Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

KHUNG CỬA HẸP_C8

André Gide Bùi Giáng dịch

Chương 8

Mặc dù, tôi vẫn còn gặp Alissa một lần nữa. Cách ba năm sau, tôi được thư nàng tin cho hay cậu tôi đã mất. Tôi liền viết cho nàng một bức thư dài từ Palestine, nơi tôi đương du lịch. Bức thư không được hồi âm.

Ngày nay tôi không còn nhớ vì sao trở lại Havre; tự nhiên bàn chân đưa đẩy, tôi lần bước nhắm hướng Fongueusemare. Tôi biết sẽ gặp lại Alissa ở đây; lòng hơi e ngại; tôi sợ sẽ không gặp lại nàng một mình. Tôi không có tin báo trước cho nàng hay. Sợ lần gặp gỡ này sẽ bị xem như một lần thăm viếng thường, nên chân bước mà lòng phân vân: ta có nên vào chăng? Hay là nên bỏ đi, không tìm gặp lại em nữa, không tìm giáp mặt em làm gì? Ừ có lẽ như thế mà hơn; ta sẽ một mình dạo lại lối mòn trong vườn cũ, ta sẽ ngồi lại trên chiếc ghế đá ngày nào, mà ngày nay chắc nàng vẫn chiều chiều còn thường ra nhớ lại. Thế là tôi dứt khoát tâm tình, đương tìm xem sẽ lưu lại một dấu hiệu gì sau khi đi để báo cho nàng biết rằng tôi có ghé về một buổi... Miên man suy nghĩ, tôi chậm rãi đi... Đã quyết không gặp lại nàng, nên nỗi buồn chua chát trong lòng giờ đã nhường chỗ cho một sự ưu tư hầu như êm dịu. Tôi đã giáp với lối mòn cũ, và vì sợ có thể rủi ro bất ngờ bị bắt gặp, tôi lại men theo mặt đường dưới, dọc theo bờ mô đất cao giới hạn sân nông trại. Tôi biết được một nơi trên gò đất, ở đây có thể nhìn vào khắp được khu vườn; đến đó tôi leo lên; một người làm vườn lạ mặt đương cào rác trên lối đi; tôi lánh sang bên cho khuất dạng. Một hàng giậu mới chắn ngang sân vườn. Con chó nghe bước chân tôi, cất tiếng sủa. Xa hơn, nơi lối đi mất hút, tôi rẽ sang bên phải, tới nơi giáp với bức tường cũ của khu vườn, tôi định vào trong chỗ có trồng dẻ gai song song với đường đi lúc nãy, thì bỗng dưng lúc đi ngang qua cánh cửa nhỏ của vườn rau, tôi lại có ý cứ theo lối ấy mà vào vườn.

Cửa đóng. Theo chốt bên trong yếu ớt sẽ dễ dàng bị gãy... Và tôi định kề vai đẩy mạnh... Chính lúc ấy tôi nghe tiếng chân đi: tôi vội vàng nấp sau bức tường.

Tôi không thể thấy ai ở vườn đi ra, nhưng tôi linh cảm là chính Alissa. Nàng tiến lên ba bước, yếu ớt gọi :

- Phải anh đấy không, anh Jérôme?

Tim tôi đương đập mạnh, bỗng đứng lại, có gì chặn nơi cổ, tôi không thốt được một lời. Nàng hỏi lớn hơn :

- Jérôme! Có phải anh đấy không?

Nghe nàng gọi tên mình, nỗi xúc động quá mạnh, tôi quỵ gối xuống và vẫn không đáp được lời nào. Alissa tiến lên vài bước, vòng bức tường, và thoắt bỗng đến sát bên tôi, tôi đưa cánh tay lên che mặt, như sợ hãi chưa dám vội nhìn nàng. Nàng nghiêng mình xuống đặt bàn tay lên vai tôi, tôi nắm lấy đưa lên môi hôn, hai bàn tay nàng mảnh khảnh thật mềm.

- Sao anh lại trốn em làm gì thế? Nàng hỏi một giọng rất giản dị, như xa cách nhau chỉ mới đôi ngày không phải là đằng đẵng ba năm.

- Làm sao em biết rằng anh đã về?

- Em đợi anh.

- Em đợi anh? Tôi quá ngạc nhiên nên chỉ còn biết lặp lại lời nàng trong câu hỏi. Nàng bảo tôi đứng lên :

- Chúng ta hãy lại ngồi trên ghế đá.

- Vâng, em biết rằng thế nào cũng còn dịp gặp lại anh một lần nữa. Từ ba hôm nay, chiều nào em cũng ra vườn đến đây gọi anh, như khi nãy... Tại sao anh không đáp lời em?

- Nếu em không đến đột ngột thế này, thì anh sẽ lại ra đi không tìm gặp lại. Tôi vừa nói vừa cố ngăn nỗi xúc động, không muốn để cho lòng mình yếu mềm như khi nãy. Chỉ vì có dịp trở lại Havre, anh định ghé về dạo qua khu vườn cũ, định đi quanh vườn một vòng, ngồi nghỉ lại giây lát trên chiếc ghế này, vì anh nghĩ chắc em vẫn còn thường ra đây ngồi vậy, rồi thì...

Nàng ngắt lời tôi :

- Anh hãy nhìn, từ ba chiều nay em đến đây đọc lại những gì. Và nàng trao cho tôi một xấp thư từ; tôi nhận ra là những bức thư gởi về nàng ngày tôi du hành bên đất Ý.

Khi đó tôi mới ngẩng mặt nhìn nàng. Gương mặt nàng thay đổi lạ hẳn đi, xanh xao, gầy ốm... Lòng tôi se thắt. Nương vịn cánh tay tôi, nàng nép mình vào tôi, như e sợ điều gì, hay vì thấy lạnh. Nàng vẫn mặc tang phục, và có lẽ dải đăng ten đen nàng quàng đầu bao trùm khuôn mặt, càng làm cho vẻ mặt xanh xao thêm. Nàng vẫn mỉm cười, nhưng ảo não, như kiệt sức. Tôi lo lắng hỏi nàng đang sống một mình ở Fongueusemare sao? Không; có cả Robert nữa. Juliette, Édouard và ba đứa cháu có ghé về thăm vào khoảng tháng tám... Chúng tôi đã ngồi xuống ghế và câu chuyện trong giây lát vẫn còn quanh quẩn về kẻ nọ người kia. Nàng hỏi tôi công việc làm ăn thế nào. Tôi miễn cưỡng đáp. Tôi muốn nàng cảm thấy rằng công việc làm ăn không nghĩa gì đối với tôi nữa. Tôi muốn làm nàng thất vọng cũng như nàng đã làm tôi thất vọng. Tôi không biết có đạt được ý muốn không, nhưng thấy nàng chẳng tỏ vẻ gì hết. Còn tôi, lòng vừa đầy những oán hờn, vừa tha thiết, tôi muốn giữ một giọng điệu thật lạnh lùng, nhưng giọng nói vẫn run run, nỗi xúc cảm trong lòng không làm sao trấn áp được.

Mặt trời ngả bóng, trong giây lát bị mây che, giờ hiện lên ở cuối phương đoài, ngay trước mặt chúng tôi, ánh vàng giăng giăng trên đồng áng, vad cảnh thung lũng bỗng lộng lẫy lạ thường, phơi mở dưới kia. Rồi mặt trời chìm mất. Tôi ngồi lặng lẽ âm thầm, một nỗi niềm dâng ngập tâm hồn, lâng lâng như rửa sạch hết mọi oán sầu, hờn tủi, chỉ còn nghe tình yêu lên tiếng. Alissa nghiêng mình tựa bên tôi, chợt đứng dậy. Nàng lấy trong túi áo ra một gói nhỏ bao giấy mịn, định trao cho tôi, lại dừng lại, ngập ngừng và nói :

- Này anh Jérôme! Đây là chiếc thánh giá bằng ngọc tím em giữ đó; tự ba hôm nay, em mang theo, bởi vì từ lâu em định giao tặng lại anh.

- Em muốn anh dùng nó làm gì?

- Anh sẽ giữ nó làm kỷ niệm của em, cho đứa con gái Adrienne của anh.

- Đứa con gái Adrienne nào? - Tôi nhìn nàng, không hiểu.

