Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Ngoại truyện 1: Má Phấn Môi Son

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong căn buồng nhỏ tranh tối tranh sáng, có người đàn bà ngồi bệt trên nền đất mà ôm khư khư cái hòm nhỏ. Thị loay hoay mở khóa rồi lúi húi kiểm tra đống trang sức trong hòm. Những đầu ngón tay chạm vào trằm, vào xuyến hết sức nhẹ nhàng như sợ chúng trầy xước. Mặc kệ mồ hôi mồ kê nhễ nhại khiến vầng trán bóng nhẫy, thị vẫn kiên nhẫn nhấc lên từng món một.

Thoạt tiên, người đàn bà nhón một đôi trằm bằng vàng lóng lánh. Thị cẩn trọng đặt nó trong lòng bàn tay trắng ngần, mê mải ngắm nghía ánh vàng loe lóe ganh đua với tia nắng mỏng manh đang uể oải nằm dài trên đất. Sau đó, thị để đôi trằm vào chỗ cũ mà cầm lấy vòng tay, vòng cổ. Toàn là đồ chế tác từ vàng thật! Đánh bạn trăm năm với ông Huyện, người đàn bà ngoan ngoãn làm lẽ mọn nên ông hài lòng thí cho chút đỉnh. Duy có cây trâm cài tóc là trong vắt màu ngọc, là vật riêng của thị.

Cây trâm này thị giắt trên mái tóc đã lâu lắm, có lẽ là từ lúc thầy u nỡ bỏ thị về chầu ông bà ông vải cùng một ngày. Năm ấy thị còn độ trứng nước, chừng ba, bốn tuổi gì đó thôi. Khi đó, tóc thị vẫn là tóc trái đào, chưa đủ nhiều, đủ dày, đủ dài để cập kê, nhưng thị cố kiết quấn dải rút vòng quanh đầu rồi gài vào đấy cây trâm ngọc, lại buộc thêm khăn tang và đội mấn trắng bên ngoài. Trông đứa trẻ ranh vắt mũi chưa sạch rõ nực cười! Dải rút cứ lòng thà lòng thòng, vướng víu phát bực.

Họ mạc làm ma cho thầy u thị được phen tha hồ cười vỡ bụng. Nhiều người thắc mắc sao lại có đám dây dợ rủ xuống hai bên vai thị thế kia. Song, thị không xấu hổ, không khóc nhè, chỉ bặm môi, trừng mắt nhìn họ. Thị biết tỏng người ta khoắng hết đồ đạc nhà thị, vác sang nhà bác trưởng họ khi vừa liệm xong cha mẹ thị. Phải giấu tiệt kẻo người ta giằng nốt vật quý mẹ trao. Hồi còn mồ ma mẹ, mẹ đã dịu dàng xoa đầu thị mà đưa nó cho con gái đầu lòng, dặn thị không thể làm mất.

Bởi vậy, lúc một bà cô tiến đến gần, định bụng giật phăng mấn với khăn, thị hấp tấp ôm chặt đầu và thét:

– Hôm qua cháu nằm mơ thấy mẹ cháu bảo chằng dây quanh đầu cho mẹ cháu thấy vui. Lạy cô, cô đừng cởi của cháu.

Bà cô bán tín bán nghi. Tuy nhiên, lý nào một con bé bốn tuổi lại bịa đặt được mấy lời như vậy? Nhỡ mẹ nó báo mộng thế thật thì mình phải tội chết. Bà cô thôi chẳng đả động gì nữa, cơ mà thỉnh thoảng lại nhìn cháu đăm đăm.

Hạ huyệt xong xuôi, cha mẹ nằm lại bãi tha ma cuối làng. Ngay hôm ấy, thị tình cờ nghe thấy họ hàng bàn nhau gán thị cho tên quan huyện ác nghiệt tại đất Yên Hà làm đứa ở. Mặt cắt không còn hột máu, thị chạy thục mạng khỏi nhà, tay vẫn nắm cây trâm ngọc và một túi vải con con. Thị lang thang đó đây, xin ăn qua ngày, chưa bữa nào no bụng. Có lần còn suýt chết đói. Lớn hơn tí nữa, có vợ một ông quan to nhận nuôi, nhưng rồi khi nhỡ đánh vỡ cái đĩa, bà ta bèn lén lút bán thị cho Tú bà ở một lầu xanh ngoài Kinh thành. Thị nhớ rõ mồn một lời thị hỏi một ả "bán trôn nuôi miệng" trong đấy khi mới tới:

– Chốn này là chốn nào hở chị?

– À, chốn bồng lai tiên cảnh, chốn giăng gió đấy! Chỉ có thần tiên được ở chốn này thôi. – Ả ta cười lẳng lơ.

– Tức là em thành tiên rồi hở chị? – Thị sung sướng hỏi lại, mơ màng nhớ về chuyện cổ tích mẹ hay kể.

– Chưa đâu, mười ba mày mới thành tiên kia mà. – Ả cười rú lên, tóc xổ ra rũ rượi. – Thế năm nay mấy tuổi?

– Mười.

– À, thế ba năm sau là hóa nàng tiên sắc nước hương trời rồi đấy. Mày chịu khó chờ nhé.

Thị không hiểu "giăng gió" là gì, cứ nghĩ mình sắp thành tiên thật, cứ nghĩ "giăng gió" là cưỡi mây cưỡi gió giống Hằng Nga trên cung Trăng. Thị nào ngờ tới điều nhơ nhuốc, bẩn thỉu chờ mình. Cơ mà khi nếm trải rồi, thị đành cắn răng cam chịu vì thân cô thế cô, cứ rục rịch chuẩn bị trốn là mấy con ả khác sẽ mách Tú bà. Tú bà giam thị trong phòng vừa ẩm thấp vừa tối tăm, đợi dăm bữa, nửa tháng, bao giờ thị van xin, thề thốt sẽ không chạy khỏi đây thì thả.

Thị câm lặng như hến lúc mụ Tú bà bán thị vào nhà ông Tri huyện Thạch Đa. Lòng thị lóe lên tia hy vọng rằng sắp có cơ hội tự do. Thị trở thành nàng hầu tên Liên của ông Huyện. Đến cái danh vợ lẽ thị còn chẳng với tới, bởi ông Huyện mua không thị từ mụ Tú bà, bởi thị về với ông Huyện không bằng lục lễ như thường tình. Tính ra giá trị của thị còn kém xa cả đám bèo tấm dưới ao sâu.

Bọn đầy tớ khinh ghét Liên lắm, chúng nó dám bỏ đói thị hôm đầu tiên thị đặt chân vào cửa nhà quan. Chúng nó chờ thị vào buồng là khóa ngay cửa, hòng ngăn thị chuồn mất tăm mất tích. Không thích chồng lấy nàng hầu, vợ cả ông Huyện căm thị vô cùng, bà ta ngấm ngầm sai gia nhân cho thị ăn cơm mốc, cà thiu. Người đàn bà còn xanh mái tóc mà số phận long đong nhường ấy thì chỉ muốn thoát khỏi bể khổ ngay tức khắc. Muốn thoát, chỉ còn nước mạnh bạo mở cánh cửa buồng một cách đường hoàng, chẳng ai dám cản mà xa chạy cao bay. Liên mở túi vải, lấy ra nào gương, nào lược, nào son.

