Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 8: Trùng Phùng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cậu Nguyên bị sự nóng ruột bức đến phát rồ. Cậu nhờ thầy Hải phân phó nốt cho lũ tôi tớ đi trả số lễ lạt còn lại, rồi nhanh chóng đi tới vườn bưởi. Phiền thật! Năm nào cũng biếu xén hòng cạy cục nọ kia. Nhiều thứ trong đó quý giá thật đấy, độc lạ thật đấy, nhưng tốt nhất chẳng nên dính vào những quân ba phải. Vẩn vơ suy nghĩ một hồi, cậu đã đứng đối diện với căn phòng cần đến. Giời cao đất dày ơi, gương vỡ vẫn có được ngày Thượng Nguyên¹ ư! Cậu muốn ngay lập tức xông vào ôm Phương thật chặt cho thoả nỗi nhớ mong. Cố trấn áp ý nghĩ có phần bất đạo ấy, Minh Nguyên thong thả đưa tay gõ cửa.

Ba tiếng "Cộc... cộc... cộc" vang lên khô khốc giữa đêm khuya thanh vắng, xói thẳng vào tâm can Nguyễn Phương. Bao nhiêu sự bình tĩnh Phương cố níu giữ từ lúc bước vào căn phòng này lập tức tan thành mây khói. Suy cho cùng, Phương cũng chỉ là một thiếu nữ mới lớn, đã bao giờ phải đối mặt với loại chuyện vốn quen thuộc với bà hai như này đâu! Nhưng trốn tránh mãi làm sao được? Nguyễn Phương đánh liều cất tiếng:

– Quan lớn... cứ vào.

Lời nói nỉ non pha lẫn một chút run rẩy kia dịu dàng rót từng giọt, từng giọt vào tai cậu Nguyên, khiến cậu mê mẩn tâm thần. Cậu không chần chừ mở toang cánh cửa ra. Vừa thấy vị Tri phủ đương chức, giai nhân trong phòng thoáng sững sờ. Con dao bổ cau rơi đánh “keng” một cái. Nguyễn Phương đứng chôn chân tại chỗ, cổ họng ứ nghẹn không nói được câu nào. Nhác thấy lưỡi dao trơ trọi trên đất, cậu Nguyên hiểu hết ẩn tình, tim thắt lại. Minh Nguyên khẩn trương tiến đến nắm chặt tay Phương, giọng thổn thức:

– Phương, tôi đây mà, đằng ấy quên mất tôi rồi hở?

Mãi một lúc sau mới có tiếng đáp lại:

– Lý Minh Nguyên, quê quán ở làng Chỉ Nam, huyện Khởi Nam phải không?

– Đích thị là tôi.

Nguyễn Phương ôm chầm lấy cậu Nguyên mà khóc rưng rức. Mắt cậu Nguyên cũng đỏ quạnh. Phương sụt sùi hỏi:

– Giờ đằng ấy là Tri phủ Thanh Giang à? Về từ bao giờ thế?

Cậu khẽ gật đầu, bùi ngùi nói:

– Hai năm trước. Nhưng cách đây ít hôm, tôi mới chính thức vinh quy, khao mừng làng nước.

Hồn vía cậu Nguyên bị hút chặt vào đôi mắt đẫm lệ long lanh của người bạn thân thiết. Cậu chẳng thể tự chủ được nữa, cúi người sát mặt người con gái đối diện, say sưa ngắm nghía trong sự khao khát tột cùng. Dưới ánh nến mập mờ, cậu thoáng thấy má ửng hồng, môi đỏ mọng, thoáng cảm nhận được mùi bồ kết vấn vương trên suối tóc đen óng ả. Phương mê hoặc cậu mất rồi! Đúng lúc Minh Nguyên định đưa tay khóa chặt Phương trong lòng, con Lan lồm cồm bò ra từ gầm giường. Nó lao đến chỗ Nguyễn Phương nhanh như một cơn gió, dùng thân mình che chắn trước mặt Phương. Cậu Nguyên sực tỉnh, cậu lừ mắt, nghiêm giọng:

– Cô tính giở trò gì?

