Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 8: Lá phong đỏ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

La Nhất Châu khi ấy không gặng hỏi Dư Cảnh Thiên chuyện sinh nhật, nhưng đã gặp Tiểu Lộ Tử hỏi về chuyện ấy. Tiểu Lộ Tử đã theo Dư Cảnh Thiên từ khi còn rất nhỏ, chuyện kể ra, so với tưởng tượng của La Nhất Châu càng phong phú khó tin hơn nhiều lần.

"Năm ấy trưởng công chúa đã lên năm tuổi, phía hậu cung, hoàng hậu vẫn chưa có thêm tin tức gì. Nhị hoàng tử do Lâm quý phi sinh ra đã lên ba. Hậu cung ba ngàn giai lệ, mặc dù địa vị của hoàng hậu vẫn luôn vững chắc, nhưng chuyện này cũng không thể cứ duy trì như vậy.
May thay, không lâu sau đó hoàng hậu hoài thai, sinh ra Tam điện hạ. Nhưng từ khi sinh ra, tiểu hoàng tử khóc suốt cả tháng liền không nghỉ, về sau lại ốm sốt liên miên, li bì không rõ bệnh.
Năm đó phía Nam có dịch bệnh lạ, triều đình cử nhiều lang y nghiên cứu vẫn không ra phương thuốc chữa trị. Có một vị đại sư từ trong dân gian tiến cử phương thuốc, nhờ vậy mà đẩy lui được dịch bệnh. Trong bữa tiệc mừng khi ấy, khi gặp hoàng hậu, ông ấy đã đến xem bệnh cho Tam điện hạ, để lại một toa thuốc. Còn nhìn tiểu điện hạ mà nói rằng đường đi của điện hạ gian nan, nếu sống qua được mười tám tuổi, mới coi như mở được con đường mới. Danh tự Vĩnh An của điện hạ cũng là vị đại sư đó đặt.

Sau đó Tam điện hạ đã khỏe lại, hoàng hậu cũng vì vậy càng tin lời vị đại sư đó nói, hàng năm không tổ chức sinh thần cho điện hạ, trong cung cũng không được ai nhắc đến, người muốn coi như không lễ không bái, mong rằng trời đất quỷ thần không ai hay, điện hạ cũng sẽ lặng lẽ bước qua mười tám tuổi.

Điện hạ khi tuổi còn nhỏ có lần nhìn các hoàng tử công chúa trong cung được tổ chức sinh thần cũng chạy đi hỏi hoàng hậu, bị người quát cho một trận rồi đuổi về.

Phải rồi, chính là lần người gặp chuyện trong cung yến sinh thần nhị hoàng tử năm ấy.
Sau này điện hạ cũng không hỏi lại lần nào chuyện ấy nữa.

Nô tài theo điện hạ từ khi còn nhỏ, tuy bên ngoài người hiếu động nghịch ngợm, nhưng thâm tâm lại nhạy cảm, người nhớ có một lần hoàng hậu từng nói "ngày ấy vừa sáng thấy lá phong rơi, sau đó thì sinh ra con...", vẫn luôn để trong lòng. Quả thực trong cung không hề thiếu thốn gì, nhưng sinh ra trong hoàng thất, vẫn là có những chuyện, những thiếu khuyết không ai thấy được."

La Nhất Châu nhớ lại từng thấy ánh mắt mơ màng của Dư Cảnh Thiên nhìn lên tán lá đỏ bên đường, cảm giác cô độc khó giấu trước nay chưa từng thấy qua.

Vậy nên năm ấy vào ngày đầu tiên lá phong trút xuống, La Nhất Châu đã hỏi Dư Cảnh Thiên: "Hôm nay có muốn đi chơi một chút không?"

Dư Cảnh Thiên hôm nay không chê nhàm chán, cứ như một người khác, đối với chuyện gì cũng bày ra bộ dáng trân trọng thú vị. Không rõ là có phải đoán ra điều gì hay không.

Sinh thần nhưng lại không được thể hiện là sinh thần. Phải làm thế nào người mới thấy vui?

La Nhất Châu đưa người đến Thiền Quang tự, ngắm cảnh, cưỡi ngựa, lại dâng hương cầu phúc. Cũng khó nói được là có vui hay không. Có sinh thần nào như vậy sao?

Trên đường đi lên đều là lá phong rụng đỏ, cảnh vật rực rỡ lại yên bình.