Trước đó, thị tô son điểm phấn để mua vui cho người. Bây giờ, thị cũng cần dùng để làm vừa lòng ông Huyện. Đối với kẻ ham mê sắc dục thì bà vợ cả già nẫu sao ngon mắt như cô hầu trẻ. Ông Huyện mê thị, giao mọi việc trong nhà cho thị quán xuyến, thị mặc sức diện lụa là gấm vóc xa xỉ, ăn gạo tám xoan thỏa thuê. Vàng lóng lánh đã khiến mắt Liên mờ thấy rõ, ý nghĩ chạy trốn tắt ngấm trong óc thị. Thị chẳng muốn chịu khổ nữa, thà ở lại đây có cơm ăn áo mặc. Còn vợ cả uất ức bỏ về nhà mẹ cùng anh con trai độc nhất của bà ta.

Vắng chúa nhà, đương nhiên gà sẽ vọc lấy vọc để niêu tôm. Thị gân cổ mắng nhiếc con đòi làm chúng nó sợ một phép, bắt chúng nó gọi thị là "Bà hai". Thị tự mặc định mình là vợ lẽ ông Huyện. Kẻ hầu người hạ tuân theo răm rắp. Ông Huyện nhắm mắt làm ngơ nên gia nhân càng ngoan ngoãn nghe lệnh bà hai Liên. Cuộc đời bãi bể nương dâu, ai ngờ chỉ mấy tháng mà cô ả phường ong bướm lả lơi, người đời coi thường đã một bước trèo cao tít tắp thành quan bà phong lưu, đài các. Các cụ nói cấm có sai mà, "Lấy chồng làm lẽ khỏi lo / Cơm nguội đầy rá cá kho đầy nồi".

Liên thầm cảm tạ vị làm ra thứ tô điểm nét đẹp người đàn bà. Nhờ nó, thị ngụy tạo một khuôn mặt tươi tỉnh, dễ chiếm cảm tình của người ta. Màu đỏ phủ kín cặp môi ướt đầm đìa nước mắt, màu hồng làm đẹp đôi má từng hóp lại vì đói. Thị quý phấn son không khác gì người giàu yêu của. Quý quá đi ấy chứ, nó giúp người ở gần thị yêu thị, mến thị. Ngày xưa, cha mẹ thị hãy còn, mẹ thị rất hay chải chuốt, có cái khăn nhung cũng phải vấn kỹ càng từng li từng tí. Một hôm, Liên bắt chước mẹ, quệt thứ gì đo đỏ, thơm nức lên môi. Mẹ bật cười mà rằng:

– Ái chà, bé tí đã biết làm duyên. Sau này u chết đi, u cho con tất cả chỗ này.

Đoạn, mẹ thị vẫy thị lại gần rồi âu yếm đưa thị cây trâm ngọc:

– Đấy, u cho con cả cái này nhé. Bao giờ đến tuổi cập kê, con cài cái này cho xinh nhé. Giờ con còn nhỏ thì u tạm giữ đã, sau u sẽ giả con. Yêu lắm con cun cút của u!

Có son có phấn thì tình mới nồng, thị mới có được điều mình thích. Thực ra Liên vốn sẵn có "mặt hoa da phấn" rồi. Thị bán nhan sắc đổi lấy sự yêu chiều của người ta. Liên luôn cảm thấy sung sướng vì bà mụ đã nặn cho thị một gương mặt diễm lệ. Liên "bán" tùy ý, tùy ý.

Nhưng tiền không tự nhiên chạy vào túi. Để đủ tiền ăn tiêu phung phí thì ông Huyện giở đủ trò bóc lột mồ hôi nước mắt của dân. Ác nghiệt hơn, ông bắt thị đi đến nhà các ông quan khác. Có ai cả gan nghĩ vợ quan mà vẫn rơi vào cảnh "bán phấn buôn son" không? Hẳn rằng người ta không lớn mật đến vậy, để lộ ra ngoài khác nào chửi quan. Bởi thế, người ngoài không nằm trong chăn thì có biết đâu con rận trong chăn bông ấm cứ hút máu thị quanh năm suốt tháng. Họ thấy thị ngày một béo tốt, mình thị biết thể xác mình đang hao mòn một cách chóng vánh.

Cơ mà đó là con đường thị chọn, trách ai? Teo tóp thì mặc teo tóp, cơm ngon áo lành hơn khối đứa khố rách áo ôm. Thị tự an ủi vậy nhưng ông trời không để yên. Đùng một cái, ông Huyện rước thêm một con bé sắc xuân phơi phới. Nó tên Nguyễn Phương, vào nhà này cũng chẳng có cưới cheo khiến Liên nhớ ra thân phận mèo mả gà đồng của mình. Bấy lâu nay thị huyễn hoặc người khác, ru ngủ chính bản thân thị, trời già bèn tát một cú đau điếng làm thị tỉnh ngộ. Liên muốn tiếp tục lừa dối mình nhưng không dối được nữa. Thị oán hận con nhãi kia tận xương tủy, bảo gia nhân hắt nước vào người nó giữa tiết trời giá lạnh, xỉ vả nó thậm tệ.

Nguyễn Phương phải một trận ốm thập tử nhất sinh, nằm liệt giường suốt mấy tháng trời. Ông Huyện dọa đuổi Liên khỏi đây, thị van vỉ ỉ ôi mãi thì ông mới nguôi giận.

– Mày ngu quá! Nó chết là tội nợ, lại chẳng có miếng lợi gì. – Ông rít lên.

Thị hiểu ra ông ta định biến con Phương thành "quà biếu" các ngài nơi cửa quyền giống thị. Ông ta đinh ninh nó vẫn còn là sen ngó đào tơ, nhiều người say mê tợn. Có nên ghen tị với nó không? Hay nên hả hê vì nó cũng như mình? Lòng thị rối rắm hơn tơ vò, nhưng mơ tưởng đến tiền tài của cải, thị đỡ rối hơn chút.

Rồi cũng đến cái ngày ông Huyện vứt con Phương vào hang hùm. Nó ở lỳ trong dinh Tri phủ bao tháng ròng. Chắc ông Phủ ưng nó lắm! Ít lâu sau, con bé Đào hầu hạ thị cũng sụt sịt xin về đi lấy chồng. Vậy là còn một mình thị ở đây những năm sau, năm sau nữa, đến hết kiếp người. Liên não nề ôm Đào lần cuối, dặn dò nó đủ điều. Thị dúi cho nó hai cái vòng vàng với một túi phấn thơm. Thị bảo nó trang điểm, chăm chút bản thân từng chân tơ kẽ tóc thì cậu ấm nọ không phụ bạc nó. Nhưng thị lại chua chát tự nhủ cậu ấm thương nó nên dẫu nó vàng vọt, bủng beo cũng vẫn thương nó, chứ cần quái gì phải làm vừa lòng kẻ khác như thị. Đào rời đi, Liên đã rầu lòng vô cùng, nay nghĩ đến phận mình thì thị càng âu sầu gấp bội.

