Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

18

Tại Dân tựa lưng vào tường, dùng ngón cái và ngón trỏ hờ hững giữ mép điện thoại, mắt anh nheo lại khi anh cố gắng đọc dòng chữ viết bậy trên bức tường đối diện. Viền chữ mờ căm và nhòe đi như thư từ thấm đẫm nước mưa khiến anh nhận ra rằng thị giác của mình đã kém đi rất nhiều so với khoảng thời gian trước đây. Không phải vì anh đã đến tuổi tay run mắt mờ mà là vì tần suất làm việc ngày càng tăng, Tại Dân đêm đêm đều phải gồng mình xử lí các văn kiện đến quá nửa đêm, đôi mắt hoạt động không ngừng nghỉ suốt hàng giờ liền tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng. Tại Dân dùng mu bàn tay dụi hốc mắt, thở dài.

Phải đi cắt kính thôi.

Một chiếc xe hơi lăn bánh lại gần chỗ đứng của Tại Dân, giờ đây anh đã thôi nghĩ ngợi về chuyện sức khỏe. Cửa kính kéo xuống, nam nhân ngồi ở ghế lái rướn người sang phía anh, một bên tay gác lên lưng ghế bên cạnh, dây an toàn còn chưa tháo. Người nọ trưng ra một nụ cười ranh mãnh khiến Tại Dân giữa thời tiết ấm áp bỗng phải rùng mình. Anh chống hông, cúi người để hạ tầm mắt nhìn vào trong xe hơi, lông mày lập tức nhíu lại vì mùi rượu cồn lan tỏa, xộc thẳng ra bên ngoài. Tại Dân liếc mắt nhìn cà vạt của đối phương bị nới lỏng, quần áo xộc xệch, không hài lòng lắc đầu.

"Cậu tới trễ. Đã bảo bao lần rồi, đừng có tiệc tùng quá chén như vậy, say xỉn lại lỡ mồm thì tôi đi tong."

"Chậc, không cần phải lo lắng, tôi kín miệng lắm. Tới trễ là vì không rành đường thôi, cái hẻm này khó kiếm phết chứ đùa."

Người ngồi trong xe hơi trả lời trong khi chỉnh lại tóc mái xuề xòa trước trán, màu tóc đỏ rượu vang nổi bần bật trên nền da rám nắng khiến sức hút của người nọ tăng thêm mấy phần. Tại Dân định sẽ tiếp tục mang chuyện đối phương coi trọng vẻ bề ngoài hơn công việc ra trách móc, song anh chưa kịp mở lời thì người nọ đã tháo dây an toàn vứt sang một bên, đẩy cửa xe bước ra ngoài, vươn vai ngáp dài một hơi.

Lý Đông Hách nhìn lên bức tường chi chít những ngôn từ thô bỉ và những tờ quảng cáo rách bươm, khẽ lắc đầu. Lúc quay ra phía sau thì thấy Tại Dân đang cọc cằn nhìn mình, theo thói quen bật cười thành tiếng.

"La Tại Dân nổi tiếng ngọt ngào đâu rồi? Cứ gặp tôi là anh thành caramel cháy đen là thế nào?

Đông Hách lướt đôi bàn tay trên nắp ca-pô của chiếc xe hơi màu đen, từ từ rảo bước đến bên cạnh Tại Dân. Ánh mắt cậu lóe lên, Đông Hách thích thú bổ nhào đến Tại Dân trong khi đôi môi cậu chu ra, mong muốn được đáp một nụ hôn lên đôi má trống không của anh nhưng thật không may, Tại Dân đã quá quen thuộc với những trò tấn công bất ngờ này của cậu nên anh đã thành công cản lại nụ hôn ấy bằng lòng bàn tay đưa ra, đẩy đầu Đông Hách về hướng ngược lại.

Bị từ chối thẳng thừng, Đông Hách cười khẩy, hất tay của Tại Dân ra khỏi gương mặt mình.

"Chậc, đúng là loại người khô khan."

