Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 11: Đường Âm Dương

Từ Giang Thành đi ra, dọc đường xe phóng như bay, khi trời sắp tối, tôi nhìn thấy một tấm bia đá, trên viết ba chữ: Cửa Thanh Ô. Lần trước, khi đi về cùng Lâm Tiểu Ngộ, trời đã tối, tôi không hề nhìn thấy tấm bia đá này; hôm nay nhìn thấy mới nhớ lại, nhà của Tần Ái Ni có lẽ ở lưng chừng núi.

Vừa nhớ đến Tần Ái Ni, trái tim tôi bỗng dưng nảy lên một nhịp.

Tôi không biết tại sao mình lại thường xuyên nhớ tới cô gái vốn chẳng hề có liên quan gì đến mình như vậy. Tôi chỉ đóng cho cô ta một cỗ quan tài thôi mà!

Huống hồ, cô ta đã chết rồi, tôi còn tận tay đặt cô vào trong quan tài.

Tôi giảm tốc độ xe.

Từ xa, tôi đã nhìn thấy mấy gian nhà một tầng, và cả cái hồ tiếp nước mui, cho dù có ánh nắng mặt trời, nhưng trông vẫn vô cùng lạnh lẽo.

Mẹ của Tần Ái Ni vẫn sống ở đây, trông coi ngôi nhà của mình?

Tôi từ từ dừng xe lại bên đường, không vội xuống xe, mà nhìn qua cửa kính về phía cánh cửa.

Cảnh cửa khép hờ.

Tôi đang nghĩ xem có nên xuống hay không, nếu như gặp bác giá, cần phải nói những gì, thì thì cánh cửa bỗng hé thêm một chút, bác gái từ sau cánh cửa chậm rãi bước ra.

Khuôn mặt bà tiều tụy, mái tóc bạc trắng.

Ánh mắt có phần mệt mỏi, mờ đục, nhưng vừa nhìn thấy tôi, ánh mắt bà bỗng sáng lên chút ít.

- Bác gái... - Tôi xuống xe, gọi một tiếng.

- Cậu đến rồi? - Bác gái điềm đạm nói với tôi...

- Cháu đi ngang qua... - Tôi đang nghĩ xem nên nói câu gì - Bác có mỳ không? Cháu xin một bát...

Thực ra, tôi không hề đói.

- Vào nhà đi! - Bà nói khẽ, rồi xoay người đi luôn vào trong nhà.

Tôi đi theo sau bà, bước vào trong, mới phát hiện ra căn nhà vẫn giống hệt như trước đây, không hề thay đổi.

Bác gái lấy cho tôi một chiếc ghế, nói với tôi:

- Cậu nghỉ một lát, tôi nấu cho cậu chút điểm tâm.

Đợi bà đi vào nhà bếp, tôi khẽ khàng đứng dậy, liếc mắt nhìn về căn phòng phía đông. Cửa phòng khép chặt, không nhìn thấy gì cả. Tôi nghĩ, không biết bác gái đã đưa Tần Ái Ni ra ngoài chôn, hay là vẫn ở trong nhà...

Đang lúc suy nghĩ mông Iung, bác gái đã bưng một bát trứng ốp la vào, đặt lên mặt tủ phía trước tôi, cười mà nói:

- Trên núi chẳng có món gì ngon...

- Cảm ơn! - Tôi nói một câu khách sáo.

- Lần trước tôi vẫn chưa cảm ơn cậu, cậu đã đóng cho Ái Ni một chiếc hòm, cậu đúng là người tốt. Đúng rồi, sao lần trước trời chưa sáng hai người đã đi rồi? Hai người thấy sợ phải không? - Bác gái ngồi trong quầy, hỏi tôi.

- Không phải! - Tôi đáp.

- Lần này không thấy vợ cậu đâu? - Bác gái lại hỏi tôi.

- Cô ấy đang đi làm! - Tôi thoáng thẫn thờ, rồi khe khẽ thở dài một tiếng.

Bà cúi thấp đầu, có lẽ tôi nói đến chuyện đi làm đã gợi cho bà nhớ đển con gái mình.

Trứng ốp la rất đỗi thơm ngon, tôi vừa ăn vừa hỏi:

- Bác gái! Làm ăn có tốt không?

Bà lắc đầu:

- Làm ăn tốt hay không cũng chẳng có ý nghĩa gì...Đây là nhà của tôi, tôi phải ở nhà mình...

Tôi chợt hiểu ra ý của bà.

Tôi ăn trứng xong, định trả tiền cho bà, nhưng bà dứt khoát không nhận, khiến cho tôi cảm thấy ngại ngần. Cuối cùng, tôi đành phải cáo từ rồi đi, nhưng lúc tôi lên xe, khởi động kiểu gì xe cũng không nổ máy.

Thật quái lạ!

Mặc dù tôi biết lái xe, nhưng chỉ biết một số cách sửa chữa đơn giản, tất nhiên không thể tìm được ra bệnh.

Loay hoay cả tiếng đồng hồ, tôi nghĩ, chỉ còn cách gọi người đến sửa.

Trong lúc tôi đang tất bật với cái xe, bác gái đứng trước cửa nhìn tôi, cuối cùng hỏi tôi:

- Sao thế? Xe hỏng à? Không sửa được à?

- Không biết là bị làm sao nữa... - Tôi cười nhăn nhó - Lúc nãy vẫn rất bình thường. Phải rồi, bác gái, ở gần đây có thợ sửa xe ô tô không?

- Thôn Cổ Điếm có một thợ sửa xe. - Bà đáp.

- Thôn Cổ Điếm cách đây bao xa? - Tôi hỏi.

- Không xa! - Bà đứng bên hông nhà, đưa tay chỉ - Nếu cậu đi đường cái, hai tiếng đồng hồ mới đến nơi; nếu cậu đi đường mòn, nửa tiếng đồng hồ sẽ tới.

Tôi có ấn tượng về hướng mà bà đang chỉ, phía trước là đường cái vòng quanh núi, có một khúc quanh lớn, cuối khúc quanh là một thôn làng. Thôn này năm ở hai bên đường cái, có vài quán xá, nơi đó chắc hẳn có thợ sửa xe.

Tôi lấy điện thoại ra xem giờ, gần bốn giờ chiều, thời gian vẫn còn kịp.

- Đường mòn đi thế nào? - Tôi lại hỏi bác gái.

- Đi thẳng xuống theo con đường này, là một con đường độc đạo, giữa đường phải băng qua một khe nước, có ụ đá làm cầu... - Bà đáp.

Tôi quyết định đi tìm thợ sửa xe, theo con đường mòn cách nhà bác gái không xa, đi thẳng xuống. Đây là một con đường lát bậc đá, chạy quanh co khúc khuỷu, một bên là núi, một bên là vực, cũng hơi dốc. Đi được mười mấy phút, lại đi lên đường cái, vì đường cái chạy vòng quanh núi, lúc nãy là trên núi, bây giờ đã ở dưới lưng núi rồi.

Băng qua đường cái, lại là đường mòn, đầu đường một tấm bia đá, hay nói đúng hơn, là một tấm biển cảnh báo, bên trên viết: "Hãy lái xe cẩn thận. Ngày 13 tháng 7 năm 1989, một chiếc xe khách lớn đi từ Giang Thành đến Sơn Thành bị lật xuống cửa Thanh Ô, trên xe có bốn mươi tám người, chết bốn mươi sáu người. Vì hạnh phúc của bạn, gia đình bạn và người khác, xin hãy xe cẩn thận."

Vụ tai nạn xe cộ này, tôi từng nghe thấy.

