Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Tập 13

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tập 13 (Số 14-12-13)

Kính thưa hai lão hòa thượng, chư vị pháp sư, chư vị đồng học:

Xin mở kinh, 'Khoa Chú' của Thanh Liên pháp sư, ở Đài Loan gần đây chúng tôi phát tâm in hai vạn bộ, tương lai mọi người đều có thể có bản in hoàn hảo. Kinh Địa Tạng vô cùng quan trọng, từ kinh điển chúng ta thấy được Thế Tôn giao phó sứ mạng giáo hóa chúng sanh trong thời Mạt pháp chín ngàn năm này cho Địa Tạng Bồ Tát, thế nên Địa Tạng Bồ Tát chính là đại biểu của đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong thời Mạt pháp, địa vị của ngài vô cùng đặc biệt, ngài thay thế Phật. Chúng ta thấy trong kinh này, hết thảy Bồ Tát nhận lời phó chúc đều ủng hộ Địa Tạng Bồ Tát. Trước giảng đài chúng ta thờ Địa Tạng Bồ Tát, mọi người đều nhìn thấy, chúng ta nhất định phải y giáo phụng hành.

Hôm nay giảng đoạn kinh nói về Tứ Đại Thiên Vương đặt ra câu hỏi. Nói thật ra, nghi vấn của họ chính là nghi vấn chung của chúng ta. Tại sao Địa Tạng Bồ Tát nhiều kiếp lâu xa đến nay thường phát đại nguyện phải độ tận chúng sanh, nhưng mãi cho đến nay chúng ta thấy hình như chúng sanh chẳng được độ, tạo tác tội nghiệp ngày càng nặng, nguyên nhân rốt cuộc là ở chỗ nào? Hy vọng Thế Tôn có thể khai thị cho mọi người. Đoạn khai thị phía sau đều là những lời trong kinh Phật. Người học giảng kinh chúng ta khi gặp những đoạn kinh văn này phải đặc biệt lưu ý, lúc đối diện thính chúng đông đảo, trong thính chúng có người đã từng gặp phải những nạn ấy, nếu chúng ta giảng không khéo thì họ rất khó chấp nhận, khó chịu, thậm chí sẽ thốt lời trách móc, khởi tâm oán trách, như vậy thì không tốt. Thế nên khi gặp kinh văn như vầy thì phải dùng cách khéo léo, phải khơi gợi mà không làm tổn thương lòng tự ái của người ta. Ðiểm này vô cùng quan trọng. Trong 'Nội Ðiển Giảng Tọa' các bạn đã học qua rồi, tuyệt đối không thể gây tổn thương đến lòng tự ái của người ta, thí dụ trong kinh văn, ngày nay chúng ta muốn nói về tàn tật, nói quá nhiều về những việc này. Nếu bạn nói cặn kẽ như vậy thì họ nghe xong sẽ rất buồn bực, chỉ nên nói sơ lược, phớt qua thôi; còn những chỗ liên quan đến nhân quả báo ứng thì có thể nói sâu thêm một chút, làm cho họ cảnh giác.

Ngoài ra nhất định phải biết ngày nay chúng ta giảng kinh chẳng phải chỉ có những thính chúng [hiện diện] trước mắt này mà thôi, băng thâu hình được phát hình toàn thế giới, thính chúng coi băng này qua máy truyền hình không biết là bao nhiêu mà tính, cũng không biết họ là người như thế nào, chúng ta phải dự liệu, không thể làm mích lòng họ. Phải làm cho họ nghe xong có thể sanh tâm hoan hỷ, tâm cung kính, có thể quay về, sửa đổi lỗi lầm. Ðược vậy thì sự giáo học Phật pháp của chúng ta mới thành tựu viên mãn. Chẳng giống lúc trước, lúc trước chỉ có thính chúng có mặt tại buổi giảng, nếu chẳng hiện diện nơi ấy thì chẳng nghe được; hiện nay truyền hình, truyền thanh, người trên cả toàn thế giới đều nghe được. Vả lại băng thâu hình, thâu thanh có thể lập lại nhiều lần, bạn suy xét coi thử thính chúng sẽ là bao nhiêu? Ðây là việc chúng ta phải dự liệu, không thể sơ sót.

Bây giờ xin xem kinh văn. Tương lai chúng ta in xong cuốn Khoa Chú, lưu thông với số lượng nhiều, đặc biệt là đạo tràng Ðịa Tạng Bồ Tát ở Cửu Hoa Sơn, chỗ của Bổn Tôn, chúng ta nhất định phải dốc toàn tâm toàn lực để ủng hộ. Ngày nay thế giới động loạn, chư vị đều cảm nhận tình cảnh động loạn này rất rõ ràng, hơn nữa, tai biến nhiều phi thường, bất luận ở quốc gia nào trên thế giới, ở địa khu nào, có nhiều tai biến to lớn, ngày nay tin tức, thông tin đều chẳng tường trình nữa. Tại sao không tường trình nữa? Chúng ta suy đoán có thể là vì sợ mọi người biết được sẽ cảm thấy khủng hoảng. Vì muốn an định cục diện xã hội trước mắt nên rất nhiều tai nạn lớn đều không tường trình nữa, đây là điều chúng ta có thể lý giải được. Nhưng những tai nạn này xảy ra như thế nào? Người đời chẳng hiểu nguyên nhân, đều gán cho nó là tai họa tự nhiên, đẩy trách nhiệm cho thiên nhiên, hình như chẳng liên quan gì đến con người chúng ta, đây là sự sai lầm to lớn. Có quan niệm và tâm thái này không những tai biến không thể chấm dứt mà càng ngày càng nghiêm trọng, chúng ta sẽ còn phải chịu khổ nạn lớn hơn. Chúng ta có trách nhiệm, có sứ mạng làm thế nào giúp đỡ xã hội, hóa giải, giảm nhẹ, đình trệ những tai nạn này, đó chính là hết lòng học Phật, hết lòng tu hành.

Phật dạy chúng ta tận hư không trọn cả pháp giới và chúng ta cùng một thể, đây là thật, chẳng giả, cả bộ Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh chính là giảng về một việc này. Thế giới này hình thành như thế nào? Trong kinh Phật giảng rất rõ ràng, có tình có tưởng thì sẽ biến hiện ra thế gian hữu tình, chín pháp giới thế gian hữu tình; vô tình vô tưởng thì sẽ biến thành khí thế gian 1[1], Pháp Tướng Duy Thức giảng rất tường tận, thấu triệt. Hữu tình thế gian là Kiến Phần trong A Lại Da thức biến hiện ra, Vô tình thế giới là Tướng Phần 2[2] trong A Lại Da Thức biến hiện ra, Kiến và Tướng đều cùng một nguồn gốc, cùng thuộc một Tự Chứng Phần3[3], làm sao có thể nói không có liên quan được? Trong kinh Đại Thừa, Phật nói: 'Tình và Vô Tình cùng tròn đầy chủng trí' , như vậy cả hai Tình và Vô Tình mới 'cùng' được. Nếu cả hai chẳng có liên quan như vậy thì làm sao 'cùng' được?

Ðức Phật lại nói với chúng ta: 'Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh', hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian đều từ tâm tưởng sanh. Vì từ tâm tưởng sanh nên cái tâm tưởng này là chủ tể. Trong hội giảng kinh Lăng Nghiêm, Phật nói rõ ràng, minh bạch hơn: 'Nếu chuyển được cảnh thì cũng giống như Như Lai', đây tức là nói 'y báo chuyển theo chánh báo'. Chánh báo là gì? Chánh báo là tâm, là ý niệm (niệm đầu). Chúng ta thường nói: 'Dung mạo của chúng ta chuyển theo ý niệm, thể chất của chúng ta chuyển theo ý niệm, hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta cũng chuyển theo ý niệm'. Tâm của bạn tốt thì tướng mạo của bạn đương nhiên sẽ tốt, thân thể của bạn sẽ tốt, hoàn cảnh cư trú cũng tốt, là do tâm chuyển cảnh giới, chẳng phải cảnh giới chuyển tâm. [Khi nói về thời đại] hiện nay, Phật trong kinh thường nói đến chữ 'điên đảo', cái gì điên đảo? Người thế gian đều bị hoàn cảnh chuyển, tâm người thế gian bị hoàn cảnh chuyển. Hiện nay tai nạn [gì xảy ra, người ta] đều đổ thừa cho là tai họa tự nhiên, chẳng liên can gì đến con người, đây tức là tâm bị cảnh chuyển, đây là sự sai lầm to lớn.

----------1[1] Khí thế gian tức là cảnh giới bên ngoài, bao gồm cõi nước, thế giới v.v... tức Y Báo.

2[2] Kiến Phần: Còn gọi là Năng Thủ Phần, chính là tác dụng của Thức, là chủ thể để nhận biết sự vật. Kiến có nghĩa là soi thấy, tác dụng thấu hiểu rõ ràng của tâm tánh, chiếu soi hết thảy các pháp, thấu hiểu nghĩa lý của hết thảy các pháp giống như gương hiện bóng.

Tướng Phần: Còn gọi là Sở Thủ Phần, chính là cảnh tượng của mọi sự vật thuộc thế giới bên ngoài hiện bóng trong tâm. Nói cách khác, Tướng Phần chính là hình ảnh, ấn tượng của thế giới bên ngoài được lưu giữ trong tâm thức, là đối tượng nhận biết của Kiến Phần.

Tự Chứng Phần: Còn gọi là Tự Thể Phần, Tự có nghĩa là Tự Thể, Chứng là chứng biết. Như vậy, Tự Chứng Phần là tác dụng nhận biết của tự tâm. Kiến Phần và Tướng Phần chỉ là những khía cạnh khác nhau của Tự Chứng Phần nếu xét về bản thể.

3[3] Tự Chứng Phần: Còn gọi là Tự Thể Phần, Tự có nghĩa là Tự Thể, Chứng là chứng biết. Như vậy, Tự Chứng Phần là tác dụng nhận biết của tự tâm. Kiến Phần và Tướng Phần chỉ là những khía cạnh khác nhau của Tự Chứng Phần nếu xét về bản thể.

----------

Chúng ta xem thời cổ, bạn coi lịch sử, thời xưa nếu trong xã hội xảy ra tai biến trọng đại thì những đế vương, đại thần, quan viên địa phương giống như thị trưởng, quận trưởng hiện nay, [tức là] những bậc lãnh đạo ở địa phương, họ đều trai giới, tắm rửa, giảm thiện (giảm phần ăn). Lúc bình thường ăn cơm, như lúc vua ăn cơm, có lẽ quý vị có người cũng không biết, trên bàn ăn của vua nhất định phải có một trăm món ăn, chẳng kể là vua ăn hay không, đều không thể thiếu. Giảm thiện là gì? Giảm phân nửa. Thật sự phản tỉnh, suy nghĩ lỗi lầm, đại xá thiên hạ, làm thêm chuyện tốt, hy vọng có thể chuyển đổi ý trời. Chuyển đổi ý trời trên thực tế chính là hy vọng tâm địa hiền lành có thể biến đổi hoàn cảnh, chấm dứt kiếp nạn. Người thời trước biết làm như vậy, người hiện nay không biết, người hiện nay cho rằng [tai nạn] chẳng liên can gì với mình, người thời trước biết. Nhà Nho, Ðạo giáo, nhà Phật đều biết. Chúng ta biết, phải bắt đầu làm từ bản thân mình.

