Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

LỜI THÚ TỘI

DIE LETZE ZUGUBEN

*Disclaimer: Nhân vật trong truyện không thuộc về tôi nhưng truyện này thì có đấy

*Summary: Lá thư tự thú của một người lính Đức với người anh em Do Thái của anh ta trước D-day. Anh ta thừa nhận mọi lỗi lầm trong quá khứ, nhưng nguồn gốc của nó thì không.

*Warning: vì là một centric nên fic có thể phiến diện. Những cái nhìn của nhân vật trong fic có thể gây khó chịu. Fic có chứa khá nhiều sự kiện lịch sử vào thời Thế chiến thứ Hai nên tác giả khuyên những bạn đọc lười xem chú thích không nên đọc fic này.

*Genre: Namjoon centric

*Characters: Kim Namjoon, Jin / BTS

*Note: Nhân vật Kim Namjoon trong fic là người Đức, còn Jin là người Do Thái

*Writer: Jessinie

*Chú thích: vui lòng xem qua chú thích trước khi đọc fic

1. Swastika: biểu tượng đặc trưng của chủ nghĩa Phát Xít. Vốn là hình chữ Vạn trong đạo Phật nhưng Hitler đã đánh cắp nó rồi làm của riêng ông. Swastika gắn với vô vàn kí ức tồi tệ của người lính mang huy hiệu này trong suốt Thế chiến.

2. Kristallnacht: Kristallnacht (tiếng Việt: "Đêm thủy tinh") hay Reichskristallnacht [ˌʁaɪçs.kʁɪsˈtalnaχt], còn được đề cập đến với tên gọi Đêm thủy tinh vỡ, Reichspogromnacht [ˌʁaɪçs.poˈɡʁoːmnaχt] hay đơn giản là Pogromnacht (Đêm bạo động), và Novemberpogrome (Bạo động tháng 11) là một chống lại người Do Thái trên toàn và diễn ra vào ngày 9 và 10 tháng 11 năm 1938 do lực lượng (SA) và thường dân Đức tiến hành. Giới chức trách Đức không can dự mà đứng bên ngoài quan sát vụ việc. Tên gọi Kristallnacht (Đêm thủy tinh, hay Đêm pha lê) có nguồn gốc từ những mảnh thủy tinh vỡ nằm rải rác trên đường phố sau khi cửa kính của các cửa hàng, tòa nhà, và giáo đường của người Do Thái bị đập phá.

3. S.S Saint Louis: St. Louis là một tàu biển của Đức. Năm 1939, cô khởi hành một chuyến đi, trong đó đội trưởng của cô, Gustav Schröder, đã cố gắng tìm nhà cho hơn 900 người tị nạn Do Thái từ Đức. Chiếc thuyền này đã bị từ chối ở đa số các nước nó hướng tới gồm Canada, Cuba, Mỹ, v.v Một số ít nước chấp nhận nhập cư người Do Thái bao gồm Anh.

4. Joseph Goebbels: Paul Joseph Goebbels là một chính trị gia người Đức giữ chức Bộ trưởng Bộ Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã từ 1933 đến 1945. Ông là người đã làm nên những bộ phim và poster về tư tưởng Chống Do Thái cho nước Đức thời Thế Chiến II.

5. Mein Kampf: Mein Kampf là tựa đề tiếng Đức của quyển sách do Adolf Hitler làm tác giả bắt đầu từ năm 1924, trình bày tư tưởng và cương lĩnh của ông về Đế chế Đức một khi ông ta lên nắm quyền> Trong sách trình bày tư tưởng Phát Xít và Chống Do Thái một cách quyết liệt của ông

6. Nazi: Đức Quốc Xã, còn gọi là Đệ Tam Đế chế hay Đế chế Thứ ba, là nước Đức trong thời kỳ 1933-1945 đặt dưới một chế độ độc tài chịu sự kiểm soát của Adolf Hitler và Đảng Quốc xã.

7. Heil Hitler: Kiểu chào Quốc xã hay kiểu chào Hitler là một động tác được sử dụng như một lời chào tại Đức Quốc xã. Cách làm là đưa cánh tay phải cùng bàn tay duỗi thẳng hơi chếch lên phía trước.