- Này, anh hãy bình tâm nghe em nói. Không, anh đừng nhìn em như thế; đừng nhìn em nữa; em đã đau khổ nhiều, khi phải nói với anh; nhưng điều này không thể nào em không nói. Này anh Jérôme, một ngày sau anh sẽ lấy vợ?... Không, anh đừng đáp lại lời em; đừng ngắt lời em, em van anh điều ấy. Em chỉ muốn rằng anh sẽ ghi mãi cái kỷ niệm của tình em từng yêu anh tha thiết, và từ lâu, từ ba năm nay... em nghĩ rằng chiếc thánh giá mà xưa anh thích, một đứa con gái của anh ngày sau sẽ mang giữ để kỷ niệm mối tình của em... Ồ! Mang mà không biết là của ai... và có lẽ anh cũng có thể lấy... tên em... mà... đặt tên cho con anh cũng được...

Nàng dừng lại nghẹn ngào, tôi phản đối, giọng gay gắt :

- Tại sao em lại không tự tay cho nó?

Nàng còn gượng nói nữa. Môi nàng run lên như môi đứa trẻ khóc tấm tức; nhưng nàng không khóc, vẻ sáng ngời dị thường của đôi mắt làm cho gương mặt đẹp lai láng một cách huyền ảo như tiên nga.

- Em Alissa! Anh sẽ lấy ai làm vợ? Em vẫn biết rằng anh chỉ có thể yêu em thôi...

Và thình lình, tôi ôm siết lấy nàng, hầu như tàn bạo vũ phu, tôi hôn dập môi nàng một cách phũ phàng, mãnh liệt. Nàng như kiệt sức, để yên, tôi ôm nàng trong lòng mình, sờ hai cái vú tròn trên ngực; tôi thấy mắt nàng nhòa lệ như sương; và mi nàng khép lại. Rồi bằng một giọng dịu hiền vô hạn không có gì so sánh được, suốt trăm năm :

- Anh Jérôme! Hãy rủ lòng thương hại chúng ta! Anh Jérôme! Đừng làm cho tình yêu của chúng ta phải tan tành, vùi dập...

Có lẽ nàng còn nói nữa: anh đừng hành động đê hèn! Hay có lẽ chính lòng tôi tự nói với mình, tôi không rõ nữa, và thốt nhiên tôi quỳ xuống bên gối nàng, và ôm nàng trong tay với một niềm thiêng liêng sùng kính :

- Nếu em yêu anh thật thì tại sao em cứ ruồng rẫy mãi anh? Em xem! Ban đầu anh chờ cuộc hôn nhân của Juliette; anh hiểu rằng em cũng nguyện cầu tha thiết hạnh phúc cho em mình; và Juliette đã tìm ra hạnh phúc; chính em đã nói với anh. Từ lâu anh tưởng rằng em có ý muốn còn được sống bên cạnh cha già; nhưng ngày nay, đôi ta cùng đơn độc...

- Ồ Jérôme ơi! Xin đừng hoài thương quá khứ. Ngày nay em đã lật qua trang...

- Không, vẫn còn đủ thì giờ, em ạ.

- Không anh ơi! Không còn kịp nữa rồi. Không còn kịp nữa rồi, tự cái ngày mà chúng ta vì yêu nhau, đã nhận ra cho nhau một lối đi nào cao đẹp hơn tình yêu. Chính nhờ anh mà giấc mộng của em đã được nâng lên một mực độ cao viễn vô cùng, cho đến nỗi mọi thỏa mãn của đời này chỉ làm nó tan vỡ mất. Em vẫn thường nghĩ đến cuộc đời của chúng ta, nếu chúng ta cùng nhau chung sống; khi thấy nó không hoàn toàn được nữa, là rồi, em không thừa nhận thừa nhận tình yêu nữa.

- Nhưng em có nghĩ đến cuộc đời của chúng ta sẽ như thế nào, nếu chúng ta không cùng nhau chung sống?

- Không, chả bao giờ.

- Và bây giờ em đã thấy. Từ ba năm, sống một mình, anh vất vưởng lang thang...

Chiều đã tàn. Bên xứ Việt. Nắng đã xế về bên xứ Nam: - "Ta hăm hở chí trai hồ thỷ, bởi đợi tình nên nấn ná nhân duyên. Nàng đê mê phận gái liễu bồ, vì giận phận hóa ngang tàng tính mệnh".

- Em thấy lạnh.

Nàng đứng lên, khép chặt mình trong chiếc áo choàng, tôi không còn nắm tay nàng được nữa. Anh nhớ chăng lời này trong thánh kinh: "Chúa không thu nhận những gì đã được hứa hẹn, vì Thượng Đế muốn dành cho ta những gì tốt đẹp hơn kia..."

- Em vẫn còn tin tưởng những lời đó?

- Làm sao không tin cho được?

Chúng tôi đi bên nhau trong giây lát, im lìm.

Nàng nói tiếp :

- Anh Jérôme, anh có tưởng tượng ra không: những gì tốt đẹp hơn kia!

Và thình lình lệ trào ngập mắt, nàng lặp trở lại lần nữa: những gì tốt đẹp hơn!

Chúng tôi đã đến chỗ cánh cửa nhỏ của vườn rau. Nàng quay mặt lại nhìn tôi :

- Thôi! Vĩnh biệt. Không, anh đừng bước thêm nữa. Vĩnh biệt thôi, người anh yêu dấu! Chính bây giờ là khởi sự... "những gì tốt đẹp hơn kia".

Trong giây lát nàng nhìn tôi như vừa muốn níu giữ tôi, vừa muốn xô đẩy tôi, hai cánh tay dang thẳng, và bàn tay đặt lên vai tôi, đôi mắt nồng nàn một tình thương vô hạn...

Khi cánh cửa đã khép lại, khi tôi nghe nàng cài then bên kia, tôi qụy xuống bên cửa, một niềm tuyệt vọng cùng cực xâm chiếm tâm hồn, và lâu lắm tôi ngồi im trong đêm tối nghẹn ngào như sâm bồ tát ở biên cương.

Nhưng nếu giữ nàng lại, nhưng nếu cứ xô cửa mà đi, nhưng nếu xông bừa vào nhà, dù sao người ta vẫn không cấm tôi điều đó, nhưng như thế có được không? Không, cho đến nay hồi tưởng lại và sống lại cái quá khứ đau buồn kia... Không, điều ấy không thể được. Và kẻ nào bây giờ không hiểu tôi thì tôi cũng không hiểu tôi ngày ấy.

Vài hôm sau, cảm thấy lo lắng dị thường, tôi viết thư cho Juliette báo cho nàng biết rằng tôi có về viếng Fongueusemare, và nói hết nỗi lo sợ của mình thấy Alissa xanh xao, và gầy ốm, tôi khuyên nàng hãy để tâm lưu ý và cho tôi hay mọi tin tức, vì những tin tức ngày nay không còn mong được Alissa cho biết nữa rồi.

Gần một tháng sau, tôi nhận được bức thư sau đây :