Thế nên nhất định phải biết, ai có trách nhiệm đối với kiếp nạn thế gian? Mình có trách nhiệm, mình chẳng tu hoàn hảo, mình chẳng làm tốt đẹp. Ngày nay Phật giáo bị xã hội đại chúng hiểu lầm, chúng ta có thể trách người ta không? Không thể trách họ. Tại sao không thể trách người ta? Người xuất gia chúng ta chẳng làm gương tốt. Người trong thế gian chịu khổ lớn lao như vầy, gặp nạn lớn như vậy, là do ai tạo thành? Do mình tạo thành. Mình chẳng thiện, tâm mình chẳng thiện, hạnh của mình chẳng thiện, lời nói chẳng thiện nên gây nhiều khổ nạn cho con người. Ngày nay nhìn thấy kiếp nạn này, tôi phải phản tỉnh, tôi có lỗi lầm to lớn, tội nặng, tôi phải sám hối. Nếu người học Phật chúng ta ai nấy đều có giác ngộ như vậy thì Phật giáo làm sao không hưng vượng cho được, xã hội đại chúng làm sao không tiếp nhận được! Con người ai nấy đều có thể giữ tâm tốt, làm chuyện thiện, thì kiếp nạn sẽ được hóa giải. Kiếp này là tâm kiếp, căn nguyên là từ tâm, chẳng phải chi khác. Thế nên ngày nay chúng ta đọc đoạn kinh này thì phải phản tỉnh sâu xa, đức Phật trong kinh đã giảng rõ nhân và quả. Ngôn ngữ tuy chẳng nhiều, đúng là lời vắn tắt nhưng chứa đầy đủ ý nghĩa, bất luận là đối sự, đối lý, đều nói được viên mãn, rốt ráo phi thường.

Xin chư vị mở kinh, Khoa Chú trang 160, đếm ngược hàng thứ ba [từ phía dưới lên], xem kinh văn:

Phật cáo Tứ Thiên Vương, thiện tai, thiện tai. Ngô kim vị nhữ cập vị lai hiện tại thiên nhân chúng đẳng quảng lợi ích cố, thuyết Địa Tạng Bồ Tát ư Sa Bà thế giới, Diêm Phù Đề nội sanh tử đạo trung, từ ai cứu bạt, độ thoát nhất thiết tội khổ chúng sanh phương tiện chi sự.

Phật bảo Tứ vị Thiên Vương rằng: 'Lành thay, lành thay'. Ta nay sẽ vì sự lợi ích rộng lớn của quý vị cùng các chúng trời người hiện tại và vị lai, mà nói việc Địa Tạng Bồ Tát ở thế giới Sa Bà, trong đường sanh tử nơi cõi Diêm Phù Đề, từ mẫn cứu vớt, phương tiện độ thoát tất cả chúng sanh tội khổ.

Bồ Tát nhận lời phó chúc của Phật, tiếp nhận sự ủy thác của Phật, đặc biệt là chúng sanh đời Mạt pháp ương ngạnh khó giáo hóa, lão nhân gia dùng vô tận từ bi, vô lượng trí huệ và phương tiện, hóa thân ở thế gian này. Hóa thân của ngài, nam nữ già trẻ trong xã hội, các ngành các nghề thảy đều có, nếu chẳng là người minh nhãn (người mắt sáng) thì chẳng nhìn thấy, người minh nhãn thấy rõ ràng, thấy minh bạch, ở đó tạo ra phương tiện vô tận. Không nhất định là thị hiện thân phận người xuất gia, hiện nay mọi người chẳng hiểu Phật pháp, đều cho rằng Phật pháp là mê tín, có chướng ngại nghiêm trọng. Thị hiện người xuất gia giáo hóa chúng sanh có thể sẽ có nhiều chỗ không thuận tiện, Bồ Tát thị hiện thân phận tại gia rất nhiều, đều khuyến thiện, sửa lỗi.

Hôm qua có đồng tu từ Ðài Loan đến và đem những băng thâu hình, trẻ em đọc kinh. Tôi nghe qua vài đoạn và rất cảm khái, những đại đạo lý của cổ thánh tiền hiền chẳng phải là học thuyết của cá nhân họ. Có phải những gì Khổng Tử nói là học thuyết của ngài không? Lời Lão Tử nói là học thuyết của ngài không? Lời đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy có phải là học thuyết của ngài không? Đều chẳng phải, đó là gì? Học thuyết xứng tánh, là bản tánh của hết thảy chúng sanh, chân tâm của hết thảy chúng sanh, pháp vốn đầy đủ trí huệ đức năng của hết thảy chúng sanh, các ngài nói đều là những thứ này. Nếu bạn nói đó là [học thuyết] của mỗi cá nhân họ thì bạn đã hiểu sai rồi. Là trí huệ đức năng vốn sẵn có trong tự tánh chúng ta, thuần thiện chẳng tạp. Nếu có thể phát huy được thì sẽ chân chánh đạt được 'thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ', những đại đạo lý này chẳng liên quan đến một cá nhân nào cả. Tâm địa của họ thanh tịnh, từ bi, bác ái, họ đã nhìn thấy, Phật pháp gọi là minh tâm kiến tánh, họ đã nhìn thấy, chứng được. Chúng ta mê hoặc điên đảo, chẳng nhìn thấy, chẳng chứng được. Nếu chúng ta chứng được thì chẳng khác gì họ. Phải làm sao mới có thể chứng được? Phải phá ngã chấp, phá pháp chấp. Làm cách nào để phá? Niệm niệm vì chúng sanh, đừng nghĩ cho mình nữa; niệm niệm vì Phật pháp, sự nghiệp của chúng ta chính là Phật pháp. Phật pháp là gì? Phật là giác ngộ, pháp là phương pháp, phương pháp làm cho hết thảy chúng sanh giác ngộ thì gọi là Phật pháp. Giúp cho hết thảy chúng sanh giác ngộ thì bạn đã hoằng dương Phật pháp. Ngày nay chúng ta ở tại thế gian này, làm công việc này, công việc ngành nghề này nói theo cách nói hiện nay tức là người làm công tác giáo dục xã hội, nói như vậy thì mọi người dễ hiểu.

Năm xưa lúc đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, ngài làm công việc gì? Giáo dục xã hội, vả lại còn là thiện nguyện, chẳng thâu học trò một đồng xu cắc bạc nào cả, hoàn toàn là nghĩa vụ, ngài là một người làm công tác giáo dục xã hội thiện nguyện. Chúng ta là học trò của Phật thì phải nối tiếp huệ mạng của Phật. Phật làm suốt cả đời, chúng ta là đệ tử học Phật nhiều đời kiếp sau, hết lòng làm theo, tiếp tục chẳng gián đoạn, nhất định phải làm cho hoàn hảo công tác giáo dục xã hội này. Ðối tượng của giáo dục xã hội là hết thảy chúng sanh, chẳng phân biệt nam nữ, già trẻ, chẳng phân biệt sang hèn, giàu nghèo, cũng chẳng phân cõi trời cõi người, chín pháp giới chúng sanh đều đối đãi bình đẳng. Chúng ta phải học 'tác sư tác phạm' (làm thầy, làm mô phạm), 'sư' là gương mẫu của xã hội đại chúng, 'phạm' là mô phạm. Nếu chúng ta làm không được thì phải sanh tâm hổ thẹn. Chúng ta giữ tâm [niệm như thế nào], tâm chúng ta có thể làm gương cho xã hội đại chúng không? Ngôn hạnh của chúng ta có thể làm gương cho xã hội đại chúng không? Phải thường suy nghĩ như vậy. Phàm những gì không thể làm gương tốt cho xã hội đại chúng, tuyệt đối không được làm. Những tâm niệm chẳng thể làm gương tốt cho xã hội đại chúng thì tuyệt đối chẳng thể khởi. Như vậy mới có thể được chư Phật, Bồ Tát hộ niệm, chư Phật, Bồ Tát gia trì, long thiên thiện thần ủng hộ. Chúng ta đề cao giáo dục xã hội, Tân Gia Ba có thể làm nên một chút thành tích này [là vì] cư sĩ Lý Mộc Nguyên, các vị đồng tu, những nhân viên cán sự dưới quyền ông ta, tứ chúng đồng tu chúng ta chẳng có tâm riêng tư. Tại sao những chỗ khác làm không thành công? Phật chẳng có tâm phân biệt, chẳng có yêu thích; Thiện Ðạo đại sư nói rất hay, đều là 'gặp duyên chẳng đồng'. Ðại chúng ở địa phương này, một lòng một dạ xả mình vì người, mỗi ngày đều nghĩ vì Phật pháp, vì chúng sanh, chẳng vì mình, cho nên được cảm ứng vô cùng thù thắng. Ở đây chúng ta có thể cảm nhận cảm ứng này rất rõ ràng, hiển cảm hiển ứng 4[4], chẳng thể nghĩ bàn.

----------4[4] "Hiển cảm hiển ứng" là ngay trong đời này dốc lòng thành, cạn lòng kính lễ niệm cúng dường thì sẽ được gia bị, gặp điều hung trở thành điều lành, gặp nạn thành may, và nghiệp tiêu, chướng tận, phước tăng, huệ rạng v.v...

Chúng ta ở đây làm một gương tốt, người xuất gia làm người xuất gia gương mẫu, đạo tràng làm đạo tràng gương mẫu, hy vọng [những người] đến đây tham học chỉ đạo, sau đó xây dựng những gương mẫu này ở khắp mọi nơi trên thế giới. Hy vọng [đạo tràng] họ xây dựng tốt hơn ở đây, ngạn ngữ thường nói: "Đến sau về trước"5[5], câu này rất có đạo lý. Tại sao đến sau vượt trội hơn trước? Xây sau chắc chắn tốt hơn trước, đợt trước có khuyết điểm, thiếu sót thì xây sau có thể sửa đổi cho tốt hơn. Cho nên càng về sau thì càng thù thắng, tốt hơn, được vậy mới có thể phổ độ chúng sanh, mới có thể hóa giải kiếp nạn của thế gian này. Chúng tôi không hy vọng mọi người đến đây học xong chẳng muốn về, ở lại đây, như vậy không tốt. Học xong cách làm việc của Cư Sĩ Lâm rồi trở về địa phương của mình tự làm lấy. Xây dựng đạo tràng chánh pháp ở khắp nơi, được vậy thì thế gian này mới được cứu, các bạn thật sự học được, thật sự hiểu được ý nghĩa của Phật, 'nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa'.

Giới thiệu Tứ Thiên Vương cho quý vị xong. Thế Tôn nói với Tứ Thiên Vương, 'cáo' là lời người trên nói với dưới, những cách dùng chữ này chúng ta đều phải biết. Hai chữ 'Thiện tai, thiện tai' có hai ý nghĩa, thứ nhất là khen họ hỏi rất đúng, rất hay, hỏi để đem lợi ích cho hữu tình. Những Thiên Vương, Thiên Thần, chư vị nên biết, phần nhiều đều là Phật, Bồ Tát hóa thân, họ chẳng phải là quỷ thần. Nếu thật sự là phàm phu thì chẳng hỏi những câu như vậy nổi. Người có thể hỏi như vậy đều là Phật, Bồ Tát hóa thân thị hiện, đều chẳng phải là người thường. Chữ 'Thiện Tai' thứ hai là khen ngợi họ, họ thiện hộ thế gian. 'Hộ thế' quan trọng là 'thiện hộ', chữ này rất hy hữu, họ có phương tiện khéo léo. Hộ trì thế gian, làm cho người thế gian giác ngộ, làm cho người thế gian đoạn ác tu thiện, như vậy mới gọi là 'thiện hộ'. Phật thuyết pháp ở nơi đó, chúng ta coi những gì nói trong kinh văn rất giống với tài liệu giảng thuyết của tôi.

