Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chiều tối (Hồ Chí Minh)


Đề: Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ – chiến sĩ Hồ Chí Minh qua bài thơ Chiều tối.

Mở bài: Hồ Chí Minh là một nhà chính trị, cách mạng vĩ đại của dân tộc và thế giới. Bác còn là nhà văn, nhà thơ lớn với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Trong đó tập thơ “Nhật kí trong tù” được đánh giá như là một ngôi sao sáng giữa làng thi ca Việt Nam. Và bài thơ “Chiều tối” là bài thơ thứ ba mươi mốt được trích từ tập thơ ấy, được viết vào cuối thu năm 1942 trên đường chuyển lao. Ở bài thơ ấy, vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh được thể hiện rất rõ nét:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Ma túc bao hoàn, lô dĩ hồng”

Thân bài:
-Luận điểm 1:
Cảnh chiều tối là một đề tài quen thuộc của văn chương. Chính vì thế mà gam màu hoàng hôn này đã đi vào bao áng thơ kim cổ, tạo nên những vần thơ tuyệt tác. Nhưng ở thơ Bác, không chỉ dừng lại ở cảnh vật mà qua đó còn làm bật lên tấm lòng yêu thiên nhiên và phong thái ung dung, tự tại vượt lên cảnh ngộ tù đày qua hai câu thơ đầu:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
Mở đầu bài thơ là hình ảnh cánh chim mỏi mệt bay về rừng tìm một ngọn cây để nghỉ ngơi. Đây là một hình ảnh thơ của không gian nhưng lại mang nhiều giá trị gợi tả thời gian. Trong thơ ca, cánh chim về tổ đã trở thành một biểu tượng ước lệ cho hoàng hôn – một khoảng thời gian gợi cảm giác buồn bã vì sự lụi tàn cuối ngày; cũng là lúc vạn vật bắt đầu ngưng nghỉ, đoàn tụ. Vì vậy, càng dễ làm chạnh lòng người tha hương lữ thứ. Hình ảnh cánh chim là thi liệu quen thuộc trong thi ca cổ, đó là cánh chim gợi buổi chiều với bao chông chênh vất vả của Nguyễn Du: “Chim hôm thoi thót về rừng”, hay cánh chim làm xao xác cả hoàng hôn trong câu thơ của Huy Cận:”Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa”. Hai câu thơ đầu của “Chiều tối” cũng có nét tương đồng, dễ liên tưởng đến một tứ thơ quen thuộc của Lí Bạch:
“Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn”
Nhưng có thể thấy trong thơ xưa, những cánh chim bay cao tít tắp, bay xa vô tận, hòa mình vào cõi hư vô gợi cảm giác thoát tục, lánh đời và một chút phiêu bạt. Còn cánh chim trong “Chiều tối” là cánh chim về rừng, về với tổ ấm – cõi trần gian gần gũi. Cái tuần hoàn miên viễn của thời gian, nhịp điệu bình dị của cuộc sống cứ bao trùm lấy câu thơ đầu tiên, tuy buồn nhưng vẫn tỏa ra ấm áp, thân thuộc vô cùng. Trong lúc chuyển lao vất vả, mệt mỏi như thế, Bác vẫn lựa chọn ngắm nhìn cánh chim và đồng điệu được tâm trạng của mình qua chữ “quyện”. Câu thơ có cả sự liên tưởng đồng cảm và nỗi xót xa: cánh chim trên trời vất vả sau một ngày kiếm ăn, người tù 52 tuổi đang mỏi mệt vì một ngày chuyển lao khó nhọc. Trong bài thơ “Mới đến nhà lao Thiên Bảo”, Bác có viết về hành trình khó khăn ấy: “Năm mươi ba dặm một ngày trời
Áo mũ ướt đầm, dép tả tơi”.
Sự thương xót đối với cánh chim hiện hữu trong câu thơ này vì ở Bác lúc nào cũng có một trái tim yêu thương mênh mông, một tình cảm nhân ái bao la đối với vạn vật. Nếu cánh chim trên bầu trời tự do, đang mãi bay lượn để tìm được nơi nghỉ ngơi cuối ngày thì người tù nhân vẫn đang bị áp giải với xiềng xích nặng nề trên đường chuyển lao và chưa biết khi nào được dừng chân. Sự so sánh càng xót xa hơn khi chặng cuối cùng của cánh chim là tổ ấm thì chặng đường của Bác lại là một nhà lao khác, nơi tiềm ẩn những đọa đầy khổ cực. Nỗi khao khát về một chốn dừng chân ấm áp bên những người thân yêu có lẽ là một điều quá đỗi xa xỉ với Người. Nhưng dẫu có bao nhiêu khó khăn đi nữa thì cũng không thể dập tắt được tinh thần kiên cường của Bác. Chất thép trong Bác đã ngấm vào từng con chữ, từng dòng thơ để thế hệ mai sau phải thốt lên rằng thật tự hào khi nước Việt có một con người đầy nghị lực và vĩ đại như Bác. Trong câu thơ sau : “Cô vân mạn mạn độ thiên không” càng tô đậm hơn về sự cô đơn.  