Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chưa đặt tiêu đề 1


Chàng ơi phải lính thì đi
Cửa nhà đơn chiếc đã thì có tôi
Anh ơi chớ lấy làm lo
Bóng son rồi cũng soi cho hang mờ

Cổng làng Quất Động có một cây đa cổ thụ đã mấy trăm năm tuổi, đứng đó sừng sững bất chấp gió mưa. Nó đã chứng kiến bao thăng trầm, bao lớp người của ngôi làng này sinh ra, lớn lên rồi khuất núi, cả những cuộc chia ly muôn hình vạn trạng.

Dưới tán cây sum suê, thiếu nữ mặc áo nâu có dải thắt lưng xanh dịu dàng khoác áo cho một chàng trai. Họ yêu nhau đã lâu, vốn định sang tháng làm đám cưới nhưng chiến tranh bất ngờ nổ ra. Triều đình lập tức triệu tập thanh niên trai tráng lên đường nhập ngũ, ra chiến trường chiến đấu bảo vệ đất nước. Chàng không còn cách nào khác mà phải từ biệt mẹ già cùng người thương lên đường. Cha chàng mất sớm, mẹ chàng nay đang bệnh nặng không thể rời giường. Chàng mang tay nải trên vai ra đi mà lòng đầy bất an.
- Chàng cứ yên tâm, ở nhà đã có em lo cho mẹ - Nàng nắm lấy tay chàng động viên.
Nàng vừa nói vừa đặt bàn tay ấm áp của chàng một chiếc khăn tay. Chiếc khăn thêu những đóa cúc vàng xinh đẹp. Loài hoa bình an.
- Chàng cầm chiếc khăn này. Có nó giống như em luôn ở bên cạnh chàng.
Chàng siết chặt lấy tay nàng:
- Cho dù ngày mai có ra sao, tôi nhất định sẽ trở về, nhất dịnh sẽ cưới em. Tôi sẽ là tướng quân, mang sính lễ hậu hĩnh tới rước em. Cả đời này tôi chỉ muốn có em bên cạnh thôi. Đợi tôi! Xin em hãy đợi tôi!
- Vâng, em đợi chàng!
..............................
Nàng nói đợi chàng. Đợi qua mấy mùa xuân hạ thu đông thay nhau khoác áo cho đất trời. Nơi chiến trường xa xôi, chàng ngày ngày đối mặt với ngàn vạn binh đao, đầu rơi máu chảy, sống và chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Mưa gió sương nắng sa trường tôi luyện chàng thành một người dũng cảm, kiên cường, mình đồng da sắt, tâm như bàn thạch. Từ ngày nhập ngũ, chàng vẫn chưa được về phép thăm nhà lần nào. Cả hai chỉ có thể tâm tình qua những bức thư vượt đường xa mà tới. Nàng và chàng gửi rất nhiều thư nhưng không phải bức nào cũng có thể mang nhớ thương tới tay người nhận. Lần nào nhận thư nhà chàng cũng bất an. Khi đối mặt với sống chết nơi chiến trường gió tanh mưa máu, chàng lại chẳng khiến chàng lo lắng như thế. Chàng lo mở thư ra là tin báo tang mẹ chàng đã qua đời mà chàng không thể bên bà lúc lâm chung. Chàng lo mở thư ra nàng viết nàng không đợi được chàng nữa.
.
Nàng không đợi được chàng thật. Ngày chàng vì lập công mà được thăng lên đội trưởng vốn là một ngày vui. Trong tiếng chúc mừng của mọi người, chàng nhận được thư nhà gửi tới. Chàng vội vàng mở thư ra xem. Nếu không có thư gửi tới thì chàng cũng muốn gửi thư về chia sẻ tin mừng với nàng. Nhưng đọc thư xong chàng không vui nổi nữa. Gửi kèm cùng bức thư là chiếc trâm gỗ chàng đã tặng nàng khi ngỏ lời cưới năm xưa.
Nàng nói nàng không thể tiếp tục đợi chàng. Mấy năm ròng rã trôi qua. Chiến tranh lúc nào mới kết thúc? Tuổi xuân của nàng cứ thế héo mòn. Còn chàng vẫn chỉ là một anh lính quèn với mức lương ít ỏi. Hàng tháng nếu không có thêm tiền chợ bán đồ thêu của nàng thì không đủ tiền thuốc men cho mẹ chàng. Nàng không muốn chờ đợi một người quanh năm chiến chinh có thể không có ngày trở về như chàng. Nàng không muốn cô đơn vò võ quần quật kiếm tiền chăm sóc mẹ chàng nữa. Nàng cần một người chồng ở bên nàng, cho nàng một chỗ dựa. Nàng đã lấy chồng rồi. Người nàng lấy là quan huyện hơn nàng hai chục tuổi. Nàng về làm vợ lẽ cho ông ta.