8. Fuhrer: Führer là danh từ tiếng Đức nghĩa là "lãnh đạo" hay "hướng dẫn". Với tư cách là một vị trí chính trị, danh hiệu này chủ yếu nhằm nói đến nhà độc tài phát xít, Adolf Hitler, người duy nhất giữ vị trí Führer.

9. Ngôi sao của David: Ngôi sao David, trong tiếng Do Thái được gọi là Tấm khiên David được công nhận rộng rãi là biểu tượng cho nhân dạng Do Thái và Do Thái giáo. Nó có dạng ngôi sao sáu cạnh do hai tam giác đều hợp nên.

10. Trại tập trung: nơi lính Đức bắt nhốt tất cả người Do Thái còn sót lại trên đất Đức để bắt bọn họ làm những công việc dơ bẩn rồi triệt tiêu bọn họ. Thời đương Thế chiến, ngoài những người lính tham gia vào cuộc chiến, rất ít người dân Đức biết về cuộc sống tàn khốc của người Do Thái ở trại vì Nazi đã lấp liếm nó.

*Nguồn của chú thích đa số được lấy từ Wikipedia nhưng không phải là nguyên bản.


THÚ TỘI

Ngày 5 tháng 6 năm 1944,

Jin.

Kể từ lần cuối những dòng chữ em viết thực sự được xem qua và nghiền ngẫm bởi anh, bàn tay khẳng khiu nắn nót từng nét thanh đậm của em đã tanh hôi mùi máu từ những trận chinh chiến với quân thù; em cũng chẳng còn đơn thuần chỉ là Kim Namjoon, đâu đó trong em chẳng còn công nhận đứa con trai duy nhất của gia đình cư trú tại số 33 đường Himmel, cũng chính là kẻ đang thu lu một góc bên ánh lửa trại để viết lá thư mà người nhận chẳng còn nữa này. Chiến tranh mài giũa một cậu nhóc người Đức ngây thơ trở thành một người đàn ông dũng cảm nơi chiến trường và bản lĩnh ở thương trường, nhưng nó cũng vô tình giết chết sự trong sạch của con người này và lấy đi vô số thứ mà anh ta luôn cố giữ lấy, một trong số đó chính là tình người.

Mỗi sáng thức dậy, em đều chăm chỉ bước đến cái hồ gần chỗ tiểu đội cắm trại để cẩn thận soi bóng của bản thân ngả nghiêng trên mặt nước. Chẳng phải em kiêu kì về nhan sắc hay chăm lo vẻ bề ngoài để mai này cua được một cô ả nóng bỏng nào đó, em chỉ muốn nhìn gương mặt của bản thân để soi xem tấm lòng dội sóng có phản ánh điều gì lên khuôn mặt gốc Đức này hay không.

Đặc điểm của cuộc sống chính là sự bất định, vận mệnh của em có thể thay đổi trong chốc lát. Em có thể đang từ một người đang hít thở phập phồng trở thành một cái xác khô héo sau khi ăn một nhát đạn từ những tay súng bí mật của quân Liên Xô, nhưng em cũng có thể từ một trưởng tiểu đội trở thành một tổng chỉ huy nếu như em may mắn mang về thành tích xuất sắc nào đó. Thực chất việc em soi mặt mỗi ngày chẳng hề liên quan tới sự bất định của cuộc đời hay bất cứ triết lí nào. Em chỉ đang sợ sự thay đổi của bản thân, vì em có thể cảm nhận nó đang diễn ra một cách chóng mặt nhưng lại chẳng rõ là khác đi ở chỗ nào.

Gương mặt hằng ngày của em vẫn thế, lâu lâu sẽ có vài vết xước nhưng cơ bản em vẫn trông như thế, vẫn là chàng trai người Đức với đôi mắt xanh rờn cùng làn da trắng trẻo. Sự thay đổi cuồn cuộn trong người em lại chẳng khiến cho khuôn mặt em hay hình thể của em đổi khác. Mỗi lần trở về từ chiến trận và đắng cay làm kẻ may mắn sống sót, em luôn vội vàng đi tới mặt hồ để soi lại bản thân và ước rằng mặt hồ có thể đem nội tâm rối mù của em in đậm lên mặt nước và soi chiếu tâm can của em như cách nó làm với khuôn mặt lấm lem của em. Nhưng không, mặt hồ chỉ có thể làm gương phẳng phản chiếu vật, nên thứ em thấy chỉ có thể chính là em, nhưng em lại cảm thấy bóng hình kia chẳng phải là em. Kim Namjoon chẳng bao giờ lại có đôi mắt nhuốm máu như thế.

