Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Tập 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tập 3 (Số 14-12-03)

Xin mở kinh trang số một:

Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Ðao Lợi Thiên vị mẫu thuyết pháp.

Tôi nghe như vầy, một thuở nọ đức Phật tại cung trời Ðao Lợi vì mẹ thuyết pháp.

Trong đoạn này chúng ta giảng đến 'Nhất thời', ý nghĩa của 'Nhất thời' cần phải bổ sung một chút. Trong Phật pháp, thời gian có hai cách nói: một là 'sát na tế', Phật nói đây là 'thật thời', tức là chân thật, là chân tướng của thời gian. Ngoài ra còn có một danh từ gọi là 'Tam Ma Da', có nghĩa là 'trường thời', ngày nay chúng ta gọi là: tướng tiếp nối. Trong kinh Kim Cang có nói: 'Như lộ diệc như điện', lộ là sương, chúng ta biết thời gian rất ngắn, buổi sáng có sương, khi mặt trời mọc thì sương tan. Dùng việc này để ví cho 'trường thời', ví cho tướng tương tục; điện (ánh chớp) ví cho thời gian chân thật. Thời gian chân thật trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Ðịnh gọi là 'sát na tế' 1[1] (trong khoảng một sát na), đó mới là thật.
Chúng ta rất khó cảm nhận được quan niệm 'sát na tế'. Hiện nay khoa học tiến bộ, dùng máy móc khoa học để quan sát chúng ta mới cảm nhận được chút ít. Nhưng thật ra 'sát na tế' chính là như trong kinh thường nói: 'sanh diệt đồng thời', vì thời gian sanh diệt của nó quá ngắn ngủi, lục căn chúng ta chẳng thể cảm nhận được. Những gì lục căn của chúng ta có thể cảm nhận, nói cách khác, phải là thời gian tương đối dài.
Vừa mới kích thích liền phản ứng tức thời, tuy là nói 'lập tức' nhưng cũng phải trải qua thời gian rất dài. Nếu nói là 'sát na tế sanh diệt' thì chúng ta hoàn toàn cảm nhận không được. Không những phàm phu lục đạo chúng ta, người cõi trời thông minh hơn con người, cảm ứng linh mẫn hơn nhiều nhưng cũng chẳng cảm nhận tới, thậm chí Thanh Văn, Duyên Giác, Quyền Giáo Bồ Tát [cũng không được]. Trong kinh Phật nói với chúng ta Bát Ðịa Bồ Tát mới có thể nhìn thấy A Lại Da, A Lại Da thuộc về 'sát na tế', phải có công phu định lực sâu như Bát Ðịa Bồ Tát mới cảm nhận đến 'sát na tế'. Sát na sanh diệt, trong kinh Phật thường dùng 'chẳng sanh chẳng diệt' để hình dung. Nếu không có sanh diệt thì nói 'chẳng sanh chẳng diệt' là thừa, chẳng có ý nghĩa gì hết; thật ra chẳng sanh chẳng diệt nghĩa là đích thực có sanh, có diệt, nhưng vừa sanh đã diệt

---------------------------------------------------------------------

chú giải

1[1] Sát na (khana hoặc ksana), dịch nghĩa là Tu Du (trong khoảnh khắc), Niệm Khoảnh (trong khoảng một niệm), tức là khoảng thời gian để một niệm dấy lên và mất đi, rất ngắn ngủi. Có nhiều cách giải thích chữ này:1. Theo Câu Xá Luận, quyển 12: Một trăm hai mươi sát na gọi là một Đát Sát Na (tat-ksana), sáu mươi Đát Sát Na là một Lạp Phược (lava), ba mươi Lạp Phược là một Mâu Hô Lật Đà (muhūrta). Ba mươi Mâu Hô Lật Đà là một ngày đêm. Như vậy, Sát Na tương đương khoảng 0.013 giây.

2. Theo Ma Ha Tăng Kỳ Luật, quyển 17, Sát Na còn gọi là Niệm, cứ 20 Niệm là một Thuấn, hai mươi Thuấn là một Đàn Chỉ (khảy ngón tay), 20 Đàn Chỉ là một La Dự (Lạp Phược), hai mươi La Dự là một Tu Du, ba mươi Tu Du là một ngày đêm. Như vậy, một Niệm tương đương với 0.018 giây.

3. Theo Đại Trí Độ Luận, quyển 83, sáu mươi niệm là một Đàn Chỉ.

4. Có thuyết lại cho Niệm là đơn vị lớn hơn Sát Na, như trong Nhân Vương Kinh nói thì chín mươi sátna là một niệm, còn Vãng Sanh Luận lại nói sáu mươi sát na là một niệm.

5. Cũng theo Nhân Vương Kinh (bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập) thì một sát na gồm chín trăm lần sanh diệt, còn Vãng Sanh Luận Chú lại cho rằng một sát na có một trăm lẻ một lần sanh diệt.Còn nhiều thuyết khác nữa, nhưng đều cùng chia sẻ chung một đặc tính: Sát na cực ngắn ngủi, không thể cảm nhận được bằng giác quan thông thường.