Anh Jérôme thân mến,

Em báo anh hay một tin buồn: chị Alissa không còn nữa... Hỡi ôi! Những nỗi lo sợ của anh bày tỏ trong thư quả là quá gần sự thật. Từ vài tháng nay, tuy không hẳn là đau ốm, chị Alissa cứ ngày càng hao mòn mãi, mặc dù chị cũng có nghe lời em cầu khẩn, chịu đi khám bác sĩ A, ở Havre. Bác sĩ có viết thư cho em biết là chị không có bệnh gì trầm trọng cả. Nhưng ba ngày sau bữa anh về thăm chị, bất thình lình chị rời bỏ Fongueusemare. Em hay tin là do một bức thư của Robert, chị ít viết thư cho em lắm, đến nỗi nếu không có Robert, thì em chẳng hay biết gì về sự chị bỏ trốn đi. Em rầy la Robert sao đã lơ đễnh để chị đi như thế, sao không cùng đi với chị tới Paris. Anh không thể tưởng tượng được rằng từ đó, chúng em sống hoang mang như thế nào, vì hoàn toàn không biết địa chỉ của chị Alissa. Anh có thể hiểu chúng em lo sợ đến mực nào; không thể tìm gặp chị, cũng không thể viết thư cho chị. Vài ngày sau, Robert có đến Paris, nhưng tuyệt nhiên không dò la được gì hết. Robert tính cũng lười quá. Em ngờ rằng Robert không thật sự cố tâm. Đáng lẽ phải báo cảnh sát; chúng em không thể nào sống trong tình trạng bặt vô âm tín thế được... Édouard bèn lên đường, hết lòng tìm kiếm, và cuối cùng cũng đã tìm ra nơi nương náu của chị Alissa, là một viện điều dưỡng nhỏ. Nhưng than ôi, muộn mất rồi. Édouard không kịp gặp chị nữa. Đồng thời với bức thư của vị giám đốc viện điều dưỡng báo tin chị đã qua đời. Ngày cuối cùng chị mới chịu viết địa chỉ chúng em trên một phong bì, để người ta có thể tin cho chúng em hay... và một chiếc phong bì khác chứa phúc bản một bức thư chị đã gửi cho vị nô-te ở Havre, trong đó chị để lại những lời di chúc. Em tưởng như một phần của bức thư có liên hệ đến anh. Em sẽ giao lại anh sau này. Édouard và Robert có dự tang lễ, cử hành hôm kia. Theo sau quan tài còn có vài người bịnh ở viện điều dưỡng, họ muốn dự lễ mai táng, và đưa di hài người chết đến nơi an nghỉ cuối cùng. Riêng em sắp sinh đứa cháu thứ năm, khổ thay, em không thể rời nhà đi được. Anh Jérôme ơi, em biết nỗi buồn sâu thẳm của anh khi nghe tin này, và viết thư cho anh, lòng em tan nát. Hai ngày nay em liệt giường và gượng dậy viết thư rất khó khăn, nhưng em không muốn để một người khác, cho dẫu là Édouard hay Robert, nói với anh về người chị thân yêu, mà tâm sự chỉ riêng anh và em hiểu thấu. Ngày nay em đã thành một người mẹ luống tuổi trong gia đình, ngày nay mà bao nhiêu tro tàn của thời gian đã phủ trùm quá khứ, thì em có thể mong muốn được gặp lại anh. Nếu có ngày nào hoặc vì tiện đường hay vì vui hứng, anh ghé về Nimes, thì hãy đến Aigues Vives, anh nhé. Édouard sẽ sung sướng được biết anh, và anh và em sẽ có thể nói nhiều về chị Alissa yêu dấu. Thôi; chào anh Jérôme thân mến. Buồn rầu em hôn anh.

Vài ngày sau, tôi được biết rằng Alissa để Fongueusemare lại cho em trai, nhưng yêu cầu mọi vật trong phòng mình và một vài đô ̀đạc nàng chỉ rõ, phải được gửi về Juliette. Và tôi sắp được nhận những giấy tờ Alissa mà Juliette sẽ gởi sau. Tôi cũng được biết rằng nàng có yêu cầu người ta đeo vào cổ nàng chiếc thánh giá bằng ngọc tím mà tôi đã từ chối không nhận ngày trở về thăm nàng lần cuối, và Édouard cho hay rằng người ta đã làm theo nguyện vọng.

Bao thư niêm phong, vị nô-te gửi lại tôi, chứa tập nhật ký của Alissa. Một phần lớn của nhật ký tôi xin chép ra đây, không phẩm bình gì hết. Bạn sẽ tưởng tượng những cảm nghĩ của tôi khi đọc chúng và những nỗi niềm xáo trộn tâm can tôi không thể tìm lời bày giãi.

Nhật ký của Alissa

Dường như bên nóc bên thềm

Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng

Nguyễn Du

Aigues Avives

Ở Havre, khởi hành hôm kia; hôm qua đến Nimes; chuyến du lịch đầu tiên của tôi! Không còn bận tâm gì về việc nội trợ, bếp núc, rất nhàn rỗi.. thì hôm nay, ngày 23-5-188...

Ngày lễ chu niên hai mươi lăm tuổi của tôi, tôi khởi sự viết một tập nhật ký, không vui hứng gì lắm, viết cho "có bạn", thế thôi; vì có lẽ đây là lần đầu trong đời, tôi cảm thấy cô đơn - trên một miền xứ lạ, tôi chưa có dịp làm quen. Miền này sẽ nói với tôi những gì, chắc hẳn cũng giống những điều xứ Normandie đã cùng tôi kể lể, và ở Fongueusemare tôi từng liên miên mê mải lắng nghe - bởi vì Thượng Đế muôn nơi vẫn là Thượng Đế - nhưng miền đất xứ Nam nơi đây nói một thứ tiếng tôi chưa học nên khi lắng nghe tôi rất đỗi ngạc nhiên.

24 tháng 5

Juliette ngủ trên một chiếc ghế dài bên cạnh tôi, trong hành lang trông rất xinh của ngôi nhà làm theo kiểu Ý, phẳng lì với mặt sân rải cát tiếp nối mặt vườn. Juliette không rời chiếc ghế trường kỷ, có thể nhìn nội cỏ xanh rợn thấp xuống dần dần, thấp mãi đến ao nước có hai con thiên nga đương thung dung lội. Một dòng suối chảy về, đem nước nhỡn cho ao, rồi tăn teo chảy qua khu vườn càng xa càng rậm vắng, hoang liêu, và càng hẹp lại giữa những vườn nho, và những cánh đồng hoang cằn cỗi.

Hôm qua Édouard Teissières đã đưa ba tôi dạo vườn, viếng nông trại, đồng nho, trong khi tôi ở nhà với Juliette - nên sáng sớm nay tôi được đi dạo một mình trong vườn cây và hân hoan trước cảnh vật mới mẻ. Rất nhiều cây lạ, và tôi muốn được biết tên. Tôi bẻ của mỗi cây mỗi nhánh nhỏ, định khi trở về sẽ bảo người ta cho biết tên. Tôi nhận ra chính những cây này là loại sên xanh mà Jérôme đã ca ngợi ở villa Borghèse hoặc Doria-Pamphili. Chúng không giống tí gì những giống cây đồng loại ở Bắc phương, chúng ở cuối vườn, che một rặng rừng thưa hẹp, huyền bí, và nghiêng bóng trên một nội cỏ mịn màng, như mời mọc nữ thần cùng tiên nga múa hát. Tôi lấy làm ngạc nhiên, dường như hãi sợ vì sao nơi đây tình yêu thiên nhiên của tôi từ xưa ở Fongueusemare vốn đượm màu sâu xa Thiên Chúa giáo, thì bây giờ lại dường như pha màu thần thoại, ngoài ý muốn của tôi. Dù sao niềm hãi sợ e ấp trong lòng vẫn còn đượm nhuần tôn giáo, và càng lúc càng tăng...

Tôi lẩm nhẩm: hic nemus [1]. Bầu không khí trong mát. Cảnh vắng lặng dị thường. Tôi đương nghĩ tới Orphée Armide, thì bỗng nhiên một tiếng chim ca trỗi dậy, một tiếng chim độc nhất, vẳng lên sát gần bên tôi và cùng cảm động, và trong trẻo đến nỗi trong một phút tôi tưởng rằng vạn vật đều đương khao khát chờ mong. Tim tôi đập rất mạnh; trong giây lát tôi dừng lại, tựa mình vào một thân cây, rồi trở về nhà chưa ai thức giấc.

26 tháng 5

Vẫn không được thư Jérôme. Nếu anh có viết thư cho tôi mà gửi về Havre, thì tất nhiên thư sẽ được gửi tiếp về đây...

Tôi chỉ còn biết ký thác cho tập vở này bao nỗi niềm lo ngại; cuộc đi chơi ở Baux hôm qua và bao nhiêu lời nguyện cầu nữa từ ba hôm nay vẫn không khuây khỏa một phút nào. Hôm nay không thể viết vào đây chút gì khác cả; mối sầu kỳ quặc tự ngày đến Aigue - Avives có lẽ không do nguyên cớ nào khác; nhưng tôi cảm thấy nó nằm trong phần sâu thẳm nào của tâm tư cho đến nỗi ngày nay tôi tưởng rằng từ lâu nó vẫn ngự trị nơi đó, và niềm tin vui tôi từng tự nhủ là vinh diệu chỉ có thể tạm che phủ lên thôi.

27 tháng 5

Tại sao tôi lại dối mình? Nếu khi nhìn hạnh phúc Juliette, mà tôi thấy lòng hân hoan thì đó là kết quả của nhiều lần suy luận. Cái hạnh phúc xưa tôi đã hằng nguyện cầu cho em, cho đến nỗi bằng lòng chịu hy sinh hạnh phúc của mình, ngày nay tôi như đau khổ thấy rằng nó đến quá dễ dàng, và không giống cái hạnh phúc mà em tôi xưa vẫn thường hình dung trong tưởng tượng. Sao mà phức tạp thế! Nếu... Tôi nhận thấy rõ một niềm vị kỷ ghê sợ như xui lòng tôi tức bực vì Juliette đã tìm ra hạnh phúc ở ngoài sự hy sinh của tôi, nàng không cần đến sự hy sinh của tôi mà vẫn sung sướng.