'Ngô kim vị nhữ cập vị lai hiện tại thiên nhân đẳng chúng', thiên, nhân đẳng chúng tức là chúng sanh trong lục đạo, nói thiên và nhân, những cõi khác lược bớt, 'đẳng' tức là lục đạo, đặc biệt thương xót chúng sanh trong lục đạo. Bạn nghĩ xem ngài ở hội giảng kinh tại cung trời Đao Lợi, ý nghĩa của Phật vô cùng rõ ràng, chẳng phải chỉ đại chúng hiện diện tại cung trời Đao Lợi lúc đó, pháp hội này lưu truyền về sau, những thính chúng chẳng hiện diện lúc đó không biết bao nhiêu mà kể? Giống như hiện nay chúng ta đối diện trước máy thâu hình vậy, được truyền hình trên hệ thống vệ tinh, truyền đi khắp thế giới trên mạng lưới điện toán. Hiện nay người nghe chúng ta giảng kinh, tương lai chúng ta vãng sanh, chẳng còn ở đây, băng thâu hình này vẫn được giữ lại, người đời sau vẫn còn nghe được. Tôi nghe nói hiện nay kỹ thuật chế tạo những băng này rất cao, có thể giữ được hai trăm năm. Chúng ta chẳng có thọ mạng dài như vậy, hai trăm năm sau người ta còn nghe được băng của chúng ta, còn nhìn thấy được màn ảnh này. Thế nên chúng ta ở nơi đây giảng kinh thuyết pháp, mỗi cử chỉ hành động trong đời sống chúng ta, mỗi lời nói mỗi hành vi tối thiểu cũng phải giữ tròn trách nhiệm đối với thính chúng hai trăm năm sau. Trong lời nói này của Thế Tôn đã hàm chứa những ý nghĩa như vậy.

----------5[5] hậu lai cư thượng

'Quảng lợi ích cố', lợi ích rộng lớn khi giảng Địa Tạng pháp môn, tuyên dương Địa Tạng pháp môn, duy chỉ có Địa Tạng pháp môn mới có thể độ thoát chúng sanh trong chín ngàn năm Mạt pháp. Đạo lý của Nho gia, Đạo giáo, Phật giáo Đại Thừa rất tốt nhưng hiện nay chẳng có người chịu nghe, chịu tiếp nhận. Có thể niệm kinh một lần cũng kể là hay lắm rồi, có thể làm theo kinh thì chẳng có một ai. Địa Tạng pháp môn là pháp môn căn bản, do đó nhiều năm trước tôi đi giảng ở những thành phố lớn dọc miền đông nước Mỹ, giảng đại ý kinh Địa Tạng. Vì thời gian ngắn, mỗi nơi chỉ có bảy ngày, chẳng có cách chi giảng kinh, chỉ có thể giảng đại ý. Có một số đồng tu hỏi tôi:

'Pháp sư chuyên hoằng Tịnh Độ thì tại sao lại giảng kinh Địa Tạng? Không phải đã xen tạp, đã xen tạp môn khác rồi sao?'.

Họ hỏi rất đúng. Tôi nói: 'Thiện tai, thiện tai, hỏi hay lắm. Tôi vẫn đang giảng Tịnh Độ, vẫn chuyên tu chuyên hoằng'.

Họ nói" 'Kinh Địa Tạng là gì?'

Tôi nói: 'Kinh Địa Tạng là câu đầu tiên trong Tịnh Độ Tông'.

Họ hỏi: 'Câu nào?'

Kinh Quán Vô Lượng Thọ giảng về Tam Phước, mọi người đều biết, là cơ sở của sự tu hành trong Tịnh Tông. Trong Hạnh Môn chúng ta đề xướng: 'Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Độ, Phổ Hiền Thập Nguyện', mọi người đều biết cả. Bộ kinh Địa Tạng này chính là phước thứ nhất trong Tam Phước: 'Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu mười nghiệp thiện'. Các bạn nghĩ xem kinh Địa Tạng có giảng về việc này không? Tôi vẫn giảng về Tịnh Độ, chẳng tách lìa, vẫn chuyên tu, chuyên hoằng. Nói vậy nên mọi người đều hiểu, bộ kinh này giảng kỹ về bốn câu trên.

Từ chỗ này chư vị cũng có thể thấu hiểu đến nghĩa thú của kinh Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm nói 'một tức là hết thảy, hết thảy tức là một', nói cho chư vị biết, bất kỳ một kinh nào cũng bao hàm hết thảy kinh, hết thảy kinh đều có thể nhập vào một kinh. Không những có thể nhập vào một bộ kinh, nói cho chư vị biết, có thể nhập vào ý của một câu. Thí dụ nói chỗ này, Phật bảo Thiên Vương 'Thiện tai, thiện tai'. Hết thảy kinh Phật trong bốn mươi chín năm có thể nhập vào 'Thiện tai', Thiện Tai bao hàm hết thảy kinh, bao hàm hết thảy y cứ (căn cứ). Hai câu 'Thiện tai, Thiện tai' cũng có thể nhập vào hết thảy kinh, hết thảy kinh cũng có thể nhập vào hai chữ này. Pháp viên dung, tại sao? Xứng tánh. Nếu bạn có thể thấu hiểu tánh đức, tức là 'một và nhiều chẳng hai', lý sự viên dung, đâu có chỗ nào chướng ngại? Phía sau nêu ra vài thí dụ. Sau cùng:

Tứ đại thiên vương ngôn dụy nhiên, Thế Tôn, nguyện nhạo dục văn

Tứ đại Thiên Vương bạch rằng: 'Vâng! Bạch đức Thế Tôn, chúng con xin muốn được nghe'.

Thế Tôn khen ngợi họ, họ đáp 'dụy nhiên'. 'Dụy nhiên' là lời đáp vô cùng cung kính, thái độ khải thỉnh đảm đương này đáng cho chúng ta học tập. 'Nguyện nhạo dục văn' thì mới có được thọ dụng, chữ 'nhạo' này phải chân tâm tình nguyện, vui vẻ tiếp nhận, tiếp nhận thì phải y giáo phụng hành. Nếu chẳng thể làm được thì bốn chữ 'nguyện nhạo dục văn' trở thành trống không, nhất định phải làm cho bằng được. Xin xem tiếp:

Phật cáo Tứ Thiên Vương, Địa Tạng Bồ Tát cửu viễn kiếp lai ngật chí ư kim độ thoát chúng sanh do vị tất nguyện, từ mẫn thử thế tội khổ chúng sanh, phục quán vị lai vô lượng kiếp trung, nhân mạn bất đoạn, dĩ thị chi cố hựu phát trọng nguyện.

Đức Phật bảo bốn vị Thiên Vương rằng: 'Bồ Tát Địa Tạng từ bao kiếp lâu xa đến nay, độ thoát chúng sanh vẫn chưa mãn nguyện, từ bi thương xót chúng sanh tội khổ ở đời này, lại quán thấy vô lượng kiếp về sau, nghiệp nhân cứ dây dưa chẳng dứt, vì lẽ đó nên lại phát trọng nguyện.

Trên thực tế Địa Tạng Bồ Tát ở đây hiện thân thuyết pháp dạy chúng ta, dạy chúng ta việc gì? Dạy chúng ta phải không ngừng phát nguyện, thế nên trong khóa lễ sáng tối chúng ta đều phát nguyện. Vãng Sanh Luận của Thiên Thân Bồ Tát, trong Ngũ Niệm Pháp Môn có 'Phát nguyện'. Phải thường phát nguyện, tại sao vậy? Nếu ba ngày không phát nguyện thì quên ráo trọi. Phàm phu nghiệp chướng tập khí quá nặng, bên trong có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bên ngoài có dụ hoặc của ngũ dục lục trần, chúng ta sinh sống trong hoàn cảnh này nếu không đọc kinh mỗi ngày, phát nguyện mỗi ngày thì chẳng giữ vững nổi, chúng ta sẽ bị những làn sóng này nuốt mất. Nói cách khác, chúng ta nhất định sẽ sanh tử luân hồi y như cũ, chắc chắn sẽ đọa tam ác đạo, chúng ta phải cảnh giác từng giờ từng phút. Trong những đợt sóng chập chùng này, trong những ngọn sóng mạnh mẽ này, chân chúng ta phải đứng cho vững, vừa sơ ý một chút liền bị cuốn trôi đi mất. Làm thế nào chân mới có thế đứng vững chắc được? Chính là Địa Tạng pháp môn. Thế nên từ trước đến giờ, khi mỗi đạo tràng mới thành lập thì nhất định phải giảng kinh Địa Tạng trước hết, để chúng ta có một mảnh đất. Đạo tràng này đã xây xong mà chưa giảng kinh này, nhân duyên kỳ này quá tốt, được lệnh của lão hòa thượng Nhân Đức, ngài là đại biểu cho Địa Tạng Bồ Tát của chúng ta hôm nay, Chúa Cứu Thế của chúng sanh đời Mạt pháp, chúng ta đi theo lão hòa thượng. Chúng ta phải hoằng dương, phát triển rộng rãi pháp môn này, đạo tràng này mới xây, có thể ở đây giảng một bộ kinh Địa Tạng, phù hợp với bổn nguyện của chúng ta, vô cùng hy hữu. Bộ băng thâu hình này sẽ được lưu thông rất rộng, giúp cho những đạo tràng mới xây dựng, chúng ta chẳng có cách chi phân thân, chẳng thể [trực tiếp] đến đó giảng kinh thì dùng bộ băng thâu hình này.

Chúng ta phải thể hội đến Bồ Tát từ nhiều kiếp lâu xa mãi cho đến nay, tại sao độ thoát cho những chúng sanh này nhưng vẫn chưa viên mãn đại nguyện của ngài, chính là như trong kinh nói: 'Chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề ương ngạnh khó giáo hóa'. Trong lục đạo, tình hình mỗi đạo đều giống nhau, Thiên Thai đại sư khai diễn Pháp Hoa, giảng 'Trăm giới ngàn như' cho chúng ta, đó là chân tướng sự thật, trong mỗi pháp giới đều có mười pháp giới. Trong tâm chân thành của chúng ta khởi một niệm A Di Đà Phật thì đó là pháp giới Phật, khởi một niệm Địa Tạng Bồ Tát thì là pháp giới Bồ Tát, vừa khởi một niệm tham, sân, si thì đó là pháp giới tam ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nghiệp nhân quả báo của thập pháp giới chuyển biến trong từng một niệm, đây là hiện tượng luân hồi, đây là nghiệp nhân căn bản của luân hồi. Chúng ta tiếp nhận di giáo của Phật, có duyên đọc tụng kinh điển Đại Thừa, đây tức là Địa Tạng Bồ Tát độ chúng ta, kéo chúng ta ra khỏi tam ác đạo đến cõi nhân thiên, độ đến pháp giới Phật, Bồ Tát. Tánh thức của chúng ta ương ngạnh, khó giáo hóa, vừa rời khỏi giảng đường, xếp cuốn kinh lại thì đọa lạc ngay, lại đọa lạc đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, không phải chúng ta mỗi ngày đều làm việc này hay sao? Thế nên nhọc sức Địa Tạng Bồ Tát nhiều kiếp lâu xa đến nay, mỗi ngày đều phải phát nguyện, thương xót những chúng sanh tội khổ chúng ta. Giác căn của chúng ta không vững, nguyện lực của chúng ta yếu ớt, lòng tin rất yếu mềm, chẳng chống chọi nổi phiền não tập khí. Bồ Tát nhìn thấy vô cùng rõ ràng, 'vô lượng kiếp trung, nhân mạn bất đoạn', 'nhân mạn' là thí dụ, giống như cỏ bò lan dưới đất, nghiệp nhân của cỏ bò lan rất khó diệt tận. Ví như phiền não tập khí của chúng ta, tạo nghiệp thọ báo, luân hồi vô tận, dùng bốn chữ này hình dung quá đúng. Nhưng Bồ Tát vẫn chẳng nản chí, chẳng lùi bước, vẫn dốc hết tâm, hết sức giúp đỡ chúng sanh. Nên Thế Tôn nói tiếp:

Như thị Bồ Tát ư Sa Bà thế giới, Diêm Phù Đề trung, bá thiên vạn ức phương tiện nhi vi giáo hóa.