"Nói nhiều quá, đồ tôi đặt đâu rồi?"

Đông Hách biết Tại Dân đang không có hứng thú đùa giỡn với mình bèn không tốn sức trêu chọc đối phương nữa. Cậu đánh lên vai anh như một cách thể hiện sự thất vọng của mình, sau đó nhanh nhảu bước gần tới cốp xe, lôi từ bên trong ra rất nhiều những túi đồ in tên các nhãn hiệu có tiếng tăm nhất nhì trong ngành thời trang dạo gần đây. Tại Dân khoanh tay đứng bên cạnh, nheo mắt đếm đủ từng túi đồ, khi số túi dừng lại ở ba mươi thì anh mới dứt ánh nhìn, rời mắt khỏi cốp xe của Đông Hách.

"Thú vị thật, người mà chỉ biết đến công việc như cậu cũng có ngày nhờ tôi đi mua sắm hộ. Sao nào? Đã muốn thay đổi lối sống rồi phải không?"

Đông Hách bỡn cợt dùng cùi chỏ huých lên bắp tay Tại Dân, đỉnh đầu cậu ngay sau đó nhận một cú gõ cốc cốc từ anh.

"Không phải mua cho tôi."

Đông Hách dẩu môi, dùng tay đóng cốp xe lại kêu một tiếng cạch.

"Để tôi đoán, mua cho người tình bé nhỏ của Chí Thành."

Tại Dân vì câu nói này mà cong môi cười.

"Chí Thành mà nghe cậu nói như vậy thì lớn chuyện."

Đông Hách tựa lưng lên thân xe, rút ra từ túi áo một gói thuốc đã bị cậu hung hăng xé rách phần đầu. Cậu xốc hộp thuốc, đẩy một điếu lên trên rồi ngậm vào miệng, thành thạo đem đầu thuốc vùi vào ngọn lửa nhỏ bật lên từ hột quẹt, khi lửa rụt về thì một đốm đỏ đã hiện lên giữa không gian.

"Không phải tình nhân thì là gì? Sugar baby? Tiêu nhiều tiền thế này thì chắc cũng đúng nhỉ? Hôm nọ còn mua hẳn một căn ở ngoại ô trong khi trước đó nó bảo tôi rằng nó chẳng có hứng thú với cuộc sống êm đềm ngoài đó."

Tại Dân bật cười, né sang một bên để tránh luồng khói thuốc của Đông Hách phả ra. Cậu đưa một điếu cho anh, anh lắc đầu, bảo rằng dạo này đã hút quá nhiều, vì vậy mà gói thuốc lá đã bị Đông Hách cất ngược vào trong túi áo.

"Chắc là vì tình yêu, yêu vào thì một căn nhà hay mấy món quà cáp như này có là gì."

Đông Hách cười khẩy, đầu cậu ngoẹo sang một bên, trưng ra loại biểu cảm khinh khỉnh.

"Đừng có làm tôi cười, tình yêu không hề tồn tại ở trong thế giới của chúng ta đâu, Tại Dân à."

Anh nghiêng đầu nhìn Đông Hách, thoáng bất ngờ khi thấy sự tinh quái của đối phương giờ đây đã tan biến, nỗi u sầu quay trở về đã khiến cho cậu mất đi sự phóng lãng của mình, Tại Dân trong vô thức nhớ về quá khứ.

Đó là một buổi tối lạnh lẽo, không một nơi nào trong thành phố là vắng màu trắng tinh của những bông tuyết. Đối với những ai dành cả đời ở xứ nhiệt đới thì tuyết là một loại hiện tượng tự nhiên diệu kỳ, là một loại thời tiết mà họ ước ao được trải nghiệm bởi lẽ họ đã chán ngán cái nóng gay gắt từ lâu. Nhưng những ai đã sống, đã trầm mình trong cái lạnh buốt mỗi độ tuyết về mới thấu hiểu được nỗi khổ sở và chán chường khi phải đối phó với các ụ tuyết nặng trĩu chặn ở các lối đường.