Kim Namjoon của mười năm về trước chưa bao giờ nghĩ rằng bản thân sẽ có ngày cầm dao rạch hẳn một đường ngọt lịm ở cổ người khác mà không thấy ghê tay, hay bản thân sẽ có lúc vì chút danh vọng hào nhoáng mà bán đứng chính người mà anh ta yêu thương. Cuộc sống bất định, nhưng chuyện em thay đổi lại được định sẵn và quyết định bởi chính lý trí của em. Khi em đã hưởng được chút vinh danh từ việc làm tiểu đội trưởng và đeo nhiều huy chương hơn những đồng chí khác, việc em nghĩ tới đầu tiên chính là cái giá mà bản thân phải trả cho những thành quả đạt được ngày hôm nay. Swastika* trên ngực em như một con dao mòn, nó không đủ sắc để giết em bằng một nhát đâm nhưng cũng đủ nhọn để khiến em cảm thấy ngực trái đau đớn quằn quại bằng những kí ức của em về nó. Vì swastika với em như một con dao, nên nó là vũ khí của em nhưng cũng có thể là vật gây thương tổn cho chính em. Anh ơi, swastika bây giờ luôn hiện hữu ở bên cánh tay trái của từng người dân Đức như một niềm tự tôn dân tộc, vậy phải chăng họ đang đề cao cái thứ mà có thể lấy mạng người khác và chính bọn họ một cách chầm chậm mà đớn đau khôn nguôi?

Chiến tranh vốn dĩ là sân chơi của Thần Chết nhưng lại được gắn lên cái mác "cuộc chiến vì lòng ái quốc". Đã có rất nhiều người vô tội phải thiệt mạng chỉ vì vài trăm héc ta đất. Có rất nhiều tiền của phải đổ sông đổ biển chỉ để các trường phái chính trị xưng danh nơi mặt trận. Cái giá phải bỏ ra cho cái nhãn "cường quốc" quá đắt, đắt ở cả quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Em luôn nghĩ rằng dòng chảy của thời gian chính là thứ cứu vớt tình hình chính trị lúc bấy giờ, bởi chỉ có kim đồng hồ luôn hướng về tương lai mới có thể bỏ lại những trận chiến ác liệt mà mang đến một ngày mai tươi sáng hơn. Em luôn trông mong về một tương lai tươi đẹp, một ngày kia đầy hứa hẹn và một cuộc sống viên mãn, nhưng anh ơi, chính em đã tự tay giết đi những gì em khát khao mà.

Rằng em đã bán đứng anh nơi mặt đường Olching vì một huân chương. Rằng em đã trông thấy cảnh viên đạn ấy xuyên qua lồng ngực gầy còm và lấy đi mạng sống đã sớm hấp hối của anh.

Rằng em đã nghe thấy bọn họ hô hào "Lũ Do Thái đáng chết! Chúng mày chỉ đáng bị đày đoạ dưới Địa Ngục. Người Đức muôn năm! Đức Quốc muôn năm!" trong lúc huân chương đỏ màu máu được gắn lên trên ngực của em để ghi nhận em đã có thêm một thành tích mới.

Tương lai tươi đẹp nào đó hay một mảnh hồn trong sạch nào đó, mãi chỉ là lời nói dối trong em.