Bồ Tát ở thế giới Sa Bà, trong cõi Diêm Phù Đề, dùng trăm ngàn vạn ức phương tiện để giáo hóa.

Thế giới Sa Bà đặc biệt chỉ cõi Diêm Phù Đề, Diêm Phù Đề là địa cầu, Ngài có duyên sâu đậm với chúng sanh trên quả địa cầu chúng ta. Ba nghiệp của Bồ Tát, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, chỉ có một mục đích là lợi ích hết thảy chúng sanh. Trong các kinh điển đức Phật thường nói, thật sự đã nói ngàn lần, vạn lần, chúng ta vẫn chẳng nhớ y như cũ. Phật dạy chúng ta 'Thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói', chư vị thử nghĩ coi trong kinh, đức Phật đã nói câu này hết bao nhiêu lần? Đã nói vô cùng khẩn thiết. Trong kinh đức Phật giảng về những đạo lý, phương pháp, cảnh giới ấy, chúng ta phải thọ trì. Trì là bảo trì, sau khi tiếp nhận xong thì phải bảo trì, chẳng đánh mất. Làm sao tiếp nhận đạo lý mà Phật đã giảng? Biến nó thành tư tưởng, kiến giải của mình trong sanh hoạt thường ngày, như vậy là chúng ta tiếp nhận rồi. Cách suy nghĩ, cách nhìn của chúng ta giống như cách nói trong kinh Phật, chẳng trái nghịch, như vậy là chúng ta tiếp nhận ý tưởng, quan điểm của Phật. Những phương pháp mà Phật giảng trong kinh biến thành hành vi trong đời sống của chúng ta, chúng ta phải làm cho bằng được. Cảnh giới Phật giảng trong kinh biến thành sự hưởng thọ của chính mình ngay hiện tiền, nhập cảnh giới Phật. Như vậy thì tự tại, khoái lạc biết mấy, đây là 'tự thọ dụng', tự thọ dụng chính là 'tha thọ dụng'. Biểu hiện trong cuộc sống của chúng ta là nêu gương cho người khác, tức là Diễn, nghĩa là biểu diễn cho người khác coi. Nói được thì phải làm được, làm ra cho người ta xem, đích thật là gương mẫu của xã hội đại chúng, là mô phạm của xã hội đại chúng.

Trong hai năm gần đây chúng ta giảng kinh hoằng pháp ở mọi nơi, chúng ta có một đề mục chung 'Học vi nhân sư, hành vi thế phạm 6[6]', chúng ta dùng tám chữ này làm đề mục chung. Mọi người vừa nhìn đề mục này không đến nỗi hiểu lầm chúng ta là mê tín, hiểu lầm là chúng ta đang làm việc tôn giáo 7[7]. Chúng ta làm sao có thể đem Phật giáo trở về làm giáo dục xã hội, bốn chúng đệ tử trong nhà Phật là người làm công tác giáo dục xã hội, Phật pháp mới có thể phổ biến lợi ích hết thảy chúng sanh. Lời này là như thế nào? Các tôn giáo tín ngưỡng khác nhau đều cùng đến học Phật, các văn hóa chủng tộc khác nhau cũng ưa thích học Phật thì Phật pháp mới có thể đem lại lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Nếu nói Phật giáo là tôn giáo thì các tôn giáo chẳng thể dung nạp, tiếp nhận. Nhưng Phật pháp là giáo dục xã hội, chúng ta xóa bỏ giới hạn của tôn giáo thì bất kỳ tín đồ tôn giáo nào cũng có thể học Phật, đều có thể làm đệ tử của Phật, đều chẳng mâu thuẫn với tín ngưỡng của tôn giáo họ.

----------6[6] Học làm thầy người, hành làm khuôn mẫu cho đời

7[7] Ở đây, hòa thượng dùng chữ tôn giáo theo định nghĩa chữ religion trong triết học Tây Phương, tức là một chủ thuyết công nhận có một đấng chủ tể sanh ra vũ trụ, con người phải tuân phục vị đó, tin tưởng vô điều kiện. Nói cách khác là thần quyền, con người không có năng lực tự làm chủ vận mạng của chính mình. Do vậy, triết gia Bergson từng nói Phật giáo không phải là một tôn giáo là dựa theo ý nghĩa này.

Giống như sự thị hiện trong kinh Hoa Nghiêm, Bà La Môn, Bà La Môn giáo chẳng phải Phật giáo. Biến Hành ngoại đạo cũng là tôn giáo khác, cũng chẳng phải Phật giáo, đều là Bồ Tát. Bồ Tát thị hiện trong những hành nghiệp của họ, giáo hóa những hạng chúng sanh ấy, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Thế nên chúng ta gặp Cơ Đốc Giáo phải tán thán, chúng ta gặp Mục Sư cũng chắp tay kính chào Mục Sư Bồ Tát,gặp người đạo Hồi chúng ta chắp tay cung kính A Hoanh 8[8] Bồ Tát, họ đều là Bồ Tát cả.

Họ hỏi tôi: 'Ông xưng tôi là Bồ Tát là có ý nghĩa gì?'.

'Bồ Tát là một người có trí huệ, người giác ngộ thì gọi là Bồ Tát. Bạn có trí huệ hay không, giác ngộ không?'

Họ gật đầu. 'Vậy thì bạn là Bồ Tát'.

Thân phận của bạn là A Hoanh, thì bạn là A Hoanh Bồ Tát; thân phận hiện nay của bạn là Mục Sư thì bạn là Mục Sư Bồ Tát. Trong kinh Phật, thân phận của bạn là đồng nam, đồng nữ thì bạn là đồng tử Bồ Tát, đồng nữ Bồ Tát; thân phận của bạn là Tể Quan thì bạn là Tể Quan Bồ Tát. Phàm là người có trí huệ, giác ngộ rồi đều xưng là Bồ Tát. Bồ Tát nhất định chẳng phải khắc, chạm trổ bằng gỗ, bằng đất nặn, cúng ở trong chùa để cho người ta lạy, cách suy nghĩ và cách nhìn như vậy là sai lầm. Đó đều là tiêu biểu pháp, Bồ Tát là sống chứ chẳng chết. Người người đều làm Bồ Tát thì thiên hạ sẽ thái bình, tai nạn sẽ hóa giải hết. Vì thế, giáo dục của đức Phật là một nền giáo dục xã hội viên mãn nên được phổ cập trên thế gian này, mục đích rốt ráo của nó là chuyển phàm thành thánh, đó là mục tiêu của nền giáo dục này. Hết thảy mọi người đều thành Bồ Tát, mọi ngành mọi nghề đều là Bồ Tát thì xã hội làm sao có tai nạn được? Cảnh tùy tâm chuyển, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Chư Phật, Bồ Tát dùng vô lượng pháp môn, phương tiện giúp đỡ chúng sanh đang chịu khổ nạn.

Phải biết cách tùy cơ thuyết pháp, những Bồ Tát nói trong kinh, chư Phật, Bồ Tát nên dùng thân gì để độ được thì hiện thân ấy. 'Được độ' là như thế nào? Dùng cách nói hiện nay nghĩa là nên dùng thân phận gì để giúp đỡ họ thì bạn thị hiện thân phận ấy, 'độ' nói theo cách nói hiện nay tức là 'giúp đỡ'. Nên nói cho họ pháp môn gì thì bạn nói pháp môn ấy cho họ, thế nên 'xem xét căn cơ' rất quan trọng. Kinh Dịch của cổ nhân Trung Quốc nói: "Quán sát thiên văn để biết thời thế biến đổi" 9[9]. Thiên văn là gì? Mỗi đêm ngước nhìn sao trên trời gọi là Thiên Văn. Lời thánh nhân sâu rộng vô cùng, nhiều người chẳng biết, họ nhìn 'thiên văn'? Mỗi đêm họ đều quan sát bầu trời coi những ngôi sao có biến hóa gì chăng. Đó là gì? Chẳng hiểu ý của thánh nhân. 'Thiên' là thiên nhiên, tức là tự nhiên. Văn là văn chương. Chữ 'văn' trong bộ 'Thuyết Văn Giải Tự' 10[10], ý của chữ 'văn' này là gì? Vẽ một nét gọi là 'văn'. Nghĩa là bạn quán sát hiện tượng của thế gian, Thiên Văn tức là hiện tượng xã hội, từ các hiện tượng trong xã hội bạn có thể cảm nhận được thế giới này có thay đổi gì? Phía trước tôi đã giới thiệu cho các bạn về Tứ Đại Thiên Vương, Tây Phương Quảng Mục thiên vương tiêu biểu cho ý nghĩa này. Ngài biết nhìn, biết quán, biết xem xét, rành quán sát. Trên tay ngài cầm rồng, rắn, rồng rắn tiêu biểu cho biến hóa. Tay kia cầm hạt châu, hạt châu tượng trưng cho sự chẳng thay đổi trong biến hóa. Nắm vững được nguyên tắc chẳng biến đổi thì có thể ứng phó được sự thay đổi này, Kinh Dịch cũng nói như vậy.

----------8[8] A Hoanh là danh xưng của thầy tế (Hồi giáo), người Trung Quốc đọc trại chữ Imam của đạo Hồi.

9[9] 'Quán hồ thiên văn, dĩ sát thời biến'

10[10] Thuyết Văn Giải Tự là một bộ sách của Hứa Thận, được coi là một từ điển về tu từ học cổ nhất của Trung Hoa.

