Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Tập 10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 Tập 10 (Số 14-12-10)

Xin mở kinh văn:

PHẨM THỨ 4: NGHIỆP CẢM CỦA CHÚNG SANH Ở CÕI DIÊM PHÙ

Phẩm thứ tư. Từ tên của phẩm này chúng ta thấy rất rõ những chuyện nói trong kinh đều thuộc về thế giới này, trong kinh Phật gọi là Nam Diêm Phù Ðề Châu, là chỉ địa cầu của chúng ta. Phật nói tu học Phật pháp lấy kinh điển làm chính, đây là 'Tứ Y', dạy cho chúng ta 'Y pháp chứ chẳng y người, y nghĩa chứ chẳng y ngữ', đây là nguyên tắc vĩnh hằng không thay đổi. Chúng ta thấy có một số chú giải của cổ đức, hình như chẳng phù hợp với những gì khoa học hiện đại quan sát, những chỗ này chúng ta có thể tồn nghi, không thể nói những gì khoa học hiện nay nói đều chính xác, những gì trong kinh nói đều là mê tín, nếu chúng ta dùng phương pháp này để quan sát thì sẽ sai lầm quá đỗi. Vì rất nhiều cảnh giới mắt thịt chúng ta chẳng nhìn thấy, chúng ta tin tưởng lời Phật nói trong kinh. Tổ sư đại đức chẳng nhập vào cảnh giới này, nên những gì họ nói không nhất định hoàn toàn tương ứng, chúng ta có thể lấy làm tham khảo, cũng chẳng cần phủ định, chỉ biết có cách nói như vậy là được rồi. Nếu chư vị coi chú giải, thí dụ nói trong Trường A Hàm, tại sao mặt trăng có bóng? Bóng này là bóng của cây ở cõi Diêm Phù Ðề. Hiện nay những người tiếp nhận giáo dục khoa học hiện đại tuyệt đối sẽ phủ nhận, như những chỗ như vậy chúng ta không cần phải tranh luận. Nếu không thể hiểu rõ triệt để thì cứ tồn nghi cũng được. Xin xem kinh văn:

Nhĩ thời Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật ngôn, Thế Tôn ngã thừa Phật Như Lai oai thần lực cố, biến bá thiên vạn ức thế giới phân thị thân hình, cứu bạt nhất thiết nghiệp báo chúng sanh, nhược phi Như Lai đại từ lực cố, tức bất năng tác như thị biến hóa.

Lúc đó Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch đức Phật: 'Bạch Thế Tôn, con nương nhờ sức oai thần của Phật Như Lai nên chia được thân hình này đến khắp trăm ngàn vạn ức thế giới để cứu vớt hết thảy chúng sanh bị nghiệp báo, nếu không nhờ sức đại từ của Như Lai thì chẳng thể biến hóa được như thế.

Phật, Bồ Tát độ chúng sanh, có câu là 'Phương tiện có nhiều cửa, đường về nguồn chẳng hai', đây là do trí huệ viên mãn, khéo léo cao độ biểu hiện ra. Có rất nhiều sự sắp đặt mà tâm tư, quan niệm của phàm phu chúng ta chẳng thể đạt đến được. Phàm phu nhất định không thể nhìn trước mắt, trước mắt chỉ là thủ đoạn, nhất định phải nhìn mục đích. Nếu mục đích là thuần chánh thì thủ đoạn phi pháp cũng là thuần chánh, việc này rất cao minh; nếu mục đích là tà ác, dù thủ đoạn có thiện đến đâu cũng là tà ác. Như lúc trước cha mẹ, thầy giáo dạy học trò vậy, có khi mắng chúng, đánh chúng, trách mắng chúng, nhưng đều có ý tốt, đều hy vọng chúng hướng đến chỗ tốt, sau này sẽ được kết quả tốt. Nếu mỗi ngày đều cưng chìu, hết thảy đều thuận theo ý thích của học trò, tập cho chúng nhiều tánh xấu, đến khi chúng lớn lên làm điều tà vạy, thế thì cha mẹ, thầy giáo đều có lỗi. Phương pháp của Phật, Bồ Tát giáo hóa chúng sanh còn cao minh hơn, đặc biệt hơn. Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy Thắng Nhiệt Bà La Môn, Cam Lộ Hỏa Vương, Phạt Tô Mật Ða Nữ, dùng phương pháp tham, sân, si, hình như đều hoàn toàn phản nghịch với đạo, nhưng sau cùng xem kết quả của họ đều là thanh lương tự tại, đều có thể xa lìa tham, sân, si, chứng được công đức viên mãn của tự tánh, thế nên đó đều thuộc về thiện xảo phương tiện.

Trong kinh Ðịa Tạng chúng ta nhìn thấy hiện tượng này, còn thù thắng hơn sự biểu diễn của ba vị Bồ Tát trong kinh Hoa Nghiêm, đều dùng địa ngục, những quỷ vương ác độc này, quỷ vương đều là Bồ Tát hóa thân, chẳng phải quỷ vương thật sự. Quỷ vương thiệt làm sao có thể tham dự pháp hội của đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở cung trời Ðao Lợi được? Cõi người còn cao hơn cõi quỷ, cao hơn nhiều, nhưng Người cũng không tham dự pháp hội của Thế Tôn thì làm sao Quỷ, Súc Sanh có thể tham dự? Trong hàng quỷ vương có vị thị hiện thân súc sanh, họ đều là đại Bồ Tát, đều là những nhân vật giống Ðịa Tạng Bồ Tát; nói cách khác tất cả đều là Ðịa Tạng Bồ Tát. Ngày nay chúng ta có thể lý giải được cách dạy học của Phật, chân chánh có thể phát tâm, y theo lý luận và phương pháp của kinh này để tu học, cũng phát tâm 'Ðịa ngục chẳng không, thề chẳng thành Phật', vậy thì chúng ta cũng gia nhập vào câu lạc bộ của Ðịa Tạng Bồ Tát, cũng là nhân vật hàng đầu như Ðịa Tạng Bồ Tát. Ðịa ngục tiêu biểu cho cái gì? Khổ nạn. Tất cả những khổ nạn chúng sanh trong thế gian, họ còn chưa thoát khổ, còn chưa thể phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, Bồ Tát chịu ở lại thế gian vĩnh viễn giáo hóa chúng sanh, chẳng thành Phật đạo. Thật ra 'chẳng thành Phật đạo' là hình thức, chẳng phải thiệt; Ðịa Tạng Bồ Tát từ kiếp lâu xa đã sớm thành Phật rồi. Học trò của Ngài thành Phật nhiều như vậy, thì đâu có lý nào thầy giáo không thành Phật cho được? Chỉ là chẳng ở ngôi vị Phật mà thôi. Phật cũng giống như hiệu trưởng, Ngài không làm hiệu trưởng, vĩnh viễn làm người giáo viên; học trò đã làm hiệu trưởng rồi, thầy giáo còn làm giáo viên trong trường, là ý nghĩa như vậy, chúng ta nhất định phải hiểu.
Ðịa Tạng Bồ Tát tôn trọng Phật là biểu diễn cho chúng ta xem. Tuy là thầy của Phật, Phật là học trò của Ngài, nhưng hôm nay thầy vẫn còn ở địa vị Bồ Tát, học trò là địa vị Phật, nhất định phải biểu thị tôn sư trọng đạo, điểm này chúng ta phải học theo. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta phải thường ghi nhớ, làm gương tốt cho chúng sanh; xã hội đại chúng hiện nay có bao nhiêu người biết hiếu thuận cha mẹ? Bao nhiêu người biết tôn trọng sư trưởng? Sư là thầy giáo, Trưởng là trưởng bối. Chúng ta phải đề xướng, nếu chúng ta không làm thì đợi ai làm? Ở nơi đây có một số lão pháp sư đến thăm viếng, hoặc chúng ta đi thăm viếng những lão pháp sư ở nơi khác, chúng ta phải biết, tuổi của họ cao hơn chúng ta, thời gian họ xuất gia lâu hơn chúng ta, giới lạp 5[5] cao hơn chúng ta, nhất định phải mời họ ngồi ở phía trên. 

----------------------------

5[5] Có hai cách hiểu chữ Giới Lạp
1. Giới Lạp chính là Pháp Lạp, tức thời gian sau khi xuống tóc xuất gia, tính từ lúc thọ giới Sa Di.
2. Giới Lạp khác Pháp Lạp, chỉ tính thời gian từ lúc chính thức được thọ Cụ Túc Giới.

..................................

Tuy chúng ta là khách, là thượng khách của họ, chúng ta cũng phải nhường ghế thượng khách cho họ. Tại sao phải làm như vậy? Tôn sư trọng đạo. Khi họ nhường cho chúng ta thì muôn vàn đừng ngồi chễm chệ lên ghế ấy; việc này cũng có thể làm, chẳng phải không thể làm. Tại sao? Bạn hôm nay là khách, là khách chính, thì có thể như vậy. Nhưng khi chúng ta mời họ ngồi lên ghế thượng tọa, thì càng có lợi cho việc giáo hóa chúng sanh hơn nữa, phải hiểu đạo lý này. Niệm niệm vì Phật pháp, niệm niệm vì chúng sanh, như vậy mới đúng. Hiện nay hết thảy chúng sanh, phần đông người trên toàn thế giới càng ngày càng tăng thêm tham, sân, si, tam độc tăng trưởng sẽ đem đến tai nạn khắp thế giới. Hóa giải tai nạn phải bắt đầu từ đâu? Từ tâm con người, Ðịa Tạng Bồ Tát làm gương mẫu cho chúng ta. Pháp hội tại Ðao Lợi thiên cung ngày hôm nay, Ðao Lợi thiên chủ là chủ nhân, Thích Ca Mâu Ni Phật và Ðịa Tạng Bồ Tát đều là khách quý, Phật xưng tán Bồ Tát, Bồ Tát cung kính Thế Tôn, cung kính lẫn nhau. Tại sao? Vì hết thảy chúng sanh, chúng ta phải hiểu ý nghĩa này, tinh thần, hình tượng chúng ta đều phải học tập.