-------------------------------------------------------------------------

mất rồi, hầu như sanh diệt đồng thời, cho nên mới gọi là 'chẳng sanh chẳng diệt'; lời nói này mới có ý nghĩa, sanh diệt đồng thời, thời gian ngắn ngủi đến cùng cực. Nói thật ra khoa học kỹ thuật hiện nay tuyệt chẳng thể đo lường thời gian ngắn ngủi này được, thời gian máy móc có thể đo lường được đã rất dài rồi.
Ðây là chữ 'nhất thời' nói trong kinh, chữ này hoàn toàn là chân thật, chúng ta phải lắng lòng thể hội. Nếu hiểu được 'nhất thời' thì bạn sẽ hiểu được 'hết thảy pháp chẳng sanh chẳng diệt', được vậy thì chẳng lo sợ sanh tử nữa, bạn hiểu được '. Phàm những gì có tướng đều là hư vọng'. Tướng hư vọng chẳng sanh chẳng diệt, đó mới là chân tướng, nhưng chúng ta chẳng thấy được, Bát Ðịa Bồ Tát trở lên mới nhìn thấy.
'Nhất thời' ở đây nếu muốn nói trên sự tướng thì chính là lúc cơ duyên đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh thành thục, đó gọi là 'nhất thời'. Cách nói này cũng viên mãn phi thường, hết thảy kinh đều dùng chữ này, nhân duyên Phật giảng bộ kinh này đã thành thục rồi. Nhân duyên lần này vô cùng đặc biệt, thù thắng, chỗ giảng kinh cũng rất hy hữu, Phật ở tại cung trời Ðao Lợi chứ chẳng phải ở chỗ khác. 'Phật' là chủ thành tựu, người chủ giảng trong pháp hội này, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chữ 'tại' rất hoàn hảo, đặc biệt là nói trên sự tướng. Nói 'tại' cũng là lời chân thật! Người thế gian chúng ta có rất nhiều sự hiểu lầm, [nhiều khi có] một quan niệm sai lầm cả đời cũng chẳng biết.
Chúng ta cử ra vài thí dụ đơn giản, buổi sáng thức dậy rửa mặt, mặt cần phải rửa hay không? Các bạn nói mặt cần phải rửa không? Nói 'Rửa mặt' là sai rồi, rửa những chất dơ trên mặt chứ chẳng phải rửa mặt. [Cũng như nói] giặt quần áo, quần áo cần giặt không? Chỉ giặt những bụi bặm trên quần áo. Các bạn nghĩ xem chúng ta có bao nhiêu quan niệm sai lầm. Chùi bảng đen trong phòng học, bảng đen cần phải chùi hay không? Chùi là chùi bụi phấn chứ đâu phải là chùi bảng đen, bảng đen chùi một cái thì sơn đen tróc mất, đâu còn gọi là bảng đen nữa. Thế mới biết trong đời sống hằng ngày bạn nghĩ xem có bao nhiêu quan niệm sai lầm, sai quá chừng, ai cũng sai nhưng cứ nghĩ như vậy là đúng. Ðến lúc đức Phật nói sự thật ra, mình nghe xong cảm thấy kỳ lạ.
Chữ 'tại' là lời nói chân thật, nếu nói bạn 'trụ' là không đúng, bạn làm sao 'trụ'? Hôm nay dọn lại đây, ngày mai dọn tới chỗ kia, đâu có 'trụ', chỉ nói thân thể lúc bấy giờ ở 'tại' đâu, nói như vậy mới đúng. Thế nên mới nói 'Phật tại'. Thực ra chúng ta cũng 'tại', hôm nay 'tại' Tân Gia Ba, hiện nay 'tại' Tịnh Tông Học Hội, tối nay 'tại' Cư Sĩ Lâm, đều là 'tại'. 'Trụ' là ở đó chẳng động; thường di động thì gọi là 'tại'. Chữ 'trụ' trong Phật pháp là gì? Tâm an trụ. Bạn 'trụ' trong cung điện lầu các, Phật ở nơi đây gọi cung điện lầu các là từ bi, tâm an trụ trong từ bi, tâm an trụ trong chánh giác, đó gọi là 'trụ', vĩnh viễn chẳng rời khỏi thì gọi là 'trụ'. Thân luôn luôn di động thì gọi là 'tại', cho nên trên sự tướng thì gọi là 'tại'. Lần này Phật ở đâu? Tại 'Ðao Lợi Thiên', tầng trời thứ hai trong Dục Giới.
Người thế gian biết có thiên, biết có thiên thần, rất cung kính thiên thần, xưng ngài là Thượng Ðế, người Trung Quốc xưng ngài là Ngọc Hoàng Ðại Ðế, đại khái đều là Ðao Lợi Thiên Chủ. Họ không biết bên ngoài cõi trời còn cõi trời khác. Phật nói với chúng ta thế giới Sa Bà có hai mươi tám tầng trời, số lượng trong mỗi tầng cũng vô lượng vô biên, từ dưới lên trên có hai mươi tám tầng chia thành Tam Giới: Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới. Dục Giới là cõi còn dục vọng, ăn uống, nam nữ, vẫn chưa đoạn dứt nhưng càng lên cao thì càng mỏng dần. Ðến Sắc Giới thì dục vọng này chẳng còn nữa, chúng ta thường nói người ở cõi trời Sắc Giới chẳng còn những thứ 'tiền tài, sắc đẹp, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghỉ' này nữa. Người cõi Sắc Giới chẳng cần ăn uống, cũng chẳng cần ngủ nghỉ, vĩnh viễn tỉnh thức; chẳng cần ăn uống, dùng thiền duyệt làm thức ăn nhưng họ còn sắc thân, có sắc tướng. Ðến Vô Sắc Giới là cõi phàm phu cao cấp nhất trong lục đạo, ngay cả thân thể này họ cũng chẳng cần nữa. Trước khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc, đời cổ Trung Quốc xuất hiện một người có đại trí huệ, Lão Tử. Lão Tử nói: 'Tôi có niềm ưu tư to lớn vì tôi có cái thân này' 2[2]. Tôi có âu lo lớn lao, đó là gì? Vì có thân này là một sự phiền lụy, phiền phức. Ngài có sự giác ngộ như vậy, có lẽ Lão Tử đã sanh lên cõi Vô Sắc Giới, vì ngài chán ghét thân thể, sắc tướng này. Ở cõi Vô Sắc Giới thì sắc tướng chẳng còn nữa. Một số người chúng ta thường nói đến 'Linh Giới' chắc là nói về Vô Sắc Giới thiên, trong cõi ấy rất tự tại vì chẳng có sắc tướng. Trên đây là cách phân loại, phân chia thành tam giới, hai mươi tám tầng trời, đây là một phạm vi trong sự giáo hóa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni có sanh tử hay không? Nói cho chư vị biết, chẳng có. Chỉ là ứng hóa, ngài xuất hiện ở thế gian này, là dùng ứng thân xuất hiện. Chúng ta nhìn thấy ngài có sanh, có diệt, thật sự ngài diệt xong là đến tinh cầu khác, đến chỗ khác lại xuất hiện giáo hóa chúng sanh, đây là hiển thị sự đại tự tại. Phật có rất nhiều cách giải thích cho chữ 'Thân', kinh Hoa Nghiêm nói có mười Thân, thông thường thì chúng ta nói ba Thân; ba thứ nói kỹ thì chia thành mười thứ, mười thứ quy nạp lại thì thành ba. Thứ nhất là 'Pháp Thân', là chân thân, hết thảy thân đều sanh từ thân này. Do đó pháp thân là thân căn bản nhất, có thể sanh hết thảy vạn pháp, có thể hiện thân tướng của chúng ta, có thể hiện tướng cõi nước, sơn hà đại địa, tất cả thân tướng đều từ pháp thân biến hiện thành.
Thứ hai là 'Trí Thân', cũng gọi là 'Báo Thân', là thân trí huệ, nghĩa là trí huệ của ngài đã khai mở, trí huệ đã hiện tiền, đối với hết thảy vạn sự vạn vật trong vũ trụ nhân sanh chẳng gì không biết, chẳng gì không thể.
Thứ ba là 'Ứng Hóa Thân', có hai ý nghĩa. Ứng Thân là tùy loại hiện thân, nên dùng thân gì để được độ thì ngài liền hiện thân ấy. Thế nên Phật đến nhân gian, đến cõi nào, ngài chẳng có chướng ngại, vô cùng tự tại, muốn đến thì đến, muốn đi thì đi, đến đi tự do.
Chẳng giống phàm phu chúng ta, chúng ta mang Nghiệp Báo Thân, chẳng tự do tí nào, hoàn toàn chịu sự chi phối của nghiệp lực. Nói chịu nghiệp lực khống chế thì mọi người khó hiểu, chúng ta nói cách khác, chịu vận mạng khống chế, chịu vận mạng chi phối thì mọi người dễ hiểu, thế nên: 'tất cả đều là vận mạng, nửa điểm cũng chẳng do người', bạn nói như vậy có khổ không? Mạng là gì? Mạng chính là nghiệp, nghiệp báo. Trước kia tạo thiện nghiệp, đời này được thiện báo, quá khứ tạo ác nghiệp, đời này chịu quả báo chẳng thiện, thế nên những thọ dụng cả đời này, ngạn ngữ có câu: 'một miếng ăn, miếng uống, chẳng gì là không định sẵn' 3[3], tức là đạo lý này, đúng là nửa điểm - một tí gì cũng chẳng do người.
Nhưng Phật, Bồ Tát đến thế gian này, quý ngài đến đầu thai và cũng thị hiện chết đi, quý ngài sanh tử tự tại, không phải do nghiệp lực mà là nguyện lực. Ở thế gian này muốn sống cuộc đời như thế nào thì sống như thế ấy, muốn ở bao nhiêu năm thì ở bấy nhiêu, sanh tử tự tại. Lúc nào muốn ra đi, đi đến đâu, quý ngài hiểu rõ ràng, minh bạch,đến đi tự do, đó gọi là nguyện lực thọ thân, là nguyện lực chứ chẳng phải nghiệp lực.
Chúng ta phải hiểu những đạo lý này rồi sau đó mới biết nên học Phật như thế nào, làm thế nào chuyển nghiệp lực của chúng ta thành nguyện lực, bản lãnh của chư Phật, Bồ Tát là ở chỗ này. Các ngài có thể chuyển, chúng ta cũng có thể chuyển, bắt đầu chuyển từ đâu? Phải bắt đầu chuyển từ tâm, sau khi tâm chuyển thì thân sẽ chuyển; nếu nói chuyển từ thân, tâm chẳng chuyển thì không được, chuyển như thế nào cũng chẳng giống, nhất định phải chuyển từ tâm.
Tâm thì phải 'trụ' chứ chẳng phải 'tại'. Trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát có Thập Trụ, đó là nói về trụ, là 'tâm trụ' chứ không phải 'thân trụ'. Bồ Tát trụ chỗ của Phật trụ, như vậy mới đúng. Trong kinh Phật nói với chúng ta có bốn chỗ trụ, bốn chỗ này đều chính xác.