Hàm răng con Lan va vào nhau lập cập. Khí thế bức người của quan lớn dọa nó sợ mất mật. Giời bắt tội rồi, kiểu này bị đuổi về quê là cái chắc. Nguyễn Phương đẩy Lan ra, phân trần với cậu Nguyên:

– Đằng ấy đừng hiểu lầm, Lan ở đây bảo vệ tôi đấy. Giả dụ nay tôi gặp phải phường dâm ô, háo sắc mà không có con bé thì đời còn nhục đến đâu.

Phương nháy mắt, con Lan hiểu ngay, nhưng nó lại chần chừ. Phương phải nói rõ:

– Ngài Tri phủ đây là người quen biết với chị. Em yên tâm.

Đứa hầu gái bất đắc dĩ lui ra. Lúc này, cậu Nguyên mới gặng hỏi:

– Rốt cuộc vì sao đằng ấy đồng ý làm vợ bé thằng huyện Thạch Đa?

Để cho tôi sống dở chết dở bấy lâu nay. Nhưng cậu không dám nói vế sau, chỉ buồn buồn nhìn người bạn thân thiết. Phương rầu rĩ kể lại nguyên do và trừng mắt nhìn vào khoảng không vô hình:

– Tôi biết thừa thằng chết dẫm bỏ cây cơm cháy vào nhà tôi là thằng huyện Tửu, biết ngay điều ám muội từ cái lúc nó ép tôi làm vợ ba của nó thì mới ỉm chuyện này đi cho thầy tôi. Chẳng qua không có chứng cứ. Tôi mà dùng dằng thêm, thầy tôi sẽ tù mọt gông, nên đành...

– Ở nhà đó, đằng ấy sống thế nào?

Ý cậu Nguyên muốn hỏi, trong quãng thời gian vừa rồi, có phải chịu ấm ức gì không.

– Cơm ngày đủ ba bữa, sống tốt.

– Chỉ dối, sống tốt mà bị nó đem làm mồi câu lợi lộc thế này hở?

Cậu bực mình quát lớn. Nguyễn Phương khẩn thiết nằn nì:

– Nguyên, đừng nói gì với thầy u tôi. Gốc tử vừa người ôm² rồi, thầy u tôi ngã bệnh là tôi khổ lắm!

Cậu Nguyên thở dài gật đầu. Lại đến lượt Phương chất vấn vị bằng hữu bao năm xa cách:

– Mà từ đã, lúc nãy đằng ấy nói rằng, đằng ấy làm quan một năm trước, nhưng vừa rồi mới vinh quy...

Cậu ung dung giải thích:

– Trong lúc tòng quân diệt giặc, tôi cứu mạng Thái tử hai lần, một lần bắt được tướng bên địch. Khi ca khúc khải hoàn, bệ hạ vời năm người cứu Trữ quân³ vào cung trọng thưởng…

– Giời ạ, nếu vị quan nào cũng được tuyển chọn với cái lý do như đằng ấy thì nước mình loạn mất. – Phương cắt ngang.

Minh Nguyên khẽ lắc đầu, cười trừ. Rõ hay chửa, nhảy vào họng người ta rồi quay lại thắc mắc! Cậu phải nói rõ rành rành rằng Đức kim thượng⁴ chỉ trọng thưởng gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân thôi chứ không ban chức tước. Đoạn, ngài gọi từng người lên gạn gùng chuyện binh thư, văn chương. Bốn anh chàng kia dốt đặc, Đức kim thượng sai thưởng vàng rồi cho về quê. Duy có Minh Nguyên ứng đáp mềm mỏng trôi chảy, khẩu khí như gấm như hoa, ngài truyền cho ở lại lúc nữa.