'Bồ Tát bạch Phật ngôn', 'bạch' là lời người nhỏ nói với người lớn, là lời kính trọng; nói rất khiêm hư, rất cung kính. 'Con nương nhờ sức oai thần của chư Phật Như Lai', Ngài chẳng nói mình có khả năng. Ngày nay tôi có khả năng này, phân thân độ hóa chúng sanh ở vô lượng vô biên thế giới, là nhờ Phật lực gia trì. Thật ra không nương Phật gia trì Ngài cũng làm được, đây là lời khiêm nhường, cung kính, làm gương mẫu cho hàng hậu học chúng ta, chúng ta có khả năng làm được, cũng cảm kích lực lượng của đại chúng gia trì. Chúng ta hôm nay cử hành pháp hội tại đây, bất luận pháp hội lớn hay nhỏ, đều phải nhờ sức mạnh của đại chúng, trước khán đài, phía sau khán đài, trong và ngoài đạo tràng, xã hội đại chúng xuất lực xuất tiền, thiện ý tán dương đều là thần lực gia trì. Bồ Tát hiểu rõ nên có tâm chân thành cảm ân, phàm phu mê hoặc chẳng biết. Tuy Phật dạy chúng ta, luôn nhắc nhở nhưng chúng ta không giác ngộ. Từ sáng đến tối bất luận là lúc nào chúng ta hồi hướng 'Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ', niệm hai câu này đến thuộc làu rồi, có hiểu ý nghĩa trong ấy không? Thật sự là không hiểu. Nếu bạn hiểu thiệt thì hết thảy chúng sanh đối với mình đều có ân đức. Người hộ trì, người tán thán, cúng dường có ân đức, nói thêm với quý vị, người hủy báng, người phá hoại cũng có ân đức, người hãm hại cũng có ân đức.
Những việc trái nghịch này công đức ở chỗ nào? Công đức là làm cho chúng ta phản tỉnh, cảnh giác. Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, một người thì từ mặt chính, một người thì từ mặt trái, mặt chính khuyến thiện, mặt trái giúp bạn cảnh giác, đoạn dứt ác. Gi koúp bạn nhìn đến mặt trái này, bạn sẽ nghĩ như vậy chẳng tốt, mình phải đoạn dứt nhân ác, thị hiện đủ thứ quả báo ác để nhắc nhở bạn, làm cho bạn giác ngộ. Nếu chẳng có những nghịch duyên này, những 'tăng thượng duyên' nghịch này, thì người ta sẽ mê hoặc trong thuận cảnh, chẳng biết giác ngộ. Thế nên mỗi khi nghịch cảnh xảy ra, người ta có thể giác ngộ, lập tức quay về, đó chẳng phải là ân đức hay sao! Trong kinh Ðịa Tạng, những việc giống như vậy rất nhiều, chúng ta phải xem xét kỹ. 'Cứu vớt hết thảy những chúng sanh bị nghiệp báo', những chúng sanh khổ nạn tạo nghiệp thọ báo này, đặc biệt là ở địa ngục, trong địa ngục tạo tội nghiệp nặng nhất, thọ khổ cùng cực. Ðịa Tạng Bồ Tát dùng đại nguyện lực để giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn này, nên dùng thân gì để được độ thì Ngài bèn hiện thân đó, nên dùng phương pháp gì để giáo hóa thì Ngài bèn dùng phương pháp đó, thiện xảo phương tiện vô cùng. Cuối cùng nói nếu chẳng phải đại từ lực của Như Lai gia trì, 'thì sẽ chẳng thể biến hóa được như thế', những dụng ý, cách làm này, trong nhà Phật chúng ta gọi là Hành pháp - phương pháp tu hành, đều nhắc nhở chúng ta, đều đau lòng rát miệng thị hiện ở đây để dạy chúng ta. Xin xem đoạn kinh tiếp theo, câu kinh kế tiếp quan trọng phi thường.

Ngã kim hựu mông Phật phó chúc, chí A Dật Ða thành Phật dĩ lai, lục đạo chúng sanh khiển lịnh độ thoát.
Con nay lại được đức Phật phó chúc [từ nay] đến khi Ngài A Dật Ða thành Phật, phải làm cho chúng sanh trong lục đạo đều được độ thoát.
Phía trước chúng ta đã đọc qua, trong đoạn thời gian rất dài sau khi Ngài nhập diệt, đức Phật giao phó việc độ thoát, giáo hóa chúng sanh khổ nạn cho Ðịa Tạng Bồ Tát và hết thảy chư đại Bồ Tát tham dự hội kinh này, nhưng Ðịa Tạng Bồ Tát nắm phần chính yếu. Những câu này là Ðịa Tạng Bồ Tát nhận lời phó chúc của Thế Tôn, ngài y giáo phụng hành. Nói cách khác, khi Phật không còn tại thế, ai sẽ thay thế Phật? Ðịa Tạng Bồ Tát thay thế Phật mãi cho đến khi đức Phật kế tiếp ra đời. Từ đây có thể biết, chúng ta thấy trong bộ kinh này, cũng như ở hết thảy cõi nước chư Phật trong hư không pháp giới, hóa thân của Ðịa Tạng Bồ Tát tận hư không, trọn khắp pháp giới, khi thế giới nào không có Phật trụ thế, người đại diện cho Phật đều là Ðịa Tạng Bồ Tát. Không phải Ngài chỉ đại diện sau khi Thế Tôn diệt độ và trước khi Phật Di Lặc ra đời, mà ở hết thảy các cõi nước chư Phật, trong đoạn thời gian sau khi đức Phật trước diệt độ và trước khi đức Phật kế tiếp ra đời, người thay mặt đức Phật độ hóa chúng sanh đều là Ðịa Tạng Bồ Tát.
Ðịa Tạng Bồ Tát đáng cho người ta tôn kính, hoằng nguyện của Ngài Ðịa Tạng, chư Phật, Bồ Tát không thể không tán thán, không khâm phục. Tại sao vậy? Ngài độ những chúng sanh khó độ nhất, những chúng sanh do Phật độ phần nhiều đều có căn cơ chín muồi rồi, Phật mới xuất hiện đến độ họ. Ðịa Tạng Bồ Tát độ những chúng sanh căn tánh chưa chín muồi, vẫn đang tạo tội nghiệp như cũ, khó độ nhất. Do đó chúng ta phải đọc kỹ bộ kinh này, phải suy nghĩ, phải hiểu nghĩa thú, sau đó mới biết kinh này trong hết thảy kinh điển cũng thuộc về pháp luân căn bản. Ðặc biệt là trong thế giới của chúng ta, chúng sanh ở Diêm Phù Ðề, đây là pháp tu học căn bản của chúng ta. Hiểu rõ đạo lý này, đích thật có thể diệt hết thảy tội, có thể tu hết thảy thiện, tại sao vậy? Muốn có thể hiểu rõ 'chân, vọng, tà, chánh, thị, phi, thiện, ác' chẳng dễ! Nếu chẳng có trí huệ sao độ thì làm không nổi. Câu sau còn hay hơn nữa:

Dụy nhiên, Thế Tôn nguyện bất hữu lự.

Con xin vâng, xin Thế Tôn chớ lo âu.

An ủi Thế Tôn, xin Ngài chớ lo lắng. Trong thời Mạt pháp, pháp diệt lâu dài này, các tội khổ chúng sanh đều do Bồ Tát một vai gánh vác, Bồ Tát gánh vác trách nhiệm giáo hóa chúng sanh. Xin xem kinh văn:

Nhĩ thời, Phật cáo Ðịa Tạng Bồ Tát, nhất thiết chúng sanh vị giải thoát giả, tánh thức vô định, ác tập kết nghiệp, thiện tập kết quả, vi thiện vi ác, trục cảnh nhi sanh, luân chuyển ngũ thú, tạm vô hưu tức, động kinh trần kiếp, mê hoặc chướng nạn.

Bấy giờ Phật nói với Ðịa Tạng Bồ Tát: 'Hết thảy chúng sanh chưa được giải thoát thì tánh thức không định, quen làm điều ác thì kết thành nghiệp, quen làm điều thiện thì kết thành quả; làm thiện làm ác đều theo cảnh mà sanh, luân chuyển trong Năm Ðường, chưa từng ngưng nghỉ, trải qua trần kiếp, mê hoặc chướng nạn

Ðây là lời đức Phật nói với Ðịa Tạng Bồ Tát, theo thói quen thì chúng ta gọi là khai thị cho Ðịa Tạng Bồ Tát. Nói thật ra, Bồ Tát ở đây là thay mặt cho chúng ta, Thế Tôn khai thị cho Bồ Tát, nhưng thực tế là khai thị cho chúng ta. Hiện nay chúng ta đang ở trong trạng thái gì, ở đây đức Phật nói rõ. Chúng ta tự mình nói không được, tự mình mê hoặc điên đảo, đức Phật hiểu rõ, nhắc nhở chúng ta.
'Hết thảy những chúng sanh chưa giải thoát', chúng ta phải hiểu hai chữ 'giải thoát', 'giải' là nói về phiền não, phiền não chẳng giải trừ, thuật ngữ ngày nay gọi là 'giải phóng', phiền não chưa được giải phóng. 'Thoát' là nói về sanh tử, sáu nẻo luân hồi, bạn chưa thể thoát khỏi sáu nẻo luân hồi. Tám chữ này chỉ chúng sanh trong sáu nẻo. Nếu chỉ nói hết thảy chúng sanh, Tứ Thánh pháp giới ngoài sáu nẻo cũng là chúng sanh, cũng thuộc về chúng sanh hữu tình; nhưng khi thêm chữ 'chưa giải thoát' bèn chuyên chỉ chúng sanh trong sáu nẻo. Chúng sanh trong sáu nẻo có trạng thái như thế nào? 'Tánh thức vô định', 'Tánh' là tâm tánh, 'Thức' là phân biệt, chấp trước; chẳng định, biến đổi quá lớn, niệm trước vừa diệt, niệm sau liền sanh, chẳng nhất định tiếp nối, thường thường thay đổi chủ ý, như vậy gọi là 'tánh thức vô định'. Ðừng nói chúng ta đối với hết thảy người, hết thảy sự, chúng ta chẳng có chủ ý nhất định, đối với mình cũng chẳng khẳng định. Chuyện nghĩ hồi sáng, đến tối bèn thay đổi, đây là sự thật. Trong hết thảy ý niệm, Phật quy nạp thành ba loại lớn: 'thiện, ác, vô ký', là ba loại này. Thiện và ác là tạo nghiệp, vô ký là vô minh, cũng chẳng phải là việc tốt, chúng ta hiểu vô ký cũng tạo nghiệp. Vô ký tạo nghiệp gì? Nghiệp hồ đồ, vô minh hồ đồ, chẳng có trí huệ.