---------

2[2] Nguyên văn: Ngô hữu đại hoạn, vi ngô hữu thân

3[3] Nguyên văn: Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định

------------

Hai thứ đầu vẫn còn ở trong lục đạo, chưa ra khỏi lục đạo. 'Thiên trụ' tức là đời sau nhất định có thể sanh đến trời Dục Giới. Trời Dục giới có sáu tầng, sau này sẽ giới thiệu cho chư vị biết. 'Thiên trụ' tức là tâm an trụ tại thập thiện nghiệp đạo, bố thí, trì giới, tu thập thiện nghiệp đạo thì đời sau bạn nhất định sẽ sanh lên trời, phước báo lớn hơn nhân gian chúng ta rất nhiều, hưởng phước trời. Thứ hai là 'Phạm Trụ', Phạm Trụ tức là tu thiền định, tu tâm thanh tịnh, hết thảy dục niệm đạm bạc, đối với ngũ dục lục trần coi rất lợt lạt, trong tâm tràn đầy từ, bi, hỷ, xả. 'Từ' là vui với người, đem khoái lạc cho người, giúp người khoái lạc; 'Bi' là làm cho người bớt khổ, chúng sanh có khổ, giúp họ giải quyết khổ nạn; 'Hỷ' là nhìn thấy người khác được phước, được chuyện tốt, nhất định chẳng có tâm đố kỵ, chỉ sanh tâm hoan hỷ; 'Xả' là có thể buông xuống vạn duyên. Tâm thường an trú tại từ - bi - hỷ - xả, sanh đến trời Sắc Giới, hai cái 'trụ' trong Tam Giới này kể ra còn chính đáng. Nhưng người chúng ta hiện nay không như vậy, hiện nay tâm người an trụ ở đâu? An trụ ở tham, sân, si, mạn, như vậy thì không xong rồi! An trụ tại tham, sân, si, mạn, an trụ tại giết hại, trộm cắp, dâm dục, nói dối thì quả báo sẽ ở ba đường ác. Thế nên họ chẳng phải 'Thiên trụ', chẳng phải 'Phạm Trụ', mà là 'Quỷ trụ, Ðịa ngục trụ, Súc sanh trụ', họ làm những thứ này. Chúng ta đối với những Lý, Sự này rõ ràng, minh bạch, phải biết tâm an trụ ở đâu, sau này sanh ra hậu quả gì, vô cùng dễ sợ.
Thứ ba là 'Thánh trụ' tức là trụ ở tâm Bồ Ðề. Thánh giả là Tiểu Thừa: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát tuy chẳng đồng nhưng họ có một điểm giống nhau, tức là tâm nhất định trụ tại Tam Tam Muội 4[4], đây là điểm tương đồng. Thứ tư là 'Phật trụ', trụ ở chỗ Phật trụ, nếu nhập vào cảnh giới này thì bạn sẽ là quả vị Thập Trụ Bồ Tát. Chân chánh học Phật nhất định phải an tại chỗ Phật trụ, Phật trụ ở đâu? 'Ðại Tam Không Tam Muội': Không, Vô Tướng, Vô Nguyện; Vô Nguyện cũng gọi là Vô Tác. Nếu thực hiện trong Tịnh Tông thì an trụ ở 'Niệm Phật Tam Muội', đối với những cảnh giới khác sâu rộng vô cùng, chúng ta rất khó cảm nhận, không bằng y theo lời dạy của Phật, chúng ta để tâm an trụ tại 'Niệm Phật Tam Muội', chuyện này tương đối dễ học tập. Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả, việc này thật sự là hiếm có, thù thắng khôn sánh. Trên đây nói về ý nghĩa của hai chữ 'tại' và 'trụ'.
Hôm nay 'Phật tại Ðao Lợi Thiên', ở Ðao Lợi Thiên làm gì? 'Vị mẫu thuyết pháp'. Phải y theo cách nói trong 'Tăng Nhất A Hàm', pháp hội kỳ này là do Ðế Thích Thiên Vương, tức là Ðao Lợi Thiên Chủ khải thỉnh. Ðao Lợi Thiên Chủ rất thông minh, rất có trí huệ, ngài nói quá khứ hết thảy chư Phật đều đã đến Ðao Lợi Thiên thuyết pháp cho mẹ, báo ân sanh dưỡng của mẹ, Thế Tôn thành Phật rồi, đương nhiên cũng chẳng ngoại lệ. Thế Tôn nhận lời mời của Ðao Lợi Thiên Chủ, đến Ðao Lợi Thiên mở ra pháp hội này. Nhân duyên này rất sâu, câu chuyện cũng rất dài, kể chuyện thì sẽ ngưng trệ việc giảng kinh, cho nên chúng ta lược bớt câu chuyện này, nhưng cũng không thể không biết.

-------------

4[4] Tam Tam Muội có nhiều cách hiểu:
1. Theo kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển 16, là Không tam-muội, Vô Tướng tam-muội, và Vô Nguyệnbtam-muội.
2. Theo Câu Xá Luận, quyển 28 thì là Hữu Tầm Hữu Tư tam-muội, Vô Tầm Duy Tư tam-muội, và Vô Tầm Vô Tư tam-muội.
3. Theo Thành Thật Luận, quyển 12 thì là Nhất Phận Tu tam-muội (tu Định không tu Huệ, hoặc tu Huệ không tu Định), Cộng Phận Tu tam-muội (tu cả Định lẫn Huệ), Thánh Chánh tam-muội (tức nhập thánh vị, chứng Diệt Đế).
4. Theo Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa, quyển 4, thì là Chân Đế tam-muội, Tục Đế tam-muội, Trung Đạo tam-muội.

Thông thường, tam tam-muội được hiểu theo cách giải thích thứ nhất.

------------

Mẫu thân của Phật là Ma Gia phu nhân, nói thực ra cũng là đại quyền thị hiện, đều là Phật, Bồ Tát tái lai. Mỗi người lúc tu nhân, phát nguyện chẳng giống nhau, ngài phát nguyện đời đời kiếp kiếp làm người nữ để làm mẹ của Phật, ngài phát nguyện này. Thế nên con của ngài là Phật, phước báo của mẹ sẽ rất lớn, đây là biểu diễn cho chúng ta xem. Phước báo lớn nhất, hoàn toàn dựa vào phước thì chỉ có thể sanh đến cõi trời Ðao Lợi, từ trời Dạ Ma trở lên thì không thể. Chư vị xem trong nhà Phật nói đến Phật sự siêu độ Lương Hoàng Sám vô cùng thù thắng. Lương Hoàng tức là Lương Võ Ðế, Lương Võ Ðế khải thỉnh Bảo Chí Công làm Phật sự siêu độ cho phu nhân cho nên gọi là 'Lương Hoàng Sám'. Lúc phi tử của vua còn sống, bà tạo nhiều ác nghiệp nên đọa vào ác đạo. Bảo Chí Công là một cao tăng đắc đạo, Bảo Chí Công là ai? Là Quán Thế Âm Bồ Tát hóa thân đến, bạn xem như vậy còn nói gì nữa! Quán Thế Âm Bồ Tát đích thân đến chủ trì pháp hội này, chủ trì pháp sự siêu độ này, cũng chỉ có thể siêu độ phi tử của vua đến cõi trời Ðao Lợi. Chư vị phải biết, chư Phật Như Lai siêu độ thì chỉ siêu độ đến trời Ðao Lợi, muốn lên trên nữa thì tự mình phải có công phu tu hành, nếu chẳng có công phu tu hành thì không được. Thế nên hiểu được chân tướng sự thật này, thời gian chúng ta còn sống phải hết lòng tu hành, nếu chẳng tu hành mà chỉ nhờ người khác siêu độ, bản lãnh có cao tới đâu thì chỉ có thể đến trời Ðao Lợi mà thôi. Nếu siêu độ Phật sự là do phàm phu chủ trì thì hiệu quả sẽ rất yếu ớt, chỉ có thể nói là làm vẫn tốt hơn không làm. Có hiệu quả gì rất khó nói. Ngày nay bạn đi đâu tìm được cao tăng chân chánh đắc đạo, Phật, Bồ Tát hay người tái lai. Thế nên phải hiểu đạo lý này rồi sau đó tự chúng ta mới thực sự nắm chắc lấy thời gian, một tấc quang âm là một tấc mạng quang, phải hết lòng nỗ lực. Phước báo lớn như người mẹ của Phật thì cũng chỉ sanh đến trời Ðao Lợi. Lên trên nữa cần phải có công phu định lực, cần có tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh thành tựucông đức chân thật. Công đức ít, kém cỏi, chưa đoạn Dục, chưa đoạn tâm niệm ham muốn thì sanh đến tầng trời thứ tư của cõi Dục Giới, nhà Phật gọi là 'Vị Ðáo Ðịnh', bạn tu định chưa đủ trình độ nhưng cũng có tu. Thí dụ Tứ Thiền, cõi Tứ Thiền cần công phu thiền định một trăm điểm thì mới đến Tứ Thiền; cõi Tam Thiền cần chín chục điểm, Nhị Thiền cần tám chục điểm, Sơ Thiền cần bảy chục điểm. Nếu công phu của bạn dưới sáu chục điểm thì chẳng đến Sắc Giới nổi. Nhưng bạn cũng có công phu, công phu thiền định của bạn có khoảng sáu mươi điểm, năm mươi điểm, bốn mươi điểm, bạn cũng có công phu, chẳng phải là không điểm. Nếu bạn chẳng tu, chỉ chuyên tu phước, tu thập thiện nghiệp đạo, tu bố thí, trì giới, chẳng có công phu định lực, chẳng xả bỏ tâm niệm tình dục, thì chỗ bạn sanh đến sẽ là Tứ Vương Thiên và Ðao Lợi Thiên. Có một chút công phu định lực, tâm địa có một ít thanh tịnh mới có thể sanh đến cõi trời Dạ Ma, Ðâu Suất, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại. Càng lên trên thì phước báo của mỗi tầng càng lớn hơn, thọ mạng càng dài hơn, chân chánh là hưởng phước vô tận. Nhưng thọ mạng có dài hơn thì cũng có lúc hết quả báo, tức là có lúc sẽ hưởng hết; sau khi hưởng hết thì cũng phải lưu chuyển theo nghiệp. Thế nên sanh lên trời chẳng phải là pháp cứu cánh, chẳng bằng niệm Phật cầu sanh Cực Lạc thế giới, sanh đến Cực Lạc thế giới là vô lượng thọ, nói cách khác vĩnh viễn chẳng sanh, chẳng tử. Không những trời Dục Giới chẳng sánh bằng, trời Sắc Giới, Vô Sắc Giới đều chẳng thể sánh bằng. Thế nên hết thảy chư Phật tán thán A Di Ðà Phật, tán thán Cực Lạc thế giới, đạo lý là ở chỗ này.
Câu kinh 'vị mẫu thuyết pháp', tuy pháp hội này là do Ðế Thích Thiên Chủ khải thỉnh, nhưng ý nghĩa rất sâu. Thứ nhất là vì tránh miễn cho một số người hiểu lầm Phật pháp. Học Phật, đặc biệt là phát tâm cạo đầu xuất gia, hình như là từ đó trở đi chẳng còn lo cho cha mẹ nữa, người thế gian cho vậy là chẳng có hiếu. Ðặc biệt là người Trung Quốc thường nói: 'Có ba chuyện bất hiếu, chẳng có con nối dõi là lớn nhất'. Cha mẹ mong bạn nối dõi giòng họ, một khi bạn xuất gia thì việc nối dõi tông đường sẽ đoạn mất, làm sao chẳng có lỗi với cha mẹ, tổ tiên! Người đời chẳng biết xuất gia là đại hiếu, đây là ý nghĩa thứ nhất. Ý nghĩa thứ hai là làm gương mẫu cho tứ chúng đệ tử học Phật: tứ chúng gồm xuất gia, tại gia, nam chúng, nữ chúng, khơi gợi tư tưởng hiếu kính của họ, làm cho họ chân chánh thể hội điều thứ nhất 'Hiếu dưỡng cha mẹ' trong Tam Phước. Trong nhà Phật dù xuất gia thì cũng không thể không lo cho cha mẹ, chẳng có đạo lý này. Nhưng hình thức hiếu dưỡng chẳng giống nhau, hết lòng tu trì, phụng hành theo lời Phật dạy, dùng công đức ấy hồi hướng cho cha mẹ; cha mẹ có thể được chư Phật hộ niệm, thiện thần bảo hựu, đây mới là chân hiếu. Người thế gian hiếu thuận cha mẹ, mướn vài người giúp việc để chăm sóc cho đời sống, còn đệ tử Phật nhờ thiên long thiện thần chăm sóc cho cha mẹ còn châu đáo hơn những người giúp việc. Nếu bạn chẳng có tu trì thì thiên long thiện thần chẳng bảo hựu bạn, sẽ khinh chê bạn. Nếu bạn chân chánh tu hành, có đạo có đức cảm động đến thiên thần, họ tự nhiên đến chiếu cố; bạn chẳng cần phải cầu họ, cũng chẳng phải thông báo cho họ, [họ cũng] tự nhiên chiếu cố. Tại sao vậy? Vì tôn kính bạn, tôn kính cha mẹ bạn, thế nên có ý nghĩa này.

