Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Tập 8

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 Tập 8 (Số 14-12-08)

Xin mở kinh, phẩm thứ nhì: Phân Thân Tập Hội, bắt đầu từ đoạn thứ hai.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn đưa cánh tay sắc vàng xoa đảnh các phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát trong trăm ngàn vạn ức chẳng thể nghĩ, chẳng thể bàn, chẳng thể tính, chẳng thể nói vô lượng a-tăng-kỳ thế giới.

Lần trước giảng đến chỗ này, ý tứ trong đó rất sâu. Từ đoạn khai thị này của Thế Tôn chúng ta biết phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát thật là vô lượng vô biên. Tại sao Bồ Tát phải dùng nhiều phân  thân như vậy? Chúng ta phải nghĩ đến vấn đề này, nhất định là vì chúng sanh tạo ác nghiệp ở mười phương thế giới quá nhiều, nên Ðịa Tạng Bồ Tát cần phải phân thân đi độ hóa. Ðây là hiển thị ý nghĩa này, người tạo ác nghiệp nhiều vô lượng vô biên. Thế Tôn nói tiếp:

Rồi nói rằng:

Ðây là lời Phật Thích Ca nói:

Ta ở trong đời ác Ngũ Trược giáo hóa những chúng sanh ương ngạnh như vậy, làm cho tâm họ điều phục, bỏ tà về chánh. Trong mười phần còn một, hai phần vẫn theo thói ác.

Ðức Phật an ủi Ðịa Tạng Bồ Tát, Ðịa Tạng Bồ Tát từ bi đến cùng cực. Cùng một đạo lý, đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng từ bi đến cùng cực, Bồ Tát phân thân vô lượng vô biên, Phật có khác gì đâu? Trong kinh Phạm Võng chúng ta thấy trăm ngàn ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật. Ðịa Tạng và Thế Tôn như vậy, chúng ta liền liên tưởng đến hết thảy chư Phật Bồ Tát chẳng có vị nào không như vậy. Thế nên việc này nói cho chúng ta biết Phật, Bồ Tát còn nhiều hơn số người tạo tội nghiệp, lòng đại từ đại bi này chúng ta chẳng tìm đủ ngôn từ để tán thán. Nhưng chúng sanh đích thật ương ngạnh khó giáo hóa, tập khí quá nặng. Phật, Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, dạy cho họ cải tà quy chánh, ở đây nói 'trong mười người có một, hai vẫn còn tập khí ác', nói cách khác, bảy tám người trong mười người đã được Phật, Bồ Tát độ thoát rồi, như vậy số người được độ thoát không phải rất nhiều sao? Chư vị nên biết số người nói ở đây là chỉ những chúng sanh căn cơ chín muồi, không nói đến những chúng sanh căn cơ chưa chín muồi. Cũng có nghĩa là thiện căn, phước đức của họ đã thành thục rồi, Phật, Bồ Tát đến tạo duyên phụ giúp họ, là ý tứ như vậy. Ða số những người này đều có thể tiếp nhận Phật pháp, y giáo phụng hành, nhưng vẫn còn thiểu số một, hai trong mười người, vẫn còn tập khí ác. Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy có mười loại chúng, liệt kê ra mười loại đến nghe kinh trong những đoàn thể nhỏ, chúng ta có thể nhận biết được. Trên thực tế thì trong đạo tràng của chúng ta cũng có thể nhận biết. Nếu họ chẳng có thiện căn phước đức, chúng ta giảng kinh ở đây họ đời nào chịu đến nghe! Cũng rất chăm chú nghe, hình như cũng rất gắng sức tu hành, nhưng một lát thôi rồi tập khí tật xấu gì cũng khởi lên lại, đây là thuộc về 'một, hai trong mười' này. Hạng này được độ trong đời này không? Không thể được, chỉ trồng thiện căn mà thôi. Cho nên Phật giao những chúng sanh này cho Ðịa Tạng Bồ Tát, Phật chưa độ hết những người căn tánh chưa chín muồi này, nhờ Ðịa Tạng Bồ Tát độ tiếp, mãi cho đến khi Phật Di Lặc ra đời.
Chúng ta xem tiếp kinh văn:

Ngô diệc phân thân thiên bá ức, quảng thiết phương tiện.

Ta cũng phân thân ngàn trăm ức, rộng bày phương tiện.

đây đức Phật Thích Ca nói ra, phía trước là nói sơ lược, ở đây nói kỹ hơn, chia căn tánh của chúng sanh thành bốn loại, ba loại trong đó đều được độ, loại chót chính là 'một, hai trong  mười', cụ thể nói rõ ra.

Hoặc hữu lợi căn, văn tức tín thọ.

Hoặc có kẻ lợi căn, vừa nghe liền tin nhận.

Ðây là người thượng thượng căn, vừa tiếp xúc Phật pháp liền tin tưởng, liền tiếp nhận, y giáo phụng hành, họ liền được độ, đây là [chúng sanh] được độ vào thời Chánh pháp. Hạng thứ hai:

Hoặc hữu thiện quả, cần khuyến thành tựu.

Hoặc kẻ có thiện quả, phải ân cần khuyên bảo mới thành tựu.

Thiện căn, phước đức cũng khá sâu dầy, nhưng thua hạng người kể trên. Nếu chúng ta xếp vào ba thời kỳ trong pháp vận của Phật, đây là [chúng sanh] được độ trong thời Tượng pháp, còn thuộc hàng lợi căn, tốt hơn chúng ta bây giờ.

Hoặc hữu ám độn, cửu hóa phương quy.

Hoặc có kẻ ám độn, giáo hóa thật lâu mới có thể quay về.

Ðây là hạng căn tánh ám độn. 'Ám' là không có trí huệ, 'độn' là căn tánh không lanh lợi. Ðối với chúng sanh hạng này, Phật cũng chẳng bỏ rơi. 'Cửu hóa' nghĩa là phải dùng thời gian rất dài để giúp đỡ họ. Chúng ta thường nói 'đi sâu vào một môn, huân tu trong thời gian dài', họ từ từ cũng sẽ giác ngộ. Ðây là những chúng sanh thời Mạt pháp.

Hoặc hữu nghiệp trọng, bất sanh kính ngưỡng.

Hoặc có kẻ nghiệp nặng, chẳng sanh lòng kính ngưỡng.

Ðây không phải là những người bên ngoài, là chỉ bốn chúng đệ tử trong nhà Phật, thậm chỉ cũng đã xuất gia, thọ giới, làm pháp sư, làm trụ trì, đối với Phật pháp chẳng sanh kính ngưỡng. Tuy nhìn thấy tượng Phật cũng đảnh lễ, lạy, tuyệt chẳng y giáo phụng hành, như vậy là không có lòng kính ngưỡng; nếu có lòng kính ngưỡng thì nhất định sẽ y giáo phụng hành. Họ chẳng chịu làm, Phật dạy chúng ta không tham, [nhưng họ] cứ tham, chẳng bỏ lỡ, Phật dạy chúng ta không si, họ vẫn si mê như cũ, hạng người này chính là 'không sanh lòng kính ngưỡng'. Tại sao không sanh kính ngưỡng? Nghiệp chướng nặng, tuy họ nghe lời Phật giảng, cũng biết nói, nhưng lại hoài nghi. Coi trọng lợi ích trước mắt, họ chẳng chịu xả bỏ, chẳng chịu buông xuống, cùng người thế gian tranh danh đoạt lợi, sai lầm ở chỗ này. Hạng chúng sanh này tức là loại 'một, hai trong mười' nói ở trên. Họ tiếp xúc Phật pháp, trồng thiện căn trong ấy nhưng đời này không thể thành tựu. Ðây là sau khi pháp của Thế Tôn đã diệt, vị Phật kế đó, Di Lặc Bồ Tát thành Phật, khi nào mới đến? Trong 'Kinh Di Lặc Hạ Sanh' nói năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau, Phật Di Lặc mới hạ sanh. Thời gian này được tính như thế nào? Trên thật tế chư vị tính thử xem, không khó, có thể tính ra. Di Lặc Bồ Tát hiện nay đang ở trời Ðâu Suất, một ngày ở trời Ðâu Suất bằng bốn trăm năm ở nhân gian, thọ mạng người cõi trời Ðâu Suất rất dài, cũng tính một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, y theo cách tính này; Tứ Vương Thiên thọ mạng năm trăm tuổi, Ðao Lợi Thiên thọ mạng một ngàn tuổi, Dạ Ma Thiên thọ mạng hai ngàn tuổi, Ðâu Suất Thiên thọ mạng bốn ngàn tuổi. Cách tính bốn ngàn tuổi là một ngày của họ bằng bốn trăm năm ở cõi người, cứ như vậy tính ra, đại khái tức là năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm, con số này là do người đời trước tính ra. Chính xác hay không chẳng quan hệ, bạn có thể tự tính được.

Sau thời gian dài như vậy, Phật Di Lặc mới xuất hiện ở nhân gian. Thời gian không có Phật trước đó thiệt là dài, quá dài, trong thời gian này Thế Tôn nhờ Ðịa Tạng Bồ Tát thay thế Phật độ hóa những chúng sanh khổ nạn. Cho nên lúc Phật không trụ thế, Ðịa Tạng Bồ Tát là người đại diện cho Phật. Do đó trong pháp hội chúng ta thấy Văn Thù, Phổ Hiền Bồ Tát rất cung kính Ðịa Tạng Bồ Tát, vì Ðịa Tạng Bồ Tát là người đại diện cho Phật. Trong những kinh điển khác chúng ta thấy lễ tiết, ngôn từ không giống nhau, rất là cung kính.

Như thị đẳng bối chúng sanh, các các sai biệt phân thân độ thoát.

Những hạng chúng sanh sai khác như vậy, Ta đều phân ra nhiều thân khác nhau để độ thoát cho từng hạng.