Nghe nói, đó là vụ tai nạn xe cộ đặc biệt nghiêm trọng, thương vong nặng nề, ở Sơn Thành, Giang Thành không ai không biết. Nghe đồn, khi xe khách đi đến cửa Thanh Ô, đã là nửa đêm.

Tất cả hành khách trên xe đều đang say giấc.

Trong xe đột nhiên vang lên tiếng trẻ con khóc ré lên: "Mẹ ơi, con muốn xuống xe, con muốn xuống xe..." Là một đứa bé trai tầm sáu tuổi, bên cạnh nó là bà mẹ trẻ.

- Con ngoan... đừng khóc, còn mười phút nữa là đã đến Cổ Điếm rồi, đến Cổ Điếm chúng ta sẽ xuống xe về nhà... Người mẹ vội vàng dỗ dành đứa bé.

- Không, con muốn xuống xe ngay bây giờ, con muốn xuống xe ngay bây giờ! - Đứa trẻ tiếp tục khóc lóc ầm ĩ. Nó khóc quấy rất dữ dội, mặc kệ người mẹ dỗ dành thế nào, nó vẫn ra sức gào thét.

Tiếng khóc khiến tất cả hành khách trên xe đều tỉnh giấc.

- Tại sao lại muốn xuống xe? - Có người hỏi đứa bé.

- Trong xe có ma! Lời đứa bé khiến mọi người chấn động.

- Ma ở đâu ra? Thằng bé này đúng là bị ma ám! - Hành khách trên xe cười ồ cả lên.

- Này nhà chị kia, dạy dỗ con cho đàng hoàng vào, nuông chiều quen thói, lớn lên không dạy nổi đâu! - Tài xế chắc hẳn tối kỵ nhắc đến chuyện ma quỷ, nghe vậy hơi bực bội, liền trách móc người mẹ trẻ. Chị ta vừa nghe lái xe nói mình nuông chiều con, liền lên giọng cãi vã, kết quả là giận dữ dẫn con xuống xe luôn, đằng nào thì cách nhà cũng chẳng bao xa nữa...

Hai mẹ con vừa xuống xe chưa được bao lâu, cả chiếc xe đã lật nhào xuống vách núi, bốn mươi sáu con người, không một ai toàn mạng.

Câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Hai năm sau, khi người mẹ trẻ đó dẫn con đi qua đoạn đường cái nơi chiếc xe khách năm xưa bị lật, đã bị một chiếc xe tải chở than đâm văng xuống núi, hai mẹ con đều chết thảm.

Sau đó, câu chuyện này được người ta đồn thổi ầm ĩ, nói rằng đứa bé nhìn thấy trên xe toàn là ma, nên khóc lóc đòi xuống xe, thực ra là muốn cứu mạng những người trên xe, nhưng không ai để ý đến nó. Sống chết có số, người ta không thể chết nhầm, người phải chết thì không thể giữ được. Đứa trẻ vì đã tiết lộ thiên cơ, cuối cùng cũng không thể thoát được vận mệnh chết chóc cùng với người mẹ...

Sống chết vô thường. Tôi đứng trước tấm bia, nhớ lại chuyến hành trình đến khe chết chóc ở núi Côn Lôn, bất giác lại nghĩ tới bốn chữ này.

Sau đó, tôi tiếp tục đi.

Chẳng mấy chốc đã xuống đến chân núi. Trước mắt tôi chính là con suối, giữa lòng suối có một dãy ụ đá dàng hàng ngang. Các ụ đá dài khoảng bảy tám thước, cao hơn ba thước, cách nhau chừng hai thước, xếp ngang sông để người ta qua lại, đây chính là cầu ụ đá.

Nước sông gầm thét, cuốn cuộn tung trào.

Bên bờ sông phía này, có một thiếu phụ mặc áo đỏ, bên cạnh chị ta là một cái gùi, đứng cạnh gùi là một thằng bé chừng bảy tám tuối. Thiếu phụ đang ngồi trên tảng đá cho người nghỉ chân bên bờ, tay gạt nước mắt.

Đứa bé ngẩng đầu nhìn thấy tôi, chớp chớp đôi mắt to lay láy.

Thiếu phụ ngẩng đầu liếc nhìn tôi, khuôn mặt đẫm lệ, vô cùng bi thiết.

Tôi thấy thiếu phụ đang khóc, bên cạnh còn có cải gùi và một đứa trẻ, mặc dù qua cầu không phải việc gì khó khăn, nhưng cũng có ý muốn giúp đỡ chị ta.

- Này chị, có muốn qua sông không? Tôi giúp chị mang gùi và thằng bé sang. - Tôi nói.

- Thật ngại phải làm phiền anh! - Thiếu phụ áo đỏ chừng ba mươi tuổi, ngoại hình cũng không đến nỗi.

- Không sao, tôi cũng phải qua sông mà! - Tôi vội nói.

- Sao ơi, nắm chặt lấy tay chú, đi cùng với chú nhé! - Thiếu phụ thấy tôi nghiêm túc, nên cũng đồng ý.

Tôi còn định đeo cái gùi cho chị ta, nhưng thiếu phụ áo đỏ lại lắc đầu, nói:

- Không cần đâu, cái gùi này không nặng, tôi tự mang được.

Tôi cũng không tiện nói gì thêm, bèn dắt tay bé Sao qua sông. Tôi là một người đàn ông khoẻ mạnh, dắt theo một đứa bé, đương nhiên chẳng có gì nặng nhọc, nhoáng cái đã sang đến bờ bên kia. Thiếu phụ áo đỏ vẫn còn ở giữa sông, rón rén bước từng bước một.

- Mẹ ơi nhanh lên, mẹ ơi nhanh lên... - Bé Sao đứng trên bờ gọi.

- Này Sao, mẹ cháu tại sao lại khóc thế? - Tôi tiện miệng hỏi.

- Ông ngoại cháu chết rồi, tối nay canh đêm (canh linh cữu). - Bé Sao chẳng hề tỏ vẻ đau buồn, có lẽ nó vẫn còn là một đứa bé, không hiểu chết có nghĩa là gì.

Tôi im lặng.

- Ông ngoại cháu tên là Lý Hiếu Đức, sửa xe ở Cổ Điếm! - Bé Sao nói.

- Cái gì? - Tôi thầm giật thột. Lẽ nào người thợ sửa xe mà tôi muốn tìm đã chết rồi hay sao?

Tôi đang định hỏi thêm, thì thiếu phụ đã qua tới nơi, liên miệng cảm ơn tôi.

- Này chị, chị đang về Cổ Điếm à? - Tôi hỏi thiếu phụ áo đỏ.

Thiếu phụ gật đầu, mắt đỏ hoe:

- Cha tôi chết rồi...

- Người có sinh lão bệnh tử... -Tôi muốn nghĩ ra lời nào đó để an ủi chị ta, nhưng lại không biết phải nói gì. Lúc này, tôi lại thấy phía bờ kia có năm người đang qua cầu, thoáng chốc đã sang tới bờ bên này, băng qua bên cạnh chúng tôi. Năm người này đều tầm năm sáu mươi tuổi, bốn nam một nữ, đều mặc áo cánh dài màu đen, ai nấy gầy quắt, khuôn mặt trắng bợt, lạnh tanh vô cảm. Hơn nữa, mỗi người đều mang theo một loại nhạc cụ trên lưng, có nhị hồ, tỳ bà, trống, sênh, sáo.

Những người này, âm khí nặng nề.

Tôi sờ lên người mình theo phản xạ. Bình thường, khi đi đường ban đêm, tôi đều thích mang theo rìu và thước Lỗ Ban. Nhưng hôm nay là ban ngày, tôi không mang.

