nhưng câu hỏi kia cứ xoáy cả vào tâm trí tôi, đào khoét trái tim tôi. Tôi bắt buộc phải đặt mình lên bàn mổ, từng nhát từng nhát tự bổ chặt những thứ thối rữa trên cơ thể mình - dẫu cho vốn dĩ chẳng có gì cả, dẫu cho ấy chỉ là một sai lầm chẳng đáng để tâm lắm.

Sự thật thì tôi vẫn ổn thôi, cực kỳ ổn. Điểm tổng kết của tôi vẫn đủ cao để đạt học bổng chuyên, nhưng tôi lại chẳng thấy vui được chút nào.

Tôi thất bại ư? Thất bại trong chính những câu từ mà tôi tự hào?

*

hai.

*

Tôi vẫn còn nhớ rõ như in, vào ngày 21 tháng 6 năm 2019, một tệp tin được gửi đến email của tôi. Và ngay sau tiếng chuông thông báo tin nhắn là cuộc gọi đến của mẹ. Tôi hồi hộp nhấc máy, run rẩy chào mẹ.

"Nhận được chưa con?"

Mẹ tôi từ đầu dây bên kia cũng lo lắng chẳng kém. Tim tôi lúc đấy cứ đập bình bịch, tưởng chừng như suýt chút nữa là rớt khỏi lồng ngực. Phải cố gắng lắm tôi mới nuốt lại cái cục gì đó cứ đắng ở cổ, loạng choạng với tay bật cái laptop trên đầu giường, nhẹ nhàng đáp mẹ:

"Dạ, con đang kiểm tra email."

Trong lúc chờ tôi bật máy tính, mẹ tôi bên kia đầu dây chẳng nói gì. Hoàn toàn im lặng. Tôi thậm chí còn nghe thấy tiếng xe đông đúc dội vào điện thoại, hẳn là mẹ vẫn đang làm việc. Tôi nghe được cả tiếng thở nặng nề của mẹ, và biết rằng mẹ cũng chẳng hơn tôi được là bao. Điều đó khiến cho tôi càng thêm hồi hộp, dây thần kinh căng cứng như sắp đứt đến nơi.

Nhập xong mật khẩu vào ô thoại, tôi phải chờ máy khởi động một lúc. Chẳng hiểu sao, thời gian lúc ấy lại như dãn ra cả tỉ lần, rõ ràng mọi thứ chỉ gói gọn trong vài giây, mà tôi cứ ngỡ rằng đã cả ngàn thế kỷ. Tôi mím chặt môi, click vào biểu tượng mail ở thanh trang chủ tìm kiếm, và lại bắt đầu chờ đợi.

Tôi ghét chờ đợi.

Chỉ trong một vài giây ấy, mà não bộ đã ép tôi đến ngột ngạt, khó thở. Nhìn hộp thư báo thư mới đến từ email trường mà tôi đã đăng ký thi, mà tôi chết đứng.

"Nhanh lên con."

Mãi đến khi đầu bên kia vang lên tiếng thúc giục của mẹ, tôi mới vội vàng bấm vào tệp pdf đính kèm của mail. Tay tôi kéo xuống trong vô thức, còn mắt thì đã mờ cả đi, nhưng vẫn cố gắng tìm kiếm xem bảng điểm của Chuyên Văn nằm ở đâu trong dãy danh sách dài dằng dặc này. Trái tim của tôi lúc đó dường như đã đình chỉ hoạt động, tôi đã sợ hãi nhắm chặt mắt trong năm giây, để có thể bình ổn lại nhịp thở lúc đó. Từ bé tôi đã có sức khỏe không ổn định, nên thành ra, chỉ cần kích động một chút thôi, tôi đã run cầm cập và rơi vào trạng thái khó thở. Mất thêm năm giây nữa, tôi mới ngăn bản thân thôi không quá mất bình tĩnh.

Dẫu cho mẹ tôi nói rằng chỉ cần tôi cố gắng là được, đậu hay không cũng không còn quan trọng nữa. Nhưng tôi biết, mẹ kỳ vọng vào mình nhiều đến mức nào. Bản thân tôi chẳng cho phép chính mình làm mẹ buồn thêm bất cứ lúc nào nữa, vậy nên, tôi phải đỗ. Điều đó ám ảnh tôi suốt thời gian qua, khiến cho tôi sụt cân thấy rõ. Nhưng tôi chẳng còn cách nào khác, cố gắng cả một quá trình dài, bây giờ tôi chỉ có thể lo lắng trong vô vọng.