Và ngày sau, khi cảm thấy nỗi lo ngại lạ lùng của mình trước sự im lặng của Jérôme, tôi lại tự hỏi: sự hy sinh ấy có thật đã thành tựu ở lòng mình? Tôi thấy như xấu hổ lắm vì Thượng Đế không còn đòi hỏi tôi sự hy sinh ấy nữa. Phải chăng tôi không còn đủ đức hy sinh?

28 tháng 5

Sự phân tích nỗi buồn sầu ấy mới nguy hiểm làm sao! Thế là từ nay tôi đã nặng tình với tập vở này rồi. Cái tính phù phiếm ưa làm dáng, mà tôi tưởng đã chết hẳn, phải chăng như sống dậy nơi đây? Không; không thể nào tập nhật ký này là tấm gương dễ dãi để tâm hồn tôi soi vào mà tìm lối điểm trang! Tôi viết tập nhật ký này không phải vì nhàn rỗi như tôi đã tưởng, mà vì buồn rầu. Sự buồn rầu là một trạng thái tội lỗi, tôi muốn gột rửa khỏi linh hồn. Tập vở này thế nào cũng giúp tôi tạo lại được niềm vui.

Buồn sầu là một điều phức tạp. Xưa có bao giờ tôi tìm cách phân tích hạnh phúc đâu, ở Fongueusemare tôi cũng từng sống cô độc lắm, còn cô độc hơn là khác... thế mà tại sao tôi không cảm thấy điều đó? Và khi Jérôme từ bên Ý viết thư về cho tôi, tôi bằng lòng chịu để chàng sống xa tôi, cách biệt tôi, tôi đã để tâm tư mình theo dõi chàng. Tôi đành lòng tìm hạnh phúc mình trong hạnh phúc Jérôme. Mà ngày nay dù muốn dù không, lòng tôi vẫn âm thầm kêu gọi... Vắng chàng, mọi vật mới mẻ tôi ngắm nhìn chỉ làm cho lòng tôi thêm phiền muộn...

10 tháng 6

Tập nhật ký vừa bắt đầu đã chịu dứt đoạn một khoảng lâu. Ngày sinh của cháu Lise; những đêm dài thức bên Juliette; những điều muốn viết cho Jérôme, tôi không thích viết ra đây chút nào cả. Tôi muốn tránh cho mình cái tật xấu chung rất khó chịu của đàn bà: ưa viết nhiều quá. Xem tập vở này như là một phương tiện trau dồi, cải thiện...

Tiếp theo nhiều trang ghi chú những điều nhận xét về những sách vở đã đọc... Nhiều đoạn văn sao chép lại v.v... rồi nhật ký trở lại được ghi đề tại Fongueusemare.

10 tháng 7

Juliette sung sướng, nàng nói thế, và trông có vẻ thế: tôi không có lý do để nghi ngờ... Thế thì do đâu, khi ở bên nàng tôi lại cảm thấy niềm gì như không thỏa mãn, không hài lòng, như khó chịu? Có lẽ vì hạnh phúc của nàng quá thiết thực, quá dễ dàng như theo "khuôn mẫu sẵn", nên nó thu hẹp linh hồn, gò bó linh hồn cho ngột ngạt...

Và ngày nay tôi tự hỏi phải chăng chính hạnh phúc là điều tôi nguyện cầu, hay đúng hơn, là sự tiến dần về hạnh phúc. Hỡi Thượng Đế! Hãy ngăn ngừa con, đừng để cho con hưởng vội một niềm vui nào có thể quá dễ dàng đạt tới. Hãy dạy cho con biết chần chờ, trì hoãn hạnh phúc lại cho đến bao giờ con đến trình diện trước mặt người.

Nhiều tờ tiếp theo bị xé bỏ; có lẽ những tờ ấy ghi lại cuộc gặp gỡ đau lòng ở Havre. Tập nhật ký bắt đầu trở lại qua năm sau; những tờ không đề ngày tháng, nhưng hẳn là viết trong những ngày tôi về lại Fongueusemare.

Đôi khi nghe chàng nói, tôi lại tưởng như chính mình tư tưởng. Chàng giải thích cho tôi nghe, và tôi càng thấy tự hiểu mình hơn. Không có chàng, thì có thể có tôi không? Tôi sinh ra đời tôi sống, là chỉ sống với chàng...

Đôi khi tôi ngần ngại không biết mối tình của tôi đối với chàng có thật phải là cái tình mà người ta gọi là tình yêu không; vì chưng tình yêu thường thường được người ta mô tả tôi thấy không giống tí gì với mối tình tôi muốn tả. Tôi muốn rằng đừng nên nói một tí gì của tình yêu ấy cả, và yêu mà chẳng biết là mình yêu: Nhất là tôi muốn yêu chàng mà chàng không hay biết.

Sống bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào mà không có chàng, lòng tôi không còn thấy hạnh phúc. Tất cả đức hạnh của tôi là cốt để vừa ý chàng, nhưng tại sao, ở cạnh chàng tôi lại thấy đức hạnh mình nao núng?

Xưa tôi thích học dương cầm bởi vì thấy rằng mình có thể mỗi ngày mỗi tiến. Có lẽ đấy cũng là bí quyết của niềm vui hứng tôi cảm thấy khi đọc một tập sách ngoại ngữ, cố nhiên tôi không phải tôi có thể yêu một ngôn ngữ nào hơn tiếng mẹ, cũng không phải sách của văn nhân nước nhà viết ra có thể thua kém sách người, nhưng chỉ vì lẽ: cái chút khó khăn nhẹ nhẹ khi theo dõi ý nghĩa và tâm tình xúc cảm, và cũng có lẽ niềm kiêu hãnh tiềm tàng thấy mình thắng được khó khăn, và càng ngày càng thắng dễ hơn, chính những cái ấy gia tăng rất nhiều hương vị cho niềm hân hoan của tinh thần, và chút gì như niềm đẹp ý của linh hồn mà dường như không thể nào tôi dứt bỏ được.

Dù nó tốt đẹp đến bao nhiêu, tôi không thể cầu mong một trạng thái im lìm, không tiến bộ. Tôi hình dung niềm vui diễm ảo mai sau không phải như một sự hòa hợp hoàn toàn với Thượng Đế, mà như một sự tiến gần, tiến mãi, vô hạn, liên miên... và nếu không sợ bị cười là ưa chơi chữ, tôi sẽ nói rằng tôi bất sá một niềm vui nào không tiến bộ.

Sáng nay, chúng tôi cùng ngồi trên băng đá trong vườn. Chúng tôi không cảm thấy cần phải nói gì. Chợt chàng hỏi tôi có tin tưởng ở đời sống mai sau không. Tôi vội thốt lớn :

- Sao anh lại hỏi thế. Đối với em đời mai sau không những chỉ là một niềm hy vọng: đó là một sự thật...

Và bỗng nhiên, tôi cảm thấy như tất cả niềm tin tưởng đã vỡ tan trong lời kêu thiết tha ấy.

- Anh muốn rõ... Chàng nói thêm... và dừng lại rồi nói: Em sẽ hành động thế nào, có khác không, nếu không có lòng tin tưởng ấy?

Làm sao em hiểu được điều ấy: nhưng chính anh, dù muốn dù không anh ạ, dù lòng dạt dào niềm tin tưởng tha thiết hay không, anh cũng không thể nào hành động khác. Và em sẽ không yêu anh nếu anh khác thế.

Không, anh Jérôme ạ! Chúng ta cố gắng không phải vì phần thưởng mai sau: tình yêu của chúng ta không tìm đến một phần thưởng. Nghĩ tới sự thù lao công trình, điều ấy làm tổn thương nhiều cho những linh hồn cao thượng. Đức hạnh cũng không phải là một món đồ trang sức; không, đức hạnh là hình thể cái đẹp của linh hồn đó thôi.

Ba tôi không được khỏe; không có gì trầm trọng cả, tôi mong thế, nhưng ba tôi phải chịu nằm yên trên giường bịnh từ ba hôm nay.