Tại Dân kiểm tra đồng hồ, đã quá nửa đêm. Anh kéo khăn choàng cổ lên ngang mũi, thở ra một làn khói trắng như khói thuốc lá, đôi chân rảo bước trên con đường tối đèn, trong lòng bộn bề tâm tư. Chiếc điện thoại đặt trong túi quần trái vẫn còn nóng hổi, qua một lớp vải hấp nóng phần da ở mép đùi. Sức nóng ấy đã khiến cho hiện thực bao quanh anh trở nên nặng nề, tồn tại với dáng vẻ đậm màu như tạt sơn lên một bức tường trắng.

Tại Dân băng ngang qua một phòng khám tư còn sáng đèn, bước chân anh chậm lại. Anh hồi tưởng về khoảng thời gian lúc còn là sinh viên trường y, khóe môi bất giác cong lên. Tại Dân đã từng ngây ngô, sống hết mình với ước mơ được trở thành một vị bác sĩ đáng kính, nhưng rốt cuộc thì giấc mơ đó đã không thành hiện thực. Sự xuất hiện và lời đề nghị của nhà họ Phác đã làm đảo tung trật tự cuộc sống của Tại Dân, anh mãi mãi không thể quay trở về làm một thiếu niên trẻ bồng bột như khi trước.

Nhà Tại Dân thuộc tầng lớp trung lưu, là kiểu gia đình vừa đủ sống chứ không phải khá giả. Anh theo ngành y là vì muốn cứu người, khi chọn nguyện vọng thi lên đại học không một chút do dự, cha mẹ cũng không cấm cản, ngược lại còn hết lời ủng hộ. Tại Dân dốc sức ôn thi rồi cũng đậu vào một ngôi trường danh giá. Khác với những người trẻ vẫn còn đang lạc lối, anh có giấc mơ, hoài bão, anh có năng khiếu và sự đồng thuận của cha mẹ. Tại Dân ngỡ rằng cuộc đời mình cứ thế mà trôi, nhưng thật đáng tiếc, dự đoán của anh đã sai.

Khi chặng được học tập vơi đi một nửa thì có một vấn đề nảy sinh đã giữ bước chân anh sững lại. Gia đình anh làm ăn thua lỗ, cuộc sống bắt đầu rẽ sang một hướng mới, dần dần đi đến bước đường cùng. Việc chi trả học phí đúng hạn trở thành một thử thách, tiền sinh hoạt cũng bị cắt giảm. Cha mẹ anh đã tìm mọi cách để che giấu sự việc nhưng Tại Dân vẫn dễ dàng nhận ra điểm khác thường khi anh về thăm gia đình và nhận ra xe hơi đã bị bán đi. Dần dần, vì khó khăn kinh tế mà trong nhà nảy sinh nhiều mâu thuẫn, đời sống tinh thần nứt nẻ, Tại Dân vì thế mà không thể nhắm mắt làm ngơ. Sau một thời gian dài nghĩ ngợi, cuối cùng Tại Dân cũng quyết định bỏ học. Trước khi hoàn toàn dừng việc đến trường, nhà trường bỗng dưng liên lạc riêng với anh, bảo anh ngay lập tức phải lên văn phòng vì có người cần gặp.

Tại Dân đã vô cùng bối rối, trên đường đi đến văn phòng hiệu trưởng mang theo cảm giác nhộn nhạo buồn nôn. Người yêu cầu gặp anh là cha của Phác Chí Thành, theo như lời giới thiệu, là bạn học cũ của cha anh. Anh vô cùng bất ngờ trước mối quan hệ này, không nghĩ rằng một người như cha lại có quen biết với người đàn ông gia thế cao quý như vậy. Và rồi thì nhà họ Phác đưa ra một lời đề nghị kín đáo, yêu cầu anh làm việc cho họ và mọi học phí về sau sẽ do họ chi trả. Công việc đó chỉ đơn thuần là theo dõi các cô cậu ấm cũng đồng thời học cùng trường với anh lúc bấy giờ sau đó báo lại cho nhà họ Phác. Lúc đầu, Tại Dân nghe xong liền đồng ý, không một chút do dự. Anh tính tình cởi mở nên trong trường cũng có thể gọi là có tiếng tăm, kèm theo hoàn cảnh bế tắc hiện giờ thì Tại Dân không có lý do gì để từ chối.

