Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 15: Màu sắc của lời nói dối


Trong thời gian dưỡng thương ở lại văn phòng của bố, Thảo An đóng vài vai trò cùng một lúc, vừa là cô chủ nhỏ của ông chủ, vừa là nhạc sĩ Nguyệt, vừa là con gái của bố, vai trò nào Thảo An cũng thích, cũng hưởng thụ, nhưng cô thích làm con gái của bố nhất.
Ông Hải ngày ngày được gần con gái, tâm trạng làm việc không tệ, vậy nên dù Thảo An luôn giục bố về sớm với “cô” và các em thì ông Hải vẫn một mực kiếm cớ phải tăng ca. Không muốn ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của bố nên ở lại 3 tuần cô dứt khoát trở về sống với mẹ. Khi mẹ Thảo An nhìn thấy tình hình chân của cô thì cô chỉ đáp đi chơi không may bị va chạm.
Thảo An cuốn kén ở nhà thêm vài tuần rồi cô bắt đầu đi làm. Cô làm công việc thiết kế nội thất cho một công ty nội thất chuyên về những căn hộ nhỏ cho những người độc thân hoặc những cặp vợ chồng trẻ mới cưới. Đây cũng là phân khúc đối tượng mà Thảo An cảm thấy hứng thú. Tuy rằng thiết kế nội thất cho đối tượng này, lương không quá cao nhưng nó mang lại nhiều niềm vui và kiến thức cho Thảo An. Ở nước ngoài bốn năm, thăm thú nhiều nơi ở Châu Âu, Thảo An cũng học tập được nhiều trong nghệ thuật kiến trúc của họ nơi đến những ngôi nhà nhỏ bé ở những vùng quê yên bình cũng xinh đẹp như bức tranh thường xuất hiện trong truyện cổ tích. Thảo An vô cùng thích công việc này, cô nhạc sĩ nhỏ thường phải mặc đồ bảo hộ đến công trường thi công thăm nom nhưng trông cô lại vô cùng có phong thái.
Làm việc trong môi trường ấy, lại ở một mình bao nhiêu năm, Thảo An quyết định cũng nên có một tổ ấm cho riêng mình. Cô muốn dọn ra ngoài sống, cô sẽ tự tay thiết kế không gian sống, tự tay chăm chút nơi mà cô thuộc về, đó cũng chính là mái nhà của cô. Thảo An quyết định có thể rồi cô sẽ đi nữa, nhưng khoảng thời gian này cô nên dừng lại đã. Giờ ông bà đã có tuổi, cô muốn ở bên họ nhiều hơn. Hơn nữa cô cũng trưởng thành rồi, mẹ không ép buộc cô nữa, cũng không còn gì mà ép buộc nữa.
Thảo An tìm được một căn studio nhỏ, tiền cô kiếm được khi ở Ý đủ để trả lần đầu, phần còn lại sẽ trả góp. Lần đầu tiên trong đời Thảo An biết đến cảm giác của gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên đôi vai, cô càng biết ơn mẹ và bố hơn, càng thương họ nhiều hơn.
Dù bộn bề với công việc thiết kế nội thất, Thảo An chưa một phút lơ là âm nhạc. Âm nhạc giống như hơi thở của cô vậy, nhịn đói còn có thể cầm cự, nhịn khát còn có thể cầm cự nhưng nhịn thở thì không. Cô vẫn sáng tác đều, và trong căn studio nhỏ của cô còn có thêm một chiếc đàn piano. Thảo An chính thức gia lập tầng lớp trí thức “tiểu tư sản”.