Tối hôm qua, lúc Jérôme đã lên phòng riêng, ba cùng với tôi còn thức, ba ra ngoài trong giây lát. Tôi đương ngồi trên chiếc ghế dài, hay đúng hơn - điều này ít khi xảy đến - tôi nằm dài trên ghế, không hiểu vì sao. Bóng đèn che mắt tôi khỏI vòm ánh sáng, che khuất cả phần trên của cơ thể tôi, tôi chợt nhìn xuống đầu mấy ngón chân, lộ ra phía dướI tà áo, và một ánh đèn chiếu vào. Khi ba trở vào, ngườI dừng lạI trước ngưỡng cửa, trong giây lát ba nhìn tôi một cách kỳ dị, vừa mỉm cườI, vừa sầu hận. Bỡ ngỡ, tôi đứng lên và người bảo :

- "Con hãy lại ngồi bên ba". Và tuy đã khuya, người bắt đầu nói chuyện mẹ tôi, đây là điều không bao giờ xảy ra từ ngày mẹ tôi bỏ đi. Người kể lại tôi nghe đã cưới mẹ tôi như thế nào, đã thương mẹ tôi biết mấy, và ban đầu mẹ tôi đáp lại tình yêu trọn vẹn làm sao.

Tôi hỏi :

- Thưa ba, xin ba cho con biết vì lẽ gì ba kể cho con nghe những điều ấy tối nay, cái gì xui ba kể những điều ấy chính vào đêm nay... (Nữ-thí-chủ chất vấn hơi nhiều).

- Bởi vì khi nãy, lúc ba ở ngoài vào, và nhìn thấy con nằm trên ghế, trong một phút ba tưởng thấy lại mẹ con.

Nếu tôi năn nỉ thế, ấy cũng chính vì đêm ấy... Jérôme đứng sau lưng tôi nghiêng mình nhìn qua vai tôi đọc trang sách, chàng tựa vào chiếc ghế của tôi. Tôi làm như vẫn tiếp tục đọc sách, nhưng không còn hiểu nữa; không phân biệt được những dòng chữ nữa; một niềm bàng hoàng hoang mang kỳ lạ xâm chiếm lấy tôi, buộc tôi đứng lên gấp, trong khi tôi còn đủ sức đứng lên. Cũng may là tôi gượng bước ra được khỏi phòng giây lát, và chàng không nhận thấy sự gì. Nhưng sau đó một mình ngồi lại trong xa lông, tôi nằm trên chiếc ghế dựa dài, và ba tôi đã nhận ra tôi giống mẹ tôi, chính khi ấy cũng là lúc tôi nghĩ đến mẹ tôi.

Đêm ấy tôi ngủ không yên, thao thức, lo sợ, lòng da diết, rứt ray, tâm hồn bị ám ảnh bởi quá khứ cứ trở về dâng ngập tâm tư một niềm ân hận. Hỡi Thượng Đế! Hãy dạy cho con biết ghê sợ tất cả những gì có một ít vẻ xấu xa. Tội thay Jérôme! Nếu chàng hiểu rằng đôi lúc chàng chỉ cần làm một cử chỉ nhỏ thôi, và cử chỉ ấy đôi lần tôi mong đợi...

Ngày còn nhỏ, chính vì chàng mà tôi mong mình đẹp. Và ngày nay, tôi cố gắng "tiến đến chỗ hoàn toàn" dường như cũng vì chàng mà nên cả.

Nhưng sự hoàn toàn ấy chỉ có thể đạt tói một mình, không thể cùng chàng đạt tới, thì than ôi! Hỡi Thượng Đế! Trong mọi điều dạy bảo của người, đấy là điều làm cho linh hồn con hoang mang nhiều nhất.

Sung sướng biết bao, những linh hồn nào hòa giải được tình yêu và đức hạnh! Những linh hồn nào mà đức hạnh và tình yêu hòa chung làm một. Đôi khi tôi nghi ngờ không biết có một đức hạnh nào khác là tình yêu thương, yêu thương nhiều, yêu thương mãi... nhưng than ôi, nhiều lúc tôi lại thấy rằng đức hạnh là sự cưỡng kháng lại tình yêu. Sao! Làm sao tôi dám gọi là đức hạnh, cái khuynh hướng tự nhiên của lòng mình! Ôi! Ngụy biện! Ôi! Ảo tưởng cám dỗ của hạnh phúc mới tinh quái làm sao!

Sáng nay đọc trong La Bruyère: "Đôi khi trong đời có những mối du khoái thân thiết và những niềm cảm giao êm dịu dường nào, mà ta bị người đời cấm đoán, thì làm sao không ước mong có lần được hưởng thụ, đó là lẽ tự nhiên; những lối hấp dẫn mê hoặc kia chỉ có thể được vượt qua bởi lòng say mê trong tinh thành, biết khước từ du khoái bởi đức hạnh mà thôi".

Thế thì sao tôi còn gắng tìm lối chống chế? Phải chăng vì một vẻ quyến rũ âm thầm lôi cuốn tôi, một vẻ quyến rũ nào mãnh liệt hơn, ngào ngạt hơn vẻ quyến rũ của tình yêu. Ôi! Làm sao có thể đồng thời giục giã cả hai linh hồn chúng tôi vì tình yêu mà vượt qua tình yêu - làm sao có thể!

Than ôi! Ngày nay tôi đã hiểu quá rõ rồi; giữa Thượng Đế và chàng nếu có gì trở ngại ấy là chính bản thân tôi. Nếu quả như lời chàng nói, ban đầu chính tình yêu tôi làm chàng thiên về Thượng Đế, thì bây giờ, tình yêu ấy đã cản trở chàng rồi, chàng dần dà cân nhắc, chính vì tôi trở thành thần tượng ràng buộc chàng, không cho chàng tiến lên đường đức hạnh.

Phải làm sao cho một trong hai chúng tôi tiến tới. Hỡi Thượng Đế, nếu ngày nào cơn tuyệt vọng không mong gì thắng nổi tình yêu của buồng tim con sa đọa, thì con xin Thượng Đế cho phép con đủ sức giúp chàng hiểu rằng đừng nên yêu con nữa; làm sao cho con đủ sức; con chịu đành lòng khước bỏ sở năng mình, để dâng Người những sở năng quý hơn của chàng... Và ngày nay nếu linh hồn con thổn thức vì mất chàng, có phải chăng để rồi ngày sau con tìm lạI được chàng ở giữa mêng mông của Thượng Đế?

Hỡi Thượng Đế! Còn một linh hồn nào xứng đáng với Người hơn? Phải chăng chàng sinh ra để làm những gì cao đẹp hơn là để yêu con? Và con sẽ yêu chàng nhiều nữa không, nếu chàng dừng lại nấn ná bên con? Trong hạnh phúc, bị thu hẹp những gì đáng lẽ phải liên tồn vinh diệu biết bao.

Chủ nhật.

"Thượng Đế dành cho chúng ta những gì cao đẹp hơn".

Thứ hai ngày 3 tháng 5

Sao cho hạnh phúc tới sát gần, ngay trước mặt, nếu nó mời mọc, yêu cầu... chỉ cần đưa tay là nắm lấy.

"Sáng nay, nói chuyện với chàng, tôi đã đưa sự hy sinh tới chỗ thành tựu. Tầm sưu túy điệu vô thường. Dìm trăng sái diện môi trường hôm qua".

Mai đây chàng lên đường.

Anh Jérôme ơi, em mãi mãi yêu anh bằng một tình yêu vô hạn; nhưng không bao giờ em còn có thể nói nữa điều đó với anh. Sự gượng ép buộc mắt mình, môi mình, linh hồn mình phải kiềm giữ, sự gượng ép đau xót đến mực độ nào, mà xa anh, đối với em là một lần giải thoát, cay đắng mà hân hoan.

Tôi cố gắng hành động cho hợp lẽ, nhưng chính lúc hành động thì những nguyên cớ giục tôi hành động lại bay bổng mất đi, hoặc không còn ý nghĩa nữa, tôi không còn tin tưởng nữa...

Những nguyên cớ nào xui tôi lẩn tránh chàng? Tôi không còn tin chúng nữa... ấy thế mặc dù, tôi vẫn lẩn tránh, buồn đau mà lẩn tránh chàng, và không hiểu vì lẽ gì mình cứ cố tìm lẩn tránh...