Lời đề nghị béo bở đó vậy mà lại là một con dao hai lưỡi. Tính phức tạp của công việc tăng dần theo thời gian, từ những công việc thăm dò ngoài lề, anh bắt đầu bị ép phải can thiệp vào cuộc sống riêng tư của những người anh theo dõi, phải bày ra chiêu trò lừa gạt và tìm cách phá hoại công việc làm ăn của cha mẹ họ.

Ngay thời điểm hiện tại, nhiệm vụ của Tại Dân là liên lạc với một bên thứ ba để thuê người đóng giả làm côn đồ, đến phá một cửa tiệm bán hủ tiếu mì nhằm gây sức ép cho chủ tiệm trả lại mặt bằng. Thật ra, anh biết tỏng ý đồ của nhà họ Phác. Đó là một quán ăn xập xệ và vắng khách, sớm muộn gì cũng phải dời đi vì không thể cạnh tranh lại với những đối thủ trong vùng, anh vốn dĩ chẳng cần phải can thiệp. Nhưng Tại Dân biết cấp trên giao việc lần này cho anh là để thử lòng, họ muốn kiểm tra xem liệu anh có phải là người dễ bị cảm xúc chen vào công việc hay không.

Trước khi thực hiện cuộc gọi, Tại Dân đã tìm đến cửa tiệm hủ tiếu mì để xem xét tình hình, mong muốn có thể thuyết phục người chủ quán một lần cuối. Đó, vừa là một quyết định sai lầm, vừa là một quyết định đúng đắn.

Vào ngày trước khi mọi chuyện xảy ra, Tại Dân bước đến trước cửa tiệm, nhìn thấy một lão già đang khom người, lúi húi tìm cách chọc cây chổi vào góc nhà để quét bụi. Anh nhìn một lượt bốn bức tường, các tờ quảng cáo nay đã phai màu, chữ in đọc không ra nghĩa, quạt máy gắn tạm bợ không có cái nào là không kêu thành tiếng, không gian chật hẹp, u tối, nhưng nhìn chung vẫn là một quán ăn sạch sẽ.

Tại Dân trầm lặng nhìn lưng áo ông thấm ướt mồ hôi, đôi bàn tay anh nắm chặt lại ép ghì bên hông, một chút không nỡ dâng lên nhưng anh đã nhanh chóng đẩy nó lặn xuống sâu trong lòng.

Anh đến gần ông lão, chạm nhẹ lên vai ông.

"Để cháu quét hộ ông."

Tại Dân xoắn tay áo, một thân quét sạch bụi dưới nền nhà, còn lau một lượt tất cả mọi bàn ghế bày ra trong quán. Khi hoàn thành xong công việc thì trời đã nhá nhem tối, một lớp mồ hôi nhớp nháp khiến áo sơ mi của anh dính chặt lên da thịt làm anh khó chịu nhăn mày. Tại Dân nhận từ ông lão một tờ khăn ướt và một tô hủ tiếu mì, anh đã có ý từ chối nhưng ông lão thì kiên trì đẩy bát mì nóng hổi sang bên anh, thế là Tại Dân miễn cưỡng phải ngồi lại lâu hơn dự tính.

"Cháu thật là một chàng trai tốt bụng."

Câu nói đó chẳng khác nào một lời đâm chọt, Tại Dân húp mì xong thì khó khăn nuốt xuống. Anh đã định nói ra lý do của chuyến ghé thăm, song khi nhìn thấy gương mặt nhân hậu của ông lão đang vừa cười vừa nhìn mình, Tại Dân lại không dám hé ra một lời nào, lặng lẽ cúi đầu, nhìn mỡ trong tô hủ tiếu trôi ngang đôi đũa.