----------

Chúng ta biết nhìn không? Chúng ta thường ngồi xe, rất ít đi tản bộ, đi ngắm cảnh, đi du lịch. Ngồi xe, đi bộ trên đường phố, bạn nhìn thấy hiện tượng gì? Bạn thấy hiện nay những quảng cáo, xem những hình ảnh vẽ trên xe hơi hay xe bus công cộng, xem quần áo của người trẻ tuổi, [những thứ] như vậy là 'thiên văn'. Trong tâm chúng ta hiểu rõ rồi, hiểu rõ cái gì? Trong kinh Phật nói, trong kinh Lăng Nghiêm nói: 'Tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng', [các quảng cáo, hình ảnh] đó tức là tà sư. Làm cho [những cảnh giới] được tiếp xúc bởi sáu căn của người thế gian đều là cảnh giới yêu ma quỷ quái. Làm cho người thế gian khi lục căn tiếp xúc đến đều là cảnh giới yêu ma quỷ quái. Họ sống cuộc đời như thế nào? Đời sống của yêu ma quỷ quái. Bồ Tát nhìn thấy những hiện tượng này, lòng thương xót bèn sanh khởi. Làm thế nào để cứu độ họ? Chúng ta làm những áo thun, những áo các bạn mặc, trên đó in chữ 'A Di Đà Phật', in danh hiệu của Phật, Bồ Tát, in chữ 'Tri Ân Báo Ân'; số lượng của chúng ta ít, số lượng của họ quá nhiều. Chúng tôi nghĩ ra một cách, nhờ những người hiểu biết, những người thật sự phát tâm Bồ Đề, chúng ta phải dùng những phương pháp này, tuyên truyền rộng rãi. Chúng ta diễn giảng với quy mô lớn và tặng quần áo, tặng cho những người trẻ tuổi ai cũng mặc, cả đường phố đều [nhìn thấy hàng chữ] A Di Đà Phật, đều thấy Quán Thế Âm Bồ Tát, như vậy rất tốt.

Cổ đức có câu: 'Người biết rõ vận mạng chẳng oán trời, người biết rõ về mình chẳng trách người' 11[11], do đó có thể biết trong xã hội hiện nay rất nhiều người 'oán trời trách người', người 'oán trời trách người' quá nhiều, ai cũng cảm thấy mình chẳng có lỗi lầm, [họ nghĩ] đều là lỗi lầm của kẻ khác. Không những không biết vận mạng, ngay cả chính mình cũng chẳng biết. Thế nên giáo học Phật pháp, Phật dạy những gì? Chân tướng sự thật của nhân sinh. Vũ trụ là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta, 'nhân sanh' tức là chính mình, giáo học của Phật giáo chẳng có gì khác ngoài việc dạy bạn chân chánh biết rõ về mình, nhận thức mình, hiểu rõ hoàn cảnh sanh hoạt của mình. Có thể hiểu rõ chân tướng này rồi thì bạn sẽ là Bồ Tát, bạn sẽ là Phật; Phật, Bồ Tát chỉ là người hiểu minh bạch mà thôi. Trước kia lão pháp sư Đàm Hư cũng thường nói một người minh bạch nhất định không oán trời, chẳng trách người, người ấy mới có thể tiếp nhận lời dạy của đức Phật, mới vui vẻ y giáo phụng hành. Trong nghịch cảnh gặp khổ nạn cùng cực, họ vẫn muốn nêu gương tốt, trong mỗi niệm đều có thể xả thân vì người khác. Nhìn thấy lỗi lầm của phần đông xã hội đại chúng ở đâu? Xã hội đại chúng tham tiền thì Bồ Tát thị hiện xả tiền; xã hội đại chúng tranh danh đoạt lợi thì Bồ Tát thị hiện buông bỏ danh lợi. Tại sao phải làm như vậy? Cách làm này tức là giáo học. Vì người diễn nói, biểu diễn cho họ thấy. Bồ Tát sống trong thế gian này chẳng vì mình, mà vì chúng sanh, là đến để diễn kịch. Hy vọng tuồng kịch này có thể làm cho người xem giác ngộ, hiểu rõ, làm cho họ quay về, không bao giờ vì mình? Biểu diễn cho người khác. Đây là đại từ đại bi, đây là tinh thần của Địa Tạng Bồ Tát. Hôm nay chúng ta xem tiếp kinh văn:

Tứ Thiên Vương

Tứ thiên vương.

Đây là lời Phật kêu tên của họ. Kêu tên, lời khai thị sau đó vô cùng quan trọng, kêu tên là để nhắc họ.

Địa Tạng Bồ Tát, nhược ngộ sát sanh giả thuyết túc ương đoản mạng báo.

Địa Tạng Bồ Tát nếu gặp kẻ sát sanh thì dạy rõ quả báo vì tai ương đời trước mà phải chết yểu.

Sau đây nêu ra vài trường hợp. Địa Tạng Bồ Tát giáo hóa chúng sanh dùng phương tiện khéo léo, chúng ta phải học. 'Ương' là tai ương, tai nạn trong đời rất nhiều, thường gặp quả báo chuyện gì cũng không vừa ý, bịnh khổ, chết yểu. Vì nguyên nhân gì? Sát sanh, sát nghiệp quá nặng. Tự chúng ta cũng cảm thấy trong đời này chúng ta bị bịnh nhiều, thường thường bị bịnh đau, phải biết nguyên nhân là gì? Sát nghiệp. Đời này tuy chẳng tạo sát nghiệp, nhưng đời trước đã tạo. Trong kinh đức Phật nói, nói sự thật. 'Muốn biết nhân đời trước thì những gì phải gánh chịu trong đời này chính là kết quả của những nhân ấy', những gì mình chịu trong đời này đều là do nhân tạo đời trước. Bạn phải hiểu rõ sự thật, ngày nay bất luận chúng ta chịu tai nạn gì thì cũng nên tiếp nhận một cách vui vẻ, đời trước tạo nhân chẳng tốt thì bây giờ phải chịu quả báo. Hứng chịu quả báo chẳng oán trời, chẳng trách người thì khi thọ hết, khóa sổ kết thúc. Nếu bạn chịu quả báo mà còn oán trời trách người thì phiền phức lớn lắm. Đời này chịu quả báo lại tạo thêm ác nghiệp, đời sau vẫn phải tiếp tục chịu, dây dưa chẳng dứt. Cho nên khi bạn hiểu rõ rồi, những gì chúng ta nhận chịu đến đời này chấm dứt, sổ nợ trả dứt, báo hết. Đời này nỗ lực tu thiện, nhất định không sát sanh. Không những không sát sanh, mà còn không làm việc não hại chúng sanh. Không những không thể làm, phải không có ý niệm này, được vậy thì quả báo tương lai của chúng ta sẽ thù thắng. Đời này thời gian rất ngắn, cho dù sống đến một trăm tuổi thì một khảy ngón tay bèn trôi qua, thời gian đi qua rất mau, đọc đến câu này, nhất định không thể sát sanh, chúng ta nhìn thấy những người thọ báo trong thế gian liền biết được. 'Muốn biết quả báo đời sau, những gì mình làm đời này chính là nó', chúng ta khởi tâm động niệm, hết thảy tạo tác là quả báo đời sau, nhân duyên quả báo tơ hào chẳng sai.

----------11[11] Tri mạng giả bất oán thiên, tri kỷ giả bất oán nhân

Nhược ngộ thiết đạo giả thuyết bần cùng khổ sở báo 

Nếu gặp kẻ trộm cắp thì dạy rõ quả báo bần cùng khổ sở.

Hiện nay có nhiều chỗ lạc hậu như Phi Châu, chúng ta thường xem báo cáo người bên đó chịu nỗi khổ đói lạnh, đó là cộng nghiệp, họ chẳng biết quả báo chắc chắn phải có nhân. Nhân của sự đói lạnh, bần cùng, khổ sở là trộm cắp. Phạm vi của 'trộm cắp' vô cùng rộng lớn, định nghĩa trong Phật pháp là 'không cho mà lấy', đồ đạc của cải có chủ, chủ chẳng cho bạn, bạn bèn lấy đi thì gọi là trộm cắp. Còn phương thức trộm cắp rất nhiều; có một số người đem vật cho nhưng chẳng phải cam tâm tình nguyện mà bị ép bức nên phải đem cho; bạn có quyền uy, thế lực nên không thể không nịnh hót bạn, tâng bốc bạn, đó cũng là trộm cắp. Hễ dùng những thủ đoạn, tâm lý không chánh đáng, những gì bạn đạt được đều gọi là trộm cắp. Phạm vi này rất rộng, Giới Kinh nói rất tường tận, [trộm cắp sẽ] bị quả báo này.

Nhược ngộ tà dâm giả, thuyết tước cáp uyên ương báo

Nếu gặp kẻ tà dâm thì nói rõ quả báo làm khổng tước, bồ câu, uyên ương.

Chữ 'tước' ở đây, trong chú giải của Thanh Liên đại sư đặc biệt ghi rõ là khổng tước (chim công). Nói cách khác, quả báo của tà dâm là sanh vào cõi súc sanh. Bạn muốn sanh vào cõi súc sanh không? Nếu không muốn sanh vào cõi súc sanh thì nhất định đừng trồng nhân ấy. Thế nên Bồ Tát ở phía trước nói về mười cõi ác, trong Tam Phước dạy chúng ta tu mười nghiệp thiện, khi tu mười nghiệp thiện thì những quả báo chẳng thiện sẽ không còn nữa. Nếu bạn không tu mười nghiệp thiện, lại còn tạo mười nghiệp ác thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi quả báo ác.

Nhược ngộ ác khẩu giả, thuyết quyến thuộc đấu tranh báo.

Nếu gặp kẻ nói lời thô ác, thì dạy rõ quả báo quyến thuộc kình chống nhau.

Chúng ta cũng thường thấy người trong cùng một nhà cãi lộn, [đúng là] chẳng phải oan gia thì chẳng gặp nhau. Tại sao người trong một nhà thường chẳng hòa hợp?

Đây là quả báo đời trước nói lời thô ác. Nếu trong đời này vẫn không sửa đổi thì còn phiền phức hơn nữa, nhà người ấy làm sao hòa hợp được? Ngạn ngữ thường nói: 'Nhà hòa hợp thì vạn sự hưng vượng', nhà chẳng hòa thì chắc chắn sẽ suy bại.

Nhược ngộ hủy báng giả, thuyết vô thiệt, sang khẩu báo.

Nếu gặp kẻ hủy báng, thì nói rõ quả báo không lưỡi, miệng lở.

Khẩu nghiệp có bốn loại, đặc biệt nêu lên 'nói lời thô ác'. Phía sau 'hủy báng' bao gồm 'nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói thêu dệt' trong ấy. Hủy báng, đặc biệt là hủy báng Phật pháp, nhưng chư vị nên biết hiện nay hơn phân nữa xã hội cho rằng 'Phật giáo là tôn giáo, tôn giáo là mê tín, trong hết thảy tôn giáo thì Phật giáo là mê tín nhất, thuộc về hạng thấp nhất'. Tại sao vậy? Tôn giáo hạng cao chỉ có một vị Thần, duy nhất chỉ có một Chân Thần, [họ cho rằng] 'Phật giáo là Đa Thần Giáo, đạo nhiều thần, cái gì cũng lạy, nên cho rằng là tôn giáo hạng thấp, chẳng ai coi trọng'. Do đó làm cho quảng đại quần chúng trong xã hội hủy báng, họ tạo nghiệp này dễ sợ lắm. Họ hủy báng như vậy, chúng ta có thể trách họ chăng? Chẳng thể, phải trách chúng ta, chúng ta chẳng giải thích rõ ràng, chẳng giảng minh bạch, làm cho họ hiểu lầm. Thế nên khi chúng ta gặp người hủy báng Phật pháp thì phải quay lại trách chính mình, chẳng thể trách họ. Họ chẳng tìm hiểu rõ, chẳng hiểu chân tướng sự thật, chúng ta có trách nhiệm. Nhưng sự hủy báng của họ chắc chắn sẽ có quả báo, chúng ta phải giúp họ sám hối, nhận thức Phật giáo, nhận thức Đại Thừa. Như trong lịch sử có ghi Thiên Thân Bồ Tát lúc bắt đầu học Tiểu Thừa, hủy báng Đại Thừa, sau này anh của ngài là Vô Trước Bồ Tát giảng giải cho ngài hiểu rõ, ngài bèn sám hối, phát nguyện cắt lưỡi của mình. Anh ngài nói: 'Không cần, trước kia em dùng lưỡi này hủy báng Đại Thừa, bây giờ hãy dùng lưỡi này để tán thán Đại Thừa, như vậy có phải tốt hơn không!'. Cho nên kể từ đó ngài bèn tán thán Đại Thừa, tuyên dương Đại Thừa, đây là pháp môn sám hối, sửa đổi thành mới nên ngài được độ. Chúng ta phải cứu độ những chúng sanh tạo khẩu nghiệp này, chẳng có chi khác ngoài việc dốc hết tâm lực để tuyên dương Đại Thừa, giúp cho họ nhận thức rõ ràng bộ mặt [ý nghĩa] chân chánh của Phật pháp, làm cho họ quay trở lại, không những không hủy báng mà còn tán thán.

