Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Do Thái


Cảm giác đó cũng được ghi vào nhật ký của tôi vào buổi đêm: tôi gọi nó là "loạn nhịp". Tại sao tôi lại loạn nhịp? Mà nó đã dễ đến như vậy – chỉ cần chị chạm vào chỗ nào trên người tôi là tôi sẽ hoàn toàn rũn rời, mất hết ý chí vậy sao? Đây có phải là hiện tượng điếng hồn mà người ta nói không?

Mà tại sao tôi không chịu cho chị thấy mình đã điếng cả hồn? Bởi tôi sợ chuyện có thể xảy ra sau đó? Hay tôi sợ chị sẽ cười nhạo mình, kể với mọi người, hoặc coi như không bởi cái cớ là tôi còn quá trẻ nên chẳng biết mình đang làm gì? Hay lẽ nào chị có nghi ngờ–mà hễ ai cùng pha mới nghi ngờ như vậy – và có thể làm tới? Tôi có muốn chị làm vậy không? Hay tôi ưng chuyện sống cả đời trong khao khát, miễn là hai chúng tôi tiếp diễn trò chơi bóng bàn này: không biết, không phải không biết, không phải là không không biết? Cứ lặng thinh, không nói gì cả, và nếu bạn không thể nói "được," thì cũng đừng nói "không được," chỉ nói "để sau." Có phải vậy nên người ta mới dùng chữ "có lẽ" trong khi bụng họ muốn nói "được," nhưng lại mong bạn sẽ nghĩ đó là "không" trong khi thực ra họ muốn nói

Làm ơn hỏi tôi thêm lần nữa, rồi một lần nữa đi mà?

Tôi nhớ lại mùa hè ấy, tôi đã luôn phải gắng gượng sống qua từng cơn "hừng hực" và "ngất ngư" đó, vậy mà cuộc đời vẫn ban cho tôi những khoảnh khắc tuyệt vời. Nước Ý. Mùa hè. Tiếng lũ ve sầu đầu giờ chiều. Phòng tôi. Phòng chị. Bao lơn của hai chúng tôi tách thế giới bên ngoài hẳn ra. Gió nhẹ phả qua vườn, len lên cầu thang, vào phòng tôi.

Mùa hè đó tôi bắt đầu thích câu cá.

Bởi vì chị thích.

Thích chạy bộ.

Bởi vì chị thích.

Thích bạch tuộc, Heraclitus, Tristan. Mùa hè đó, tôi đã nghe tiếng chim, ngửi thấy mùi cây, hoặc cảm nhận làn hơi tỏa lên từ dưới đôi chân mình những ngày rực nắng, và bởi giác quan của tôi luôn thính nhạy nên tôi cũng tự động nhận thấy chúng tự động hướng tới chị.

Tôi có thể phủ nhận rất nhiều thứ – rằng tôi thèm chạm vào đầu gối và cổ tay chị khi chúng ngời rạng dưới ánh mặt trời, hầu như chưa từng thấy ai như vậy; rằng tôi thích chiếc quần soóc tennis của chị dường như bị ố mãi một màu đất sét, mà sau nhiều tuần, màu ấy cũng trở thành màu da của chị; thích tóc chị càng ngày càng vàng, bắt nắng ngay cả khi mặt trời chưa mọc hẳn đầu ngày; thích chiếc áo sơ-mi dợn sóng màu xanh dương càng dợn sóng hơn khi chị mặc nó vào những ngày nhiều gió ở sân trong cạnh bể bơi, trên nếp vải là mùi da và mồ hôi, chỉ cần nghĩ tới bấy nhiêu là đủ khiến tôi nung rồi. Tất cả những điều này, tôi có thể phủ nhận hết. Rồi tin vào những lời phủ nhận của mình.

Nhưng có một thứ cho tôi biết có gì đó mạnh mẽ hơn cả mà tôi muốn có từ chị, đó là sợi dây chuyền vàng có mặt ngôi sao Do Thái cùng quyển kinh thánh trên cổ chị.

     Bởi vì vật đó kết nối chúng tôi và nhắc tôi nhớ rằng trong khi mọi thứ vào hùa với nhau để biến chúng tôi thành hai con người khác nhau nhất, thì ít nhất có điều này vượt lên mọi khác biệt.

     Tôi nhìn thấy ngôi sao của chị gần như lập tức vào ngày đầu chị tới nhà tôi. Và kể từ giây phút đó tôi biết rằng điều khiến tôi bối rối và khiến tôi kiếm tìm sự bầu bạn từ chị mà chưa từng mong tìm ra cách ghét chị, điều này lớn hơn bất kỳ thứ gì mà hai chúng tôi có thể mong muốn từ nhau, lớn hơn và do đó tốt hơn tâm hồn chị, thân thể tôi, hoặc chính cõi nhân gian.

     Bắt đầu từ cổ chị cùng với ngôi sao và vật hộ mạng làm lộ chân tướng đó, cũng giống như bắt đầu từ một thứ gì đó phi thời gian, cổ xưa, bất tử trong tôi, trong chị, trong cả hai, van nài được làm sống lại, được khơi thức từ trong giấc ngủ ngàn năm.

Điều đánh đố tôi là chị dường như không quan tâm hay nhận ra là tôi cũng đeo sợi dây chuyền ấy. Cũng như rất có thể chị vừa không quan tâm, vừa không nhận ra mỗi lần mắt tôi nhìn dọc theo chiếc áo choàng tắm và cố mường tượng ra đường nét của vật biến chúng tôi thành hai kẻ thân thuộc giữa chốn xa lạ.