Thị cứ sống trong nỗi muộn phiền từ khi Đào nói lời từ biệt. Hôm nào Liên cũng ngắm cây trâm ngọc để bớt buồn. Thị nhẩm tính con Phương đã đi hơn nửa năm, Đào cũng thế. Mình thị vò võ trong căn buồng tối tăm. Thị thở dài, cất trang sức vào hòm rồi sai con Lành quạt hầu.

– Sao mày yếu thế? Bà bảo quạt mạnh lên nghe chửa?

– Dạ. – Lành nghiến răng nghiến lợi, dồn nhiều lực hơn vào tay.

Tuy nhiên cơn nóng trong Liên chưa hạ xuống. Thị ghét cay ghét đắng tháng năm, cái tháng mà ông trời đổ lửa xuống nhân gian, đày đọa người trần mắt thịt. Liên cố chợp mắt một tí cho người đỡ mệt.

Bỗng có tiếng léo xéo từ bên ngoài vọng vào. Thị chau mày khó hiểu, bảo Lành ra xem có chuyện gì. Song, dường như linh tính được sắp xảy ra tai vạ tày đình nên thị đích thân dò la. Nép mình sau cái cây già, quả tim Liên suýt ngừng đập khi thấy quan quân binh lính đang bắt trói ông Huyện. Ôi thôi còn ngờ vực gì nữa, đích thị là đã đến lúc cái kim trong bọc lòi ra rồi. Chẳng suy tính được nhiều, Liên rảo bước về buồng rồi bỏ một vài món đồ quan trọng vào tay nải. Con Lành sợ hãi hỏi:

– Bà ơi, sao thế bà?

– Suỵt! Họa sát thân! Chạy mau còn kịp.

Liên nói sơ qua tình hình nhà ông Huyện bây giờ và giục nó chuồn mau. Chẳng kịp tạm biệt Lành, Liên chạy bán sống bán chết. Thị liều lĩnh cắm đầu cắm cổ mà phi như bay bất kể tờ mờ sáng hay nhập nhoạng tối, mong đi xa phủ Thanh Giang càng sớm càng tốt. Thị không dám đi đường cái mà chọn luồn lách những nơi quanh co, nhỏ hẹp. Đếm không xuể số lần thị tưởng sắp rơi vào tay lính đi tuần.

Tới địa phận của một phủ xa lạ, Liên bất chợt gặp một cô gái thoi thóp giữa đường. Cô gái thều thào xin thị bát nước uống cho mát ruột trước khi nhắm mắt xuôi tay. Thị mủi lòng nhặt cái lá bàng rồi dùng nó múc ít nước dưới ao, từ từ đổ vào miệng cô gái. Cô cảm động ứa nước mắt.

– Chị trốn mà không có tín bài, dễ bị lính bắt lại. Chị sẽ bị họ điệu lên quan rồi bị giam trong ngục tối. Tôi là Nguyễn Thị Liên, quê ở Cẩn Y. Tôi chẳng sống được nữa, xin biếu chị tín bài của tôi để giả ơn.

Thị giật thót mình, da gà da vịt thi nhau nổi lên. Nhưng rồi nước mắt ngắn nước mắt dài thi nhau đổ xuống như mưa. Gần hai chục năm ròng, đã bao giờ thị được công nhận là người có danh phận đàng hoàng mà đòi sở hữu tín bài! Cô gái cười héo hắt:

– Tôi sắp về với đất nên thấy được nhiều điều mà khi trước không thấy được. Tôi để trong ruột tượng, chị hãy lấy đi. Tôi bồ côi bồ cút, tứ cố vô thân, chị có thương thì chôn tôi với.

Thị ngần ngại cầm lấy chiếc ruột tượng bằng đũi. Cô gái mãn nguyện, từ từ khép mắt. Lúc cô thở hắt ra cũng là lúc thị bật khóc nức nở. Thị với cô gái là người dưng nước lã, nhưng cô chết, chẳng khác nào lại có một cái tang của người thân đến với thị.

Sau khi chôn cất cô gái, Liên ra bờ ao gần đó rửa ráy chân tay. Thị vứt bỏ xống áo lấm lem bùn đất mà mặc yếm mới, váy mới. Người ngợm sạch sẽ rồi thì Liên nghỉ tạm bên bóng cây ven đường. Bầu trời bắt đầu xuất hiện vết mực loang lổ, văng vẳng đâu đây tiếng gà trống gáy dồn. Canh một rồi chứ sớm sủa gì nữa! Thị quyết định qua đêm dưới gốc cây bàng.

Muỗi vo ve bên tai, đốt thị đỏ tấy cả da. Liên thức trắng cả đêm mà phát muỗi đen đét và gãi lấy gãi để. Xung quanh chẳng có lấy một bóng người, vẻ hoang vắng của cảnh vật đang chìm trong biển đen toát ra sự ghê rợn khó tả. Chậm chạp đưa mắt nhìn ra chỗ cô gái ban sáng tắt thở, mặt Liên xám ngoét. Người ta vừa chết ở đó mà thị đã ngủ ngay gần chỗ người ta chết. Rõ đồ dại! Thị run bần bật, người nhọc đừ như ngã nước.

Hồi Phương chân ướt chân ráo vào trong dinh ông Huyện, thị cũng bảo mấy đứa tay chân giả ma giả quỷ để dọa nó sợ mất mật. Còn bây giờ không ma nào thèm trêu thị, thị cũng hoảng lắm rồi. Chắc hồi ấy con Phương kinh hồn bạt vía hơn cả thị hiện tại. Thị bắt đầu áy náy. Cớ sao khi trước thị không nghĩ số nó cũng khổ giống thị, cũng bất hạnh chịu cảnh danh không chính ngôn không thuận?

Thị thiếp đi trong sự cắn rứt lương tâm. Liên chiêm bao thấy cô gái ban sáng nắm tay thị đầy trìu mến, cất tiếng dặn dò:

– Kể từ bây giờ, cứ đường cái mà đi, chị nhé!

Tỉnh dậy, Liên đã thấy ánh mặt trời xuyên qua kẽ lá bàng. Hơi nóng bốc lên hầm hập, nắng vàng chảy tràn trên đất. Ngồi tựa lưng ong vào gốc cây, thị móc ra một thẻ gỗ từ chiếc ruột tượng bằng đũi. Những dòng chữ khắc trên tín bài làm thị lo ngay ngáy. Nửa chữ bẻ đôi thị cũng chẳng biết, tài thánh mới đọc nổi tên tuổi quê quán của cô gái.

May thay, tự dưng thị nhớ lời cô gái nói: "Tôi là Nguyễn Thị Liên, quê ở Cẩn Y.", té ra cô ả cùng tên với thị! Không sợ việc lai lịch bất minh làm mình tù mọt gông nữa, thị hân hoan ôm chiếc thẻ gỗ và lẩm bẩm: "Đi đường cái. Đi đường cái.". Tuy nhiên, kế sinh nhai tính thế nào đây?