Cuộc sống của Thảo An vẫn luôn nhạt nhẽo và như một vòng tròn khép kín. Cô đi làm, luyện đàn luyện thanh, sáng tác, thỉnh thoảng cuối tuần cô về thăm ông bà, về thăm mẹ, cùng gia đình bố ăn cơm. Cô có giao thiệp với đồng nghiệp nhưng không gia nhập hội tán dóc hay dạo phố. Lối sống của cô vô cùng khó phá vỡ, rất khó có người có thể chen chân. Thỉnh thoảng cô sẽ gặp gỡ Vũ Ninh, anh là người bạn hiếm hoi có thể để Thảo An mở lòng, tuy nhiên cô cũng không ở cạnh anh nhiều. Giờ Vũ Ninh đã là một ca sĩ có tên tuổi, bông hoa cũng mong được đứng cạnh anh ta để được thơm lây, nhưng cô chỉ là ngọn cỏ, một ngọn cỏ muốn tránh xa si cuồng và được sống bình yên. Sống một thời gian như thế, Thảo An thấy cuộc sống của mình vẫn còn có lỗ hổng. Nó giống như một mái nhà tranh bị lọt gió vậy, nó khiến cô lạnh, nó khiến cô cảm thấy cô đơn, vậy nên Thảo An phải tìm cách bịt lại những lỗ hổng đó. Sống 4 năm ở Ý cô đã quen với việc phải làm việc luôn tay luôn chân, hạn chế không gian và thời gian trống sẽ giữ cho Thảo An khỏi cảm thấy lạc lõng, giờ đã quay trở lại với công việc, Thảo An phải làm việc theo “cữ” như vậy, có thời giản rảnh khiến cô cảm thấy “thiếu” một chút gì đó, cuộc sống chưa trọn vẹn. Thảo An đi hát ở những quán Café vào ban đêm. Đồ trang điểm của cô còn nhiều như vậy, không dùng thì rất uổng, Thảo An tự nhủ, vậy nên trước mỗi lần lên sân khấu cô đều vẽ vời cho mình một diện mạo khác. Giờ cô đã có kinh nghiệm, đã quen tay rồi, một khi cô đã dịch dung thì không ai có thể nhận ra cô, bố mẹ cũng không thể nhận ra cô.
Dựa vào trình độ chuyên môn của Thảo An và vị thế của ông Hải, nếu Thảo An muốn đặt chân vào sự nghiệp âm nhạc, con đường cô đi hẳn là sẽ xuôi chèo mát mái, tiền đồ vô lượng, nhưng cô không đi con đường ấy. Cô hát chỉ vì cô muốn hát, và vì cô cảm thấy cô đơn. Mới đầu khi cô mới đi hát, Thảo An cũng chỉ là một nhân vật nhỏ bé, sẽ bị chèn ép. Người chèn ép cô cũng không hẳn là ca sĩ có tên tuổi gì, họ chỉ là những con ma cũ. Đôi khi họ lên mặt với cô bởi vì họ cũng cần một chút khẳng định, không khẳng định được bản thân trong lòng người nghe, vậy thì thỉnh thoảng giải tỏa một chút trước mặt đàn em. Có người thì chèn ép Thảo An để được “lên sóng” nhiều hơn một chút, hoặc là để có được thời gian biểu diễn thuận lợi hơn, vì khung giờ “vàng”. Tuy nhiên Thảo An chưa một lời oán thán, lúc người ta chèn ép cô, cô luôn vui vẻ. Cô còn rất chân thành mà chỉ ra sự tán thưởng của cô đối với phần trình bày của họ, chỗ nào họ hát có điểm nhấn, chỗ nào họ hát có cảm xúc, chỗ nào họ để lại dấu ấn riêng, trang phục của họ, biểu cảm của họ trên sân khấu….tất tần tật những gì có thể khen Thảo An đều nhiệt tình khen, và khen rất thật lòng. Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Lâu dần những con ma cũ cũng không còn là ma nữa, ít nhất trước mặt Thảo An họ luôn cảm thấy hổ thẹn, họ thấy được tài năng của cô. Dù hát vào khung giờ nào thì sự biểu diễn của cô cũng luôn được đón nhận, nếu cô biểu diễn cuối cùng thì khách cũng sẽ chờ cô hát khúc hạ màn, họ mê đắm tiếng hát của Thảo An. Tiền bối cũng thấy mình không đáng mặt, đến khi nhận ra nhận xét của cô cũng có thể khiến họ tiến bộ, họ luôn nể phục và tôn