Ông lão vắt khăn lau mồ hôi sang ngang vai, ngồi xuống bên cạnh Tại Dân, vừa cười vừa rót trà đá vào một cái ly nhỏ nằm vừa vặn trong lòng bàn tay. Lão rót vậy thôi chứ không hề có ý uống, ly trà nhỏ cứ thế bị xoay vòng, bề mặt nước trà vàng nhạt theo đó mà dập dềnh.

"Tiệm mình được bao lâu rồi ông nhỉ?"

Tại Dân nuốt xuống những sợi mì nhuyễn, hiền từ nhìn ông lão ngồi bên cạnh, vì gù lưng mà ông thấp hơn anh nửa cái đầu.

"Thật sự thì chẳng biết nổi, đã quá lâu rồi.. Tiệm này do gia đình ông truyền lại, lúc trước còn có vợ cùng quản lý nhưng rồi bà cũng mất sớm vì bệnh. Ông và bà không có con, nên mỗi khi nhìn những người trẻ tuổi như cháu lại có cảm giác ấm áp trong lòng."

Ông lão nói xong thì rất tự nhiên đưa tay lên vuốt tóc sau gáy của Tại Dân. Anh thường không thích bị người lạ chạm vào người, nhưng vào khoảnh khắc đó, Tại Dân đã không cảm thấy khó chịu, ngược lại còn ước chi thời gian có thể trôi chậm lại một chút. Sau nhiều năm làm việc cho nhà họ Phác, Tại Dân đã quên mất tình người có hình dạng thế nào, cảm nhận ra sao. Khi bàn tay thô ráp của một người bán hủ tiếu mì xoa nhẹ sau gáy của Tại Dân, anh bỗng dưng thấy sóng mũi mình cay cay, ý thức về tình người một lần nữa quay trở về.

"Cỡ tuổi cháu hẳn là sẽ quan trọng tiền bạc lắm, nhưng đó cũng chỉ là một loại thỏa mãn nhất thời mà thôi. Ông cũng đã từng đuổi theo đồng tiền, đã từng vì đồng tiền mà kinh doanh gian dối, khiến người vợ kính yêu của ông phải muộn phiền. Nhưng một vị khách.. cậu ấy cũng còn trẻ, đã nói với ông những lời đại loại như tiền bạc có thể khiến ta mất đi chính bản thân mình, nó là một loại khái niệm nguy hiểm.. Ông không biết vì sao nhưng những câu nói vu vơ đó của cậu ấy đã làm ông nhớ tới bây giờ, cũng đã khiến ông phải thay đổi. Này, cháu nhớ phải sống vì người khác nữa, đừng vì tiền bạc mà hại ai, khổ lắm, sau này về già cháu sẽ hối hận đấy."

Ông lão dùng ngón cái của mình vuốt ve từng nếp nhăn trên mu bàn tay còn lại, gương mặt ông giãn ra, sự bình yên đổ đầy tâm hồn. Tại Dân không thể nhìn ra sự muộn phiền của ông đối với việc kinh doanh thua lỗ. Ông dường như đã buông xuôi, nhưng không phải loại buông xuôi mà con người ta rơi vào tuyệt vọng. Ông biết bản thân ông đã đến lúc phải dừng lại, phải hạ xuống những gánh nặng đã chồng chất bấy lâu nay, vì vậy, hồn ông đã thanh thản.

Tại Dân ủ dột rời đi, không đủ can đảm quay đầu lại để chào tạm biệt ông lão ấy một lần cuối. Anh không thể thuyết phục người nọ hãy trả lại mặt bằng, không thể đe dọa hay báo trước rằng tối ngày mai sẽ có một đám du côn đến quấy phá cửa tiệm. Tại Dân cứ thế quay về căn hộ với tâm tình nặng trĩu, rối loạn.