Ân đức lớn lao của chư Phật, Bồ Tát đối với chúng sanh trên thế gian này chẳng có gì bằng, ai có thể sánh bằng? Trong mỗi niệm không hề xả bỏ chúng sanh, căn chín muồi cũng độ, căn chưa chín muồi cũng độ. Căn chưa chín thì giúp cho họ trở thành chín; đã chín rồi thì nhất định sẽ được độ. Thời Mạt pháp chúng sanh có căn cơ chín muồi chính là Tịnh Ðộ, người có thể chân chánh tin tưởng lời dạy trong Tịnh Ðộ, chắc thật niệm Phật cầu nguyện vãng sanh. Người có căn cơ chín muồi trong thời Mạt pháp sanh đến tây phương Cực Lạc thế giới bất thoái thành Phật, đó là căn chín muồi. Chúng sanh căn tánh chưa chín muồi trong thời Mạt pháp là những ai? [Là những người] chẳng thể tiếp nhận giáo pháp Tịnh Ðộ. Ngày nay chúng ta thấy những người học Thiền, học Mật, học những pháp môn khác, chúng ta rất rõ ràng, tại sao vậy? Trong đời này họ nhất định chẳng có khả năng tự mình đoạn phiền não, những pháp môn thông thường chẳng ngoại lệ. Khi Kiến Tư phiền não đoạn dứt mới có thể vượt thoát khỏi sáu nẻo luân hồi, tuy thoát khỏi sáu nẻo luân hồi nhưng vẫn còn trong mười pháp giới, mười pháp giới vẫn còn là một vòng quanh quẩn to lớn, vẫn còn giới hạn. Còn phải đoạn Trần Sa phiền não, rồi tiến lên phá một phẩm vô minh mới siêu việt mười pháp giới, chứng được pháp thân, vãng sanh về Nhất Chân pháp giới. Nhất Chân pháp giới nói trong kinh Hoa Nghiêm hơn phân nửa là Hoa Tạng thế giới. Khó lắm! Chuyện này quá khó, khó vô cùng! Ðừng nói đoạn hết [tất cả] Kiến Tư phiền não, một phẩm Kiến Tư cũng chẳng dễ, có bao nhiêu người có thể phá Thân Kiến của mình, có thể không nghĩ về sự hưởng thọ của thân này? Cửa ải này phá xong thì mới phá một phần của Kiến Tư, mới phá một phẩm của tám mươi tám phẩm. Tuyệt chẳng khởi tâm động niệm muốn cho thân này hưởng thọ thì mới phá được một phẩm Thân Kiến; tám mươi tám phẩm mới phá được một phẩm thì chẳng dùng được. Từ chỗ này chúng ta mới biết tu học những pháp môn khác thật sự cần phải có lợi căn, thiện quả như Phật nói mới được. Lợi căn, thiện quả gì chúng ta cũng không có, chỉ có một chút thiện căn, phước đức, nhân duyên này, nghe được giáo pháp Tịnh Ðộ, hết lòng chắc thật niệm Phật, như vậy mới có được một chút thành tựu.
Ðoạn kinh văn phía sau giảng về phổ hiện sắc thân, như kinh Lăng Nghiêm nói nên dùng thân gì để độ hóa thì Phật, Bồ Tát dùng thân đó. Phật, Bồ Tát ở thế gian, chúng ta phàm phu mắt thịt nhìn không ra, nói thật ra trong thế gian có rất nhiều, rất nhiều, trong những người buôn bán, người giúp việc cũng có Phật, Bồ Tát. Chúng ta không có cảnh giác cao nên thường mắc lỗi, khinh mạn, khinh dễ Phật, Bồ Tát, tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp, tự mình không biết, Phật, Bồ Tát tuyệt đối chẳng trách mắng bạn. Những người hiểu rõ sự thật này nhất định sẽ chẳng dám khởi tâm khinh mạn đối với hết thảy chúng sanh. Ý nghĩa quan trọng của chư Phật, Bồ Tát thị hiện như vậy là để dạy chúng ta tu Phổ Hiền Hạnh 'Lễ Kính Chư Phật', đối với hết thảy người, sự, vật đều phải chân thành cung kính, đoạn dứt phiền não cống cao ngã mạn của mình. Mọi người đều biết trong lịch sử, hai vị Hàn Sơn, Thập Ðắc ở chùa Quốc Thanh là hóa thân của Văn Thù và Phổ Hiền. Các ngài làm gì trong chùa? Làm công việc lặt vặt, chẻ củi, gánh nước trong nhà bếp. Có ai kính trọng các ngài! Phong Can là A Di Ðà Phật tái lai, ngài làm gì trong chùa? Giã gạo, làm công việc nặng nhọc trong nhà bếp,phục vụ đại chúng, trong chùa không có một ai kính trọng ngài. Sau này người ta biết được, mới biết Phật, Bồ Tát vốn đang chăm sóc cho chúng ta, chúng ta mỗi ngày mắc lỗi với các ngài, có hối hận cũng không kịp. Ðạo tràng của chúng ta không lẽ chẳng có Phật, Bồ Tát hay sao? Có thể Phật, Bồ Tát đang làm việc trong nhà bếp mà các bạn không biết, mỗi ngày đều dèm chê họ. Thế nên phải biết hóa thân của chư Phật, Bồ Tát thật sự đều ở xung quanh chúng ta. Ở đây nêu ra vài thí dụ để nói rõ thêm:

Hoặc hiện nam tử thân, hoặc hiện nữ nhân thân, hoặc hiện thiên long thân, hoặc hiện thần quỷ thân.

Hoặc hiện thân người nam, hoặc hiện thân người nữ, hoặc hiện thân Trời, rồng, hoặc hiện thân quỷ, thần.

Mắt thịt chúng ta nhìn chẳng thấy những vị này, họ thấy chúng ta, họ ở xung quanh chúng ta, có thể ảnh hưởng chúng ta. Lúc trước lão cư sĩ Châu Kính Trụ kể cho tôi nghe nhân duyên dẫn cụ học Phật, ban đêm cụ nhìn thấy quỷ nên mới tin tưởng. Cụ là người học khoa học, cũng làm quan khá lớn, cứ cho rằng những chuyện này là mê tín, chẳng bao giờ chịu tin. Cụ tiếp xúc được rất nhiều, nhưng thấy người khác, nghe người khác kể đều coi như nghe kể chuyện cổ tích, bán tín bán nghi. Cụ làm sao sanh khởi lòng tin chân chánh được? Cụ kể cho tôi nghe, trong thời kháng chiến cụ đang ở Trùng Khánh, ban đêm đánh bài 'mà chược' đến một, hai giờ khuya mới về nhà. Lúc đó chẳng có xe, phải đi bộ, cách rất xa mới có một cột đèn, đại khái cỡ chừng hai mươi nến, trên đường tối đen như mực. Trên đường đi về nhà, khoảng đường khá dài, cũng chẳng có cảm giác gì khác lạ. Cụ thấy có một người đang đi trước cụ chẳng xa, là một người đàn bà, cụ cứ đi như vậy cũng chẳng để ý. Sau khi đi được một lúc cụ bỗng nhiên giựt mình, [đặt câu hỏi] tại sao bà này đi lang thang một mình trong đêm tối? Nghĩ như vậy nên cụ nổi da gà, nhìn kỹ lại mới thấy bà này chỉ có phân nửa thân phía trên, chẳng thấy thân phía dưới, lúc bấy giờ cụ mới thật sự khiếp sợ. Nhờ gặp chuyện này nên cụ mới bắt đầu học Phật. Sau khi học Phật, cụ nói chắc là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát 'hoặc hiện thần quỷ thân', nếu chẳng thấy tận mắt, bất kỳ ai nói, cụ cũng sẽ bán tín bán nghi, coi như nghe chuyện cổ tích, nhờ [cụ nhìn thấy bà này nên] mới bước vào cửa Phật. Phía dưới:

Hoặc hiện sơn lâm xuyên nguyên, hà trì tuyền tỉnh, lợi cập ư nhân, tất giai độ thoát.

Hoặc hiện núi rừng, nguồn sông, đồng bằng, sông hồ, suối giếng để làm lợi ích cho con người, làm cho tất cả đều được độ thoát.

Ðây là hiện 'Thân vô tình'. Hiện nay mọi nơi đều đề xướng du lịch ngắm cảnh, lúc bạn đi du lịch, đi chơi nhìn thấy những cây cối, hoa cỏ, những cảnh núi sông này, sau khi nhìn thấy bèn có cảm nhận giác ngộ, [những cảnh tượng này] đều là chư Phật, Bồ Tát biến hiện. Tại sao người khác nhìn thấy không khai ngộ mà bạn nhìn lại khai ngộ? Cho nên một người khai ngộ không nhất định phải là nhân duyên gì, phàm những gì giúp đỡ bạn khai ngộ, bất luận là người, sự, vật đều là Phật, Bồ Tát gia trì. Từ đó bạn mới biết, không những Phật, Bồ Tát thị hiện làm chúng sanh hữu tình mà còn thị hiện chúng sanh vô tình ở xung quanh bạn nữa. Chúng ta không biết ngôn ngữ, thân thể tạo tác, khởi tâm động niệm [của chúng ta], thậm chí tự mình không biết mình ngu si ám độn, nhưng Phật, Bồ Tát biết rõ ràng, minh bạch. Người Trung Quốc thời xưa có câu: 'Trên đầu ba thước có thần minh', lời này chẳng giả. Số quỷ thần nhiều, số Phật, Bồ Tát còn nhiều hơn, đều là đại từ đại bi, niệm niệm không gì chẳng là cảm hóa chúng ta, làm cho chúng ta quay về, sớm một ngày thoát khỏi lục đạo luân hồi, không tạo ác nghiệp nữa. Thế nên phàm những gì có lợi cho chúng sanh, đặc biệt là có lợi cho chúng sanh khai ngộ, giải thoát, chúng ta biết đều là Phật, Bồ Tát gia trì, chẳng có nơi nào Phật, Bồ Tát không hiện thân.

Hoặc hiện Thiên Ðế thân, hoặc hiện Phạm Vương thân.

Hoặc hiện thân Thiên Ðế, hoặc hiện thân Phạm Vương.