- Họ là phường bát âm đến canh linh cữu cho cha tôi... - Thiếu phụ áo đỏ hạ giọng nói .

Phường bát âm, chính là đội nhạc chuyên đánh gõ thổi những khúc nhạc bi thương rên rỉ sau khi có người chết. Vùng quê tôi cũng có phong tục này, nên tôi cũng không cảm thấy có điều gì quái lạ.

Chẳng mấy chốc, đã nhìn thấy thôn Cố Điếm. Phường bát âm phía trước đã rẽ sang một con đường nhỏ khác, ngoặt qua một ngã rẽ, không thấy đâu nữa.

Thiếu phụ áo đỏ dắt lấy bé Sao từ tay tôi, lễ phép cảm ơn, rồi cũng dẫn thằng bé đi theo họ.

Tôi đi theo con đường còn lại, thêm mấy chục mét nữa đã lên được đường cái. Hai bên đường là vài nếp nhà cũ kỹ, đá xanh, gạch đỏ, ngói biếc, cổ kính, lặng lẽ.

Đường cái xuyên qua giữa thôn. Cửa hiệu đầu tiên phía trước chồng chất mười mấy cái lốp xe cũ nát, trưng một biển hiệu sửa xe, bên trên còn thêm vài chữ: cứu hộ, vá săm...

Một ông già đang ngồi trên ghế hút thuốc lá sợi, bên cạnh ông ta là một chiếc mô tô ba bánh.

- Bác ơi, sửa xe... - Tôi vội đi tới gọi.

Ông lão thủng thẳng ngẩng đầu lên, đưa mắt nhìn tôi, hỏi:

- Xe bị hỏng trên đường à?

Tôi gật đầu lia lịa.

- Phải trả thêm ba mươi đồng tiền cứu hộ. - Ông nói.

- Được!

Ông hỏi qua về tình hình của chiếc xe, đưa hòm đồ lề lên chiếc mô tô ba bánh, bảo tôi lên xe, sau đó lái mô tô đến nhà của Tần Ái Ni.

Trên đường, tôi đưa cho ông một điếu thuốc, hỏi:

- Bác ơi, xin hỏi bác tên họ là gì?

- Tôi họ Lý, tên là Lý Hiếu Đức. - Ông tươi cười trả lời tôi.

Tim tôi đập lên thình thịch:

- Ở thôn Cổ Điếm của bác có đông người sửa xe không?

- Chỉ có một mình tôi, tôi đã sửa xe được mười mấy năm rồi. Cậu yên tâm, xe nào tôi cũng biết sửa, sửa không được không lấy tiền.- Lý Hiếu Đức nói.

- Ở thôn Cổ Điếm của bác có nhiêu người họ Lý không? - Lưng tôi đã bắt đầu rịn mồ hôi lạnh.

- Chỉ có mỗi nhà tôi họ Lý... - Lý Hiếu Đức nói.

Tôi suýt chút nữa đã nhảy vọt khỏi xe. Lúc nãy rõ ràng tôi gặp một thiếu phụ áo đò, con trai chị ta nói ông ngoại tên Lý Hiếu Đức, làm nghề sửa xe ở thôn Cổ Điếm, đã chết rồi, thậm chí cả phường bát âm cũng đã đến, lẽ nào...

Lẽ nào ở gần thôn Cổ Điếm còn có một người nữa tên Lý Hiếu Đức, cũng làm nghề sửa xe, vừa mới chết?

Tôi cứ suy nghĩ bấn loạn, Lý Hiếu Đức cho rằng tôi sốt ruột, bèn nói với tôi:

- Yên tâm, một lát nữa là đến rồi, nếu như hỏng hóc không nặng, chẳng mấy mà sửa xong...

- Cháu không vội... - Tôi gắng gượng nặn ra một nụ cười. Vào giây phút này, tôi biết nụ cười của mình còn khó coi hơn cả khóc.

Lý Hiếu Đức đi xe không nhanh. Khi đi ngang qua tấm bia cảnh báo, ông dừng xe lại, nhìn tấm bia đá, rồi bỗng thở dài một tiếng:

- Này anh bạn trẻ, lái xe quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn!

Tôi gật đầu:

- Bốn mươi sáu người, thương vong thật thảm khốc - Lý Hiếu Đức bỗng lắc đầu:

- Không phải bốn mươi sáu, mà là bốn mươi tám người...

- Còn hai người nữa là ai? - Tôi đã biết rõ, nhưng vẫn cố tình hỏi.

Lý Hiếu Đức nhìn sững tấm bia đá, thở dài một tiếng:

- Còn có con gái Lý Linh và cháu ngoại Sao của tôi… Hai năm sau đó, hai mẹ con nó cũng bị xe đâm văng xuống vách núi ở cùng một chỗ...

Ông trời ơi! Quả tim của tôi như sâp bắn vọt ra ngoài. Thiếu phụ áo đỏ và thằng bé tên Sao tôi gặp lúc ban ngày, tự xưng là cháu ngoại của Lý Hiếu Đức, còn nói ông ngoại của nó đã mất, họ trở về nhà để đưa ma. Họ rõ ràng đã chết rất nhiều năm, tại sao lại cùng đi với tôi? Còn người mà họ nói là đã chết, thì lại đang ngồi cùng xe với tôi...

Lẽ nào, đây chính là đường âm dương trong truyền thuyết?

- Bác ơi, bác bao nhiêu tuổi rồi? - Tôi lại hỏi.

- Năm nay bảy mươi ba rồi... - Lý Hiểu Đức lẩm bẩm.

- Nếu con gái tôi vẫn còn sống, năm nay nó đã năm mươi ba, cháu ngoại tôi cũng hai mươi tám!

Lý Hiếu Đức tiếp tục lái xe, đến trước cửa nhà Tần Ái Ni, bác gái đã lau rửa chiếc xe của tôi sạch bóng. Tôi nói lời cảm ơn, bà chỉ cười lặng lẽ, không nói năng gì.

Trước tiên, Lý Hiếu Đức kiểm tra một hồi, rất nhanh chóng, ông đã sửa xong. Tôi trả cho ông một trăm đồng, Lý Hiếu Đức nhất quyết trả lại tôi năm mươi đồng, sau đó thu dọn đồ lề trở về.

Xe của tôi đi sau xe của Lý Hiếu Đức.

Đến Cổ Điếm, trời đã sập tối, xám mờ mịt một màu.

Tôi muốn nghĩ lại Cổ Điếm một đêm,

Cổ Điếm có một quan trọ, biển hiệu là quán trọ Thuận Phúc.Từ ông chủ đến tạp vụ quán trọ đều là một người khoảng sáu mươi tuổi, đeo một cặp kính lão, đội mũ vỏ dưa, để ria chữ bát, người gầy guộc, mặc tấm áo dài màu
xám, cứ như vừa mới bước ra từ thời cổ đại, tên là Vương Thuận Phúc.

Quán trọ này có khu trước và khu sau, không hề nhỏ, khu trước có đến mười phòng khách. Giữa khu trước và khu sau có một cánh cửa, trên cánh cửa có một ổ khoá đồng lớn, đã gỉ sét loang lổ, thoạt nhìn đã biết được khóa
nhiều năm.

Vương Thuận Phúc dẫn tôi lên phòng số sáu ở tầng hai, vừa mở cửa nhìn, đã cảm thấy một luồng lạnh lẽo. Bên trong có một chiếc bàn, hai chiếc ghế, một chiếc giường, là chiếc giường khung kiểu dáng cũ kỹ, treo sẵn cả màn.Trên bàn có một ngọn đèn bão, hình thù vuông vắn,bên ngoài có một khung sắt, bốn phía che kính, kính đã sạm đen, rõ ràng niên đại đã rất lâu đời.

