Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

3. Dẫu trần gian

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Không thương nỏ nói khi đầu
Làm chi dan díu giữa cầu mà buông"

...

Hà Nội, mùa tựu trường, mùa dệt những ước mơ. Thủ đô nghìn năm văn hiến như một người thầy giám thị già đỉnh đạc, uyên bác. Thầy ít khi mặc lên mình những bộ quần áo hoa hoè, loè loẹt. Nhưng sau cái mùa hè chẳng được gặp đứa trẻ con đeo khăn quàng đỏ nào, giờ lại thấy chúng tung tăng đến lớp, thầy giám thị có chút bồi hồi, cũng muốn chào đón chúng bằng những rực rỡ rạng ngời, của nắng sớm mai, của lá vàng, của sấu chín rụng đầy vỉa hè, của những chiếc xe đạp chở đầy cúc hoạ mi, của mùi hoa sữa thoang thoảng trong gió.

Em Quốc Kỳ ngồi trong phòng trọ, loay hoay soạn lại mấy quyển sách y học anh Bân gửi cho nó. Từ khi nó đỗ đại học y dược Hà Nội, u nó nửa đêm nằm ngủ mơ cũng cười khà khà. Nó nhớ ngày u đưa nó ra bến xe cũng chỉ đủ cho nó ít tiền và mấy cái bánh dày nhân đậu đen để nó ăn lót dạ dọc đường. Cũng may học bổng sinh viên vùng sâu vùng xa tài trợ cho nó toàn bộ học phí những năm đại học, sách vở chỗ ăn chỗ ở anh Bân cũng giúp nó sắp xếp ổn thoả.

Một năm nay, nó rời vùng núi hoang sơ lên thủ đô, ở cùng một chỗ với anh Bân, nó ngỡ như thời gian 3 năm trước quay trở lại. Có điều vị trí chủ- khách giờ đã thay đổi, nó là người xa quê đi đến một vùng đất mới với đầy những hoài bão ước mơ, còn anh Bân ở thành phố cũ mèm, bụi bám mờ một lớp ký ức trắng xoá trong tim.

Ngày đó anh Bân vừa đến làng đã lấy hết sự chú ý của những người lớn xung quanh quan tâm nó, nhưng lại cho nó một người anh dịu dàng, và một bác sĩ không ngại điều kiện thiếu thốn mà ở lại chăm sóc người làng, một người tốt mà nó muốn sau này mình cũng được như vậy, thế nên nó quyết tâm thi đỗ đại học y dược. Chỉ tiếc anh bác sĩ đáng quý của nó bị một người nhẫn tâm đuổi đi mất. Chính là thầy giáo của nó.

Thầy giáo học nhiều gì mà ngộ đời dữ thần, ngồi trong góc phòng lầm lũi đọc một lá thư nửa trang giấy, mà đã đọc từ bình minh cho đến chiều tàn hoàng hôn buông, học sinh tiểu học mà nghe thì lại cười cho.

Một bức thư thôi mà sau phải nặng lòng? Ừ thì nội dung bức thư:

"Chúc thầy sau này vợ đẹp, con ngoan, cơm nóng đợi thầy về ăn, người thương chờ thầy ngoài cửa, radio mở đúng âm lượng thầy yêu thích, cuộc đời như gấm vóc lụa là, tiền đồ danh vọng như tranh quý thêu hoa.
Mong cho chúng ta sau này, trời nghiêng đất ngã, cũng mãi mãi, mãi mãi, không trùng phùng."

Chương Hạo cười chua chát.

Đúng là, cả đời cũng không thể nghe mãi một bài hát, ăn mãi một món ăn, yêu mãi một người. Nhưng bài hát phải hay như bài hát đã từng rất thích thì mới đáng nghe, món ăn phải ngon như món đã từng thèm nhỏ dãi thì mới đáng ăn, người tôi đã từng thương, không sai lệch một ly, là em, nhất định, phải là em, thì mới đáng để yêu mãi, một đời.

"Thầy tôi học rộng hiểu nhiều vậy mà có lá thư viết bằng tiếng mẹ đẻ, thầy đọc mấy năm rồi vẫn đọc không xong sao?"

Em Quốc Kỳ chưng hửng buông câu hỏi chọc ngoáy tàn độc không thua gì mấy bà mẹ chồng trong phim truyền hình chiếu khung giờ vàng.

"Anh học cho giỏi rồi bây giờ biết vặn vẹo thầy anh rồi."

Chương Hạo gác nỗi nhớ nhung sang một bên, trả lời học trò.

"Nguyễn Ngọc Tư từng nói Là trẻ con, đôi khi nên tha thứ cho lỗi lầm của người lớn. Nên con mới tha thứ cho thầy, nhưng mà anh Bân thì không nên, vì anh ấy có trái tim của một người trưởng thành, đốt đi quá khứ rồi tàn tro vẫn phủ kín lòng, thầy hiểu không?"