trọng Thảo An, luôn luôn muốn một lời khuyên từ cô. Về phần Thảo An, cô đi hát không phải để tranh đoạt, đó là một sự hưởng thụ. Cô hưởng thụ sự hưởng thụ của thính giả, cũng hưởng thụ không gian âm nhạc, hưởng thụ tiếng hát của những ca sĩ khác, tất cả đối với cô đều trân quý. Một ngày mới của Thảo An bắt đầu từ lúc sáng sớm đến khi đêm khuya. Cái nọng cằm ông Hải chăm chút mãi mới có được giờ lại bị tan dần. Ông Hải nhiều lúc nghĩ ông hoàn toàn có thể để con gái ông chân tay không dính nước, làm một cô công chúa nhỏ không tốt sao, sao phải vất vả như vậy. Ông luôn muốn con gái ông có thể tùy hứng, có thể an nhàn. Tuy nhiên Thảo An không nghĩ vậy. Đối với cô người nghiêm túc và say mê lao đông là người có sức hấp dẫn nhất. Khi có thể đóng góp và tạo ra một giá trị gì đó, con người mới có giá trị, sống có ý nghĩa. Cô cười dịu dàng và nũng nịu trêu bố: “Bố có biết vì sao con thần tượng nhạc sĩ Hải không? Bố tưởng vì ông ấy là bố con nên con hâm mộ à? Không hề. Bố tưởng vì ông ấy đẹp trai nên con hâm mộ à? Không hề. Con hâm mộ ông ấy vì ông ấy tài hoa, lại luôn nghiêm túc và nỗ lực trong công việc, luôn làm việc đầy say mê. Đó chính là lúc bố “mê người” nhất”. Ông Hải chịu con gái, nhưng chủ nghĩa đàn ông trong lòng không cho phép ông thay đổi, ông vẫn muốn con gái có thể nhận sự hậu thuẫn từ mình, bớt tự giày vò. Trái ngược lại với ông Hải, mẹ Thảo An vô cùng coi trọng sự nghiêm túc trong công việc. Bà không yêu cầu quyền cao chức trọng, nhưng một khi làm việc phải chuyên tâm, phải có chuyên môn tốt và phải “thành kính” với tri thức. Bà luôn cảm thấy mãn nguyện và tự hào khi nhìn thấy thái độ làm việc nghiêm túc của Thảo An. Con người có thể không cần phải đội đá vá trời, dời non lấp biển, nhưng phải là một người có giá trị, có cống hiến, có đóng góp. Về điểm này thì Thảo An luôn đồng tình với mẹ, cô không cho rằng sự tồn tại của nữ giới trong công việc chỉ là tạm bợ, làm để cân bằng giới tính, cô làm việc vì giá trị thực thụ cô có thể mang lại cho cuộc đời. Hơn 20 năm sống của cô, quãng thời gian này đối với cô là có giá trị nhất từ trước tới giờ.
Đúng như Thảo An nói, con người nghiêm túc làm việc, tận tâm cống hiến và luôn khiêm tốn học hỏi tỏa ra một sự lôi cuốn vô hình rất khó phủ nhận. Dù mặc bộ đồ bảo hộ lao động khi đi kiểm tra công trình đang thi công hay mặc những bộ váy diễm lệ để đứng trên sân khấu dưới ánh đèn mờ ảo, Thảo An luôn tỏa ra một sức hấp dẫn vô hình. Hôm ấy là một buổi tối mùa hè, Thảo An ngồi ở quán Café, cô đã trang điểm và mặc trang phục biểu diễn, tuy nhiên chưa đến lượt cô lên sân khấu nên cô vẫn ngồi một góc khuất vừa nghe nhạc vừa sửa bản thiết kế trên laptop. Ở đằng xa có một người đàn ông, lỡ nhìn Thảo An một ánh mắt mà như bị nam châm hút chặt lại, không thể rời. Anh ta không nhìn thấy khuôn mặt của cô, anh chỉ nhìn được phong thái kiều mị của cô. Nó có chút gì đó rất quen thuộc nhưng lại mang vẻ thành thục xa lạ. Anh nhìn cô không chớp mắt. Đến khi nghe thấy tiếng hát của cô thì anh càng thêm bị cuốn hút. Giọng hát này chính là giọng hát mà anh đã từng được nghe. Cố nhân, lâu rồi không gặp em. Giữa biển trời xuôi ngược tấp nập này cuối cùng cũng đã có duyên gặp lại.