Tôi giảng kinh thuyết pháp trên giảng đài này hết bốn mươi năm. Năm ba mươi ba tuổi tôi bắt đầu giảng kinh, năm nay đã bảy mươi hai tuổi, nếu tính hư tuế thì đã bốn mươi năm rồi. Vẫn còn rất nhiều người hủy báng, tôi đều tiếp nhận hết, tại sao? Vì đã tạo khẩu nghiệp quá sâu đậm. Lúc chưa học Phật đã hủy báng Phật pháp, tôi đã nói Phật pháp là mê tín. [Lúc đó] tôi chỉ tin Cơ Đốc Giáo, tin Hồi Giáo, tôi đã trải qua hai năm trong Cơ Đốc Giáo, một năm trong Hồi Giáo, ấn tượng của tôi đối với cả hai đạo ấy rất tốt, cả hai đều có thể nói ra một số đạo lý. Trong Phật pháp thì tôi chẳng [có cơ hội] tiếp xúc với Pháp sư, chẳng có người giảng cho tôi, nói rõ đạo lý của Phật pháp nên tôi chẳng biết. Tôi cũng cho rằng Phật pháp là mê tín, phải phá trừ mê tín. Tôi tạo ra nghiệp rất nặng, 'làm thân Phật ra máu' là tội nghiệp đọa địa ngục Vô Gián. Lúc nhỏ tuổi vô tri, thời kháng chiến [chống Nhật] trường học rất ít, trường học lúc ấy ở đâu?

Ở trong chùa miếu. Chính phủ tịch thâu chùa miếu để làm trường học, đem chánh điện làm lễ đường, điện nhỏ kế bên thì làm phòng học. Họ đem tượng Phật, tượng Bồ Tát gom lại bỏ trong một gian phòng, bên ngoài dán giấy phong kín lại, như vậy kể cũng còn tốt. Con nít chúng tôi nghe nói trong ấy có rất nhiều Phật, Bồ Tát, có thể lấy để chơi đùa, bèn đục lỗ trên cửa sổ chui vào, lấy tượng Phật làm đồ chơi, chơi đã xong rồi vứt bỏ, phá hoại hết. Do hiếu kỳ nên chẻ tượng Phật bằng gỗ ra coi trong ấy có gì hay không, trong bụng [tượng Phật] có sợi tơ gì hay không, chơi rất nhiều trò, còn chơi bùa chú nữa. Chúng tôi tạo những tội nghiệp này, lúc đó còn nhỏ chẳng biết. Thầy giáo cũng chẳng dạy, nói thật ra, nếu nói thì chúng tôi chưa chắc sẽ nghe theo, cứ tiếp tục tạo tội nghiệp hủy báng Phật pháp. Sau này học Phật rồi mới biết, đây là tạo tội nghiệp đọa địa ngục Vô Gián. Ngày nay tôi giảng kinh thuyết pháp được bốn mươi năm, vẫn còn bị người ta hủy báng, sỉ nhục, như vậy là đáng lắm, là tội nặng nhưng chỉ bị quả báo nhẹ mà thôi.

Lúc nhỏ tôi đi học rất ngỗ nghịch, thầy giáo rất thích tôi, nhưng thầy cũng rất khó dạy dỗ tôi. Sức nhớ dai của tôi rất tốt, sách đọc qua một lần bèn thuộc lòng thế nên chẳng đọc tiếp nữa, chỉ đọc để thi cử mà thôi. Mười phút trước giờ thi nếu tôi coi bài, ôn qua một lượt thì chắn chắn sẽ thi đậu. Vả lại, tôi thi cử gì cũng chỉ muốn được sáu mươi điểm, thêm một điểm cũng chẳng được. Tôi chẳng tranh danh, chẳng đoạt lợi, luôn luôn đem bài nộp trước nhất. Thầy giáo coi xong đều lắc đầu, có thể lấy được điểm tốt nhưng đều không chịu lấy, tại sao? Vì ham chơi. Chỉ cần cho tôi mỗi năm được lên lớp là tốt rồi, như vậy là đã đạt được mục đích, yêu cầu của các bạn không phải cũng chỉ là như vậy sao? Thầy giáo yêu cầu gia trưởng, tôi đều làm cho họ mãn nguyện. Nhưng tôi thích làm những việc tôi ưa thích. Tôi đọc rất nhiều sách, nhiều hơn các bạn đồng học. [Từ] thư viện trong trường, tôi đọc những sách tôi ưa thích nên kiến thức phổ thông của tôi phong phú hơn người thường. Từ lớp ba cấp tiểu học tôi bắt đầu đọc những tiểu thuyết xưa của Trung Quốc, đọc đến năm thứ nhất của bậc Trung Học bèn thôi, chẳng đọc tiếp nữa. Những tiểu thuyết hay hầu như tôi đều đọc qua bốn, năm lần, thí dụ bốn tiểu thuyết lớn như Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử Truyện, Hồng Lâu Mộng đại khái mỗi bộ đều đọc hết năm, sáu lần. Hơn nữa những sách dầy như vậy, tôi đọc nhanh lắm, chẳng tới một tuần là tôi đọc hết trơn. Tiểu thuyết cổ điển đọc hết rồi, đến năm thứ nhất của bậc Trung Học bèn chẳng đọc nữa. Ban ngày đọc tiểu thuyết, ban đêm đi coi kịch. Đời học sinh của tôi thật là thú vị, các thầy của chúng tôi đều biết, hiệu trưởng cũng biết. Tôi nói với hiệu trưởng, trường học hiện nay chẳng qua là chỗ để kiếm văn bằng, kiếm học vị mà thôi, những gì học xong chẳng dùng được, tôi học những thứ này tương lai có dùng được gì không? Thầy tôi cũng chịu tôi hết nổi, tạo nghiệp quá nhiều. Nhưng kể ra cũng có một chút thiện căn là chẳng hại người khác, chẳng gây hại cho xã hội.

Sau khi tiếp xúc Phật pháp mới biết, mới hiểu được đạo lý này nên nỗ lực đoạn ác tu thiện. Lúc tôi chưa học Phật nhiều người coi bói đều nói tôi chẳng sống hơn bốn mươi lăm tuổi, tự mình tôi cũng tin, chẳng nghi ngờ gì cả. Tại sao? Đã tạo những nghiệp lúc trước làm sao có thể sống lâu được? Thế nên năm bốn mươi lăm tuổi, tôi mắc bịnh cũng chẳng đi khám bác sĩ, cũng chẳng uống thuốc, giống như ông Lý Mộc Nguyên vậy, thọ mạng đã đến, bác sĩ chỉ có thể trị bịnh, chẳng thể trị mệnh, chỉ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Niệm được một tháng thì hết bịnh, khoẻ trở lại. Chúng tôi hồi tâm chuyển ý, đem một chút trí huệ, khả năng, thân thể này hoàn toàn hiến dâng cho Phật, Bồ Tát, làm việc cho Phật, Bồ Tát, chẳng vì mình nữa. Nhà Phật thường nói 'nương theo nguyện trở lại' (thừa nguyện tái lai), chúng tôi chuyển biến nghiệp lực thành nguyện lực, chẳng cần đợi đến lúc vãng sanh tây phương Cực Lạc thế giới rồi quay trở lại, chẳng cần nữa. Hiện nay thay đổi nghiệp lực thành nguyện lực thì xong ngay, thì sẽ thừa nguyện tái lai. Tôi 'thay đổi' được hiệu quả rất tốt, Lý Mộc Nguyên thay đổi cũng rất có hiệu quả, đều là biểu diễn cho các bạn xem. Hai người chúng tôi làm được thì các bạn đều có thể làm được, chỉ coi bạn chịu hay không chịu mà thôi. Vừa thay đổi thì ý niệm liền thay đổi, khởi tâm động niệm đều vì Phật pháp, vì chúng sanh, tuyệt chẳng có một tâm niệm vì mình. Tôi vì Phật pháp, vì chúng sanh nhưng tôi còn vì mình được không? Không được. Nhất định phải một trăm phần trăm vì Phật pháp, một trăm phần trăm vì chúng sanh, nhất định chẳng thể có một tơ hào vì mình thì bạn có thể chuyển đổi trở lại, vả lại sẽ chuyển rất nhanh chóng. Chúng ta tham gia 'câu lạc bộ' của Phật, Bồ Tát, tham gia hạnh nghiệp này của Phật, Bồ Tát thì đâu có lý nào chẳng thể chuyển đổi được? Còn phải học giảng kinh thuyết pháp không? Chẳng cần học. Học ư? Có học cũng chẳng được. Tâm của bạn giống như tâm Phật thì tự nhiên sẽ tỏ lộ. Chẳng phải do bạn chuẩn bị sưu tập tài liệu thì bạn mới biết giảng, chẳng có chuyện ấy. 'Pháp vốn là như vậy' 12[12], từ trong tự tánh thể hiện ra, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Trong 'Nội Điển' 13[13] chư vị bất quá là học một số phương pháp căn bản. Chúng ta là người sơ học chưa nhập cảnh giới của Phật nhất định phải dùng cách nói của Tổ sư đại đức để nói, chẳng nói sai những lời của họ. Nhưng tự mình chân chánh phát tâm hoằng pháp lợi sanh nhất định phải nhập cảnh giới. Chẳng nhập cảnh giới thì chỉ là 'nói đồ ăn, đếm của báu', hoàn toàn là đồ của người khác, chẳng liên quan gì đến mình cả. Muốn nhập cảnh giới thì phải triệt để buông xuống, buông xuống thì tự nhiên sẽ nhìn thấu. Nhìn thấu là gì? Hiểu rõ rồi. Tánh - Tướng, Lý - Sự, Nhân - Duyên, Quả - Báo đều rõ ràng, minh bạch, đó gọi là nhìn thấu, là sự việc như thế.

----------12[12] (Pháp nhĩ như thị)

13[13] Nội Điển ở đây là khóa học Nội Điển Giảng Tọa của hòa thượng.

 Xem tiếp đoạn kinh phía sau:

Nhược ngộ sân khuể giả, thuyết xú lậu lung tàn báo.

Nếu gặp kẻ nóng giận, thì nói rõ quả báo xấu xí, tàn tật.