Chúng ta đọc đến đây thì đừng coi thường những tín đồ tôn giáo khác. Ðối với hết thảy tín đồ tôn giáo khác chúng ta phải cung kính, tâm và thái độ cung kính họ cùng tâm và thái độ đối với Phật, Bồ Tát chẳng khác. Tại sao vậy? Những hạng chúng sanh nào Phật độ không được, họ tin Thượng Ðế, thì Phật, Bồ Tát bèn hiện thân Thượng Ðế để độ họ, như vậy không phải là cùng một chuyện hay sao? Chẳng có gì khác nhau hết. Chẳng qua là ngài chỉ quẹo qua một ngõ khác mà thôi, phải sanh lên trời rồi sau đó mới học Phật. Hiện nay chúng ta đang học Phật thì thù thắng hơn họ rất nhiều, họ phải đi đường vòng quanh. Họ chẳng cung kính chúng ta là đương nhiên rồi, họ chẳng hiểu, có thành kiến, có chấp trước, bài xích. Chúng ta đối với họ chẳng thể không cung kính, chúng ta biết Phật, Bồ Tát hóa thân trên trời và nhân gian vô lượng vô biên. 'Thiên Ðế' là danh xưng của người Trung Quốc gọi Ngọc Hoàng Ðại Ðế, là vị được Ðạo Giáo sùng bái. Thượng Ðế của một số tôn giáo Tây phương đại khái là Ðao Lợi Thiên Chủ. 'Phạm Vương' là Ðại Phạm Thiên Vương, có một số tôn giáo ở Ấn Ðộ sùng bái Ðại Phạm Thiên. 

Hoặc hiện Chuyển Luân Vương thân. 

Hoặc hiện thân Chuyển Luân Vương. 

Chuyển Luân Vương là người có phước báo lớn nhất trong cõi người. Những báo cáo về khoa học cận đại thường đăng tin có những vật phi hành chẳng rõ từ đâu ngoài không gian xuất hiện trên trái đất. Những báo cáo này rất nhiều, thậm chí còn nói có người ngoài không gian. Luân Bảo của Luân Vương nói thật ra rất giống với đĩa bay, đây là công cụ giao thông và cũng là võ khí của ngài. Cho dù những người này lái đĩa bay đến đây, có phải họ là Chuyển Luân Vương không? Không chắc, Chuyển Luân Vương sai người đến đây khảo sát tình hình, nhất định chẳng phải Chuyển Luân Vương. Làm sao biết được? Chuyển Luân Vương từ bi, đối với hết thảy chúng sanh tuyệt đối chẳng gây tổn hại. Thế nên chúng ta có thể nói nếu là công cụ giao thông của Luân Vương thì họ nhất định là sứ giả của Luân Vương. Cũng giống như ngày nay chúng ta phái người đi thám hiểm ngoài không gian, phi hành gia Mỹ đã đi, phi hành gia Nga cũng đi rồi, tuyệt đối chẳng phải tổng thống Mỹ, tổng thống Nga, là họ phái người đi, đây là chuyện chúng ta có thể tưởng tượng được. Hiện thân Chuyển Luân Vương.

Hoặc hiện cư sĩ thân.

Hoặc hiện thân cư sĩ.

Người tại gia học Phật.

Hoặc hiện Quốc vương thân, hoặc hiện Tể phụ thân.

Hoặc hiện thân Quốc vương, hoặc hiện thân Tể phụ.

Tể phụ là quan, chúng ta gọi là quan lớn, hiện nay những chức Tổng lý, Thủ tướng, Bộ trưởng đều là [chức] Tể phụ.

Hoặc hiện quan thuộc thân.

Hoặc hiện thân các quan thuộc.

Ðây là những quan viên trong chính phủ, là thân phận người tại gia.

Hoặc hiện Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di thân.

Hoặc hiện thân Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di.

Ðây là thị hiện thân phận của người học Phật. Vì ở đây có ghi Ưu bà tắc, Ưu bà di, phía trước ghi cư sĩ, giữa hai hạng này có chỗ khác nhau. Cư sĩ không nhất định là người học Phật, là những người tại gia có học thức, có đạo đức, chẳng làm quan. Ở đây có chút sai khác như vậy.

Nãi chí Thanh Văn, La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát đẳng thân, nhi dĩ hóa độ, phi đản Phật thân, độc hiện kỳ tiền.

Cho đến thân Thanh Văn, La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, v.v... để hóa độ, chứ chẳng phải chỉ có thân Phật hiện ra trước chúng thôi đâu.

Ðức Phật Thích Ca thị hiện lần này là dùng thân Phật thị hiện. Ngoại trừ dùng thân Phật ra, Ngài còn dùng những thân khác thị hiện, trăm ngàn vạn ức Ứng hóa thân đều ở trong thế gian chúng ta. Nếu chúng ta hỏi đức Phật Thích Ca hiện nay có ở đây không? Ðương nhiên là có, chẳng dùng thân Phật để xuất hiện. Phàm phu chúng ta cứ cho rằng đức Phật Thích Ca đã diệt độ rồi, là thân tướng của Phật diệt độ. Nếu Ngài thị hiện thân người nam, người nữ, thiên long, quỷ thần, cư sĩ, tể quan, tỳ kheo, tỳ kheo ni thì chúng ta làm sao nhận ra? Lúc nào cũng có, nơi nào cũng có. Trên lịch sử chúng ta chỉ biết Trí Giả đại sư là đức Phật Thích Ca Mâu Ni tái lai, Ngài hiện thân tỳ kheo. Ðây là thân phận lộ ra mọi người mới biết được, thân phận khác chưa lộ ra quá nhiều, quá nhiều! Thân phận lộ ra chỉ là một phần vạn, hai phần vạn mà thôi, đại đa số thân phận chẳng lộ ra. Nếu thân phận thường thường lộ ra thì có ảnh hưởng phụ đối với sự hoằng truyền Phật giáo, chẳng có lợi cho việc giáo hóa chúng sanh, chỉ lâu lâu mới lộ một lần, việc này chúng ta nhất định phải biết. Thế nên đối với hết thảy mọi người phải giữ lòng cung kính, thái độ của chúng ta phải thường giữ tâm hoan hỷ, phải hiểu đạo lý này, chư Phật, Bồ Tát không ai là chẳng vậy. Xem tiếp đoạn kinh kế:

Nhữ quán ngô lũy kiếp cần khổ, độ thoát như thị đẳng nan hóa cang cường tội khổ chúng sanh.

Ông xem Ta trải qua bao số kiếp cần cù khổ nhọc độ thoát những chúng sanhương ngạnh, đầy tội khổ, khó khai hoá như thế.

Ðức Phật Thích Ca thị hiện làm gương mẫu cho Bồ Tát, dạy Bồ Tát phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân thì sẽ có khả năng biến hóa trăm ngàn vạn ức hóa thân. Ðáng nên học Phật, quảng độ chúng sanh. Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, Biệt Giáo Sơ Ðịa Bồ Tát có thể tùy loại hóa thân. Trong kinh Lăng Nghiêm chúng ta thấy Quán Thế Âm Bồ Tát, chư vị nhất định phải biết Quán Thế Âm Bồ Tát trong kinh Lăng Nghiêm là Sơ Trụ Bồ Tát, chẳng phải là Ðẳng Giác Bồ Tát. Ngài thuật lại quá trình tu hành của mình, lý luận và phương pháp tu hành, báo cáo cho đại chúng biết. Công phu của Ngài là 'Xoay trở vào trong nghe tự tánh, tánh thành vô thượng đạo'. Phá một phẩm vô minh, kiến tánh xong thì Ngài có năng lực ba mươi hai Ứng. Thế nên trong hội Lăng Nghiêm chúng ta biết Quán Âm là Sơ Trụ Bồ Tát, Phát Tâm Trụ, Bồ Ðề tâm vừa mới phát bèn có năng lực lớn như vậy. Quán Âm Bồ Tát trong kinh Hoa Nghiêm, sau này sẽ giảng đến Năm mươi ba lần tham vấn của Thiện Tài đồng tử, tham vấn Quán Thế Âm Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát này đại biểu quả vị Thất Hồi Hướng, Thất Hồi Hướng Bồ Tát. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn là Ðẳng Giác Quán Thế Âm Bồ Tát. Bồ Tát giống như Phổ Hiền trong kinh Hoa Nghiêm vậy, có 'Ðạo Tiền', có 'Ðạo Vị', Ðạo Tiền là trước lúc chứng Ðẳng Giác, có thể nói là từ quả vị Sơ Tín đến Pháp Vân Ðịa gọi là Ðạo Tiền; Ðẳng Giác là Ðạo Vị. Sau khi thành Phật, thả chiếc bè từ, lại dùng thân Bồ Tát độ hóa chúng sanh, cùng việc Thế Tôn nói ở đây chẳng nhất định phải hiện thân gì, Ngài có khả năng tận hư không, trọn khắp pháp giới cùng hết thảy chúng sanh cảm ứng đạo giao, chúng sanh có cảm, ngài liền có ứng. Cảm của chúng sanh có hiển, có ẩn, hiển là gì? Có tâm cầu Phật, Bồ Tát. Ẩn là gì? Tâm niệm cầu Phật, Bồ Tát tự mình cũng chẳng biết, việc này rất kỳ lạ. Tại sao mình cầu Phật, Bồ Tát đến giúp đỡ mà tự mình chẳng biết? Nói thật ra là vì thiện căn phước đức của mình đã chín muồi, tự mình chẳng biết. Nhưng mức chín muồi này của bạn cảm động đến Phật, Bồ Tát, chư Phật, Bồ Tát nhất định sẽ ứng hóa đến tạo cho bạn tăng thượng duyên, để giúp đỡ bạn, thành tựu cho bạn. Bạn chẳng tìm Ngài, Ngài đến tìm bạn, trong kinh Vô Lượng Thọ có nói: 'Làm người bạn chẳng thỉnh của hết thảy chúng sanh', bạn chẳng mời họ, họ tự động tới. Phía sau là đoạn Thế Tôn nhờ Ngài:

Kỳ hữu vị điều phục giả, tùy nghiệp báo ứng, nhược đọa ác thú, thọ đại khổ thời nhữ đương ức niệm ngô tại Ðao Lợi Thiên Cung ân cần phó chúc, lịnh Sa Bà thế giới chí Di Lặc xuất thế dĩ lai chúng sanh tất sử giải thoát, vĩnh ly chư khổ, ngộ Phật thọ ký.

Còn những kẻ chưa được điều phục thì theo nghiệp mà chịu báo ứng. Nếu họ đọa vào đường dữ và chịu nhiều sự đau khổ thì ông nên nhớ Ta ở cung trời Ðao Lợi đã ân cần phó chúc [ông] làm cho chúng sanh ở thế giới Sa Bà đến lúc đức Phật Di Lặc xuất thế đều được độ thoát, vĩnh viễn xa lìa các sự khổ, được gặp Phật và được thọ ký.