'Ác tập kết nghiệp', đã tạo ác nghiệp thì tương lai phải thọ ác báo. Một ác niệm phải thọ một ác báo, cái gì gọi là một ác niệm? Một ý niệm [dài cỡ] một sát na, một sát na cũng quá dài rồi. Kinh Nhân Vương nói với chúng ta: một khảy móng tay có chín trăm sanh diệt, cũng tức là có chín trăm ý niệm. Khởi một ý niệm thì phải thọ một lần quả báo, trong cuộc đời mấy chục năm của chúng ta tạo ra bao nhiêu nghiệp, làm sao không thọ báo cho được? Quả báo đi theo sự thiện ác của ý niệm, tùy theo cái nhẹ, nặng, lớn, nhỏ, lệch, viên mà quả báo sẽ khác nhau.

'Thiện tập kết quả', 'quả' là nói về thiện báo, phước báo nhân thiên, nhà Phật gọi là tiểu quả. Câu 'Vi thiện vi ác, trục cảnh nhi sanh' là nói một người tại sao lại tạo thiện, tại sao tạo ác? Gặp duyên khởi hiện hành. Thiện, ác là hạt giống chất chứa trong A Lại Da Thức, hạt giống tập khí vĩnh viễn sẽ không tiêu mất, một khi gặp duyên nó sẽ khởi lên. Gặp ác duyên liền moi tập khí ác đem ra, gặp thiện duyên thì hạt giống thiện sẽ khởi lên, tự mình chẳng thể làm chủ, chẳng thể khống chế, thường gọi là chẳng có định lực, chẳng có trí huệ. Trí huệ là quán sát minh liễu, định lực là chẳng bị dụ dỗ, mê hoặc, phải đến cảnh giới này thì con người mới không tạo nghiệp. Nếu chẳng tới cảnh giới này, những sự thị - phi, thiện - ác ở cảnh giới bên ngoài bạn chẳng thể phân biệt rõ
ràng, bạn chẳng biết. Chúng ta là phàm phu chúng ta cũng chẳng biết, Phật dạy chúng ta một nguyên tắc rất tốt, đó là dùng tâm thuần thiện để xem người, xem sự, xem vật, cách này rất tốt, tuyệt đối sẽ được lợi ích. Khi gặp người thiện, việc tốt, thì đây là Phật, Bồ Tát thị hiện chánh diện để dạy chúng ta, khi gặp người ác, chuyện ác thì đây là Phật, Bồ Tát thị hiện nhắc nhở chúng ta; xem hết thảy người, hết thảy sự, hết thảy vật đều là Phật, Bồ Tát thị hiện thì tâm chân thành, tâm cung kính của chúng ta mới có thể sanh khởi.
Trong hội kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử cũng dạy chúng ta giống vậy, năm mươi ba vị Phật, Bồ Tát thị hiện nam nữ, già trẻ, các ngành các nghề chính là xã hội hiện thực của chúng ta. Nếu chúng ta muốn thành tựu ngay trong đời này thì chỉ có học theo cách này mà thôi. Cách học này, nói cho chư vị biết, nhất định chẳng phải miễn cưỡng mình, chẳng phải ép mình nhất định phải có cách nhìn như vậy. Vốn là như vậy, chẳng có tơ hào miễn cưỡng. Trong kinh chúng ta nghe chư Phật, Bồ Tát giảng đơn giản, vắn tắt những nguyên lý, nguyên tắc này. Kinh Hoa Nghiêm nói hết thảy pháp thế, xuất thế gian đều 'duy tâm sở hiện, duy thức sở biến'. Nếu chúng ta chân chánh có thể lãnh hội được ý nghĩa của tám chữ này, có thể ngộ được những gì nói trong kinh Hoa Nghiêm là thật, chẳng giả, chẳng phải dạy chúng ta giả dụ dùng cách nhìn này, mà là chân tướng sự thật. Ðích thật ngoài mình ra, hết thảy người, hết thảy sự, hết thảy vật đều là chư Phật, Bồ Tát đại từ đại bi, đại quyền thị hiện, thành tựu cho phàm phu như mình. Chứ [kinh Hoa Nghiêm] không nói: "Anh cứ thử làm theo cách giả dụ như vậy xem sao!" Nếu [nói vậy] thì không được rồi, không có ý nghĩa như vậy! Có [thật sự thị hiện đại từ đại bi] như vậy thì chúng ta mới tiếp nhận được giáo huấn chân thật của Như Lai.

Cho nên khi chúng ta thấy chuyện thiện, chuyện tốt, người tốt thì phải khích lệ mình, khi thấy người ác, chuyện ác thì phải tự cảnh giác; những người, sự, vật này không có gì chẳng phải là thiện tri thức, không có ai chẳng là Phật, Bồ Tát, được vậy thì chúng ta trong cảnh giới này, cả đời này mới có thể viên thành Phật đạo. Sau khi mình học thành công rồi cũng phải thị hiện cho người khác thấy, cũng nêu gương tốt cho người khác. Chữ 'tốt' ở đây chẳng phải là chữ tốt trong tốt - xấu, 'tốt' trong tốt - xấu là tương đối, chữ 'tốt' ở đây đã buông bỏ hoàn toàn cả hai bên tốt - xấu, là 'tốt chân thật'. Thế nên bạn có thể thị hiện trên mặt chánh, cũng có thể thị hiện trên mặt trái, đều có chung một mục đích làm cho chúng sanh giác ngộ, làm cho chúng sanh quay về, như vậy gọi là 'nêu gương tốt'. Thế nên phải nhớ 'vi thiện vi ác, trục cảnh nhi sanh' (làm thiện làm ác đều theo cảnh mà sanh), cảnh giới là duyên, chỗ khác nhau lớn nhất giữa người giác ngộ và người mê hoặc là quán sát cảnh duyên không giống nhau, vận dụng cảnh duyên để trợ tu chẳng tương đồng. Người giác ngộ thì khéo quán sát cảnh duyên, lợi dụng cảnh duyên để tăng trưởng đạo nghiệp của mình, người mê hoặc thì mê trong cảnh duyên và tạo nghiệp. Ở chỗ này nói 'kẻ chưa giải thoát' là những chúng sanh mê hoặc điên đảo, những chuyện thiện, chuyện ác của họ đều là tương đối. 'Thiện' là thiện pháp trong thế gian, chỉ có thể đạt được thiện quả ở cõi trời và người, chẳng thể thoát khỏi Tam giới. 'Ác' thì nhất định đọa tam ác đạo, tam ác đạo thì địa ngục là chính, ngạ quỷ và súc sanh đều là phụ thuộc.
'Luân chuyển ngũ đạo', 'luân chuyển' là luân hồi, 'ngũ đạo' là chẳng kể A Tu La, chỉ nói Trời, Người, Quỷ, Súc sanh, Ðịa ngục, nói năm đường này. Tại sao không kể A Tu La? Kinh Lăng Nghiêm nói với chúng ta trừ cõi địa ngục ra, bốn cõi kia đều có A Tu La. Quả báo A Tu La lớn nhất là A Tu La ở cõi trời, kế đó là nhân gian A Tu La, trong cõi quỷ cũng có A Tu La, quỷ vương A Tu La ác độc, trong súc sanh cũng có A Tu La, thế nên A Tu La có thể không xếp riêng ra. Nếu xếp riêng ra một cõi A Tu La thì là A Tu La ở cõi Trời. Nếu chẳng xếp riêng thì A Tu La ở cõi Trời gộp chung vô Thiên Ðạo. Thế nên nói ngũ đạo, lục đạo đều giống nhau. 'Luân chuyển ngũ đạo, tạm vô hưu tức' là nói sanh tử luân hồi, trong kinh Đại thừa đức Phật thường nói 'sanh tử mệt mỏi chẳng ngưng nghỉ', ở cõi này chết đi bèn đến cõi khác đầu thai, sanh đến cõi ấy; sanh tử xong rồi lại tử sanh, vĩnh viễn chẳng ngưng nghỉ, thế nên ví như 'bánh xe xoay vần' -- luân chuyển', khổ chẳng thể tả. 'Ðộng kinh trần kiếp', trải qua trần điểm kiếp.
'Mê hoặc chướng nạn'. 'Mê' là vô minh phiền não, trong lục đạo gọi là Kiến Tư phiền não, đây là mê, mê hoặc. 'Chướng', thường nói về Nhị chướng, Tam chướng. Tam chướng 'Hoặc, Nghiệp, Khổ', mê hoặc, tạo nghiệp, thọ báo. Tại sao là 'chướng'? Chướng ngại sự minh tâm kiến tánh của bạn. 'Nạn' là 'Bát nạn', chúng ta thường nói về 'tam đồ, bát nạn', 'nạn' là bạn gặp nạn. Trong 'Tám nạn' đặc biệt phải để ý 'thế trí biện thông' là một trong tám nạn, một số người cứ cho rằng 'thế trí biện thông' là chuyện tốt. 'Trường Thọ thiên' là một trong tám nạn, 'Trường thọ thiên' ở đâu? Tứ Không Thiên. Tại sao nói Tứ Không Thiên là 'bị nạn'? Trong Tứ Không Thiên chẳng có Phật, Bồ Tát giảng kinh thuyết pháp. Nói 'nạn', tám thứ nhân duyên, mù điếc câm tám thứ nhân duyên chướng ngại cơ duyên nghe pháp của bạn, làm cho bạn chẳng dễ tiếp xúc đến Phật pháp, chẳng có cơ hội học Phật, như vậy gọi là gặp nạn, chẳng phải nạn thường, chẳng có cơ hội học Phật chính là gặp nạn. Trường Thọ Thiên, sanh đến cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, thọ mạng tám vạn đại kiếp, trong thời gian dài tám vạn đại kiếp này chẳng được tiếp xúc đến Phật pháp, bạn nói xem: Như vậy thì đáng tiếc dường nào!
Trong kinh này, Phật, Bồ Tát tán thán người ở cõi Diêm Phù Ðề chúng ta. Người ở Diêm Phù Ðề tuy rất dễ tạo tội nghiệp, nhưng cũng có chỗ tốt, [tức là] cũng rất dễ [giác ngộ và biết] quay về cho nên Phật, Bồ Tát tán thán. Ðịa Tạng Bồ Tát nói khi chúng ta làm việc thiện, việc thiện rất nhỏ, 'như sợi lông, như một giọt' chuyện thiện nhỏ nhoi như vậy Phật, Bồ Tát nhìn thấy cũng hoan hỷ, đều vui lòng đến giúp đỡ. Ðây là nói chúng sanh ở địa phương này tuy tạo nghiệp nhưng dễ quay về. Còn cõi trời, càng lên cao càng khó quay về. Trong kinh Phật có nói đến 'Hai mươi thứ học Phật khó'. 'Giàu sang học Phật khó', người cõi trời giàu sang, mỗi ngày hưởng phước, hưởng được rất tự tại, học Phật gian khổ như vậy nên họ chẳng chịu học, họ chẳng biết khổ. 'Bần cùng học đạo khó', một ngày ba bữa ăn không no, mỗi ngày đều chịu đói, trong trạng thái đói meo như vậy thì còn có lòng dạ gì nữa để học Phật! Ví trên trời là giàu sang, tam ác đạo ví là bần cùng, cả hai đều khó khăn. Thế nên, người nào trong nhà tương đối đủ ăn, cũng không giàu có lắm, cũng chẳng bị chết đói, hạng người này dễ giác ngộ, họ biết khổ, dễ giác ngộ. Thế nên Nhị chướng, Tam Chướng, Bát Nạn chẳng dễ thoát ly. Phía dưới Thế Tôn lại dùng thí dụ để nói:
Như ngư du võng, tương thị trường lưu, thoát nhập tạm xuất, hựu phục tao võng.