Nhiều khi tôi còn đùa với bạn bè của mình rằng, biết thế này mình đã theo chuyên Toán, bởi lẽ ngay sau khi thi, chính bản thân đã tự biết mình có đỗ hay không, nhưng Văn thì lại khác. Chẳng ai biết rằng người chấm sẽ nhận định mọi thứ như thế nào, và việc của chúng tôi chỉ là cố gắng truyền tải điều gì đó được nhắc đến bằng cách của mình, còn đạt hay không, chẳng một ai biết. Hơn nữa, bản thân tôi là một kẻ nghèo nàn, chính tôi đã đánh mất những thứ tôi cần có; tôi đã chẳng thể thả trôi mình theo những ý nghĩa mênh mang của những tác phẩm văn học từ rất lâu rồi.

Tôi không biết liệu đây có phải sự lựa chọn đúng đắn không, khi thứ duy nhất tôi làm chỉ là bó mình trong một khuôn khổ có sẵn. Không dám vượt quá, không dám nghĩ nhiều. Thứ duy nhất tôi làm là tự đồng bộ chính mình với những chiếc cọc của văn chương. Tôi thực sự chẳng biết bản thân mình có thực sự thích môn học này không nữa, tôi chỉ là đang chống đối - tôi đi ngược lại với bố tôi, tôi làm mọi cách để chối bỏ hết mọi thứ mà người cha đáng ghét của tôi đã nhồi nhét vào đầu tôi. Nhưng điều đó giờ không còn quan trọng cho lắm, thứ duy nhất mà tôi lo lắng vào lúc ấy chính là liệu bản thân mình có đạt được đích đến đó không.

Mẹ tôi vẫn đang thầm cầu nguyện ở bên kia đầu dây, còn tôi cố gắng để mắt mình thật rõ. Trong phút chốc, tôi cũng chẳng nhớ tên mình là gì; tôi chỉ đơn giản là nhìn bảng danh sách đấy đến mấy lần, rồi nhanh chóng ấn chuyển tiếp đến email của mẹ tôi.

Tôi lắp bắp, cánh tay tôi run rẩy. Phải rất cố gắng tôi mới có thể sắp xếp được những câu từ lộn xộn trong đầu mình, rồi nói nó ra như mọi lần:

"M-mẹ xem lại h-hộ con với..."

Nói rồi tôi cúp máy, đóng sập luôn cả màn hình máy tính.

Tôi chạy thẳng lên giường, trùm chăn kín mít. Không khí dần một mất đi làm tôi khó thở, và cái nóng mùa hè khiến tôi cảm tưởng như bản thân mình đang bị đặt trong một cái nồi to đùng, bị nấu đến chín sôi. Lòng tôi cũng như đang trên đống lửa, tim thì đập bình bịch. Tôi cố gắng điều chỉnh lại hô hấp, cũng chẳng hay từ lúc nào mà mắt mình đã ầng ậng nước. Tiếng ve vẫn kêu râm ri, nhưng không phá vỡ cái an yên của một buổi trưa hè.

Mất một lúc lâu, khi mà điện thoại tôi vang lên tiếng chuông dồn dập đến lần thứ ba, tôi mới lấy lại được chút bình tĩnh. Tôi thút thít bật loa ngoài, nghe tiếng mẹ tôi hò reo vui mừng ở bên kia đầu dây.

"Trời ơi, Lan! Con đỗ rồi! Con là thủ khoa! Trời ơi con tôi là thủ khoa!"

Sau đó, tôi nghe thấy mẹ mình đi khoe với đồng nghiệp của mẹ, còn tôi vẫn khóc thút thít. Lần đầu tiên, tôi hiểu việc khóc vì vui sướng là như thế nào. Và đây cũng là lần đầu tiên, tôi thực sự tin vào bản thân, tin rằng tôi thực ra cũng rất giỏi.

Thủ khoa không bao giờ là dễ, nhất là khi đây là kỳ thi tuyển sinh của trường chuyên hạng nhất. Và bây giờ tôi vẫn còn cảm giác lâng lâng không chân thật, đến nỗi tôi mãi ngồi thơ thẩn ở một chỗ, đến khi mặt trời hoàn toàn bị nuốt chửng bởi hoàng hôn, và bụng tôi bắt đầu đói cồn cào, tôi mới lết chân mình khỏi chiếc giường quen thuộc.

Nhìn bản thân mình phờ phạc trong gương, bỗng chợt tôi bật cười. Bản thân tôi vốn đâu có vô dụng, mọi thứ đều đã ổn cả. Tôi chỉ cần cố theo cách tôi đã làm, vậy là đủ. Tôi chỉ cần có thế, tiếp tục đơn độc một mình theo cách mà tôi đã chọn. Chẳng cần một ai hết, tôi vẫn chiến thắng. Và tôi phải chứng minh rằng ba tôi đã sai.

Theo một cách nào đó, thành công ngày hôm ấy đã trở thành một động lực thúc đẩy cho những suy nghĩ phiến diện của tôi, khiến nó như chân lý trong cuộc sống của tôi. Và tôi thì ngày càng tự hào về chân lý ấy.