Lời nàng viết trong thư rất rõ ràng, dứt khoát. Khi đao kiếm của giặc chém vào người chàng cũng không đau bằng những lời ấy. Dường như người gửi thư là một người nào khác chứ không phải là nàng. Nhưng nét chữ ấy đúng là của nàng. Chàng biết Quan huyện có ý với nàng từ lâu. Ông ta đã có năm bà vợ nhưng vẫn si mê nhan sắc của cô thợ thêu đẹp nhất làng. Phải cái "Sông bao nhiêu nước cũng vừa/Giai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng". Một lần nàng mang khăn tay đến phủ quan cho các bà, Quan huyện vừa nhìn thấy nàng đã mê như điếu đổ. Ông ta đã từng đem vàng bạc, lụa là gấm vóc, son môi má phấn đến cưa cẩm chinh phục nàng. Nhưng nàng chưa từng hoa mắt trước những thứ ấy. Bởi lúc đó trong trái tim nàng đã có chàng.
Thế nên khi triều đình gọi lính tráng ra chiến trường, trong danh sách những người nhập ngũ có tên chàng đầu tiên. Các cụ đã dạy: "Làm giai quyết chí tang bồng/Sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam/Làm giai cho đáng nên giai/Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài run". Đất nước lâm nguy, giặc xâm lấn bờ cõi quê hương, nếu không có sự sắp đặt của quan huyện, chàng cũng tình nguyện lên đường ra chiến trường giết giặc. Chàng chỉ canh cánh mẹ già ở nhà không nơi nương tựa.
Hôm nàng tiễn chàng ở cổng làng, gã quan huyện cũng có mặt ở đó. Thấy nàng, gã ỡm ờ:
- Chàng đi lính biệt tăm/Sống chết nay mai chẳng rõ/Mình nàng ở nhà chăm mẹ nặng gánh đa mang/Gái khôn tìm chỗ ấm êm nương tựa sớm hôm/Đợi chờ làm chi kẻ đi lính chẳng hay vần mồng.
Cả nàng và chàng đều hiểu ai là kẻ khiến họ phải chia ly, gác lại chuyện nên duyên vợ chồng. Quan có quyền, dân bé họng. Nàng nắm lấy bàn tay gân guốc đang siết chặt nắm đấm của chàng, cúi đầu lễ phép đáp lời Quan huyện:
- Lấy lính thì được ăn lương/Lấy thầy ăn óc ăn xương gì thầy/Em đừng thấy lính mà khinh/Lĩnh binh thống chế tam đinh một dòng.
Nàng từng không sợ cường quyền, không màng vinh hoa phú quý như thế. Nhưng đã mấy năm đằng đẵng trôi qua, thời thế thay đổi, con người cũng khác. Nàng cuối cùng chọn từ bỏ chàng, buông bỏ đoạn tình cảm tường chừng sâu đậm sông cạn đá mòn của họ mà chấp nhận về làm bà lẽ cho ông huyện.
.............
Không còn nàng ở bên chăm sóc, chàng đành nhờ bà con làng xóm kề bên giúp đỡ mẹ mình. Có lẽ ông trời không quá bạc đãi chàng. Sức khỏe của mẹ chàng ngày càng tốt lên, có thể rời giường đi lại, rồi dần dần làm được những việc nhẹ. Còn chàng, trải mấy phen sinh tử, liều mạng trên chiến trường, lập công cũng đã lên đến hàng tướng quân. Mười năm. Lời chàng hứa với nàng ngày đôi ta tiễn biệt, chàng sẽ là tướng quân đem lễ vật hậu hĩnh rước nàng về dinh cuối cùng đã thành hiện thực. Chỉ là khi chàng thành tướng quân, nàng đã bỏ chàng theo chồng từ lâu. Từ lúc hay tin nàng lấy chồng, chàng không nghe ngóng tin tức về nàng nữa. Chàng sợ vết thương lòng lại đau. Nhưng chiếc khăn tay nàng tặng, chàng vẫn luôn luôn giữ bên mình, đặt nó trong ngực áo bên trái. Chiếc khăn ấy theo chàng đi khắp chân trời góc bể, qua những non cao bể rộng, bao chiến trường gió tanh mưa máu. Có nó giống như nàng vẫn luôn luôn ở bên cạnh chàng.