Chợt, ánh mắt Liên phóng ra phía xa xa. Đằng ấy, vài ba bác nông dân đang cầm quạt nan, quạt mo quạt phành phạch.

– Bố tiên sư, giữa trưa thế nầy về nhà thì mất ngày mất buổi, chả về thì nóng kinh lên được.

– Giá mà có quán nước quán nôi nhể, ngồi cho nó mát, uống hớp chè tươi, lại chén thêm củ khoai lang bùi, khà khà! Chết nỗi chả ma nào nó mở, dọc đoạn này vắng tanh như chùa bà Đanh.

Mắt Liên sáng rực. Chưa ma nào mở hàng nước à? Được, vậy thì thị mở. Vàng bạc châu báu, trướng gấm màn là đều mất hết rồi, có tiếc cũng không cách nào cướp về được. Chi bằng "Tay làm hàm nhai", bán phăng đôi trằm cùng cái xuyến rồi lấy vốn bán hàng. Song, từ tấm bé đến giờ thị đã buôn bán lần nào, nhỡ vô phúc dính mấy phường thật thà thể lái trâu có mà đói nhăn răng!

Liên lấy mảnh gương tròn ra soi. Má hồng còn đây, răng đen còn đây. Tức là thị chưa già, vẫn có thể "Má phấn môi son", lo quái gì! Thị cương quyết đứng dậy.

Thị mò vào một ngôi làng gần đây nhằm tìm người mua trang sức. Bà hàng cháo mách:

– Này, tôi bảo thật nhé, dân chúng tôi nghèo tiền nghèo của, chả ai thừa mứa mà quấn vàng quấn bạc. Mỗi nhà cụ Hoành cuối làng là giàu nứt đố đổ vách. Thử hỏi xem cụ bà mua không?

Liên cảm ơn bà hàng cháo rối rít. Thị tìm đến nhà cụ Hoành. Trông con Tiêu Đồ oai vệ trên cánh cổng lớn, thị đâm sờ sợ. Tuy nhiên, Liên đánh liều gọi to:

– Lạy cụ ạ!

Tiếng chân chạy uỳnh uỵch vang lên rõ mồn một. Cổng hé mở, một bác đàn ông lực lưỡng thò đầu ra hỏi:

– Chị hỏi ai?

– Bẩm, tôi đến đây xin cụ lớn rủ lòng thương mà mua cho tôi cái này. – Liên giơ trang sức cho bác ta xem. – Đang cơn túng đói nên tôi đành bán đi, lấy vốn làm ăn.

– Nhà bà không mua bán cái quái gì hết. Xéo! – Một thiếu nữ mặt sưng mày sỉa bất thần xuất hiện, đuổi thị nguây nguẩy.

– Ối, con lạy… con…

– Đã bảo thế rồi mà còn lôi thôi à. Con Ốc đâu, dội cho nó vài ba vại nước đầy cho nó chừa.

Bác đàn ông lắp bắp van xin:

– Cô bình tĩnh ạ, cô vào trong kia kẻo nắng ạ. Để con bảo chị ta đi ngay ạ.

Thiếu nữ bỏ ngoài tai, khăng khăng bắt con hầu tuân lệnh. Liên quay đầu tính chạy mà không kịp nữa. Người thị ướt sũng, trông nhếch nhác vô cùng. Đúng là báo ứng, thị sai người tạt nước vào con Phương giữa trời đông tháng giá, bây giờ kẻ khác làm hệt như vậy với thị. Nhưng không hẳn hệt như, bị ướt trong thời tiết nóng nực dẫu sao cũng dễ chịu hơn nhiều, thị không run cầm cập như con Phương khi ấy. Tuy nhiên thế đã đủ khiến thị nghẹn uất rồi. Hàng xóm xung quanh thấy ồn ào thì bu lại dòm ngó, xì xào bàn tán. Liên ngã khuỵu xuống, chết điếng giữa ánh mắt soi mói của bàn dân thiên hạ.

Có cụ già râu tóc bạc phơ lật đật chống gậy trúc tới chỗ thị. Cụ nhìn thị đầy thương hại, khẽ ra hiệu bác đàn ông đến gần. Bác ta nhanh nhẹn rỉ tai cụ điều gì đó rồi kính cẩn cúi đầu. Liên xấu hổ bèn lấy tay bưng mặt. Cụ già cất tiếng sang sảng:

– Chết nỗi, bà nhà tôi đi chùa còn xơi mới về. Mà thôi, sẵn tiền đây, tôi mua giúp. Nhà chị muốn bán đắt, rẻ thế nào? Con gái tôi chua ngoa, đanh đá nhỡ xử sự không phải với chị, tôi giả gấp đôi để xin lỗi và đền bù nhà chị.

Dân chúng càng bàn ra tán vào. Liên nuốt nước mắt, cố đứng vững mà thưa chuyện giá cả. Cụ Hoành y lời hứa, đưa thị số tiền gấp đôi cái giá thị nói. Thị cảm tạ cụ Hoành rồi quay lại hàng cháo, gọi một bát thật đầy. Mấy ngày chẳng có gì bỏ bụng, Liên đói cồn cả ruột. Thị húp lấy húp để, loáng cái đã hết sạch sành sanh dù cháo nóng bỏng lưỡi. Thị ăn ba bát thì tạm no, tính gọi thêm mà lại thôi vì sợ no quá sẽ bục bụng. Vả, thị tiết kiệm để mua hàng.

Thời gian đầu tuy hơi chật vật, khó khăn bởi không quen buôn bán, Liên vẫn không đến nỗi lỗ nặng. Cho đến hôm nay thì thị mời mọc khách đã khéo lắm, têm trầu rót nước thạo hơn xưa, bắt đầu lãi ít nhiều. Bà hàng cháo sống thui thủi một mình nên nhận thị làm con nuôi, lại dắt thị lên quan làm lại tín bài, khai quê quán là ở cái làng bà lão sống.

Chưa ngày nào thị quên tô son điểm phấn, tôn lên dung nhan phơi phới sắc xuân. Thị sợ mình không trang điểm thì khách khứa không mềm lòng mà vào hàng nước nhỏ bé, xác xơ dưới cây bàng. Chung quy cũng chỉ vì cơm áo thôi. Đúng là thị quý son phấn thật, nhưng thị ước một ngày nào đó không cần dùng tới chúng nữa mà mọi người vẫn yêu mến thị. Ngoài những ai đi đồng tạt qua, nhiều công tử lấc ca lấc cấc, mặt mũi non choèn choẹt cũng khấp khởi ghé thăm. Thành thử quán nước đông nghìn nghịt. Nhiều người chửi thị là hạng lẳng lơ, đĩ thõa, bày đặt làm đỏm làm duyên để tính chuyện "Trên Bộc trong dâu".

Một số ông bà cấm tiệt con đến bởi sợ rằng nó hư thân mất nết. Các bác gái chân lấm tay bùn giữ chồng con theo kiểu khác. Ông nhà tạm ngơi tay, vào hàng nước đánh củ khoai lang, các bác nằng nặc đòi đi cùng. Ngày trước, ai nấy cứ quần quật làm, mặc xác chồng con ngồi chơi xơi nước, còn nay, chẳng ai cần bảo ai mà đều theo chồng con vào ngồi tận chõng của quán nước, lấy cớ khát khô cổ nên uống bát nước.