*

ba.

*


Mẹ tôi tự hào về tôi đến nỗi bà đã đặt vé sớm nhất và xin nghỉ phép gấp để từ phía bên kia bán cầu về thăm con gái.

Mẹ tôi tự hào về tôi, tôi cũng tự hào về tôi. Mẹ tôi bảo rằng tôi có quyền đó, vì sau tất cả, tôi thực sự có đủ khả năng để làm việc ấy. Điểm chuyên cao nhất khối, cộng với điểm thành phần cao chót vót - tôi, từ một đứa vốn mờ nhạt, nay sớm thành tâm điểm của sự chú ý. Cái tên Nguyễn Ngọc Hương Lan giờ đã trở nên quen thuộc với gần như chuyên Văn cả trường, bởi vì điểm đầu vào gần như là tuyệt đối của tôi.

Những tối hôm mẹ tôi ở nhà, tôi ngủ với mẹ. Hai mẹ con rúc trong một chiếc chăn mỏng, để điều hoà mát lạnh cả phòng. Mẹ tôi mân mê tóc tôi, rồi thủ thỉ rằng bà đã tự hào về tôi như thế nào. Đối với mẹ tôi, người chẳng có tí định kiến gì với hai chữ chuyên tự nhiên và chuyên xã hội, việc tôi đỗ thủ khoa chuyên Văn đã thành niềm hạnh phúc nhất của bà. Lần đầu tiên trong đời, mẹ tôi chịu làm mọi thứ mà tôi yêu cầu, giống như rằng tôi là tồn tại tuyệt vời nhất và chẳng có điều gì hơn được nữa.

Tôi yêu khoảnh khắc lúc này.

.

Ba tôi là một nhà văn. Nhưng ông đã đi biệt xứ từ lâu lắm rồi.

Mẹ tôi dường như chẳng còn quan tâm đến điều đó, vốn dĩ ba mẹ tôi cưới nhau cũng chỉ vì mong ước của thế hệ đi trước. Ba thế nào mẹ chẳng quan tâm, mẹ chỉ cần tôi đủ giỏi để cho mẹ tự hào, thế là ổn. Tôi ghét ba, ghét cái người chỉ biết đến con chữ, câu thơ; ghét cái người chỉ chăm chăm theo giấc mộng tìm về miền đất hứa; ghét cái người luôn lý tưởng hoá mọi thứ lên, để rồi xách ba lô lên và đi biệt xứ, mặc cho đứa con gái mười mấy tuổi phải một mình làm hết mọi việc để chăm sóc chính nó, giữa những xấp tiền lạnh lẽo vô tri vô giác.

Tôi biết, người ta thích thơ ông. Tôi cũng biết, văn ông đã trở thành biểu tượng. Và tôi cũng biết thứ duy nhất ông hướng đến chính là nghệ thuật của cuộc sống. Ai cũng hâm mộ ông, ai cũng ca ngợi ba. Nhưng tôi thì ghét ba. Bởi lẽ, ông đã chẳng chọn tôi.

Dù ghét, nhưng những ký ức bên ba vẫn luôn dai dẳng cắn rứt lương tâm tôi mỗi buổi đêm về. Tựa như một chiếc đĩa DVD không bao giờ sờn, thi thoảng nó sẽ chiếu lại trong vùng ký ức của tôi về những tháng ngày ba còn bên mình.

Việc sống một mình là quá khó đối với tôi, nhưng tôi chẳng muốn rời khỏi nơi chôn rau cắt rốn. Tôi muốn sáng dậy ăn phở Hà Nội, chiều dạo phố Hồ Gươm, tối ngắm sao trời thủ đô vọng về trong đáy mắt. Tiếng ve ở Hà Nội đã sớm kết thành một chiếc gông cùm còng lấy chân tôi, chẳng cho phép tôi một cơ hội nào để rời khỏi nơi ấy. Tôi bắt buộc phải làm mọi thứ, nhưng điều đó cũng không hẳn là một vấn đề. Thứ khiến tôi khổ sở là sự cô đơn kia!

Dù cho đã cố quên nó đi biết bao nhiêu lần, nhưng cảm giác bị sự cô đơn cứ ngày một cắn nuốt chính mình tồi tệ đến độ chẳng thể nào vứt bỏ nó đi. Cả tuổi thơ tôi phải đối mặt với điều đó, trong khi ba tôi, đấng sinh thành của tôi, lại chỉ biết mải miết đuổi theo lý tưởng của ông, để lại cho tôi những thứ sáo rỗng mà ông tâm đắc. Tôi ghét nó, tôi ghét thơ ông, tôi ghét cái sự lãng mạn mà người ta thích ở ông.

