Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 1: Thành Danh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bà cụ Thoa nằm nhai trầu bỏm bẻm trên chiếc chõng tre cũ kĩ đặt ngoài hiên nhà. Đang lim dim chợp mắt, bỗng có tiếng ai đốt pháo đùng đùng khiến cụ giật mình tỉnh giấc. Lát sau lại vang lên tiếng bước chân rầm rập, rồi tiếng người ồn ào như vỡ chợ. Bà cụ xỏ vội chân vào đôi dép mo cau rồi bước tới mở cổng, dòm ra đường. Ồ! Họ làm gì mà đông người thế nhỉ? Cụ Thoa ngơ ngác nhìn dòng người chật như nêm đang hăm hở tới đâu đó, vừa đi vừa lớn tiếng nói chuyện. Cụ muốn chen vào chạy theo cho biết nhưng bị choáng trước âm thanh pháo nổ đinh tai nhức óc, cụ ngồi thụp xuống thở phì phò. Thoáng thấy con dâu đang nép vào bụi hoa giấy nhà bên để nhường đường cho đám người, cụ nhổ toẹt bãi trầu xuống đất, mừng quýnh gọi:

– Mận, Mận ơi! Về đây u bảo. Con Mận đâu rồi?

Bà Mận nghe tiếng biết là mẹ chồng, cố lách người, chạy sang dìu cụ Thoa vào nhà ngồi nghỉ. Cụ nhất quyết không chịu, cứ đứng ngay cánh cổng mà gặng hỏi:

– Người ta làm gì thế hở Mận?

Người con dâu lễ phép đáp:

– Thưa u, người ta đón rước và kéo đến ăn khao ông Tân Tri phủ u ạ!

– Ồ thế à, có phải cái ông quan hôm nọ mà uống chè ở quán nước đầu làng mình không?

– Không phải u ạ, nay là Tri phủ¹ vừa mới nhậm chức tháng sáu năm ngoái, con trai cả phú ông Hào làng mình ý.

Cụ Thoa tròn mắt:

– Cái gì, tưởng cậu ý đi lính mấy năm nay mà? Ai chứ cái cậu Nguyên ngỗ nghịch đấy thì u chả tin được làm quan đâu.

– Ối dào, u suốt ngày nằm nhà ngắm giàn thiên lý thì biết thế nào được. Con vừa đi chợ, nghe nói là lúc đi đánh giặc, cậu Nguyên có công cứu Thái tử hai lần, với lại bắt sống được một tên tướng bên địch. Bởi vậy được vua ban chức Tri phủ phủ Thanh Giang.

– Phủ² mình à? Ờ... ờ... đáng lẽ phải có đón rước vinh quy bái tổ đủ thứ chứ mẹ nó nhỉ? Thế mà một năm trời nay làng mình tịnh không một ai biết, cũng chả ai nghe nói gì cả?

– Vợ ông trưởng làng bảo với con thế này, cậu Nguyên được bổ làm Tri phủ đường đột quá, thành thử cậu ấy chỉ kịp dừng chân tại làng đôi chút để lễ tạ tổ tiên cùng chư vị thần thánh, thế rồi cấp tốc đi tới dinh luôn để lo liệu công việc. Còn nhà phú ông thì cũng theo ý muốn của cậu, đợi mọi thứ ổn định thì mới mở tiệc ăn khao. Là chiều nay đấy u, u có đi không, phú ông mời cả làng đấy.

Ái chà, cỗ nhà đấy thì ngon phải biết. Có ngu đâu mà không đi? Cụ Thoa hí hửng giục bà Mận vào nhà lấy cái áo tứ thân cắt hồi giáp Tết.

...

Trong người cậu Nguyên cảm thấy bồi hồi xúc động, người lâng lâng như ở trên mây. Từ xa xa, cậu nhìn thấy cổng làng yêu dấu nằm dưới tán lá xum xuê xanh tốt của cây đa già quen thuộc. Về đến làng, trong bộ quan phục uy nghiêm, cậu phải đi lễ Thành hoàng làng và hết thảy các thần thánh ở đền đài miếu mạo gần đây rồi trở về nhà bái lạy gia tiên. Phú ông bảo cậu may mắn “thanh vân đắc lộ³” cũng một phần nhờ ơn chư vị phù hộ, nhờ phúc ấm tiên tổ. Các vị đã hạ cố giúp mình công danh hiển đạt thì phải sắm sửa lễ bạc lòng thành⁴ mà tạ ơn. Cậu Nguyên chẳng tin lắm những chuyện quỷ thần, song phận con cái còn dại, cha nói sao nên nghe vậy mới tốt, mới vừa lòng cha. Cha mẹ khuyên bảo một câu, con nỏ mồm cãi lại mười câu xấc láo, ấy là con nhà vô phúc. Mấy con cá đấy sớm muộn cũng ươn, cũng thối rình lên cho mà xem! Còn cậu, chàng thư sinh sớm hôm ngụp lặn rừng Nho bể Thánh, hiểu ít nhiều đạo thánh hiền, hẳn rằng cần cư xử trọn chữ Hiếu. Ta chẳng nằm giá, khóc măng⁵ được thì ta cũng cố sức làm trò mua vui chốn sân Lai⁶.