Có lẽ chiến tranh cào xé quá khứ, hiện tại và cả tương lai của một người thật, vì giờ đây em chẳng dám nghĩ về những ngày đã qua mà chỉ chăm chăm vào thực tại. Thậm chí những ngày sắp tới cũng bị em gạt đi bởi em sợ những thứ mang tên "hệ quả" và "quả báo". Em bỏ quên những tháng ngày ở bên anh và được anh che chở ở ngôi nhà số 33 đường Himmel năm ấy, bỏ luôn cả những kí ức đẹp cùng với anh ở bãi cỏ sau nhà - thứ đã hun đúc tinh thần của em ở những trận chiến đầu. Em quên đi một phần công lao của anh ở hiện tại của em, quên luôn cả tình anh em sâu đậm giữa hai người. Em bỏ lại tất cả, bỏ lại cảm xúc nhức nhối nơi lồng ngực khi thấy anh bị xử tử ngay trên con đường mà anh từng dắt em đi tới trường, bỏ lại trái tim thổn thức mỗi đêm vì đau đớn và nhớ nhung anh. Em cố gắng vứt đi những nỗi đau ở quá khứ để sống ở hiện tại một cách trọn vẹn nhất, nhưng em quên rằng quá khứ chính là một phần của em và nó chính là nền tảng cho thực tại của em.

Em vứt bỏ quá khứ thì chẳng khác gì xẻ đi phần xấu xí của cơ thể để làm đẹp bản thân mà không nhận ra rằng sau đó chính em sẽ trở nên què quặt và khuyết tật khi bộ phận đó bị cắt bỏ vậy. 

Nhưng em đã làm như thế. Khi chỉ chú tâm vào thực tại là những cây súng AK trầy xước, những quả lựu đạn cỡ nhỏ và những cái xác vật vữa của quân Đồng Minh ở phía Bắc Normandy, em cảm thấy tịnh tâm. Chẳng ai cảm thấy tâm thanh tịnh khi phải chứng kiến cảnh máu thịt tràn lan ở bờ biển xanh biếc cả, em cũng thế. Chỉ là em thấy rằng việc bản thân đang làm là một phần tất yếu của chiến tranh, rằng em phải giết quân địch để bảo vệ lấy mảnh đất đã nhuốm máu của những người anh em khác, rằng những kẻ giết người như em sẽ được tung hô như những chiến sĩ cứu nước ở lịch sử vẻ vang của dân tộc. Và rồi tâm em tịnh không gợn sóng bởi tội đồ của bản thân sẽ được ví von như chiến công lớn nhất của đời em.

Anh biết không, cái chết của anh là do em nhưng lại không phải từ em. Sẽ chẳng có vụ thảm sát người Do Thái nào trên đất Đức này nếu Hitler không trở thành vị quốc trưởng vĩ đại trong mắt của tầng lớp nông dân để truyền bá thành công tư tưởng Triệt Do Thái. Kristallnacht* hay chiếc thuyền S.S Saint Louis* bị xua đuổi cũng là thành quả của một hệ thống tuyên truyền của Joseph Goebbels*. Tay em đúng là nhuốm máu của hàng loạt con người Do Thái, nhưng động cơ của em thực chất cũng chỉ là nạn nhân của tư tưởng Chống Do Thái từ Mein Kampf*. Vậy điều đó có nghĩa em là người trực tiếp phạm tội, nhưng nếu nhìn xa hơn, em chỉ là con rối của một màn tàn sát con người lớn hơn từ tư tưởng Phát Xít? Những nhát đạn nổ ra để kết liễu những người Do Thái không chỉ do tay bắn tỉa bóp cò mà còn là từ những phát lệnh mị dân của những tay trên trong Đức Quốc Xã?

Vậy cho tới cùng, chúng ta đều là những nạn nhân từ cuộc chiến tranh chính trị này mà, anh nhỉ? Con thuyền S.S Saint Louis đã không thể mang anh tới Anh quốc để trú ngụ, tầng hầm nơi căn nhà xập xệ của em cũng chẳng thể chứa nổi một linh hồn Do Thái cao quý như anh bởi vì việc thuộc Đảng Nazi* đã không cho phép em làm như thế. Em đã không có đủ can đảm để đeo lên lớp vỏ yêu nước bên ngoài nhưng lại nuôi kẻ mang Ngôi Sao David* trong nhà. Anh cũng không thể cứ lăn lộn mãi ở nơi tăm tối ấy để giấu mình. Nếu không bị thủ tiêu bởi những tên lính Phát Xít kia, sớm muộn gì anh cũng sẽ chết vì đói và bệnh tật. Lần tố cáo đó em đã mang anh ra Olching, cốt cũng là để ánh nắng dịu dàng của thủ đô phủ lên làn da tím tái của anh và để anh một lần được công minh đứng ở trên đất Berlin này - nơi anh đã sinh ra, cho dù đó cũng chính là lần cuối.