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni tại cung trời Ðao Lợi ân cần ủy thác công việc giáo hóa chúng sanh cho Ðịa Tạng Bồ Tát, vô cùng rõ ràng, minh bạch. [Những người] đã từng trong thời gian giáo hóa của Thế Tôn, kể cả thời Mạt pháp, cũng có nghĩa là trong pháp vận mười hai ngàn năm của đức Phật Thích Ca, những người đã được nghe danh hiệu Phật, nhìn thấy tượng Phật, lúc Phật còn tại thế đã thấy Phật, lúc Phật chẳng còn tại thế đã nhìn qua hình tượng của Phật, hoặc là tượng điêu khắc, hoặc là tranh vẽ. Hoặc nghe đến danh hiệu của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhìn qua hình tượng của Tam Bảo, bất luận Tam Bảo này là thiệt hay giả, có tu hoặc chẳng có tu, đều không quan trọng vì chỉ cần họ có dịp tiếp xúc thì đều được trồng thiện căn. Tuy đã trồng thiện căn nhưng ác nghiệp tập khí của họ quá nặng. Có thiện căn dầy thì sanh một chút cung kính, không chịu y giáo phụng hành; thiện căn mỏng thì không những chẳng sanh tâm cung kính, ngược lại còn hủy báng. Thế nên chư vị phải biết, lúc mới học Phật chúng ta bị một chút hủy báng chẳng đáng kể gì hết. Chư Phật Như Lai ứng hóa nơi thế gian này, bị hủy báng quá nhiều, quá nhiều rồi, Phật chẳng giữ trong tâm, đây là việc chúng ta nên học các ngài. Bị những sự sỉ nhục, hủy báng này, chúng ta nhìn chúng sanh tạo tội nghiệp phải nên khởi tâm thương xót, làm sao chúng ta có thể phiền họ được? Làm sao có thể trách họ được? Nếu còn sanh khởi tâm muốn trả đũa thì bạn hoàn toàn sai mất rồi. Bạn phải biết họ ngu si, họ chẳng có trí huệ, phiền não tập khí của họ quá nặng nên họ mới tạo tác ác nghiệp, thương xót họ còn không kịp thì có lý nào trách móc họ! Ðây
là chư Phật, Bồ Tát thị hiện cho chúng ta xem, dạy chúng ta làm sao học tập. Người tạo ác nghiệp thì nhất định phải đọa địa ngục, 'nếu đọa vào đường dữ và lúc chịu nhiều đau khổ', đây là đọa địa ngục, tạo tội nghiệp trong Phật pháp. Sau đó là lời Thế Tôn phó chúc, 'nhữ đương ức niệm', 'nhữ' là chỉ Ðịa Tạng Bồ Tát, lời này là nói với Ðịa Tạng Bồ Tát: Ông nên nghĩ đến. 'Ngô' là đức Phật Thích Ca tự xưng, Thế Tôn 'tại Ðao Lợi thiên cung', hôm nay 'ân cần phó chúc', nhờ ông làm việc này. 'Lịnh Sa Bà thế giới, chí Di Lặc xuất thế dĩ lai chúng sanh', đây chẳng phải là chúng sanh thông thường, đều đã gặp được Phật pháp, những chúng sanh tạo tội nghiệp nơi Tam Bảo, chúng ta phải hiểu rõ việc này. Cũng như phía trước có nói: 'một, hai trong mười người', số lượng trong đó rất nhiều. Mãi đến lúc Phật Di Lặc xuất thế, thời gian này dài năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm, là người xưa nói như vậy. 'Tất sử giải thoát, vĩnh ly chư khổ, ngộ Phật thọ ký', Ðịa Tạng Bồ Tát dùng pháp môn gì? Nói cho quý vị biết Ngài dùng pháp môn Niệm Phật. Nghiệp chướng, tập khí của chúng sanh đời Mạt pháp rất nặng, những pháp môn khác nhất định không thể thành tựu. Tuy nói pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp, nhưng căn tánh chúng sanh chẳng đồng, tập nhiễm chẳng đồng, tu học những pháp môn khác khó khăn, pháp môn niệm Phật dễ hơn. Phía trước chúng ta thấy cô Bà La Môn, sau đó là cô Quang Mục, cả hai đều dùng pháp môn Niệm Phật. Chỉ có pháp môn Niệm Phật, vãng sanh đến tây phương Cực Lạc thế giới mới được thật sự giải thoát, vĩnh viễn xa lìa các sự khổ, gặp Phật A Di Ðà được Ngài thọ ký, đây đều là sự thật.

Nhĩ thời chư thế giới, phân thân Ðịa Tạng Bồ Tát cộng phục nhất hình, thế lệ ai luyến.

Bấy giờ các phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát ở các thế giới hợp lại thành một hình, rơi lệ ai luyến.

Ðây là Ðịa Tạng Bồ Tát tiếp nhận lời phó thác của đức Phật Thích Ca, lúc đó ngài rất cảm động. Vô lượng phân thân có thể hợp thành một thân.

Bạch kỳ Phật ngôn, ngã tùng cửu viễn kiếp lai mông Phật tiếp dẫn, sử hoạch bất khả tư nghị thần lực, cụ đại trí huệ.

Bạch Phật rằng: 'Từ số kiếp lâu xa đến nay, con nhờ đức Phật tiếp độ dẫn dắt, khiến cho con có thần lực chẳng thể nghĩ bàn, đầy đủ trí huệ rộng lớn.

Ðây là những lời cảm ơn, chúng ta phải thể hội ý tứ này, 'tri ân báo ân'. Ðịa Tạng Bồ Tát có thành tựu như vậy, ngài nghĩ lúc ban đầu cũng là phàm phu tu học thành tựu. Ðược sự giúp đỡ của chư Phật, Bồ Tát nên ngài mới có thành tựu như vậy. Luôn luôn chẳng quên cội nguồn, đoạn kinh này dạy chúng ta phải tri ân. Thân chúng ta có được từ cha mẹ, cha mẹ sanh mình, nuôi mình. Khi mình khôn lớn thành người rồi, có bao nhiêu người có thể nghĩ đến ân đức của cha mẹ? Cầu học, học thành tài rồi, có được bằng cấp, có bao nhiêu người nghĩ đến ân đức của thầy giáo? Trong kinh Ðại Bát Nhã, Phật nói Nhị Ðịa Bồ Tát có tám môn cần phải học, một môn trong đó chính là 'Tri ân báo ân'. Chư vị phải biết, Nhị Ðịa Bồ Tát là tiêu biểu pháp, Nhị Ðịa tri ân báo ân, vậy thì Sơ Ðịa, Thập Hồi Hướng, Thập Hạnh, Thập Trụ, Thập Tín có cần tu không? Tất cả đều phải tu. Hoa Nghiêm nói lời chân thật cho chúng ta, một vị thứ tức là hết thảy vị, hết thảy vị tức là một vị. Thế nên chúng ta có thể học được 'đại pháp' từ trong kinh Hoa Nghiêm. Những gì mỗi vị Bồ Tát tiêu biểu, phía sau chúng ta sẽ thấy, ba mươi mấy loại Thần chúng này, họ đều là Bồ Tát. Lúc nãy có nói, nên dùng thân quỷ thần thì họ liền hiện thân quỷ thần, đồng nam, đồng nữ, một trăm bảy mươi mấy chúng đều là Phật, Bồ Tát hóa thân, đều triển hiện vạn đức vạn năng trong tự tánh của chúng ta. Phổ Hiền tiêu biểu cho Tổng Tướng (tướng Chung), những chúng này tiêu biểu cho Sai Biệt Tướng, trong tổng có biệt, trong biệt có tổng: Tổng là một, Biệt là nhiều, một là nhiều, nhiều là một, một và nhiều chẳng hai. Phía trước chúng ta thấy hai mươi vị Bồ Tát tiêu biểu pháp, mười vị Bồ Tát trước cùng tên, mười vị sau khác tên, dụng ý ở đâu? Là nói với chúng ta 'Ðồng' là 'Ðồng
trong những cái Dị', Dị là 'Dị trong những cái Ðồng', Ðồng và Dị chẳng hai. Hiển thị ra tâm tánh vạn đức vạn năng của chúng ta, chữ 'vạn' này chẳng phải là con số, trí huệ đức năng trong tâm tánh là vô lượng vô biên. Từ đó bạn mới biết toàn bộ Kinh Hoa Nghiêm nói về cái gì? Nói về Thể, Tướng, Tác Dụng của tự tánh mình, chẳng nói gì khác. Toàn bộ kinh Hoa Nghiêm vốn là nói về chính mình, ngàn kinh vạn luận ngoài kinh Hoa Nghiêm nói về sai biệt; tóm lại Hoa Nghiêm là Tổng, hết thảy kinh luận là Biệt, Biệt là Biệt của Tổng, Tổng là Tổng của Biệt, là một chẳng phải hai. Từ cơ sở này, bạn nghĩ đến tận hư không, trọn khắp pháp giới đều là tự mình, như vậy bạn mới có thể Giải được viên mãn. Giải viên mãn rồi thì bạn phải Tu viên mãn, phải Chứng viên mãn, đây là mục tiêu chung cực của Phật giáo. Phương Ðông Mỹ tiên sinh nói về: 'sự hưởng thọ tối cao của con người', một tí gì cũng chẳng giả. Tôi có được một chút thọ dụng, nên tôi luôn luôn nhớ đến ân đức của thầy. Phật pháp thù thắng vô cùng, vi diệu hạng nhất trong thế gian và xuất thế gian, nếu chẳng có cao nhân chỉ điểm, bạn làm sao nhận biết được?
Cả đời tôi học Phật chẳng có ý mong cầu, cảm ứng này là cảm ứng tiềm tàng. Tôi chẳng có tâm mong cầu, chắc là thiện căn quá khứ chín muồi nên tôi gặp được những vị thầy này, chư Phật, Bồ Tát hóa hiện. Phương pháp họ dạy cho tôi khác với phương pháp dạy người khác. Tôi theo Phương tiên sinh học Triết Học, ông giới thiệu Phật pháp cho tôi, dạy cho tôi biết Triết học trong kinh Phật là đỉnh cao nhất trong Triết học thế giới, ngài dùng phương pháp này giới thiệu cho tôi. Ông dạy học trong trường, chẳng dạy việc này cho những học sinh khác. Sau khi tiếp xúc đến Phật pháp, tôi có duyên gặp Chương Gia đại sư, căn cơ của tôi là nhờ Chương Gia đại sư xây dựng. Ðại sư viên tịch cũng là vì tôi, tôi biết rất rõ; vì nếu Ngài không viên tịch thì tâm học Phật
của tôi sẽ chẳng khẩn thiết như vậy; khi Ngài ra đi rồi, tôi mất chỗ nương dựa. Tôi cùng Cam Châu Hoạt Phật dựng lều nơi lò thiêu của ngài, tôi ở đó ba ngày ba đêm, hết sức thành thật và suy tư trong ba năm tôi theo Ngài học, Ngài đã dạy tôi những gì. Moi móc trí nhớ, sắp xếp lại những lời dạy trong ba năm nay, tôi rất cảm kích Ngài, gốc đã được Ngài chôn sâu, rễ được vun bồi vững vàng. Sau đó theo học thầy Lý mười năm mới có được một ít thành tựu. Người theo học thầy Lý rất nhiều, quá nhiều, tại sao không thể thành tựu? Vì chẳng có gốc rễ. Trong ba năm ấy gốc rễ của tôi đã được vun bồi. Tôi học Phật, học Phật pháp theo hai vị thầy, học Thế pháp theo một vị thầy, rất đơn thuần. Tôi có thái độ của một người học trò, y giáo phụng hành, chẳng trái nghịch lời dạy của thầy giáo, tuân thủ lời dạy của thầy, trong Phật pháp gọi là 'sư tư đạo hiệp'. Chúng ta giảng kinh dạy học, nhất định phải cúng dường thầy giáo ở một bên, hiện trường này của chúng ta có thầy giáo hiện diện. Thầy giáo dạy chúng ta, nếu chẳng có hộ pháp đắc lực thì cũng chẳng thể thành tựu. Hàn quán trưởng hộ trì ba mươi năm, chúng ta treo ảnh của bà ở đối diện, mỗi lớp bà đều có tham dự và nhìn thấy, tinh thần của bà đích thật tồn tại trong đạo tràng này, trong lớp học chúng ta, chư Phật, Bồ Tát đều hiện diện. Chúng ta dùng tâm niệm gì để học tập? Cảm ân đội đức. Chúng ta biết đời này nhất định thành tựu, chư Phật hộ niệm, long thiên ủng hộ, đâu có lý nào không thành tựu được? Hàn Quán Trưởng có huệ nhãn, chẳng phải là người thường, lần trước pháp sư Hàn Quốc đến đây, nhìn thấy tấm ảnh này, [bảo Hàn Quán Trưởng là] Quán Âm Bồ Tát tái lai. Bà giao phó công tác hộ pháp cho cư sĩ Lý Mộc Nguyên, ông Lý chẳng phụ lời ủy thác này. Lần đầu tiên Lý cư sĩ đến thư viện ở Ðài Bắc, Hàn Quán Trưởng tặng cho ông một bộ Tây Phương Tam Thánh, giao Phật Bảo cho ông. Ðến lần thứ hai tặng ông một bộ 'Ðại Tạng Kinh', giao Pháp Bảo cho ông. Sau khi vãng sanh, chúng ta đều đến đây, cũng giao Tăng Bảo cho ông rồi. Ông phải phụ trách hộ pháp nên mới có nhân duyên thù thắng này. Chúng ta trong thời đại ngày nay có nhiều tai nhiều nạn, có thể ở đây giảng kinh Hoa Nghiêm chẳng dễ, bạn phải biết khai giảng kinh này, người ở địa phương này có phước báo bao lớn, thiện căn bao lớn. Nếu thiện căn, phước đức, nhân duyên chẳng đầy đủ thì pháp hội này nhất định sẽ chẳng mở nổi. Pháp hội này có thể xây dựng ở đây, là do hết thảy chư Phật Như Lai hộ niệm, long thiên thiện thần thủ hộ, trong tâm chúng ta biết rất rõ, rất minh bạch. Ân cha mẹ, ân sư trưởng không thể quên, Phật dạy chúng ta 'Trên đền bốn ân nặng'. Bốn ân này là 'Ân cha mẹ', 'Ân sư trưởng'; Tam Bảo thuộc phạm vi của Sư Trưởng, Tam Bảo là thầy của chúng ta; 'Ân quốc gia', 'Ân chúng sanh'. Quốc gia bảo vệ chúng ta, làm cho chúng ta an cư lạc nghiệp; chúng sanh, chúng ta không thể xa lìa xã hội, tách rời đại chúng và sanh tồn riêng rẽ. Ẩm thực y phục của chúng ta đều phải nhờ rất nhiều người canh tác, trồng trọt tạo thành, phải thường thường suy nghĩ. Làm sao báo ân? Phải hết lòng học tập, thật sự đoạn phiền não, khai trí huệ, làm Phật, làm Bồ Tát, giống Ðịa Tạng Bồ Tát vậy, được vậy thì mới là 'Trên đền bốn ân nặng, Dưới độ ba đường khổ'. Ðịa Tạng Bồ Tát làm gương tốt nhất cho chúng ta, chúng ta phải học tập. Ðịa Tạng học theo Phật, học rất giống, bạn coi phía dưới Ngài nói:

Ngã sở phân thân, biến mãn bá thiên vạn ức Hằng hà sa thế giới, mỗi nhất thế giới hóa bá thiên vạn ức thân, mỗi nhất thân độ bá thiên vạn ức nhân, lịnh quy kính Tam Bảo, vĩnh ly sanh tử, chí Niết Bàn lạc.

Các phân thân của con thị hiện ở khắp trăm ngàn vạn ức Hằng hà sa thế giới, trong mỗi thế giới hóa hiện trăm ngàn vạn ức thân, mỗi thân độ trăm ngàn vạn ức người, khiến họ quy kính Tam Bảo, vĩnh viễn xa lìa sanh tử, đến được Niết Bàn an lạc.

Phật độ hóa chúng sanh cũng phân thân như vậy, độ thoát như vậy, Ðịa Tạng Bồ Tát biểu diễn rất hoàn hảo, chân chánh là học trò giỏi của Phật. Ngài cũng giống như Phật, phân thân đến thế giới nhiều như số cát sông Hằng, chẳng nề cực nhọc, độ thoát vô lượng vô biên chúng sanh. Ba câu cuối này nói về thành tích độ thoát chúng sanh của Ngài. Thứ nhất là nhất định phải giúp chúng sanh quy y Tam Bảo, kính ngưỡng Tam Bảo, giai đoạn thứ nhất này tiếp dẫn quảng đại chúng sanh. Quy y Tam Bảo chưa hẳn có thể liễu thoát sanh tử, thoát ly tam giới, sự thật này mọi người đều rất rõ ràng. Có bao nhiêu người quy y nhưng chẳng sửa đổi tập khí, tật xấu, chẳng chịu hết lòng tu học. Giai đoạn thứ nhất, đó là nghiệp chướng nặng nề, họ còn chưa nghĩ đến liễu sanh tử, còn cho rằng sáu nẻo luân hồi cũng khá tốt, chẳng chịu xa lìa sáu nẻo luân hồi, ngu ám. Những người lợi căn đều biết rõ sáu nẻo là khổ, tam giới đều là khổ; 'Khổ Khổ, Hoại Khổ, Hành Khổ', họ biết tam giới đều khổ, hạ quyết tâm phải thoát ly biển khổ, như vậy gọi là xuất tam giới, vĩnh viễn thoát ly sanh tử. Trong sanh tử có hai loại, người biết được cũng chẳng nhiều: một là Phần Ðoạn Sanh Tử, thân này của chúng ta, còn một loại gọi là Biến Dịch Sanh Tử, rất ít người biết đến. Ðoạn dứt sanh tử của thân chúng ta, thì siêu việt sáu nẻo luân hồi được, A La Hán và Bích Chi Phật đều làm được. Biến Dịch Sanh Tử thì hơi phiền phức, mãi cho đến Viên Giáo Ðẳng Giác Bồ Tát vẫn chưa đoạn nổi Biến Dịch Sanh Tử, khi đoạn tận rồi thì mới chứng được Phật quả Viên Giáo. Ðịa Tạng Bồ Tát giúp đến cùng, chẳng phải chỉ giúp bạn một giai đoạn, chẳng thoái tâm giữa đường, một mạch giúp đến cùng. Ngày nay chúng ta đọc kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện nơi đây, có duyên với Ðịa Tạng Bồ Tát, ở đây có một mật nghĩa. Mật nghĩa là gì? Dạy chúng ta phải phát tâm học theo Ðịa Tạng Bồ Tát, phải phát tâm làm Ðịa Tạng Bồ Tát, cô Bà La Môn, cô Quang Mục đều là gương tốt của chúng ta. Nếu chúng ta đọc kinh này xong, rất cảm động, thực sự cũng phát nguyện này: chúng ta đến tận cùng kiếp vị lai, độ thoát hết thảy chúng sanh khổ nạn, chúng sanh chưa thành Phật, chúng ta sẽ không thành Phật, như vậy thì hiện tại bạn là Ðịa Tạng Bồ Tát. Ðịa Tạng Bồ Tát được gọi là đại nguyện, bạn phát đại nguyện này thì bạn sẽ được chư Phật hộ niệm, hết thảy Bồ Tát cung kính vây quanh, chúng ta phải học tập ở chỗ này. 'Chí Niết Bàn lạc', lìa khổ được vui. 'Vĩnh ly sanh tử' là giúp đỡ chúng sanh 'lìa khổ', sau đó 'được vui'. Niết Bàn là niềm vui cứu cánh viên mãn thanh tịnh. Xin xem đoạn kế:

Ðản ư Phật pháp trung, sở vi thiện sự, nhất mao nhất đế 7[7], nhất sa nhất trần, hoặc hào phát hứa, ngã tiệm độ thoát, sử hoạch đại lợi.

Những chúng sanh nào ở trong Phật pháp dù làm việc thiện chỉ bằng một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một hạt bụi, hoặc một mảy lông tóc, con đều độ thoát dần, làm cho họ được lợi ích lớn.