Vài lời quá quắt xói vào tai khiến Liên chạnh lòng. Tuy nhiên khi nhìn đến cây trâm ngọc, thị tặc lưỡi mặc kệ. Thị bôi thị trát mặt thị chứ có động tới mặt họ đâu, chẳng ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo nhà ai thì thôi. Họ càng đề phòng, ngờ vực, mình càng nên đứng đắn. Thị hiểu thế nào là khêu gợi và hết sức tránh những hành động dễ gây hiểu lầm là mình cố ý giở thói bỡn cợt lả lơi.

Lâu dần, mọi người từ từ cởi bỏ lớp phòng hờ cô hàng nước. Kìa chị Tý ngoa ngoắt, khỏe ghen thuộc dạng nhất làng đang chẩu môi chẩu mỏ nói xấu bà cô bên chồng với cô hàng. Kìa bác Thêm gái cho cô ít xôi lạc thơm dẻo. Dăm ba người ăn trắng mặc trơn vẫn "xiềng" chân con, không cho đến quán nước dưới gốc bàng. Song "Vắng mợ thì chợ vẫn đông", thị Liên không thiếu khách, không ế hàng, nước sông không thèm phạm nước giếng. Uống chẳng uống thì đừng!

Ấy vậy mà người ta nhất quyết gieo tai bay vạ gió cho thị. Một ngày nọ, cậu Công, con một nhà khá giả, lại đến quán nước. Cậu ta theo đòi bút nghiên mà không noi theo đạo Thánh hiền, một lần đến là một lần nhìn thị chòng chọc như thể mèo thấy mỡ. Đã thế, Công văn dốt vũ nát, quanh năm chơi bời lêu lổng nhưng thích khoe khoang chữ nghĩa, tiền của. Các ông học trò khác hay gọi một cách mỉa mai là "Cân đồng". Nếu không phải bán hàng, có lẽ khi vừa nhác thấy bóng Công thì Liên xách váy chuồn thẳng từ đời tám hoánh nào rồi.

Liên giả vờ cắm cúi bổ cau để khỏi phải bắt gặp ánh mắt sỗ sàng của cậu ta. Ngờ đâu Công mon men tiến gần, thị giật mình ngẩng lên thì cậu ta đã ngồi lù lù trước mặt. Thị nhỏ nhẹ hỏi:

– Ông muốn ăn bánh trái gì chăng?

Tức thì nhanh hơn cả cắt, Công chộp lấy đôi tay thon thả, bảo thị đưa cậu ta ít chè lam. Thị hét khản cổ:

– Trời cao đất dày ơi, buông tôi ra. Quân vô lại!

Mọi người trong quán giật thót mình, hết thảy đều nín thin thít. Sau đó họ sực tỉnh, vội tới chỗ cô hàng nước. Nhưng đúng lúc đó, mụ Thắm xồng xộc chạy vào, lôi cổ Công bắt đứng dậy đầy thô bạo và quay ra phía Liên, nhiếc:

– Chém cha con đẻ mẹ mày, bà bắt quả tang mày quyến rũ con bà. Đồ đĩ, đồ mặt nạc đóm dày, mo nang trôi sấp! Tiên sư nhà mày!

Liên sầm ngay nét mặt. Thị quắc mắt, xẵng giọng:

– Đầu cụ hai thứ tóc rồi nên đừng ăn không nói có, vu vạ quá đáng như vậy. Chính ông con cụ giở trò với tôi, tôi chưa báo quan là may.

Mụ Thắm càng tức lồng lộn. Mụ chửi té tát:

– Á à thứ trẻ ranh đòi dạy đời à? Tao sai người đốt trụi cả cái quán này cho mày chừa. Loại mất dạy!

Mấy ông học trò lấy làm bất bình. Một ông thanh minh hộ cô hàng nước:

– Chúng tôi ngồi đây thấy rõ rành rành ông Công nhà cụ cử chỉ thiếu lễ độ trước. Cớ sao lại đổ vấy cho thân gái?

Giọng ông học trò ấy to và nghiêm đến nỗi mẹ con mụ Thắm run bần bật. Mụ lắp bắp phân bua:

– Tại… tại vì tôi…

Một ông học trò khác bèn nói:

– Thằng con giời đánh nhà cụ học hành dốt nát, ngu đần cùng cực, chả ai rỗi hơi ve nó đâu. Ai ở đây cũng biết thừa là ông Công hở cái là đi chơi, hai cụ ở nhà giám sát cẩn mật thì ông Công mới chịu giở sách học.

– Các ông suy bụng ta ra bụng người.

Hai học trò vừa đứng dậy nói chính là hai người học giỏi có tiếng. Người đầu tiên là Tiến, người thứ hai là Lâm. Tiến cười nhạt:

– Cụ có chắc không? Không tài cán bằng ai nhưng kỳ bình văn vừa rồi quyển tôi cũng được phê một dấu ưu hai dấu bình. Còn ông Công đây "giỏi" đặc cán mai thì ba ưu chứ? Hay là ba liệt? Giỏi thì khoe xem.

Cậu Công hổ thẹn, giơ quạt che gương mặt đỏ bừng. Lâm ung dung tiếp lời:

– Rõ chướng chửa, sức học có hạn, chí lại chẳng bền nên chả ăn thua được với ai, thế mà cứ khăng khăng đổ riệt cho người ta làm con mình học hành sa sút. Nói thật, đã học khá thì ngồi học đâu cũng khá, như chúng tôi đây vừa dự bình văn nhà thầy học về nên vào quán nước nghỉ chân. Có thằng nào tối dạ đi không? Có ai không hở anh Tuấn?

Nghe nhắc đến tên mình, anh học trò nãy giờ vẫn mân mê cái bát chợt mỉm cười. Anh khẽ thốt lên:

– Không. Kể cả chúng tôi học kém thì cũng không lăn đùng ra ăn vạ cô hàng. "Tiên trách kỷ hậu trách nhân" mà.

Mọi người bật cười khanh khách. Mụ Thắm một tay che mặt, một tay túm áo thằng con mà kéo nó khỏi hàng nước. Những người khác giễu cợt nhà mụ Thắm. Ai đời mới dư giả chút ít đã coi mình oai gấp mấy quan Nghè. Oai cóc chết ấy à! Bác Thêm gái khẳng định chắc nịch từ giờ Công không dám vác xác đến đây ghẹo Liên nữa đâu. Một phen bẽ bàng như vậy thì nhục không để đâu cho hết cái nhục. Thằng đấy chẳng đáng mặt làm tài trai, hăm mấy rồi vẫn lông ba lông bông, kỳ sát hạch cũng không đỗ.