a. Chứng Tín Tự:

Lại xem đoạn kinh tiếp theo:

Nhĩ thời thập phương vô lượng thế giới, bất khả thuyết bất khả thuyết nhất thiết chư Phật cập Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát giai lai tập hội.

Lúc đó hết thảy chư Phật và Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát bất khả thuyết bất khả thuyết từ mười phương vô lượng thế giới đều đến tham dự pháp hội.

Ðoạn kinh trên là Phát Khởi Tự của kinh này. Kinh này tổng cộng gồm mười ba phẩm, phẩm thứ nhất là phẩm Tựa, nhưng chẳng gọi là phẩm Tựa mà gọi là Phẩm Ðao Lợi Thiên Cung, trên thực tế phẩm này là phẩm Tựa. Ý nghĩa trong phần tựa vô cùng châu toàn viên mãn, phía trước có sáu thứ thành tựu, đây là 'Chứng Tín Tự'; từ đoạn kinh này về sau là Phát Khởi Tự. Ðoạn Phát Khởi Tự nói với chúng ta vô cùng rõ ràng, hàm nhiếp cả 'Giáo, Lý, Hạnh, Quả'; trong Khoa Chú đoạn này được gọi là 'Quả Nhân Tập Tán' (Cùng khen ngợi quả và nhân). Chúng ta phải đặc biệt chú ý những chỗ như vậy, phải biết học tập như thế nào, khi Phật thuyết pháp thì trước hết phơi bày quả báo ra cho mọi người thấy, từ quả báo này sanh khởi lòng tin. Sau đó mới giải thích quả báo hình thành như thế nào, giảng về nhân cho bạn thì bạn sẽ hết lòng để nghe, bạn rất muốn biết tại sao. Ðây là thiện xảo phương tiện của việc thuyết pháp, chúng ta phải biết. Thế nên mới nói 'Quả Nhân' chứ chẳng nói 'Nhân Quả'.
Vừa mở đầu thì hiện lên cái gì? Dạy bạn xem những nhân vật tham gia đại hội này, đây là 'quả'. Ðây là người, người là 'quả người', do quả đức của ngài cảm động nhiều người như vậy đến tham gia pháp hội. Trước khi Phật giảng kinh thì hiện tướng lành, hiện các thứ hào quang, những tướng lành này là 'Lý'. Văn Thù Bồ Tát nhìn thấy hiện tượng này nên sanh khởi nghi hoặc, đây là tiêu biểu 'Hạnh'. Thế Tôn và Bồ Tát một người hỏi, một người đáp, Văn Thù hỏi, Thế Tôn trả lời, đây là 'Giáo'. Cho nên trong phần Tựa chúng ta thấy 'Giáo, Lý, Hạnh, Quả', lần tụ hội này là quả báo. Giống như trong kinh Hoa Nghiêm vừa mở đầu trước lúc giảng kinh thì nói về y báo, chánh báo trang nghiêm của Tỳ Lô Giá Na Phật, bày quả báo ra cho bạn thấy.
Chỗ này hiện ra sự chẳng thể nghĩ bàn, chư vị có thấy kinh văn như vầy trong kinh nào không? 'Nhĩ thời', lúc Phật lên cung trời Ðao Lợi thuyết pháp cho mẹ, 'mười phương vô lượng thế giới, bất khả thuyết bất khả thuyết hết thảy chư Phật', chư vị có từng thấy trong kinh nào ghi lúc Phật giảng kinh, hết thảy chư Phật đều đến nghe? Chưa từng thấy bao giờ. Quang cảnh này làm sao tưởng tượng được nổi! Kinh Hoa Nghiêm cũng chẳng có trường hợp này, kinh Vô Lượng Thọ cũng chẳng có, vô cùng hy hữu! Không thể hàm hồ, lơ là lướt qua. Thường thường chúng ta nói câu: 'Một Phật ra đời, ngàn Phật ủng hộ', đó là chư Phật hóa hiện thành Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát tới để giúp đỡ Phật hoằng hóa; còn chỗ này không phải vậy, chư Phật dùng thân phận của Phật đến. Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni hôm nay giảng kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, hết thảy chư Phật đều đến tham dự nghe giảng, số người đến là 'vô lượng thế giới, nói không xuể, kể không xiết hết thảy chư Phật và Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát'; 'Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát' này theo Phật cùng đến, tháp tùng theo chư Phật. Số chư Phật đã nói không xuể, kể không xiết, vậy thì số Bồ Tát còn nhiều hơn nữa, tất cả đều đến dự hội. Ðoạn kinh này tuyệt đối không thể hàm hồ, lơ là lướt qua, bạn phải nghĩ kỹ Thế Tôn suốt đời giảng kinh bốn mươi chín năm, giảng hơn ba trăm hội, không có hội nào thù thắng như vậy. Ðây là những người tham dự pháp hội, là 'Quả', một phần trong Giáo, Lý, Hạnh, Quả của kinh.Vì sao họ đều đến? Chẳng có một vị Phật nào không báo ân mẹ, hôm nay đức Phật Thích Ca Mâu Ni chẳng giảng pháp nào khác, mà giảng pháp Ðịa Tạng. Thuyết minh hết thảy chư pháp đều nương vào đại địa để sanh khởi, đây là căn bản. Ðịa Tạng tiêu biểu cho cái gì? Tiêu biểu 'Hiếu Thân Tôn Sư', thế nên khi giảng pháp 'Hiếu Thân Tôn Sư' thì hết thảy chư Phật nhất định đích thân đến tham gia, chư Phật đến để làm 'ảnh hưởng chúng'. Ðao Lợi Thiên Vương trong hội này làm công đức chủ, phước báo của ngài đã tu quả thật rất lớn: thỉnh Phật đến cung trời Ðao Lợi giảng kinh Ðịa Tạng, phước báo này rất lớn. Thế nên hết thảy chư Phật Như Lai đều đến đầy đủ, một vị cũng không sót, là một nhân duyên vô cùng hy hữu! Ðến để làm gì? Ðề xướng Hiếu đạo. Vừa gặp mặt liền tán thán đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ý tán thán đó cũng viên mãn đến cùng cực.

b. Phát Khởi Tự:

Tán thán Thích Ca Mâu Ni Phật năng ư ngũ trược ác thế hiện bất khả tư nghị đại trí huệ thần thông chi lực, điều phục cang cường chúng sanh, tri khổ lạc pháp.

Tán thán đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thể ở trong đời ác ngũ trược hiện sứcđại trí huệ thần thông không thể nghĩ bàn, điều phục chúng sanh ương ngạnh, biết được pháp khổ pháp vui.