Thảo An chuẩn bị ra về, hôm nay phần biểu diễn của cô xong sớm. Xách đồ rời đi, Thảo An bất thình lình bị chặn lại ở lối ra. Trời lúc này chưa khuya, bảo vệ thì ở ngay đó, Thảo An cũng không có gì vội vã. Cô ngẩng đầu nhìn anh, cười rất hiền lành hỏi “nhường đường có được không?”. Người đàn ông vô cùng ngạc nhiên trước sự bình thản và thân thiện của cô. Trước hành động lỗ mãng như thế này, nhiều người sẽ không giữ được bình tĩnh mà nổi nóng. Anh mỉm cười, đúng là khí chất ấy, giọng hát ấy không thể được hát lên bởi một con người có khí chất tầm thường. Người đàn ông không vòng vo. Hơn 4 năm anh tưởng niệm giọng hát của cô, tiếng đàn của cô, vậy nên anh cũng không muốn phí thời gian vào những lời vô nghĩa, liền biểu lộ sự ngưỡng mộ của mình một cách trực tiếp và khí khái. “Tôi gặp em 4 năm trước một cách vội vàng, đựơc thưởng thức tài năng của em trong chốc lát, từ đó luôn tâm niệm được gặp lại tiếng hát ấy. Trái đất tròn, tôi không nhận ra em bằng diện mạo, nhưng tiếng hát của em với tôi vô cùng thân thuộc. Tôi mến mộ em lâu như vậy, có thể đặc cách cho tôi được quen biết với em không?”. Thảo An mơ hồ nhận ra anh, dường như anh để lại cho cô một chút ấn tượng. Tin vào trực giặc, Thảo An mỉm cười gật đầu. Thảo An kiệm lời, nhưng luôn dứt khoát. Người đàn ông lạ vô cùng thích thú sự sảng khoái của cô. Cô là một người rất đặc biệt, rất mẫn tiệp và không vòng vo. Chỉ cần cô đã nhận định là “có thể”, vậy thì hẳn là sẽ không có vấn đề. Người đàn ông lạ giới thiệu, anh tên là Dũng, Thảo An cũng thuận miệng nói với anh cô tên là Minh Trang. Cô dùng tên đi hát là Minh Trang. Anh xin cô số điện thoại, cô cũng không ngần ngại cho anh số điện thoại. Đó là số điện thoại cô dùng từ lâu, khi mới 10 tuổi bố cho cô chiếc di động đầu tiên. Khi là Thảo An, là một nhà thiết kế nội thất, cô có số điện thoại khác, tên khác, diện mạo khác, khi là Nguyệt âm thầm sau cánh gà hoặc là Minh Trang trên sân khấu, cô có một số điện thoại khác, một diện mạo khác. Khi Dũng gọi vào số điện thoại của cô lập tức thấy điện thoại kêu, anh biết người con gái này không qua loa mà đối phó với anh, trong lòng không khỏi tán thưởng. Thời buổi này người đơn giản và sảng khoái như cô vô cùng hiếm. Dũng ngỏ lời đưa cô về nhưng Thảo An dứt khoát từ chối, anh chưa đủ tư cách để bước vào thánh địa của cô. Dũng hiểu rằng người con gái này đặc biệt, cô nói có nghĩa là có, nói không thì chắc chắn là không, không cự nự để được ve vuốt, cũng không lấy lùi làm tiến, vô cùng rõ ràng. Thái độ sống này bây giờ rất khó tìm. Cái tai anh chọn người không tồi, Dũng nghĩ.
Trên xe ô tô về nhà, Thảo An không khỏi mỉm cười. Cô không cố tình lừa gạt anh. Anh muốn làm bạn với cô, cô hiểu được tâm ý của anh, vậy thì cô để anh làm bạn, để cho anh có thể có một cái tên để gọi cô, cho anh một phương thức để liên lạc với cô. Nhưng anh không thể toàn bộ đi vào thế giới của cô. Thế giới của cô màu gì? Thế giới của cô màu trắng. Ở đó có toàn những lời nói dối màu trắng. Thảo An là một cô gái thật thà và thẳng thắn, cô chưa từng lừa lọc ai, nhưng cô gái ấy nói dối không đổi sắc mặt, nói dối có kinh nghiệm, nói dối có thâm niên. “White lies”, đó là nội thất trong thế giới riêng của cô.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top