Jin à, anh biết đấy, em rất thương anh mà. Vì thương anh em mới để cho cuộc đời bần túng của anh được kết thúc trước khi anh bị đẩy vào những sự kiện tàn sát được diễn ra trong trại tập trung* ở Dachau. Anh biết mà, cuối cùng thì chúng ta đều phải chết. Thà rằng nhát đạn kia cướp lấy mạng sống của anh còn hơn là dịch hạch, đói khát cùng thuốc chuột trong trại hành hạ anh tới chết. Sự sống có gì quý giá đâu anh khi chúng ta thà chết còn hơn sống, anh nhỉ? Cuộc đời của em chỉ cần bước sang một ngày mới là bàn tay em lại nhuốm máu của vô vàn người khác, họng súng lại nóng ran bởi nhát đạn nhắm về phía quân địch và tội đồ của em càng chất chồng.

Vậy cố gắng níu kéo sự sống của bản thân làm gì khi những ngày sau đó chỉ là sự tích tụ của tội lỗi và nghiệp chướng, anh ơi?

Em viết bức thư này chẳng là để khóc than cho những hối hận muộn màng của bản thân hay tỏ vẻ sợ hãi trước những hậu quả hậu chiến tranh. Em chỉ muốn kể lại lòng mình trước khi ngã xuống ở bờ biển tươi xanh Omaha nơi phía bắc của Normandy. Quân Đức đang yếu thế, xương cốt của các đồng chí trải khắp mọi miền Châu Âu. Hitler cùng Đảng Nazi của ông ta đang ở trong cái bẫy lớn nhất của quân Đồng Minh. Ngay cả lúc này đây, khi em đang ngồi viết lá thư cuối cùng ở quân trại hoang tàn gần biển này, em biết rằng em sẽ phải hi sinh và cường quốc Đức cùng chủ nghĩa Phát Xít sẽ sớm lụi tàn.

Lắm lúc em nghĩ rằng đáng ra em nên chết cùng anh ở căn nhà ấy, bởi càng sống lâu hơn, em càng chỉ muốn tự vẫn, vì em không cho phép bản thân được tồn tại sau những tội lỗi em gây ra trong Thế chiến này. Cái đích cuối cùng của sự sống còn của em chính là mồ chôn ở nghĩa địa nên anh ơi, em xứng đáng với một cái chết càng sớm càng tốt. Nếu người Do Thái trong mắt người Đức xứng đáng phải chết vì là kẻ đã mang nước Đức vào vũng lầy ô nhục hậu Thế chiến thứ Nhất, thế thì em cũng nên nhận lấy một viên đạn ở bên ngực trái để trả giá cho tất cả những lỗi lầm em gây ra. Dẫu biết rằng chiến tranh thì chẳng thể nào giữ mình trong sạch, em vẫn muốn chuộc lấy những tội đồ của bản thân để khi em hoà mình vào với cát bụi, em sẽ hoàn toàn được yên nghỉ dưới lòng Berlin. Em chẳng thể nào tiếp tục cuộc sống đầy đủ ấm no khi biết rằng cái giá của nó chính là mạng sống và máu của hàng trăm con người mà trong đó có cả anh.

Cho đến ngày hôm nay, trước khi em chuẩn bị bỏ mạng ở trận chiến cuối cùng của Thế chiến này, em mới tự hỏi về lẽ sống của bản thân. Rằng suốt hai mươi bảy năm qua, em tồn tại vì điều gì. Trước giờ em luôn nghĩ sống tốt chính là cái đích đến thực tế và dễ với đến nhất trong tất cả các lẽ sống chất chồng trong triết học, nhưng bàn tay nhuốm máu và swastika thêu đậm bên ngực trái của em đã khiến em hiểu rằng hoá ra sống tốt lại khó tới như vậy. Cho dù ba mẹ em luôn gọi em là niềm tự hào của gia đình, em lại chưa bao giờ cảm thấy mình đủ xứng đáng để được tự hào về bản thân. Có thể trong mắt những con dân Đức, em chính là mẫu hình lý tưởng và đáng ngưỡng mộ khi đã có tận năm huy chương bên ngực áo phải và quân hàm cấp cao, nhưng về phía của những con người Do Thái đã, đang và sẽ bị em truy sát, em là gì? Cho đến cùng, em có thực sự hướng về chân thiện mỹ như em đã từng hứa với anh hay không?