Người xưa thường khuyên chúng ta: 'Ðừng chê việc thiện nhỏ rồi chẳng làm'. Việc này là việc thiện nhỏ nhoi, tôi làm để làm gì? Ðây là quan niệm sai lầm của chúng ta. 'Ðừng nói việc ác nhỏ rồi cứ làm', đây là việc ác nhỏ, chẳng sao cả, có hại gì đâu, có thể làm, [nghĩ vậy thì] sai rồi. Chư vị nên biết việc thiện nhỏ bằng mảy tơ cũng trọn khắp hư không pháp giới, ngược lại việc ác bằng mảy tơ cũng trọn khắp hư không pháp giới. Ðừng nói những báo ứng khác, [việc ác này] nhất định sẽ chướng ngại tánh đức của bạn, đó là phiền phức, bạn sẽ chẳng thể minh tâm kiến tánh. Bạn xem Phật, Bồ Tát có từ bi không, bạn chỉ có một chút thiện liền có thể cảm động các ngài đến bảo hựu cho bạn, giúp đỡ bạn. Do đó có thể biết thiện không thể không tu, ác chẳng thể chẳng đoạn.
Hội này của chúng ta là giảng cho Cửu Hoa Sơn, đạo tràng của Ðịa Tạng Bồ Tát. Nhưng băng thâu hình của chúng ta được lưu thông toàn thế giới, số người tham dự hội giảng kinh này của chúng ta chẳng thể nghĩ bàn. Những người mắt thịt chúng ta nhìn thấy, còn chúng Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, và quỷ thần trong sáu nẻo thì mắt thịt nhìn không thấy. Trong kinh này chúng ta thấy việc còn thù thắng hơn nữa, đó là mười phương hết thảy chư Phật Như Lai đều tham gia. Hội giảng kinh này của chúng ta có thù thắng bằng hội ở cung trời Ðao Lợi không? Nói cho chư vị biết tuyệt đối chẳng khác. Chúng ta không có phước báo, người thường nhìn thấy giảng đường này quá nhỏ, quá xấu tệ, người cõi trời nhìn thấy đạo tràng này xây bằng bảy báu, đây là ghế Sư Tử  vô cùng trang nghiêm, tướng tùy tâm chuyển, một tí gì cũng chẳng giả. Thế nên chỉ cần hiểu rõ những đạo lý, chân tướng sự thật này xong, giống như đã nói trong buổi giảng kinh Hoa Nghiêm ngày hôm qua, chúng ta mới biết tự ái, tự trọng thật sự. Chỉ có người mê mất tự tánh mới chẳng tự ái, chẳng tự trọng, chà đạp chính mình. Từ chỗ này chúng ta cũng hiểu được 'Giải' vô cùng quan trọng, 'Giải' giúp cho bạn phá mê khai ngộ, ngộ xong mới khởi tu, công phu tu hành sẽ đắc lực, thọ dụng sẽ rất rõ ràng. Phải ghi nhớ câu kinh văn này.

----------------------------

7[7] trong những bản kinh Địa Tạng được lưu hành, chữ này thường được sửa thành chữ Trích 滴
(cùng một nghĩa).

----------------------------

Duy nguyện Thế Tôn bất dĩ hậu thế ác nghiệp chúng sanh vi lự, như thị tam bạch Phật ngôn. Duy nguyện Thế Tôn, bất dĩ hậu thế ác nghiệp chúng sanh vi lự.

Cúi mong Thế Tôn đừng vì chúng sanh đời sau tạo ác nghiệp mà lo lắng.

[Ngài] bạch đức Phật ba lần, nguyện đức Thế Tôn đừng vì ác nghiệp chúng sanh đời
sau mà lo lắng.

Thế Tôn xoa đảnh Ðịa Tạng Bồ Tát, xoa đảnh an ủi Ngài, giao sứ mạng độ hóa chúng sanh cho Ngài. Ðịa Tạng Bồ Tát chẳng phụ sự ủy thác của Thế Tôn, ở chỗ này chúng ta thấy Ngài cũng an ủi Thế Tôn, xin Thế Tôn đừng lo âu, đừng vướng bận, việc Thế Tôn giao cho Ngài, Ngài nhất định sẽ làm. Chữ 'tam bạch' nghĩa là nói ba lần, cẩn trọng, chân thành nhất định sẽ y giáo phụng hành. 

Nhĩ thời Phật tán Ðịa Tạng Bồ Tát ngôn, thiện tai thiện tai, ngô trợ nhữ hỷ, nhữ năng thành tựu cửu viễn kiếp lai phát hoằng thệ nguyện, quảng độ tương tất tức chứng Bồ Ðề. 

Lúc ấy đức Phật khen ngợi Bồ Tát Ðịa Tạng: 'Lành thay, lành thay, Ta hộ trợ cho điều ông muốn, để ông thành tựu các hoằng thệ đã lập từ những kiếp lâu xa đến nay. Khi quảng độ xong ông liền chứng Bồ Ðề.

Bồ Tát an ủi Thế Tôn, Thế Tôn cũng tán thán Bồ Tát. 'Thiện tai, thiện tai' hai lần, dùng cách nói hiện nay của chúng ta thì là 'Tốt quá, tốt quá'! Ý nghĩa trong đó là Ngài hiểu được tâm ý của Phật, y giáo phụng hành, ghi nhớ và tuân thủ lời dạy của Phật, đây là thiện tai, thiện tai. Còn có thể phân vô lượng thân, giáo hóa hết thảy chúng sanh ương ngạnh, khó giáo hóa. Chúng sanh tuy chỉ tu việc thiện nhỏ như sợi tóc, phước nhỏ như cọng lông, Bồ Tát nhìn thấy đều sanh tâm hoan hỷ, việc thiện nhỏ xíu cũng có thể cảm động đến chư Phật, Bồ Tát. Việc thiện nhỏ còn không xả bỏ, huống chi là việc thiện lớn. Chư vị nên biết tự bạn tu thiện, trong Phật pháp có câu nói: 'Một người con thành Phật, chín họ sanh lên trời', lời này là thật, chẳng giả. Tổ tiên của bạn tuy đã qua đời, đọa trong ác đạo cũng sẽ được siêu thoát, không khác gì việc nói trong kinh Ðịa Tạng.
Hôm trước cư sĩ Hồ gọi điện thoại nói với tôi, bà ở Ðài Trung gặp một người có khả năng siêu thường (đặc dị công năng), người này vừa gặp bà liền nói: 'Nhờ phước bà đã tu bố thí, cha bà đã được sanh lên trời Ðao Lợi rồi'. Bà gọi điện thoại hỏi tôi có thể nào được vậy không? Tôi nói: có thể. Nhất định là việc thật, chẳng phải giả. Người con thành tâm, thành ý tu phước, những gia quyến đã qua đời đều được lợi ích. Chúng ta muốn độ oan gia chủ nợ, nhất định phải hết lòng nỗ lực tu học, chỉ khi tự mình có thành tựu chân chánh thì mới có thể độ nổi những oan gia chủ nợ nhiều đời; nếu bạn chẳng tu trì chân chánh thì không được. Ðó là giả, chẳng thật. Bố thí, bố thí một cách thanh tịnh thì phước báo lớn nhất. Bố thí còn muốn danh văn lợi dưỡng, phước báo đó rất nhỏ. Tuy nhỏ nhưng Bồ Tát cũng hoan hỷ, việc thiện tí xíu Ngài cũng chẳng bỏ, chúng ta thấy được việc này trong kinh. Việc thiện nhỏ còn không xả huống hồ là việc thiện to lớn khi bố thí thanh tịnh. Những chuyện này, nhân duyên quả báo, chỉ cần chúng ta lắng lòng quan sát cặn kẽ trong xã hội này rất nhiều, nơi nào cũng có, nhưng vì chúng ta quá sơ ý nên không thấy đó thôi. Ðặc biệt là thời đại hiện nay, thiện nhân thiện quả, ác nhân ác báo vô cùng rõ ràng, hoàn toàn phù hợp với lời dạy trong kinh Ðịa Tạng, tơ hào chẳng sai. Chúng ta nên đọc thuộc kinh này, suy nghĩ cặn kẽ, y giáo phụng hành thì mới có thể đạt được lợi ích chân thật. Xin xem đoạn kinh kế tiếp:

PHẨM THỨ 3: QUÁN NGHIỆP DUYÊN CHÚNG SANH

Ðây là đoạn lớn thứ hai trong kinh này. Ðoạn lớn thứ nhất là hai phẩm trước, Thế Tôn giới thiệu Ðịa Tạng Bồ Tát cho chúng ta nhận biết vị thiện tri thức, vị thầy này. Ba phẩm sau này thuyết minh những chúng sanh được Ðịa Tạng Bồ Tát độ, cũng chính là những chúng sanh được ngài giáo hóa, ở đây đức Phật nói rất rõ với chúng ta.
Xin xem kinh văn:

Nhĩ thời Phật mẫu Ma Gia phu nhân cung kính hiệp chưởng vấn Ðịa Tạng Bồ Tát ngôn: 'Thánh giả, Diêm Phù chúng sanh tạo nghiệp sai biệt, sở thọ báo ứng kỳ sự vân hà'.

Lúc đó Phật Mẫu Ma Gia phu nhân cung kính chắp tay hỏi Ðịa Tạng Bồ Tát rằng: 'Thánh giả, chúng sanh trong cõi Diêm Phù tạo nghiệp sai khác, cảm thọ báo ứng như thế nào?