Hỡi Thượng Đế! Chúng con tiến tới người. Jérôme và con, song đôi đứa này vì đứa khác, đi suốt đường đời như hai lữ khách bên nhau và thỉnh thoảng kẻ này nói với kẻ kia: "Bạn ơi, hãy nương vịn vào ta nếu bạn mỏi" và kẻ kia đáp lại: "Chỉ cần cảm thấy rằng bạn vẫn ở bên ta, thế là đủ...". Nhưng không. Hỡi Thượng Đế, con đường Người chỉ dẫn chúng con, là một con đường hẹp, hẹp lắm, hẹp đến nỗI không thể nào đi song đôi mà tiến lên được cả.

Hơn sáu tuần nay rồi, tôi không giở lại tập vở này. Tháng vừa rồi, đọc lại đôi trang, tôi chợt bắt gặp một sự cố gắng tội lỗi và phi lý, cố gắng viết hay... vì chàng mà ra cả...

Làm sao thế được. Tập nhật ký này khởi sự là cốt giúp tôi quên chàng, thì tại sao tôi lại phải vì chàng mà viết?

Tôi đã xé hết những trang nào có vẻ viết hay (tôi biết tôi muốn nói gì trong lời nói ấy). Đáng lẽ ra, tôi phải xé tất cả những trang nào có nhắc tớI chàng. Đáng lẽ phải xé hết. Tôi không nỡ.

Và thế là xé xong một đôi trang, tôi đã cảm thấy chút kiêu hãnh... một thứ kiêu hãnh có thể xui tôi buồn cười, nếu lòng tôi không quá đau thương.

Như chừng việc làm kia là một công trạng gì đáng kể! Và những tờ giấy xé đi có ý nghĩa gì lắm đó, hỡi ôi!

6 tháng 7.

Tôi đã đành loại trừ khỏi tủ sách... từ cuốn này tới cuốn khác, tôi trốn tránh chàng, và cứ gặp lại chàng mãi. Ngay cả trang sách tôi khám phá một mình, không có chàng chỉ dẫn, tôi vẫn nghe rõ giọng chàng đọc cho tôi nghe. Tôi chỉ thích những gì chàng thích, và tư tưởng tôi rập theo khuôn mẫu tư tưởng chàng, cho đến nỗi tôi không cách gì phân biệt được, thôi đành hòa chung làm một vậy. Đôi lúc tôi gắng viết thật dở để thoát khỏi sức lung trạo của tiết điệu chàng; nhưng chống lại chàng, cũng là còn lưu tâm ý với chàng. Tôi quyết định từ nay trong một thời gian, chỉ đọc kinh thánh mà thôi (và có lẽ l'Imitation nữa) [2] và chỉ ghi thường nhật vào trong cuốn sổ này cái tiết nào quan trọng trong Kinh Thánh mà thôi.

Tiếp theo là cái loại "Bánh ăn thường nhật" và từ đó trở đi, tiếp theo mỗi ngày tháng ghi, lại có mỗi tiết Thánh Kinh... Tôi chỉ chép ra đây những tiết nào nàng có chú thêm vài lời bàn luận.

20 tháng 7

"Bán hết mọi thứ ngươi có, và đem phân chia cho kẻ nghèo". Tôi hiểu rằng phải chia cho kẻ nghèo quả tim mà tôi chỉ dành riêng cho Jérôme. Và có phải như vậy là đồng thời chỉ dẫn cho chàng biết phải làm theo? Xin Thượng Đế cho con có đủ can đảm ấy.

24 tháng 7

Tôi đã chấm dứt việc đọc Nguồn Vui Vĩnh viễn. Các loại cổ ngữ kia xui tôi thích thú lắm, nhưng làm cho tinh thần tôi xao nhãng, và cái niềm vui hầu như vô tín ngưỡng mà tôi hưởng thụ được ở trong đó, chẳng có gì liên hệ với cuộc giáo hóa cao viễn mà tôi đã định tìm kiếm trong kia. Đọc trở lại l'Imitation, không đọc trong nguyên bản; tôi phù phiếm thế này, làm sao đọc nguyên bản mà có thể hiểu cho được. Tôi cũng còn muốn là bản dịch tôi đang cầm đọc đừng có mang tên dịch giả, bản dịch thuộc tinh thần Ki Tô Tân giáo, thật vậy, nhưng "thuận ứng theo mọi thanh khí đồng tâm Ki Tô giáo" như nhan đề đã nói. "Ôi! Nếu ngươi biết rõ cái niềm yên vui thanh thản mà ngươi sẽ thu hoạch được, nó sẽ ra như thế nào, và nếu ngươi biết rõ niềm vui mà người sẽ đem lại cho kẻ khác lúc người tiến sâu vào trong đức hạnh, thì ta xin nói quyết rằng người sẽ dốc lòng vào trong công cuộc nọ với mốI tình nồng nhiệt hơn nhiều".

10 tháng 8

Hỡi Thượng Đế, cho dẫu con tha thiết gọi Người với tấm lòng tin trong sáng của tuổi nhỏ, và với giọng lời siêu việt của thiên thần.

Tất cả những điều ấy đến với con, con biết, không phải do Jérôme mà do người.

Nhưng vì sao, giữa Người và con, Người lạI cứ đặt khắp nơi hình ảnh chàng làm chi vậy? Trùng dương thiên tải giữa ngày? Em lên gò đóng di hài vũ dương?

Chỉ còn hai tháng nữa để hoàn thành công việc ấy. Hỡi Thượng Đế! Hãy giúp con!

20 tháng 8

Tôi cảm thấy rất rõ, do niềm sầu tủi của mình, tôi cảm thấy rõ rằng sự hy sinh không thật thành tựu ở lòng tôi. Hỡi Thượng Đế, làm sao giúp con thấy rằng niềm vui ấy là của con nhận nơi Người, niềm vui mà riêng chàng giúp con thấy được.

28 tháng 8

Ôi! Tôi cố công lắm mới đạt tới một thứ đức hạnh tầm thường đó sao! Tôi tự đòi hỏi mình nhiều quá chăng? Không còn đau khổ vì sự đó nữa.

Luôn luôn khẩn cầu Thượng Đế ban thêm sức lực cho, sao đớn hèn thế. Bây giờ, mọi tiếng nguyện cầu của tôi đều ảo não.

2 tháng 9

"Hãy nhìn hoa huệ ngoài đồng..."

Lời nói giản dị ấy sáng nay đã gây cho tôi một nỗi buồn sầu khôn xiết: Không có gì làm khuây khỏa được. Tôi đã ra đồng, và những lời ấy tôi lặp lại liên miên, như đem lệ dồn ngập cả tấm lòng, dâng trào lên mi mắt. Tôi nhìn mãi cánh đồng mênh mông trống trãi, có người nông phu lam lũ trên luống cày... "Những hoa huệ ngoài đồng...". Nhưng, hỡi Thượng Đế, con phải nhìn đâu cho thấy chúng?

6 tháng 9 - 10 giờ đêm

Tôi đã gặp lại chàng. Chàng ở đây, dưới mái nhà này. Tôi nhìn thấy trên nội cỏ ánh sáng từ khung cửa sổ chàng dọi xuống. Trong khi viết những dòng này, chàng còn đương thao thức; và có lẽ chàng nghĩ đến tôi. Chàng không thay đổi; chàng nói thế; tôi cảm thấy thế. Tôi có thể gặp chàng mà giữ được thái độ như tôi đã quyết định đó không? Làm sao cho tình yêu chàng phủ nhận mất tôi đi?...

14 tháng 9

"Ôi! Cuộc trò chuyện đau đớn khôn cùng. Tôi đã cố giả vờ hờ hững, trong khi cả linh hồn đã ngất lịm thiết tha. Trước nay tôi đã cố gắng trốn tránh chàng. Sáng nay tôi đã có thể tưởng rằng Thượng Đế sẽ cho tôi đủ sức để thắng, và lẩn tránh hoài không giáp chiến là tỏ ra yếu hèn. Tôi đã thắng chưa? Jérôme đã bớt yêu tôi rồi chứ? Than ôi! Đó là điều tôi vừa mong mỏi, và vừa lo sợ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy yêu chàng hơn lúc này."

Hỡi Thượng Đế! Nếu cần phải để con chìm đắm mới cứu vớt được chàng thoát khỏi tình yêu con, thì xin Ngài cứ quyết.