Như cá bơi trong lưới theo dòng nước chảy, tạm thoát ra được rồi lại mắc vào lưới.

'Ngư' ví chúng sanh, chúng sanh trong lục đạo. 'Võng' ví như lục đạo, tam giới lục đạo. 'Trường lưu' ví như tạo nghiệp, luôn tạo vĩnh viễn chẳng dứt. 'Thoát nhập' ví như sanh tử luân hồi. Ví như chúng sanh trong lục đạo 'tánh thức vô định', giống như cá bơi đi khắp nơi, chẳng có phương hướng, mục tiêu nhất định, thường bơi vào trong lưới. 'Võng' là la võng (lưới rập), [tức là] lưới rập của Ma, 'Ma' là gì? Ma là chiết ma [tức là] dày vò, thân tâm của bạn vĩnh viễn bị dày vò, phá hoại, khổ chẳng nói nổi. Nguyên nhân căn bản là như câu nói trong Phật pháp: 'Ái chẳng nặng chẳng sanh Sa Bà, Niệm chẳng nhất chẳng sanh Tịnh Ðộ'. Thuyết minh nguyên nhân căn bản của lục đạo luân hồi là gì? 'Tình chấp', đây chẳng phải là chuyện tốt. 'Tình' là cái gì? Nói cho chư vị biết, 'tình' tức là trí huệ, giác ngộ thì nó là trí huệ, khi mê thì nó là 'tình'.  Trong kinh Phật thường nói: 'Phiền não tức Bồ Ðề', lúc giác ngộ thì phiền não là Bồ Ðề, lúc mê thì Bồ Ðề là phiền não. Chư vị nhất định phải biết trí huệ vô lượng vô biên,phiền não cũng vô lượng vô biên, một mê thì hết  thảy đều mê, đem trí huệ vô lượng vô biên trong tự tánh đều biến thành phiền não, tình chấp. Một khi giác ngộ rồi thì tất cả hết thảy vô lượng vô biên phiền não khôi phục trở thành vô lượng vô biên trí huệ, đều ở trong một niệm. Nhất định phải giác! Nhất định phải minh bạch, hết thảy tình, ái của lục đạo chúng sanh phía trước đều có một nguyên tắc cơ bản tồn tại: tánh thức vô định; nói cách khác 'tình' của họ vô định, 'ái' của họ vô định. Ngày nay 'ái', ngày mai không 'ái', hôm nay có 'tình', ngày mai vô 'tình', đều chẳng định.
Thế nên bạn nhất định phải biết, người thế gian bất luận nói tình, nói ý, nói ái với bạn, trong lòng bạn nhất định phải hiểu rõ ràng, minh bạch, giác ngộ, đó là gì? Ðều là tình ý giả dối, đừng cho là thiệt. Nếu bạn cho là thiệt thì bạn sẽ mắc lầm. Lầm cái gì? Cái lầm của sanh tử luân hồi, chẳng phải thiệt. Nói cho chư vị biết chỉ có Phật, Bồ Tát mới có 'chân ái', 'chân tình', vĩnh viễn chẳng biến. Vì tánh thức của Phật, Bồ Tát là định, còn tánh thức của phàm phu chúng sanh là bất định. Cho nên cái 'tình' của Phật, Bồ Tát thật sự là 'chân tình', 'chân ái', họ chẳng dùng danh từ tình và ái, các ngài dùng 'từ', dùng 'bi', từ bi chính là chân tình chân ái, vĩnh viễn chẳng biến đổi, việc này chúng ta phải hiểu rõ. Chúng ta phải học theo Phật, Bồ Tát, đối với hết thảy chúng sanh thật sự có tình, thật sự thương yêu, vĩnh viễn chẳng thay đổi, trong kinh thường gọi là 'vô duyên đại từ, đồng thể đại bi'.
Ở đây chúng ta có thể nói thêm vài câu, trong hết thảy kinh điển trong bốn mươi chín năm Phật thường nói, chẳng biết là đã nói bao nhiêu lần, mục đích đều là để nhắc nhở chúng ta. Năm xưa lúc Phật giảng kinh thuyết pháp, mỗi ngày đều có thính chúng mới đến, Phật rất từ bi, 'trong nhà Phật chẳng xả [bỏ] một ai', có một người mới lại chưa nghe những khai thị quan trọng thì Phật đều lập lại thêm lần nữa. Mê mất tự tánh, tâm tánh chẳng định, tình và ái sanh khởi từ đây đều là tạm thời ngắn ngủi, rất dễ thay đổi, nhất định chẳng phải thiệt. Chúng ta phải học Phật, tình và ái của Phật đều là chân thật, vĩnh hằng chẳng thay đổi. Vả lại tình và ái này đều thanh tịnh, mảy trần chẳng nhiễm. Và bình đẳng, chẳng phải là đối với người này thì thương, đối với người kia thì ghét, là tận hư không, trọn khắp pháp giới. Ðối với Phật, Bồ Tát kính ái, đối với địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cũng kính ái, sự kính ái này đều bình đẳng. Chẳng phải đối với Phật, Bồ Tát thì thêm một phần, đối với súc sanh thì kém một phần, tuyệt chẳng có hiện tượng này. Tại sao? 'Ðại ái' của các ngài lưu lộ từ tự tánh, là đức năng vốn sẵn có trong chân tâm.
Ðề kinh của kinh Vô Lượng Thọ có ghi 'Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác', lòng từ bi, thương yêu rộng lớn của ngài tuyệt đối tương ứng với thanh tịnh, bình đẳng, giác. Nếu chẳng tương ứng với thanh tịnh, bình đẳng, giác thì đó là tình thức vô định. Tại sao vậy? Tâm ý thức làm chủ. Phàm phu chúng ta dùng tâm ý thức, tâm ý thức chẳng định, chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng. Cho nên hết thảy lục đạo chúng sanh chẳng thể thoát ra khỏi sanh tử luân hồi, nguyên nhân chủ yếu là ở chỗ này. Do đó có thể biết đời này chúng ta niệm Phật muốn cầu sanh tây phương Cực Lạc thế giới, [chúng ta] thường nói phải nhìn thấu suốt, phải buông xuống. Ðây là việc thứ nhất phải buông xuống, phải buông xuống tình ý giả dối của thế gian, buông xuống triệt để. Sau khi buông xuống thì nhấc lên, nhấc lên 'vô duyên đại từ, đồng thể đại bi' của Phật, Bồ Tát. 'Buống xuống được, nhấc lên nổi'. Phát khởi lòng thương rộng lớn của Phật, Bồ Tát, bạn có thể xả mình vì người, cái gì cũng có thể hy sinh, cái gì cũng có thể buông xả để làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh, đó chính là học theo Ðịa Tạng Bồ Tát. Xin xem tiếp kinh văn:

Dĩ thị đẳng bối, ngô đương ưu niệm.

Vì những kẻ đó mà Ta phải lo nghĩ.