Hoàng thượng hỏi cậu sao sức học khá lại không lều chõng ứng thí. Xét tuổi tác khi tòng quân, cậu chửa thành đinh⁵, tức là còn nhỏ quá, ở nhà dùi mài kinh sử chiếm bảng vàng há chẳng phù hợp hơn ư. Từ tốn, Minh Nguyên thực tâu rằng bản thân đã lều chõng một phen, dự kỳ Phúc hạch⁶ và đậu ngay Cử nhân Ân khoa⁷ năm ấy. Nhưng ma xui quỷ khiến thế nào, đáng lẽ ghi “Niên canh thập tam tuế⁸”, chức dịch địa phương “oánh” ngay thành “Niên canh nhị thập tam tuế⁹”. Các quan tra sổ sách thấy sai, bèn đánh hỏng tuột. Giá ông lý¹⁰ không nhầm, Minh Nguyên sẽ vang danh như ông Trạng Non¹¹ thuở trước.

Hoàng thượng chừng suy nghĩ rất lung, hồi lâu sau ngài lệnh cậu Nguyên ở luôn Kinh đô để tham dự kỳ thi Hương vào tháng sau, không cần tham gia khảo hạch. Đoạt Á Nguyên¹² tháng bảy năm Tí, tháng ba năm Sửu thì cậu Hội thí¹³. Nhờ phúc ấm gia tiên, trong bốn kỳ, Minh Nguyên có chín phân cả thảy và không kỳ nào bất cập. Trúng cách, cậu vào Điện thí¹⁴ rồi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân đệ nhất danh, hay còn gọi là Hoàng giáp. Đức kim thượng rất hài lòng vì mắt xanh không lọt nhầm người.

Triều phục đủ áo mũ cân đai được đưa mau chóng, triều đình ban yến chúc mừng các quan tân khoa. Cậu thỏa cái mộng bẻ quế cung trăng hằng mong ước, âu cũng do chư vị thần thánh linh thiêng, đức rồng sáng tựa sao Đẩu sao Ngưu của Hoàng thượng và tổ tiên phù hộ. Thêm nữa, “Không thầy đố mày làm nên”, ví thử chẳng có các thầy học đức cao vọng trọng quan tâm, rèn cặp từ thuở vỡ lòng, thì vị tất Minh Nguyên đã có cơ hội xem hoa ngõ Hạnh*.

Như vậy, cậu sống tại đất Thần kinh¹⁵ liền tù tì mười tháng giời mà không ghé về thăm nhà. Đợi cành hoa bạc lóng lánh yên vị trên đầu¹⁶, bấy giờ cậu mới thong thả bái tổ vinh quy. Song, các quan chưa kịp báo hàng tổng hàng xã sửa cờ đón rước thì có lệnh vị Tân khoa phải lập tức nhậm chức Tri phủ Thanh Giang đang để trống. Cậu Nguyên vâng mệnh, chỉ kịp về làng tạ ơn thần thánh, ông bà ông vải, thầy học rồi tất tả lên ngựa, tuyệt nhiên không rước sách võng lọng. Ông Phủ cũ không chết bất đắc kỳ tử, chắc cậu nhàn thêm vài con trăng¹⁷ nữa mới ra làm quan. Nhiều người không thấu tường tận sự tình lại chắc mẩm cậu cứu Thái tử nên Thánh thượng “thưởng” chức quan Tri phủ. Họ đinh ninh mình đúng và đồn linh đồn tinh khắp hàng tổng. Kết quả, vô số người nghĩ cậu làm quan do có công cứu Thái tử.