Vương Thuận Đức nói:

- Cổ Điếm không có đèn điện, chỉ có loại đèn chiếu sáng này thôi.

Tôi cũng không nói gì thêm.

Vương Thuận Đức hỏi tôi:

- Quý khách muốn ăn gì không? Quán trọ có mỳ, bò sốt, đậu phụ khô, đậu phộng, còn có rượu khoai lang...

Tôi nói:

- Mang hết lên, làm nhiều một chút, thịt bò sốt cho đĩa to.

Vương Thuận Đức gật đầu:

- Tôi làm xong sẽ mang lên phòng cho anh.

Tôi gật đầu.

Trời đã tối hẳn, trên trời không có bóng trăng, cũng chẳng có ánh sao.

Vương Thuận Phúc mang những thứ tôi đã gọi vào phòng, tôi liền mời ông ở lại cùng uống rượu. Vương Thuận Phúc cũng không từ chối, vui vẻ cùng ăn thịt, uống rượu với tôi.

Thú thật, thịt bò sốt và đậu phụ khô thơm ngon tuyệt vời.

- Bác ơi, quán trọ này hẳn cũng lâu năm rồi nhỉ? - Tôi đưa cho ông một điếu thuốc.

Vương Thuận Phúc chậm rãi gật đầu:

- Nhà họ Vương chúng tôi mở quán trọ ở đây đã được hơn trăm năm rồi. Nơi đây từng là con đường cái quan, buôn bán phồn thịnh một thời, nhưng gặp lúc chiến loạn, đã thành ra suy tàn. Bây giờ, phần lớn mọi người trong thôn đều đã dời lên thành phố, mấy đứa con của tôi đã chuyển đến Giang Thành hết cả. Thôn Cổ Điếm bây giờ, nhiều nhất chỉ còn vài chục người. Thế mà nơi đây đã từng là một thôn lớn có tới gần nghìn nhân khẩu...

Tôi khẽ cười:

- Bác cũng nên theo các con lên thành phố hưởng phúc mới đúng!

Vương Thuận Phúc cười khẽ:

- Người mệnh khổ, không hưởng nổi phúc, đã sống ở đây mấy chục năm trời, không nỡ rời đi!

Tôi vội nói:

- Tình quê sâu nặng mà!

Vương Thuận Phúc uống một chén rượu, nuốt cạn nỗi buồn.

- Bác này, khi tôi đến có nhìn thấy một tấm bia đá, trên bia đá viết có một chiếc xe khách bị lật xuống vực, bốn mươi sáu người thiệt mạng... - Tôi thử thăm dò.

- Còn không à? Rất thảm khốc! Xác chết la liệt đầy đất, mấy trăm người trong thôn của tôi đều phải xuống vực khiêng xác chết... - Vương Thuận Phúc giống như trở về với hiện trường tai nạn năm đó.

- Nghe nói khi đó có một đứa bé và một người mẹ trẻ xuống xe trước? - Tôi ngần ngừ một lát mới hỏi.

Vương Thuận Phúc gật đầu nặng nề:

- Chẳng thế? Chính là con gái và cháu ngoại của Lý Hiếu Đức thôn Cổ Điếm chúng tôi...

- Lý Hiếu Đức là thợ sửa xe phải không? Hôm nay xe của tôi bị hỏng trên đường, đã nhờ bác ấy đến sửa, nhà bác ấy ở ngoài thôn! - Tôi nói.

- Nhà ông ấy là nhà đầu tiên ở phía đông thôn...

- Nhà bác ấy hôm nay có việc phải không? - Điều mà tôi muốn biết chính là phường bát âm kia, họ nói là đến nhà Lý Hiếu Đức.

- Hình như là không! Mới chiều nay tôi còn hút thuốc với Lý Hiếu Đức, không thấy ông ấy nói trong nhà có việc. - Vương Thuận Phúc lắc đầu - Tôi và Lý Hiếu Đức từ nhỏ lớn lên cùng nhau, ông ấy có việc gì cũng đều nói với tôi!

Tôi không hỏi gì thêm nữa, nhưng tôi đang nghĩ, phường bát âm kia hẳn cũng không phải con người. Họ là đội nhạc đến từ một thế giới khác, đã đi cùng một đoạn đường với tới...

Tôi chuốc cho Vương Thuận Phúc khá nhiều, hai bên trò chuyện rất tâm đầu ý hợp. Sau đó, Vương Thuận Phúc không uống thêm nổi nữa, ông xách lấy ngọn đèn, tôi dìu ông chệnh choạng xuống cầu thang.

- Anh bạn trẻ, tôi phải đi ngủ đây, đã lâu lắm rồi không uống như thế! Cậu cũng nghỉ sớm nhé! - Vương Thuận Phúc đi vào phòng mình, ngoảnh khuôn mặt đỏ gay lại nố với tôi.

- Vâng thưa bác!

Tôi lên lầu, đứng trên cầu thang nhìn xuống, cửa quán trọ không hề đóng. Quán trọ có một phong tục, đó là không được đóng cửa, đóng cửa có nghĩa là sập tiệm. Bên cạnh cửa treo một ngọn đèn bão, tỏa ra quầng ánh sáng
màu đỏ cam.

Bên ngoài là bóng đêm đặc quánh.

Tôi giắt rìu và thước Lỗ Ban vào thắt lưng, tôi muốn đến nhà Lý Hiếu Đức phía ngoài thôn xem xét. Những người đi cùng tôi lúc ban ngày thật quá bí hiểm, không làm cho rõ ràng, thì lòng tôi không thể nào yên.

Thậm chí tôi còn nghĩ, liệu có thể cứu Lý Hiếu Đức được không?

Tôi xách theo ngọn đèn bão trong phòng, đặt cây đèn pin của mình vào trong túi, lặng lẽ ra khỏi cửa, biện nhận phương hướng một lát, rồi đi thẳng về phía đông.

Trong thôn tử khí âm trầm, chỉ vài đốm đèn le lói.

Đèn như đom đóm.

Dưới bầu không, hơi sương mỗi lúc càng thêm dày đặc, trên mặt đã thấy lạnh toát.

Tôi vừa bước lên một con đường mòn, liền nhìn thấy một người bám theo sau tôi, trong tay cũng cầm một ngon đèn bão. Trong đêm đen mù mịt, tôi không nhìn rõ hình dáng người đó, chỉ thấy bóng dáng có vẻ mong manh.

- Chào bác, xin hỏi nhờ một chút, nhà Lý Hiếu Đức đi hướng nào? - Trong đêm tối, ánh đèn không mấy sáng, tôi nghĩ nếu đã gặp người, hỏi thăm sẽ dễ tìm hơn.

- Đi theo tôi nhé! - Nghe giọng nói, biết là đàn ông tuổi tác cũng không còn trẻ nữa.

Ông ta băng qua bên cạnh tôi, tôi cảm giác như có luồng gió lạnh thổi qua.

- Xin hỏi quý danh bác? - Tôi xách đèn, đi theo sau ông ta, nhưng ánh đèn lờ mờ, không thể nào nhìn rõ được bộ dạng của người phía trước.

- Không dám, họ Lưu, cứ gọi là ông Lưu thôi. - Ông cất giọng điềm đạm - Anh bạn trẻ, chắc cậu là thân thích trong nhà Lý Hiếu Đức phải không? Sao tôi chưa thấy cậu bao giờ nhỉ?