Thế Tôn đang ưu niệm chính là việc này. Thế Tôn chẳng lo việc khác, lo nghĩ hết thảy tội khổ chúng sanh trong tận hư không, trọn khắp pháp giới, ngài chẳng vì một người nào đó. Phía trước chúng ta thấy, Ma Gia phu nhân hình như có một chút tình chấp, đặc biệt lưu luyến Diêm Phù Ðề chúng sanh, lúc Ðịa Tạng Bồ Tát nói pháp cho bà thì tâm lượng ấy rộng lớn hơn nhiều, đều là làm khuôn mẫu cho chúng ta xem. Ma Gia phu nhân làm đúng hay sai? Ðúng. Ðúng như thế nào? Chúng ta giúp đỡ chúng sanh thì bắt đầu từ chỗ gần nhất, không thể nói chẳng lo chỗ gần, đi lo những chỗ ở xa, chẳng có lý này, chẳng hợp lý, chẳng hợp pháp. Giúp đỡ người nhất định phải bắt đầu từ chỗ gần rồi tới chỗ xa. Chỗ nào là gần? Người nhà của bạn là gần nhất, muốn độ chúng sanh hãy độ người nhà trước. Tại sao độ người nhà không được? Vì chính mình chẳng làm được hoàn hảo, làm chẳng đúng như pháp, người nhà của bạn chẳng tin tưởng. Nếu bạn làm đúng như pháp, người nhà sanh tâm cung kính, khâm phục bạn, chịu học theo bạn, chịu nghe lời của bạn. Thế nên bạn phải làm đúng như pháp, tự mình phải làm ra một hình dáng tốt đẹp cho người ta thấy. Sau đó làm ra cho thân thích bạn bè, và những người quen biết thấy, dần dần mở rộng phạm vi này. Ma Gia phu nhân dạy chúng ta cách khéo léo độ chúng sanh, còn Phật, Bồ Tát dạy chúng ta một cách toàn diện: tất cả đều là thiện tri thức, đều vì dạy chúng ta nên mới làm ra những sự thị hiện này, họ biểu diễn cho chúng ta coi. Nói thật ra, làm thế nào mới có thể phát triển Phật pháp, làm cho hết thảy chúng sanh hoan hỷ tiếp nhận? Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện này là 'kịch bản' tốt nhất, có thể đem nó lên sân khấu, đem nó diễn thành phim truyện, thành phim điện ảnh, chẳng có ai không thích, không ưa, thiện xảo phương tiện làm lợi ích cho chúng sanh.
Nhưng muốn làm việc này, nói thật ra phải nên hướng về phía này mà phát triển, những người biên kịch, đạo diễn, diễn viên nên đến giảng đường học trước, chúng ta giảng kinh này rõ ràng từ đầu đến cuối, mọi người đều phát tâm làm Ðịa Tạng Bồ Tát, mọi người đều phát tâm tạo dựng sự nghiệp Ðịa Tạng, sau đó phim này chắc chắn sẽ diễn thành công. Hiện nay cũng có một số phim điện ảnh, phim kịch về Phật Giáo, tôi xem thử [thì thấy] cũng không lý tưởng cho lắm. Nguyên nhân là gì? Ðạo diễn, diễn viên chẳng hiểu Phật pháp nên hiệu quả đương nhiên còn rất kém. Diễn viên, đạo diễn phải thật sự hiểu giáo nghĩa, thâm giải ý thú thì kịch bản của họ, kỹ thuật diễn kịch mới có thể thể hiện rộng lớn trí huệ cao độ, mới có thể đạt đến mức thiện xảo phương tiện. Chúng ta có tâm này, nguyện này, nhưng duyên chưa đủ. Ngày nay chẳng có những diễn viên, đạo diễn điện ảnh, truyền hình cùng chúng ta học Phật nên hiện nay chúng ta làm chuyện này không được. Nếu có một nhóm người như vậy, nhân duyên thành thục rồi thì chúng sanh có phước báo to lớn, chúng sanh toàn thế giới sẽ có phước báo to lớn, toàn bộ kinh Hoa Nghiêm cũng có thể đem lên sân khấu. Tuy chúng ta chẳng giảng kinh Hoa Nghiêm được bao nhiêu, mới giảng được một chút, các bạn nghe [giảng] cũng được hưởng đạo vị, đều có thể mang lên sân khấu. Trong đời sống hằng ngày mỗi thứ chúng ta đều có thể làm gương mẫu trong sanh hoạt. Thế nên học Phật, Bồ Tát tức là học biểu diễn, chúng ta chẳng diễn trên sân khấu của nghệ sĩ, hiện nay chúng ta diễn trên sân khấu của xã hội. Phải biết làm thế nào diễn vở kịch này cho hoàn hảo, làm cho những chúng sanh chưa giải thoát xem đến vở kịch này có thể cảm ngộ, có thể cảm động, có thể giác ngộ thì có thể đạt đến mục đích hoằng pháp lợi sanh vậy.
Chúng ta xem thử Phật lo nghĩ những gì? Ngày nay chúng ta lo nghĩ những gì? Những gì chúng ta lo âu đều sai, đều là giả. Chúng ta lo âu cái thân của mình, tánh mạng tài sản, đều là giả chẳng thật. Thân là vô thường, vật ngoài thân càng chẳng thể được, nhất định phải hiểu đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật. Hết thảy của chư Phật, Bồ Tát đều chân thật, chúng ta phải tin sâu, hết lòng học tập, y giáo phụng hành. Xem tiếp câu phía sau:

Nhữ ký tất thị vãng nguyện, lũy kiếp trọng thệ, quảng độ tội bối, ngô phục hà lự.

Đời trước ông đã phát nguyện, nhiều kiếp lập trọng thệ, quảng độ những kẻ có tội, thì Ta còn lo gì nữa.

Thế Tôn nghe Địa Tạng Bồ Tát báo cáo cũng vô cùng hoan hỷ, nói ông đã 'tất thị vãng nguyện', Địa Tạng Bồ Tát phát nguyện độ chúng sanh chẳng phải ở ngày hôm nay, vô lượng kiếp trước ngài đã phát nguyện này, nhiều đời kiếp thực tiễn nguyện vọng này của ngài, vả lại đã phát nhiều lần. Giống như chúng ta mỗi ngày đều niệm Tứ
Hoằng Thệ Nguyện 'Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô lượng thệ nguyện đoạn', mỗi ngày chúng ta đều 'niệm' tứ hoằng thệ nguyện, chứ chẳng 'phát' tứ hoằng
thệ nguyện, nếu thật sự 'phát' được thì còn phải nói nữa ư! Nếu quả thật đã phát nguyện này thì bạn sẽ chẳng là phàm phu nữa. Không là phàm phu thì là gì? Bạn sẽ là Phát Tâm Trụ Bồ Tát. Chúng ta coi kinh Hoa Nghiêm nói Phát Tâm Trụ Bồ Tát là địa
vị gì? Địa vị Sơ Trụ trong Viên Giáo, bạn đã siêu việt lục đạo, siêu việt thập pháp giới, tứ hoằng thệ nguyện đã phát thật sự bèn siêu việt. Không những chẳng còn trong lục đạo, bạn cũng chẳng còn trong thập pháp giới, vừa phát liền siêu việt. Mỗi ngày đều
niệm thì không được, 'niệm' thì không thể siêu việt, phải chân thật 'phát'. Chúng ta quan sát cặn kẽ, tứ hoằng thệ nguyện có phải là Địa Tạng Bổn Nguyện hay không? Phải, chẳng sai khác gì cả. Hôm nay tại cung trời Đao Lợi, Địa Tạng Bồ Tát cũng phát
nguyện nữa, tiếp nhận lời phó chúc của Thế Tôn giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn này. Thế Tôn ở nơi đây nói lời này là tán thán Ngài. 'Lũy kiếp trùng thệ', chữ này đọc [như âm của chữ] 'trọng' cũng được, đọc âm chữ 'trùng' cũng được, đều được hết.
'Trọng' là lời nguyện của ngài rất nặng. 'Trùng' là Ngài đã phát nguyện nhiều lần rồi, hai cách đọc chữ này, hai ý nghĩa này đều hợp lý. Phật thấy họ sốt sắng gánh vác thì cũng rất an ủi, chẳng phải âu lo nữa, chẳng phải bận tâm nữa.
Thật ra hoàn toàn là biểu diễn cho chúng ta coi, chư vị phải hiểu, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng hóa thân làm Địa Tạng Bồ Tát. Tại sao không dùng thân Phật để xuất hiện trong thế gian này, tiếp tục thuyết pháp cho chúng ta? Không thể được, những chúng sanh này tâm thức chẳng định. Chư vị phải hiểu, nếu thấy Phật trụ thế lâu dài, chúng sanh sẽ giải đãi, làm biếng: 'Không sao đâu, hôm nay không nghe kinh, ngày mai Ngài cũng sẽ giảng nữa, năm nay không học, hai năm sau học cũng chẳng trễ, lúc nào Ngài cũng giảng mà!'. Nếu nói Phật sẽ lập tức diệt độ thì họ sẽ khẩn trương, 'phải học mau lên, không học thì sẽ chẳng còn cơ hội nữa', họ sẽ khẩn trương lên. Thế nên Phật thị hiện diệt độ, thị hiện trụ tại thế gian đều là thiện xảo phương tiện, chúng ta phải hiểu
ý nghĩa này. Việc cầu học không phải cũng vậy hay sao.
Lúc trước tôi học ở Đài Trung, trong một thời gian ngắn, tôi đạt được lợi ích nhiều hơn phần đông những bạn học khác. Vì nguyên nhân gì? Chúng tôi là người ở phương xa đến, đến Đài Loan làm khách, thời gian rất ngắn, phải học mau mau, học hết lòng, không thôi thì đến một ngày nào đó sẽ mất cơ hội. Những người cư trú ở thị xã Đài Trung chẳng có quan niệm này, thầy Lý thường trú ở thị xã Đài Trung, năm nay không thành thì vẫn còn năm tới, năm tới không thành thì cũng còn năm tới nữa. Có tâm ấy thì vĩnh viễn sẽ làm biếng, mãi đến lúc thầy Lý vãng sanh cũng vẫn chưa học
thành tựu. Thầy Lý cư trú ở Đài Trung suốt ba mươi tám năm, tâm lý này chẳng giống nhau. Chúng tôi đến làm khách, tâm trạng này rất khẩn trương, phải nắm chắc lấy cơ hội này, biết rằng một khi mất cơ hội thì chẳng dễ gì kiếm lại được. Phật, Bồ Tát xuất
hiện ở thế gian này, dùng thân phận của Phật để xuất hiện cũng là ý nghĩa này, chẳng thể trụ lâu dài. Thị hiện trụ thế lâu dài thì chúng sanh trở về sau sẽ lười biếng, lời giáo học của Phật sẽ chẳng linh nữa, thế nên không thể thị hiện trụ lâu dài. Xin xem tiếp đoạn kinh văn kế tiếp, Thế Tôn và Địa Tạng Bồ Tát một bên hỏi, một bên trả lời, kế bên lại thêm một vị Bồ Tát vào.