Hai hình ảnh tương phản ở đầu và cuối câu thơ: “cô vân” – “thiên không” khiến đám mây trở nên nhỏ nhoi giữa khoảng trời vô định. Từ láy “mạn mạn” cho thấy đám mây bồng bềnh, trôi rất chậm giữa bầu trời. Từ đó, người đọc có thể hình dung ra một khoảng trời trong trẻo, có gió nhè nhẹ và một chút hương u buồn. Cũng như cánh chim mỏi mệt ở câu thơ trên, hình ảnh  đám mây không đơn thuần là một thi liệu cổ điển, thông qua bút phá tả cảnh ngụ tình quen thuộc, có thể nhận ra đám mây bé nhỏ ấy chính là sự phản chiếu cho cảnh ngộ đơn độc và tâm trạng chất chứa nhiều nỗi nhớ quê hương của người tù. Nhưng bản dịch lại mất đi chữ “cô”, làm mất đi trạng thái cô đơn, lẻ loi của đám mây. Khiến câu dịch thơ mất đi sự tương đồng với tâm trạng thi nhân. Ngẫm nghĩ sâu hơn, ta có thể nhận ra từ “quyện điểu” và “cô vân” có liên hệ ngữ nghĩa mới ngoài văn bản, đó là “cô nhân” – một người cô đơn, là một tù nhân đang bị giải đi trên đường tới một nhà lao khác, là Bác Hồ; hiển nhiên là xung quanh Bác còn có những tên lính áp giải, nhưng giữa Bác và những người kia không thể có quan hệ “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” được, do đó trong hoàn cảnh này Bác trở thành “cô nhân”. Thế giới xung quanh vắng lặng không lời, nhưng trở thành bạn đồng hành của Bác và những quy luật của đất trời, của vũ trụ đã tạo nên niềm vui trong tâm khảm của Người, giúp Người luôn giữ được một tinh thần kiên cường đầy nghị lực. Dù Bác đang ở nơi đất khách quê người thì Người vẫn một lòng hướng về quê hương; dù mệt mỏi nhưng vẫn ung dung tự tại; đang bị giải tù mà như bậc ẩn sĩ đang thưởng ngoạn cảnh trời chiều và gửi tình yêu ấm áp đến thiên nhiên, vạn vật. Như vậy, bằng những thi liệu quen thuộc, bút pháp chấm phá cổ điển cùng với bút pháp tương phản, Bác đã họa nên một bức tranh thiên nhiên buổi chiều miền sơn cước đẹp, yên bình và có chút buồn. Qua đó còn bộc lộ cái nhìn triều mến của một người yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và phong thái ung dung, tự tại dù trong cảnh tù đày như Bác đã từng viết khi mới bước chân vào nhà giam:
“Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao”
Hai câu thơ tả cảnh nhưng làm nổi bật con người trong tư thế làm chủ hoàn cảnh và tinh thần thép của người tù cách mạng Hồ Chí Minh trước những thử thách khắc nghiệt của đời.
-Luận điểm 2:
Nổi bật trong bức tranh là hình ảnh một thiếu nữ xóm núi đang xay ngô, chuẩn bị bữa ăn chiều tối, đây là một thi liệu đậm tính dân chủ cho văn chương, đem lại sự vận động mới mẻ cho hình tượng thơ. Từ đó, làm bật lên cái nhìn chan chứa yêu thương với đời, với cuộc sống người lao động miền sơn cước của Bác:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”
Con người trong thơ cổ thường xuất hiện như một sự điểm xuyết cho bức tranh thiên nhiên, họ thường bé nhỏ cô đơn: “Lom khom dưới núi tiều vài chú” (Qua đèo ngang – Bà Huyện Thanh Quan), thường tĩnh lặng, thụ động và luôn chịu sự chi phối của ngoại cảnh:
”Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Thôi Hiệu)