Nói ra lời này chẳng dễ, nếu không phải là chư Phật Như Lai đích thân tuyên thuyết, nói cho chư vị biết, Bồ Tát cũng chẳng nói được. Tại sao vậy? Các Ngài còn chưa vào cảnh giới này thì làm sao nói ra được! Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện vào thời đại gì? 'Ngũ Trược Ác thế'. Ðến xã hội hiện nay của chúng ta có thể nói là 'Ngũ trược ác', hầu như phàm phu ngu muội vô tri nhất cũng đã cảm biết được. Năm mươi năm, một trăm năm về trước, phải là người có trí huệ cao độ mới có thể cảm biết hiện tượng ngũ trược ác thế này, phần đông người thường không cảm giác được; [họnghĩ] thế gian chẳng tệ, rất tốt, sinh sống rất vui vẻ; họ chẳng cảm giác được sự trược ác này, 'trược' nghĩa là ô nhiễm. Nửa thế kỷ trước chúng ta chưa từng nghe danh từ Hoàn Bảo (bảo hộ môi trường, hoàn cảnh) ở đâu cả, nói cách khác sự ô nhiễm của môi trường còn có thể chịu đựng được. Ðợi đến lúc phát động bảo hộ môi trường có nghĩa là ô nhiễm môi trường đã đến mức làm cho người ta chịu không nổi, chánh phủ địa phương trên toàn thế giới đều bắt đầu đề xướng. Nói cách khác, mức độ trược ác này đã đến mức khá nghiêm trọng nên mới có danh từ này xuất hiện.
'Ngũ' là năm loại lớn, năm loại ô nhiễm nghiêm trọng, trong kinh Phật gọi là 'Ngũ trược ác thế'. Trong Ngũ trược, thứ nhất là Kiếp Trược, Kiếp là nói về thời gian, ngày nay chúng ta gọi là thời đại (tạm dịch cho chữ 'niên đầu') chẳng tốt, là nói về thời tiết nhân duyên. Nói thật ra, thời gian có ô nhiễm gì đâu! Ðây là một thời đại ô nhiễm trầm trọng, chính là nghĩa này. Nói thật ra, thời đại ô nhiễm là bốn thứ ô nhiễm kể sau đây.
Thứ hai là 'Kiến Trược', Kiến là Kiến giải, tư tưởng, kiến giải sai lầm, nhà Phật gọi là tà tri tà kiến, có cái nhìn sai lầm về chân tướng của vũ trụ nhân sanh, đó là ô nhiễm trên kiến giải.
Kế đó là 'Phiền não trược', dùng cách nói hiện nay nghĩa là ô nhiễm tư tưởng. Hai thứ này hợp lại chính là ô nhiễm tâm lý, ô nhiễm tinh thần, việc này rất nghiêm trọng! Từ ô nhiễm tâm lý, ô nhiễm tinh thần nhất định sẽ dẫn đến sinh lý và hoàn cảnh sanh hoạt ô nhiễm, đó gọi là 'Chúng sanh trược', nói theo ngôn ngữ hiện nay thì đó chính là hoàn cảnh sinh hoạt ô nhiễm. Ngày nay sanh thái của địa cầu mất quân bình, khí hậu bất bình thường, tai nạn dồn dập, đều thuộc về 'Chúng sanh trược'.
Sau cùng là 'Mạng trược', dùng ngôn ngữ hiện đại để nói tức là sinh lý ô nhiễm. Dùng ngôn ngữ hiện đại để giải thích Ngũ Trược thì hai thứ đầu là kiến giải ô nhiễm, tư tưởng ô nhiễm, hợp lại chính là tâm lý ô nhiễm, tinh thần ô nhiễm; 'Chúng sanh trược' chính là hoàn cảnh sinh hoạt ô nhiễm, 'Mạng trược' là sinh lý ô nhiễm, tất cả đều gọi là 'Trược'.
'Ác' là 'thập ác', hết thảy chúng sanh chẳng làm việc thiện. Thân tạo 'sát sanh, trộm cắp, tà dâm', miệng tạo 'vọng ngữ' tức là không nói thật, lừa gạt người khác, 'lưỡng thiệt' tức là ly gián thị phi, 'ác khẩu' tức là nói lời độc ác; 'ỷ ngữ' tức là nói lời bóng gió, lường gạt chúng sanh, tạo ra những khẩu nghiệp này; còn ý nghiệp, trong tâm có 'tham, sân, si, mạn', những thứ này là 'Ác'. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện trong thời đại Trược, Ác này.
'Hiện' là thị hiện, thị hiện đại trí huệ chẳng thể nghĩ bàn. Câu này nói Phật xuất hiện ở thế gian này, làm ra một hình dáng cho chúng sanh coi, hình dáng gì? Hình dáng đại trí huệ. Hiện nay chúng ta gọi là 'làm thầy, làm mô phạm', làm người dẫn đầu cho xã hội đại chúng, làm gương, làm mô phạm cho xã hội đại chúng. Ngài có thể thị hiện trong đời ác ngũ trược này, hết thảy chư Phật đều tán thán, tán thán Phật trong đời trược ác làm ra một gương tốt cho những chúng sanh khổ nạn này.
'Thần thông chi lực' bốn chữ này nói về biểu hiện bên ngoài của Ngài. 'Bất khả tư nghị đại trí huệ' là nói về biểu hiện bên trong. Biểu hiện bên ngoài chính là giúp đỡ xã hội, hết thảy chúng sanh, nói về khả năng của ngài mạnh mẽ. 'Thông' là thông đạt, chẳng có gì ngài chẳng biết. Hết thảy sự vật, đạo lý, nhân quả, hiện tượng, biến hóa trong thế gian, chẳng có gì là không biết, chẳng có gì là không thể, đó gọi là 'thần thông'. Thần nghĩa là thần kỳ, khó trắc lường nổi, vượt quá tri thức của phàm phu. Thần thông này chẳng phải là bảy mươi hai phép biến hóa của Tôn Ngộ Không, không phải ý này, nếu nghĩ vậy thì bạn hoàn toàn hiểu lầm. Sự việc gì Phật đều thông suốt, nói cách khác, các thứ nghi nan tạp chứng trong xã hội chúng ta ngày nay Phật chẳng có gì không biết, ngài có khả năng giúp đỡ chúng ta giải quyết những khó khăn này. 'Ðiều phục cang cường chúng sanh'.
Cư sĩ Duy Ma đã từng nói: 'Chúng sanh ở cõi Diêm Phù Ðề cang cường, khó giáo hóa'. 'Cang cường' là tánh ương ngạnh, chấp trước cứng chắc, rất khó tiếp nhận lời dạy dỗ của Phật. Chúng ta có thể nhìn thấy việc này trong xã hội hiện thực, họ bài xích Phật pháp, gây chướng ngại cho sự giáo học Phật pháp, hiển thị tánh ương ngạnh. Họ không chịu nghiên cứu Phật pháp, Phật pháp rốt cuộc là gì? Họ cũng chẳng biết; Ghép vô một chữ mê tín, tiêu cực, lạc hậu thì liền bỏ xó qua một bên, chẳng biết đây là của báu, thật sự có thể giải quyết vấn đề của ngũ trược ác thế.
Bốn chữ sau cùng này rất tài tình: 'tri khổ lạc pháp', nói ra bốn chữ này chẳng dễ. Chúng sanh khổ, tại sao khổ? Chúng sanh mong cầu sự vui, tại sao không đạt được sự vui? Có người nào trên cả thế giới không chịu khổ! Có ai không mong cầu khoái lạc! Khổ từ đâu đến? Lạc từ đâu đến? Chẳng ai biết. Làm sao lìa khổ? Làm sao được vui?
Những lý luận và phương pháp này chẳng có ai biết. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni biết được, trong kinh đức Phật dạy rất rõ ràng, rất minh bạch, nếu chúng ta muốn lìa khổ, được vui, kinh điển Ðại Thừa chỉ dẫn hoàn hảo nhất, chỉ đạo, hướng dẫn chúng ta, mục tiêu của sự giáo học Phật pháp chính là dạy chúng ta lìa khổ, được vui. Chư Phật tán thán đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng để 'Quả' ở phía trước, làm cho người ta chú ý. Hai đoạn kinh này không có câu nào chẳng làm lông tóc dựng đứng, vô cùng hy hữu! Có người nào mở pháp hội có thể làm cho hết thảy chư Phật Như Lai đều đến nghe, người nào có thể nhìn được chư Phật Như Lai, được sự tán thán chẳng thể nghĩ bàn như vậy. Chư Phật tán thán đức Phật Thích Ca, tức là chư Phật hỗ tương tán thán, chúng ta phải hiểu đạo lý này, Phật Phật đạo đồng. Nói cách khác, chỉ có chư Phật Như Lai mới chịu thị hiện trong ngũ trược ác thế, đây chính là tinh thần của Ðịa Tạng Bồ Tát, 'Tôi không vào địa ngục, ai vào địa ngục!', địa ngục là chỗ khổ nhất. Những chúng sanh khổ nạn này, tôi không giúp họ thì ai giúp họ! Chỗ càng nhiều khổ nạn, Bi tâm của Phật, Bồ Tát càng nặng, càng muốn đến đó để dạy dỗ, giúp đỡ mọi người, chỉ cần những chúng sanh khổ nạn này chịu tiếp nhận, Phật, Bồ Tát liền tới; nếu không chịu tiếp nhận, Phật, Bồ Tát muốn giúp đỡ cũng chẳng có cách gì. Có thể tin, có thể giải, có thể học thì Phật, Bồ Tát nhất định sẽ xuất hiện trong thế gian này.
Ngày nay tại sao lại đến Tân Gia Ba giảng hội kinh này? Tại sao không giảng ở chỗ khác? Chúng ta chẳng thiên vị, chẳng có tâm riêng tư, và cũng chẳng tham ái địa phương này. Hoàn toàn là do duyên ở địa phương này thành thục. Duyên gì? Người ở địa phương này có thể tin, có thể giải, có thể hành; địa phương này đầy đủ bốn điều kiện Tín, Giải, Hạnh, Chứng. Trong mười mấy năm nay chúng ta ở địa phương này hoằng dương Tịnh Ðộ, khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực Lạc thế giới, trong những năm này, ở Tân Gia Ba, Mã Lai Á, lúc nào cũng có thể nghe đến người niệm Phật vãng sanh, thường luôn nghe đến. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên vô cùng nhiệt tâm, lúc lâm chung các đồng tu niệm Phật hơn phân nửa đều mời cư sĩ Lý Mộc Nguyên trợ niệm, lo hậu sự cho họ, ông đã thấy được tướng lành quá nhiều, quá nhiều!
Ngày nay Lý cư sĩ phát tâm như vậy là do ông ta đã nhìn tận mắt, nghe tận tai, niệm Phật vãng sanh bất thoái thành Phật là thật, chẳng phải giả. Bởi vậy nên ông ta làm thật hết lòng, rất nhiệt tâm như vậy, tín nguyện của ông chẳng phải phát suông đâu, là đã nhìn thấy sự thật nên mới phát khởi đấy.
Chỉ có Phật mới thấu triệt pháp khổ vui trong lục đạo tam đồ, biết được triệt để, được rốt ráo, cho nên Phật có khả năng giúp đỡ chúng ta giải quyết vấn đề, giúp chúng ta lìa khổ được vui. Tuyệt đối không thể xem thường hai đoạn kinh này, đây là vô thượng diệu pháp của chư Phật Như Lai khác miệng đồng âm tuyên thuyết, chúng ta có thể coi như tổng cương lãnh của đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện trong thế gian giảng kinh hơn ba trăm hội, thuyết pháp bốn mươi chín năm. Phật xuất hiện trong thế gian để làm gì? Để làm việc này.
Sau khi tán thán, chư vị hãy xem tiếp kinh văn:

Các khiển thị giả, vấn tấn Thế Tôn.

Mỗi vị đều sai thị giả đến vấn an Thế Tôn.

Ðây là lễ mạo, Phật phái thị giả đến vấn an đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Lễ tiết, đây cũng làm một hình dáng cho người ta coi, 'Lễ' này chẳng thể bỏ. Người chẳng có lễ thì sẽ chẳng ở yên trong thế gian được, nhưng hiện nay người ta đều coi thường lễ tiết. Nếu coi thường lễ tiết thì nói thật ra dù tu học Phật pháp có giỏi cách mấy, quả báo sẽ ở đâu? Quả báo sẽ chẳng ở cõi người, hơn phân nửa là ở cõi quỷ. Ðến đoạn nói về Quỷ vương ở phía sau, nói rõ nhân của những quỷ vương này thì quý vị sẽ hiểu. Tu hành Phật pháp giỏi vô cùng, nhưng cống cao ngã mạn, chẳng có lễ tiết, quả báo sau này sẽ đến quỷ đạo làm quỷ vương. Trong kinh Hoa Nghiêm giảng về những vị làm Thế Chủ, Khí Thế Gian Chủ, thần núi, thần cây, thần hoa, thần nước, những vị này sẽ có khuynh hướng như vậy. Phật pháp được xây dựng trên cơ sở Hiếu Kính, khuyên chư vị đồng tu phải giác ngộ, có Hiếu Thân Tôn Sư thì chúng ta mới có thể hướng về Phật đạo, đi về Cực Lạc thế giới, nếu chẳng có ý niệm này thì tuy tu học Phật pháp nhưng sẽ đến quỷ đạo làm quỷ vương. Nếu tốt hơn nữa thì bạn có thể đến thiên đạo; thiên đạo thì có trời Dục Giới, trời Sắc Giới không được, nhất định phải biết. Ở đây là dạy Lễ, dạy Kính.

Thị thời Như Lai hàm tiếu, phóng bá thiên vạn ức đại quang minh vân.

Bấy giờ, Như Lai mỉm cười, phóng ra trăm ngàn muôn ức vầng mây sáng rỡ lớn.

Chỗ này nói về Phật hiện tướng lành. Trong quang minh vân (vầng mây sáng) hiển lý, phóng quang. Chúng sanh lợi căn nhìn thấy hào quang đều hiểu hết những lời dạy của Phật, chẳng cần phải dùng lời nói, 'quang minh' tiêu biểu cho trí huệ, 'trăm ngàn muôn ức vầng mây sáng rỡ lớn' chính là vô lượng vô biên trí huệ, trong vòng sát na tế toàn bộ đều hiện ra, chẳng cần thời gian dài, trong vòng sát na liền phơi bày vô lượng vô biên trí huệ trước mặt hết thảy đại chúng. 'Thị thời' tức là lúc chư Phật Như Lai tán thán, phái thị giả đến vấn an đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Thế Tôn mỉm cười. Phóng quang là tiêu biểu pháp, hào quang này từ đâu ra? Trong chân như bản tánh vốn có đầy đủ Bát Nhã quang minh, Phật vì chúng sanh thuyết pháp căn cứ vào chỗ này.
Phật thuyết hết thảy pháp bắt đầu từ đâu? Từ trong tự tánh vốn sẵn đủ Bát Nhã thể hiện ra, hôm nay nói chỗ y cứ của hết thảy pháp, biểu hiện ra một lượt cho mọi người coi. 'Bá thiên vạn ức' nói chẳng hết, cho nên sau đó lược nêu ra vài điều, nếu nói kỹ thì nói không hết, giản lược nêu ra mười điều. Tuy là giản lược nêu ra, chư vị phải biết cũng giống như cách tiêu biểu pháp trong kinh Hoa Nghiêm, bất cứ câu nào cũng đầy đủ trăm ngàn muôn ức quang minh vân, một tức là hết thảy, hết thảy tức là một. Thế nên khi chúng ta nghe kinh, nghe pháp, nếu người giảng dùng tâm chân thành, tâm cung kính, thì liền cùng quang minh của Phật khởi tác dụng cảm ứng, Phật quang sẽ soi rọi đạo tràng đó cũng giống như đại quang minh vân chiếu soi trên không trung của đạo tràng [tại cung trời Ðao Lợi] này. Phía dưới người nói, người nghe sanh vô lượng hoan hỷ, chẳng phải do người ấy giảng hay, nói khéo, chẳng phải vậy, người hiện nay gọi đó là 'từ trường' chẳng giống nhau, đây là sự gia trì của Phật, từ bi gia trì, quang minh nhiếp thọ. Nói về câu đầu tiên:
Sở vị:
Ðại Viên Mãn Quang Minh Vân.

Ðó là vầng mây sáng Ðại Viên Mãn

'Ðại Viên Mãn', đây là điểm giống nhau trong những vầng mây khác nhau. Viên mãn tức là một chút khiếm khuyết đều chẳng có, chính là toàn thể tánh đức tỏ lộ. Tại sao hết thảy chúng sanh có thể khởi cảm ứng đạo giao? Tâm chúng sanh và tâm Phật không hai không khác. Sai khác ở đâu? Chúng sanh còn mê, Phật đã giác. Khi giác là tâm tánh, khi mê cũng là tâm tánh, tâm tánh chẳng có giác, mê. Trong hết thảy chúng sanh, thường nói đến hữu tình chúng sanh, chúng ta ngày nay gọi là động vật, chúng sanh hữu tình trong chín pháp giới; ngoài hữu tình chúng sanh còn có vô tình chúng sanh, ngày nay chúng ta gọi là thực vật, khoáng vật, đều từ trong tự tánh biến hiện ra.
Kinh Hoa Nghiêm nói: 'Hữu Tình và Vô Tình cùng viên mãn chủng trí' 5[5]. Viên là viên mãn, đồng viên chủng trí tức là đồng thời thành Phật, là ý như vậy. Tại sao? Cùng một pháp thân, cùng một thể tánh. [Đối với] người giác ngộ, núi sông đại địa đều là tự thân, cùng mình là một thể, thế nên sẽ quan hoài vô điều kiện, yêu thương, bảo vệ vô điều kiện, đó gọi là 'đại từ đại bi', thế nên câu tiếp sẽ là 'Ðại Từ Bi Quang Minh Vân'. Phải biết Phật như vậy, chúng ta cũng như vậy. Hôm nay Phật hiển hiện chẳng thể nghĩ bàn, vô lượng vô biên tự tánh quang minh; hôm nay chúng ta hiện ra vô lượng vô biên phiền não vô minh, chúng ta biến thành nông nỗi này, hoàn toàn phản nghịch với tánh đức, biến thành một chúng sanh đáng thương xót. Thế nên tự mình phải giác ngộ, phải quay về, phải thọ trì đọc tụng, y giáo phụng hành, người như vậy mới thật sự quay về. Vừa quay về thì cùng đại quang minh vân của Phật khởi tác dụng cảm ứng đạo giao.

Ðại Từ Bi Quang Minh Vân.

Vầng mây sáng Ðại Từ Bi.