"Hãy cứ bước vào trong linh hồn con để mang hết những đau thương của con, và tiếp tục chịu đựng trong con những gì Người còn phải chịu dày vò bởi Khổ Nạn".

Chúng tôi đã nói về Pascal. Tôi đã nói được gì với chàng? Ôi những lời xấu xa, tồi tàn, phi lý. Nếu lúc nói, tôi đã đau xót vô cùng, thì bây giờ, đêm nay, tôi ân hận ăn năn như đã thốt lời bất kính phạm thần. Tôi tìm lại tập Tư Tưởng, ngẫu nhiên bắt gặp đoạn này, thuộc chương Thư Từ gởi nàng Roannez :

"Khi tự ý hân hoan theo gót kẻ lôi kéo mình đi, thì người ta không cảm thấy dây ràng buộc; nhưng khi bắt đầu cưỡng lại và đi ngược chiều, thì người ta đau khổ lắm".

Những lời đó lập tức xui tôi xúc động vô cùng, không cách gì tiếp tục đọc nữa; nhưng khi giở trở lại tập sách lần nữa; bỗng tôi gặp một đoạn tuyệt diệu trước kia tôi không hề biết, và tôi vừa chép lại ở trên đây.

Đến đây là hết quyển đầu của tập nhật ký.

Chắc hẳn quyển tiếp theo bị đốt bỏ, vì trong giấy tờ còn lại, tập nhật ký bắt đầu trở lại ba năm sau; lại ở Fongueusemare - vào tháng chín - nghĩa là một thời gian trước buổi tôi về gặp nàng lần cuối. Những dòng sau mở đầu cho tập cuối.

17 tháng 9

Hỡi Thượng Đế, Người biết rằng con cần có chàng ở bên con, thì con mới đủ sức yêu Người. Hỡi Thượng Đế!

Hỡi Thượng Đế, trả lại chàng cho con, để con có thể dâng Người quả tim con tan nát.

Hỡi Thượng Đế, cho phép con gặp lại chàng một bận nữa thôi.

Hỡi Thượng Đế, con xin cam kết dâng trọn Người linh hồn con; xin Thượng Đế ưng chuẩn cho điều con cầu xin tha thiết. Rồi con sẽ dâng riêng cho Người chút gì còn thoi thóp sống của đời con.

Hỡi Thượng Đế, hãy xá tội cho con, cho lời nguyện cầu cùng khốn này, nhưng con không thể cấm làn môi mình không nhắc đến tên chàng, con cũng không thể làm sao nguôi quên được sầu khổ.

Hỡi Thượng Đế, con tha thiết gọi Người, Thượng Đế đừng bỏ con trong cảnh khốn cùng vô hạn.

21 tháng 9

Tất cả những gì ngươi lấy danh nghĩa ta mà cầu xin Thượng Đế...

Than ôi! Lấy danh nghĩa của Người, con không dám.

Nhưng nếu con không thốt nên thành lời cái điều con ước nguyện, có vì vậy mà Người không biết được cái điều cầu mong tha thiết của lòng con?

Sáng nay, một niềm yên tĩnh lớn. Suốt đêm trường suy tưởng, chiêm niệm, nguyện cầu. Rồi thốt nhiên, dường như từ đâu lan xuống một niềm thanh thản sáng ngời... Tôi liền đi nằm, sợ rằng niềm vui kia chỉ do một sự kích thích thần kinh, tôi ngủ sớm, niềm hân hoan vô hạn vẫn không đổi dời. Suốt buổi sáng nay vẫn còn nguyên vẹn.

30 tháng 9

Anh Jérôme! Hỡi người yêu của em; anh mà em còn gọi: người anh ruột thịt của em, nhưng em còn yêu muôn vàn nhiều hơn một người anh ruột thịt... Biết bao nhiêu lần em gọi tên anh trong vườn cây dẻ gai, anh có biết! Mỗi buổi chiều, lúc mặt trời lặn em ra vườn, qua cánh cửa nhỏ của vườn rau, em men theo lối đi đã bắt đầu mờ tối... Em gọi, và bỗng nhiên anh sẽ đáp lời; anh hiện ra, đấy, chính nơi kia, phía sau mô đất sỏi mà đôi mắt em vội vã nhìn quanh, hay là em nhìn thấy anh ở xa xa, ngồi trên ghế đá chờ em, em không ngạc nhiên một tí... trái lại em lấy làm lạ vì sao không được thấy anh. Caligula của em.

1 tháng 10

Vẫn chưa có gì. Mặt trời đã lặn trên nền trời biêng biếc xanh. Tôi chờ. Tôi biết rằng chẳng bao lâu trên chiếc ghế này tôi sẽ cùng ngồi với người anh yêu dấu... Tôi lắng nghe giọng chàng... Tôi muốn nghe giọng chàng nói đến tên tôi. Chàng sẽ ngồi đấy. Tôi sẽ đặt bàn tay mình trong bàn tay của chàng! Tôi sẽ để trán mình tựa vào vai chàng. Hôm qua tôi có mang theo vài bức thư của chàng ra đọc lại; nhưng tôi không đọc được, vì lòng xao xuyến quá. Tôi cũng có đem theo chiếc thánh giá bằng ngọc tím xưa chàng rất thích mà tôi thường đeo chiều chiều, những ngày hè xưa cũ, mỗi lần muốn chàng còn ở lại, khoan đi.

Tôi muốn trao chàng giữ chiếc thánh giá ấy. Từ lâu tôi mong ước: chàng có vợ; tôi là mẹ đỡ đầu cho đứa con gái đầu lòng của chàng, một cháu bé tên Alissa, mà tôi sẽ giao tặng chiếc thánh giá này... Tại sao chẳng bao giờ tôi dám nói với chàng điều đó?

2 tháng 10

Hôm nay linh hồn tôi nhẹ nhàng và vui sướng như một con chim đã làm xong chiếc tổ ấm ở trên trời. Hôm nay, chàng sẽ đến; tôi cảm thấy thế; tôi muốn nói lớn cho mọi người biết là chàng sẽ về; tôi muốn ghi lại điều ấy ra đây. Tôi không thể che giấu niềm vui được nữa? Cho đến Robert ngày thường lơ đễnh là thế, hôm nay cũng phải để ý. Những câu hỏi của em tôi làm tôi lúng túng không biết trả lời sao. Làm sao tôi sẽ chờ cho đến chiều nay?

Tôi không hiểu dải băng trong suốt nào mở cho tôi thấy hình ảnh của chàng lớn thêm ra ở khắp nơi khắp chốn, và tập trung mọi tia sáng của tình yêu về riêng một điểm nóng bỏng giữa tim tôi.

Ôi! Chờ đợi mệt làm sao!

Hỡi Thượng Đế! Hãy mở rộng trong giây lát trước mặt con những cánh cửa bát ngát huy hoàng của hạnh phúc.

3 tháng 10

Thôi thế là hết! Than ôi, chàng đã thoát ra khỏi vòng tay tôi và đi mất, lẩn mất như một bóng mơ hồ. Chàng đã ở đây! Tôi còn cảm thấy. Tôi gọi chàng. Tay tôi, môi tôi luống công tìm chàng trong đêm tối.

Tôi không thể ngủ cũng không thể nguyện cầu. Tôi trở ra ngoài khu vườn tăm tối. Trong phòng tôi, trong khắp nhà, ở nơi nào tôi cũng thấy sợ hãi; tôi trở ra cánh cửa; phía bên kia, tôi đã đành bỏ chàng một mình; tôi mở cửa, lòng ngập một niềm hy vọng điên cuồng: nếu chàng trở lại! Tôi lên tiếng gọi. Tôi mò mẫm đi trong đêm tối. Tôi trở vào để viết thư cho chàng. Tôi không thể nào đành lòng chịu cảnh giá đơn dằng dặc.

Những gì đã xảy ra? Tôi đã nói với chàng những gì? Tôi đã làm gì? Tại sao lại cứ phải nói mãi về đức hạnh trước mặt chàng? Nó còn chút giá trị nào, cái đức hạnh mà cả tâm hồn tôi chối bỏ; tôi không thành thực nữa; âm thầm tôi tự dối mình với những lời Thượng Đế đặt vào môi tôi. Tất cả những gì tràn ngập tim tôi không chút gì được thốt cả. Jérôme! Jérôme! Hỡi người anh đau đớn! Gần anh, em thấy tan nát cõi lòng, mà xa anh, em chết, tất cả những điều em đã nói, anh chỉ nên nghe những gì mà tình yêu của em đã kể lể với anh thôi.