Thơ xưa viết về người phụ nữ không ít nhưng chủ yếu là hình tượng người phụ nữ khuê các hoặc hồng nhan bạc mệnh như Thúy Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Còn thiếu nữ xóm núi trong câu thơ Hồ Chí Minh được miêu tả ở vị trí trung tâm của bức tranh chiều tối nơi núi rừng “Sơn thôn thiếu nữa ma bao túc”; lại trong hoàn cảnh lao động, Đây chính là nét khác biệt với cổ thi – người thiếu nữ lao động với vẻ đẹp trẻ trung, khỏe khoắn. Một hình tượng thơ mới mẻ của Bác đã làm cho chiều tối miền sơn cước bớt đi rất nhiều cảm giác lạnh lẽo, u ám và vắng buồn. Tuy nhiên, phần dịch thơ lại dùng “cô em” thay vì “thiếu nữ”, điều này làm mất đi sự trân trọng của Bác đối với người lao động bình dị. Nâng niu, trân quý một vẻ đẹp ấm áp, đơn sơ trong cuộc sống đời thường, tác giả Hồ Chí Minh đã thể hiện tấm lòng của một nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại, Người có thể quên đi cảnh ngộ của chính mình để hòa chung niềm vui với đời, để yêu thương cuộc đời. Tình yêu bao la của Bác còn hiện ra trong một nét nghĩa khác của hai câu cuối. Nghệ thuật điệp vòng: “ma bao túc” – “bao túc ma” (dịch thơ không giữ được cấu trúc này) đã gợi tả tinh tế vòng quay triền miên, nặng nề, chậm chạp của chiếc cối xay ngô. Nhưng tại sao lại là “bao túc” mà không phải là loại lương thực nào khác? Nếu không có sự hiểu biết nhất định về cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất ở nơi đây thì không có sự liên hệ mang tính khẳng định như vậy được. Ngô là lương thực chủ yếu của cư dân miền núi phía nam Trung Hoa. Đó chính là quy luật của cuộc sống nơi đây, con người phải lao động vất vả thì mới có lương thực để sử dụng. Câu thơ có hơi ấm của cuộc sống con người nhưng vẫn thấm thía nỗi xót xa, thương cảm với công việc vất vả, cực nhọc, điều này nếu gắn với bài “Nghe tiếng giã gạo” thì càng rõ hơn nữa:
“Gạo đem giã vào bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công”
Vế cuối của câu bốn cũng là hình ảnh cuối cùng khép lại bài thơ là sự thể hiện rõ nét nhất sắc thái mới mẻ, hiện đại trong tinh thần và bút pháp nghệ thuật Hồ Chí Minh: “lô dĩ hồng” – lò đã đỏ hồng. Sự xuất hiện của cụm từ này đã gián tiếp miêu tả trời tối thông qua nghệ thuật lấy sáng tả tối vì khi trời tối thì “lô dĩ hồng” có sức thu hút mãnh liệt đến như vậy. Chữ “hồng” như là nhãn tự của bài thơ, tạo nên thần thái đặc biệt. Với một chữ “hồng”, Bác đã làm sáng rực chân dung người thiếu nữ và bừng sáng cả một góc không gian núi rừng. Đêm càng đen thì ánh lửa càng đỏ, ánh lửa đó tạo ra niềm tin vào cuộc sống. Bởi lẽ, sự sống gắn liền với ánh sáng. Ánh sáng là biểu tượng của sự sống, của sự bất tử của cuộc đời. Vì vậy, chừng nào còn mặt trời, còn ánh sáng thì chừng đó sự sống còn tồn tại. Thông qua đó, ta có thể nhận ra rằng tứ thơ của Bác luôn có sự vận động từ tối đến sáng, từ tàn lụi rồi lại đâm chồi sinh sôi, từ không gian buồn đến niềm vui nho nhỏ qua lăng kính đời sống bình dị, từ lạnh lẽo đến sự ấm áp tình người. Thơ của Bác luôn hướng về ánh sáng:
“Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng
Bóng tối đêm tàn sớm sạch không”
(Tảo giải – Hồ Chí Minh)
Quên hẳn nỗi đau của riêng mình, bác vui với cái vui nho nhỏ đời thường của một gia đình nào đó nơi xóm núi bên bếp lửa hồng. Đây chính là tấm lòng nhân đạo cao cả của Người, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người”

Kết bài: Bài thơ “Chiều tối” đã thể hiện sâu đậm phong cách thơ ca nghệ thuật Hồ Chí Minh với màu sắc vừa cổ điển vừa hiện đại. Nếu cổ điện bao gồm thi liệu, thi tứ, hình tượng ngôn từ…,thì chất hiện đại bao hàm từ cảm hứng đến bút pháp nghệ thuật. Qua đó, làm hiện ra vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh với chất tình và chất thép cùng chất nghệ sĩ bay bổng

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top