Văn học thì cần gì có mấy thứ viển vông đó chứ, không phải là tôi, một kẻ mà ông bảo là khô khan, vẫn đỗ thủ khoa sao? Bài tôi vẫn được đăng lên trang mạng của nhà trường - mà tôi chẳng cần phải truy cầu những thứ vô bổ mà ông mãi tìm kiếm.

Tôi đặt cược cả thanh xuân của mình, để chứng minh rằng ông sai.

Và tôi đã thành công, tôi được quyền tự mãn về điều ấy.

Nhưng tôi lúc đó đã chẳng biết văn chương của mình vốn đã chết mất rồi.

*

bốn.

*

Thuở nhỏ, tôi từng yêu văn chương như cách mà ba tôi nâng niu nó.

Hai người chúng tôi sẽ ngồi cả ngày bên bậu cửa sổ, ngắm mặt trời đi một vòng trái đất, rồi thả mình trôi theo những đám mây trắng bồng bềnh ngọt lịm như kẹo bông. Tôi thích cách ba tôi đàn và ngân nga những lời văn bay bổng. Ba viết tặng tôi một bài thơ, và ba cũng viết tặng mẹ, nhưng mẹ tôi đã bỏ đi mất rồi.

Tôi và ba cùng thả lời ca vào mặt trời, để nó gửi đến chỗ mẹ khi ấy. Mẹ tôi hiếm khi gọi về nhà, nên tôi cũng khó để tự mình hoạ lên giọng nói của bà trong đầu. Sau tất cả, thơ của chúng tôi lúc nào cũng ngập hình bóng của mẹ, dẫu cho bà chẳng bao giờ quan tâm đến điều đó.

Mẹ tôi đến bên kia thế giới để kiếm tìm cho tôi một con đường xán lạn, còn ba tôi thì ở bên tôi, nuôi dưỡng tâm hồn bé nhỏ. Mọi thứ nếu cứ tiếp tục vận hành như thế, thì tôi sẽ chẳng kêu than gì. Vì tình yêu mà ba dành cho tôi đã là quá lớn lao để chẳng thể nảy sinh thêm cảm xúc tiêu cực.

Nhưng một ngày nọ, ba tôi lôi tôi xềnh xệch vào bệnh viện. Chúng tôi đã có một cuộc xét nghiệm nào đó, mà tôi thì quá nhỏ để nhận thức nổi đó là cái gì. Tôi không rõ mình đã phải chạy theo ba từ khoa này sang khoa khác như thế nào, nhưng ánh mắt bất đắc dĩ cùng cái thở dài của bác sĩ hôm ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí tôi đến mãi tận bây giờ.

Để khi tôi tỉnh dậy khỏi cơn mơ, với tấm lưng ướt đẫm mồ hôi lạnh, tôi lại vô thức tự hỏi bản thân rốt cuộc điều đó là sao, để mà đến nỗi ba tôi đã bỏ tôi ngay sau ngày hôm đó. Ba đi, bà ngoại lên chăm tôi. Đến năm ngoái thì bà mất, tôi sống tự lập một mình.

Những lúc yếu mềm, tôi mới để bản thân thắc mắc vì sao ba lại đột ngột rời đi như thế, còn lúc này đây, tôi chỉ còn mỗi xúc cảm căm ghét ba. Vì ba bỏ tôi. Vì tôi chẳng khác nào đứa trẻ không cha không mẹ. Tôi ghét những đứa bạn cùng lớp, chúng nó đều có ba mẹ ở bên, còn tôi thì chẳng được thế. Mỗi lần nhìn vào chúng nó, tôi chỉ cảm thấy bản thân bất hạnh hơn, vì vậy tôi đã chọn cách tự nhốt bản thân một mình.

Không bạn bè. Không tiếng cười. Tôi chỉ như một cái máy. Thứ duy nhất tôi hướng tới chính là phải chứng minh rằng ba đã sai, và tự mãn về chính bản thân mình. Tôi một mình mà vẫn có thể làm tốt mọi thứ, chẳng có lý do nào có thể ngăn tôi có cảm giác như thế cả. Thực lực của tôi là có thật, và tôi đã thắng.

Tôi nhớ ba tôi từng nói, rằng kẻ tự mãn luôn là kẻ thất bại. Nhưng tôi sẽ chẳng để tâm đến điều đó. Kẻ bỏ lại gia đình như ông mới là kẻ thất bại, và tôi sẽ chẳng bao giờ trở thành một người như thế.

Từng thứ mà ông tin tưởng, từng điều mà ông hướng đến, tôi sẽ lần lượt bác bỏ nó. Như cách mà ông đã vứt xó tôi đi, để chạy theo những thứ ấy.

Nhất định.

.

"Em có thể viết giàu cảm xúc hơn được không?" Cô chủ nhiệm ái ngại nhìn tôi, còn tai tôi thì ong ong hết cả. Tôi nghiêng đầu, ngơ ngác hỏi lại cô.