......
Chiến tranh kéo dài bao năm cũng đến ngày kết thúc. Giặc buộc phải lui bước rút quân về nước. Chàng từ một người lính áo vải bình thường nay đã thành tướng quân và giờ là phò mã. Nhờ chiến chông hiển hách, lại thêm một lần vua ngự giá thân chinh gặp nạn, chàng cứu giá đã khiến vua yêu mến gả công chúa cho. Là một tướng quân tiền đồ rộng mở nhưng bao năm qua dù nhiều người mối lái, đánh tiếng, chàng vẫn chưa cưới ai. Trong tim chàng vẫn luôn chỉ có hình bóng của một người. Nhưng cưới công chúa là ân sủng cũng là lệnh của vua. Lệnh vua khó cãi. Mẹ chàng bảo chàng cũng nên yên bề gia thất để bà yên lòng.
...................
Ngày chàng rời quê hương ra đi, chỉ mặc áo vải sờn vai, chỉ một người là nàng ra tiễn đưa. Ngày chàng trở về, cổng làng vẫn như xưa, cây đa còn đó, nhưng người đã khác. Chàng mặc áo gấm đai ngọc cưỡi ngựa vua ban, tiền hô hậu ủng, cờ xí rợp trời. Chàng về cùng người vợ là công chúa cành vàng lá ngọc. Vinh hiển mấy ai sánh bằng. Chỉ là không có người con gái mà chàng từng nghĩ sẽ đứng ở cổng làng ngóng chờ chàng.
.
Vua ban cho chàng một tòa nhà khang trang ở ngay quê hương. Chàng đón mẹ từ mái nhà tranh lụp xụp tới ngôi nhà mới. Mẹ chàng chẳng còn dáng vẻ gì của người bệnh tật, bà hồng hào khỏe mạnh, gặp lại con trai, thấy chàng công thành danh toại khí sắc lại càng tốt. Chàng cho mở tiệc thết đãi bà con hàng xóm, những người đã giúp đỡ mẹ con chàng ngày cơ hàn. Tiệc đông người, rượu vào lời ra. Nhiều người nhắc đến nàng, người con gái phụ bạc đã bỏ chàng năm xưa. Giờ chắc hối hận tiếc đứt ruột. Nghe nói cuộc sống của nàng những năm qua cũng không sung sướng gì. Nàng từng là người vợ lẽ được Quan huyện cưng chiều nhất. Nhưng rồi năm tháng trôi, nhan sắc tàn phai, nàng dần bị ghẻ lạnh, ruồng bỏ. Lúc được Quan huyện cưng chiều thì bị mấy bà vợ lớn ghen tuông hãm hại, lúc Quan huyện lạnh nhạt, nàng bị đuổi ra đường. Nghe đâu cái ngày nàng bị đuổi đi lại chính là ngày chàng ở trong quân đội được phong làm tướng quân. Thế mới nói nhân quả báo ứng. Bây giờ chàng áo gấm về làng, còn nàng chỉ là một người đàn bà nhan sắc tuổi xuân đã phai tàn bị rũ bỏ mà thôi. Người ta bảo đáng đời nàng lắm. Nếu nàng chung thủy đợi chàng vì có phải bây giờ đã là tướng quân phu nhân cao sang không kể siết?
.
Bữa tiệc qua mấy tuần rượu rồi cũng tàn. Chàng tiễn khách ra tận cửa. Ánh mắt chàng va vào một bóng dáng mảnh mai quen thuộc phía xa xa, đứng nép sau gốc cây. Người đàn bà đó trùm khăn kín đầu chỉ để lộ mỗi đôi mắt, đang đứng ở đó và nhìn về phía này. Ánh mắt hai người chạm nhau. Dường như người đàn bà biết chàng đã nhìn thấy mình nên liền quay người rời đi. Bao năm không gặp nhưng vừa nhìn thoáng qua, chàng liền biết đó là ai. Không kịp suy nghĩ gì như một bản năng, chàng vội đuổi theo. Nhưng bóng dáng kia đã khuất hẳn, không biết đi về nơi nào.
..............................