Quả báo của 'Sân khuể' là ở địa ngục, những hiện tượng trong địa ngục, chúng ta xem 'Địa Ngục Biến Tướng Đồ' nói trong Phật pháp, sau đó coi những tôn giáo khác cũng có nói về Địa Ngục Biến Tướng Đồ. Tuy các tôn giáo khác chẳng nói về lục đạo, ít nhất họ cũng nói về tam đạo, họ nói về Thiên Đường, cõi người, và địa ngục. Tranh vẽ hình tượng trong địa ngục chẳng có thứ nào đẹp đẽ, hình trạng đều vô cùng kinh khủng, 'xú lậu lung tàn', đây là việc chúng ta phải nên cảnh giác. 'Một tâm niệm sân giận khởi lên, trăm vạn cánh cửa chướng ngại mở ra'. Xấu xí, tàn tật là hoa báo, địa ngục là quả báo, chẳng thể không biết. Nếu tướng mạo chúng ta là xấu xí, tàn tật thì biết tâm sân giận nặng, tâm đố kỵ nặng. Nếu chúng ta có thể sửa đổi trở lại, phát tâm từ bi, có thể thương xót hết thảy chúng sanh, yêu mến bảo vệ hết thảy chúng sanh, lo lắng cho hết thảy chúng sanh, giúp đỡ hết thảy chúng sanh thì tướng mạo sẽ thay đổi. Thế nên bạn tu hành có công phu hay chăng, chẳng xem gì khác chỉ xem tướng mạo của bạn. Coi tướng mạo, thể chất của bạn ba năm trước và ba năm sau, tướng tùy tâm chuyển. Tâm địa của bạn thanh tịnh thì sẽ có tướng thanh tịnh; tâm địa từ bi thì sẽ có tướng từ bi; tâm địa trí huệ thì sẽ có tướng trí huệ; tâm địa ác độc thì sẽ có tướng ác độc, làm sao có thể gạt người được? Giả vờ cũng chẳng thể giả vờ được. Người đời ưa thích đẹp phải đi sửa sắc đẹp, càng sửa thì càng xấu. Tôi đã thấy rất nhiều người sửa sắc đẹp, chưa sửa thì còn được, sau khi sửa rồi thì tướng mạo biến thành kỳ lạ, chẳng dễ nhìn tí nào. Tướng đó là gì? Là tướng giả, tâm chẳng chuyển. Thế nên phải biết tướng làm sao tạo nên, tạo được đẹp cách mấy, nếu tâm chẳng tốt thì tướng tốt đẹp cũng biến thành tướng xấu xí. Hiểu được đạo lý này thì hà tất phải đi sửa sắc đẹp để tốn tiền lãng nhách? Phải sửa đổi tâm, tâm đổi rồi thì tướng sẽ đổi theo.

Thân thể cũng chẳng cần tìm thuốc men, tẩm bổ gì cả, chẳng cần, tâm tốt rồi thì thân thể tự nhiên khỏe mạnh. Tôi chưa từng tìm ai đến đây giúp thân thể khỏe mạnh, trị liệu gì hết, chẳng bao giờ. Chưa từng ăn đồ tẩm bổ, người ta tặng cho tôi những thứ nhân sâm, sâm Cao Ly, vừa đến tay tôi liền chuyển đem cúng dường người khác, tôi chẳng dùng những thứ ấy, chẳng tiêm nhiễm bao giờ. Phải ra sức từ trong tâm, chẳng cần chú trọng đến thân thể. Luôn luôn phải lo đến thân thể khỏe mạnh thì chư vị nghĩ coi, thân kiến của bạn chẳng thể phá, tâm niệm tự tư tự lợi của bạn chẳng dứt bỏ, bạn chấp trước thân tướng. Kinh Kim Cang dạy chúng ta một nguyên tắc căn bản của sự tu hành: 'Chẳng có tướng Ta, chẳng có tướng Người, chẳng có tướng Chúng Sanh, chẳng có tướng Thọ Giả'. Bạn có đầy đủ bốn tướng này, bạn còn chấp trước thì thân tâm của bạn làm sao thanh tịnh cho được? Thân tâm chẳng thanh tịnh thì thân thể của bạn làm sao khỏe mạnh? Chư vị nên biết khỏe mạnh nhất là phải trở về với tự nhiên, đại tự nhiên, vô tư, vô ngã. Thế nên kinh Kim Cang dạy phá Bốn Tướng này tức là trở về tự nhiên, tự nhiên thì khỏe mạnh nhất, tự nhiên thật sự là thân Kim Cang chẳng hư hoại. Trong kinh nói đến thân kim sắc, ngày nay chúng ta đúc tượng đều thếp vàng, bạn nghĩ coi đẹp không? Nếu một người gương mặt có màu vàng khè như thếp vàng, người ấy sẽ là người quái gở, tôi nghĩ sẽ chẳng ai thích người ấy. Vàng là để tiêu biểu pháp, trong hết thảy vật chất, tại sao vàng được người ta cho rằng quý báu như vậy? Vì vàng chẳng đổi màu sắc. Bởi vậy nên vàng tượng trưng cho sự bất biến, chẳng biến đổi thì là thiệt, biến đổi là giả. Chân tâm lìa niệm, đó gọi là vàng, màu vàng, kim sắc. Sự tiêu biểu pháp trong kinh Hoa Nghiêm, chư vị đều đã xem qua, nói thế giới kim sắc sẽ chẳng biến đổi. Vọng tâm sẽ biến đổi, là giả. Thế nên vàng tượng trưng cho chẳng biến đổi, chẳng biến đổi là chân tâm, chẳng biến là nhất tâm, nhị tâm thì biến rồi.

Chúng ta nhất định phải hiểu ý nghĩa tiêu biểu pháp, không thể kẹt cứng trong văn tự, nếu kẹt như vậy thì sai lầm. Khi bạn muốn khuyên một người học Phật, họ nói: 'Tôi chẳng muốn học Phật, học Phật rồi trên thân mình vàng khè, rất khó coi', nhất định phải hiểu rõ nghĩa thú nói trong kinh, thật sự thì kinh Phật rất khó hiểu, khó ở chỗ 'ý ở ngoài ngôn từ', thế nên bạn phải biết cách nghe. Kinh văn cũng vậy, ý ở ngoài văn tự chứ chẳng ở trong văn tự. Văn tự là để dẫn đường, trong Thiền Tông gọi là 'chỉ mặt trăng', rất có đạo lý. Đó là 'chỉ', bạn phải thuận theo hướng [ngón tay] 'chỉ' này thì mới nhìn thấy chân tướng. Thế nên ý chẳng ở trong văn tự, chẳng ở trong ngôn từ, ý chẳng lìa văn tự, cũng chẳng lìa ngôn thuyết, được vậy thì bạn mới thể hội đến ý nghĩa chân thật. Chân thật nghĩa là tự tánh, tự tánh vốn có đủ trí huệ, tự tánh vốn có đủ đức năng, đây là chân thật nghĩa mà Như Lai đã nói. Thế nên chân thật nghĩa cũng chẳng phải chân thật nghĩa của đức Phật Thích Ca, phải nói là Như Lai chân thật nghĩa, 'Như Lai' là tự tánh, là tên gọi của tánh đức, một trong mười hiệu của Phật, chẳng phải là một người.

Nhược ngộ xan lận giả, thuyết sở cầu vi nguyện báo.

Nếu gặp kẻ bỏn xẻn thì nói rõ quả báo sở cầu không được toại nguyện.

Đây tức là 'Khổ khi cầu chẳng được' trong 'Tám Khổ'. Tại sao họ cầu chẳng được? Bỏn xẻn, chẳng chịu thí xả, cầu gì cũng chẳng được. Năm tôi hai mươi sáu tuổi học Phật, lúc đó tôi tiếc là được nghe Phật pháp quá trễ, Phật pháp hoàn hảo như vậy, tại sao chẳng biết sớm hơn nữa? Nói thật ra muốn làm cho tôi sanh lòng tin đối với Phật pháp là một việc quá khó, quá khó! Tôi đã kể cho quý vị rồi, lúc tôi còn trẻ cũng có chút thông minh, chút trí huệ, cũng có chút ít biện tài. Ai muốn thuyết phục tôi thật sự chẳng dễ, thời gian tôi còn đi học trong trường chưa từng gặp đối thủ. Chuyện 'chết' tôi có thể nói nó trở thành 'sống', tôi nói rất giỏi, chuyên môn tranh cãi, chuyên môn chống đối người ta, tôi sẽ nói ra một số lập luận. Thế nên có thể dạy cho tôi tin Phật, thuyết phục tôi đâu phải dễ! Tôi gặp được Phương Đông Mỹ tiên sinh, ông thuyết phục tôi được. Đây là triết học gia đương thời của Trung Quốc, nổi tiếng khắp thế giới, chẳng thuộc hạng của quốc gia, là đại triết học gia cấp thế giới. Ngài giới thiệu Phật pháp cho tôi, tôi mới tin và có thể quay ngược thái độ của mình đối với Phật giáo một trăm tám mươi độ, [sau đó] vào chùa để tìm kinh coi. Cũng nhờ có duyên sâu đậm, tôi tiếp xúc kinh Phật được cỡ một tháng thì quen biết Chương Gia đại sư, những nghi vấn khó hiểu gì trong kinh điển tôi đều nhờ ngài giải đáp cho. Ngài vô cùng từ bi, mỗi tuần cho tôi hai giờ đồng hồ, tôi học hỏi theo ngài hết ba năm, căn cơ Phật pháp của tôi được ngài xây dựng. Ngài dạy tôi [ba điều vô cùng quan trọng:] Nhìn Thấu, Buông Xả, Bố Thí. Thế nên học Phật phải học theo ai? Học theo người thầy mà trong tâm bạn kính phục nhất. Người này nói gì thì bạn đều phục tùng theo một trăm phần trăm, làm được một trăm phần trăm. Nếu bạn đối với thầy giáo chẳng tin tưởng, dù thầy giáo có giỏi hơn nữa, có đức độ lớn lao, có khả năng, có trí huệ lớn lao, nếu bạn theo họ thì cũng là luống công. [Vì] bạn chẳng tin tưởng họ, bạn chẳng thể làm theo những gì họ dạy. Thế nên 'sư tư đạo hiệp' (thầy trò đạo hợp) vô cùng quan trọng, thầy giáo thương mến học trò, học trò tôn kính thầy giáo, thầy giáo thật sự chịu dạy, học trò thật sự chịu học.

[Những vị thầy tôi] gặp trong đời đều do duyên tốt đã kết đời trước, thầy Phương dạy một mình tôi. Lần này tôi đến giảng kinh tại Hương Cảng, đôi lúc tôi cũng nhắc đến chuyện này. Viện trưởng thư viện Tân Á ở Hương Cảng lúc trước, ông Đường Quân Nghị, đây là một triết học gia cận đại và cũng là học trò của thầy Phương Đông Mỹ, chúng tôi là học trò cùng thầy nhưng khác thế hệ, ông có thành tựu kiệt xuất trong Triết Học, ông đã mất rồi. Đường Quân Nghị có lẽ lớn hơn tôi mười tuổi. Gặp những người này, trên con đường Bồ Đề chúng tôi mới được thuận buồm xuôi gió. Khi gặp tôi, Chương Gia đại sư yêu mến, chăm sóc tôi rất tận tình, mỗi tuần cho tôi hai giờ, tôi muốn làm biếng cũng không được. Làm biếng không đi một lần, ngài bèn gọi điện thoại, sai người đi kiếm coi tôi có bị bịnh không, cớ sao chẳng lại? Bạn xem sự nhiệt tình như vậy làm cho tôi không thể không đi, ngài thật sự là chịu dạy. Thế nên tôi đối với ân đức của thầy giáo không bao giờ quên. Sau khi hai ngài mất, tôi theo học với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi theo ngài mười năm, thầy Lý vô cùng quan tâm, thương mến tôi. 'Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng' là lời Chương Gia đại sư dạy tôi. Ngài dạy lúc bạn cầu mà không được là vì bạn có chướng ngại, có nghiệp chướng. Tôi hỏi: Vậy thì phải làm sao? Sám hối, tiêu nghiệp chướng. Nghiệp chướng tiêu trừ thì những gì bạn mong cầu đều sẽ hiện ra. Tôi cầu Thôn Di Đà, đã cầu suốt mười sáu năm, có nghiệp chướng chẳng thể hiện tiền, chắc là hiện nay nghiệp chướng đã tiêu hết rồi nên Thôn Di Đà bèn thành tựu, đã được thành tựu rồi. Bạn có nghiệp chướng thì không được, nhất định phải tiêu nghiệp chướng. Muốn tiêu nghiệp chướng thì phải làm thật sự, tâm hạnh của mình phải nhập cảnh giới Phật.