Nếu như em Quốc Kỳ xuyên không về thời Pháp thuộc thì chắc chắn sẽ mang dáng vẻ của một ông hội đồng vừa có tiền có quyền vừa có học thức, mở miệng ra là dùng văn thơ cắt lưỡi người khác.

"Sao anh học bác sĩ mà anh văn vẻ thế."

Sau ngày em rời đi, Chương Hạo đã ở lại Tây Bắc thêm ba năm, cuối cùng cũng nhìn thấy ngôi trường khang trang được xây dựng lên. Dãy phòng học lót gạch men, có đủ đầy phấn bảng, bàn giáo viên được trải một mảnh vải màu hồng thêu hoa ban trắng, phía trên trang trí một lọ hoa giả nhiều màu, sổ đầu bài ngay ngắn tươm tất, có quạt trần, có cửa sổ, các em giờ chẳng sợ gió mưa mà yên tâm học hành.

Phải như thế chứ, Chương Hạo đánh đổi mọi thứ, đổi cả ánh mắt dịu dàng như tinh tú trời cao của em xinh yêu, ít nhất phải như thế chứ.

"Thầy nghĩ xem, năm đó nếu thầy không đại nghĩa diệt thân, thì bây giờ đã ấm êm với anh Bân rồi."

Người ta nói chuyện cũ không phải chuyện của biển, nên đừng đem ra khơi. Nhưng em Quốc Kỳ sống trên núi, nó không ưa nghĩ chuyện giùm người ngư dân, nhất là những người trầm mê trong biển tình, biển khổ đau.

"Con thì biết cái gì, em ấy ở đây mới được hạnh phúc."

Thật ra thì Chương Hạo đã từng hối hận, đúng là có cho anh một trăm lần quay lại thời khắc đó anh sẽ vẫn giữ quyết định như vậy, nhưng sau đó sẽ hối hận đúng một trăm lần, rồi mỗi đêm đều nhớ nụ cười em xinh yêu đến nỗi như có ai lấy trộm trái tim đem ra dẫm nát tươm xong nhét lại vào lồng ngực.

"Thầy đâu có quyền quyết định anh ấy ở đâu thì hạnh phúc, anh ấy về lại thủ đô, rồi đâm đầu vào học để thi bác sĩ nội trú, Tết cũng không về nhà, ở lì trong phòng trọ này, anh ấy cũng không làm ở bệnh viện tư nhà mở, mà đến làm ở bệnh viện công, mẹ anh ấy cũng đâu có vui, nhà anh ấy cũng đâu có yên ấm."

Một năm trước, khi em Quốc Kỳ đỗ đại học, ngôi làng nhỏ nằm trong vùng nâng cấp địa giới hành chính trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, được chính quyền quan tâm hơn, cơ sở hạ tầng được xây dựng. Người ta xây con đường nhựa băng qua khu rừng đầy hoa ban dẫn lên bản làng, giao thông thuận lợi, bà con miền núi dễ dàng vận chuyển nông sản xuống đồng bằng. Trường học, nhà cửa khang trang hơn, cũng có nhiều giáo viên, y bác sĩ đến đây làm việc. Chương Hạo lúc này mới đem theo nỗi nhớ em cồn cào, ngoan ngoãn nghe lời mẹ vác ba lô về lại Sài Gòn.

Đứa trẻ chạy trốn đã chịu quay lại, trưởng thành và nghe lời. Còn con trai ngoan, đã từng ngoan, rất ngoan của mẹ, nó hư rồi, nó trở nên xa lạ, với những người, được gọi là gia đình.

"Thầy phải đi đây, kẻo em ấy về nhà, gặp nhau lại khó xử."

"Là thầy khó xử, còn anh ấy xử tội tuyên án thi hành án thầy xong xuôi hết rồi."

Chương Hạo nghe đứa trẻ vừa ăn sinh nhật 18 tuổi được mấy tháng trả treo mà cứng họng đành đứng dậy nói lời tạm biệt rồi lững thững bước những bước chân nặng nề ra khỏi căn nhà trọ nhỏ, thiếu ánh sáng nhưng đầy đủ, gọn gàng của hai anh bác sĩ (một anh bác sĩ và một anh bác sĩ tương lai).

Không biết Chương Hạo nên vui hay buồn khi dạy dỗ ra cậu học trò giỏi giang đến mức chửi trên đầu trên cổ thầy mình chửi xuống nhưng phong thái thì cứ như đầu bếp đang chuyên tâm làm bánh. Vừa đấm cho anh một phát rồi bảo anh đợi đấy, buồn thì lát sẽ có đồ ngọt, ăn vào tâm trạng sẽ đỡ hơn.

Nhưng mà nỗi buồn của người lớn, đâu phải viên kẹo đường dụ trẻ con, ngậm trong miệng liền tan ra...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top