- Không phải, cháu chỉ là người qua đường. - Tôi nói.

- Ra thế... - Ông Lưu không nói thêm gì nữa, tiếp tục thong thả đi về phía trước,

Đột nhiên, có tiếng nhạc bay dạt theo gió, chập chờn ẩn hiện, ai oán thê thiết.

Ông Lưu rảo bước nhanh hơn một chút:

- Âm thanh này phát ra từ nhà Lý Hiếu Đức đấy...

Tôi không hỏi thêm gì, vì lúc này hơi rượu đã bốc lên ngùn ngụt, khiến tôi bạo gan hơn hẳn, thầm nghĩ bụng: Nhà ông ấy không có việc gì, tại sao lại có tiếng nhạc kiểu này? Thôi mặc kệ, ông đây chả sợ!

Phía xa hắt lên ánh đèn mờ mịt, tiếng nhạc nghe càng rõ hơn, tiếng nhị hồ như khóc như than, tiếng sáo nỉ non thê thiết, tiếng sênh trầm buồn văng vẳng...

"Tùng tùng tùng!”

Đột nhiên, một hồi trống vang lên, ban đầu còn chậm rãi, càng về sau càng dồn dập.

Trước mắt tôi bỗng sáng bừng. Trong một khoảng sân, treo một ngọn đèn bão, bên dưới ngọn đèn, một thiếu nữ áo trắng váy trắng đang nhảy múa. Cách đó không xa, mấy người áo đen ngồi túm tụm, chính là phường bát âm mà tôi đã gặp trên đường.

Một thiếu phụ và một đứa bé trai đang quỳ dưới đất, chẳng phải chính là con gái Lý Linh và cháu ngoại Sao của Lý Hiếu Đức đấy ư?

Tiếng trống càng lúc càng thêm cấp tập, như sấm giật mưa rào, thiếu nữ váy trắng nhảy múa càng nhanh, chỉ còn là một vệt sáng trắng, không còn nhìn rõ mặt...

Một người xuất hiện trước mặt tôi, như không nhìn thấy tôi, cứ bước từng bước thẳng tới.

Người này, lại chính là Lý Hiếu Đức.

Ông đi về phía con gái và cháu ngoại mình,

- Ông Lý... - Tôi đột nhiên sực nhớ ra Lý Linh và bé Sao đã chết từ lâu, lập tức gọi toáng lên.

Tiếng nhạc đột nhiên tắt ngấm, không thấy phường nhạc đâu nữa, Lý Linh và bé Sao đang quỳ dưới đất vụt biến mất, thiếu nữ váy trắng đang nhảy múa cũng mờ dần...

Cô ta không biến mất ngay lập tức, mà từ từ tan đi, như một màn sương khói. Trước tiên là áo váy tan đi, sau đó, cơ thể vỡ vụn, hoá thành sương mù. Cuối cùng, tấm mạng che mặt bằng sa trắng bay tung lên, hiện ra trước mặt tôi chỉ còn là một khuôn mặt, một khuôn mặt trắng bệch, một đôi mắt tuyệt vọng, và một tiếng khóc thét thê thảm đến xé ruột:

- Cứu tôi...

Thiếu nữ nhảy múa, sao lại là Tần Ái Ni...

- Ai gọi tôi thế? - Một giọng nói như vừa sực tỉnh từ trong mộng, là giọng của Lý Hiếu Đức - Sao tôi lại ở đây? Sao tôi lại ở đây?

Gió thốc lạnh buốt.

Tôi rùng mình ớn lạnh, hơi rượu lập tức tan biến sạch trơn. Nhờ ánh sáng đèn bão, tôi đã nhìn thấy rõ, tôi đang đứng trước một đám mộ nhấp nhô, Lý Hiếu Đức đang đứng bên cạnh một ngôi mộ, ngọn đèn bão của ông đặt trên đỉnh mộ, bên cạnh ông là một hố sâu, dưới hố lổn nhổn những đá. Nếu như lăn cổ xuống hố, đúng là lành ít dữ nhiều.

- Ông đứng yên! - Tôi xách đèn, chỉ vài bước đi lại gần, ánh đèn chiếu sáng lên người ông.

Lý Hiếu Đức vẫn chưa hết kinh hãi, đứng ngay tại chỗ.

- Ông lại đây! - Tôi vẫy tay với ông.

Lý Hiếu Đức đi về phía tôi, khi đi qua ngôi mộ, ông xách ngọn đèn của mình lên, sửng sốt hỏi tôi:

- Sao tôi lại đến đây nhỉ?

Tôi không biết phải giải thích thế nào.

- Chẳng phải cậu là anh bạn bị hỏng xe đấy à? Sao cậu lại ở đây? - Lý Hiếu Đức đã nhận ra tôi.

- Tôi nghỉ lại trong quán trọ Thuận Đức,sáng sớm mai sẽ đi.Tôi rảnh rỗi nên đi dạo loanh quanh, thì nhìn thấy ông nên mới gọi ông - Tôi nói.

- Quái lạ nhỉ? Đây chẳng phải là mộ của ông Lưu hay sao? Sao tôi lại đến đây thế nhỉ? - Lý Hiếu Đức kinh ngạc không để đâu cho hết.

- Tôi đưa bác về nhé! Tôi nói.

- Phải trở về thôi, nửa đêm nửa hôm, người nhà sẽ lo lắng - Lý Hiếu Đức nhúc nhắc bước đi từng bước, cuối cùng cũng sực tỉnh - Hôm nay tôi uống hơi quá chén, chẳng hiểu sao lại chạy đến đây. Đúng là có tí tuổi, không thể uống nhiều! Uống vào là hỏng bét cả!

Tôi đưa Lý Hiếu Đức về đến tận của nhà.

- Cảm ơn cậu, anh bạn trẻ! - Lý Hiếu Đức đứng trước cửa, nói với tôi.

- Không có gì, ông nghỉ ngơi sớm đi! - Tôi nói.

Đợi Lý Hiếu Đức đi vào trong nhà, đóng cửa lại, tôi mới quay người, cách ngọn đèn bão lớn, trở về quán trọ Thuận Phúc.

Ngọn đèn bão treo trước cổng quán trọ Thuận Phú hắt bóng vàng vọt, quán trọ lặng phắc như tờ. Tôi lên lầu, nhẹ nhàng đẩy cửa, đặt ngọn đèn lên mặt bàn. Nhìn thấy đám thức ăn thừa và rượu còn sót lại, tôi bỗng cảm thấy hơi đói bụng.

Tôi đánh chén sạch bách toàn bộ thức ăn và rượu còn sót lại.

Độ nặng của rượu khoai lang đã vượt xa tưởng tượng của tôi.

Tôi cảm thấy buồn ngủ ghê gớm, đầu óc mơ mơ màng màng, nhưng vẫn chưa ngủ thiếp đi.

Cũng không biết đã trôi qua bao lâu, tôi nghe thấy có tiếng đẩy cửa sổ khẽ khàng, một luồng gió lạnh thổi thốc vào trong.

Tôi lập tức tỉnh như sáo.

Nhưng tôi không ngồi dậy, vì tôi cảm giác thấy có người đang đứng ngoài cửa sổ.

Tôi không sợ.

Rìu và thước Lỗ Ban vẫn ở bên tôi. Nếu là kẻ cướp, tôi sẽ dùng rìu; nếu là ma quỷ, tôi sẽ dùng thước. Huống hồ bản thân tôi cũng là cường đạo, chuyên môn nửa đêm khuya khoắt mò vào nhà người ta, chưa bao giờ biết sợ bất cứ điều gì.