Giờ đây em nhận ra em chính là kẻ phản bội tồi tệ nhất. Em đã vì lòng tự trọng của gia đình mà mang anh ra bán đứng, và giờ em nhận ra người lính Đức mang tên Kim Namjoon chưa từng muốn theo đuổi thứ mà anh ta luôn đeo bên ngực áo trái - Swastika. Anh ấy thề với Chúa rằng anh ấy sẽ trung thành với Nazi dưới sự chứng kiến của ngài Joseph Goebbels, anh ấy tự hào hô lên "Heil Hitler!"* mỗi khi vị quốc trưởng vĩ đại đi qua. Dẫu rằng Kim Namjoon thực sự là một phần của Nazi, linh hồn vất vưởng trong cái xác của anh ta chưa bao giờ muốn hoà vào dòng người vây kín hai bên đường để chào đón Fuhrer*. Chưa từng. Hoá ra Kim Namjoon giết quân Đồng Minh chẳng vì anh ta nguyện trung thành với Đức Quốc Xã. Anh ấy chỉ giết bọn họ vì sự tự tôn và lòng sĩ diện cao hơn bất cứ thứ gì trong anh mà thôi. Cứ như vậy, Kim Namjoon đã trở thành kẻ phản quốc trong tư tưởng của anh ta.










Jin.

Em chẳng ngờ rằng em lại dồn hết nỗi lòng của bản thân vào những trang giấy khi thời gian trước khi ra trận chỉ còn được tính bằng phút. Em đã nghĩ rằng những nỗi đau của em chỉ có thể cùng em xuống mồ chôn chứ chẳng bao giờ được lắng nghe bởi người khác. Em đã cho rằng em sẽ ôm đồm hết quá khứ của bản thân để cùng hài cốt hoà vào cát bụi. Có lẽ món quà quý giá nhất em dành cho bản thân (và được nhận từ anh) chính là cảm giác nhẹ nhõm sau khi nói ra hết những thứ mà em luôn muốn che giấu, cho dù người nghe đã chẳng còn tồn tại trên cõi đời này nữa rồi.

Nhưng chẳng sao đâu anh ơi. Em sẽ sớm được gặp lại anh thôi. Ngày mai chính là lúc em chẳng còn phải nghĩ về quá khứ, hiện tại hay tương lai nữa rồi. Thần Chết sẽ đến với em giữa bờ biển Omaha hoang tàn, mang linh hồn túng quẫn trong cái xác người lính Đức này đi cùng ngài về chốn Bình An. Dù em đã đến nơi đó khá trễ, nhưng anh ơi, em mong rằng anh vẫn sẽ đợi em ở khoảng không nào đó từ phía bên kia, chờ em về bên anh. Em không dám mong rằng anh sẽ tha thứ cho em cho dù anh đã từng rất rộng lượng bỏ qua khi món đồ chơi anh thích nhất bị em phá hỏng. Em càng không dám mong về việc Thượng Đế sẽ trao cho em một kiếp nào khác nữa.

Điều em khao khát nhất bây giờ chính là được gột rửa tội lỗi để trở thành một linh hồn trong sạch bên anh, bởi anh của em thanh cao lắm.

Nhưng biết đâu được, cũng như lời hứa về một tương lai tốt đẹp, em lại hèn nhát trở thành kẻ sống sót duy nhất trong trận chiến và gánh vác thêm vô số vết nhơ cùng tội lỗi khác.

Cuộc sống vốn là bất định mà, anh nhỉ?

Kim Namjoon.







------------------------

Acknowledgement: Thank you @toujoursbelle_s and Heiz for assisting me in finishing up this centric. My gratitude is for you two.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top