Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

MÙI CỦA CHỢ

Năm tôi ba tuổi thì cha mẹ tôi thôi nhau, không sống chung nữa. Tôi được ông bà ngoại rước về nuôi, từ đó tôi lớn lên trong vòng tay che chở đầy tình cảm mà ông bà dành cho mình. Nhà ông bà tôi cách chợ xã khoảng 10 phút đi xe đạp, thuở nhỏ bà tôi hay chở tôi trên chiếc xe đạp Thái ra chợ để mà mua đồ về ăn, thi thoảng thì hai bà cháu tôi sẽ được ông ngoại cho mượn chiếc wave 110 để mà đi ra chợ, nhưng vì tay lái còn yếu nên bà ngoại rất ít khi đi chợ bằng chiếc xe máy ấy. Mỗi lần vào chợ tôi đều đòi bà tôi mua đủ thứ cho mình từ đồ chơi, quần áo, giày dép, đĩa hát, đồ ăn... bất cứ thứ gì lọt vào tầm ngắm của tôi thì tôi đều đòi bà mua cho bằng được, tôi nhớ lúc đó là dịp tết bà tôi có dẫn tôi ra chợ để sắm sửa đồ tết, đi ngang qua một sạp đồ chơi thấy trong đó có chiếc xe tải đồ chơi rất đẹp và nó còn là món đồ chơi hót thời đó nữa nên tôi rất khoái, tôi liền đòi ngoại mua cho bằng được

- Ngoại, mua cho con chiếc xe tải này đi

- Thôi mày ơi, đồ chơi chất đống ở nhà kìa mua nữa chỗ đâu để cho hết?

Thế là tôi nhõng nhẽo ngay giữa chợ, bà nói tôi không được bèn vơ lấy cái cây đuổi ruồi của bà sáu bán rau kế bên mà vụt tôi mấy phát đau tiếng, tôi khóc um sùm, bà kéo tay tôi về mà không sắm đồ tết nữa. Tối hôm ấy sau khi ăn cơm xong bà nhờ dì 3 chở bà ra chợ để mua đồ tết, vì còn giận bà lúc chiều đã không mua cho tôi chiếc xe đồ chơi mà tôi không thèm đòi đi theo bà nữa. Đã quá chín giờ mà vẫn chưa thấy bà về, ông ngoại thì đã đi ngủ từ lâu tôi tắt cái vô tuyến và chui rút vào lòng ông ngoại tìm hơi ấm để ngủ. Sáng sớm hôm sau tôi thức dậy, trong lúc tìm bàn chải để đánh răng thì thấy chiếc xe tải đồ chơi mà tôi đòi hôm qua đang được đặt trong chiếc tủ ốp-phê kế bên. Tôi vội mở tủ và lấy chiếc xe ra, được cầm trên tay thứ mà mình mong muốn bấy lâu làm tôi sướng rân người mà nhảy cẫng lên tôi cầm chiếc xe và chạy ra chỗ bà ngoại đang quét sân để khoe, vừa thấy tôi chạy ra bà đã nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mết và mỉm cười như một lời chấp nhận cho tôi chiếc xe ấy.

Trong ký ước thơ bé của tôi, ngoài cái tật hay đòi hỏi khi đi chợ cùng bà ra thì còn một thứ khiến tôi nhớ mãi đến tận bây giờ đó là cái mùi của chợ. Chợ của xã tôi được chia làm hai khu khu trước và khu sau, khu trước chuyên bán những thứ như vàng bạc, trái cây, đồ ăn sáng, quần áo, đồ dùng gia đình. Khu phía sau chuyên bán cá thịt mắm muối...Mỗi lần đi chợ bà sẽ dắt tôi đi từ đằng trước ra đằng sau. Như một thói quen mỗi lần đi chợ, bà cháu tôi sẽ ghé gánh bánh canh bột sắt của bà chín Tàn để ăn sáng rồi mới tiếp tục đi ra phía sau, bánh canh của bà chín rất ngon vị thanh nhẹ, cọng bánh canh rất mềm nhưng dẻo không bị bở như những chỗ khác đó là lý do bà tôi ghé ở gánh của bà chín Tàn ăn mà không phải nơi khác. Ăn uống xong xuôi, hai bà cháu tôi xách giỏ đi ra phía sau chợ để mua cá về nấu cơm ăn, vừa đi gần hết khu trước thì một mùi hương đặc trưng xộc vào mũi tôi, nó làm tôi suýt thì ngột thở, một cái mùi mà ở khu chợ trước không bao giờ có được. Cái mùi mà tôi ngửi lúc ấy cho đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm ra được một mùi nào giống như vậy.  Cái mùi của chợ này nó đã theo tôi lớn lên qua từng qua năm tháng, từ những lúc mới về với ngoại, cho đến khi bước vào lớp một, và cuối cấp ba. Lúc nắng hay mưa thì tôi vẫn ngửi được cái mùi đặc trưng ấy của khu chợ sau. Cái mùi ấy được trộn lẫn từ mùi tanh của cá, mùi tanh của thịt, mùi của những cọng rau xanh mơn mởn, mùi thơm đặc trưng của thau mắm cá linh đang được bày biện ngay ngắn trong sạp hàng, mùi của những loại đồ rẫy, mùi của gà, của vịt, mùi của những hạt tiêu đang được bà hai Phiến vô từng bịch nhỏ năm ngàn để bán...Những thứ mùi ấy hòa quyện với nhau cho ra một mùi hương đặc trưng mà không có bất cứ nơi nào sở hữu. Ngoài mùi của những thứ ấy ra thì còn có mùi của những vũng nước lâu ngày chưa ai vệ sinh, mùi ẩm mốc của cái cống thoát nước bị nghẹt chưa ai sửa chữa, mùi của những hạt đậu được ngâm qua đêm để trút giá. Từ những thứ mùi khác nhau mà chúng có thể kết hợp lại và cho ra một thứ mùi vừa là đặc trưng vừa là ô nhiễm. Một thứ mùi chỉ cần ngửi thấy là biết được khu chợ sau đang ở gần kề, cái mùi đặc trưng ấy xuất hiện khi nào chẳng ai biết, và lúc nó mất đi cũng chẳng ai hay?. Từ lúc khu chợ sau được sửa chữa đổi mới cho đến nay thì cái mùi đặc trưng ấy cũng biến đâu mất. 