"Dạ?"

Tôi hoàn toàn rơi vào hoảng loạn. Tôi chẳng hiểu bất cứ điều gì mà cô nói từ nãy đến giờ. Đã hơn mười lăm phút, cô chỉ ngồi huyên thuyên về ba cái thứ tình cảm này kia, nào là văn học chính là tấm gương vẽ lại tâm hồn, và tôi cần đặt hết cảm xúc của mình vào trong đó, hay thậm chí là phải học cách đồng cảm với những thứ vô thực ấy. Cô cứ nói mãi, mà đầu óc tôi thì bắt đầu quay cuồng. Tôi thừa biết rằng tôn trọng giáo viên là một điều tối thiểu cần có, nhưng điều này thực sự sai lắm?

"Em nghĩ em không cần cô ạ."

Tôi thẳng thắn nói, cắt đứt lời thao thao bất tuyệt của cô. Thực sự thì tôi đang mất bình tĩnh, tôi không thể tiếp tục ở trong tình trạng này theo bất cứ phút giây nào nữa. Tôi tin rằng mình đúng, và hiển nhiên tôi sẽ chẳng để ba cái thứ vớ vẩn ấy xen vào lẽ sống của mình. Tôi cúi đầu xin phép cô về lớp, hoàn toàn chấm dứt cuộc trò chuyện vô bổ tốn thời gian này.

Trong lúc hai cô trò nói chuyện với nhau trong phòng giáo vụ, có vài đứa bạn cùng lớp tôi đã túc trực sẵn ở cửa sổ để nghe lén. Chúng nó luôn táy máy với mọi thứ liên quan đến tôi, người đã đạt danh hiệu thủ khoa này, và hiển nhiên, chúng sẽ chẳng từ cơ hội nào để móc mỉa tôi cho bõ ghen tị.

"Lan này, mình nghĩ bạn nên đăng ký sang ban tự nhiên được đó, dù gì đâu có ai ở ban xã hội mà 'lạnh lùng' như vậy đâu chứ?"

Tôi chỉ cười đáp cho có lệ, rồi đi vòng ngược ra hướng khác để tránh mắt bọn đỉa bám này.

Tôi luôn đúng, hiển nhiên thế. Ông trời luôn đồng ý với tôi.

Tôi sống và tin vào điều đó. Vậy nên thứ duy nhất tôi cần làm là cố gắng như cách tôi vẫn luôn hướng đến.

.

Kể từ khi tôi đứng đầu danh sách đầu vào, bản thân tôi đã luôn tin rằng mình sẽ chẳng bao giờ thất bại. Lúc nào tôi cũng luôn cố gắng hết mình, nỗ lực cả ngày lẫn đêm, và một con ong chăm chỉ sẽ luôn nhận được thành quả xứng đáng với nó.

"Trừ khi nó quên mất rằng chính nó đã tự bẻ đi đôi cánh của nó rồi." Gia Hân nhìn thẳng vào mắt tôi, và giọng cậu cũng chỉ vừa đủ cho tôi nghe thấy. Sau đó, cậu nhanh chóng xoay lưng tiếp bước, để một mình bản thân tôi vẫn còn đứng đực ra trước bảng tin dán kết quả của kỳ thi học sinh giỏi.

Tôi không nhớ rõ bản thân quen Gia Hân từ lúc nào, nhưng chúng tôi đã nghe về nhau từ những năm cấp hai, và đó giờ, dù tôi không quan tâm, nhưng ai cũng ngầm so sánh tôi với vị á khoa này. Tôi không có thiện cảm với Gia Hân, một phần là đứng ở vị trí đối thủ, và một phần khác, Gia Hân từng nói cô ấy thần tượng ba tôi.

Gia Hân giống hệt như ba tôi, từ tư tưởng, cho đến cách viết (ý tôi là cách nhồi nhét câu văn bằng cảm xúc, chứ không phải văn phong), chỉ khác rằng cô kiệm lời và lạnh lùng hơn. Tôi cũng mới biết điều ấy dạo gần đây, khi cậu kéo tôi ra một góc, và hỏi rằng có phải nhà văn Thanh Hà là ba tôi không.

Và hiển nhiên, Gia Hân quá đỗi kinh ngạc về điều đó. Cô ta bảo tôi chẳng giống với ba tôi chút nào, và tôi vui về điều ấy. Sau đó, cô ta còn lảm nhảm những cái gì đó, mà tôi từ chối nghe.

Nhưng thứ duy nhất tôi không thể ngờ được rằng, Gia Hân - con bé mà mọi người gọi là "con gái" của nhà văn Thanh Hà, lại đứng nhất lần này. Còn tôi, cái kẻ vẫn luôn tự cao với kết quả của mình, thì lại đứng ở dưới top 5.