'Từ Bi' là chỗ nương dựa cho sự phát tâm của chúng ta. Tứ Hoằng thệ nguyện 'Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ' nương dựa vào cái gì mà phát tâm? Nương dựa vào tâm từ bi. Quang Minh Vân ở đây tiêu biểu cho đức năng viên mãn của chân tâm tự tánh, Bát Nhã trí huệ vốn có. Chư Phật, Bồ Tát, Bồ Tát ở đây là chỉ cho Pháp Thân đại sĩ; khi chưa chứng Pháp thân thì tánh đức chưa hiển lộ, chẳng có quang minh vân; các ngài có đại từ bi, chẳng thể thêm quang minh vân. Thêm quang minh vân thì tối thiểu phải là Pháp Thân đại sĩ, phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, thật sự cùng tâm cùng nguyện, cùng đức cùng hạnh với Phật, thì trong đoạn này hiển lộ chẳng sót, đây là sự tướng. Tứ hoằng thệ nguyện phát khởi từ chỗ này. Ðịa Tạng Bồ Tát phát nguyện này viên mãn, rốt ráo, 'địa ngục chẳng không, thề chẳng thành Phật', từ bi đến cùng cực! Chúng sanh khổ nạn trong địa ngục ngài đều độ, huống chi là những chúng sanh khác, đây gọi là phổ độ chín giới chúng sanh.
Khoảng thời gian sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ và trước khi Di LặcBồ Tát giáng sanh quá dài. Trong thời gian dài như vậy chẳng có Phật ra đời, cái khổ của chúng sanh chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi. Phật, Bồ Tát chẳng có tâm từ bi sao? Có chứ, phải làm sao? Trong thời gian này Phật giao phó sự nghiệp giáo hóa chúng sanh cho Ðịa Tạng Bồ Tát. Lúc Phật chẳng ở thế gian thì Ðịa Tạng Bồ Tát đại diện cho Phật Thích Ca, Thế Tôn chẳng nhờ Bồ Tát khác, mà nhờ Ðịa Tạng Bồ Tát. Do đó có thể biết sau khi đức Phật diệt độ, khi Bồ Tát Di Lặc chưa xuất thế, dùng phương pháp gì để giáo hóa hết thảy chúng sanh? Dùng Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, đây là lời phó chúc của Thế Tôn. Ðịa Tạng Bồ Tát nhận sự ủy thác của Thế Tôn, chẳng cô phụ đức Phật Thích Ca, ngài đích thật đảm đương trách nhiệm này, từ bi đến cùng cực! Chúng ta phải dùng 'Ðại Từ Bi Quang Minh Vân' phát tâm Bồ Ðề, thượng cầu hạ hóa, độ mình, độ chúng sanh.
Câu thứ ba:

Ðại Trí Huệ Quang Minh Vân.

Vầng mây sáng Ðại Trí Huệ.

Ðây là chỗ y cứ cho sự tu hành của chúng ta. Bất luận tu học pháp môn nào, không có trí huệ thì không thể thành tựu, nhất định phải nương vào trí huệ, trí huệ từđâu có? Nói cho chư vị biết, trí huệ nhất định chẳng do sự học hỏi, ghi nhớ mà có.

--------

5[5] Nguyên văn: 'Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí'

-----

Tôi nghe rất nhiều, đọc nhiều, nhớ nhiều, đó là thông minh của thế gian, trong kinh Phật gọi là 'thế trí biện thông'. Trong Phật đạo, 'thế trí biện thông' là một trong tám nạn, nếu bạn gặp phải thì rất khó, tại sao? Kẹt vào 'Sở tri chướng', những gì bạn biết trở thành chướng ngại, chướng ngại bạn minh tâm kiến tánh, chướng ngại bạn đạt được định, chướng ngại bạn khai trí huệ. Trí huệ từ đâu đến? Trí huệ nhất định phải được từ thiền định, thiền định từ đâu đến? Thiền định nhất định được từ Trì giới. Ðây gọi là 'Tam Vô Lậu Học'. Tuy Ðại thừa pháp môn chẳng coi trọng giới luật trên hình thức, Ðại thừa nói đến Tâm Ðịa Giới pháp, còn thù thắng hơn hình thức, phải làm thật sự! Thiền định là tâm thanh tịnh, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài, 'ngoài không trước tướng, trong không động tâm', đó gọi là thiền định, đó là chân chánh tu thiền định. Nếu lục căn chúng ta tiếp xúc với cảnh giới lục trần, vẫn còn bị cảnh giới bên ngoài thu hút, vẫn còn khởi tâm động niệm, vậy là hỏng bét rồi! Công phu chân chánh, tu hành chân chánh ở đâu? Chính là dụng công ở chỗ sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, chúng ta dùng công phu niệm Phật, phương pháp này rất tốt. 'Niệm đầu' 6[6] vừa động, thì dùng 'A Di Ðà Phật' chuyển liền, chuyển thành A Di Ðà Phật, trong đó Tam học: Giới, Ðịnh, Huệ đầy đủ cùng lúc. Nếu bạn có thể chuyển thì bạn tuân thủ pháp, đây là Trì giới. Nhìn thấy cảnh giới bên ngoài thuận tâm thì khởi tham ái, tâm tham vừa động thì 'A Di Ðà Phật' chuyển trở lại, đó là Trì giới. Thấy hoàn cảnh không vừa ý, trong tâm không ưa thích thì liền 'A Di Ðà Phật' chuyển lại. Nếu bạn có thể chuyển trở lại, tiếp nhận sự giáo huấn của Phật, Phật dạy chúng ta làm như vậy, chúng ta làm như vậy, đó là 'Trì giới'. Sau khi chuyển trở lại, đối với hết thảy cảnh giới đều không để ý nữa, quay về niệm Phật, đó là tu 'Ðịnh'. Nhất tâm xưng niệm A Di Ðà Phật, 'Huệ' ở trong đó. Thế nên [nhiều người] chẳng biết sự tu học của Tịnh Tông thù thắng, hoàn thành Giới - Ðịnh - Huệ Tam Học ngay trong một niệm, viên mãn đầy đủ. Sau đó xử sự, đãi người, tiếp vật, thiện ý tự nhiên sẽ sanh ra, thế nên công phu tu hành của bạn sâu cạn chẳng có tơ hào ẩn dấu được, đều bộc lộ trên gương mặt, âm thanh, từng cử chỉ, từng động tác của bạn, công phu tu hành của bạn làm sao ẩn dấu được? Trong ngoài như nhau. Ẩn dấu là đối với người ngu mà nói, người ngu chẳng nhìn thấy nên mới bị bạn gạt, người chân chánh có trí huệ thì không dấu nổi, vừa tiếp xúc liền hiểu rõ. Thế nên 'đại trí huệ' là chỗ nương dựa của sự tu hành của chúng ta.
Câu thứ tư:

Ðại Bát Nhã Quang Minh Vân.

Vầng mây sáng Ðại Bát Nhã.

Ý nghĩa của Bát Nhã và trí huệ có khi giống nhau, nhưng hai chữ này gộp chung một chỗ thì ý nghĩa đương nhiên có sai khác. Bát Nhã như trong kinh Bát Nhã nói: 'Thật Tướng Bát Nhã, Quán Chiếu Bát Nhã, Văn Tự Bát Nhã'. Ðại trí huệ ở phía trước chúng ta giải nghĩa là Huệ trong Giới - Ðịnh - Huệ; nhưng Ðịnh nhất định phải có Giới, 'Ðịnh cộng Giới', người có Ðịnh sẽ chẳng phạm lỗi. Người có Huệ gọi là 'Ðạo cộng Giới', Trì Giới ở trong đó còn cao minh hơn nữa. Do đó 'Huệ' giống như ba tầng lầu, tầng thứ ba nhất định bao gồm hai tầng dưới, tầng dưới chẳng bao gồm tầng trên, Giới chẳng bao gồm Ðịnh, Ðịnh chẳng bao gồm Huệ; Ðịnh nhất định sẽ bao gồm Giới; Huệ nhất định sẽ bao gồm Giới và Ðịnh. Bát Nhã, ở đây chúng ta y theo cách nói của kinh Bát Nhã, Thật tướng Bát Nhã là Thể. Thật tướng vô tướng, cũng tức là chẳng có Phân biệt trí, Thật trí, đối với hết thảy pháp rõ ràng, minh bạch nhưng trong đó chẳng có phânbiệt. Phân biệt còn không có, thì đâu có chấp trước! Thế nên được gọi là Thật Tướng Bát Nhã.

------

6[6] Niệm đầu có nghĩa là một niệm, hoặc nói theo hòa thượng Trí Tịnh là "móng ý" (ý vừa dấy khởi lên).