Xé mất bức thư, rồi viết lại... Bình minh; u ám, ẩm ướt những lệ nhòa, cũng buồn sầu như tâm hồn tôi vậy. Tôi nghe những tiếng động đầu tiên của nông trại... Mọi vật sống dậy. "Bây giờ ngươi hãy đứng lên. Giờ trọng thể đến..."

Bức thư của tôi sẽ không gửi tới chàng.

5 tháng 10

Thượng Đế ghen ghét lắm chi, đã chiếm hết kho tàng của con, còn chần chờ chi nữa mà không chiếm khối tim con. Từ nay không còn gì làm cho nó nóng ấm lại nữa rồi. Người hãy giúp con thắng chút phần hồn phách còn lại của mình. Ngôi nhà này, khu vườn nhắc gợi quá nhiều mối tình xưa, càng gây thêm nhiều đau xót quá. Con muốn trốn đi một nào chỉ còn thấy riêng Thượng Đế mà thôi.

Người hãy giúp con dàn xếp chút của cải mình mà gởi lại cho kẻ nghèo nàn; cho phép con lưu Fongueusemare lại cho Robert, vì con không thể bán nó đi dễ dàng được. Con có viết một tờ di chúc, nhưng con không rõ những yếu kiện cần thiết, và hôm qua con không thể nói chuyện nhiều hơn nữa với vị nô te, vì sợ ông ta sẽ thấu điều quyết định của con mà báo cho Juliette và Robert biết...

10 tháng 10

Tôi đến đây mỏi mệt đến nỗi trong hai ngày đầu phải chịu liệt giường.

Vị thầy thuốc người ta mời đến (ngoài ý muốn của tôi) có nói rằng cần phải chịu một sự mổ xẻ. Phản đối làm gì? Tôi chỉ nói rằng nghe nói đến mổ xẻ tôi kinh sợ quá, và xin chờ khi nào trong người thấy khỏe hơn hãy hay.

Tôi giấu được tên tuổi và địa chỉ của mình. Tôi có gửi trước cho viện điều dưỡng một số tiền khá đầy đủ để người ta chịu nhận tôi, và cho tôi nương náu đến lúc nào Thượng Đế chịu gọi tôi đi.

Căn phòng này vừa ý tôi. Rất sạch sẽ. Tôi ngạc nhiên thấy mình hầu như vui sướng. Ấy vì chính tôi không còn mong đợi gì ở đời nữa. Ấy vì chính bây giờ tôi chỉ còn được phép nghĩ đến Thượng Đế mà thôi, và tình yêu Thượng Đế chỉ thanh cao tuyệt diệu là khi nó chiếm cứ trọn tâm hồn ta.

Tôi không mang theo một quyển sách nào ngoài quyển Kinh Thánh; nhưng ngày nay mọi lời tôi đọc trong Kinh Thánh đều bị át đi trước tiếng kêu nức nở si cuồng của Pascal :

"Tất cả những gì không phải là Thượng Đế, đều không thể nào thỏa mãn niềm kỳ vọng của tôi"

Ôi, mới phàm tục làm sao, cái niềm vui của lòng can dại khờ xưa nguyện ước! Hỡi Thượng Đế! Phải chăng vì muốn thu được tiếng kêu thống thiết kia mà Người đã làm con tuyệt vọng thế này?

12 tháng 10

Hỡi Thượng Đế! Thời trị vì của Người, xin hãy đến. Hãy đến với con! Sao cho riêng Người ngự trị trên tâm hồn con trọn vẹn. Con không còn muốn cân nhắc mặc cả với Người quả tim của con làm chi nữa.

Con mệt mỏi như một kẻ già nua vậy, nhưng linh hồn con còn giữ được trẻ trung thơ dại lạ thường. Con vẫn là đứa bé gái như thuở nào, con bé tươm tất sắp đặt mọi vật trong phòng cho ngăn nắp và xếp lại quần áo thay ra rất hẳn hoi, rồi mới chịu ngủ.

Như ngày nhỏ, bây giờ con cũng muốn chuẩn bị để lìa đời.

13 tháng 10

Đọc lại tập nhật ký trước khi thiêu hủy. "Đối với những tâm hồn cao thượng, gieo rắc ra ngoài niềm hoang mang mình cảm thấy, đó là điều không xứng đáng".

Hình như tôi tưởng đó là lời nói cao đẹp của Clotilde Vaux.

Chính lúc định quăng vào lửa tập nhật ký này, bỗng tôi dừng lại; tôi tưởng như nó không còn là của tôi nữa; tôi không có quyền tước đoạt nó của Jérôme, xưa nay tôi có viết nó, là cũng vì Jérôme, mà tôi viết. Những nỗi lo âu, hoài nghi, sợ hãi của tôi, nay xem thấy không đáng kể nữa, thì chuyện gì mà sợ Jérôme sẽ phải hoang mang. Hỡi Thượng Đế! Làm sao cho chàng đôi lúc bắt gặp thấy trong tập này giọng điệu vụng về của kẻ tha thiết đến điên cuồng muốn giục chàng tiến đến đỉnh cao vời của đức hạnh, mà riêng con đã từng tuyệt vọng không dám tiến lên.

Hỡi Thượng Đế, hãy dẫn con đến nơi tảng đá chênh vênh mà con không thể một mình đạt tới.

15 tháng 10

"Vui, vui, vui, lệ trào vì vui..."

Trên hết mọi niềm vui phàm tục, và vượt xa mọi đau khổ trần gian, vâng, tôi linh cảm niềm vui rạng ngời, siêu việt ấy. Tảng đá chênh vênh mà tôi không thể đạt tới, tôi biết rằng tên nó là: hạnh phúc. Tôi hiểu rằng cả cuộc đời mình là vô nghĩa nếu không để đi tìm đến hạnh phúc... Chao! Hỡi Thượng Đế! Người đã hứa hẹn cho riêng những linh hồn biết khước từ lạc thú và giữ lòng trong sạch thiêng liêng. "Từ nay, như lời Người đã nói, từ nay sẽ được sung sướng, những kẻ nào chết trong lòng Thượng Đế mênh mông".

Con có phải đợi cho đến giờ chết? Chính bây giờ là lúc lòng tin tưởng của con đã thấy lung lay... Hỡi Thượng Đế! Con thống thiết kêu gọi Người, con kêu gọi Người đến kiệt sức. Con đương ở trong đêm tối rợn rùng. Con chờ đợi bình minh. Con kêu gọi Người cho đến chết. Người hãy đến thỏa mãn niềm khát vọng của con. Cái hạnh phúc tuyệt vời lòng con khao khát...Hay là con còn phải tự làm cho mình tin là sẽ gặp... Và giống như con chim nóng lòng chờ đợi, cất giọng ca hát giục giã trước bình minh, kêu gọi hơn là báo tin ngày về tươi sáng, phải chăng con cũng nên hót ngay bây giờ, không cần phải đợi đến đêm tối tan đi, rồi mới hót?

16 tháng 10

Jérôme, em muốn vẽ cho anh niềm vui trọn vẹn.

Sáng nay, bị một lần nôn ọe, tôi rã rời. Tôi cảm thấy mệt mỏi vô cùng, tưởng giờ chết đã đến. Nhưng không. Trong khắp người tôi, một niềm thanh thản lớn ngập tràn; rồi tiếp theo, một niềm hãi sợ xâm chiếm tâm tư, một mối run tê lạnh chạy khắp thể xác và linh hồn; dường như thốt nhiên nhận rõ sự thật của đời mình, và mộng vừa tan vỡ. Dường như đây là lần đầu tôi nhìn thấy những bức tường trơn trụi hãi hùng của gian phòng lạnh lẽo. Tôi run sợ. Đến bây giờ tôi còn viết nữa để an tâm, để tìm chút bình tĩnh. Hỡi Thượng Đế, làm sao giúp con đạt đến cùng mà không lên lời báng bổ.

Tôi không còn đủ sức đứng lên. Tôi quỳ xuống như một đứa bé. Tôi muốn chết; chết ngay bây giờ, chết gấp, chết trước khi còn biết rằng mình quá cô đơn.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] hic memus: đây núi ngàn.

[2] Cước chú: L'limitation de Jésus Christ cuốn sách vô danh, viết về lòng thiêng liêng mộ đạo.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

Tags: #khungcuahep