Vợ chồng bác Thêm kéo nhau ra ruộng cày nốt thửa ruộng. Liên bưng một đĩa chè lam đầy ắp tới cái chõng những ông học trò ngồi. Họ đang tranh luận rất hăng, thấy đĩa chè lam thì luôn miệng khen cô hàng chiều khách quá. Mỗi Tuấn lặng im không nói gì. Tiến lườm:

– Ơ hay, không biết đường mà cảm ơn chị ấy à?

– Ấy chết, tôi mới là người phải cảm tạ các ông. Các ông cứ ăn thoải mái.

Thị từ từ lùi xa, để mặc họ với văn chương. Tuấn vẫn không ngẩng lên nhìn nhưng mặt anh tươi tỉnh lạ thường. Anh chờ bạn ăn xong rồi nhắc họ đi về kẻo muộn. Mấy ông học trò đồng loạt chào cô hàng nước, sau đó mỗi người một ngả. Tiến chung đường với Tuấn, đi được nửa đường thì Tiến nắm chặt vai bạn mà hỏi tha thiết:

– Thôi Hộ đã tìm thấy cây đào đấy ư?

Tuấn lắc đầu, trả lời bằng giọng điệu buồn rầu:

– Tìm thấy cũng không dám xin nước uống. Tôi chỉ là kẻ nghèo kiết xác, vả lại "Học tài thi phận", biết bao giờ bẻ được cành quế cung Trăng? Anh có thấy cô hàng má thắm màu hồng, môi tươi màu đỏ không? Tôi nghe nói khi xưa cô ấy là con nhà quan cách, quen thói đài các phong lưu, chẳng may sa cơ thất thế nên mới chịu cảnh bơ vơ. Càng suy xét đến nguồn cội, gốc tích, tôi càng không xứng với nàng.

Tiến cau mày, bảo bạn chớ nghĩ vậy. Tuấn là học trò giỏi nhất của cụ Cử Thạch Xa, hai năm sau có khoa thi, anh ắt đậu Tiến sĩ. Tiến khuyên nhủ hồi lâu thì Tuấn bớt rầu rĩ. Nhưng anh vẫn e rằng mắt xanh cô ả đã vương hình bóng ai. Tiến thở dài, "lệnh" cho Tuấn cứ thảnh thơi ở nhà nấu sử sôi kinh, còn mình sẽ nhờ ai thăm dò hộ.

Con bé Tấm nhảy chân sáo đến nhà Tuấn. Đám mây trắng lững lờ trôi trên nền trời trong cũng không theo kịp nó, thoắt cái là nó tới nơi. Tấm đứng trước cửa nhà Tuấn, gọi ầm ầm:

– Anh Tuấn ơi, anh Tiến em giả anh mấy quyển sách.

Anh bảo nó cứ vào. Tấm liếc ngang liếc dọc rồi chạy vù phát vào trong nhà. Nó ghé tai Tuấn mà thủ thỉ. Nó cho anh biết là Liên mồ côi cha mẹ nên tha hương cầu thực, cuối cùng thị lưu lạc tới đây. Hiện tại thị chưa chồng con gì cả, cũng không cảm mến người nào, ngày bán nước, đêm ngủ nhờ nhà bà hàng cháo. Thị định kiếm đủ tiền thì mua lại một ngôi nhà cuối làng. Tấm không hỏi tuổi Liên vì sợ thị ngại, nhưng ước chừng đôi bảy, đôi tám là cùng. Tuấn mừng rỡ xoa đầu con bé Tấm, cảm ơn nó bằng bát bánh đúc lạc anh mua để ăn khi chong đèn học khuya.

Tuấn mặc áo đội khăn chỉnh tề rồi sang chơi đằng anh ruột. Người anh từ trong chuồng lợn lật đật chạy ra tiếp. Nghe em thưa chuyện, anh hồ hởi đồng ý việc cưới xin. Chị dâu cũng vui lây, lẩm bẩm tính xem sẽ ngả mấy con lợn, mua bao con gà.

Đi qua chuồng lợn, trông chúng nó béo quay, trắng phôm phốp, cứ ủn ỉn đòi ăn, Tuấn nói thầm: "Giúp em một thúng xôi vò/ Một con lợn béo, một vò rượu tăm".

Song thân đều mất cả nên "Quyền huynh thế phụ", anh ruột Tuấn lo liệu chu toàn việc chung thân đại sự của em, từ thuê ông mai bà mối đến sửa soạn lễ chạm ngõ, ăn hỏi, nộp quan rưỡi tiền cheo. Tuy hết sức tằn tiện mà số tiền vợ chồng người anh bỏ ra cũng khá nhiều. Nhưng hai người không tiếc, chị dâu còn sắm cho vợ chồng Tuấn đủ chăn chiếu mùng mền.

Kể từ ngày rước được người bạn trăm năm vừa ý, nhà cửa Tuấn quang quẻ, sạch sẽ hẳn. Anh chỉ cần chú tâm học hành, chờ vua mở khoa thi. Liên buôn bán tảo tần, hết lòng nuôi chồng ăn học. Nhờ vậy, anh trai, chị dâu bớt đi gánh nặng cơm áo. Cơ mà nhà chồng nghèo rớt mùng tơi, thị phải giật gấu vá vai, thắt lưng buộc bụng để đổi lấy hạt gạo và mua giấy bút. Thị không quản ngại nhọc nhằn, hằng tâm niệm "Gái có công thì chồng chẳng phụ". Liên cảm thấy mình là một người quan trọng chứ không còn là kẻ bị rẻ rúng tột cùng. Thị yên tâm bỏ xó hòm đựng phấn son. Khách khứa ghé vào quán được phen xôn xao vì cô hàng nước bỗng dưng giản dị khác thường.

Nóng nực cũng như rét mướt, đôi vợ chồng son quấn quýt nhau không rời hệt đôi bồ câu. Đêm muộn, sương xuống, thị vẫn ngồi khâu cái áo rách bên ánh đèn leo lét. Cạnh đó, Tuấn say sưa vùi đầu vào những con chữ ngoằn ngoèo. Gió đông rít gào từng cơn trên mái tranh, xé toạc bầu không khí tĩnh lặng. Trong nhà, Tuấn mỏi cổ nên mượn tạm bờ vai Liên mà dựa. Thị sẽ sàng cất thúng khâu rồi dịu dàng thỏ thẻ:

– Đợi khi nào mình đỗ đạt, tôi sẽ chuộc lại hai món trang sức.

– Ừ. Nhưng tôi thấy mình có cây trâm đẹp mà chả cài bao giờ. Hoài của quá!

– Giờ mình còn chưa làm nên thì cài cũng chỉ mua một trận cười cho thiên hạ. Chứ có ai bảo: "Hoãn ai hoãn lại đeo tai bà Nghè" đâu.

Tuấn ấp tay Liên trong lòng bàn tay của mình. Anh nhìn vợ trìu mến, hứa với thị sẽ cố gắng tôi luyện, dồn hết tài năng, công sức vào thi cử.