Lễ lạt xong đâu vào đấy, cậu Nguyên chắc mẩm được buông trướng huỳnh⁷ nghỉ ngơi đôi chút. Thế mà ông xanh nghiệt, bắt cậu phải dành cả buổi sáng cho họ hàng thân thích cùng quan lớn quan bé trong phủ đến chúc mừng và tâng bốc cậu lên tận mây xanh. Lạy giời, sao miệng họ trơn như bôi mỡ, ngọt như đường vậy hở giời! Nào là chú mày dấn thân được vào chốn quan trường, phúc đức họ Lý để đâu cho hết. Nào là quan anh tuổi trẻ tài cao, đèn giời soi xét sáng tỏ, thấu suốt bao oan khuất của dân. Mỗi người xúm vào, thẽ thọt dăm câu rồi lại tản ra, nhường chỗ cho kẻ khác nịnh nọt. Cậu mệt lử, chẳng còn sức mà ăn bữa cơm trưa. Để nguyên quần áo đấy, mũ đấy, cậu Nguyên ngủ gà ngủ gật một giấc.

Thế nhưng đến chiều, mặt mày cậu bỗng dưng tươi tỉnh hẳn như có phép lạ. Cậu Nguyên thay bộ triều phục nặng nề bằng áo dài trắng phủ sa trơn, đầu chít khăn kiểu chữ “Nhân”. Nom cậu bây giờ thanh tú, nho nhã không khác gì tiên đồng. Sau khi sửa lại cổ áo cho thẳng thớm, Minh Nguyên đi ra tiếp chuyện mọi người. Họ đon đả tán dương bao nhiêu, cậu vồn vã đáp lại bấy nhiêu. Năm gian nhà ầm ầm tiếng người nói lót ngọt ngào, sẽ sàng xin phép cậy nhờ bóng quan lớn. Nhiều lúc, lưỡi cậu cả phú ông cứng đơ gượng gạo vì bấm bụng thốt lên dăm câu từ chối khôn khéo hết nhời. Nhưng về sau thì cậu nói năng trôi chảy hơn hẳn. Dường như tài ăn nói, tài đắn đo cân nhắc thiệt hơn tránh mếch lòng người của Minh Nguyên bỗng cao siêu gấp bội.

Buổi sáng là người trong họ và quan lại tới ăn cỗ, còn buổi chiều thì khao cả làng Chỉ Nam. Những cậu bé con tóc để trái đào cứ quanh quẩn bên bàn uống nước, mải mê nghe những chuyện trong quân ngũ cậu Nguyên đang nói với mấy cụ già. Chúng nó như bị cuốn vào lời kể sôi nổi mạnh mẽ, tưởng như đang tận mắt chứng kiến từng tốp binh lính cảm tử liều chết cứu thành bị vây và những vị tướng quân mưu trí hơn người xông pha chinh chiến nơi sa trường. Nói về chuyện thời nay, cậu cứ dẫn thêm tích đời xưa nên nghe thích tai đáo để! Ông Hạng Vũ nâng đỉnh đồng nghìn cân, ông Trương Lương dùng tiếng địch sông Ô làm rối lòng kẻ thù. Nước ta có nhiều người giỏi không kém bên Tàu, chẳng hạn ông Hưng Đạo Đại vương, ông Chiêu Minh Đại vương là tướng tài triều Trần. Hai ông đều có công lớn trong cuộc chiến với giặc Thát Đát. Quân lính thời nay noi gương người xưa, liều mình bảo vệ nền thái bình thịnh trị.

Đang háo hức chờ cậu cả nói về ông Hưng Đạo Đại vương thì bọn trẻ phải dừng lại đi ra xơi cỗ. Đứa nào cũng tiếc nuối, thèm thuồng được nghe tiếp nên cứ nài cậu Nguyên nấn ná ngồi thêm chút nữa. Cậu cũng chiều bọn nhóc, kính cẩn mời các cụ già sang nhà bên dùng cơm rồi quay lại kể nốt cho trẻ con nghe.