Ngoài cửa sổ, vẳng lại tiếng gọi khe khẽ:

- Lưu Bất Chính, Lưu Bất Chính...

Là tiếng gọi rất đỗi bi thương của một cô gái.

Tôi từ từ mở mắt ra. Giường tôi nằm cách cửa sổ chỉ vài mét, mặc dù ánh đèn mờ tối, nhưng vẫn có thể nhìn thấy rõ ràng: bên cửa sổ, là nửa thân trên của một cô gái, áo váy trắng muốt, không một mảy bụi, tóc rủ xõa vai, mặt che một lớp sa màu trắng, không nhìn rõ mặt.

- Cô là ai? Sao lại biết tên tôi? - Tôi từ từ ngồi dậy.

- Anh lại không biết tôi là ai ư? - Giọng nói vô cùng thất vọng, tựa như trái tim cô vừa bị xé tan tành, đau đớn khó kham.

Tôi ngẩn người:

- Cô che mặt, tôi nhìn không rõ!

Cô gái im lặng, nhưng tôi có thể nhìn thấy dòng lệ của cô đang lăn dài trên má, lóng lánh như ngọc.

Tôi nghe rõ tiếng giọt lệ vụn vỡ.

Tôi cảm thấy mủi lòng:

- Bên ngoài lạnh, cô vào đi...

Cô gái cất giọng u uất:

- Tôi không lạnh!

Cuối cùng tôi cũng đã nghe ra:

- Cô là Tần Ái Ni?

Cô gái gật đầu.

Tôi lạnh nhạt nói:

- Chẳng phải cô đã chết rồi hay sao? Tôi còn đóng cho cô một cỗ quan tài, tận tay đặt cô vào trong rồi cơ mà. Cô là ma?

- Tôi chưa chết, tôi cũng không phải là ma, tôi khát lắm... tôi muốn uống nước... - Giọng nói của cô hết sức đáng thương.

- Tôi rót nước cho cô! - Tôi rót một bát nước đến bên cửa sổ, cô vươn hai tay ra nhận lấy bát, chạm phải tay cô, đôi tay lạnh ngắt như đá.

Đột nhiên, cơ thể cô bỗng loang ra tứ phía, hệt như sương tan, rồi biến mất.

Hình ảnh cuối cùng xuất hiện trước mắt tôi là khuôn mặt trắng bệch, một cặp mắt vô vọng, một tiếng khóc thét thê thiết: “Cứu tôi...”

- Tần Ái Ni! - Tôi hét to một tiếng, lật người ngồi bật dậy, mới biết mình vừa nằm mơ.

Cửa sổ đúng là đã mở, gió lạnh thốc vào giá buốt.

Ánh đèn hiu hắt.

Thì ra là một giấc mơ. Tôi đưa tay dụi mắt, tự lẩm bẩm một mình, sau đó ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ. Bên ngoài xám mờ mịt, lặng ngắt, chỉ có gió khe khẽ nỉ non.

Sau đó, tôi lại ngủ tiếp. Không biết đã qua bao lâu, tôi lại mơ thấy giấc mơ gần như tương tự. Trong mơ, vẫn là Tần Ái Ni đứng bên cửa sổ, nói với tôi rằng cô rất khát, cô muốn uống nước. Đến khi tôi mang nước tới, vừa chạm vào tay cô, thì cô lập tức vụt tan như sương khói, chỉ còn vẳng bên tai tôi một tiếng khóc thét: “Cứu tôi!”

Hai lần liên tiếp mơ thấy một giấc mơ giống nhau, tôi không còn cảm thấy buồn ngủ nữa.

Sao lại như thế được?

Lẽ nào đúng là Tần Ái Ni chưa chết? Nhưng thời gian đã qua mấy tháng rồi...

Chuyện chết rồi lại hồi sinh, tôi biết cũng không ít, cũng chẳng phải chuyện quái lạ.

Bất kể thế nào, tôi vẫn quyết định quay lại, âm thầm quan sát, vì tôi đoán quan tài của Tần Ái Ni vẫn còn ở trong nhà. Nếu như nói với bác gái, bà ta chắc chắc sẽ không đồng ý, tôi chỉ muốn nhân lúc bà không có mặt, lén mở quan tài ra. Nếu như cô ta đã chết, tôi sẽ lặng lẽ rời đi, như vậy thì thần không biết, quỷ không hay. Nếu cô ta vẫn còn sống, bác gái cũng sẽ không trách tôi.

Hơn nữa, tôi còn để lại cửa sống trên quan tài của Tần Ái Ni.

Để lại cửa sống, đây là lương tâm cần có của những thợ mộc đóng quan tài như chúng tôi. Nếu một người chết không bình thường, khi đóng quan tài, nên để lại mấy cái lỗ thông khí, để phòng người trong quan tài có sống lại cũng không bị chết ngạt.

Chuyện như vậy mặc dù không nhiều, nhưng không phải là không có. Vì vậy, thợ mộc chúng tôi cần có lương tâm, chẳng thà bỏ thêm chút công sức, cũng không được giết nhầm một con người.

Ý đã quyết, tôi lặng lẽ ra khỏi cửa.

Trời đã lờ mờ sáng.

Tôi mở cửa xe ra, khởi động, lộn ngược trở lại. Nửa giờ sau, tôi đã ở trên đỉnh núi, cách nhà Tần Ái Ni không bao xa. Tôi dừng xe lại bên vệ đường, cầm lấy rìu và thước thẳng.

Trời đã sáng bảnh, cả vùng núi tịch mịch như tờ.

Tôi âm thầm lẻn đến bên nhà Tần Ái Ni, nép ở góc tường, cánh cửa phía trước đã khoá chặt, chứng tỏ bác gái vẫn ở trong nhà. Tôi vòng sang phía đông, áp tai vào cửa sổ nghe ngóng, thấy bên trong có tiếng bước chân người đang đi lại. Hơn nữa, còn đi đến bên cạnh cửa sổ.

Tôi vừa rụt đầu xuống, cửa sổ đã bị đẩy ra một khe hở,bên trên vọng ra một giọng nói yêu thương vô hạn:

- Ni Ni, trời sáng rồi, mẹ đi ra ngoài một lát sẽ về ngay với con...

Tiếng bước chân xa dần, có tiếng đóng cửa vọng lại.

Đúng là trời đã giúp tôi.

Tôi mở toang cửa sổ, vụt một cái đã tung người nhảy vào trong. Quan tài của Tần Ái Ni vẫn ở trong phòng. Tôi tiến lại gần một góc quan tài, trong lòng bỗng chốc vui mừng tột độ, vì ở đó có một cái lỗ thông khí to bằng hạt đậu. Nếu như Tần Ái Ni đã thối rữa, thì mùi hôi thối sẽ từ bên trong bốc ra, nhưng tôi lại không thấy có mùi phân huỷ, ngược lại, còn ngửi thấy một hương thơm phảng phất.

Tôi chẳng kịp nghĩ ngợi gì nhiều, lấy ngay rìu ra, nhằm đúng kẽ hở trên nắp quan tài, lưỡi rìu cắm phập vào kẽ hở, bẩy mạnh lên trên, nắp quan tài “rắc” một tiếng bung ngay ra...

Tim tôi đập lên thình thịch, tôi gắng gượng kìm chế cơn kích động, từ từ cúi đầu xuống. Đập vào mắt tôi đầu tiên, là một đôi mắt long lanh trong suốt.

Tân Ái Ni đang mở mắt, sắc mặt cô trắng bệch, khoé miệng khẽ động đậy một cái, nhưng tôi đã nghe rõ, cô chỉ nói một chữ:

- Nước...