Ngày hôm sau, làng bên xôn xao có người nhảy sông tự vẫn. Người tự vẫn chính là người đàn bà bội bạc được nhắc đến nhiều nhất trong câu chuyện ở bữa tiệc của vị tướng quân mới hồi hương hôm qua. Có lẽ nghe người đời mắng chửi chê cười nhiều quá nên nàng ta xấu hổ quẫn trí mà tìm đến cái chết.
Khi chàng nghe tin chạy đến nơi thì thi thể lạnh ngắt của nàng đã được người quấn tạm bằng một cái chiếu rách. Bàn tay to lớn vững chãi của vị tướng quân từng cầm đao chém giặc nơi sa trường chưa từng run rẩy, lúc này khi mở tấm chiếu kia ra để nhìn người con gái chàng thương lại run đến như vậy. Gương mặt nàng trắng bệch, môi nhợt nhạt. Mái tóc đen dài buông xõa rũ rượi, ướt sũng dính bết vào má, che khuất nửa bên mặt. Chàng nâng đầu nàng dậy, không ngại thi thể toàn nước lạnh lẽo mà ôm nàng vào lòng. Chàng đưa tay vén tóc nàng cho gọn gàng. Nửa gương mặt còn lại lộ ra khiến chàng sững sờ. Ở đó có một vết sẹo to khủng khiếp sần sũi rất xấu xí. Chỉ có nét mặt nàng là thanh thản, an yên, đôi mi dày khép chặt, khóe môi dường như mỉm cười mãn nguyện, giống như là người đang trông giấc ngủ say.
.
Chàng lo ma chay cho nàng tử tế, mồ yên mả đẹp, chọn một mảnh đất phong thủy tốt. Dẫu gì cũng đã từng suýt nên duyên vợ chồng, dẫu gì trong những năm đầu chàng đi lính, nàng đã chăm sóc cho mẹ chàng. Dân làng đều ca ngợi chàng là người trọng tình trọng nghĩa, nhân hậu bao dung. Còn nàng thì thành tấm gương để người ta răn dạy những người đàn bà con gái khác trong làng thấy mà tránh.
.
Đứng trước mộ nàng, chàng lấy từ trong ngực áo là chiếc khăn tay nàng tặng. Người đã mất, tình đã dứt, chàng lo hậu sự cho nàng vẹn toàn cũng đã là trọn nghĩa. Nay chàng đã có vợ, một công chúa cao quý xinh đẹp lại đoan trang nết na, chẳng nên vấn vương người cũ nữa. Chàng buông tay. Chiếc khăn rơi xuống chậu tiền vàng đang cháy, rất nhanh bén lửa. Khi chàng xoay người định trở về thì sau lưng chợt có tiếng gọi. Người đó cũng tới đưa ma nàng. Chàng biết người này. Đó là chủ một xưởng thêu trong làng. Trước đây, nàng đã từng làm ở đó.
- Thảo dân có chuyện muốn nói, xin tướng quân bớt chút thời gian để nghe chuyện của nàng ấy....
.
Người làng nói cuộc sống làm bà lẽ của nàng không sung sướng gì. Nhưng họ không biết những gì nàng đã trải qua còn trăm cay ngàn đắng hơn. Người làng nói nàng tham phú phụ bần, ham giàu sang phú quý mà bỏ người yêu. Nhưng họ không biết nguyên nhân sâu xa thực sự nàng làm như vậy. Chàng càng không biết. Cho đến hôm nay khi nàng đã nằm yên dưới lòng đất, nghe bà chủ xưởng thêu kể lại, chàng mới biết. Người đàn bà nói vốn dĩ chuyện này bà đã định sống để bụng chết mang theo, không kể cho chàng như lời nàng đã dặn nhưng như thế bà chẳng thể thanh thản được. Trước khi chàng đi lính, nàng làm việc ở xưởng thêu. Sau đó để tiện chăm sóc mẹ chàng, nàng không đến xưởng nữa mà nhận hàng về nhà làm. Cuộc sống tuy không thừa ăn thừa mặc nhưng nàng vun vén từ tiền lương chàng gửi về cùng tiền công của nàng thì cũng đủ tiền thuốc men chi tiêu ăn mặc cho mẹ chàng và nàng. Nhưng gã Quan huyện vì muốn có được nàng nên đã không từ mọi thủ đoạn. Gã ép bà chủ xưởng thêu không được thuê nàng nữa. Trong làng, các làng khác lân cận cũng không ai thuê nàng. Hàng nàng làm tự bán cũng không ai mua. Bệnh mẹ chàng lại trở nặng mà giá thuốc men trong lúc chiến tranh loạn lạc ngày càng tăng. Nàng biết có người chèn ép mình, cũng đã tính đến chuyện đưa mẹ chàng tới nơi khác sinh sống và tiếp tục đợi chàng. Nhưng....Kể đến đây bà chủ xưởng thêu nghẹn giọng. Bà ta sau này từng chịu ơn nàng nên thấy tình cảnh kết cục của nàng càng thấy xót thương người con gái bất hạnh đã lấy ân báo oán với bà. Năm ấy xưởng của bà không may bị bốc cháy, lúc đó nàng vẫn còn là bà lẽ được quan yêu chiều nhất, nàng đã cho bà rất nhiều tiền bạc để làm lại xưởng. Đổi lại bà thay nàng để ý chăm lo cho mẹ chàng nhiều hơn.