Đêm hôm đó, Tại Dân trăn trở nhìn điện thoại đặt trên bàn, không thể ngay lập tức đưa ra quyết định. Anh bị lương tâm và lợi ích cá nhân dằn xé đến đau cả đầu. Thời gian không còn dư dả, nếu anh không thực hiện cuộc gọi thì chắc chắn sẽ bị mất đi sự tín nhiệm mà anh đã cố gắng suốt bấy lâu nay để giành lấy. Tại Dân nghĩ đến cha mẹ mình, nghĩ đến món nợ đắt đỏ chỉ có thể trả bằng mạng, bức tường kiên cố trong lòng anh lại sụp đổ đi đôi chút. Với sức ép từ nhiều phía, cuối cùng anh cũng đã từ bỏ lương tâm, quyết định thực hiện cuộc gọi.

Vào đêm diễn ra sự việc, Tại Dân đã không thể đến tận nơi để xem xét tình hình dù rằng đó là nhiệm vụ của anh. Lúc bấy giờ, anh chôn đế giày mình trong lớp tuyết dày cộm, thờ ơ nhìn về phía trước. Khăn choàng quấn quanh cổ giúp sưởi ấm cơ thể, sau gáy Tại dân lại đặc biệt ấm áp, cảm giác gần giống với lúc ông lão đưa tay lên vuốt tóc sau gáy của anh.

Tại Dân lắc đầu, hai mắt ghì lại nhắm chặt, muốn phủi sạch suy tư chất nặng trong đầu. Chuyện cũng đã đành, anh không thể rút người về, không thể giúp ông lão giữ được mặt bằng, giờ anh đau buồn cũng vô ích. Biết thế, Tại Dân tiếp tục bước đi, mũi giày hất tuyết đùn về phía trước.

Trên đường quay về nhà, Tại Dân băng ngang một con hẻm tối, đôi tai bắt được tiếng rên rĩ thống khổ. Theo phản xạ, anh đánh mắt nhìn sang nơi âm thanh ấy phát lên, vừa vặn thu vào mắt thân ảnh của một thiếu niên trẻ đang nằm sõng soài dưới mặt đất, tuyết rơi phủ cả lên quần áo và mặt mũi của người nọ nhưng chưa đủ dày để lấp cả thân thể của cậu.

Tại Dân không mấy quan tâm, tệ nạn xã hội dạo đó chẳng có xu hướng giảm, người nằm trên mặt đất kia có lẽ cũng là nạn nhân của chất cồn hoặc ma túy. Ngay khi anh có ý định rời đi, người kia bỗng dưng lớn tiếng nói, Tại Dân vì thế mà sững lại.

"Đừng vô tâm thế chứ, anh trai. Thấy người sắp chết mà lại bỏ đi như vậy sao? Không biết thương người à?"

Đông Hách thở hắt ra một hơi, hành động mà cậu vẫn thường xuyên thực hiện mỗi ngày trong vô thức nay lại quay sang dằn vặt thân thể cậu, từng hơi bật ra đều truyền đến cảm giác đau đớn. Cậu cố gắng nhúc nhích người, muốn vừa nhìn Tại Dân vừa chuyện trò nhưng có vẻ như cái chân gãy đã không cho phép cậu dễ dàng bật mình ngồi dậy. Đông Hách rên rĩ bấu tay vào tuyết, cơn đau thấu trời đất khiến cậu toát cả mồ hôi dù rằng cơ thể đang bị vùi trong tuyết trắng lạnh lẽo, cậu tò mò muốn đếm xem trên người mình rốt cuộc có bao nhiêu cái xương đã gãy, nhưng cậu chỉ cảm thấy đau, không còn tỉnh táo để làm toán.

Đông Hách mồ côi mẹ từ nhỏ, lớn lên với người cha nghiện rượu và mê đánh bạc, bao nhiêu tiền của đều bị ông đổ dồn vào những trận cá cược may rủi. Sở thích tệ hại ấy đã khiến cuộc sống đi vào bế tắc, tiền nợ vì thua bạc chất đống đến không còn khả năng trả, người cha hèn hạ của cậu vì thế mà đã cuốn gói bỏ chạy, trong quá trình bị truy đuổi gắt gao đã nhảy xuống sông tự sát. Bên đòi nợ không thể dây dưa với một cái xác lạnh ngắt nên họ đã tìm đến Đông Hách, ép cậu trả nợ thay cha mình.