Cô vẫn còn sống.

Đúng là cô vẫn còn sống.

Không còn chuyện gì có thể ly kỳ hơn thế nữa.

Tôi đẩy nắp quan tài sang một bên, nói khẽ với cô:

- Tôi tìm nước cho cô... - Rồi cúi đầu nhìn xung quanh. Trên mặt tủ bên giường của bác gái có một phích nước nóng. Tôi mở nắp ra, đặt tay trên miệng phích, cảm giác có hơi nóng bốc lên, vội tìm một chiếc bát rót ra. Tôi uống trước một hớp, thấy nhiệt độ vừa phải, mới từ từ nâng cổ cô lên, đặt bát nước vào môi cô.

Tôi vừa cho cô uống mấy hớp, đã nghe thấy bên ngoài có tiếng bước chân.

Bác gái đã trở về.

Quả nhiên, bác gái đã nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào, bà nhìn thấy toàn bộ sự việc trước mắt, cứ như đang trong giấc mộng. Trong tưởng tượng của tôi, một người phụ nữ nông thôn bình thường, nếu nhìn thấy cô con gái đã chết mấy tháng đột nhiên sống lại, không sợ chết khiếp cũng phải la hét ầm ĩ, nhưng phản ứng của bà lại hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của tôi.

- Ái Ni, con gái của mẹ, cuối cùng con cũng đã trở về... - Bà lao đến, ngã sụp xuống trước quan tài, khóc nức nở.

Tần Ái Ni nằm trên tay tôi, có lẽ cô cũng chẳng còn hơi sức để cử động, nhưng hàng mi của cô khẽ lay, hai giọt nước mắt trong veo lăn xuống.

Lúc này, tôi mới nghĩ đến việc cần tìm một bác sĩ cho Tần Ái Ni. Nhưng cô vừa mới tỉnh dậy, tất nhiên không thể để cô ngồi xe chịu xóc.

- Bác gái, vùng này ở đâu có bác sĩ, cháu đi gọi bác sĩ... - Tôi bình tĩnh hỏi bà mẹ.

- Gần đây chỉ có thôn Cổ Điếm có bác sĩ. - Bà nói.

- Bác gái, bác ở đây chăm sóc Ái Ni, cháu đi mời bác sĩ đến! - Tôi từ từ đặt Tần Ái Ni xuống. Đôi môi cô khẽ mấp máy, ánh mắt đầy quyến luyến. Tôi biết cô muốn nói gì, liền nói khẽ với cô:

- Cô yên tâm, tôi nhất định sẽ quay lại...

Nước mắt cô đầm đìa trên mặt.

Tôi buông cô xuống, chạy ra khỏi cửa, lao thẳng tới chỗ chiếc xe.

Tôi lái xe đến Cổ Điếm, vừa nhìn đã thấy Vương  Thuận Phúc từ quán trọ đi ra. Ông cũng đã nhìn thấy tôi, ngạc nhiên hỏi:

- Cậu đi đâu thế?

- Trong thôn này, ai là bác sĩ? - Tôi hỏi gấp gáp.

Vương Thuận Phúc đưa tay chỉ, cách đó khoảng hai trăm mét, một chữ thập đỏ hiện ngay trước mắt tôi. Cửa hiệu thuốc vừa mở ra, một ông lão đang quét dọn. Tôi chẳng kịp nói năng gì với Vương Thuận Phúc, lập tức lái xe lao thẳng đến, hét lên thật lớn:

- Bác sĩ, cứu với!

Ông lão tầm năm sáu chục tuổi, trông quắc thước minh mẫn, ông điềm đạm liếc nhìn tôi, rồi chậm rãi hỏi:

- Chàng trai, đã xảy ra chuyện gì? Cứu ai?

Tôi nhảy phắt xuống xe, cả cửa xe cũng chẳng kịp đóng:

- Có một cô gái, ngủ mấy tháng rồi, hôm nay tỉnh dậy...

Bác sĩ gật đầu:

- Ở đâu?

Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Ở cửa Thanh Ô...

Bác sĩ thình lình hỏi lại:

- Có phải là nhà họ Tần không?

- Cái gì? Bác biết à? - Tôi giật mình kinh ngạc.

- Đừng lo, sự việc không nghiêm trọng, tôi sắp xếp ít đồ đạc rồi sẽ đi cùng cậu! - Bác sĩ trở vào phòng khám, chẳng mấy chốc, đã khoác một hòm thuốc đi ra, lên xe của tôi.

Tôi vừa lái xe, vừa kinh ngạc hỏi:

- Bác sĩ, sao bác lại biết?

Đi hành nghề y ở sơn thôn này đã mấy chục năm, chưa bao giờ gặp chứng bệnh nào kỳ quặc như nhà họ Tần..- Bác sĩ chậm rãi kể cho tôi nghe một câu chuyện...

Bác sĩ họ Kim, mọi người đều gọi bác là bác sĩ Kim, tổ tiên ba đời đều hành nghề y, mặc dù chẳng phải là cứu nhân độ thế gì, nhưng cũng đã cứu được không ít nhân mạng.

Khoảng hơn hai mươi năm về trước, nửa đêm khuya khoắt, cửa hiệu thuốc nhà họ Kim vang lên tiếng đập thình thình.

Trong sơn thôn, thường xuyên có người nửa đêm đến tìm bác sĩ. Còn làm một bác sĩ, chữa bệnh cứu người, đương nhiên là phải đi. Dù sao, nếu không phải là bệnh nặng, thì ai lại nửa đêm hộc tốc đến tìm bác sĩ?

Lúc đó, bác sĩ Kim và cha mình trông coi hiệu thuốc.

Bác sĩ Kim ra mở cửa, đứng bên ngoài là một phụ nữ trẻ, trên lưng cũng một đứa bé gái đang ngủ, tay cầm ngọn đuốc, vẻ mặt đầy đau đớn:

- Bác sĩ ơi, cứu chồng tôi với...

- Chẳng phải chồng cô đã chết rồi hay sao? - Bác sĩ Kim kinh ngạc.

Thì ra, ba tháng trước, cũng vào buổi tối, cũng
người phụ nữ này, cũng cõng theo một đứa bé gái đến tìm bác sĩ, nói rằng chồng của cô đột ngột hôn mê. Cha con bác sĩ Kim cùng đeo túi thuốc chạy đến, phát hiện chồng cô ta nằm trên giường gỗ, toàn thân lạnh toát, không hề động đậy.

- Bác sĩ, cầu xin bác sĩ hãy cứu lấy chồng tôi! - Người phụ nữ van xin thảm thiết.

Cha con bác sĩ Kim kiểm tra kỹ lưỡng, thấy người đàn ông toàn thân lạnh ngắt, hoàn toàn không có bất cứ một dấu hiệu sinh tồn, đành phải lắc đầu bất lực:

- Không còn cách nào nữa, người đã đi rồi...

Người đàn ông nằm trên giường, tên Tần Đông Lai, người phụ nữ kia là vợ của anh ta, Diệp Tiểu Hoa.

- Chồng tôi chưa chết, anh ấy đã cử động, anh ấy đòi uống nước... - Lúc này, Diệp Tiểu Hoa mới nói với cha con bác sĩ, cô chưa hề chôn Tần Đông Lai, mà cứ để anh ta nằm trên giường trong nhà. Buổi tối hôm nay, nghe thấy tiếng la của chồng, cô vội bật dậy nhìn thấy chồng đã mở mắt, còn có thể nói năng.