Nàng đồng ý buông xuôi, chấp nhận làm lẽ cho Quan huyện sau khi bị gã cưỡng hiếp. Sau cơn tủi nhục, nàng đã từng có ý định tự sát nhưng nghĩ đến mẹ chàng đang trong cơn bệnh nạn không người chăm sóc, nàng đã từ bỏ. Nàng đã thất thân, không còn xứng với chàng. Nàng lấy Quan huyện đổi lại điều kiện ông ta phải cho nàng tiền bạc thuốc men tốt nhất thầy lang giang giỏi nhất để nàng chăm sóc chữa bệnh mẹ chàng. Giữa thời buổi chiến tranh loạn lạc, nàng cần thế lực của Quan huyện để bảo vệ nàng và mẹ chàng trước đám giặc cướp hoành hành. Từ sau khi lấy Quan huyện, nàng không ra mặt trực tiếp chăm sóc cho mẹ chàng nữa. Nàng âm thầm chu cấp tiền bạc, lại thuê người trông nom mẹ chàng ẩn dưới cái bóng hàng xóm láng giềng cưu mang giúp đỡ. Giờ thì chàng đã hiểu tại sao sau khi nàng đi lấy chồng, bệnh tình của mẹ chàng lại thuyên giảm, ngày càng tốt lên.
Thứ có được rồi thì cả thèm chóng chán. Quan Huyện dùng thủ đoạn chiếm đoạt nàng, cưới nàng về cũng chỉ chiều chuộng, si mê nàng được một thời gian rồi dần lạnh nhạt thờ ơ. Nhất là gã ta biết trong lòng nàng luôn luôn có một người đàn ông khác. Nhưng ông ta cũng chẳng dễ dàng buông tha cho nàng. Ông ta biết được điểm yếu của nàng, biết được nàng lụy vì cái gì nên vẫn bắt được nàng nghe lời ông ta. Ông ta không cần nàng nữa nhưng những vị khách quý đến phủ trông thấy nàng, không ít kẻ lại thấy mê mệt nhan sắc mặn mà xinh đẹp ấy. Ông ta bảo nàng nếu muốn có tiền bạc thuốc men tiếp tục chữa bệnh cho mẹ chàng thì cứ ngoan ngoãn nghe lời ông ta, tiếp khách cho ông ta. Tiếp khách bao gồm cả việc hầu ngủ. Tay nghề thêu của nàng giỏi nhất vùng, nếu không có tiền của quan huyện nàng vẫn có thể kiếm đủ nuôi sống hai mẹ con. Nhưng khốn nỗi gã quan huyện vẫn bỉ ổi như khi ấy. Gã triệt hết mọi đường kiếm sinh nhai của nàng, buộc nàng - một món hàng vẫn còn giá trị nghe hắn. Ngày nàng nghe tin chàng đã thành tướng quân, chưa bao giờ nàng thấy thanh thản hạnh phúc như thế. Nàng biết chàng là tướng quân rồi, đã có quyền có thế có tiền hơn Quan huyện. Mẹ chàng không cần nàng lo nữa. Nàng có thể tự giải thoát cho mình. Vết sẹo trên mặt nàng là do nước sôi hất vào, là nàng tự mình hất vào. Gã quan huyện không cần một con gái điếm đã sắp già lại xấu xí như thế ở lại phủ tiếp khách cho mình. Gã đuổi nàng ra khỏi phủ, hay nói đúng hơn là nàng chấp nhận hủy dung để tìm lại tự do cho mình.