Trên đường trở về nhà sau khi tan làm ở cửa hàng tiện lợi, cậu bị một đám đàn ông thân thể cường tráng bổ nhào đến đẩy vào một con hẻm, ra sức đánh đập, chửi rủa. Qua những câu đe dọa chồng chéo lên nhau, Đông Hách mới biết cha mình đã bỏ trốn, nhưng cậu không biết rằng ông đã chết. Đông Hách bật khóc vì căm phẫn, vì hận cha, hận số phận bi thương của mình, lũ người đòi nợ lại nghĩ cậu khóc vì đau đớn, thích thú tiếp tục giẫm đạp lên cơ thể gầy yếu của cậu.

Giữa giá lạnh, lũ đòi nợ bỏ đi sau khi đã dùng gậy sắt đánh gãy chân Đông Hách và để lại trên cẳng tay cậu một đường rạch sâu vào da thịt. Vượt lên trên nỗi đau thể xác, tâm hồn cậu đã bị tổn thương nặng nề. Tuyết rơi càng dày thì sự sống bên trong cậu càng nhạt màu, Đông Hách có thể cảm nhận nỗi thiết tha với cuộc sống đang dần ly khai và những ngón tay tê rần của cậu lại chẳng có đủ sức để bám víu vào chúng. Đông Hách tự nhủ, thế là hết, nhiệm vụ của cậu trên trần đời này là chịu đựng một người cha vô dụng và bị đánh đến chết ở một con hẻm tối, và nhiệm vụ ấy đã hoàn thành.

Đông Hách muốn cười, nhưng khuôn ngực lại rất đau. Cậu nhìn chăm chú bầu trời đang hiện lên trong tầm mắt nhưng chỉ có thể thấy được những bông tuyết đang lượn lờ rơi xuống trần gian, chạm lên lông mi Đông Hách lạnh toát.

Cậu lại nghĩ đến cái chết, sau đó lại không biết đó là lần thứ bao nhiêu cụm từ ấy nảy lên trong đầu. Cái chết tồn tại trong tiềm thức của Đông Hách như cỏ dại mọc ven đường, tồn tại âm thầm và dày đặc. Cậu từng cho rằng mình thật sự muốn chết, thật sự muốn được giải thoát, ngày chết đi chính là ngày hạnh phúc nhất. So với những ai vẫn đang kiên trì chạy về phía trước, cậu đã chôn chân ở bước đường xưa cũ từ rất lâu rồi. Cậu khác họ, khác với những ai vẫn hay ba hoa nói về giá trị của cuộc đời. Nhưng, thật lòng mà nói, Đông Hách muốn bước tiếp. Chẳng phải vì cậu muốn trở thành họ, chỉ là cậu tò mò, cậu muốn biết rằng điều gì đang chờ đợi mình ở chặng đường phía trước, nhưng bàn chân Đông Hách đã bị tổn thương sau những lẫn giẫm vào gai nhọn, cậu biết rằng dù có bước tiếp thì cậu cũng sẽ phải chịu đau đớn. Vì vậy, dù cho Đông Hách có tò mò, có muốn bước tiếp, cậu đã không thể.

Những ai vẫn hay nghĩ đến cái chết thường lại là những người khao khát được sống nhất.

Đông Hách từng không tin câu nói này cho đến khi mặt đối mặt với thần chết. Chất lỏng nóng hổi chảy ra ở khóe mắt, cậu bắt đầu nỉ non van xin ngài hãy dừng lại. Ngài im lặng, không có vẻ như là sẽ rút đi, nhưng ngài gửi đến bên Đông Hách một người con trai.