Tôi sốc, tưởng chừng như sắp ngất ra đó. Trời đất cứ thế mà quay cuồng hết cả lên. Dẫu cho Gia Hân đã đi mất, nhưng đầu tôi vẫn còn vương lại dư âm những lời lố bịch mà cô ta nói. Dẫu cho cố gắng mở to đôi mắt chẳng biết bao nhiêu lần, thì tôi vẫn phải đau đớn mà nhận ra đây là sự thật, chứ chẳng phải một cơn ác mộng quái dị nào đó.

... Tôi, thế mà lại thua sao?

.

Tôi không chấp nhận lần thua ấy. Không bao giờ chấp nhận.

Nhưng những kì thi tiếp theo, dù đã cố gắng hơn cả tỷ lần, tôi vẫn thua Gia Hân, và càng rời xa so với vị trí top 5 - một vị trí vốn dĩ lúc nào cũng phải có tên tôi. Kết quả của tôi đi xuống thấy rõ, đẩy tôi vào một vòng hoảng loạn cùng cực. Tôi ngày đêm cắm đầu vào học, tới nỗi chẳng màng đến liệu bản thân có ngủ đủ giấc hay không. Những ngày tháng khi ấy, điều duy nhất hiện hữu trong đầu tôi, chính là ý nghĩ rằng tất cả chỉ là một trò đùa. Thứ tôi tin sẽ không bao giờ sai. Phải, ba tôi mới là kẻ sai, Gia Hân mới là người thua cuộc.

Nhưng, cho dù tự nhắc bản thân như vậy chẳng biết bao nhiêu lần, tôi vẫn thua. Ngày càng thua thảm hại. Tôi chẳng còn nhận ra bản thân mình tiều tụy trong gương nữa; giờ đây tôi chỉ là một cái xác rỗng, cố gắng vì một thứ gì đó mơ hồ quá đỗi.

Những đêm xuân gió lùa vào từ khe cửa, tôi lại nghe thấy tiếng lòng mình thổn thức, rằng, hậu quả của một sai lầm là gì?

Lần đầu tiên trong suốt thời gian qua, tôi hoài nghi về chính điều tôi đang hướng tới. Rằng, liệu nó có đúng? Liệu văn học chỉ cần một khuôn mẫu máy móc, mà chẳng thiết gì những tình cảm dư thừa? Và liệu... tôi có sai?

Vùi mình vào lớp chăn dày, tôi bịt chặt hai tai, cố gắng để bản thân thôi nức nở. Hay ít nhất là tôi không muốn nghe bản thân mình khóc. Trái tim tôi quặn thắt lại, tựa như mắc kẹt trong một cái hố lầy sâu hoắm ngập ngụa, càng vùng vẫy, tôi lại càng rơi xuống sâu hơn.

Cổ họng tôi đã đắng chát tự bao giờ, khàn đặc như kẻ ho lao lâu năm. Nước mắt nước mũi cũng tèm lem hết cả, nhưng tôi vẫn cảm thấy sao mà nặng nề. Tôi cứ để mình như thế, khóc tức tưởi giữa căn phòng trống rỗng cô đơn, để mặc bản thân chìm vào giấc mộng vì quá mệt mỏi.

Và tôi mơ.

Tôi mơ về những ngày cây guitar của ba vẫn còn treo cạnh chiếc võng chăng gần ban công, và cứ độ hoàng hôn buông mình lẩn lách dần sau ánh đèn chạng vạng, ba tôi lại đàn tôi nghe. Ba kể tôi về những mộng tưởng của ba, về thế giới của riêng ba, về những gì ba định viết. Ba cũng bảo rằng ba yêu tôi nhiều đến mức nào, lớn đến ra sao. Tôi vẫn nhớ những dòng văn ba tặng tôi, nói rằng ba sẽ mãi bên cạnh tôi...

Nhưng ba đã đi mất rồi.

Đến cuối cùng, thứ tôi mong muốn là gì kia chứ?

Tôi chẳng biết được. Tôi mệt mỏi, giống như con thuyền giữa cơn bão đã từ bỏ việc kiếm ngọn hải đăng, mặc cho sóng dìm nó xuống đáy biển tăm tối. Chẳng còn hơi sức đâu mà vùng vẫy, mà kiếm tìm, mà đấu tranh... thực sự, tôi mệt lắm rồi.

"Ba à..."

Tôi cố gắng hết tất thảy, chỉ mong rằng có thể cho ba biết, tôi đau đớn ra sao. Âu cũng chỉ là cái sự bồng bột của một đứa trẻ đang lớn. Tôi chống đối ba, ghét ba,... Suy cho cùng, cũng chỉ để che đậy đi một trái tim non nớt đã rỉ máu trong lồng ngực mình.