Hai cha con bác sĩ Kim hết sức kinh hãi và ngờ vực, nhưng trông Diệp Tiểu Hoa không giống như đang nói dối, hai cha con liền nhanh chóng đến nhà Tần Đông Lai. Quả nhiên, con người mà họ từng tuyên bố là chết rồi, giờ đúng là đã sống lại, miệng mấp máy, mạch cũng đã đập.

Hai cha con bác sĩ Kim bèn truyền nước cho anh ta. Hai ngày sau, Tần Đông Lai đã có thể ngồi dậy. Mười ngày sau, lại làm việc không khác gì bình thường.

Tần Đông Lai trước sau đã chết ba lần, cứ cách mấy năm lại chết một lần, mỗi lần chết ba tháng là tỉnh lại, sau khi tỉnh lại, chẳng khác gì so với bình thường.

Tần Đông Lai chết thật trong một vụ tai nạn khi đang xây đường quốc lộ. Tần Đông Lai phụ trách khoét lỗ đặt mìn phá núi, anh ta đã đào tổng cộng mười ba cái lỗ mìn. Sau một tràng mìn nổ, Tần Đông Lai liền đứng dậy.

Bên cạnh có người nói:

- Sao tôi mới nghe thấy có mười hai tiếng nổ nhỉ? Chẳng phải anh đã đào mười ba cái lỗ mìn à?

- Rõ ràng là có mười ba tiếng nổ... - Tần Đông Lai phủ nhận, còn cho rằng họ đang đùa mình.

- Tôi chỉ nghe thấy có mười hai tiếng nổ! - Người bên cạnh anh nghiêm túc nói - Vừa rồi tôi có đếm đàng hoàng, vẫn còn một ngòi chưa nổ!

- Rõ ràng tôi đã nghe thấy có mười ba tiếng nổ... - Tần Đông Lai sải bước đi luôn. Anh ta đi đếm các lỗ mìn đã nổ, khi đếm đến lỗ cuối cùng, anh ta phát hiện ra, lỗ mìn đó vẫn chưa nổ.

Nhưng đúng vào khoảnh khắc đó, mìn đã nổ.

Tần Đông Lai bị nổ tan xương nát thịt, đầu của anh ta bay đi đến mấy dặm, treo lủng lẳng trên một thân cây. Lần này, Tần Đông Lai mới chết thật.

Tiếp sau đó là con trai của Tần Đông Lai tên Tần Tiêu Sơn, cũng chết giả ba lần, lần nào cũng chết một cách hết sức thần bí, rồi lại sống lại một cách thần kỳ, không tài này tìm ra được nguyên nhân.

Tần Tiểu Sơn chết cách đây năm năm. Lúc đó, cậu ta mới hai mươi tuổi, tốt nghiệp đại học đi xe trở về nhà.Trên đường, một hòn đá cuội to bằng quả trứng vịt đập vỡ cửa kính bay vào, lao trúng đầu cậu ta, lập tức vỡ đầu phọt óc. Sau khi sự việc xảy ra, công an điều tra phát hiện ra rằng, thì ra hôm đấy, ở một công trường đá cách đó chừng mười dặm đang đặt mìn phá đá, không may một hòn đá cuội lăn xuống lỗ đặt mìn, công nhân phá đá cũng không để ý, cứ tiếp tục nhồi thuốc nổ. Thật chẳng ai ngờ
được, hòn cuội lại có thể bay xa đến vậy, và còn nhắm chính xác vào đầu Tần Tiểu Sơn...

- Gia đình này đúng là quái lạ hết sức... Đây là câu kết luận của bác sĩ Kim.

Cuối cùng tôi đã hiểu ra, tại sao bác sĩ Kim lại không hề tỏ ra kinh ngạc.

Tôi cũng thấy bình tĩnh trở lại. Ít nhất, Tần Ái Ni cũng không còn nguy hiểm đến tính mạng nữa..

- Anh bạn, cậu có quan hệ thế nào với nhà họ Tần? -Bác sĩ Kim hỏi tôi,

- Bạn bè. - Tôi suy nghĩ, có lẽ đây là câu trả lời xác đáng nhất.

Bác sĩ Kim khẽ thở dài một tiếng:

- Rất nhiều sự việc, thật không thể nào giải thích nổi!

Sau khi đến nhà Tân Ái Ni, tôi bế cô từ trong quan tài ra, đặt lên trên giường. Bác sĩ truyền nước cô, căn dặn tôi một số kiến thức cơ bản về đổi bình huyết thanh, bảo tôi chăm sóc cô cẩn thận.

Tôi tiễn bác sĩ Kim về, rồi nhanh chóng quay lại, vì nhìn vào mắt cô, tôi cảm nhận rất rõ, cô cần tôi, cô vẫn chưa hoàn toàn bình phục.

Cứ thế liên tục mấy ngày trời, ngày nào tôi cũng đưa bác sĩ Kim đến truyền nước cho cô. Tần Ái Ni khoẻ lên từng ngày một. Cô rất ít khi nói năng với tôi, nhưng tay cô cứ thường xuyên kéo gấu áo tối, không cho tôi đi.

Phải đợi đến khi cô đã hoàn toàn khỏe lại, tôi mới có thể ra đi.

Những lúc không có việc gì làm, tôi lại lấy mấy trang sách Lỗ Ban photo ra, ngồi bên giường cô đọc.

Thi thoảng, cô cũng nghiêng đầu sang nhìn, tôi nghĩ dù sao cô cũng không biết đây là thứ gì, nên cứ để kệ cho cô xem. Lúc đi đón bác sĩ, tôi cũng đặt bên giường cô...

Một tối, bác gái đang nấu cơm dưới bếp, tôi ngồi bên giường của Tần Ái Ni xem sách Lỗ Ban. Tôi đã có thể đọc thuộc làu làu những thứ này, nhưng lại không biết chúng có tác dụng gì.

Đột nhiên, Tần Ái Ni khe khẽ hỏi tôi:

- Bất Chính, bạn gái... của anh đâu?

Lòng tôi thắt lại, hồi lâu sau, mới nói:

- Cô ấy đang ở nhà tôi...

Tần Ái Ni từ từ cúi thấp đầu.

Tôi cũng chẳng để tâm.

Nhưng đột nhiên, tôi nghe thấy một âm thanh vụn vỡ, là tiếng nước mắt cô rơi xuống trang giấy. Trên tay cô đang cầm đọc một tờ giấy photo.

- Anh về đi! - Cô nói.

Tôi gật đầu:

- Cô đã khoẻ chưa?

Cô nói:

- Tôi đã khoẻ rồi.

Tôi chậm rãi đứng dậy, nói:

- Vậy tôi sẽ đi bây giờ,

Cô hơi ngập ngừng một thoáng,

- Ăn cơm xong rồi hãy đi...

Tôi lắc đầu.

Cô cũng không giữ tôi nữa. Khi tôi ra đến cửa, cô gọi khẽ một tiếng sau lưng tôi:

- Đợi một lát!

Tôi đứng giữa cửa, quay người lại,

Cô đã bước xuống giường, chầm chậm đi tới trước mặt tôi, khẽ mỉm cười:

- Anh và bạn gái anh sẽ sống hạnh phúc suốt đời... - Nụ cười của cô đẹp biết nhường nào...

- Cảm ơn! – Tôi cảm động nhìn cô.

Tôi ra khỏi cửa, lên xe, sau khi khởi động, thấy cô vẫn đứng dựa bên khung cửa, nhìn tôi.

Tôi vẫy tay với cô:

- Tạm biệt!

Cô cũng vẫy tay với tôi:

- Nhớ giữ gìn...


















Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top