Sực nhớ tới một điều, cậu mau mắn đứng dậy, chầm chậm tiến tới một cái tủ chè bằng gỗ trắc chạm hình mai gài thọ. Mở tung cửa tủ, cậu cẩn trọng nhấc ra nào khay xà cừ, nào dao chuôi bạc, đếm sơ cũng tầm năm, sáu thứ. Phương trố mắt nhìn Minh Nguyên trịnh trọng đặt chúng xuống phản, tươi tỉnh nói:

– Đây toàn là đồ quý vua ban cho cống sĩ dùng khi Đình đối, ngài cho cái gì tôi đều để tất vào tráp rồi đem về. Cái này là cái bát ngoạn ngọc¹⁸ tôi dùng để ăn cơm ngài thết, cái này là con dao chuôi bạc tôi dùng để gọt vỏ quả xoài ngài ban. Nọ, khay quả khảm xà cừ. Kia, chiếc ấm cá cõng tôm. Kỳ thực còn đôi đũa bịt bạc với cả liễn cơm khắc hoa sen nữa, song tôi biếu thầy Hào tôi rồi. Mà thôi, đằng ấy thích gì thì lấy về đi, tôi chả tiếc.

Phương chau mày khó hiểu, hỏi nhỏ:

– Triều đình đãi yến, các ông Tân khoa ăn xong rồi bao nhiêu đồ đạc ở bàn, các ông vơ hết à?

– Ơ, không, người ta dọn đi chứ, ai dại để mình khuân toàn bát đĩa ký kiểu to tướng, đắt bậc nhất của cung đình. Vả, hầu hết gốm sứ trên bàn yến cồng kềnh lắm, chịu chết không tha nổi. – Minh Nguyên hoang mang trả lời.

– Giời ạ, đằng ấy không được lấy từ bàn yến, thế thì đống này từ đâu ra? Đừng nói là…

– Ừ, Thánh thượng lệnh người đưa đến tận nơi khi cống sĩ đương dở tay Điện đối. Ăn xong cơm thịt, hoa quả, tôi bèn trút những thứ nào gọn nhẹ vào chậu nước. Đợi hết buổi thi thì tôi cứ việc thủng thẳng cắp về.

Phương thất kinh:

– Chết nỗi, các anh lính có biết không?

– Có gì mà chẳng biết, đằng ấy thắc mắc rõ là…

Đang đáp lời bạn thân một cách bối rối, cậu Nguyên chợt ngừng bặt. Cậu bật cười khanh khách, ôm bụng gò lưng mà cười lấy cười để. Té ra Nguyễn Phương tưởng cậu to gan dám cuỗm vật dụng cung đình nên nơm nớp nãy giờ. Minh Nguyên từ tốn giải thích cặn kẽ ngọn ngành tiêu hao. Thi Đình, bất kể vua ban thức gì, vào thời điểm nào thì thức đó thuộc sở hữu của cống sĩ, muốn làm gì cứ việc làm¹⁹.

Phương ngượng ngập cúi gằm mặt. Cậu nhẹ nhàng xoa xoa đầu cô bạn khiến vành khăn nhung vốn đã dễ tuột lập tức xổ ra. Mái tóc mượt mà cứ thế xõa tự nhiên, ôm lấy gương mặt trái xoan thanh tú. Cậu khẩn trương quay mặt đi chỗ khác, tránh để tâm mê ý loạn thêm lần nữa. Cậu Nguyên bỗng dưng nói:

– Đằng ấy cho người xông phòng hở? Có biết đây là xuân dược không mà dùng bừa bãi thế?

Nguyễn Phương cau mặt lắc đầu, nhìn cậu với ánh mắt khó hiểu:

– Quả là có mùi hoa mộc thật. Tuy nhiên, đằng ấy này, tôi chưa điên cuồng rồ dại tới mức tự dâng mình cho lang sói đâu.

Thực ra, kể từ khi bước vào trong đây, một mùi hương là lạ mà lại quen quen đã xộc thẳng vào mũi cậu. À, phải rồi. Cái hương thơm ngòn ngọt như hoa mộc này rất đậm đặc trên người những vị đồng ngũ lén lút trốn tướng quân tới lầu xanh chơi bời và cả bốn bạn hữu đến Kinh đô cùng với cậu dạo trước. Theo như mấy phường trăng gió ấy, đây vốn là loại xuân dược công hiệu vô cùng: Chỉ cần hít hà vài cái thì lý trí đã không còn, quấn nhau tít mù không biết giời ơi đất hỡi gì nữa. Cơ mà, cậu bước vào đây cũng được một lúc rồi, Phương chắc chắn còn vào trước cả cậu, nào ai đã hồn điên thần đảo đến nhường ấy?