Tại Dân đứng chặn ở đầu hẻm, che đi dòng người tấp nập và cả ánh đèn thoát ra từ các cửa tiệm, thu hút chút tập trung còn sót lại của Đông Hách. Đôi môi nứt nẻ và cổ họng khô cằn, Đông Hách mặc kệ sự đời, cậu vươn đôi tay về phía Tại Dân, muốn chạm lên bóng hình trĩu nặng u sầu của anh.

"Cứu tôi với."

Lời nói ấy không phải vô thức mà bật ra, Đông Hách khát cầu được quay về với những ngày nắng đẹp, thâm tâm cậu chưa từng ghét bỏ cuộc sống này. Đông Hách đã dựa vào sự hiện diện của Tại Dân để kéo dài sự sống của chính mình, cậu muốn cùng người lạ mặt nói chuyện, lời nói qua đáp lại có thể được tính bằng vài giây, vài giây đó cũng là sự sống, là quỹ thời gian tuy ngắn ngủi nhưng lại vô cùng quan trọng đối với cậu.

Thiếu niên trẻ nằm trên mặt tuyết trắng với một bên chân gãy, cẳng tay rỉ máu đêm đó sẽ không bao giờ có thể đoán trước được rằng cuộc gặp gỡ định mệnh với Tại Dân đã kéo dài sinh mệnh của cậu đến tận những năm sau này.

Tại Dân mang Đông Hách đến bệnh viện, chăm sóc vết thương và cho cậu một mái ấm. Về sau, anh chính thức giữ cậu lại làm việc dưới trướng mình và không thông báo điều này với nhà họ Phác. Đông Hách tháo vát và thông minh, sau khi nghe qua hoàn cảnh và công việc của Tại Dân liền nhanh chóng chấp thuận mà không hỏi thêm một điều gì khác. Chỉ có duy nhất một chuyện mà Đông Hách luôn tò mò, đó là nguyên nhân vì sao đêm đó anh lại ra tay giúp đỡ một kẻ lạ mặt đang hấp hối giữa trời tuyết rơi dày. Tại Dân chưa bao giờ thẳng thắn trả lời, chỉ khi cùng Đông Hách băng ngang một cửa hàng bán bánh ngọt, anh mới nhàn nhạt cong môi cười.

...

"Ừ, cậu nói đúng, trong thế giới của chúng ta thì khó mà tồn tại tình yêu."

Tại Dân cúi đầu nhìn các viên gạch lát đường nứt nẻ, tóc mái anh rũ xuống che khuất đi đôi mắt đang chìm trong những hồi tưởng. Tuyết rơi tan chảy thành những tia nắng ấm áp, Tại Dân đứng trầm mình bên cạnh Đông Hách của hiện tại, tràn ngập sức sống. Bàn tay anh chìa ra, những đầu ngón tay cong lại. Đông Hách đưa mắt nhìn Tại Dân sau đó truyền điếu thuốc hút dở của mình sang cho anh. Anh thoáng lướt mắt nhìn qua cẳng tay của Đông Hách, vết sẹo năm xưa vẫn còn có thể nhìn rõ. Tại Dân lắc đầu cười, kẹp điều thuốc giữa hai đầu ngón tay, đưa lên miệng rít một hơi dài. Cả hai cứ thể cùng bàn những chuyện vu vơ trong màn khói trắng cho đến khi tia lửa nhuốm đỏ đầu điếu tắt hẳn.

"...sau này về già cháu sẽ hối hận đấy."

Tại Dân ngẩng đầu, nhìn lên tầng hai, nơi căn hộ của Thần Lạc.

"Đông Hách này, lại có việc cho cậu làm đây."

Đông Hách vứt điếu thuốc tắt ngúm xuống mặt đất, quay sang nhìn Tại Dân.

"Đi tìm hiểu về Chung Thần Lạc, tất cả mọi thứ."


-----

Phần này chủ yếu nói về quá khứ của Tại Dân và Đông Hách nên chưa nhắc đến OTP của chúng ta, từ phần sau thì OTP sẽ lại xuất hiện nha T_T

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top