Vừa hết chuyện thì sắp sửa sang giờ Thân, cậu Nguyên giục bọn chúng xuống nhà dưới chén cỗ kẻo đói. Còn lại một mình, nét mặt tươi hơn hớn của cậu cả nhà phú ông lập tức biến đâu mất, thay vào đó là vẻ thất vọng não nề. Phải, cậu thất vọng quá đi mất! Người cậu Nguyên mong đến nhất thì chả thấy đâu. Rõ ràng lúc cậu đi thì hứa hẹn ngày cậu trở lại sẽ ra đón. Vậy mà ngày cậu về thì bóng chim tăm cá, chẳng thấy mặt từ sáng đến giờ. Nếu Phương ốm mệt thì vợ chồng bác Hòe với thằng em của Phương sẽ không kéo cả sang đây như thế này. Hay Phương giận dỗi cái gì? Cậu Nguyên nghĩ vậy rồi tự thấy không hợp lý. Cậu vừa mới về làng mà, đã làm việc gì phật ý Phương đâu, giận sao được? Minh Nguyên để ý thấy thằng Phi đi xuống bếp nhà cậu rồi cứ hau háu nhìn mâm bánh chễm chệ đặt trên cái bàn nhỏ ở góc bếp mà không dám lấy, sợ bị trách phạt. À, chỗ bánh thầy sai gia nhân làm phòng cậu đói đây mà. Minh Nguyên cười cười, đoạn tiến đến mở cái lồng bàn, lấy ra một chiếc bánh đúc lạc rồi gọi thằng bé sáu tuổi lại gần. Phi hí hửng chạy lại, cúi người chào cậu rõ to:

– Phi chào cậu Nguyên ạ!

Rồi nó chợt nhớ đến cái mũ cánh chuồn, đôi hia đen oai vệ sáng nay cậu Nguyên mặc, liền luống cuống chữa lại:

– À con nhầm, con chào quan lớn ạ!

Cậu dúi cho nó cái bánh rồi tỉ tê hỏi chuyện:

– Chị Phương nhà Phi không sang đây à?

Cậu bé vừa tóp tép nhai vừa đáp, vẫn quen miệng gọi "quan lớn" là "cậu":

– Dạ thưa cậu không ạ, chị Phương không sang được ạ!

Cậu Nguyên hơi hụt hẫng, cảm thấy buồn buồn, bứt rứt như kiến cắn trong lòng. Cậu véo cái má phúng phính của Phi rồi trách yêu:

– Anh đã dặn cứ gọi là anh Nguyên mà, trước sau gì người một nhà chả phải gọi nhau thế...

– Ơ cậu sai rồi, Phi họ Nguyễn, cậu họ Lý thì làm người một nhà thế nào được, làm người một họ còn không được ấy chứ.

Trước lý luận ngây ngô của đứa bé, cậu Nguyên chỉ cười trừ:

– Ừ ừ anh sai. Chị Phương làm sao mà không tới được?

– Dạ thưa cậu, chị muốn sang lắm mà chồng chị ứ cho đi cậu ạ!

– Phi đùa anh à, hùa theo đứa nào trêu anh hở?

Phi vẫn ngoan ngoãn đáp:

– Dạ thưa cậu, Phi chả đùa cậu đâu ạ. Chồng chị Phương không cho chị đi thật, chồng chị khó tính lắm. Chính Phi nghe thấy thầy nói với u vậy mà.

Minh Nguyên tưởng rằng thằng nhóc vòi thêm bánh nên trêu cậu. Cậu lấy thêm hai cái bánh rán nữa, dụ:

– Đừng đùa anh nữa. Anh cho hai cái bánh nữa này. Nói thật cho anh biết chị Phương bận gì mà không tới được, giờ chị đang ở đâu?

Thằng Phi phát cáu:

– Khổ quá, con đã bảo là chị con đi lấy chồng rồi, chồng chị không cho đi thì chị không đi được. Con chả chơi với cậu Nguyên nữa.

Đứa bé bỏ đi trước sự ngơ ngác tột độ của cậu. Minh Nguyên tự suy bụng ta ra bụng người:

– Bình thường chỉ cần hối lộ Phi ít bánh là nó khai tuột. Sao nay lại dở chứng thế nhỉ? Phương ơi là Phương, tôi tòng quân đánh giặc, đằng ấy ở nhà không có người trò chuyện, buồn chán quá nên đằng ấy giận tôi thật hở? Bạn bè thân thiết nhất mà thế à Phương ơi!

...
Chú thích:

¹ Tri phủ: Chức quan đứng đầu một Phủ.

² Phủ: Đơn vị hành chính thời Nguyễn, trên huyện, dưới tỉnh.

³ Thanh vân: Mây xanh, ý chỉ đường công danh. Thanh vân đắc lộ: Đỗ đạt, thăng tiến.

⁴ Lễ bạc lòng thành: Lễ sơ sài nhưng tấm lòng chân thành.

⁵ Nằm giá, khóc măng: Vương Tường đời Tần sống với dì ghẻ độc ác nhưng vẫn cởi trần nằm trên băng để bắt cá chép, đem về nấu cho dì ghẻ. Mạnh Tông đời Tam Quốc mồ côi cha, mẹ bị bệnh, Mạnh Tông ra khóm trúc  ngồi khóc khiến măng cảm động, mọc lên để Mạnh Tông hái về nấu cháo cho mẹ.

⁶ Sân Lai: Sân nhà lão Lai Tử. Lão Lai Tử rất có hiếu, bảy mươi tuổi vẫn bày trò trước sân mua vui cho cha mẹ.

⁷ Trướng huỳnh: Bức trướng che buồng của học trò, nghĩa bóng là phòng học.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top