Hôm nay mưa gió bão bùng, Tuấn vẫn đội mưa đi đến nhà thầy tập văn. Trên đường về nhà, anh trú mưa tại ngôi đền thờ một vị thần làng, định ngớt mưa sẽ đi một mạch đến nhà. Rảnh rỗi quá, Tuấn ngâm nga khe khẽ bài thơ vừa làm. Tiếng áo tơi cọ vào tường soàn soạt khiến anh giật thót. Quay ra thì thấy một tên thấp bé vứt áo tơi vào góc đền. Hắn mặc áo gấm Tàu, chân đi hài ngũ sắc rất sặc sỡ. Mặt hắn đen kìn kịt như vừa bị thui, nhưng cái mồm ngoác rộng thì lộ một màu đỏ lòm. Ghê thay, hàm răng trên có bốn chiếc vàng khè cứ lủng là lủng lẳng chực rụng, những giọt nước gì tanh tanh từ kẽ răng hắn chảy tong tỏng xuống đất. Nhiều sợi râu dài, trắng toát mọc lởm chởm xung quanh miệng. Đôi mắt không có lòng trắng nên trông thật kỳ dị.

Thần hồn nát thần tính, chân Tuấn rậm rịch muốn cất bước mà không tài nào di chuyển nổi. Tên thấp bé bèn trấn an:

– Xin quan lớn chớ sợ, tôi là tùy tùng của vị thần ở đền. Tôi ngưỡng mộ tài học của ngài đã lâu, nay ngài dừng chân ở đây mới có dịp gặp mặt.

Giọng hắn âm vang hệt sấm rền. Tuấn cung kính vòng tay chào:

– Lạy ngài, tôi không biết nên đã thất lễ rồi.

Tên thấp bé vội xua tay:

– Quan lớn không cần bận tâm.

– Tôi không phải các vị mũ cao áo dài, xin ngài đừng nhầm.

Kẻ tự xưng là tùy tùng của thần trong đền cười lớn. Hắn một mực bảo hắn không nhầm, có lần ông thần lên Thiên giới chơi, mượn sổ Thiên tào xem thử thì thấy viết rằng Tuấn đậu Tiến sĩ, được bổ làm Tả Thị lang¹. Hắn đứng hầu ngay cạnh nên ngó trộm được.

Trước khi biến mất, tên thấp bé chúc Tuấn sớm ngày bảng vàng danh yết. Mưa tạnh, trời quang, anh vừa đi thong thả vừa mơ tưởng tới tương lai. Con đường công danh bằng phẳng, rộng thênh thang, ghi thêm dấu chân của quan Thị Lang họ Đặng, già trẻ gái trai đều phải khiếp phục. Mấy người chủ nợ khinh thường kẻ hàn sĩ rồi sẽ biết tay! Tuấn sung sướng nghĩ về bức văn trướng thêu vóc và tiếng pháo nổ giòn giã trong ngày vinh quy. Quan tân khoa nằm võng đào kiểu bát cống, kẻ che lọng, người quạt hầu, bình thản lướt qua dân hàng huyện, hàng tổng. Cờ xí rợp trời, trống đánh dồn dập, còn ông Nghè ung dung ngắm trời đất trong khi bao cặp mắt dõi theo đầy ngưỡng mộ. Sau đó, anh cắm đất ở đâu làm dinh thì người ta cũng phải chịu, không hó hé nửa lời. Nghĩ thôi đã thấy oai!

Nhưng cảnh nhà xác xơ, túng thiếu đủ thứ và người vợ hớn hở đứng ở cổng ngóng chồng làm Tuấn hơi bực mình. Dạo này việc buôn bán không mấy thuận lợi nên trông Liên thật kém sắc. Còn đâu cô ả nuột nà có đôi má hồng tươi thắm, hàm răng đen duyên dáng tươi xinh. Vợ quan Nghè mà gầy đét như que củi, da đen nhẻm ư? Đời thuở nào thế chứ, vợ quan Nghè là phải thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt, phải trắng ngọc trắng ngà, lụa là xúng xính kẻo hổ thẹn với thiên hạ.

Suốt một tuần trăng, Tuấn mải ngụp lặn trong giấc mộng quyền quý cao sang, bỏ bê việc đèn sách. Vợ nhắc thì anh cười khẩy, ra chiều ta đây chẳng cần lao tâm khổ tứ. Chồng không nghe, Liên đành ngậm tăm. Thị yên chí cho rằng anh tính toán cả rồi, thị đàn bà con gái sao hiểu cách rèn luyện văn chương chữ nghĩa. Cơ mà thị bắt đầu lờ mờ nhận ra thái độ của Tuấn đối với mọi người cứ khang khác, không nhã nhặn giống ngày trước.

Đang ngồi ăn cơm dưới sân thì chị hàng xén vào đòi tiền mua chịu mực, Tuấn đập bát vỡ tan tành rồi nói bướng:

– Ông chưa có tiền trả. Có mấy đồng mà nhặng cả lên.

Liên tái người đi vì sợ, còn chị hàng xén mặt đỏ tía tai, chỉ thẳng tay vào mặt Tuấn mà xỉa xói:

– Tiên sư mày, bụng có chữ mà ăn nói mất dạy hơn loại đầu đường xó chợ. Mày tính quỵt tiền bà hở?

Liên cố can ngăn chồng và chị hàng xén. Nhưng họ vẫn lời qua tiếng lại, chẳng ai chịu ai. Sau cùng, Tuấn buông thõng một câu:

– Sau này ông làm quan, ông cắm đất vào chỗ nhà mày ở cho biết mặt.

Liên hốt hoảng nói át lời chồng:

– Trời ơi tôi van mình, "Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng" có được chăng?

Tuấn vênh váo hỏi hai người đàn bà có rõ anh là học trò hay chữ nhất vùng không. Chẳng lẽ dăm ba cái danh Tiến sĩ dễ lại tuột khỏi tay anh đấy hẳn? Chị hàng xén không nói năng gì nữa, lẳng lặng rút lui. Tuấn hả hê lấy tăm xỉa răng rồi điềm nhiên uống từng ngụm nước vối nguội ngắt. Liên rầu rĩ khuyên nhủ chồng không nên cư xử hung hăng, ngông cuồng nhưng anh kiếm cớ mắng thị là đồ bênh vực người dưng nước lã, cư xử bạc bẽo.

Chuyện nọ xọ chuyện kia, Tuấn mắng vợ là loại ăn chơi xa xỉ, không chịu thương chịu khó lo cho chồng. Có cái trâm ngọc cũng tiếc, không nỡ bán lấy tiền mua giấy bút để anh học. Hèn kém, nghèo khổ chẳng đời nào có quyền ăn diện quá lộng lẫy. Trâm ngọc, trời ạ, Liên nghĩ thị được phép đua đòi hẳn? Chồng thị chưa đủ rách rưới à? Cài trâm ngọc chỉ tổ mòn tóc thôi, không được cái tích sự gì cả. Đã vậy, ngày trước thị còn đánh phấn nữa. Người đâu có người điệu thế, lẳng lơ thế!