Ba hiện ra trước mặt tôi, có lẽ chỉ trong mơ tôi mới gặp được ông, và cũng có lẽ, trong mơ tôi mới dám đối mặt với sự yếu đuối của mình. Tôi không còn mạnh mẽ nổi nữa, và tâm trí tôi hoàn toàn bị những cơn sóng ấy đánh sập. Tôi nhớ cái ôm ấm áp của ba, dẫu rằng giờ bản tôi đã to xác, tôi muốn ba ôm tôi vào lòng.

Tôi không muốn ba rời tôi mà đi.

Cuối cùng tôi đang tự mãn về điều gì kia chứ? Tự mãn vì ghét ba, tự mãn vì cái chất văn đặc quánh của tôi thắng sao? Suy cho cùng, nếu đã thắng, tại sao tôi lại phải khổ sở cố gắng bám víu một giấc mơ đến như thế?

"Ba, ba đừng bỏ con..."

Tôi khóc tức tưởi, tôi ôm chặt lấy ba, không cho ông rời đi nữa. Ba cũng khóc, nước mắt thấm đẫm mái tóc tôi. Tôi chẳng còn đủ khả năng để phân biệt đâu là mơ, đâu là thực nữa, tôi chỉ biết, tôi không thể chống lại con quỷ cô đơn này nữa rồi.

Tôi thực sự đã thua.

Thua trong vòng tay ấm áp của ba, thua trong cái xoa đầu nhẹ nhàng ấy. Ba ôm chặt lấy tôi, nhẹ giọng gọi tên tôi, gạt đi hai dòng nước mắt tuôn đầy hai má tôi.

"Lan... ba xin lỗi."

Tôi từng nhớ, Gia Hân bảo với tôi, cô ta đã gặp ba tôi.

Tôi chẳng quan tâm cô ta đã sung sướng đến mức nào khi ấy, thậm chí cũng hờ hững chẳng quan tâm lúc Gia Hân nói rằng, tôi nên biết điều này. Gia Hân đưa tôi một xấp thơ của ba, một xấp thơ mà cô nói rằng nó sẽ chẳng bao giờ được xuất bản, dẫu rằng ai cũng muốn xem tác phẩm mới nhất của nhà văn Thanh Hà.

"Ba thua rồi."

Ba tôi lại xoa đầu tôi, giống như ngày tôi còn bé. Giống như lúc ba tôi ngồi vào bàn, trải giấy phẳng phiu, bắt đầu viết tập thơ dành riêng cho tôi.

Ba mất mười năm để hoàn thành nó, trong khi ấy, lại mất năm năm để trốn tránh. Tôi không dám đọc tập thơ của ba, nhưng trong cái sự ấm áp này, tôi cũng đã hiểu phần nào.

Rằng, tôi đã tự cắt đi đôi cánh của mình. Rằng, tôi đã thua.

Tôi thua Gia Hân, tôi thua cả ba.

Nhưng, tôi cũng đã thắng.

"Ba à, đừng đi nữa nhé!"

Suốt năm năm qua, cuối cùng tôi cũng thốt ra được điều mà tôi chôn kín. Sau tất cả, tôi chỉ đơn giản là yếu đuối như vậy, chỉ là một đứa trẻ mong muốn được nằm trong vòng ôm ấm áp của gia đình.

Và giờ, tôi đã đạt được điều ấy.

------------------------------------------------------------------------

Nhận xét:

Chính tả: Không có lỗi chính tả:

Giám khảo 1:

Xây dựng nhân vật:
Đối với tớ đây là bài làm có phần xây dựng nhân vật hoàn thiện và hợp lí nhất ở vòng này và tớ nghĩ mình không có điều gì cần nói thêm ở nhân vật của cậu.
Song vì giới hạn đề bài, tớ luôn có cảm giác cậu đã cố uốn nắn nhân vật trong suy nghĩ của mình theo đề. Tất nhiên đây chỉ là thứ tớ nhận thấy khi đọc, chứ chẳng phải đang bắt lỗi gì cả.

Cốt truyện:
Để mà nói thì tớ không thấy nhân vật chính đã giết chết văn chương trong cậu ấy bằng sự tự mãn, nó chỉ là sự cố chấp theo đuổi một hướng đi khác khi viết văn thôi. Bản thân cậu ấy cũng không phải là người tự mãn, hành động ở mở đầu truyện đã thể hiện điều đó. Chẳng qua việc đỗ thủ khoa khiến cậu ấy tin chắc mình đã có suy nghĩ đúng, rồi tin tưởng hoàn toàn vào nó.
Cốt truyện này khá ổn so với mặt bằng chung của các mã phách. Mặc dù phải đi theo khuôn khổ, nhưng vẫn có sự sáng tạo và các tầng lớp cốt của riêng nó.

Mạch truyện: Ổn.