Thuyết thị ngữ thời, hội trung hữu nhất Bồ Tát Ma Ha Tát

Nói đến đây, trong hội có một vị Bồ Tát Ma Ha Tát.

Những Bồ Tát này đều là Đẳng Giác Bồ Tát, đều chẳng phải là Bồ Tát thường.
Danh Định Tự Tại Vương Hiệu là Định Tự Tại Vương. Từ danh hiệu này của Ngài chúng ta liền biết, Ngài được đại tự tại trong thiền định. Trong Phật pháp thường nói: 'Na Già thường tại định, vô hữu bất định thời' 6[6].
------------
6[6] Na Già là dịch âm tiếng Phạn chữ nāga, có nghĩa là rồng, voi, vô tội, bất lai. Đây là thuật ngữ để xưng tụng Phật hoặc bậc A La Hán. Sách Huyền Ứng Âm Nghĩa chép: "Kinh Khổng Tước gọi Phật làNa Già, do Phật chẳng còn sanh tử". Đại Trí Độ Luận quyển ba chép: "Ma Ha là lớn, Na là Vô, Già là Tội. A La Hán đã đoạn các phiền não, nên gọi là Đại Vô Tội". Thiền Định của đức Phật cũng gọi là N
------------
Bạch Phật ngôn: 'Thế Tôn, Địa Tạng Bồ Tát lũy kiếp dĩ lai các phát hà nguyện, kim mông Thế Tôn ân cần tán thán duy nguyện Thế Tôn lược nhi thuyết chi.'

Bạch đức Phật: 'Bạch Thế Tôn, Địa Tạng Bồ Tát từ nhiều kiếp đến nay đã phát nguyện gì mà nay được Thế Tôn ân cần khen ngợi như thế? Cúi mong đức Thế Tôn lược nói cho'.

Trong đại hội, Thế Tôn tán thán Địa Tạng Bồ Tát, Định Tự Tại Vương Bồ Tát đâu phải là không biết, đã biết rõ nhưng vẫn hỏi. Vì ngài biết hội kinh này khi kết tập kinh tạng nhất định sẽ truyền lâu xa, những người chẳng tham gia hội này thấy thái độ đức Phật tán thán Địa Tạng Bồ Tát, chắc không khỏi hoài nghi. Bồ Tát rốt cuộc có những nguyện gì, có đức hạnh gì mà được Thế Tôn tán thán như vậy? Nhưng những người không tham gia pháp hội phải đi đâu hỏi? Sau này dù cho có những câu hỏi này nhưng cũng chẳng có chỗ để hỏi. Định Tự Tại Vương Bồ Tát từ bi, ngài biết được, thay thế chúng ta đặt câu hỏi để Thế Tôn nói rõ cho chúng ta biết, đoạn trừ nghi hoặc của chúng ta. Thế nên cách đặt câu hỏi này trong kinh Phật gọi là 'câu hỏi đem lại lợi lạc cho hữu tình', đáng để chúng ta học tập. Có khi chúng ta chẳng có nghi hoặc nhưng
nghĩ đến người khác có thể nghi hoặc thì cũng phải đặt câu hỏi. Đặc biệt là ngày nay chúng ta lợi dụng phương pháp khoa học, giảng kinh, diễn giảng gì cũng thâu hình, thâu âm rồi phổ biến lưu thông, cho nên nghe kinh không nhất định phải ở hiện trường, có thể phía ngoài hiện trường người nghe càng nhiều hơn, chẳng thể thống kê. Nếu họ có nghi hoặc thì đi đâu để hỏi? Thế nên đặt những câu hỏi nhằm đem lại lợi ích cho hữu tình, chúng ta nên học theo. Xin xem kinh:

Nhĩ thời Thế Tôn cáo Định Tự Tại Vương Bồ Tát: 'Đế thính, đế thính, thiện tư niệm chi, Ngô đương vị nhữ phân biệt giải thuyết'.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Định Tự Tại Vương Bồ Tát: 'Lắng nghe, lắng nghe, hãy khéo suy xét, Ta sẽ vì ông mà giải bày rõ ràng'.

Bồ Tát đặt câu hỏi, Thế Tôn nhất định sẽ giải đáp, vả lại Thế Tôn biết câu trả lời này có thể đem lại lợi ích cho rất nhiều, vô lượng vô biên đại chúng chẳng có mặt lúc ấy. Trước lúc khai thị, những câu này giới khuyến Bồ Tát, nói thật ra chính là giới khuyến đại chúng hiện tiền chúng ta, phải 'lắng nghe, lắng nghe, hãy khéo suy xét', tám chữ này rất quan trọng. Chúng ta nghe có hiểu ý của Phật không then chốt ở tám chữ này. Trong bài khai kinh kệ nói: 'Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa', nếu chẳng có
tám chữ này thì bạn sẽ rất khó giải nghĩa chân thật của Như Lai. 'Đế' là gì? 'Đế' là chân thành, dùng tâm chân thành để nghe. Chân thành là gì? Rời khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì gọi là 'đế thính'; nói cách khác, lúc nghe pháp trong tâm
chẳng được phép có vọng tưởng, được vậy thì gọi là 'lắng nghe'. 'Thiện tư niệm chi', 'thiện tư' tức là 'chỗ ngộ', sau khi nghe xong sẽ có chỗ ngộ, nhà Phật chúng ta gọi là khai ngộ, nghe pháp khai ngộ. Lắng nghe mới có thể khai ngộ, ngộ xong phải 'niệm chi', niệm là hạnh, 'niệm tư tại tư' (niệm ở đâu thì chú tâm ở đó). Trong tám chữ này đều bao gồm cả tín, nguyện, hạnh, đều gói gọn trong ấy. Đây là tâm niệm, thái độ nhất định phải có khi nghe pháp, nếu chẳng có tâm này, chẳng có thái độ này thì giống như
câu: 'nghe mà cũng như chưa nghe, nghe mà cũng như chẳng nghe'. Nghe pháp như vậy cũng giống như chẳng nghe gì cả, vậy thì uổng lắm.

Nãi vãng quá khứ vô lượng a tăng kỳ na do tha bất khả thuyết kiếp

Vào thuở quá khứ, vô lượng a-tăng-kỳ na-do-tha số kiếp chẳng thể nghĩ bàn

Đây là nói về chuyện xưa của Địa Tạng Bồ Tát. Giới thiệu vị Bồ Tát này cho chúng ta, cho chúng ta nhận biết, hiểu rõ Địa Tạng Bồ Tát, sau đó chúng ta mới tin tưởng ngài, mới chịu học theo ngài. Phải nói rõ nhân duyên tu học đời quá khứ của Địa Tạng Bồ Tát, sự tích của Địa Tạng Bồ Tát trong vô lượng kiếp vĩnh viễn nói chẳng hết,
chỉ có thể nêu ra vài chuyện trong những sự tích này. Đây là do Thích Ca Mâu Ni Phật nói cho chúng ta, một chuyện lúc Địa Tạng Bồ Tát vừa phát tâm, thời gian lúc ấy quá lâu rồi, chúng ta thường nói đây là con số thiên văn.

Nhĩ thời hữu Phật.

Lúc đó có đức Phật.

Ở thời đại đó, trong những kiếp xa xôi, thời đó có một vị Phật.