Ðây là mẫu thân của đức Phật Thích Ca, Ma Gia phu nhân. Ma Gia phu nhân sanh đức Phật xong, phước báo này quá lớn nên vãng sanh đến trời Ðao Lợi, hưởng phước trời. Còn ở nhân gian chúng ta thì chuyện này không phải là một chuyện tốt, tại sao sanh Phật xong qua mấy ngày sau thì mẹ qua đời. [Lúc nhỏ] Ðức Phật được Di Mẫu (dì) nuôi dưỡng đến lớn, mẫu thân sanh Ngài đã lên trời Ðao Lợi hưởng phước trời. Hiểu được chân tướng sự thật mới biết phước báo của mẹ Ngài lớn. Mắt thịt phàm phu chúng ta nhìn thấy đều nghĩ rằng đây là việc xui xẻo, cách suy nghĩ hoàn toàn khác biệt. Một đời giáo hóa của đức Thế Tôn đến lúc phải tạm ngưng, những người có thể tiếp nhận sự giáo hóa của Ngài, phía trước nói có bảy tám phần đều đã được độ, một hai phần còn lại nghiệp chướng, tập khí quá nặng, khi Phật còn tại thế không được độ. Sau khi Phật diệt độ làm cho những người này nâng cao cảnh giác, sau đó những người này được đệ tử của Phật độ hóa, nhân duyên được độ của mỗi người chẳng giống nhau. Sau khi Phật giáo hóa chúng sanh đến lúc tạm ngưng, tiếp nhận lời mời của Ðao Lợi thiên chủ, mời Ngài đến cung trời Ðao Lợi thuyết pháp cho mẫu thân. Chuyện này đức Phật Thích Ca không thể từ chối, tại sao? Hết thảy chư Phật giáo hóa chúng sanh đến cuối cùng nhất định phải báo đáp ân đức của mẫu thân, đến cung trời Ðao Lợi giảng kinh Ðịa Tạng Bổn Nguyện, có lẽ đây là một quy củ nên Phật lên cung trời Ðao Lợi thuyết pháp cho mẫu thân.
Ma Gia phu nhân cũng trong hội này gặp Ðịa Tạng Bồ Tát, do bà khải thỉnh. Nói thật ra, Ma Gia phu nhân cũng là Phật, Bồ Tát hóa thân, chẳng phải là người thường. 'Vấn Ðịa Tạng Bồ Tát ngôn, Thánh giả', Ðịa Tạng Bồ Tát là đại thánh, Ðẳng Giác Bồ Tát. 'Diêm Phù chúng sanh', Ma Gia phu nhân là người ở cõi Diêm Phù Ðề, tức là thế giới chúng ta, từ thế giới chúng ta sanh lên cung trời Ðao Lợi. Ở trời Ðao Lợi chẳng quên quê cũ, ân tình này rất nặng, rất sâu, đặc biệt quan tâm đến những chúng sanh tạo tội nghiệp ở quê cũ. 'Tạo nghiệp sai biệt, sở thọ báo ứng' những việc này ra sao? Xin Ðịa Tạng Bồ Tát khai thị.

Ðịa Tạng Bồ Tát ngôn, thiên vạn thế giới nãi chí quốc độ, hoặc hữu địa ngục, hoặc vô địa ngục, hoặc hữu nữ nhân, hoặc vô nữ nhân, hoặc hữu Phật pháp, hoặc vô Phật pháp, nãi chí Thanh Văn, Bích Chi Phật diệc phục như thị, phi đản địa ngục tội báo nhất đẳng.

Ðịa Tạng Bồ Tát trả lời: 'Trong ngàn vạn thế giới cho đến các quốc độ, nơi có địa ngục hoặc không có địa ngục, nơi có người nữ hoặc không có người nữ, nơi có Phật pháp hoặc không có Phật pháp, cho đến Thanh Văn và Bích Chi Phật đều như vậy, chứ chẳng riêng gì tội báo nơi địa ngục thôi đâu.

Ðịa Tạng Bồ Tát trả lời, hình như câu trả lời chẳng đáp đúng câu hỏi, tại sao? Ma Gia phu nhân hỏi phạm vi quá nhỏ, chỉ hỏi Diêm Phù Ðề, chúng sanh ở ngoài cõi Diêm Phù Ðề rất nhiều, thế giới vô biên. Ở đây có một ý ngầm, ngầm chỉ tâm lượng chúng ta phải lớn, phải bằng hư không pháp giới, mới có thể dứt trừ hết thảy chướng nạn, tâm lượng nhỏ nhất định tạo nên chướng ngại. Người thế gian tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, bạn nghĩ xem là vì nguyên nhân gì? Ðều vì chính mình, vì cá nhân, vì gia đình, vì đoàn thể nhỏ của mình mà tạo tội nghiệp; vì một quốc gia, quốc gia này xung đột với quốc gia kia, phải đánh nhau, nếu tâm lượng chúng ta mở rộng một chút, vì toàn thế giới, thì sự tranh chấp giữa các quốc gia sẽ bị tiêu trừ, liền được hóa giải. Nhưng chúng ta vì toàn thế giới, sau này tinh cầu của chúng ta cùng tinh cầu khác có chiến tranh, cũng sẽ phiền phức nữa, lại chẳng an toàn. Tâm lượng được mở rộng, chúng ta bao gồm những hành tinh khác, vậy thì chiến tranh giữa các tinh cầu sẽ được tiêu trừ. Hàm ý của kinh văn, nếu có thể làm đến tâm bao trùm hư không, lượng gồm khắp các cõi nhiều như cát giống tâm chư Phật, Bồ Tát, thì hết thảy hiểu lầm, ngăn cách đều bị tiêu trừ, hết thảy chúng sanh mới có thể hưởng được hòa bình vĩnh viễn. Nếu hết thảy chúng sanh, chúng sanh trong mười pháp giới đều có thể hỗ trợ hợp tác, sống chung hòa mục, đây mới là biện pháp căn bản để giải quyết vấn đề. Do đó mới biết tâm lượng nhỏ bé là căn nguyên của hết thảy họa hại, nhất định phải mở rộng tâm lượng. Bao trùm thái không, gồm thâu các cõi là tâm lượng vốn sẵn có, vốn đã vậy. Tâm lượng biến thành nhỏ nhoi là vì mê hoặc, vô tri, chẳng hiểu rõ chân tướng sự thật tạo nên. Tâm lượng nhỏ vốn chẳng có, tâm lượng lớn vốn sẵn có, đạo lý là ở chỗ này. Một người hỏi, một người đáp hiển thị lên ý nghĩa này, Ðịa Tạng Bồ Tát ám chỉ Ma Gia phu nhân tâm lượng phải mở rộng, đừng chỉ quan tâm đến Diêm Phù Ðề thôi, nên quan tâm đến hết thảy chúng sanh khổ nạn ở tận hư không, trọn pháp giới. Chuyện này chẳng phải Ma Gia phu nhân không biết, chỉ giả bộ thôi. Nói chung cảm tình người thế gian rất nặng, rất sâu, rất khó buông xuống.

Ma Gia phu nhân trùng bạch Bồ Tát, thả nguyện văn ư Diêm Phù tội báo sở cảm ác thú.

 Ma Gia phu nhân bạch lại với Bồ Tát: 'Tôi muốn nghe về tội báo trong cõi Diêm Phù chiêu cảm ác đạo.'

Bà vẫn muốn hỏi về chuyện ở quê hương. Hiển thị cái gì? Hiển thị cảm tình sâu nặng đối với nơi mình ở, đặc biệt từ bi. Ma Gia phu nhân và Ðịa Tạng mỗi người hiển thị một bên đều tốt, đều rất sôi nổi, đặc biệt thương xót chúng ta, những chúng sanh tạo tội hiện nay.

Ðịa Tạng đáp ngôn, Thánh Mẫu, duy nguyện thính thọ, ngã thô thuyết chi.

  Ðịa Tạng trả lời: 'Thánh Mẫu, xin Ngài lắng nghe nhận lấy, tôi sẽ lược nói việc đó'.

Nếu Ma Gia phu nhân hỏi thêm lần nữa, Ðịa Tạng Bồ Tát chỉ nói tổng quát, không nói chi tiết. Cứ hỏi mấy lần nên Ðịa Tạng Bồ Tát đương nhiên phải mãn nguyện Ma Gia phu nhân. Nói thật ra là mãn nguyện cho chúng ta, những chúng sanh hiện nay, Ma Gia phu nhân thay mặt chúng ta thỉnh pháp. Ðịa Tạng nói: 'Ngã thô thuyết chi', 'thô thuyết' là lời nói chẳng dễ nghe. Lời nghe hay gọi là 'tế ngữ', lời nói ngon ngọt. Thô ngôn tức là lời chẳng dễ nghe, tại sao? Ðều nói về tội lỗi, về tội báo, những lời này gọi là 'thô ngữ'. Ý nghĩa của Thô và Tế là như vậy.

Phật mẫu bạch ngôn, nguyện Thánh giả thuyết.

Phật mẫu bạch rằng: 'Xin Thánh giả nói cho'.

Đây lời thỉnh cầu chánh thức. Tôi muốn nghe lời nói 'thô ngữ' của ông, muốn ghe chuyện này.

Nhĩ thời Ðịa Tạng Bồ Tát, bạch Thánh Mẫu ngôn, Nam Diêm Phù Ðề tội báo, danh hiệu như thị.

Lúc ấy Ðịa Tạng Bồ Tát nói với Thánh Mẫu rằng: 'Danh hiệu của những tội báo trong cõi Nam Diêm Phù Ðề là như vầy.'

Từ những danh hiệu này, chúng ta phải hiểu ý nghĩa của nó.

  Nhược hữu chúng sanh bất hiếu phụ mẫu, hoặc chí sát hại, đương đọa Vô Gián địa ngục, thiên vạn ức kiếp, cầu xuất vô kỳ.

  Nếu có chúng sanh chẳng hiếu thuận cha mẹ, thậm chí giết hại cha mẹ, thì phải đọa địa ngục Vô Gián trong ngàn vạn ức kiếp, không bao giờ mong ra khỏi được.

Ðịa Tạng Bồ Tát nói tội nặng hạng nhất chính là 'bất hiếu cha mẹ'. Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện kinh hiển thị cho chúng ta về hiếu đạo, Ðịa Tạng Bồ Tát đời đời kiếp kiếp thị hiện, phát thệnguyện sâu nặng đều vì muốn báo ân cha mẹ, đều vì làm trọn hiếu mới phát hoằng nguyện, thế nên bất hiếu là tội hạng nhất. Ý nghĩa của Hiếu vô cùng sâu. Thanh Liên pháp sư là người trước tác 'Ðịa Tạng Kinh Khoa Chú', ngài là người đời Thanh trước kia, triều vua Khang Hy. Ngài trích dẫn rất nhiều kinh luận để viết chú giải này, là một chú giải hay nhất cho kinh Ðịa Tạng. Chúng ta muốn báo ân
thì phải lưu thông chú giải này, tốt nhất là làm bản in mới cho chú giải này, vì bản cũ đãin nhiều lần, chữ đã bị mờ đi nhiều. Tuy tôi giảng Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh chẳng hoàn toàn y theo chú giải của Ngài, nhưng tôi đọc rất kỹ chú giải này, tôi đọc rất
hết lòng.
Ở chỗ này Ngài nêu ra trong phần 'Chánh pháp niệm kinh', Phật giảng bốn thứ ân, bốn ân khó báo. Ân thứ nhất là 'Ân mẹ', thứ nhì là 'Ân cha', thứ ba là 'Ân Như Lai', thứ tư là 'Ân thuyết pháp sư', pháp sư giảng kinh thuyết pháp, bốn ân này khó báo. Bốn ân này đều rất lớn, cha mẹ, nhục thân chúng ta có được từ cha mẹ, Pháp thân huệ mạng của chúng ta có từ Như Lai. Như Lai chẳng còn tại thế, chúng ta làm sao có được? Chúng ta có được từ pháp sư thuyết pháp, trưởng dưỡng pháp thân huệ mạng.
Trong kinh, Phật nói cúng dường bốn hạng người này được vô lượng phước, hiện tiền nhất định được người tán thán, tương lai có thể được Vô Thượng Bồ Ðề. Làm sao có thể quên ơn bội nghĩa được! Thế nên học Phật phải học từ đâu? Từ hiếu thuận cha mẹ,
tôn kính thầy giáo. Từ cơ sở Hiếu thân Tôn sư, mở rộng ra có thể hiếu thuận hết thảy chúng sanh, tôn kính xã hội đại chúng. Bạn có thể thương cha mẹ, thương sư trưởng, tự nhiên sẽ có thể thương quốc gia, thương chúng sanh, đây là đạo lý nhất định. Thế nên
'Bất hiếu cha mẹ' là tội nặng nhất trong những tội nghiệp, đương nhiên phải đọa 'Vô Gián địa ngục'. Phía sau sẽ giới thiệu về Vô Gián Ðịa ngục. Tội nặng thứ hai chính là Bất kính Tam Bảo. Ðiều đầu tiên là hiếu đạo, điều thứ hai là sư đạo.