Phương nghi ngờ bà hai Liên sai người bỏ xuân dược, vì chỉ mụ ta mới có loại thuốc dị thường đó thôi. Con mụ thâm độc! Chắc nó lo xôi hỏng bỏng không đây mà!

Nguyễn Phương hoảng hốt khi thấy cậu Nguyên bất thần liếc mình một cái rồi đột ngột cởi phăng cái áo ngoài ra. Trên thân hình cao ráo, rắn rỏi chỉ còn độc lớp áo lót bằng lụa trắng mỏng tang. Sống lưng Phương lạnh toát, mặt tái mét:

– Giời ơi! Nguyên, thuốc... ngấm... ngấm vào người đằng ấy rồi à?

Cậu Nguyên khựng lại, thật thà trình bày:

– Đằng ấy yên tâm, hiện giờ tôi vẫn còn tỉnh táo lắm. Chẳng qua... Người tôi... đang bắt đầu rạo rực hết cả lên.

...

Chú thích:
¹  Điển tích gương vỡ lại lành: Vợ chồng phò mã Từ Đức Ngôn và công chúa Lạc Xương phải chia lìa vì nước mất nhà tan. Họ cầm gương đập ra làm hai mảnh, mỗi người giữ một mảnh, hẹn nhau hàng năm đến Thượng Nguyên thì đem mảnh gương vỡ ra chợ bán để tìm nhau. Về sau hai người được sum họp.

² Gốc tử vừa người ôm: Cha mẹ đã già.

³ Trữ quân: Người kế vị ngôi vua.

⁴  Đức Kim thượng: Vua.

⁵ Thành đinh: Mười tám tuổi.

⁶ Phúc hạch: Lần thi cuối cùng trong kỳ thi Hương.

⁷ Ân khoa: Khoa thi được triều đình mở thêm nhân dịp đặc biệt, khác với “Chính khoa” là khoa thi được tổ chức theo thường lệ.

⁸ Niên canh thập tam tuế: Mười ba tuổi.

⁹ Niên canh nhị thập tam tuế: Hai mươi ba tuổi.

¹⁰ Ông lý: Lý trưởng.

¹¹ Trạng Non: Trạng Nguyên Nguyễn Hiền thời Trần, đỗ Trạng khi mới mười ba tuổi.

¹² Á Nguyên: Đỗ cao thứ hai.

¹³  Theo “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính: Từ năm Minh Mệnh thứ sáu, định lệ năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu tổ chức thi Hương. Năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi tổ chức thi Hội. Thừa Thiên, Gia Định, Nghệ An thì vào tháng bảy, Thanh Hóa, Nam Định, Bắc Thành (Hà Nội) thi vào tháng chín.

¹⁴  Điện thí: Thi Đình.

¹⁵ Đất Thần kinh: Kinh đô. Ngoài đời dùng để chỉ Huế.

¹⁶  Theo “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính: Sau khi treo bảng (ghi tên những người đỗ kỳ thi Đình) ở lầu Phu Văn, triều đình ban yến tại dinh lễ bộ và ban cho mỗi người một cành hoa hoa bạc.

¹⁷ Con trăng: Tháng.

¹⁸  Bát ngoạn ngọc: Đồ sứ ký kiểu do Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa có hiệu đề “Ngoạn ngọc”. Thông tin tham khảo từ tiểu thuyết “Bút Nghiên” của Chu Thiên.

¹⁹ Thông tin vua ban đồ cho cống sĩ được tham khảo từ tiểu thuyết “Bút Nghiên” của Chu Thiên.

*Xem hoa ngõ Hạnh: Ý nói đỗ Tiến sĩ. Đời Đường, người đậu Tiến sĩ được cưỡi ngựa xem hoa trong Hạnh viên ở Trường An.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top