Hiệu Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Hiệu là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri,
Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Mười hiệu này trong nhà Phật là thông hiệu của chư Phật, mười hiệu này hiển thị trí huệ đức năng trên quả địa Phật. Khi thành Phật, chứng quả thì trí huệ, đức năng vô lượng vô biên, và xưng tán, tuyên thuyết chẳng hết. Phật đem vô lượng vô biên trí huệ,
đức năng trên quả địa quy nạp thành mười loại, rồi dùng mười đức hiệu này để biểu thị. Mười đức hiệu này chúng ta nói sơ lược qua: 'Nhất thiết trí thành tựu' là biệt hiệu của Phật, hết thảy trí huệ thành tựu rồi. Từ 'Như Lai' trở về sau cả mười hiệu này là 'thông hiệu', mỗi vị Phật đều có mười danh hiệu này, đây là việc chư vị đồng tu phải ghi nhớ, phải hiểu, đừng hiểu lầm. Vì có nhiều người nói [và hỏi] các vị Phật, 'vị Phật nào lớn nhất? Như Lai Phật lớn nhất'. Đây là một quan niệm sai lầm, coi tiểu thuyết nhiều quá rồi, Tôn Ngộ Không chẳng nhảy ra khỏi bàn tay của Như Lai Phật. Mỗi vị Phật đều xưng là Như Lai, cho nên Như
Lai là thông hiệu. 'Như Lai' phải giải thích làm sao? Một cách nói đơn giản nhất, Phật hiện nay giống như cổ Phật tái lai nên gọi là Như Lai. Phật Phật đạo đồng, khi thành Phật rồi thì cái gì cũng bình đẳng, hoàn toàn tương đồng. Bồ Tát không thể giống Bồ Tát, chẳng hoàn toàn giống nhau, Phật cùng Phật là hoàn toàn giống nhau, thế nên mới nói Phật ngày nay giống như cổ Phật tái lai. Nếu nói ý nghĩa đó sâu thêm, trong kinh Kim Cang có một cách giải thích 'Như Lai giả, chư pháp như nghĩa', cách giải thích này rất hay.
'Chư pháp như nghĩa', chữ 'như' này là gì? Như chính là chân như bản tánh. Tất cả hết thảy chư pháp và chân như bản tánh đều tương ứng, đó gọi là 'Như Lai', ý nghĩa này nói vô cùng viên mãn, nếu từ mặt Lý mà nói. Nói như cổ Phật tái lai là nói từ mặt
Sự. Còn rất nhiều ý nghĩa khác, chúng ta lược bớt.  'Ứng Cúng', cúng là cúng dường. Trong hết thảy mọi người, Phật là 'người thiện' chân thật cứu cánh viên mãn, người có đại trí huệ cứu cánh viên mãn, đức năng
to lớn, là gương tốt cho chúng ta, thầy tốt của chúng ta, đáng được chúng ta cúng dường; chúng ta cúng dường ngài sẽ có phước báo. Thế nên mới gọi là Ứng Cứng, đáng được người, trời cúng dường.
Thông hiệu thứ ba, 'Chánh Biến Tri'. 'Tri' là chẳng có gì không biết, 'Biến' là
phổ biến, chẳng có gì ngài chẳng biết. Không những biến tri mà còn thật sự biến tri, những gì ngài biết chẳng có gì sai lầm. Hết thảy kinh pháp do Phật nói đâu thể nào có sai lầm! Nếu có sai lầm đại khái đều vì người sau này dùng ý tứ riêng của mình sửa đổi
nên mới sanh ra sai lầm. Thế nên kinh điển lưu thông đến ngày hôm nay, được phiên dịch trải qua mấy ngàn năm, thời cổ những bản viết tay khó tránh khỏi có chữ sai, bỏ sót câu văn, ngày nay chúng ta làm những việc này đều biết, là một chuyện rất khó khăn. Dù phát hiện có chữ nào đó trong kinh có thể chẳng đúng lắm, là chữ sai, chỗ nào đó có vấn đề, cũng tuyệt đối không thể sửa đổi. Nếu bạn phát hiện ra, có thể ghi chú ở kế bên, dùng cách ghi chú ở ven bìa, nguyên văn không thể sửa đổi. Đây là vì đạo lý gì? Tôi cảm thấy chỗ này không đúng nên tôi sửa một chút, bạn cảm thấy chỗ kia không đúng nên sửa một chút, vậy thì thôi rồi, thêm vài chục năm nữa cuốn kinh này hoàn toàn bị sửa đổi mất hết, chẳng thể đọc tụng được nữa. Thế nên cho dù có sai lầm cũng không thể sửa đổi, chỉ có thể chú thích thêm. Những đại đức từ xưa đến nay đã làm được rất hoàn hảo, họ phát hiện có chữ sai, chữ đó có thể là chữ gì hoặc chữ đó đáng lý phải là chữ gì, họ chú thích ở kế bên, chẳng sửa đổi nguyên văn, giữ bộ mặt sẵn
có lúc ban đầu vĩnh viễn được lưu truyền mãi mãi, làm lợi ích cho hàng hậu học. Đây là một cách làm có trách nhiệm đối với lịch sử, đối với chúng sanh, chúng ta phải học theo, đây là Chánh Biến Tri. Một số tín đồ tôn giáo khen ngợi Thượng Đế là toàn năng, toàn tri, Chánh Biến Tri chính là toàn năng, toàn tri. Nói thật ra, Thượng Đế thật chẳng phải toàn năng, toàn tri, Phật mới toàn năng toàn tri. Phật là ai? Phật là chân tâm bản tánh của chúng ta, chân tâm bản tánh của chúng ta mới thật sự là toàn năng, toàn tri. Vì tận hư không, trọn khắp pháp giới đều là tâm tánh biến hiện mà ra, tâm tánh làm gì không biết được, làm gì không nổi? Thế nên đây là một cách nói rất hợp lý. Nếu tâm tánh của chúng ta hoàn toàn thấu lộ ra rồi, hoàn toàn hiển thị ra, đối với quá khứ, vị lai của cả vũ trụ đích thật
đều là chánh biến tri, đây chẳng phải giả.
'Minh, Hạnh Túc', 'Túc' là viên mãn, 'Minh' tượng trưng trí huệ, 'Hạnh' tượng trưng cho tu học, hai thứ đều viên mãn, đây là dùng danh từ Phật pháp để nói, tánh tu viên mãn. Minh là Bát Nhã trí huệ của tự tánh, là tánh đức; Hạnh là tu đức. Lúc còn chưa viên mãn thì gọi là Bồ Tát, đã viên mãn thì gọi là Phật. Cũng có thể xem như Giải Hạnh viên mãn, 'Minh' là Giải, 'Hạnh' là tu hành, Giải Hạnh viên mãn.
'Thiện Thệ', trong Đại Thừa kinh điển thường gọi là 'Vô Trụ Niết Bàn'. Vô Trụ
Niết Bàn đích thật là Thiện Thệ, tại sao? 'Thiện' này chẳng trụ sanh tử, chẳng trụ Niết Bàn, vậy mới gọi là Thiện. Phàm phu trụ sanh tử, chẳng thiện, chết rồi lại đầu thai, chẳng thiện. Nhị Thừa trụ Niết Bàn cũng chẳng thiện, đọa cái hố Vô Vi, chẳng khởi tác dụng. Phật cùng đại Bồ Tát là thiện. Sanh tử, Niết Bàn hai bên đều chẳng trụ, như vậy mới thật sự là Thiện Thệ. Chẳng trụ Niết Bàn nên ngài tùy loại hóa thân, nên dùng thân
gì để độ thì ngài hiện thân ấy. Chẳng trụ sanh tử, tuy độ chúng sanh, tuy hóa hiện nhiều thân độ hết thảy chúng sanh, mảy trần chẳng nhiễm, trong tâm sạch sẽ, làm mà không
làm, không làm mà làm. Cũng nói không những chẳng chấp trước trên sự tướng, trong tâm cũng chẳng lưu dấu vết, đây tức là chẳng trụ sanh tử. Chư vị phải biết, chẳng trụ sanh tử chính là trụ Niết Bàn, chẳng trụ Niết Bàn chính là trụ sanh tử. Ngài cả hai bên đều chẳng trụ, hai bên viên dung, chân chánh gọi là 'đại Niết Bàn', đây là đại Niết Bàn trên quả địa Như Lai; Đại Niết Bàn là cả hai bên sanh tử và Niết Bàn đều chẳng trụ.
'Thế Gian Giải'. 'Thế Gian', quy mô nhỏ là lục đạo, mở rộng ra là thập pháp giới, mở rộng thêm nữa thế và xuất thế gian là tận hư không, trọn khắp pháp giới, Phật đều biết, chẳng có một việc gì ngài chẳng hiểu, thế nên ngài được xưng là Thế Gian
Giải. 'Vô Thượng Sĩ', 'Sĩ' người hiện nay gọi là phần tử trí thức, thời xưa gọi là người đọc sách, đọc sách hiểu lý. Trong số người đọc sách, ngài cao nhất, trên nhất, chẳng có ai cao hơn, trên ngài; ngày nay nói trong số phần tử trí thức, ngài đạt đến đỉnh chót vót,
chẳng có ai cao hơn ngài.
'Điều Ngự Trượng Phu', danh hiệu này được kiến lập từ sự thiện xảo phương
tiện trong việc giáo hóa chúng sanh của ngài. Phật có trí huệ, có năng lực, có sự khéo léo, có thể điều phục tâm chúng sanh, có thể giúp chúng sanh đoạn ác tu thiện, đây là giống như giá ngự (cầm cương điều khiển). 'Trượng phu' là đại trượng phu, cùng nghĩa với 'anh hùng', hoàn toàn tương đồng. Những gì người khác làm không nổi, ngài có thể làm được, như vậy xưng là đại trượng phu. Ngài là Điều Ngự Trượng Phu, có thể điều phục chúng sanh trong chín pháp giới, giúp họ giác ngộ, giúp họ đoạn phiền não, liễu sanh tử, xuất Tam giới, thành Phật, làm Tổ; Phật có năng lực này. Đây là
được kiến lập trên đức năng.
'Thiên Nhân Sư', Sư là sư phạm (làm bậc thầy, làm gương mẫu). Hết thảy chư thiên, lấy một chữ Thiên, một chữ Nhân nghĩa là bao gồm hết cả lục đạo. Ngài là mô phạm, biểu suất (có nghĩa là nêu gương, dẫn đầu) cho hết thảy chúng sanh trong lục đạo, hết thảy chúng hữu tình trong thập pháp giới.
'Phật', chữ này mọi người đều hiểu rõ, đều minh bạch, là chữ dịch âm từ Phạn văn Ấn Độ. Ý nghĩa là giác ngộ, hàm ý tự giác, giác tha. Tự mình giác ngộ, giúp người khác giác ngộ, giác hạnh viên mãn. Nếu chỉ cầu tự giác, chẳng giúp người khác là Tiểu Thừa, A La Hán. Tự mình giác ngộ và giúp người khác giác ngộ là Bồ Tát. Nếu tự
giác, giác tha đều viên mãn thì được gọi là Phật, đây chính là ý nghĩa của chữ Phật.
Làm thế nào mới kể là viên mãn? Bồ Tát 'tự giác' có thể viên mãn rồi, 'giác tha' thì vẫn còn rất nhiều chúng sanh chưa được độ, vậy thì làm sao viên mãn? Chư vị phải biết, sự viên mãn này, Bồ Tát giác tha vẫn là giúp cho chính mình giác ngộ. Chúng ta thường nói thầy giáo dạy học trò, giáo học giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Đến lúc nào mới viên mãn? Trong quá trình giáo học, tuy thời gian chúng ta tự tu học chẳng dài, trong vòng mười mấy năm, mấy mươi năm, nhất định có sự thể hội. Chúng ta được một số học sinh, một số đến cật vấn, giúp đỡ cho chúng ta rất nhiều. Có một số vấn đề trọng đại, người ta không hỏi thì tự mình chẳng bao giờ nghĩ đến; một khi họ vừa hỏi, chúng ta mới nghĩ đến. Coi tự mình có trí huệ hay không? Có trí huệ có thể trả lời, không có trí huệ thì phải mau đi tìm tài liệu, đi thỉnh giáo người khác, đây là giúp đỡ chính mình, do đó giáo học đích thật giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Bồ Tát phải đoạn Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não, phải phá Căn bản Vô minh, nếu chẳng nhờ hết thảy chúng sanh giúp đỡ, họ cũng chẳng có biện pháp chi. Do đó trong quá trình dạy học, hết thảy chúng sanh giúp họ khai mở trí huệ, đoạn phiền não, thì họ mới chứng được Vô Thượng Bồ Đề, như vậy gọi là viên mãn. Họ viên mãn
xong thì mới có thể viên mãn độ hết thảy chúng sanh. Chúng sanh được độ phải nhờ duyên phận, Phật chẳng độ người vô duyên. 'Viên mãn' trên sự độ chúng sanh, họ có khả năng độ Đẳng Giác chúng sanh thì gọi là viên mãn, họ thành Phật rồi. Bồ Tát chẳng thể gọi là viên mãn, tại sao? Đẳng Giác Bồ Tát có thể độ Thập Địa trở xuống,
chẳng thể độ Đẳng Giác, vậy thì độ chúng sanh chẳng viên mãn, hóa tha chẳng viên mãn. Sau khi thành Phật, ngài có năng lực dạy hết thảy chúng sanh, như vậy mới gọi là
viên mãn, 'giác hạnh viên mãn' là có ý nghĩa này. Có khả năng độ Đẳng Giác chúng sanh thì chẳng có gì không thể độ, độ chúng sanh viên mãn là như vậy.
'Thế Tôn', đầy đủ mười đức hiệu kể trên thì được xưng là Thế Tôn. Người trong thế gian, xuất thế gian đều tôn trọng ngài, tôn kính ngài, ngài có trí huệ và đức năng này nên được xưng là Thế Tôn. Giống như ngày nay chúng ta xưng người ta một cách
khách sáo: 'Vị tôn kính'. Tôn nghĩa là tôn kính, thêm chữ Thế Tôn tức là hết thảy chúng sanh đều tôn kính, ý này rất rộng, rất sâu.