Giám khảo 2:

Cả câu chuyện là một quá trình khắc họa rõ nét diễn biến tâm lí của nhân vật chính từ trước khi đạt điểm tối đa và luôn đứng đầu cho đến khi tuột dốc nhưng lại đạt được mảnh ghép thiếu trong trái tim mình. Cảm xúc đan xen trong câu văn mềm mại uyển chuyển, không bị quá cứng, cũng không quá rời rạc, đưa người đọc đi chậm rãi từng chút một để cảm nhận từng luồng cảm xúc khác nhau mà không bị lẫn lộn hay khó hiểu.
Ý tứ của câu chuyện che giấu một tầng nghĩa sâu sắc về tình cảm gia đình, nhẹ nhàng ngấm vào trong lòng người đọc. Cách sử dụng câu từ súc tích, mạch lạc, vừa phải, tình tiết và các chi tiết cảm xúc nhỏ rải rác khiến độc giả muốn bỏ chút thời gian suy ngẫm theo dòng truyện, từ đó đọng lại ấn tượng sâu đậm và dư vị sâu sắc.
Cốt truyện không quá mới mẻ, nhưng cũng không quá cũ hay nhàm chán, nó thật như cuộc sống vốn phải như thế, rất dễ để đồng cảm. Độc giả khi đọc truyện, có cảm giác như đang đứng trên du thuyền lững lờ trôi giữa dòng cảm xúc của nhân vật chính, nhẹ nhàng ấm áp.

Lưu ý:
Nên có thêm nhiều hơn một chút yếu tố miêu tả, tránh việc người đọc bị nhấn chìm trong cảm xúc của nhân vật mà “khó thở”.

Giám khảo 3:

Văn phong của bạn thì không cần phải bàn rồi, rất nhẹ nhàng và thơ mộng, thu hút người đọc theo từng con chữ. Cách bạn dẫn chuyện cũng như chuyển cảnh không bị gượng gạo mà còn rất lôi cuốn, đem lại cho mình ấn tượng tựa như đang xem những thước phim đẹp vậy.

Về nhân vật, nhân vật “tôi” là một nhân vật rất được chú trọng phát triển nội tâm. Nhân vật này đã truyền tải được tới người đọc hết những suy nghĩ, lời nói và cảm xúc của mình. Bạn đã tạo ra một hoàn cảnh thích hợp cho nhân vật “tôi” khi nhận được niềm yêu thích văn chương từ người ba của mình và những vấn đề phát sinh với “tôi” cũng có nguồn gốc từ người ba ấy, quá khứ của nhân vật được lồng ghép đan xen vào trong truyện cho nên nhân vật đem tới một cảm giác chân thật cho người đọc.
Tuy nhiên có một điều làm cho mình tiếc nuối ở nhân vật này đó chính là bạn không làm bật lên được sự tự mãn của “tôi” trong văn chương. Xuyên suốt câu chuyện đều liên quan đến “văn chương”, nhân vật này cũng trải lòng nhiều về văn chương trong mình cho nên nhân vật đang được thể hiện rất tốt.

Nhưng cái chính của “đề” không chỉ có văn chương thôi mà còn có “sự tự mãn” và “giết chết”. “Tôi” qua lăng kính của người đọc chỉ như một cô gái gặp khúc mắc trong việc gửi gắm cảm xúc của mình thông qua lời văn và mắc bệnh “ngủ quên trên chiến thắng” mà kẻ chiến thắng nào cũng dễ mắc. Còn việc sự tự mãn của “tôi” đã giết chết văn chương như nào thì không được bày tỏ sâu sắc, bản thân mình khó mà cảm nhận được thái độ tự mãn của nhân vật này.

Theo một cách nào đó, thành công ngày hôm ấy đã trở thành một động lực thúc đẩy cho những suy nghĩ phiến diện của tôi, khiến nó như chân lý trong cuộc sống của tôi. Và tôi thì ngày càng tự hào về chân lý ấy.”

Khi đã trở thành chân lý sống thì càng được tập trung khắc họa hơn, nhân vật đang có được một bệ phóng rất vững chắc nhưng lại không nhận được lệnh phóng từ bạn. Mình tin rằng đây không phải là sự thiếu hụt khả năng của bạn mà là một sự bỏ sót đáng tiếc.

Về cốt truyện, cốt truyện thật ra không có gì mới mẻ, các tình tiết đều có thể đoán trước được và không để lại ấn tượng cho mình. Bên cạnh đó, đúc kết của nhân vật “người chiến thắng là người biết chấp nhận mình thua” không thấy xuất hiện trong bài.

Tóm tắt lại thì văn phong, bối cảnh, cảm xúc của mạch văn được bạn dựng nên rất tốt nhưng về nhân vật thì chưa toát được chủ đề của truyện và cốt truyện thì cần bạn thêm những nét chấm phá để trở nên đặc sắc hơn.

Điểm: 7. 4167











Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top