....

"Ta từng nghĩ, sinh thần với mỗi người là chuyện vui vẻ như vậy, với ta lại kì lạ như vậy..."

"Ta từng nghe mẫu hậu phụ hoàng gọi trưởng tỉ là Tương Nhi, là nhũ danh của tỉ ấy, cũng từng thấy Lâm quý phi gọi hoàng huynh là Minh Nhi."

"Không rõ cảm giác khi gọi tên ấy là gì. Với ta trước sau như một, ai cũng đều gọi là Vĩnh An, Vĩnh An điện hạ gì đó, có người nói đó là thân phận của ta, là trách nhiệm cũng là sứ mệnh của ta. Sinh ra phải làm Vĩnh An điện hạ mà không phải ai khác."

"Nghe nhiều, nghe đến nhàm chán, không còn nhớ được là ai nói trước, ai nói sau nữa rồi."

"Không ai nhớ... ta cũng có một cái tên chẳng bao giờ được gọi đến..."

"Trên đời này, có lẽ chỉ có lá phong đỏ ghi nhớ mà thôi, sẽ vì sinh thần của ta mà rụng lá..."

Nghe những lời kia, La Nhất Châu rất muốn lên tiếng phủ nhận, không phải như vậy...

Rất lâu về sau, La Nhất Châu vẫn nhớ những lời Dư Cảnh Thiên nói trong rừng phong khi ấy.

______

Thiền Quang tự

Người qua lại không quá đông, Dư Cảnh Thiên thường ngày đối với mỗi nơi La Nhất Châu dẫn đi đều tò mò hết mọi chuyện lớn nhỏ, giờ đây lại đứng lại nhìn sang một sạp bói ven đường, có vài người sau khi dâng hương đi qua rút quẻ.

Dư Cảnh Thiên đối với chuyện này không hề động đậy, rõ ràng không hề muốn tiến đến. Chỉ đứng một bên, nhìn hết lượt này tới lượt khác, người đi lại đến, lắng nghe tiếng vị đạo sư kia nói với người qua về tình, sinh, mệnh, vừa huyền bí vừa huyễn hoặc.

"Huynh nói xem, sao người ta có thể vì một chuyện trong tương lai không chắc có xảy ra hay không mà để tâm rồi lo lắng sợ hãi đến vậy."

Vốn không nghĩ rằng La Nhất Châu sẽ lên tiếng đáp lại:

"Bởi vì quý trọng, nên mới lo được mất."

Phải, bởi vì quý trọng...

-----

Trên đường về, đi qua rừng phong lá đỏ, Dư Cảnh Thiên vẫn cứ lưu luyến ngoái nhìn theo. Mãi đến khi về đến cửa cung, La Nhất Châu mới cầm một bọc nhỏ, đưa cho Dư Cảnh Thiên. Bên trong dường như là cây gì đó, có mấy nhánh lá lộ ra ngoài.

"Thấy điện hạ thích thú như vậy, cây phong này tặng cho người."

Trên tay La Nhất Châu là một cây phong nhỏ, dường như là lấy từ rừng cây, mùa này vốn là mùa thay lá, đâu thích hợp để trồng cây mới. Cây phong non lá xanh, lá đỏ lẫn lá vàng. Không rõ chuyển đến một nơi khác ngay lúc thế này có thể sống tốt hay không.

Dư Cảnh Thiên thầm nghĩ, La Nhất Châu cũng có lúc ngớ ngẩn như vậy hay sao.

Nhưng trong lòng không kìm được vui vẻ, nhận lấy cây phong đem về trồng trong sân trước Trường Thanh cung. 

Một bên là cây lê đã lớn, một bên là phong non, không nhìn ra có điểm nào không đúng, cũng chẳng quan tâm có gì không đúng.

-------

Cây phong (枫 - Fēng), Cây lê (梨 - Lí)
Phân li, chia xa (分离 - Fēnlí)

✨Ngược hay không ngược, làm sao mà thiếu được😜
✨Tôi cực kì cực kì thích tấm ảnh này của Tony luôn, huhu như hoàng tử giữa rừng lá phong í.
✨Mùa lá phong chuyển đỏ và rụng có thể bắt đầu từ cuối tháng 8, trùng với sinh nhật Tony và tên fandom Dangpungdan (Lá phong đoàn) của em nữa.
✨Nên nói chung tôi siêu thích ảnh này và lá phong.



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top