Kỳ Phật thọ mạng lục vạn kiếp.

Thọ mạng của đức Phật đó là sáu vạn kiếp

Trong thời đại đó, thọ mạng của Phật dài, thọ mạng của người ta cũng dài, thọ mạng của Phật thị hiện nhất định giống đại chúng. Như Thích Ca Mâu Ni Phật ba ngàn năm trước xuất hiện ở thế gian này của chúng ta, lão nhân gia thị hiện bảy mươi chín tuổi viên tịch, chúng ta quen nói Phật trụ thế tám mươi năm, trên thực tế là bảy mươi chín tuổi. Nói đến tám mươi tuổi thì người Trung Quốc gọi là "hư tuế" 7[7], tám mươi năm! Phật trụ thế tám mươi năm, giảng kinh thuyết pháp bốn mươi chín năm. Đây là đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện, rất giống với thọ mạng của con người ở thế gian này. Do đó có thể biết 'Nhất thiết trí thành tựu Như Lai', phước báo của chúng sanh thời đó lớn, thọ mạng dài. Từ đây có thể thấy được phước báo của chúng sanh ở địa
phương đó, thời đại đó rât lớn.

Vị xuất gia thời, vi tiểu quốc vương, dữ nhất lân quốc vương vi hữu, đồng hành thập thiện, nhiêu ích chúng sanh.

Khi chưa xuất gia, ngài là vua một nước nhỏ và kết bạn với vua một nước lân cận, cùng thực hành thập thiện, làm lợi ích cho chúng sanh.

Đây là kể chuyện của Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, lúc ngài chưa xuất gia, thời gian này quá lâu xưa rồi. Ngài đã thành Phật, thành Phật phần lớn gọi là tu hành, từ phàm phu tu thành Phật trải qua một thời gian rất dài. Đây là nói về chuyện nhiều
kiếp trước lúc ngài còn tu nhân, ngài là vua một nước nhỏ, làm bạn với vua nước lân cận, hai vị vua nước lân cận này vô cùng hiếm có, đều là vua rất tốt. 'Đồng hành thập thiện, nhiêu ích chúng sanh', họ dùng phương pháp gì để trị quốc? Dùng 'thập thiện nghiệp đạo' để trị quốc, đây là việc vô cùng hiếm có. 'Nhiêu ích', ích là lợi ích. Vua
luôn hy vọng nhân dân có đời sống tốt đẹp, nhân dân chân thật được lợi ích, hạnh phúc, mỹ mãn. Nhiêu nghĩa là phong nhiêu, không những đem lại lợi ích mà còn đạt đến rất phong phú, bất luận là trên đời sống vật chất, đời sống tinh thần, đều đạt đến mức đầy
đủ, vậy mới gọi là nhiêu ích. Có thể thấy tâm của vua thiện phi thường.

Kỳ lân quốc nội, sở hữu nhân dân, đa tạo chúng ác.

Nhân dân trong nước lân cận đa số tạo nhiều việc ác.
-----
7[7] Hư tuế là phương pháp tính tuổi truyền thống ở Trung Quốc: lúc trẻ con vừa sanh ra bèn tính một tuổi, sau đó mỗi tiết xuân lại thêm một tuổi. Cho nên cách tính này luôn luôn nhiều hơn cách tính thông thường 1 hoặc 2 tuổi (cách tính thường là giáp năm mới tăng 1 tuổi) Trẻ con vừa sanh ra bèn tính 1 tuổi vì tính luôn thời gian em bé nằm trong thai mẹ gần tròn một năm. Khi trẻ sanh ra vào
khoảng tháng Chạp âm lịch, đến tiết xuân năm sau bèn tính thành 2 tuổi, do đó hư tuế sẽ lớn hơn cách tính thông thường đến 2 tuổi.
-------
Lân quốc là những quốc gia cùng ranh giới với họ, nhân dân những nước đó tạo tác ác nghiệp. Hai nước của họ thì tốt hơn, hai vùng đất đó tốt, vua dạy dân rất đàng hoàng. Quốc vương đời xưa, theo tiêu chuẩn của nhà Nho có ba điều: 'Tác chi quân',
quân là quân chủ, là người lãnh đạo quốc gia. 'Tác chi thân', người lãnh đạo là cha mẹ của dân chúng, phải dùng tâm cha mẹ thương yêu con cái để đối đãi với dân chúng trong nước, thương dân như con, phải bảo hộ họ, dưỡng dục họ. Còn phải: 'tác chi sư',
là thầy giáo của nhân dân, gương tốt của nhân dân, khuôn mẫu của nhân dân. Vậy mới là một người lãnh đạo tốt nhất, làm cho nhân dân toàn quốc thật sự hưởng được phước báo. Hưởng phước của ai? Phước của người lãnh đạo, họ dạy được tốt. Cũng là nói về 'sư phạm', lúc trước chỗ vua ở gọi là Kinh Sư; 'Kinh' nghĩa là lớn, 'sư' là sư phạm, thành thị mô phạm. Thành thị cả nước lấy Kinh Sư làm gương mẫu, mô phạm nên gọi là 'sư'. Danh xưng thật tốt, dụng ý thật hay, thế nên chúng ta đừng coi thường việc chuyên chế của đế vương đời xưa, nếu bạn coi thường thì là sai lầm. Ngày nay chúng ta đến hoàng cung ở Bắc Kinh coi thử, chỗ làm việc trong hoàng cung gọi là đại điện, là nơi vua hội họp, tập hội làm việc, gọi là gì? Thái Hòa Điện. Phía sau Thái Hòa Điện là Trung Hòa Điện, sau đó là Bảo Hòa Điện, ba ngôi kiến trúc chính này: Thái Hòa, Trung Hòa, Bảo Hòa. Họ dùng tâm gì? Dùng tâm thái gì để đối với nhân dân toàn nước?
Dùng 'Hòa', trên dưới hòa mục, cả nước một luồng hòa khí, vậy thì quốc gia này đâu có lý nào chẳng hưng vượng được? Nhà Phật chúng ta nói về Lục Hòa, họ nói về Tam Hòa. Thánh nhân thế gian và xuất thế gian đều dạy 'hòa là quý nhất', chúng ta phải hiểu ý này, thế nên đây thật sự là thánh chủ, hiền vương. Nếu người nối ngôi, con cháu đời sau, đều tuân thủ theo nguyên tắc này thì triều đại này sẽ vĩnh viễn truyền mãi đến đời sau, đâu thể diệt vong được? Người đời sau không tuân thủ, làm xằng làm bậy, quốc gia này bèn diệt vong, chánh quyền bị lật đổ, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Hai vị vua này tốt nên quốc gia của họ cũng tốt. Nhưng những quốc gia lân cận thì không vậy, nhân dân tạo ác, tạo tội thì đương nhiên phải chịu quả báo.

Hôm nay đã hết giờ, chúng ta tạm ngưng ở đây.

Trong quá trình chuyển ngữ chắc không tránh khỏi thiếu sót, xin các bậc thức giả hoan hỷ phủ chính cho.

Xin thành thật cám ơn.

Một nhóm Diệu Âm cư sĩ, 4 tháng 9-2006  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top