Ngày chàng tiền hô hậu ủng, áo gấm về làng, nàng chỉ đứng từ xa đứng nhìn. Vốn nàng chỉ định như vậy là đủ nhưng lại vô thức theo đoàn rước đến tận cửa phủ tướng quân, cứ đứng bên ngoài từ khi khai tiệc cho đến khi tiệc tàn. Mẹ con chàng nay vinh hoa phú quý danh giá cả làng chẳng ai bằng. Nàng mãn nguyện rồi, cũng không còn gì băn khoăn lưu luyến hay lo lắng nữa. Rời khỏi phủ tướng quân, nàng cứ đi vô định về phía trước. Đi mãi cũng trở về làng của nàng. Đi mãi cũng đến bờ sông. Nước sông trong xanh rất mát, không biết có thể gội rửa hết những dơ bẩn ô uế trên người nàng hay không? Nàng muốn thử cho biết? Nên cứ càng bước càng ra giữa sông cho đến khi nước ngập trên đầu.
Nàng vốn không phải người làng Quất Động. Nàng ở làng bên cạnh. Cha mẹ nàng đều mất từ sớm. Nàng đi làm thuê cuốc mướn để sống qua ngày. Một hôm lên núi kiếm củi khô hết bị trẹo chân rồi lại suýt bị hổ vồ may mà có chàng lên núi đi săn cứu mạng. Trước nàng mới chỉ nghe chuyện kể anh hùng đánh chết hổ nhưng hôm đó đã được tận mắt chứng kiến việc thật người thật. Chàng có sức khỏe, có võ nghệ hơn người nên khi chàng đi lính, nàng vẫn luôn tin chàng sẽ làm nên nghiệp lớn. Nhưng nàng không đợi được đến ngày đó.
Con hổ rất dữ, lúc nó hung hăng lao về phía nàng, nàng sợ đến phát khóc. Sau lại bị gương mặt đầm đìa máu của chàng dọa cho suýt ngất xỉu. Chàng phì cười, lấy khăn tay ra lau mồ hôi cho nàng rồi mới lau máu trên mặt mình.
- Nhà nàng ở đâu, tôi đưa nàng về? - Chàng hỏi.
Nàng còn chưa hoàn hồn, vẫn ngồi đờ mặt ra. Thế là chàng trêu:
- Hỡi cô thắt lưng bao xanh/Có về Quất Động với anh thì về/Quất Động làng anh có nghề/Thêu gà thêu vịt, thêu hoa trên cành.
Làng Quất Động nổi tiếng với nghề thêu, vang danh một vùng. Nàng nghe tên thì tỉnh hẳn. Nàng cũng chán cảnh quanh năm làm quê cuốc mướn, muốn học lấy cái nghề ấm thân liền bật cười mà đáp:
- Phải duyên phải kiếp thì theo/Cám còn ăn được nữa bèo như anh.
Nàng theo chàng về làng từ đấy, được mẹ chàng dạy nghề thêu cho. Từ nhỏ đã mất mẹ, không biết tình cảm mẫu tử là như thế nào. Vô thức nàng coi mẹ chàng như mẹ ruột mình. Nếu không sao nàng có thể nhẫn nhục, hi sinh đến thế?
Nghe xong câu chuyện của bà chủ xưởng thêu, chàng sụp xuống, chẳng để ý nhiều mà dùng tay không bới tung chậu hóa tiền vàng vẫn còn lửa cháy. Chàng muốn tìm chiếc khăn thêu kia. Còn sót lại chỉ là một góc khăn chưa cháy hết, bông cúc vàng sém lửa trông như đang nhỏ lệ.
Nếu không vì chiến tranh, chàng không đi lính thì có lẽ giờ chàng vẫn chỉ là một người dân bình thường có một người vợ hiền thảo là nàng. Cả hai chăm chỉ làm ăn cùng phụng dưỡng mẹ già, có một gia đình nhỏ ấm êm hạnh phúc với vài đứa trẻ. Nhưng âu cũng là số trời. Số trời đã định chàng phải trở thành tướng quân, cưới vợ là công chúa, còn nàng bạc mệnh phận hẩm duyên ôi tìm đến nước sông để giải thoát, trút mọi khổ đau. Có trách thì đành trách:"Giời ơi sinh giặc làm chi/Cho chồng tôi phải trẩy đi chiến tràng" mà thôi.

Chú thích:
[1]Trích ca dao
[2]Truyện sử dụng nhiều ca dao Việt Nam tham khảo trong sách "Gương phong tục"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top