-------

Thật tướng tức là chân tướng, người đó hiểu rõ chân tướng, chúng ta thường gọi là hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh rốt ráo triệt để, trí huệ này được gọi là 'Thật Tướng Bát Nhã'. Thật Tướng Bát Nhã khởi tác dụng gồm có hai loại: một là 'Tự thọ dụng', hai là 'Tha thọ dụng'. Tự thọ dụng là 'Quán Chiếu Bát Nhã', dùng cách nói hiện nay tức là sống một đời sống có trí huệ cao tột, hoặc giống như những Pháp Thân đại sĩ đã chứng quả, các ngài sống đời sống viên mãn trí huệ, tương ứng với quang minh vân. Phàm phu chúng ta có thể sống đời sống cao đẳng trí huệ, đó là rất hiếm có, như vậy bạn mới hiểu được Quán Chiếu. Tổng cương lĩnh của Quán Chiếu, trong kinh Kim Cang, Phật dạy: 'Phàm những gì có tướng đều là hư vọng'. Thế nên đối với hết thảy pháp tướng, họ có thể không phân biệt, không chấp trước, có thể tùy duyên mà không phan duyên, cái gì cũng được, cái gì cũng tự tại, mỗi ngày sinh hoạt thanh tịnh, khoái lạc vô cùng! Tùy cảnh ngộ đều an lạc, phú quý có sự khoái lạc của phú quý, nghèo hèn có sự khoái lạc của nghèo hèn; phú quý, nghèo hèn là sự tướng, khoái lạc đều bằng nhau, đều bình đẳng, đều sinh hoạt rất viên mãn, đều được khoái lạc. Ðây là Quán Chiếu Bát Nhã, sự thọ dụng của chính mình. 'Văn Tự Bát Nhã' tức là lợi tha, Tha thọ dụng, giúp đỡ người khác. Trong Văn Tự bao gồm diễn nói, nói cách khác Quán Chiếu bao gồm sự tướng, tức là làm ra hình dáng cho người ta coi, ngày nay chúng ta gọi là 'thân giáo', Văn Tự Bát Nhã là 'ngôn giáo'. Do đó có thể biết Thật Tướng Bát Nhã là 'ý giáo'. Thân, ngữ, ý đều giáo hóa hết thảy chúng sanh, đều giúp đỡ hết thảy chúng sanh. Trong Thật Tướng tuy nói là ý giáo, nhưng chẳng có niệm đầu của 'ý'; nếu có niệm đầu của 'Ý' thì không phải là Thật Tướng Bát Nhã trí huệ. Bát Nhã là 'tức tướng ly tướng, ly tức đồng thời' (chính ngay nơi tướng mà lìa tướng, cùng một lúc vừa là 'lìa', vừa là 'chính là'), như vậy mới có thể phá trừ hết thảy mê hoặc.
Câu thứ năm:

Ðại Tam Muội Quang Minh Vân.

Vầng mây sáng Ðại Tam Muội.

Tam Muội là Phạn ngữ, là dịch âm từ tiếng Ấn Ðộ, nghĩa là 'Chánh thọ', hưởng thọ chánh thường (hưởng thọ một cách chánh đáng, đúng mực, hợp lý). Phật nói sự hưởng thọ của lục đạo chúng sanh chẳng chánh thường. Các thứ hưởng thọ được quy nạp thành năm loại lớn, thân có hai loại: 'khổ thọ' và 'lạc thọ'. Khổ thì vô lượng vô biên, Lạc cũng vô lượng vô biên, dùng hai loại này bao gồm hết cả. Tâm lý, chúng ta gọi là Tinh thần. Thân thể bằng xương thịt có hai loại 'khổ' và 'lạc' này. Tâm lý có hai loại: 'Buồn' và 'Vui'. Ðó là bốn loại: khổ và lạc là tương đối, buồn và vui cũng tươngđối. Sau cùng còn một loại lớn, thân chẳng có khổ và lạc, tâm lý chẳng có buồn và vui, như vậy rất tốt, trạng thái này gọi là 'Xả thọ', tổng cộng là năm loại này. Xả thọ rất tốt, nhưng thời gian rất ngắn, không kéo dài được, tạm thời thân xả bỏ khổ, lạc, tâm xả bỏ buồn, vui, chỉ là tạm thời. Nếu Xả Thọ này có thể duy trì mãi thì gọi là Tam Muội, tức là Chánh Thọ, thế nên Tam Muội cũng được dịch là Thiền định, chư Phật Như Lai vĩnh viễn trong Xả Thọ. Tây phương gọi là Cực Lạc thế giới, chúng ta cứ dùng cách suy nghĩ sai lầm của chúng ta để hạn cuộc cái 'lạc' của tây phương, cứ tưởng cái 'lạc' này là lạc trong khổ - lạc, như vậy là sai rồi! Chẳng phải 'lạc' trong khổ - lạc; khổ, lạc hai bên đều xả bỏ hết, đó là 'chân lạc'! Thế nên tới tây phương Cực Lạc thế giới, năm thứ Thọ: khổ, lạc, buồn, vui, xả này đều chẳng có, đó mới gọi là Cực Lạc thế giới. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa này.
Ðại Tam Muội có thể phá hết thảy chướng ngại. Khoa học gia hiện đại biết thế gian này có rất nhiều chướng ngại, thí dụ họ phát hiện không gian ba chiều, chúng ta hiện nay đang sống trong không gian ba chiều này, họ biết có không gian bốn chiều, năm chiều. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói ông đã coi báo cáo khoa học, ông nói khoa học gia đã khẳng định tối thiểu có mười một chiều không gian tồn tại. Nếu y theo cách nói của Phật pháp thì không hẳn như vậy thôi đâu, chúng ta làm sao biết được? Chúng ta biết những không gian nhiều chiều khác nhau này hình thành như thế nào, chúng ta hiểu được đạo lý này. Phật nói những không gian này là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra, chúng ta biết hết thảy chúng sanh có vô lượng vô biên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cho nên thời gian, không gian sẽ có vô lượng vô biên chiều, đâu thể chỉ có mười một chiều, hai chục chiều thôi đâu! Ðây là thật, chẳng phải giả. Cho dù trong không gian ba chiều, hoàn cảnh sinh sống hiện nay của chúng ta, trong đó vẫn còn rất nhiều chướng ngại. Nói ba chiều, bốn chiều là nói theo cách phân chia đại khái, cũng giống như cách nói mười pháp giới trong nhà Phật. Chúng ta gọi mỗi pháp giới là một chiều thì đó là mười chiều không gian, cộng thêm Nhất chân pháp giới thì là mười một chiều. Nhưng mỗi pháp giới lại có rất nhiều [pháp giới nhỏ ở trong ấy], đếm chẳng hết. Nếu bạn thật sự đạt được Tam Muội, an trú trong Tam Muội, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều dứt hết thì sẽ phá được tất cả giới hạn này. Công phu thiền định cạn sâu chẳng đồng, Ðịnh cạn thì đột phá một tầng, hai tầng, Ðịnh sâu hơn thì có thể đột phá nhiều tầng hơn, chúng ta biết những tình hình này rất rõ ràng.
Trong thế gian có một số người tu Ðịnh, có một cụ kể cho tôi nghe vào thời thế chiến thứ nhì vừa qua, trong thời gian chiến tranh ấy cụ ở Giang Tây, ở đó có một vị đạo sĩ, đạo sĩ này có thần thông, nói thật ra là có công phu định lực. Nhà cụ ở hơi thấp, đạo sĩ này kêu cụ dọn nhà và nói chỗ đó vài ngày nữa sẽ bị ngập nước. Ðạo sĩ cũng ở vùng gần đó, cụ bèn sai người dò xem đạo sĩ này có dọn hay không? Cụ thấy đạo sĩ dọn nhà nên cụ cũng dọn theo. Quả đúng như vậy, hoàn toàn phù hợp với thời gian đạo sĩ này đã nói. Một dấu hiệu báo trước gì cũng chẳng có, kết quả là núi lở, chỗ ấy bị ngập, từ đó cụ mới biết vị đạo sĩ này có thần thông. Sau đó không lâu vị đạo sĩ nói ông ấy nhìn thấy chỗ nào đó xảy ra chiến tranh, nói ra phương hướng, đại khái là cách bao xa, ông đã nhìn thấy được. Cụ này là một người lính, là một quan lính cao cấp, cụ nói vị đạo sĩ này nói không đúng, cụ chẳng nghe tin này. Kết quả là ba tháng sau, người Nhật bất thình lình tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor, Hawaii), cùng với phương vị, tình huống, khoảng cách, ba tháng trước ông đã nhìn thấy rồi. Do đó có thể biết thờigian quá khứ, hiện tại, tương lai đều tồn tại đồng thời. Ðó là công phu định lực nhỏ, chẳng phải đại định, có thể đột phá thời gian ba tháng, sự việc ba tháng sau ông có thể thấy. Ông ở một căn nhà nhỏ trong núi sâu, ông có thể nhìn thấy Hạ Uy Di, Trân Châu Cảng ở cách đó mấy ngàn dậm, đây là công phu định lực nhỏ thôi. Hiện nay ngoài thị thành có lưu thông 'Thánh kinh mật mã' 7[7], ông ta có thể nhìn thấy ba ngàn năm sau, công phu định lực của ông này còn sâu hơn vị đạo sĩ kể ở trên. Ðạo sĩ này chỉ có thể nhìn thấy cảnh giới vài tháng, vài năm, vài ngàn dặm thôi. Tam Muội chẳng thể nghĩ bàn, có thể đột phá hết thảy chướng ngại.
Như Lai đã đoạn dứt vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nên năng lực của ngài viên mãn, tận hư không trọn khắp pháp giới chẳng có gì không biết, chẳng có gì không thể, chúng ta hiểu được đạo lý này; từ đó chúng ta mới tin tưởng lời Phật nói, lời ngài nói là thật chẳng phải giả, ngài đích thật có năng lực này. Ngài có năng lực này, chúng ta cũng có. Ngày nay chúng ta mất hết năng lực này là vì chúng ta không có Ðịnh, trong tâm mỗi ngày vọng tưởng, phân biệt, chấp trước cả đống, thiệt thòi là ở chỗ này, chúng ta nhất định phải giác ngộ, phải hiểu rõ.

Ðược rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây thôi.

----------------------

7[7] Thánh Kinh mật mã là một giả thuyết chủ trương mỗi một chữ trong Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo nếu được sắp xếp theo một trình tự nào đó sẽ nói lên những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai.

-------

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top