Ngoại trừ gia đình tôi, rất có thể chị là người Do Thái duy nhất khác từng đặt chân tới B. Nhưng không như nhà tôi, chị cho bạn thấy điều đó ngay từ đầu. Nhà tôi không phải dân Do Thái lộ liễu. Chúng tôi mang dấu hiệu Do Thái giáo như mọi người khác trên khắp cõi đời: dưới lần áo, không giấu giếm, nhưng được cất đi. "Do Thái giáo thận trọng," như lời mẹ tôi nói.

     Việc nhìn thấy ai đó hiển lộ là theo Do Thái giáo trên cổ như Lalisa làm lúc chị chụp một trong những chiếc xe máy của chúng tôi rồi phóng vào phố, áo phanh rộng khiến chúng tôi sốc ngang ngửa với chuyện việc ấy cho thấy chúng tôi có thể làm y hệt mà chẳng bị gì cả.

     Tôi thử bắt chước chị vài lần. Nhưng tôi e dè quá đỗi, giống như một người cố cảm thấy tự nhiên trong lúc trần truồng đi loanh quanh trong căn phòng khóa kín, để rồi rốt cuộc bị hưng phấn bởi chính sự trần truồng của mình. Trong phố, tôi thử phô dấu Do Thái giáo với thái độ khoe khoang thầm lặng, mà thái độ này xuất phát từ nỗi ngượng ngập kìm nén hơn là sự hung hăng. Không phải chị. Đâu phải chị không nghĩ tới chuyện chị là dân Do Thái, hoặc tới cảnh sống của dân Do Thái trong một đất nước Công giáo. Thi thoảng chúng tôi chỉ nói về mỗi chuyện này vào những buổi chiều dài thượt, khi cả hai đặt công việc qua một bên và thoải mái trò chuyện, trong khi người nhà tôi và khách khứa đều đã lảng vào các phòng ngủ trống để ngơi nghỉ vài giờ. Chị đã sống đủ lâu nơi những thị trấn nhỏ vùng New England để biết cái cảm giác người Do Thái lạc lõng.

     Nhưng Do Thái giáo chưa bao giờ gây khó cho chị như nó gây khó cho tôi, và nó cũng không phải một chủ đề gây khó chịu trường cửu, siêu hình với chị và cõi đời. Nó cũng chẳng dung dưỡng lời hứa thệ bí ẩn, ngầm hiểu nào về tình huynh đệ mang tính cứu rỗi. Và có lẽ đây là lý do chị không bị khó chịu với chuyện là người Do Thái. Chị ổn thỏa với bản thân mình, cái cách chị ổn với cơ thể, với diện mạo, với cú đánh bóng tay trái tuyệt hảo, với những lựa chọn sách, nhạc, phim, và bè bạn. Chị ổn với chuyện mất cây viết Mont Blanc được thưởng.

"Tôi mua một cây khác giống vậy là được."

Chị cũng ổn với chuyện bị phê bình. Chị cho cha tôi xem vài trang mà chị tự hào viết được. Bố tôi nói với chị rằng những nhìn nhận của chị về Heraclitus là sáng suốt, nhưng cần viết lại cho rốt ráo, rằng chị cần chấp nhận bản chất nghịch lý trong cách tư duy của triết gia, chứ không chỉ đơn giản giải thích nó. Chị ổn với chuyện viết lại cho rốt ráo, chị ổn với chuyện nghịch lý. Trở lại tấm bảng vẽ, chị cũng ổn với tấm bảng vẽ. Chị mời người cô trẻ của tôi đi tâm tình lúc nửa đêm trên chiếc xuồng máy của chúng tôi. Người cô từ chối. Chuyện đó ổn.

Vài ngày sau chị lại mời, bị từ chối lần nữa, rồi lại coi như không. Cô chịu quá đi chứ, và nếu mà cô ở với chúng tôi thêm một tuần thì rất có thể cũng chịu ra biển để tâm tình lúc nửa đêm, dễ có khi tới tận lúc mặt trời mọc.

Ngay trong những ngày đầu ấy, duy có một lần tôi có cảm giác cái chị hăm bốn tuổi cương quyết, tử tế, thoải mái, ngoài tầm kiểm soát, bình thản, tỉnh bơ này, chị ta ổn với bao nhiêu chuyện trong đời, nhưng thực ra lại là một người xét đoán tính cách và tình hình rất chi tỉnh táo, lạnh lùng và sắc sảo. Cái gì chị làm cũng được tính toán thâm sâu. Chị nhìn thấu suốt mọi người, nhưng chị nhìn họ chuẩn xác vì cái đầu tiên chị tìm kiếm ở những con người chính là cái điều chị đã thấy trong chính mình và không muốn kẻ khác thấy.

Có lần mẹ tôi bực dọc biết được rằng chị là một tay chơi bài poker siêu hạng, hay lén xuống phố lúc đêm khoảng hai lần mỗi tuần để "làm vài ván". Đây là lý do chị nhất mực mở tài khoản ngân hàng ngay ngày đầu tiên tới đây, điều khiến chúng tôi sửng sốt. Không người dân nào trong vùng từng mở tài khoản ngân hàng. Hầu hết đều nghèo kiết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top