Chúng tôi biểu diễn trên giảng đài, chư vị đồng tu cần phải lắng nghe kỹ càng, các bạn sẽ có thể nghe ra được. Tôi đã giảng kinh Vô Lượng Thọ hết mười lần, lần này là lần thứ mười, đại khái đều có lưu lại băng thâu âm. Các bạn hãy nghe thử, lần nào cũng chẳng giống nhau. Chẳng phải là tôi có tài liệu chẳng chịu giảng, phải để dành đến lần sau mới giảng, chẳng phải vậy. Cảnh giới mỗi năm đều khác nhau, việc này nói rõ nghiệp chướng mỗi năm đều tiêu bớt đi một ít. Nếu nghiệp chướng chẳng tiêu bớt thì cảnh giới chẳng thể hiện ra. Tôi chẳng phải là một người lợi căn, chỉ là một người căn tánh trung hạ, nghiệp chướng đang tiêu bớt từ từ, mỗi năm đều đang tiêu bớt nên cảnh giới mỗi năm đều chẳng giống nhau. Tự mình tôi biết được, người thường nghe tôi giảng cũng biết, họ có thể nghe biết được. Tôi giảng kinh chẳng có bút ký, chẳng ghi chép bài giảng. Tài liệu của cổ đức tôi có xem qua, tôi dành ra một số thời gian để xem kỹ càng, họ cung cấp cho tôi một số tài liệu tham khảo. Nhưng lúc giảng, tôi chẳng giảng y theo lời văn của họ. Nếu y theo chú giải của họ để giảng thì sẽ chẳng khế cơ. Họ là người ở thời đại xa xưa, đối diện với thính chúng, quán chúng thời đó, còn tâm con người, xã hội hiện đại hoàn toàn khác biệt với lúc trước. Thế nên chúng ta đọc tài liệu của người xưa là nhằm khải phát trí huệ của mình, chỉ có thể tham khảo. Chúng ta phải có khả năng quán sát căn cơ của đại chúng hiện nay, sau đó mới có thể làm được việc thuyết pháp ứng cơ, thật sự có thể giúp đỡ, đem lại thọ dụng thật sự cho họ. Hóa giải kiếp nạn, làm được xã hội hòa mục, an định, phồn vinh, người ta ai nấy đều có thể sống cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn, đây là mục đích của sự học Phật hiện nay. Trong nhà Phật đích thật là có cầu ắt ứng, cầu làm Phật còn được huống chi những thứ khác. Làm Phật là khó nhất, làm Phật cũng có thể cầu được thì những thứ vinh hoa phú quý trong thế gian đều là việc nhỏ nhoi như lông gà vỏ tỏi, đâu có lý nào mà cầu chẳng được! Chúng ta phải có lòng tin. Nếu bạn muốn có cầu ắt ứng thì chẳng có gì khác ngoài việc 'tiêu nghiệp chướng'. Lời dạy này của Chương Gia đại sư, tôi ghi nhớ suốt đời, y giáo phụng hành.

Nhược ngộ ẩm thực vô độ giả, thuyết cơ khát yết bịnh báo

Nếu gặp kẻ ăn uống vô độ, thì dạy quả báo đói, khát, cổ họng đau đớn.

Câu này dễ hiểu, tham ăn. Hiện nay có rất nhiều bịnh quái gở trong xã hội lúc trước chưa từng nghe qua, bịnh từ đâu đến vậy? Ngạn ngữ nói rất hay: 'Bịnh từ miệng vào, họa từ miệng ra'. Khẩu nghiệp kể phía trước, sẽ tạo ra họa hại, tai họa đều phát sanh từ khẩu nghiệp mà ra. Tật bịnh đều từ việc ăn uống, bịnh từ miệng vào. Lần này tôi ở Hương Cảng, có một đồng tu nói với tôi, ông nói đây là chuyện có thật ở Hương Cảng. Đây là tin tức trong xã hội, mọi người đều biết. Mấy năm trước có hai mẹ con người đó rất thích ăn đồ biển, mỗi ngày đến eo biển đều mua đồ sống, chẳng phải là họ tự mình bắt, họ mua đồ sống về tự nấu ăn. Đến già thì người mẹ này bị một bịnh [kỳ lạ], khi phát bịnh thì nói: "Nước rất lớn, đi đến đâu cũng là cát bùn, cứ bò tới bò lui trong phòng, giống như đang trèo lên bờ", giống như những loại hải sản vậy. Sau này lở loét trên khắp thân mình xong rồi chết đi. Sau khi người mẹ chết, người con gái cũng bị bịnh giống vậy, qua một thời gian chẳng có cách chi chữa khỏi nên đi khắp nơi cầu thần, coi bói, và gặp một vị pháp sư. Pháp sư nói với cô: "Đây là quả báo cả đời cô sát sanh, ăn đồ biển sống", phải mau sám hối, dạy cho cô phóng sanh, ăn chay. Lúc đó cô bèn làm theo nhưng chẳng kịp nữa, vẫn phải chết. Bạn bè thân quyến của cô thấy vậy nên đều ăn chay trường, chẳng dám ăn những đồ biển này nữa. Đây là chuyện có thật, lúc chết giống như hình tướng những hải sản dưới biển vậy, quả báo rành rành hiện trước mắt cho bạn coi. Tuy là một tin tức trong xã hội, tôi thấy những tiệm bán hải sản ở Hương Cảng vẫn ngồi đầy khách, thật đúng là 'ương ngạnh khó giáo hóa'. Bồ Tát gặp những chuyện như vậy, hiện nay nên đem nó đóng thành phim điện ảnh, cho chiếu khắp nơi. Nên dán vài tấm nói rõ những quả báo này trong tiệm bán đồ biển, để cho mọi người xem, thật rất đáng sợ! Kiếp đao binh trong thế gian từ đâu đến? Chính là từ việc ăn thịt của chúng sanh đấy.

Hiện nay mọi người ai nấy đều chú trọng thân thể khỏe mạnh, muốn thân thể được khỏe mạnh thì tốt nhất là ăn chay, trong việc ăn chay tốt nhất là ăn rau cải sống. Hiện nay tôi ăn rau cải sống, đã ăn cả hai tháng nay nên mọi người thấy tôi rất ốm, đã ốm bớt đi. Tôi nói với họ thân thể chẳng khỏe, công việc giao tiếp quá nhiều, tốt nhất đừng kiếm chuyện gặp tôi. Nhưng trên thực tế là đang thay đổi đời sống, lần thứ nhất tôi thay đổi là lúc bắt đầu ăn chay trường, lúc đó thân thể ốm, đại khái hai ba năm sau đó thì thân thể khôi phục lại bình thường. Bây giờ làm một sự thay đổi lần thứ nhi, ăn rau cải sống, cả hơn hai tháng tôi chẳng ăn cơm, toàn ăn rau cải. Buổi sáng ăn một chén cháo, ăn hai cuộn rau, một chén canh. Hôm nay chúng ta có làm [món này] không? Nếu có làm, hãy mang vài cuộn, chúng ta đem đến phòng ăn mời lão hòa thượng dùng. Chẳng có dầu, chẳng có muối, hoàn toàn là rau cải sống. Tôi thường nghĩ, bạn coi bò, dê ăn cỏ, thân thể của nó cường tráng như vậy, chúng nó chẳng ăn dầu, muối, càng nghĩ càng có lý. Các bạn đồng tu giới thiệu cho tôi, sau khi ăn hơn hai tháng, ăn rất ngon lành, dễ chịu, đích thật có ích lợi.

Chúng ta phải chú ý việc ăn uống, đặc biệt là việc ăn uống hiện đại. Tâm người hiện đại chẳng tốt, những địa phương khác thì tôi không biết còn tình hình ở Đài Loan thì tôi biết, đồ ăn nuôi heo toàn là thuốc hóa học, thúc giục rút ngắn thời gian sanh trưởng của heo, làm cho heo lớn lên nhanh chóng, sau sáu tháng bèn giết lấy thịt. Cho nên trong thịt heo đều là các độc tố, chẳng bình thường. Nói thêm, hồi trước gia súc đều được nuôi bên ngoài, lúc chưa làm thịt thì đời sống của nó rất tự do, tự tại, tâm tình của chúng nó rất thoải mái vui vẻ. Hiện nay những loài súc sanh này, vừa sanh ra liền bị nhốt trong lồng, cũng giống như ở tù vậy, bị tù chung thân mãi cho đến khi bị giết làm thịt. Bạn nói tâm tình của chúng nó như thế nào? Trong thịt của nó tràn đầy chất độc, người ta ăn vào làm sao không sanh bịnh cho được? Sanh ra những bịnh kỳ quái. Hiện nay ăn chay cũng phiền phức, rau cải cũng có thuốc, nghe nói gạo cũng có chất hóa học gì trong đó nên hạt gạo trông rất đẹp đẽ, đều có độc tố, đúng như trong kinh có nói: 'uống khổ, ăn độc', ngày nay chúng ta sống cuộc đời như thế đó. Nhà nông chúng ta ở Đài Loan, họ ăn rau cải tự mình trồng, tách rời với những rau cải dành để bán; họ nói rau cải dành để bán không ăn được, có chất độc, họ biết nên rau cải có chất độc thì bán cho người ta ăn. Gạo cũng vậy, gạo của họ ăn là gạo trồng riêng ra, còn gạo để bán là loại trồng riêng, đều tách rời ra. Họ bán những thức có độc này cho người khác, bản thân của họ cũng sẽ chẳng tránh khỏi bị chất độc làm hại, vì tâm họ chẳng thiện.

Ngày nay chúng ta cũng phải nói là có duyên, gặp được đồng tu giới thiệu mới biết xú dưỡng 14[14] có thể hóa giải thuốc trừ sâu. Nên những rau cải chúng ta ăn hiện nay đều được xử lý bằng xú dưỡng, phân giải những chất có độc trong rau cải, cho nên đồ ăn sạch sẽ hơn đồ ở ngoài. Việc này có thể đẩy mạnh rộng rãi, tôi muốn tìm công xưởng chế tạo máy móc này, hy vọng nó có thể sản xuất hàng loạt, chúng ta tìm cách để giúp họ truyền bá, giới thiệu. Có thức ăn khang kiện, tâm lý thanh tịnh, tâm lý từ bi, thân tâm khỏe mạnh, chẳng có một pháp nào không phải là Phật pháp, pháp nào cũng đều là Phật pháp.

----------14[14] xú dưỡng là khí ozon, ozone, O3

Tốt lắm, hôm nay đã hết giờ, chúng ta giảng đến đây.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top