Nhược hữu chúng sanh xuất Phật thân huyết, huỷ báng Tam Bảo, bất kính tôn kinh, diệc đương đọa ư Vô Gián địa ngục, thiên vạn ức kiếp, cầu xuất vô kỳ.

Nếu có chúng sanh làm thân Phật chảy máu, hủy báng Tam Bảo, chẳng kính tôn kinh, cũng sẽ phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn vạn ức kiếp, không bao giờ mong ra khỏi được.

Chư vị nên ghi nhớ thời gian ấy rất dài, 'thiên vạn ức kiếp'. Tạo tội nghiệp nói thật ra vô cùng dễ dàng, thời gian tạo tội nghiệp vô cùng ngắn ngủi, nhưng tương lai thọ khổ báo sẽ dễ sợ vô cùng. Ðịa Tạng Bồ Tát rát lòng mỏi miệng nói chân tướng sự thật ra cho chúng ta biết, mấy ai tin nổi? Một số người đọc kinh này cứ tưởng là gì? Tưởng đây là Phật giáo khuyên người hướng thiện, nói những lời này để dọa người, khuyên người đừng làm chuyện xấu, chẳng nghĩ có thật như vậy, chẳng cho rằng đây là chuyện
thật. Là như trong kinh này nói: 'chúng sanh ương ngạnh khó dạy', cứ cho là mình đúng, đâu biết rằng đây là chân tướng sự thật! 'Xuất Phật thân huyết', công án này từ Ðề Bà Ðạt Ða mà ra, lúc Phật còn tại thế. Phật đã nêu nhiều gương tốt cho chúng ta,
người học Phật đời sau noi theo, chúng ta phải ghi nhớ, phải học tập. Ðề Bà Ðạt Ða là học trò của Phật, phản bội sư đạo; tương lai chư vị tự mình làm pháp sư, cũng sẽ có học trò, khi học trò phản bội chư vị, có gì là tài giỏi đâu? Học trò của đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đã phản bội Ngài rồi mà? Ðây là thị hiện cho chúng ta xem. Trong sốbhọc sinh có học sinh ngoan, nghe lời, có học sinh chẳng ngoan, phản bội thầy giáo, Phật cũng làm ra gương tốt cho chúng ta xem, chúng ta phải rõ ràng, phải minh bạch. Học
sinh tốt chúng ta phải lo lắng cho họ, học sinh phản nghịch tuyệt đối chẳng trách mắng họ, tuyệt đối chẳng thể có tơ hào oán hận trong tâm. Họ phản nghịch mình, hủy báng mình, thậm chí còn hãm hại mình, cũng đừng ghi nhớ trong lòng, coi như chẳng có
chuyện gì, ai cũng có nhân duyên riêng của người ấy, vĩnh viễn giữ gìn tâm địa thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, như vậy mới gọi là học Phật. Phật dùng tâm niệm, thái độ gì đối xử với Ðề Bà Ðạt Ða, chúng ta phải học theo. Nhất định không được oán hận trong
lòng, đó là sai lầm, vậy thì bạn là phàm phu, vậy thì bạn chẳng bình đẳng rồi, chẳng phải là Phật, Bồ Tát; Phật, Bồ Tát đối với hết thảy chúng sanh, oán hay thân gì cũng bình đẳng.
Ðề Bà Ðạt Ða muốn hại Phật, lúc đó dùng những phương pháp như sau. Biết đức Phật mỗi ngày vào thành Xá Vệ khất thực, trên đường phải đi qua một vách núi, Phật đi phía dưới chân núi. Ðề Bà Ðạt Ða liền ở phía trên vách núi chuẩn bị đá lớn, khi đức
Phật đi ngang, ông đẩy đá xuống để mưu hại Phật, khởi ác tâm này, làm chuyện này. Phước báo của Phật rất lớn, chẳng ai có thể hại nổi, Phật có thần Kim Cang hộ pháp. Khi đá bị đẩy xuống, thần Kim Cang lấy chùy Giáng Ma đánh tan hòn đá. Ðánh tan xong, mảnh nhỏ văng trúng chân Phật chảy máu, 'xuất Phật thân huyết', đây là cốt ý hại Phật. Ông ta xúi giục vương tử A Xà Thế, dùng cách nói hiện nay là khuyên vương tử soán ngôi, hại vua cha, để lên làm vua. Ðề Bà Ðạt Ða muốn hại chết đức Phật để ông ta
làm Phật. Họ thương lượng với nhau: ông thì làm vua mới, còn tôi thì làm Phật mới, chúng ta cùng nhau giáo hóa chúng sanh, thống lý đại chúng. Tạo tác tội nghiệp này, Ðề Bà Ðạt Ða nhiều đời phải đọa lạc vào địa ngục. Ðây chính là không kính Tam Bảo,
lấy thí dụ này để nói dụng ý rất sâu, dạy cho chúng ta đối với những người cốt ý hoặc vô ý hại mình đều phải học theo Phật, vẫn phải từ bi thương xót, chẳng có một chút oán hận gì, được vậy thì chúng ta mới đạt được sự thọ dụng chân thật của Phật pháp.
'Hủy báng Tam Bảo', Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng. Bịa chuyện, kiếm chuyện,
hủy báng. 'Chẳng kính tôn kinh', đây là kinh điển, đặc biệt nêu ra Pháp bảo này, chẳng tôn kính, chẳng coi trọng kinh điển. Tại sao hiện nay chúng ta in kinh phải in thật đẹp? Bất luận là trên sự ấn loát, giấy hay bao bìa đều vô cùng đẹp đẽ, đây là tôn kính Pháp
bảo, làm cho hết thảy chúng sanh nhìn thấy cuốn sách này bèn sanh tâm quý tiếc, chẳng đến nỗi làm hư, làm rách. Nếu rất bình thường, in rất xấu tệ, mọi người nhìn thấy chẳng sanh tâm tôn kính, thường tùy tiện bỏ bừa bãi, chà đạp kinh điển, đó không phải là chúng ta dạy cho mọi người tạo tác ác nghiệp hay sao, tạo ra cơ hội cho họ, đây là sai lầm. Thế nên phải in cho đẹp, hoàn mỹ, đừng để người ta có cơ hội tạo tội nghiệp, tâm
này chính là tâm từ bi. Ðây là nói về chẳng kính Tam Bảo, chẳng biết tôn sư trọng đạo, làm vậy phải đọa địa ngục.
Ðặc biệt là thời đại bây giờ, người biết báo ân đã quá ít rồi, chúng ta phải đề
xướng. Ðề xướng nhất định phải làm ra gương mẫu cho mọi người nhìn thấy, chỉ lấy miệng nói thì không được, chẳng có sức khuyến hóa. Tôi báo ân thầy giáo, tôi xây thư viện ở Ðại Lục, quê Phương Ðông Mỹ tiên sinh ở huyện Đồng Thành, tỉnh An Huy.
Tôi xây một 'Thư Viện Ðông Mỹ Tiên Sinh' ở Ðồng Thành để kỷ niệm thầy. Tôi đã thành lập một Thư Viện Hoa Tạng ở quê tôi để kỷ niệm Hàn Quán Trưởng. Tương lai nếu có cơ hội, tôi cũng sẽ xây một Thư Viện Hoa Tạng ở quê của Hàn Quán Trưởng. Tôi trú ở Thư Viện Từ Quang, do thầy Lý xây dựng, hết mười năm; hiện nay đang liênvlạc với người ở Tế Nam, Sơn Ðông để xây một Thư Viện Từ Quang. Phải làm thật sự, không làm không được. Có một vị đồng tu hỏi: 'Vậy Chương Gia đại sư thì sao?'.
Ðúng, mọi người đều nghĩ đến, tôi sẽ xây một 'Thư Viện Chương Gia đại sư'. Tôi nghĩ đến phải xây ở đâu? Ðại học Nội Mông Cổ, xây một 'Chương Gia đại sư Đồ Thư Quán' ở đại học Nội Mông Cổ. Tôi nhất định sẽ làm được, phải dùng hành động cụ thể để thức tỉnh mọi người, phải 'Tri ân báo ân'. Nếu mỗi người đều có tâm báo ân, xã hội của chúng ta sẽ tường hòa, có lợi ích rất lớn đối với xã hội quốc gia, công đức lợi ích chân chánh. Nếu không tri ân, vong ân phụ nghĩa, thì xã hội này sẽ thành ra như thế nào! Dễ sợ vô cùng. Nhất định phải làm từ chính bản thân mình, đây mới là hoằng pháp lợi sanh, như vậy mới gọi là chân chánh học Phật.

Hôm nay đã hết giờ, chúng ta giảng đến đây thôi.

Trong quá trình chuyển ngữ chắc không tránh khỏi thiếu sót, xin các bậc thức giả hoan hỷ phủ chính cho.
Xin thành thật cám ơn.
Một nhóm Diệu Âm cư sĩ, 4 tháng  9-2006

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top