Ngực Liên nhoi nhói, đôi mắt ngấn lệ nhìn chồng trân trân. Tuấn bảo vợ cút khỏi đây, luôn miệng đòi bỏ vợ. Hàng xóm láng giềng nghe tiếng chửi bới om sòm bèn kéo đến chật sân. Họ đều khuyên vợ chồng đóng cửa bảo nhau, đừng nóng nảy muốn cạn tàu ráo máng. Song Tuấn nhất quyết làm giấy rãy vợ. Anh tự cho rằng Liên đã phạm một điều trong thất xuất² là không có con. Ba năm chung chăn gối, tuổi đã đôi mươi nhưng có thấy sinh con đẻ cái đâu.

Liên ngạc nhiên lắm, rõ ràng anh hẹn đợi thi xong khoa sắp tới, công thành danh toại hẵng tính chuyện cái con cơ mà. Tuấn chối đây đẩy, toan cầm roi mây vụt người đàn bà mảnh dẻ, ốm o.

Bà con chòm xóm vội xúm lại can ngăn. Anh trai, chị dâu Tuấn cùng những đồng môn cũng hớt hải chạy tới. Hết Tiến rồi tới Lâm nói lời lẽ thiệt hơn nhằm làm Tuấn tỉnh ngộ. Tuy nhiên anh không buồn để lọt tai, trước sau vẫn đòi rãy vợ. Bảo mãi chẳng nghe, vợ chồng anh trai và hàng xóm chán nản quay về. Tuấn cứng đầu cứng cổ mặc kệ các bạn nằn nì thiết tha, mặc kệ Liên khóc lóc sưng húp mắt. Lửa giận bốc lên ngùn ngụt, Tiến gằn giọng:

– Anh quên hết điều thầy dạy rồi ư? Đạo cương thường ra sao anh quên hết rồi ư? Anh phải nhớ chính anh muốn rước chị ấy về chứ chị ấy chẳng cầu xin anh. Giờ lại ân đoạn nghĩa tuyệt, cạn tình cạn nghĩa, thử hỏi thầy mà biết thì thầy buồn hay vui? Thử hỏi cha mẹ biết thì họ thanh thản ngậm cười nơi chín suối không? Kẻ bất nghĩa khó lòng thờ vua trung thành, thờ thầy hết dạ.

Lâm và Tiến khinh bỉ phất tay áo, không lời mà biệt. Liên đeo tay nải, cất từng bước nặng nề, nước mắt đổ xuống như mưa. Gặp hai bạn của Tuấn nơi đầu ngõ, thị hổ thẹn giấu mặt sau chiếc quạt nan. Lâm ngậm ngùi mong thị thứ lỗi bởi trót vun vén cho thị với thằng ngụy quân tử lật lọng, tráo trở. Liên cúi đầu, không đáp, buồn bã lướt qua họ.

Thị đến nhà bà hàng cháo. Mẹ nuôi chết từ lâu khiến căn nhà tiêu điều, hoang vắng. Sự lạnh lẽo khiến Liên run rẩy co mình. Thị chưa thôi đổ lệ, tiếng nức nở vẫn bật ra nghẹn ngào. Nhớ lại những câu nhiếc móc của Tuấn, thị bàng hoàng nhận ra cuộc hôn nhân hạnh phúc vừa vỡ tan tành. Hình như Tuấn trở nên chán ghét thị vì ngày trước thị từng trang điểm, từng bị cậu Công giở trò bỡn cợt. Làm gì có người nào nghèo khổ mà chịu nổi việc vợ họ từng tô son điểm phấn đẹp hơn tiểu thư chốn buồng thêu chứ.

Cái tín bài của cô gái làng Cẩn Y dạo nọ bất chợt động đậy rồi lóe sáng. Cô gái dần hiện lên, ôm chầm lấy Liên. Cô nói thị không làm sai, đồ của mình thì mình giữ hay bán tùy ý. Người ta cũng chẳng thể trông khuôn mặt phủ phấn mà bảo mình phung phí, ăn chơi sa đọa, lẳng lơ đĩ thõa. Nếu chỉ nhìn vào mặt hoa da phấn của Liên thì bác Thêm gái rồi chị Tý có tin Liên đứng đắn không? Họ thay đổi ánh nhìn về Liên vì cách thị đối nhân xử thế chứ đâu vì vẻ bề ngoài của thị. Nói xong, bóng cô gái Cẩn Y mờ dần rồi tan biến như làn khói mỏng manh.

Thấy cây trâm ngọc thấp thoáng trong tay nải, bản thân Liên bỗng thấy đỡ bức bối hẳn. Cây trâm là vật riêng của thị, mỗi thị được quyền quyết định bán hoặc không. Má phấn môi son không phải cái tội, tội ở thằng ăn bám không cho vợ cuộc sống giàu sang phú quý.

Má của cô hàng nước dưới gốc bàng lại thắm hồng như đóa hoa nở rộ đang kỳ khoe sắc. Hết thảy già trẻ gái trai không tin nổi hai vợ chồng ly dị mà thị vẫn thản nhiên như không. Những ai ậm ọe: "Mèo lành ai nỡ cắt tai" thì bị thị lườm một cái sắc lẹm. Kẻ đó hãi quá vội nín bặt.

Vài năm sau, Tuấn vào hàng nước xin nối lại duyên xưa. Anh vẫn là tên học trò dài lưng tốn vải, chẳng đủ cơm ăn. Nghe đồn mãi mà Tuấn không đỗ hạch để dự thi Hương, thành thử cảnh nhà ngày một sa sút. Liên lạnh lùng đuổi thẳng cổ, hệt cái cách Tuấn đã xử sự với thị.

– Anh chửi tôi má phấn môi son, trâm ngọc mòn tóc, anh còn nhớ chăng? Nào, anh xem tóc tôi có mòn đi tí nào thì bảo.

Cách đây ít lâu, thị mới biết Tuấn muốn bỏ thị vì nhan sắc thị không còn óng ả. Anh ta chê Liên chẳng đẹp giống hồi chưa chồng, hồi tô son điểm phấn một cách tỉ mỉ. Tuấn định công thành danh toại sẽ kén ngay những con vua cháu chúa làm người nâng khăn sửa túi. Liên uất ức không tả nổi, không ngờ anh ta tệ bạc nhường ấy. Trước kia, thị quý đồ trang điểm. Giờ đây thì thị yêu nó, nó giúp thị nhìn rõ bộ mặt thật của người xung quanh.

Tuấn rời quán nước trong nỗi cay đắng. Nhưng Liên cũng không mấy hả hê, lòng cứ quặn đau liên hồi. Chị Tý khen thị mạnh mẽ nhưng sao biết ruột gan thị nghẹn ứ sự âu sầu. Nếu tinh ý thì khách khứa sẽ ngỡ ngàng nhận ra Liên chẳng tươi tỉnh như xưa mà chỉ còn là cái xác không hồn.

...

Chú thích:

¹  Tả Thị Lang: Theo quan chế thời Nguyễn, đây là chức quan cao thứ ba trong một Bộ thời xưa, dưới Thượng thư và Tham tri nhưng trên Lang trung.

² Thất xuất: Bảy lý do để đàn ông bỏ vợ. Bao gồm: Không có con, dâm, nhác, không thờ cha mẹ chồng, lắm điều, trộm cắp, ghen tuông, có ác tật.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top