Ba năm sau khi khu chợ sau được sửa chữa thì mẹ tôi ngỏ ý với ông bà rằng xin được rước tôi lên nhà mẹ tận xứ Tây Ninh  để ở với bà ấy, ban đầu ông bà ngoại nhất quyết không cho tôi đi, nhưng sau vài ngày suy nghĩ thì ông bà cũng quyết định nuốt giọt nước vào trong mà tạm biệt tôi sau mười lăm năm nuôi tôi khôn lớn. Buổi sáng hôm tôi đi lên Tây Ninh với mẹ, bà ngoại có dẫn tôi ra chợ để mua ít đồ cho tôi lên đường. Mấy năm nay do bận việc học nên tôi không đi chợ cùng bà được, nên không biết khu chợ thay đổi ra sau, vào đến khu chợ gặp thứ gì bà cũng mua cho tôi, gặp món gì bà cũng hỏi tôi có ăn không để bà mua lên trển có cái mà ăn. Lúc nhỏ thì bà là người kêu tôi đừng đòi hỏi mua đồ linh tinh, nhưng chính lúc này bà lại là người gặp gì mua đó cho tôi. Lúc trước đi chợ với bà chỉ cần một loáng là đi hết khu chợ từ trước ra sau nhưng bây giờ sao bà đi chậm quá, chẳng còn nhanh nhẹn như lúc trước nữa, những bước chân cứ như nặng thêm sau những năm tháng nhọc nhằn nuôi tôi khôn lớn, tóc bà cũng dần bạc thêm sau những lần đi chợ về. 

Bà và tôi ra khu chợ sau để mua ít thịt về nấu bữa cơm chiều loay hoay một chốc cũng mua xong, lúc bấy giờ tôi mới ngờ ngợ nhớ ra điều gì đó "cái mùi đặc trưng ở đây đâu mất rồi ta?". Cái "mùi chợ" đặc trưng mà mấy năm trước đi chợ với bà tôi vẫn hay ngửi được bây giờ lại biến mất một cách lạ thường. Tối hôm ấy tôi xách ba lô cùng mẹ ra đường lớn để đón xe lên Tây Ninh, ông bà ngoại và dì 3 tôi nắm tay căn dặn tôi đủ thứ, nào là xứ lạ cẩn thận đường xá, nào là phải biết đối nhân xử thế, mỗi năm nhớ về thăm ông bà tôi chỉ gật đầu mà không đáp lại, vì tôi biết nếu đáp lại thì tôi sẽ không kìm lòng được mà bật khóc như một đứa trẻ đòi quà giữa chợ. 

Xe đã tới, tôi và mẹ xách chiếc ba lô tổ tướng lên xe. Ông bà ngoại nhìn chúng tôi với đôi mắt ngấn lệ, tôi cố tình lờ đi không nhìn ông bà vì sợ tôi sẽ khóc. Xe bắt đầu lăn bánh, ông bà vẫn cứ dõi theo tôi từng chút một, lúc này tôi mới có can đảm để nhìn ông bà, ông bà vẫn cứ đứng đó nhìn theo chiếc xe đang cứ xa dần xa dần rồi mất hút.

Vì không sắp xếp được thời gian nên gần 10 năm sau tôi mới có dịp để trở về quê hương nơi tôi đã từng lớn lên nơi mà tôi đã trải qua biết bao kỉ niệm vui buồn những cảm xúc ấy, những kỉ niệm ấy cứ như thước phim chạy mãi trong đầu tôi. Sáng hôm ấy tôi chở bà ngoại ra ngôi chợ năm nào để sắm đồ mới cho bà và ông thì mới biết khu chợ đã được nhà nước sửa sang khang trang hơn lúc trước. Lúc nhỏ bà là người chở tôi đi chợ bây giờ tôi là người chở bà, lúc nhỏ bà là người dẫn tôi đi chợ thì bây giờ tôi là người dẫn bà đi chợ. Vẫn như năm nào, tôi và và vẫn ghé gánh bánh canh của bà chín Tàn ăn, bà chín bây giờ không còn sức để bán nữa mà truyền nghề lại cho con gái của bà là cô hai Sính mặc dù không phải chính tay bà chín nấu nhưng hương vị xưa vẫn không lẫn đi đâu được. Sắm sửa áo mới cho bà và ông xong, tôi có ra khu chợ sao để mua ít thịt gà về nấu cháo ăn, tôi hào hứng vì sắp được ngửi cái mùi chợ thân quen ấy thì bỗng chợt nhớ ra cái mùi ấy đã mất đi cách đây lâu rồi. Đến giờ tôi mới nhận ra, cái mùi hương ấy thực chất còn đến từ những số phận cơ cực đang bươn chải từng ngày để tạo ra cái ăn cái mặc cho gia đình, khi cái mùi chợ ấy mất đi thì cũng đồng nghĩa với việc những số phận ấy đã có cuộc sống mới tốt hơn.

17/03/2024

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top